Hôm nay,  

Ca Nhạc Việt Ở San Jose Có Gì Lạ?

05/12/200400:00:00(Xem: 10079)
Trang Lịch Sinh Hoạt của Tuần báo Việt Mercury số ngày 30 tháng 7, 2004 có những thông tin văn nghệ sau đây trong vùng San Jose, miền Bắc California, nơi hơn 100 nghìn người Việt đang sinh sống:
- Đêm nhạc Hồ Đăng với Lệ Thu, Thu Hà, Quang Tuấn, Nguyễn Thành Vân, Thanh Hằng và Hoàng Thi Thao (31 tháng 7)
- Live Concert với Đàm Vĩnh Hưng, Lam Trường, Hồng Ngọc, Cẩm Vân, Khắc Triệu, Ngọc Sơn (1 tháng 8)
- Dạ Vũ Tình Hè với Mỹ Linh, Don Hồ, Thanh Hà, Huy MC, Quỳnh Vi, Hoàng Nam (7 tháng 8)
- Đêm nhạc thính phòng với Tuấn Ngọc và Trần Thu Hà (7 tháng 8)
- Nhạc Viện Thái Bình, nhóm Phù Sa, Strings-N-Sync và the Hot Peppers (17 tháng 8)
- Như Cánh Vạc Bay, đêm nhạc thính phòng với Khánh Ly, Trần Thu Hà, Vũ Khanh, Thu Hà, Paulo Tuấn (21 tháng 8)
- Thúy Nga Paris in San Jose (28 tháng 8)
- Văn Nghệ Dân Ca Tân Cổ Nhạc với Thành Được, Ái Vân, Hương Lan, Quốc Chính, Huyền Trân (12 tháng 9)
- Đêm Cali 2004 với Tình Ca Việt Nam (18 tháng 9)
- HL Productions giới thiệu đêm nhạc thính phòng The Best of the Best 2 với Elvis Phương, Thanh Hà, Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Thanh Trúc, Quỳnh Vi (19 tháng 9)
- Nhạc Hội Trắng-Xanh, tình ca TrầnQuảngNam-TúMinh với Ý Lan, Lưu Bích, Nguyên Khang, Thanh Vân, Vĩnh Thanh Thảo (10 tháng 10)
- Kỷ niệm 50 năm nghệ sĩ Thành Được với Phượng Liên, Văn Chung, Chí Tâm, Ngọc Huyền, Quang Chánh (14 tháng 11)
Cũng trong trang báo trên còn ghi hai sinh hoạt khác có ít nhiều liên quan đến người Việt: phim Oan Hồn (Spirits) của đạo diễn gốc Việt Victor Vũ được chiếu từ 6 đến 19 tháng 8 và nhạc kịch Miss Saigon được trình diễn từ 30 tháng 7 đến 8 tháng 8.
Như thế San Jose, nơi từng là "thủ đô chính trị" với hội thảo, sinh hoạt đoàn thể, đảng phái, biểu tình thường xuyên; từng là "thủ phủ tình thương" với nhiều chiến dịch quyên góp cứu trợ bão lụt bên nhà, giúp người vượt biển thì nay "thung lũng hoa vàng" này lại đang chuyển mình thành "thủ đô văn nghệ" của người Việt hải ngoại, của ca sĩ trong và ngoài nước. Những Diva Việt Nam đều đã xuất hiện trên sân khấu ca nhạc ở San Jose.
Dù có nhiều chương trình văn nghệ - trong lúc kinh tế xuống và giá một vé xem văn nghệ là từ 30 đến 80 đô la - nhưng hầu như sô nào cũng có khán giả, ít thì vài trăm người, đông thì vài ngàn. Đại nhạc hội hè tổ chức tại HP Pavilion vào tháng trước có trên 10 nghìn khán giả. Những sô ăn khách của Thúy Nga hay Asia phải làm hai xuất tại những nhà hát sang trọng, có kỹ thuật sân khấu cao, mỗi xuất đều có trên hai nghìn người xem.
Nhìn chung, nội dung các chương trình ca nhạc, trừ Thúy Nga và Asia, đều được tổ chức theo khuôn mẫu mỗi ca sĩ hát vài bài, phông cảnh không thay đổi gì nhiều, có chút gì thêm vào thì là dăm ba vũ công ra múa hay màn trình diễn áo dài, trình diễn thời trang.
Trước sự nở rộ của sinh hoạt văn nghệ, rủ nhau đi xem ca nhạc đang là một mốt thời thượng lôi kéo dòng người yêu thích văn nghệ vào làm khán giả, để đôi khi phải vỗ tay tẻ nhạt một cách lịch sự. Thật ra, nhiều chương trình quảng bá trên truyền thông nghe thật hấp dẫn, nhưng khi đi xem thì nhiều thất vọng.
Sô "Tiếng Hát Trái Tim" - ghi lại trong DVD Asia 43 - do trung tâm Asia tổ chức vào đầu năm nay tại sân khấu hiện đại Flint của đại học DeAnza, thành phố Cupertino, cạnh San Jose là một thí dụ. Chương trình dài hơn bốn giờ đồng hồ với những nghệ sĩ danh tiếng như Lâm Nhật Tiến, Trường Vũ, Diễm Liên, Thiên Kim, Thanh Tuyền, Ngọc Huyền, Thanh Hà, Trish Thùy Trang, Trung Hành, Tuấn Dũng, Quang Minh, Hồng Đào, Nguyên Khang, Mạnh Đình cùng những tài năng mới như ban Puriti, Khải Tuấn, Minh Thông, Châu Tuấn, Cardin, Thái Doanh Doanh. Ca sĩ biểu diễn trong nền của một dàn nhạc giao hưởng, với khoảng 40 nhạc công, nhưng thường rối âm và tiếng trống, tiếng bass quá mạnh thành những tiếng rè rè. Nếu bạn đọc đã xem DVD Asia 43 chủ đề "Tiếng Hát Trái Tim" thì bạn đã được thưởng thức một chương trình văn nghệ khá hơn chương trình sống vì âm thanh đã được pha trộn lại cho du dương, hài hòa. "Tiếng Hát Trái Tim" coi ở hí viện chỉ bằng 60% chất lượng của DVD do bởi sự yếu kém về hòa âm phối khí, kỹ thuật âm thanh, dàn dựng phông cảnh và của người dẫn chương trình, cô Leyna Nguyễn - và cả anh Nam Lộc và Việt Dzũng - cứ phải ngó vào màn hình lớn chạy những hàng chữ đặt ở cuối thính đường.
Kỹ thuật âm thanh kém này không chỉ của riêng trung tâm Asia mà cũng đã xảy ra trong chương trình "Nhạc Tình Chiều Chủ Nhật" do nhà văn Đỗ Vẫn Trọn tổ chức vào tháng 7 năm 2003 trên một sân khấu tân kỳ khác là San Jose Center for Performing Arts. Trung tâm Thúy Nga cũng đã nhiều lần tổ chức tại sân khấu này nhưng không có những lỗi lầm về kỹ thuật như thế. Vậy thì sự yếu kém là do người viết hòa âm và người điều khiển ban nhạc, dàn nhạc.
Chương trình Paris by Night kỷ niệm 20 năm - DVD 71 - tổ chức vào hè năm 2003 tại Center for Performing Arts là một so sánh về trình độ nghệ thuật cao của trung tâm này để Paris by Night xứng đáng được khán giả khắp nơi yêu thích. Nếu chương trình sống được điểm 10 thì DVD 71 cũng được đến 8. Từ phông cảnh, ánh sáng, bày trí sân khấu, vũ đoàn cho đến âm thanh, ban nhạc biểu hiện trong mỗi phần trình diễn là một tác phẩm nghệ thuật. Nghe Ngọc Hạ hát "Tình Hoài Hương" (nhạc Phạm Duy) cùng hình ảnh đất nước cứ hiện lên thì hỏi làm sao không nhớ quê hương cho được. Nghe Don Hồ hát "Bài Tình Ca Của Em" (nhạc Diệu Hương) bên cạnh một thiếu nữ khi như thật hiển hiện trên sân khấu, khi như ảo trong hình bước ra chứng tỏ việc Thúy Nga xử dụng kỹ thuật sân khấu đã đạt tới mức cao. Hoạt cảnh "Trương Chi - Mỵ Nương" với Lâm Nhật Tiến và Như Quỳnh thật sự đem đến nét buồn trong lòng khán giả. Nguyễn Hưng với liên khúc "Điên, Say" và Linda Trang Đài trình diễn thời trang không thua gì những màn nhạc kịch trên sân khấu Broadway.

Đi coi một chương trình nhạc sống mà thấy không hay bằng xem DVD thì là điều ngược với những sô ca nhạc Mỹ. Nếu yêu thích Britney Spears, Whitney Houston hay N-Sync qua những chương trình truyền hình, hay qua những DVD, thì khi được trực tiếp mắt thấy, tai nghe những nghệ sĩ này trình diễn khán giả sẽ cảm thấy sự sống động, hấp dẫn, và thích thú gấp bội hơn là khi xem qua màn hình. Ai yêu thích ABBA mà xem vở nhạc kịch "Mamma Mia!" trên một sân khấu Broadway như rạp Curran hay rạp Orpheum ở San Francisco, thì sẽ thấy tài năng trình diễn và sự phối hợp giữa kỹ thuật ánh sáng, dàn dựng sân khấu, âm thanh của các nghệ sĩ và chuyên viên đã đem dòng nhạc ABBA đến cho người thưởng thức một cách tuyệt vời. Hay xem "Miss Saigon" mới rung cảm được những dồn dập, hốt hoảng của Sài-gòn trong ngày 30 tháng Tư năm 1975 và nỗi lo của người phụ nữ Việt có con lai sau dấu mốc thời gian đó.
Nhưng trình độ thưởng thức âm nhạc của người Việt còn ở mức thấp. Theo nhận xét của nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn, một nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, thì người Việt mình thường thích thưởng thức nhạc phổ thông do bởi ý nghĩa của ca từ hơn là lắng nghe phần nhạc và "người viết ca khúc phổ thông ngay từ đầu cũng đã không chủ yếu nhắm đến việc tạo nên những tác phẩm nghệ thuật âm nhạc đòi hỏi nơi thính giả sự tập trung lắng nghe và kiến thức âm nhạc." (www.tienve.org: Nhìn Lại Nền Âm Nhạc Việt Nam Trong Thế Kỷ 20, phỏng vấn nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn). Nói về kỹ thuật hòa âm có nhạc sĩ Lê Văn Khoa với một vài tấu khúc như "Trên Đất Giồng Mình Trồng Khoai Lang", "Xe Chỉ Luồn Kim" hay "Hòn Vọng Phu"; có nhạc của Hoàng Quốc Bảo với 10 "Tịnh Tâm Khúc" (1984, Randy Ames hòa âm) trình diễn với tứ tấu, ngũ tấu là những dấu chỉ cho thấy nhạc Việt có thể được trình diễn ở trình độ âm nhạc cao. Nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn ở Úc có soạn một số tấu khúc, cũng như bên Pháp có những sáng tác của nhà đạo diễn múa Ea Sola nhưng người viết bài chưa có dịp được thưởng thức.
Nhận xét của nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn về lối thưởng thức âm nhạc của người Việt thể hiện rõ trong "Tiếng Hát Trái Tim" qua liên khúc "Chuyện Tình Thời Chinh Chiến" với bốn bài hát do Lâm Nhật Tiến và Diễm Liên biểu diễn: Ai Nói Với Em (nhạc Minh Kỳ và Huy Cường), Chiều Trên Phá Tam Giang (thơ: Tô Thùy Yên, nhạc: Trần Thiện Thanh), Chân Trời Tím (nhạc Trần Thiện Thanh) và Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà (thơ: Hữu Loan, nhạc: Phạm Duy). Đây là những bài hát rất phổ thông tại miền Nam trước đây, dù hòa âm và kỹ thuật âm thanh chưa đúng mức nhưng tiết mục này được khán giả vỗ tay vang nhất, lâu nhất trong toàn bộ chương trình, vì những ca từ đã nói lên được tâm tư của khán giả thưởng thức. Đó là những tràng pháo tay thực chứ không phải những ráp nối cổ võ như nhau sau mỗi tiết mục trong DVD Asia 43.
Cũng như khi Thu Phương xuất hiện trước cả vạn khán giả trên sân khấu HP Pavilion mới đây. Cô bước ra sân khấu, dàn nhạc ngừng chơi, chỉ còn tiếng dương cầm réo rắt và giọng hát vang vang: "Có phải em là mùa thu Hà Nội tuổi phong sương anh lót lá em nằm... " thì được chào đón bằng muôn ngàn tiếng vỗ tay. Cô bước xuống sân khấu, kéo theo đèn chiếu, những bó hoa, những cánh tay với tới, những máy hình loé sáng ghi lại chút kỷ niệm với người ca sĩ có giọng hát ăn khách từ trong nước ra đến hải ngoại. Khi Thu Phương cất giọng: "Khi xưa đôi ta bé ta chơi... " - Bang Bang, một bài nhạc ngoại quốc, lời của Phạm Duy rất phổ thông ở miền Nam trước năm 1975 - cả thính đường vỡ ra những đợt pháo tay. Rồi Thu Phương lúc lắc mái tóc nhuộm màu vàng nâu, lên xuống đôi vai, nhún nhảy theo dáng điệu của Tina Turner thì những tràng pháo tay mỗi lúc một vang to hơn. Trong đêm đó Quang Dũng xuất hiện với "Vì Đó Là Em" và cũng đã giành được những cảm tình của khán giả, không thua gì Thu Phương.
Nếu chỉ có ca từ là điều hấp dẫn trong phong cách thưởng thức âm nhạc của người Việt thì những chương trình văn nghệ cũng có thể cải tiến hơn để nâng trình độ nghệ thuật lên một cung bậc mới. Trong những sô ca nhạc, liên khúc thường được khán giả ưa thích, nhưng chưa thấy nhạc kịch, dù ngắn, hay ít ra cũng là những liên khúc nhạc cảnh - một sự triển khai của những liên khúc - trong những chương trình của Asia hay Thúy Nga, là hai trung tâm có khả năng và trình độ để đem đến những tác phẩm nghệ thuật như thế cho khán giả Việt. Nếu nhạc ABBA đã có thể trở thành một nhạc kịch, thì những trường ca của Phạm Duy (như Mẹ Việt Nam, Con Đường Cái Quan), của Trịnh Công Sơn (Thân Phận Quê Hương, Ca Dao Mẹ, Huyền Thoại Mẹ), của Lê Thương (Hòn Vọng Phu), của Phạm Đình Chương (Hội Trùng Dương) cũng có thể trở thành những hoạt cảnh, một lối trình diễn thường có trong những buổi văn nghệ do sinh viên tổ chức - dù kỹ thuật và phong cách trình diễn chỉ ở mức độ tài tử - hơn là trong những chương trình đại nhạc hội của các trung tâm băng nhạc. Từ hoạt cảnh rồi dần có thể qua đến nhạc kịch.
Có lẽ khán giả Việt Nam còn xuề xòa, không đòi hỏi nhiều nên nghệ thuật âm nhạc của ta, ở trong cũng như ngoài nước, cũng chỉ mới đến đó thôi.
Âm nhạc là một trong những món ăn tinh thần của con người. Mà khi được coi là món ăn thì ngon hay dở tùy thuộc vào nhiều yếu tố như khung cảnh, tay nghề của đầu bếp, sự lịch lãm của người phục vụ, gia vị, cách bày trí món ăn và nhất là sở thích ăn uống của khách.
Chúng ta mới chỉ đưa được một số món ăn Việt vào đời sống của người phương Tây. Đưa được món ăn tinh thần, trong đó có âm nhạc, để họ biết thưởng thức thì còn là một công trình đòi hỏi nhiều nghiên cứu và sáng tạo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.