Hôm nay,  

Hồn Thiêng Sông Núi Đòi Hành Động

26/01/200500:00:00(Xem: 5010)
Sau chấn động sóng thần trong dịp Lễ Giáng Sinh vừa qua, gây thiệt hại khoảng trên 200,000 nhân mạng ở Đông Nam Á làm xôn xao dư luận thế giới, thì ngày 8-1-2005, một biến cố xảy ra trên Vịnh Bắc Việt đã xoáy sâu và làm nhức nhối tâm can người Việt khắp thế giới. Người Việt chẳng những xúc động mà còn cảm thấy bị xúc phạm. Ngoài ra, có vấn đề đáng suy nghĩ là chuyện gì sẽ tiếp diễn sau biến cố ngày 8-01-2005"
1.- DIỄN TIẾN BIẾN CỐ NGÀY 8-1-2005
Có lẽ ai cũng đã biết về biến cố trên Vịnh Bắc Việt, nên ở đây chỉ xin nhắc sơ lại diễn tiến tình hình nhìn từ nhiều phía.
Tường thuật của báo chí trong nước: Theo báo Thanhnien Online ngày 11, ngày 12, và ngày 14-1-2005, thì sáng ngày 8-1-2005, các ngư dân thuộc Hợp tác xã Đánh cá Hùng Cương, ở xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, trong khi đánh cá hợp pháp ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, đã bị tàu Trung Quốc nổ súng tấn công trong hai vụ khác nhau:
Vụ thứ nhất là vụ tàu đánh cá do ông Nguyễn Phi Phường làm chủ, và ông Lê Văn Xuyên làm thuyền trưởng đang đánh cá trong vùng lãnh hải Việt Nam thì bị một số tàu Trung Quốc tấn công. Ông Xuyên liền phát hiệu cấp cứu, và lái tàu bỏ chạy vào bờ, nhưng tàu bị hỏng máy, nên bị tàu Trung Quốc chận bắt được. Tám ngư phủ bị bắn chết tại chỗ, tám người khác bị bắt trong đó có hai người bị thương. Trung Quốc hiện giam giữ tám người nầy và chiếc tàu của ông Nguyễn Phi Phường.
Vụ thứ nhì là vụ tàu ông Nguyễn Văn Hoàn, bỏ chạy về cập bến ở Hòa Lộc ngày 9-1-2005. Ông Hoàn kể lại rằng khoảng 10 giờ sáng ngày 8-1, tàu ông đang đánh bắt cá tại tọa độ 19,16 độ B và 107,06 độ Đ., thì ông nhận được tín hiệu cấp cứu của tàu bạn, nên dự định thu lưới để đi trợ giúp. Ngay lúc đó ông phát hiện nhiều tàu treo cờ Trung Quốc đến bao vây. Các tàu nầy càn lướt làm dạt lưới của tàu ông. Các thuyền viên trên tàu ra hiệu cho các tàu Trung Quốc biết rằng tàu đang bủa lưới để tránh đi, nhưng các tàu Trung Quốc vẫn áp sát và nổ súng. Anh Nguyễn Văn Tâm bị bắn chết ngay loạt đạn đầu tiên, năm người khác bị thương. Ông Hoàn liền cho tàu bỏ chạy vào đất liền. Các tàu Trung Quốc tiếp tục đuổi theo trong ba giờ đồng hồ mới chịu bỏ đi. Ông Hoàn khẳng định lúc nào ông cũng tuân thủ mọi quy định của pháp luật khi hoạt động ngoài khơi. Một thuyền viên trên tàu ông Hoàn cho biết là các tàu Trung Quốc đều có treo cờ, nhưng khi áp sát để tấn công thì các tàu nầy đã hạ cờ và tấn công hết sức dã man với ý đồ bắn chết hết thuyền viên và cướp tàu.
Ngoài những điều trên đây do báo Thanh Niên tường thuật, đài BBC Luân Đôn có phỏng vấn ông Lê Văn Thuận, người xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, theo đó ông Thuận cho biết thêm rằng tất cả các tàu Việt Nam khi ra khơi đánh cá cũng như khi trở về, đều qua trạm kiểm soát của công an để kiểm soát, nên không có tàu Việt Nam nào có súng ống trên tàu. Riêng về vụ tàu ông Hoàn, thì ông Thuận cho biết khi tàu ông Hoàn về đến bến, người ta đếm được 430 mũi đạn để lại vết tích trên vỏ thân tàu. Đồng thời ông Thuận cũng ghi nhận tàu Trung Quốc sơn màu gụ (màu nâu đậm) là tàu ngư phủ thường dân, nhưng lại có trang bị súng ống tấn công. (Tóm lược lời ông Lê Văn Thuận nói qua đài BBCVietnamese.com, được phát thanh ngày 21-1-2005.)
Tường thuật của báo chí nước ngoài: Hãng thông tấn AFP loan tin rằng ngày 13-1-2005, theo lời của một cán bộ đảng Cộng Sản Việt Nam ở làng Hòa Lộc, tỉnh Thanh Hóa thì tàu tuần tra trên biển của Trung Quốc bắn chết tám ngư dân Việt Nam đêm mồng 9 tháng giêng năm 2005. (BBC Vietnamese.com ngày 13-1-2005.)
Nhà cầm quyền Việt Nam lên tiếng: Ngày 13-1-2005, ông Lê Dũng, người phát ngôn bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố: "Chúng tôi coi việc tàu Trung Quốc bắn chết chín ngư dân Việt Nam và làm bị thương nhiều người khác, gây thiệt hại đến tài sản và ngư cụ của ngư dân Việt Nam là nghiêm trọng. Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc có các biện pháp tích cực nhằm ngăn chặn và chấm dứt ngay những hành động sai trái trên, và cho điều tra xử lý nghiêm những kẻ bắn chết người." (BBCVietnamese.com, ngày 14-1-2005.)
Ngày 20-1-2005, ông Lê Dũng lại tuyên bố Trung Quốc đã vi phạm Hiệp định định Vịnh Bắc Bộ (25-12-2000) và Hiệp định Nghề cá Việt Nam - Trung Quốc, đồng thời yêu cầu nước nầy phải có biện pháp ngăn chặn và chấm dứt các hành động tương tự. Ông Lê Dũng nói tiếp: "Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc cho điều tra và xử lý nghiêm những kẻ đã bắn chết người và trước mắt trả lại cho Việt Nam những người bị bắt và thi hài những người đã chết, giải quyết mọi hậu quả, bồi thường thiệt hại về người và của cho ngư dân Việt Nam, phối hợp cùng phía Việt Nam điều tra làm rõ sự thật, báo cáo lên lãnh đạo hai nước." (BBCVietnamese.com, ngày 21-1-2005.)
Nhà cầm quyền Trung Quốc lên tiếng: Ông Khổng Tuyền, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc họp báo ngày 15-1-2005 tại Bắc Kinh, tuyên bố rằng vào ngày 8-1-2005 ba chiếc tàu lạ có trang bị vũ khí kéo đến định bắn phá một số tàu của Trung Quốc từ Hải Nam đang đánh cá. Sau khi được báo động, lực lượng tuần duyên Trung Quốc đã đến giải cứu các tàu của mình. Ba tàu lạ đã nổ súng trước và làm bị thương nhân viên công lực Trung Quốc, nên lực lượng tuần duyên biên phòng đã bắn chết vài kẻ cướp có vũ khí và bắt tàu và tám kẻ khác, cùng vũ khí, đạn dược và ngư cụ.
Bản tin ngày 22-1-2005 của Tân Hoa Xã (hãng thông tấn của nhà cầm quyền Bắc Kinh) nói rằng những người bị bắt đã "thú nhận mình là người Việt Nam, đã thực hiện bốn vụ cướp có vũ trang đối với tàu Trung Quốc trên vịnh Bắc bộ trước đây." Ông Khổng Tuyền, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Trung Quốc đã báo cho phía Việt Nam biết vụ việc và vụ việc sẽ được giải quyết theo luật pháp Trung Quốc.
2.- VÌ ĐÂU NÊN NỖI"
Qua những tường thuật trên đây, điều ghi nhận đầu tiên là sau biến cố xảy ra ngày 8-1-2005, thì ngày hôm sau, chiếc thuyền của ông Nguyễn Văn Hoàn thoát về Thanh Hóa. Ông Hoàn đã báo cáo lại cho nhà cầm quyền sở tại.
Như thế là trễ nhất, ngày hôm đó (9-01-2005), nhà cầm quyền Hà Nội biết rõ vụ việc. Thế mà Hà Nội làm thinh. Có thể vì thấy nhà cầm quyền không lên tiếng can thiệp, nên các nạn nhân lại kiếm cách báo động cho báo chí, và tờ Thanh Niên ở Sài Gòn lên tiếng ngày 11-01. Khi báo Thanh Niên biết, thì báo chí quốc tế cũng biết, nên ngày 13-01, AFP đưa tin.
Không thể giấu nhẹm vụ việc, cũng trong ngày 13-01-2005, bộ Ngoại giao Hà Nội đành lên tiếng, nhưng lên tiếng một cách rụt rè, chỉ coi vụ việc là "nghiêm trọng", và yêu cầu Trung Quốc tìm các biện pháp tích cực nhằm ngăn chặn và chấm dứt ngay những hành động sai trái trên, và cho điều tra xử lý nghiêm những kẻ bắn chết người."
Khi người Việt hải ngoại bắt đầu rộ lên phản đối, nhà cầm quyền Hà Nội mới phát ngôn mạnh hơn một chút vào ngày 20-01-2005, nhưng với một ngôn ngữ ngoại giao lạ lùng. Bộ Ngoại giao Hà Nội đòi Trung Quốc trả lại tàu, bồi thường thiệt hại về người và của, và yêu cầu Trung Quốc phối hợp với Việt Nam để "điều tra làm rõ sự thật, báo cáo lên lãnh đạo hai nước."

Tưởng điều tra làm rõ sự thật để có biện pháp giải quyết thích đáng, chứ điều tra để báo cáo lên lãnh đạo hai nước để làm gì" Phải chăng để lãnh đạo Việt Nam vừa xin lỗi vừa năn nỉ Trung Quốc lần sau nhẹ tay với mình" Tại sao nhà cầm quyền Hà Nội không đưa vấn đề ra trước những cơ quan quốc tế như Liên Hiệp Quốc hay Tòa án Quốc tế"
Nhà cầm quyền Hà Nội là đã lén lút ký kết hai hiệp ước nhượng đất (30-12-1999) và nhượng biển (25-12-2000) cho Trung Quốc mà không cho dân chúng biết. Vì lén lút ký kết nên cũng không dám công bố cho ngư dân vùng ven duyên hải biết phạm vi người Việt có quyền đánh bắt cá, cũng không cho ngư dân biết vùng đánh cá chung là vùng nào, quyền hạn của ngư dân trong vùng đánh cá chung tới đâu, và nhất là không có một hải đội tuần tra hỗn hợp Việt Trung để can thiệp, kiểm soát và giải quyết kịp thời những tranh chấp giữa ngư dân hai nước trong vùng đánh cá chung.
Ở đây, cần nhấn mạnh nếu đảng CSVN không tách bạch đầy đủ rõ ràng nội dung của hai hiệp ước trên bộ và trên biển thì sẽ có thể còn có nhiều người nữa trở thành nạn nhân tại vùng ranh giới trên đất liền cũng như trên biển cả giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Vì không công khai vấn đề, nên khi biến cố ngày 8-1-2005 xảy ra, nhà cầm quyền Hà Nội lúc đầu im lặng, rồi sau đó mới phản ứng nhè nhẹ, từ tốn. Không có một chính phủ nào trên thế giới mà công dân của mình bị giết mà không dám phản ứng như nhà cầm quyền Hà Nội hiện nay. Nhớ lại cách đây mấy năm, một phụ nữ quốc tịch Canada gốc Việt bị giết vì bị tình nghi liên hệ đến việc buôn bán ma túy, ngay tại quê hương gốc của mình là Việt Nam, mà chính phủ Canada phản đối mạnh mẽ và suýt gây căng thẳng chính trị giữa hai bên.
Một vấn đề nữa đặt ra ở đây là vì sao các ngư dân Việt Nam lại bị bắn giết dã man như vậy" Trước hết phải nói thẳng là Trung Quốc biết nhà cầm quyền Hà Nội hiện không được hậu thuẫn của nhân dân Việt Nam, cũng không được hậu thuẫn của các nước trên thế giới. Việt Nam theo chế độ cộng sản, mà khối cộng sản hiện chỉ còn bốn nước, trong đó Cuba, Bắc Hàn quá yếu, chỉ có Trung Quốc là độc tôn. Việt Nam không còn dựa được vào ai, ngoài Trung Quốc. Đó là chưa kể số nợ 20 tỷ Mỹ kim trong thời gian chiến tranh trả chưa hết.
Do đó, Trung Quốc đã đối xử đối nhà cầm quyền Hà Nội hiện nay như đối với một thuộc ha, muốn làm gì thì làm. Tâm lý kiêu căng kẻ cả bề trên của Trung Quốc còn thể hiện trong cung cách thông báo tin tức sau khi bắt giữ ngư dân Việt và vu cáo họ là "những kẻ cướp".
Nói cho ngay, điều nầy còn do thái độ khúm núm của nhà cầm quyền Hà Nội. Biến cố xảy ra vào ngày 8-01, thì ngày 13-01, Hà Nội chỉ phản ứng chiếu lệ. Sau đó, tối 14-01, ông Nguyễn Dy Niên, ngoại trưởng của Hà Nội, đến Tòa Đại sứ Trung Quốc tham dự Lễ Kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập ngoại giao giữa hai nước cộng sản Việt Trung. Trung Quốc cho người bắn giết công dân Việt Nam mà ông bộ trưởng ngoại giao xem như không có việc gì xảy, thân hành đến tòa đại sứ Trung Quốc để biểu lộ tình hữu nghị với Trung Quốc.
Một điều lạ lùng hơn nữa là quân đội cộng sản luôn luôn tự nhận mình là "Quân đội Nhân dân anh hùng", đã từng chiến thắng hai đế quốc sừng sỏ là Pháp và Mỹ, mà nay hoàn toàn im lặng, không dám lên tiếng. Điều nầy thật trái ngược với hình ảnh hào hùng của những chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa vào tháng 01-1974, biết rằng mình đang ở trong thế yếu, vẫn cương quyết bảo vệ Hoàng Sa, chống lại Trung Quốc xâm lăng. Biển Đông muôn đời còn ghi chứng tích Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa.
Điều đáng thương là các anh chị em sinh viên Sài Gòn và Hà Nội, dự tính tổ chức biểu tình phản đối Trung Quốc vào ngày Chủ Nhật 23-01 tại hai thành phố lớn nhất Việt Nam, nhưng bị Công An cộng sản chận bắt và đem đi biệt tích.(Tin Internet của Liberty Flame và Người Việt Online ngày 23-01-2005). Hào khí dân tộc còn le lói chút ít trong lòng của tuổi trẻ Việt Nam cũng bị nhà cầm quyền CSVN dập tắt ngay khi vừa nhen nhóm. Hy vọng trước cơn gió bạo lực, hào khí của anh em tạm lặng yên, để rồi sẽ có lúc bùng cháy lên trở lại khi thời cơ thuận tiện.
Tội lỗi lớn nhất của đảng CSVN là trong vòng 60 năm qua ở đất Bắc và 30 năm qua ở miền Nam, là CSVN đã đàn áp, khủng bố, kềm kẹp, và ép buộc dân chúng không được lên tiếng về bất cứ một điều gì ngoài đường lối cộng sản, khiến người ta có cảm tưởng rằng ngày nay quần chúng Việt Nam là một khối vô cảm, bất động, và băng hoại tâm linh.
3.- LẤN BIỂN GIÀNH DẦU"
Ở đây cần chú ý thời điểm nổ ra biến cố trên Vịnh Bắc Việt. Lâu nay, Trung Quốc luôn luôn ức hiếp Việt Nam, kiếm cách đe dọa ngư dân Việt để giành lấy một mình ngư trường trong vùng đánh cá chung. Trung Quốc chờ đợi thời cơ thuận tiện để thực hiện mưu gian.
Thời cơ đó đã đến sau cơn sóng thần ngày 25-12-2004 ở Đông Nam Á. Cơn sóng thần đã cướp đi trên 200,000 sinh mạng dân chúng các nước Đông Nam Á. Sự kiện nầy làm cho cả thế giới xúc động, bàng hoàng. Từ đó, vụ tám ngư dân trên vịnh Bắc Việt bị giết ngày 8-1-2005 chỉ là một biến cố nhỏ, không đáng kể so với biến cố lớn vừa mới xảy ra trước đó chưa đầy nửa tháng.
Thứ hai, các nước nạn nhân sóng thần đa số nằm trong khối ASEAN (Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á). Việt Nam cũng là thành viên của khối nầy. Ngoài việc trao đổi buôn bán đúng theo mục đích của khối, uy tín chính trị của khối ASEAN trên thế giới giúp Việt Nam làm đối trọng với Trung Quốc. Ngược lại khối ASEAN muốn nhờ Việt Nam làm lá chắn ngăn chận bớt ảnh hưởng của Trung Quốc xuống khu vực của mình. Nay khối ASEAN đang lâm vào cảnh tang gia bối rối, nên biến cố ngày 8-01-2005 trên vịnh Bắc Việt ít làm cho các nước nầy quan tâm bằng việc tự lo cứu chữa vết thương của riêng mình.
Có một điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ không dừng lại tại đây. Đã bao nhiêu thế kỷ nay, Trung Quốc luôn luôn muốn xâm chiếm nước Việt để tràn xuống Đông Nam Á, nhưng đều bị người Việt chận đứng. Dùng sức mạnh quân sự không được, chế độ Bắc Kinh ngày nay quay qua dùng những biện pháp chính trị. Họ áp lực buộc CSVN ký kết các hiệp ước nhượng đất và nhượng biển. Từ khởi điểm hai hiệp ước mới, Trung Quốc dần dần lấn đất giành biển. Trong tháng 10-2004, báo chí loan tin một mỏ dầu lớn mới được khám phá ở vùng biển cách Hải Phòng khoảng 75 cây số. Đây chỉ mới là phát hiện đầu tiên về tiềm năng dầu hỏa ở Vịnh Bắc Việt. Biết đâu sẽ còn nhiều mỏ dầu khác nữa" Và những mỏ dầu đó nằm ở đâu" Vậy tốt nhất là phải giành trước mặt biển càng nhiều càng tốt. Như thế, phải chăng biến cố ngày 8-01-2005 trên vịnh Bắc Việt là một dấu hiệu mở đầu cho việc lấn biển giành dầu"
Đảng CSVN hiện nay hành động như một bộ phận của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nếu đảng nầy tiếp tục cai trị Việt Nam, thì không phải chỉ có việc Trung Quốc "lấn biển giành dầu", mà Việt Nam sẽ phải mất dần lãnh thổ và lãnh hải. Nếu Trung Quốc làm chủ vịnh Bắc Việt thì chắc chắn đất nước chúng ta sẽ lọt vào tay các đại hãn Bắc phương. Hơn bao giờ hết, Việt Nam đang nguy biến trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc để tràn xuống Đông Nam Á. Tổ tiên người Việt đã ngàn năm hiên ngang đánh đuổi quân xâm lược bắc phương, không lẽ ngày nay người Việt cam chịu cho đảng CSVN bán nước cầu vinh" Hồn thiêng sông núi đang đòi người Việt hành động!
TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 24-01-2005)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.