Hôm nay,  

Tội Ác Bùi Đình Thi Tại Trại Tù Thanh Cẩm - Phần Ii

21/04/200100:00:00(Xem: 18392)
Gặp lại "cố nhân":

Cho tới những tháng đầu của năm 1979, chúng tôi vẫn chưa được phép liên lạc với gia dình nên không có tiếp tế. Cuộc sống thiếu thốn về vật chất và những khổ ải mà cuộc sống tại nhà kiên giam đem lại đã làm cho một số anh em bị sa sút cả thể xác lẫn tinh thần. Cái đói nó hành hạ thân xác chúng tôi một cách triền miên. Với khẩu phần 9 kg khoai sắn một tháng mà sống còn được thì phải coi là phép lạ. Thái độ của bọn Công an áo vàng và 2 tên tù áo xanh tay sai làm cho chúng tôi lúc nào cũng ngột ngạt khó thở. Chúng tôi sống mà không có gì trước mắt để hy vọng.

Nói chung, các anh em tù chính trị miền Nam bị đưa ra giam tại miền Bắc, không ai biết được ngày mai sẽ ra sao cả. Riêng số anh em thuộc nhóm 48 Quyết Tiến chúng tôi từ "Cổng Trời" về đây đều biết rõ số phận của chúng tôi đã được nhà cầm quyền CS định như thế nào rồi. Họ không dám giết chúng tôi, nhưng tìm cách làm cho chúng tôi chết lần chết mòn trong ngục. Trước tình trạng như vậy, mỗi anh em có cách suy nghĩ khác nhau. Đa số an phận và để mặc cho số mệnh dưa đẩy tới đâu thì tới. Một vài người cố lập công với VC để được về sớm bằng cách làm mật báo sinh hoạt của anh em đồng cảnh trong buồng và trong đội, nịnh hót đám cán bộ. Có anh đã bày ra chuyện lếu láo hại anh em. Một số khác nghĩ rằng phải tìm cách thoát ra khỏi trại mới mong sống còn, trong đó có tôi. Chúng tôi đều biết rõ trại Thanh Cẩm nằm trên một ốc đảo, chung quanh núi sông bao bọc, đường ra là độc đạo, nên thoát ra khỏi chốn này không phải là chuyện dễ dàng. Mấy anh Tàu "gián điệp" bị giam ở nhà kỷ luật, rất giỏi về phương hướng và mưu sinh, nhưng lần nào thoát ra cũng bị bắt lại. Tuy nhiên, trong số tù hình sự trốn trại mà chúng tôi biết từ ngày đến trại Thanh Cẩm, cũng có vài người thoát được. Như vậy việc trốn khỏi trại Thanh Cẩm không phải là hoàn toàn vô vọng. Chúng tôi biết nếu bị bắt lại, chúng tôi sẽ bị đối xử dã man, nhưng trong cảnh khốn cùng, tôi nghĩ rằng phải chấp nhận mọi rủi ro.

Đầu năm 1979, chiến tranh Việt - Trung tới điểm cao, đêm đêm cái loa của đài phát thanh trong trại vang lên inh ỏi tin tức chiến sự và những lời chửi bới Trung Quốc. Tiếng chửi cứ ra rả ngày đêm rót vào tai chúng tôi. Họ dùng đủ mọi kiểu và mọi hình thức để chửi, từ tin tức, bình luận, kịch nghệ, đến âm nhạc! Tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao các thợ viết kịch của chế độ đã sáng tác được những vỡ kịch chửi Trung Quốc nhanh và hay đến thế! Những khẩu hiệu "Trung Quốc vĩ đại" hay "Núi liền núi, sông liền sông" đã hô hào mấy chục năm qua, nay không còn nữa.

Cuộc sống của tôi đang đều đều trôi qua một cách nặng nề như thế thì một ngày kia, vào khoảng tháng 2/79, có phái đoàn Cục Cảnh Sát vào thăm khu kiên giam trong giờ cho ăn trưa. Phái đoàn chừng bốn năm người, mặc áo sơ-mi trắng ngắn tay bỏ ra ngoài quần, vai mang sắc-cốt, mới nhìn qua trông như một tốp thợ sửa điện hay mấy ông thợ thiến lợn mà lúc còn nhỏ tôi thường thấy đi vào làng thiến heo. Họ chỉ chỏ nói năng gì đó với ông Trại Trưởng. Ông có vẻ khép nép khi nói năng. Nhìn thái độ của ông ta đối với mỗi phái đoàn khi đến thăm, chúng tôi có thể đoán được tầm quan trọng của từng phái đoàn. Thỉnh thoảng có những phái đoàn khác nhau vào thăm trại nhưng không phải lần nào Trại Trưởng cũng hướng dẫn, có khi chỉ là một sĩ quan cấp nhỏ đi theo, khi đó tôi biết ngay đó là phái đoàn "dỏm".

Như thường lệ, sau khi Bùi Đình Thi mở cửa buồng, chúng tôi ra ngoài, người lấy cơm, kẻ quét tước dọn dẹp... Nhưng hôm nay, mọi chuyện được làm trong bầu không khí yên tịnh và trang nghiêm khác với ngày thường vì đang có phái đoàn của Cục quan sát. Lấy thức ăn xong, chúng tôi phải vào buồng ngaỵ Trong lúc anh em đang chia thức ăn với nhau trong buồng, nhìn ra ngoài tôi chợt thấy một người cao lớn mặc sắc phục Công an đi vào sân. Tôi giật mình khi nhận ra đó là Đại tá Hoàng Thanh, một thứ "khắc tinh" của tôi từ nhiều năm qua. Tôi lẩm bẩm một mình: "Gặp lại "cố nhân" nữa rồi!"

Đại tá Hoàng Thanh làm Cục Trưởng Cục Cảnh Sát thuộc Bộ Nội Vụ, lúc ấy khoảng ngoài 50, người cao lớn dềnh dàng nhưng không mập, lưng tôm, mặt bẹt, đôi gò má nhô lên cao, miệng rộng, các kẽ răng đen sì, có lẽ vì thuốc lào và chè (trà) đặc. Điểm trái ngược trên khuôn mặt rộng bèn bẹt này là cặp mắt ti hí, thật nhỏ và tròn như loài chồn cáo, lúc nào cũng liếc qua liếc lại. Cho dù có thiện ý đến đâu tôi cũng không thể hình dung được một sự lương thiện tối thiểu nào ẩn nấp đằng sau đôi mắt ấy. Tôi đã từng chạm mặt với Hoàng Thanh nhiều lần ở trại Nam Hà trước khi bị đi "Cổng Trời". Khi nói chuyện với tôi, thỉnh thoảng ông ta có cười bằng miệng, còn đôi mắt không dự phần chút nào vào tiếng cười ấy. Tôi vẫn ngại tiếng cười của ông ta, nó được phát ra qua kẽ răng khép kín tạo thành một hơi gió như tiếng rít của loài rắn lục trong đêm. Dưới cái nhìn của tôi, Hoàng Thanh là một mẫu cán bộ VC điển hình, được sinh ra đời chỉ để làm cán bộ VC, hay ngược lại nếu không có VC thì con người ấy đã không được sinh ra đời làm người, tuy có một điểm hơi khác các hình vẽ cán bộ VC ở miền Nam một chút, đó là thiếu hàm răng vẩu.

Hoàng Thanh dừng lại nói gì đó với cán bộ trực trại một lúc rồi đi thẳng tới cửa buồng 1. Tôi đoán là ông ta đọc bảng tên 5 người dán trên cửa sắt và thấy những tên nào đó được ông chú ý. Linh tính báo cho biết là sắp có chuyện liên hệ đến tôi, nên tôi lo chuẩn bị tinh thần, vì từ trước tới nay, chưa lần nào gặp tôi mà Hoàng Thanh để tôi yên bao giờ. Tôi đoán không sai, ông ta vẫy tay gọi Bùi Đình Thi lại mở cửa buồng. Nghe tiếng chìa khóa lách cách, trong buồng ngưng chia thức ăn và ngồi cả lên bệ nằm xi măng. Cửa buồng mở ra, ông ta bước vào và đi dọc theo lối đi ngắn trước mặt chúng tôi. Sau khi lên tiếng chào cán bộ theo quy định của trại, chúng tôi ngồi yên. Ông ta bước chậm rãi, 2 tay chấp ra sau mông và nhìn thẳng vào mặt từng người chúng tôi như một ông tướng đang duyệt qua trước hàng quân. Bầu không khí trong phòng nặng nề và căng thẳng. Khi tới cửa cầu tiêu ông ta quay trở ra. Tôi mừng thầm nghĩ bụng chắc như vậy là xong, lần này chẳng có việc gì xảy ra. Nhưng bất ngờ ông ta quay lại chỉ thẳng vào tôi và hất hàm hỏi bằng cái giọng khàn khàn quen thuộc:

- Anh mang kính ngồi trong cùng kia có phải là anh Nguyễn Hữu Lễ không"

- Báo cáo cán bộ, đúng, tôi là Nguyễn Hữu Lễ.

Ông ta nhếch mép cười, vẫn tiếng cười cố hữu mà tôi e ngại, nhẹ nhàng nói:

- Tôi cũng định hôm nào rảnh mời anh lên để chúng ta nói lại một chút về vụ tàu Sông Hương, anh Lễ nhé!

Nói xong ông ta bỏ đi ra, không đợi tôi trả lời. Lúc ấy tôi ngồi lặng yên và bàng hoàng khi nghe Hoàng Thanh nhắc tới vụ tàu Sông Hương. Tôi nghĩ bụng: "Thế là tên cáo già này chưa buông tha mình".

Tôi không kể lại vụ tàu Sông Hương ở đây vì đó là câu chuyện rất dài và nhiều chi tiết. Tôi xin chỉ nói vắn tắt rằng đây là vụ dự mưu đánh cướp tàu Sông Hương chở 1200 tù binh chúng tôi từ Nam ra Bắc vào đầu tháng 4/1977. Kế hoạch này do tôi và anh Dương Văn Lợi chủ trương với một số đông bạn tù tham dự, nhưng mọt cơn bão trái mùa buộc chúng tôi phải bỏ cuộc. Cán bộ trên tàu không hay biết chuyện này, nhưng khi ra miền Bắc và vào trại Nam Hà, các tên "ăng-ten" đã báo cáo với trại. Tôi đã nhiều phen điêu đứng về vụ này. Đại tá Hoàng Thanh đã nhiều lần từ Hà Nội về Nam Hà hạch sách tôi, vì ông ta cũng có mặt trên tàu Sông Hương và là đại diện của Bộ Nội Vụ từ Bắc vào Nam nhận số tù nhân trong chuyến đó. Vụ tàu Sông Hương cũng là nguyên nhân chính khiến 20 anh em chúng tôi ở trại Nam Hà bị đày lên "Cổng Trời". Tôi có ghi lại chi tiết các việc này trong Bút Ký "Tôi Phải Sống", trong đó có nói về vai trò của anh Dương Văn Lợi. Sau khi được phóng thích vào năm 1980, kỹ sư Dương Văn Lợi cũng đã làm điên đầu bọn VC qua vụ đánh cướp thành công chiếc trực thăng của Bộ Chính Trị ngay tại sân bay Nội Bài, Hà Nội, bay sang Trung Quốc. Tại đây anh ta từ chối lời mời gọi hợp tác lập chính phủ lưu vong của Hoàng Văn Hoan và vượt biển trốn sang Phi Luật Tân, rồi xin sang định cư tại Pháp. Hiện nay anh là Chủ Tịch Hội Bạn Cựu Tù Nhân Chính Trị tại Pháp. Tác phẩm "Hà Nội Báo Động Đỏ" của anh đã được dịch ra tiếng Pháp, gây sự nể phục nơi chính giới Pháp và Âu Châu. Anh Dương Văn Lợi là một người tranh đấu không mệt mỏi, theo đúng tinh thần của "Nhóm 48 Quyết Tiến". Trong năm qua, anh đã cho ra đời tờ báo "Ý Dân" tại Paris làm phương tiện đấu tranh cho tự do và nhân quyền tại VN.

Cuộc vượt ngục đẫm máu

Tối hôm đó tôi cảm thấy một sự bất an ở trong lòng sau cuộc chạm mặt bất ngờ với Hoàng Thanh. Tôi bàn riêng với anh Đặng Văn Tiếp, một người anh kết nghĩa với tôi, về thái độ của Hoàng Thanh. Chúng tôi đều nghĩ rằng một viễn ảnh đen tối đang chờ đợi tôi. Những ngày tiếp theo, cả 2 anh em tôi bàn đi tính lại với nhau và thấy không còn cách nào hơn là vượt ngục. Nếu thoát được, cuộc đời của tôi sẽ có nhiều thay đổi. Nếu không thoát được, tôi cũng chỉ phải đi tiếp con đường mà những người cầm đầu ở Bộ Nội Vụ đã quyết định cho tôi.

Anh Đặng Văn Tiếp nguyên là Thiếu tá Không Quân của QLVNCH, sau đó giải ngũ và ứng cử Dân biểu Quốc hội đơn vị Tân Bình, Gia Định và giữ chức vụ Dân biểu cho tới 30/4/75. Anh thuộc phe đối lập trong Quốc hội. Tôi có gặp anh một vài lần khi hoạt động trong Phong trào Chống tham nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh. Vào tù, chúng tôi gặp nhau ở trại "Cổng Trời", anh bị đày từ trại Hà Tây đến trại này trước tôi vài tháng. Lúc bấy giờ anh là một trong những người mà tôi mến phục vì anh là người có tư cách đàng hoàng, hiểu biết rộng, từng trải và có khí phách hiên ngang. Anh với tôi cũng có một điểm tương đồng là đều quan niệm rằng trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải tỏ ra kiên cường và bất khuất, không hàng phục. Từ một số điểm tương đồng và luôn có thái độ tương kính nhau, chúng tôi dần dần đi đến chỗ thân thiết nhau và kết nghĩa anh em. Tôi nhận Tiếp là anh vì anh lớn hơn tôi đúng 10 tuổi. Con người ấy cũng thường tỏ ra quan tâm đến mẹ già và người tình của anh. Anh hay nói chuyện với tôi về người mẹ mà anh rất yêu quý và những kỷ niệm thật đẹp giữa anh và chị Huyền Thanh, người mà anh đã chuẩn bị cưới làm vợ.

Từ ngày bị đưa đi đày ở trại "Cổng Trời", 2 chúng tôi đều nghĩ rằng chỉ có một cách duy nhất để sống còn là vượt ngục, vì chúng tôi biết nhà cầm quyền CS đã quyết định chúng tôi phải chết lần chết mòn trong trại tù. Câu nói ngắn gọn của Đại tá Hoàng Thanh càng tô đậm thêm cái tương lai đen tối của tôi. Ý định vượt ngục luôn lảng vảng trong đầu óc chúng tôi, có khi rất thúc bách. Chúng tôi đều biết rằng vượt ngục là đi vào cõi chết để tìm cái sống và tôi đã từng chứng kiến cái giá mà những người vượt ngục thất bại đã phải trả như thế nào. Nhưng chúng tôi thấy không có cách nào khác hơn là phải chấp nhận cái giá đó.

Đang ở nhà kiên giam mà dự tính vượt ngục là một chuyện quá khó khăn. Phá được cửa phòng để ra thì còn phải vượt ra hàng rào của khu kiên giam, sau đó mới tìm cách vượt ra bức tường cao và dày chung quanh trại. Tường nhà kiên giam dày và kiên cố, rất khó phá, trong khi chúng tôi không được giữ bất cứ thứ gì bằng kim loại trong buồng. Có quá nhiều vấn đề phải giải quyết trước khi bắt tay vào việc này. Trước tiên là phải làm sao để tất cả 6 người trong phòng đều dồng ý. Người nào yếu quá, không thể vượt qua các tường rào cao và kiên cố, phải làm sao bảo đảm cho họ ở lại mà không bị hành hạ, ngược đãi. Giải quyết xong khâu này mới tính đến các khâu tiếp theo được. Tôi và anh Tiếp đã phải thăm dò tư tưởng của từng người, rào trước đón sau rồi mới dám gợi ý, vì nhỡ có anh nào không đồng ý và báo cáo cho cán bộ để lập công thì lúc đó tai họa sẽ không lường được.

Trong buồng chúng tôi lúc bấy giờ ngoài anh Tiếp và tôi ra còn có các anh sau đây:

- Anh Nguyễn Sĩ Thuyên, đã ngoài 50 tuổi, giáo sư dạy Toán.

- Anh Trịnh Tiếu, khoảng 45 tuổi, Đại tá Quân lực VNCH, Trưởng phòng 2 Quân đoàn 2.

- Anh Lâm Thành Văn, 40 tuổi, dân sự, lái xe hành khách Saigon Đà Lạt, bị bắt vì tham gia tổ chức Phục Quốc.

- Linh mục Nguyễn Công Định, 45 tuổi, Tuyên úy Quân đội Cần Thơ.

- Tôi là người trẻ nhất, lúc đó mới 36 tuổi và anh Tiếp, 46. Anh tuổi con gà, còn tôi tuổi con dê!

Chúng tôi không gặp trở ngại gì trong việc mời anh Thuyên và anh Tiếu tham gia, nhưng anh Văn còn lưỡng lự vì anh dang đau dạ dày khá nặng. Nhưng cuối cùng anh Văn cũng đồng ý sau khi anh em hứa sẽ nâng đỡ nhau trên đường trốn thoát. Về phần cha Định, ngài dứt khoát không tham gia. Ngài nói:

- Chừng nào được gọi lên là tôi về, tôi không đi đâu cả, dù cửa mở tôi cũng không đi chớ đừng nói trốn.

Tôi hỏi lại:

- Nhưng nếu 5 người chúng tôi đi cả thì bác tính sao"

Tưởng là tôi nói đùa, ngài trả lời:

- Các anh đi thì các anh cứ đi, tôi ở lại một mình chứ sao!

- Rồi bác trả lời sao với cán bộ"

- Trả lời sao kệ tôi!

Thấy câu chuyện đã đi vào ngõ cụt, tôi cười vả lả:

- Không đơn giản như bác nói đâu! Nhưng mà này! Nói chơi đấy nhá!

Chúng tôi thấy vấn đề trở nên khó khăn khi cha Định quyết tâm ở lại. Mặc dầu vậy, chúng tôi vẫn lén lút chuẩn bị mọi thứ. Chúng tôi đề phòng bọn cán bộ và trật tự bên ngoài, vừa phải làm cho cha Định trong buồng thấy không có chuyện gì sắp xảy ra cả. Chúng tôi nghĩ rằng cha Định không hại chúng tôi, nhưng một thái độ có vẻ lo lắng hay một lời nói vô tình nào đó của ngài có thể làm cho bọn cán bộ và Trật Tự nghi chúng tôi muốn trốn trại thì mọi chuyện sẽ hỏng. Họ sẽ có biện pháp đề phòng ngay, như phân tán chúng tôi ra nhiều phòng khác nhau hay nhốt chúng tôi ở nhà kỷ luật, bị còng ngày đêm.

Khoảng sau Tết vài tuần, chúng tôi đã đồng ý với nhau chọn ngày N là đêm mùng 1/5/79, vì ngày đó là ngày Lễ Quốc Tế Lao Động, cả trại được nghỉ, cán bộ được "bồi dưỡng" sẽ đánh chén say sưa và chểnh mảng trong việc canh gác ban đêm. Như vậy chúng tôi có 2 tháng để điều nghiên kế hoạch vượt ngục từng chi tiết và lén lút chuẩn bị các thứ. Suốt 2 tháng trời đó chúng tôi cố gắng tìm hiểu và dự trù tất cả mọi chuyện có thể xảy ra vì trong canh bạc lớn này chính mạng sống của mình được dặt xuống chiếu để chơi. Vì cùng là linh mục với nhau, tôi được các anh giao nhiệm vụ thông báo cho cha Định 2 ngày trước trước ngày chúng tôi hành động. Chúng tôi đã tiến hành công cuộc vượt ngục như mọi kế hoạch đã vạch ra.

Trong đêm 1/5/79, chúng tôi đã cùng nau đào tường để ra khỏi nhà kiên giam và leo tường ngoài để ra khỏi trại. Nhưng chuyện bất ngờ đã xảy ra. 2 anh Trịnh Tiếu và Lâm Thành Văn đã không thể leo lên để nhảy ra khỏi tường ngoài của trại. Anh Tiếp, anh Thuyên và tôi đã ra ngoài trước phải ngồi chờ 2 anh còn lại. Khi thấy trời gần sáng, 3 chúng tôi đành phải bỏ kế hoạch thứ nhất là chạy trốn vào rừng ẩn nấp rồi tìm cách làm bè để xuôi sông Mã đi về hướng Thanh Hóa.

Từ chỗ tạm ẩn nấp ở một cái đồi cao rậm rạp gần bên trại, một bên là đường cái và một bên là sông Mã, 3 anh em chúng tôi nhận thấy không thể đi ra ngả đường cái được vì sẽ bị phát hiện ngay, nên đành phải bơi dọc theo bờ sông nước dâng cao vì trận mưa to suốt đêm qua để tìm một nơi ẩn nấp. Bơi được một lúc, chúng tôi gặp một hốc đá thật kín đáo, bên trên có một cây to, rễ cây tua tủa ra bao trùm kín cả miệng hang, tạo thành một nơi ẩn nấp lý tưởng, cả 3 người lặn xuống nước và chui vào ẩn trong đó.

Khi nghe 3 tiếng súng báo động có tù vượt ngục của công an võ trang, chúng tôi yên lặng thu mình trong hang, hồi hộp nghe ngóng và chờ đợi. Chúng tôi biết rằng chúng tôi đang ở trong tình trạng nguy hiểm, nhưng vẫn nuôi hy vọng sẽ thoát đi được khi đêm tối đến, một thứ hy vọng rất mỏng manh. Không bao lâu, chúng tôi nghe rõ tiếng chân người chạy rần rần ngay bên trên, tiếng la hét, tiếng chó sủa... Chúng tôi biết bọn cán bộ đang dắt chó săn đi truy lùng chúng tôi.

Tiếng chân người mỗi lúc một xa dần khiến tôi mừng thầm và nghĩ rằng họ không khám phá ra chúng tôi đang ở đây nên đã đi lùng ở những nơi khác. Nhưng không bao lâu, chúng tôi lại nghe tiếng ồn ào trở lại, rồi tiếng la hét và tiếng chó sủa càng lúc càng gần hơn. Biết chắc là không thể thoát được, chúng tôi đón nhận cái chết. Tôi khoát nước sông Mã làm phép rửa tội cho anh Tiếp. Khi vừa rửa tội xong, anh ôm tôi hôn một cách vô cùng tha thiết như muốn bày tỏ một sự vui mừng và biết ơn, nhưng tôi đâu có ngờ đó là cái hôn vĩnh biệt anh gởi lại cho tôi trước lúc từ giã cuộc đời.

Nằm trong hang tối om vạch cỏ nhìn ra, tôi thấy tên Thượng sĩ Hoàn mặc áo thun, quần đùi trắng, khẩu súng lục có dây đeo quàng ngang vai, đang đứng trên chiếc xuồng nhỏ, cầm cây tầm vông dài chừng 3 thước, trên đầu có cây sắt nhọn mà tiếng miền Nam chúng tôi gọi là cây "xà no" dùng để đâm chuột, đâm rắn trong các lùm bụi Hắn vừa chống xuồng vừa chọc cây sắc nhọn một cách điên cuồng vào các bụi rậm bên bờ sông mà hắn nghi có người ẩn nấp trong đó.

Chúng tôi thấy chiếc xuồng đang từ từ trôi xuống chỗ chúng tôi ẩn nấp.

Chúng tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng. Bỗng có tiếng một người đàn bà đứng trên thuyền đánh cá từ bên kia sông gọi vọng sang, giọng nói lanh lảnh:

- Chúng nó vừa ở ngay đấy thôi !

Tên Hoàn quay mặt sang hỏi:

- Ở mô"

- Đâu trong bụi rậm trước mặt ấy, tôi vừa nom thấy chúng ngay trong bụi ấy!

Theo sự chỉ dẫn của người đàn bà, tên Thượng sĩ Hoàn đã tìm thấy chúng tôi. Thật khó mà diễn tả tâm tư của anh em chúng tôi lúc đó. Chúng tôi biết là đã hoàn toàn thất bại! Chúng tôi có thể hình dung ra được chuyện gì sẽ xảy ra, vì chúng tôi đã được chứng kiến cảnh tù nhân vượt ngục thất bại đã bị đối xử như thế nào. Đa số đã bị đánh đập và hành hạ như một con thú. Một số đã bị đánh chết một cách thê thảm. Tôi bảo anh Tiếp: "Thôi! Ra đi! Anh em mình không ra, chúng nó bắn chết đó".

Khi khám phá ra chúng tôi, bọn công an võ trang lồng lộn lên, chúng vừa chạy vừa la hét như một toán thợ săn đang bao vây con mồi và chờ hạ thủ. Anh Nguyễn Sỹ Thuyên ở bên ngoài đã lội ra trước, trong khi anh Tiếp và tôi ôm nhau ghì cứng trong hang nhất định không ra. Sau khi la hét một hồi không thấy chúng tôi lội ra, tên Hoàn đã chống thuyền đâm vào, vừa dí mũi súng vào phía chúng tôi, vừa la hét một cách man dại:

- Lễ Mày có ra hay không hay đợi tao bắn nát đầu mày ra"

Thực tình mà nói, lúc bấy giờ tôi chỉ mong cho hắn siết cò, vì đó là cách giải quyết tốt nhất. Tôi đã chuẩn bị đón nhận cái chết khi chúng tôi quyết định trốn trại. Nhưng tên Hoàn đã quay súng ngược lên, bắn chỉ thiên 4 phát. Đó là dấu hiệu báo cho các nhóm đang truy lùng chúng tôi ở các vùng xung quanh biết là đã bắt được tù vượt ngục rồi.

Thấy la hét không kết quả gì, hắn liền chọc mạnh cây "xà no" vào hang, mũi sắt nhọn trúng vai anh Tiếp. Qua ánh đèn pin hắn dọi vào, tôi thấy máu anh Tiếp tuôn ra đỏ thẫm một vùng nước. Trước tình thế này, chúng tôi thấy là không còn cách nào khác là phải lội ra. Anh Tiếp ra trước, tôi theo sau và chờ đợi những gì sẽ xảy ra với chúng tôi khi lên bờ.

Cái giá phải trả

Tôi vừa lóp ngóp bò lên tới bờ sông, gặp ngay tên Chuẩn úy Lăng, Sĩ Quan An Ninh của trại đang cầm trở ngược đầu cây súng AK đứng chực sẵn. Khi tôi bò lên vừa đúng tầm, hắn dọng báng súng cực mạnh vào giữa ngực tôi, tôi ngã lăn xuống nước. Đó là cú đánh mở màn cho một thảm kịch sắp diễn ra trong dây lát. Tên Thượng sĩ Hoàn dùng "xà no" thọc vào lưng bắt tôi leo lên bờ. Tên Lăng vẫn đứng chờ tôi, nhưng lần này không đánh nữa mà túm tóc kéo lên bờ. Vừa bò lên tới bờ tôi thấy một đám người đông đúc đứng gần kín cả đồi sắn mới lú lên cao chừng hơn gang tay. Cách đó không xa, một toán chừng 10 tên cán bộ đang vây quanh anh Tiếp đánh đấm túi bụi. Vừa trông thấy tôi, một bọn khác xông vào nga. Tôi cũng phải chịu số phận như anh Tiếp. Lúc đó anh Thuyên ở đâu tôi không biết.

Những cú đấm đầu tiên làm tôi đau điếng cả người, nhưng chúng đấm đá một lúc thì tôi không còn nghe đau đớn gì nữa mà nghe những tiếng phình phình như ai đang đá banh dội vô tường. Tôi không còn biết cảnh vật chung quanh, nhắm mắt cắn răng chịu đòn, không hề kêu la một tiếng. Đánh đập chán chê, họ đẩy tôi về phía trại. Mở mắt ra tôi không còn thấy anh Tiếp ở đâu nữa. Tôi loạng choạng lê bước đi trước, một lũ cán bộ ồn ào theo sau. Gần tới cầu ván bắc qua con suối cạn gần trại mộc, tên Thượng sĩ Khải là một võ sĩ huấn luyện viên vũ thuật cho cán bộ, đang đứng thủ thế ở phía trước chờ tôi tới. Khi vừa đúng tầm, hắn nhún người nhảy vọt lên cao, tống nguyên gót chân vào mặt tôi khiến tôi lộn nhào xuống cái suối cạn ở gần đó, máu mũi và máu miệng chảy ra lênh láng. Phải công nhận đây là một cú đá rất đẹp, đúng bài bản và có rèn luyện. Bị cú này, tôi cảm thấy thấm thía hơn là bị trận đánh đấm vừa rồi của những con ngựa non háu đá. Lúc đó tôi vẫn còn tỉnh nhưng chợt nghĩ là phải giả vờ chết, bằng không sẽ chết thật. Tôi nằm yên bất động. Bọn cán bộ đứng trên bờ gọi giục, tôi cũng nằm yên. Có mấy tên nhào xuống đánh tiếp, tôi cứ mặc kệ và nằm ngửa ra như một xác chết. Có lẽ chúng tưởng tôi đã chết nên gọi 2 anh Trật Tự Thi và Phát xuống suối kéo tôi lên và mang về trại.

Bùi Đình Thi nhập cuộc:

Bùi Đình Thi và Trương Văn Phát, mỗi anh một bên nắm lấy cổ tay tôi kéo lê về trại, lưng và mông tôi lết trên đường đá cục, đau đớn không chịu được, nhưng biết làm gì hơn" Chúng kéo tôi thẳng vô sân trại, vất nằm ngửa trên nền xi măng của hội trường. Nằm yên một chốc, tôi mê đi không còn biết gì nữa. Chẳng biết mê man như thế bao lâu vì tôi đã mất ý niệm về thời gian. Lúc chợt tỉnh lại, tôi mở mắt ra thấy Bùi Đình Thi đang cầm sô nước lạnh giội lên mặt tôi. Vừa thấy tôi tỉnh lại, anh ta vội đặt cái sô xuống và nhanh như con hổ sợ con mồi vuột chạy mất, nhảy chồm lên, 2 tay túm lấy một cánh tay tôi kéo thẳng lên, đồng thời dùng gót chân đạp một cái điên cuồng vào ngực, vào bụng tôi, miệng anh ta sùi bọt mép, nghiến răng trợn mắt nói như muốn hụt hơi: "Đ.M. mày Lễ, ăn cơm không muốn mày muốn ăn cứt, mày muốn chết tao cho mày chết!"

Lúc đó nằm ngửa nhìn lên, tôi bắt gặp cặp mắt của Bùi Đình Thi, một hình ảnh mà tôi còn cảm thấy kinh hãi cho tới giờ, một cặp mắt đỏ ngầu như máu, 2 tròng con mắt lồ lộ ra ngoài như mắt của một người treo cổ tự tử mà vì bổn phận có lần tôi đã chứng kiến. Chưa bao giờ và tôi nghĩ là cũng chẳng bao giờ tôi thấy đôi mắt của ai như đôi mắt Bùi Đình Thi lúc đó. Đánh đập chán chê, anh ta bỏ tôi nằm yên. Sau này tôi mới biết anh ta bỏ tôi quay sang "thăm" 2 anh Đặng Văn Tiếp và Nguyễn Sỹ Thuyên đang nằm rải rác gần đó. Tôi lại đi vào cơn hôn mê lần nũa. Khi tỉnh lại, tôi thấy Bùi Đình Thi đang cầm 2 chân tôi kéo lê lên các bậc thang đúc bằng xi măng từ sân hội trường lên khu kiên giam. Lưng và đầu tôi va chạm vào các bậc thang (12 bậc) làm tôi bừng tỉnh lại và nhờ đó tôi mới chưng kiến cảnh tượng hãi hùng khác: Cảnh Đại úy Bùi Đình Thi giết chết Thiếu tá Đặng Văn Tiếp!

Mạng người thứ nhất

Bùi Đình Thi kéo tôi vào lại buồng cũ, nơi mà chúng tôi vừa đào tường vượt ngục đêm qua. Chắc chắn một điều là Bùi Đình Thi tưởng tôi đã chết rồi nên mới lôi đầu tôi vào phòng trước, đặt tôi nằm quay mặt nhìn ra sân, nhờ thế tôi mới có cơ hội nhìn thấy tội ác tày trời của anh ta. Nếu biết tôi còn sống, có lẽ Bùi Đình Thi đã ban cho tôi một "cú ân huệ" rồi.

Vừa quẳng tôi vô buồng, Bùi Đình Thi vội quay trở ra cửa khu kiên giam đẩy mạnh anh Tiếp vào. Từ lúc thấy anh Tiếp bị đánh ở bờ sông cho đến lúc đó là bao lâu, tôi cũng không thể đoán được vì trí nhớ tôi lúc đó rối loạn. Anh bị đòn nhiều ít thế nào tôi cũng chẳng hay. Tôi chỉ biết là lúc đó tôi trông anh còn có vẻ khá hơn tôi, tuy dáng anh trông tả tơi, nhưng anh còn đi đứng được. Chung quanh anh lố nhố bọn cán bộ. Tôi nghe có cả tiếng phụ nữ chắc là vợ con cán bộ nghe tin cũng đã chạy lên xem cảnh hành hạ tù vượt ngục. Tôi không biết ai đã quật anh Tiếp ngã xuống, nhưng tôi thấy rõ Bùi Đình Thi, và chỉ có một mình Bùi Đình Thi mà thôi, nhảy chồm tới cầm tay anh Tiếp kéo lên, rồi dùng ngón chân dậm lên một cách điên cuồng lên ngực, lên bụng anh giữa tiếng chửi bới và cổ võ của một lũ cán bộ.

Nằm nhìn ra cảnh ấy, tôi biết là anh Tiếp không thể chịu nỗi cú đòn hiểm độc này của Bùi Đình Thi. Không rõ Bùi Đình Thi hành hạ anh Tiếp trong bao lâu cho tới khi tôi nghe anh kêu lên thật to: "Chắc con chết mất Mẹ ơi!" Tôi không ngờ đó là câu nói cuối cùng của đời anh. Đặng Văn Tiếp đã chết. Không ai ngờ được một cuộc đời đã từng ngang dọc oai hùng của anh đã bị chấm dứt một cách tức tưởi như thế này vào một buổi sáng âm u ngày 2/5/79 trong nhà tù Thanh Cẩm, lúc anh vừa 46 tuổi. Bùi Đình Thi đã giết chết anh một cách dã man. Nếu tôi không sống sót thì ai biết được ghi thêm một thảm trạng trong nhà tù CS"

Hôm nay ngồi viết lại cảnh tượng này lòng tôi đau nhói. Tôi có cảm tưởng như đang xem một đoạn phim chiếu những hình ảnh méo mó, bệnh hoạn. Ruột tôi co thắt lại và tôi cảm thấy buồn nôn! Trong cả cuộc đời của tôi, không cảnh nào làm tôi đau xót bằng cảnh một Đại úy QLVNCH đang trợn trừng cặp mắt đỏ ngầu như máu, điên cuồng đánh đập, chà đạp một Thiếu tá QLVNCH đang nằm vật xuống đất, dở sống dở chết, mình đầy máu me, trước sự chứng kiến của một lũ cán bộ VC đứng vây quanh vừa chửi bới vừa hò hét cổ võ. Cảnh tượng này không khác gì cảnh tượng trong một đoạn phim của cuốn phim "quo Vadis" mà tôi đã xem, đó là cảnh một đám khán giả khát máu tập trung trong một hí trường thời cổ đại La Mã đang là hét điên cuồng cổ võ những con ác thú cắn xé các nạn nhân bị kết án tử hình được vất cho chúng. Điều đáng tiếc là "Chắc con chết mất Mẹ ơi!" lại không phải là một con thú, anh ta là một con người. Hơn thế nữa, anh đã từng là chiến hữu của Bùi Đình Thi, và 2 người chưa hề có thù oán gì với nhau, anh được chúng tôi coi là một người anh em, một người bạn tù đồng chung cảnh ngộ. Viết tới đây, cảm giác kinh hoàng của 17 năm về trước bừng sống dậy làm tim tôi se thắt lại, nước mắt tôi bỗng dưng tuôn trào xuống, những ngón tay tôi không còn giữ nỗi cây viết. Tôi phải ngừng lại để nói chuyện với anh Tiếp.

"Anh Tiếp ơi! Giờ này oan hồn anh ở đâu" Anh có biết người em này đau xót như thế nào khi ngồi ghi lại những dòng này không" Nước mắt của người em này cứ tuôn trào ra, chảy xuống ướt cả áo... Mỗi năm, vào ngày giỗ của anh, khi thắp nén hương đứng cầu nguyện trước bàn thờ anh, lòng em đau xót vô cùng, nhưng chưa bao giờ em khốn khổ như lúc em đang viết lại từng chi tiết về cái chết của anh. Tháng 8/1995 vừa rồi, khi qua Mỹ, em đã thay anh tới nghĩa trang Arlington viếng mộ của Mẹ anh vào một buổi sáng tinh sương, khi không khí còn trong lành. Em đi với Thụ. Khi nhìn làn khói hương bay tỏa lên cao, tự nhiên em nhớ lại câu nói của anh trước khi Bùi Đình Thi đưa anh về bên kia thế giới: "Chắc con chết mất Mẹ ơi!". Người em này bồi hồi xúc động, quay đi để gạt nước mắt, trong khi Thụ đang lúi húi lau chùi mộ bia của Mẹ..."

Giết chết anh Tiếp xong Bùi Đình Thi lôi xác anh vào buồng vất chồng lên người tôi đang nằm như một thây ma bất dộng dưới lối đi, nơi mà mấy tháng trước đây tên Đại tá Công an VC Hoàng Thanh đã đi qua để nhìn mặt chúng tôi. Lúc này tôi nằm ngửa còn xác anh Tiếp mềm nhũn nằm sấp áp lên người tôi. Trong tư thế đó, tôi là người thân cuối cùng có mặt để tiễn đưa anh về thế giới bên kia.


(Còn tiếp một kỳ...)

Linh mục Nguyễn Hữu Lễ Nhóm Quyết Tiến 48 Viết tại Auckland, New Zealand Ngày 2/1/1995

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.