Hôm nay,  

Khung Cửa Hẹp Của Ông Bush

04/03/200600:00:00(Xem: 5746)
- Sau khung cửa hẹp vào Ấn để đạt thỏa ước hạch tâm, ông Bush còn gặp trở ngại tại Pakistan. Và tại Quốc hội Hoa Kỳ.

Sau Chiến tranh lạnh, người đầu tiên mơ ước một thế liên minh giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ là Tổng thống Bill Clinton. Trước chuyến Ấn du của ông Bush, ông Clinton từng qua Ấn thuyết phục chính quyền nhượng bộ một số điều để đạt thỏa thuận về võ khí hạch tâm, một đề tài lớn khi Thủ tướng Ấn gặp Tổng thống Bush vào tháng Bảy năm ngoái tại Hoa Kỳ.

Trong ba ngày ông Bush thăm viếng Ấn Độ, ban tham mưu hai bên ráo riết thương thảo cho đến giờ chót, để cuối cùng hai bên đã đạt thỏa ước, được coi là lịch sử.

Ấn Độ là quốc gia có kỹ thuật nguyên tử từ năm 1974 và thử nghiệm bom hạt nhân (hay hạch tâm) vào năm 1998 mà không ký kết Thỏa ước Hạn chế Phổ biến Võ khí Hạch tâm (Nuclear Non-Proliferation Treaty - NPT). Quốc gia láng giềng và cừu thù là Pakistan cũng lập tức mở cuộc thử nghiệm. Ngoài năm quốc gia đầu tiên có loại võ khí này ("Câu lạc bộ Hạch tâm") là Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc, thế giới có thêm Ấn Độ, Pakistan và Israel là những nước có võ khí hạch tâm - dù Israel không công nhận mà cũng lập lờ chẳng phủ nhận. Cả ba nước sau cùng này đều không ký thỏa ước NPT để khỏi bị ràng buộc.

Ấn Độ cần năng lượng cho nền kinh tế có một tỷ dân (và sẽ vượt dân số Trung Quốc vài chục năm tới) và cần Hoa Kỳ viện trợ kỹ thuật hạch tâm sử dụng cho nhu cầu dân sự, nhưng cũng muốn bảo vệ khả năng chế tạo võ khí hạch tâm cho nhu cầu quốc phòng. Hoa Kỳ muốn kiểm soát việc phổ biến loại võ khí tàn sát này để ngừa các quốc gia hung đồ hay quân khủng bố khỏi sử dụng uy hiếp thế giới và trước mắt đang có hai hồ sơ nóng là Bắc Hàn và Iran.

Nhưng Hoa Kỳ cũng cần Ấn Độ - một nước dân chủ đông dân nhất thế giới - để ổn định tiểu lục địa Nam-Á và làm lực đối trọng khiến Trung Quốc phải hành xử một cách có trách nhiệm, ôn hòa và khả tín, trên diễn đàn quốc tế. Việc liên kết với Ấn Độ là điều ai cũng có thể nghĩ ra sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và liên minh truyền thống giữa Ấn Độ và Liên Xô thành lỗi thời. Nghĩ ra mà chẳng ai tiến hành cho đến năm 2000. Ngược lại, liên minh truyền thống giữa Hoa Kỳ và Pakistan, một lực đối trọng với Ấn Độ và bảo vệ Nam Á cũng kết thúc sau Chiến tranh lạnh. Trong 10 năm trời, từ 1991 đến vụ khủng bố 9-11 năm 2001, Pakistan hết là đồng minh của Hoa Kỳ.

Vụ khủng bố đảo lộn cục diện.

Pakistan trở thành một tuyến đầu của Hoa Kỳ để chống khủng bố tại Afghanistan và Trung Á, một tuyến đầu đầy bất trắc mà cần thiết. Hoa Kỳ cũng cần tăng cường quan hệ với cả Ấn Độ lẫn Pakistan, hai nước cùng bị khủng bố đe dọa. Mà giải quyết xong nạn khủng bố, cả chục năm tới, Hoa Kỳ sẽ phải đối phó với Trung Quốc, nếu đại cường này không chuyển hóa ôn hòa qua chế độ dân chủ. Quan hệ tay ba, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Pakistan trở thành một bài toán và Hoa Kỳ có gắng dàn xếp mâu thuẫn giữa hai nước. Nhưng hồ sơ hạch tâm vẫn còn đấy.

Ấn Độ không chỉ có một nhu cầu sinh tử là năng lượng và giải pháp "sạch" là năng lượng hạch tâm.

Người Mỹ bình thường đã quên hoặc chưa học địa dư chính trị nên không hiểu hết mối lo của Ấn. Người Việt có thể khá hơn một chút - vì đã từng là nạn nhân. Ấn Độ phải ghim nửa triệu quân bảo vệ an ninh tại Kashmir, nơi lẩn trốn của nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan và muốn Pakistan ngưng khai thác vết ung thư ấy. Ấn Độ càng khó yên tâm khi nhìn lên Tây Tạng, vùng chiếm đóng của Trung Quốc từ trên núi nhòm xuống. Bên cạnh là Nepal sẽ loạn to vì sự khuấy động của Bắc Kinh. Ngoài Kashmir, Pakistan, Tây Tạng và Nepal, Ấn cũng không yên tâm với Bangladesh, một nước thân chủ của Bắc Kinh, và Miến Điện, một nước độc tài được Bắc Kinh kín đáo bênh vực. Suốt dọc biên giới Ấn-Hoa hiểm trở và xa lạ với dư luận Mỹ là các khóm du kích Maoist và những lực lượng võ trang đòi tự trị…

Vì vậy, ngoài năng lượng để nuôi dân, mối lo của Ấn Độ còn là khả năng gián chỉ Pakistan cùng Trung Quốc, cả hai đều có võ khí hạch tâm!

Trong hoàn cảnh ấy, ta có thể hiểu vì sao chính quyền New Dehli, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Manmohan Singh, tìm mọi cách thỏa mãn đòi hỏi của chính quyền Bush về hạch tâm, miễn là vẫn có một khu vực quân sự nằm ngoài tầm kiểm soát của Nguyên tử lực cuộc IAEA.

Thỏa thuận Mỹ-Ấn ngày mùng hai tháng Ba tất nhiên chưa được công khai hóa toàn bộ, nhưng bao gồm một số điều đã bị tiết lộ là 1) Ấn sẽ đưa 14 trong 22 lò hạch tâm vào mục tiêu dân sự; 2) mời IAEA định kỳ giám sát các nơi ấy; 3) tám lò còn lại vẫn được dùng cho mục tiêu quốc phòng và không cho người ngoài vào thanh tra; 4) Ấn sẽ ngưng thử nghiệm võ khí hạch tâm; 5) và được Hoa Kỳ yểm trợ về kỹ thuật hạch tâm dân sự. Ngoài thỏa ước hạch tâm, Hoa Kỳ còn đồng ý sẽ bán các chiến đấu cơ loại cao cấp như F-16 và F-18 cho New Dehli, loại chiến đấu cơ đã từng bán cho Pakistan.

Phía Ấn Độ, đảng Cộng sản trong liên minh cầm quyền (đảng Quốc đại của bà Sonya Gandhi và ông Singh không đủ đa số) và các xu hướng Hồi giáo tất nhiên là chống vì truyền thống chống Mỹ. Phía Hoa Kỳ, nhiều người cũng sẽ chống, từ cánh tả đảng Dân chủ tới cánh hữu đảng Cộng hòa, vì ông Bush mặc nhiên vi phạm chủ trương Hoa Kỳ đề cao từ gần 40 năm nay là hạn chế phổ biến võ khí nguyên tử và hạch tâm. Trong khi đang ép Bắc Hàn và Iran, ông Bush lại mở cửa cho Ấn thì liệu hai xứ kia nghĩ sao" Đã vậy, Ấn cũng chẳng mặn gì với việc chặn đứng kế hoạch nguyên tử của Iran - một xứ tiếp giáp với Pakistan!

Vả lại, nếu đồng ý với Ấn thì sẽ phải đồng ý với Pakistan: Pakistan chưa dân chủ, từng phổ biến kỹ thuật hạch tâm cho Bắc Hàn và Iran, và Tổng thống Pervez Musharraf chưa chắc đã tồn tại… Nếu cứ theo thỏa ước này thì Ấn sẽ giữ nguyên một số lò phản ứng nhanh (fast breeder reactors FBRs) cho mục tiêu sản xuất nguyên liệu chế tạo bom hạch tâm và sẽ còn lập thêm lò mới mà khỏi cần thông báo mục tiêu là dân sự hay quân sự, nhưng vẫn được Mỹ viện trợ kỹ thuật và cả lò phản ứng để sản xuất năng lương dân sự. Quá nhiều bất trắc!

Trên chính trường Hoa Kỳ, ủng hộ thỏa ước này là lực lượng vận động của Ấn, trong đó có cả Bill Clinton - với sự yểm trợ của Do Thái. Và lập luận của chính quyền Bush cũng có sự hợp lý: Ấn là một nước dân chủ có trách nhiệm, không hề phổ biến võ khí hạch tâm và còn là một thế lực đối trọng với Trung Quốc, liên minh với Ấn là một quyết định chiến lược vì quyền lợi của Mỹ.

Thói thường, mọi thỏa thuận đều là bất toàn vì kết quả thấp hơn mục tiêu tối đa đề ra, mà vẫn thành thỏa ước vì còn hơn những bất lợi nếu không có. Nhưng, mọi thỏa ước đều có thể bị đả kích trên cơ sở của những mục tiêu tối đa, vốn là điều bất khả. Vì vậy, lãnh đạo là phải cân nhắc và chọn lựa giải pháp tối hảo trong ngần ấy giải pháp bất toàn.

Ông Bush đã chọn và trở về sẽ phải giải thích những cân nhắc lợi hại của mình.

Sau khi tỷ lệ ủng hộ sa sút nặng nề vì hồ sơ Dubai, ông Bush lỳ lợm mở ra một hồ sơ cũng gai góc là hạch tâm Ấn Độ. Ông khó tìm ra hậu thuẫn bền bỉ của đảng Cộng hòa với hồ sơ này vì nhiều chính khách Cộng hòa không muốn bị lôi vào một cuộc tranh luận phụ trội trong mùa tranh cử. Tìm mọi cách đạt thỏa thuận với New Dehli xong - một con đường gian nan chật hẹp - nay ông phải đạt thỏa thuận với Quốc hội và trước tiên với chính đảng Cộng hòa.

George W. Bush không phải là người thích hưởng nhàn!

Thử xem lần này, hai ông bà Clinton sẽ nói sao, liệu có đặt bạc trên cả hai cửa như trong hồ sơ Dubai hay không"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.