Hôm nay,  

Con Đường Lựa Chọn

15/07/200400:00:00(Xem: 5148)
Chiến tranh có hai loại: một là chiến tranh cần thiết, hai là chiến tranh lựa chọn. Chiến tranh cần thiết là chiến tranh không đánh không xong, thí dụ cần đánh trả để tự vệ. Chiến tranh lựa chọn là chiến tranh có thể tùy nghi quyết định, đánh ở đâu đánh bao giờ, đánh trễ hay đánh sớm tùy thời tùy cảnh. Trong loại chiến tranh này, nổi bật nhất là đánh phủ đầu để ngăn chặn hiểm họa địch thủ tấn công trước. Tại sao biết có mối nguy đó để "tiên hạ thủ vi cường" trái với luật lệ quốc tế" Đó là nhờ tin tức tình báo. Có điều là nếu tình báo đúng thì hay lắm, nhưng nếu tình báo sai thì thật phiền.
Cuộc chiến của Mỹ đánh Afghanistan cuối năm 2001 là chiến tranh cần thiết vì Mỹ đã bị khủng bố đánh một đòn tàn bạo ngày 11-9-01 làm chết gần 3,000 người. Không một ông Tổng Thống Mỹ nào có thể khoanh tay ngồi nhìn kẻ thù sau một thảm họa như vậy. Tổng Thống Bush ra lệnh tấn công Afghanistan là đúng bởi vì trùm khủng bố Osama bin Laden cầm đầu tổ chức al-Qaida với các trại huấn luyện khủng bố có mặt ở nước này. Chế độ Taliban lúc đó đã không chịu giao nạp hay trục xuất bin Laden mà còn coi hắn là thượng khách. Vụ đánh Afghanistan đã được đại đa số dân Mỹ tán thành và nhiều nước trên thế giới ủng hộ. Vậy cuộc chiến Mỹ đánh Iraq năm 2003 có phải là chiến tranh cần thiết hay không"
Ủy ban Tình báo Thuợng viện Mỹ sau nhiều tháng làm việc đã hoàn thành cuộc điều tra về vụ khủng bố 11-9 với một bản báo cáo xúc tích dày 511 trang và thứ sáu tuần qua một phần bản báo cáo đã được thông báo cho báo chí. Ủy ban đã tìm thấy những thiếu sót của hệ thống tình báo Mỹ làm lỡ cơ may ngăn chặn vụ khủng bố tấn công ngày 11-9. Ủy ban Thượng viện phải điều tra về tình báo vì trong công cuộc chống khủng bố, nhu cầu ưu tiên là tình báo chớ không phải chỉ cần có binh hùng tướng mạnh hay vũ khí tối tân. Tuy nhiên, một khi đã rà xét lại toàn bộ các cơ cấu tình báo Mỹ, cốt cán là CIA và FBI, Ủy ban bắt buộc phải nhìn đến công tác tình báo trước ngày mở cuộc chiến lật đổ chế độ Saddam Hussein. Ở lãnh vực này những kết luận của Ủy ban đã bất lợi cho TT Bush, vì những chi tiết tìm thấy đi ngược lại lập luận của ông về lý do tại sao cần phải đánh Iraq.
Ủy ban chỉ trích CIA đã phóng đại bằng chứng về việc Iraq tích trữ các loại vũ khí giết người hàng loạt như hóa học, vi trùng và chế tạo vũ khí hạt nhân. Cho đến nay không tìm thấy một bằng cớ xác thực nào về các loại vũ khí đó. Chính phủ Bush cũng đã từng nêu ra việc Iraq có liên lạc với bọn khủng bố al-Qaida để chứng minh cho vụ đánh Iraq. Về điểm này, Ủy ban nêu ra nhiều tài liệu tình báo mật do CIA soạn thảo sau ngày 11-9 cho thấy chỉ có những dấu hiệu "mù mờ", đôi khi mâu thuẫn, về sự liên hệ chặt chẽ giữa Iraq và al-Qaida. Ủy ban nói CIA đã "có lý" khi kết luận rằng những sự tiếp xúc giữa các giới tình báo Iraq và al-Qaida "không đưa đến việc thành lập mối quan hệ chính thức" giữa Saddam Hussein và tổ chức khủng bố.

Ủy ban Tình báo Thượng viện là Ủy ban Lưỡng đảng gồm 10 người, 5 Cộng Hòa và 5 Dân Chủ. Ông John Lehman (CH) nói: "Chúng tôi không cần lấy ngón tay chỉ vào bản báo cáo vì dân chúng sẽ có thể tự phán xét những sự kiện đó". Toàn bộ bản báo cáo đã được Ủy ban nhất trí thông qua và công bố tuần này, giữa lúc Bạch Cung muốn dùng cuộc chiến chống khủng bố làm chủ đề vận động TT Bush đắc cử nhiệm kỳ II. Trong khi đó theo các cuộc thăm dò, đã có thêm nhiều người dân Mỹ cho rằng cuộc chiến Iraq đã làm gia tăng nguy cơ khủng bố thay vì làm giảm. TT Bush đã chính thức lên tiếng về bản báo cáo để xác nhận lại một lần nữa chiến tranh Iraq là cần thiết. Ông nói quyết định đánh Iraq là đúng và tiếp: "Ngày nay, vì có nước Mỹ hành động và lãnh đạo, các thế lực khủng bố và bạo ngược đã đi từ thất bại này đến thất bại khác, nước Mỹ và thế giới được an toàn hơn". Về vụ liên hệ "Saddam-al-Qaida", phát ngôn nhân Bạch Cung nói: "Chúng tôi biết có quan hệ giữa Iraq và bọn khủng bố, kể cả al-Qaida". Một người tên là Abu Musab al-Zarqawi, gốc Palestine từ Jordan, hiện bị coi như đã gây ra nhiều vụ tấn công khủng bố ở Iraq và đã từng chỉ huy một trại huấn luyện al-Qaida ở Afghanistan. Đó là một tay cao cấp al-Qaida hiện có mặt ở Iraq. Nhưng các giới chức tình báo Mỹ nói Zarqawi chỉ là kẻ phối hợp với mạng lưới khủng bố, không phải là đệ tử trung thành với bin Laden. Zarqawi lập an toàn khu ở Bắc Iraq, trong vùng của các nhóm Thánh chiến cực đoan người Kurd, ở ngoài vòng kiểm soát của Saddam trước đây.
Báo cáo của Ủy ban Thượng viện cho thấy tính chất cuộc chiến Iraq là chọn lựa nhiều hơn cần thiết. Nhưng TT Bush tuyên bố: "Dù không tìm thấy các kho vũ khí giết người hàng loạt, chúng tôi vẫn làm đúng khi đánh vào Iraq. Chúng tôi đã hạ được một kẻ công khai tự nhận là kẻ thù của nước Mỹ, có khả năng sản xuất các loại vũ khí giết người hàng loạt và có thể truyền lại khả năng đó cho bọn khủng bố. Sau vụ 11-9-01 chúng tôi không thể để cho thế giới phải chịu một sự rủi ro như vậy". Hồi đầu năm 2002, TT Bush đã liệt Bắc Hàn, Iran và Iraq vào Trục Tam Ác. Năm nay những tin tức mới nhất đã cho thấy về mặt vũ khí hạt nhân, Bắc Hàn và Iran còn nguy hiểm hơn Iraq của Saddam rất nhiều. Nhưng nếu có sự lựa chọn, điều đó cũng dễ hiểu vì Saddam chưa có bom nguyên tử và Iraq èo oặt như một anh què giò, luôn luôn bị phi cơ Anh-Mỹ bay thám sát trong vùng cấm bay.
Sự thật khi ra lệnh cho quân đội tiến vào Baghdad, TT Bush đã lựa chọn cho nước Mỹ một đường đi dứt khoát: xây dựng một chế độ tự do dân chủ cho Iraq. Đó là một con đường hiểm ác, đi vào chỉ có tiến chớ không thể bỏ ngang và rất tốn xương máu. Bao giờ tiến đến mục đích, điều đó còn tùy tình hình biến chuyển ở Iraq. Hy vọng chính phủ lâm thời Iraq sẽ có khả năng tự lo được an ninh và giải trừ được hiểm họa nội chiến để quân đội Mỹ có thể sớm rút về. Muốn vậy chỉ nên quốc tế hóa vấn đề Iraq thay vì Iraq hóa chiến tranh.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
SINH HOẠT CỘNG ĐỒNG:
Tiếng thầy tri chúng oang oang: - Chú Trí Giải đâu rồi? có mấy mân dưa chua mà vẫn chưa xong à? cỏ cũng chưa cắt? nhà khách chưa lau chùi? Chú làm gì mà cả ngày không xong vậy?
Người Kurds là ai? * Có khoảng từ 25 đến 35 triệu người Kurds sống trong vùng núi tiếp giáp ở hai bên biên giới của xứ Thổ, Iraq, Syria, Iran và Armenia. Họ là nhóm sắc tộc đông thứ tư tại vùng Trung Đông, nhưng chưa bao giờ là một quốc gia.
Cái gì lâu đời thuộc về văn hóa dù là văn hóa vật thể cũng đều quý hiếm như cây thị 900 tuổi tại Chùa Đồng Phúc thuộc tỉnh Quảng Ninh tại miền Bắc Việt Nam được liệt vào si sản văn hóa của Việt Nam
Nhân dịp Giỗ lần thứ 4 của Nhạc Sĩ Anh Bằng, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ xin trân trọng kính mời quý vị và các anh chị tham dự "Đêm Nhạc Tưởng Niệm Nhạc Sĩ Anh Bằng" vào Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2019 lúc 7:00 pm tại studio của Đài Việt TV 24
“Con xin lỗi mẹ nhiều. Mẹ ơi! Chuyến đi hải ngoại của con bất thành. Con chết vì con không thở được. Con xin lỗi mẹ…” Đó là tiếng kêu đau thương, khẩn thiết của cô Phạm Thị Trà My, người con gái Hà Tĩnh, hai mươi sáu tuổi gọi mẹ từ trong một container đông lạnh tại biên giới của Vương Quốc Anh ở tận bên trời Âu.
Dù là tác phẩm đầu tay, Ocean Vương gây thu hút nơi độc giả, nhưng cũng là một khám phá kỳ thú cho giới phê bình. Nổi bật nhất là MacArthur Foundation trao giải thưởng cao quý của loại Genius Grant, giải Thiên Tài này sẽ thưởng $625,000 trong vòng năm năm.
Trên con đường lưu lạc, không ít kẻ đã bỏ thân nơi đất lạ xứ người. Hai nạn nhân mới nhất có tên là Phạm Thị Trà My và Nguyễn Đình Lượng, đều là người cùng quê (Can Lộc) với Bộ Trưởng Trần Hồng Hà.
Chương-trình ca-nhạc tháng Mười Một - Những Ca-khúc Tìm Quen
Bà Elizabeth Warren hiện dẫn đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ thuộc đảng Dân Chủ cho nên cần tìm hiểu lập trường chính trị của bà.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.