Hôm nay,  

Nhiếp Ảnh: Miếng Ngon Hà Nội - Rươi

12/04/200500:00:00(Xem: 5569)
Trong "Hà Nội Nhìn Lại", người viết hứa tuần này sẽ gửi đến bạn đọc "Hà Nội 36 Phố Phường". Nhìn lại, quả thật là bạo phổi, viết về Hà Nội có bề dầy lịch sử cả ngàn năm lịch sử, trong khi tác giả khi chia lìa Hà Nội, mới 9 tuổi. Vài ba lần trở về Hà Nội sau gần 50 chia cách, chúng tôi chỉ còn sót lại những kỷ niệm thủa ấu thơ trong tâm thức, bên phố Hàng Chuối những hàng cây Cơm Nguội vàng, con chim vành khuyên nhỏ bé thủa thiếu thời, ký ức những lần lén nhà, thả bộ ra đường Trần Hưng Đạo tìm kiếm quả me, trái sấu chín rơi rụng sau cơn gió mạnh. Khi trở về, chúng tôi đã đi khắp phố phường đuổi bắt hình bóng 50 năm về trước. Nếu chỉ nói về Hà Nội với những con đường chật hẹp, xe cộ ôn ào, quay cuồng, quả là một thiếu sót.
Tuần qua, chúng tôi đọc thêm tài liệu về thành phố nhiều dấu ấn, hàn huyên với những người rất Hà Nội, Hà Nội như hơi thở của họ: tài tử Kiều Chinh, nhà văn Hoàng Khởi Phong, nhà Văn Phạm Xuân Đài, người viết cuốn "Hà Nội trong mắt tôi", nhà báo Lê Thụy và một số người đang sống lay lất tại Hà Nội, muốn nói, nhưng nghẹn ngào vì bóng ma quá khứ khắc nghiệt vẫn còn ám ảnh.... đã chia sẻ một số kinh nghiệm quí báu của họ khi viếng lại Hà Nội từ những năm mới "thoáng" đến một thế giới đảo điên đang thay đổi quanh Hà Nội. Xin cám ơn các vị này đã chia xẻ một số dữ kiện quí báu, giúp người viết không vướng vào lăng kính chủ quan của mình.
Hà Nội 36 Phố Phường có nhiều góc nhìn khác nhau, mỗi người biết về Hà Nội, đều có góc nhìn riêng biệt. Họ nói về những mẩu chuyện tạo thành một Hà Nội nhớ nhung từ con phố, góc hẻm, những hàng cây rợp bóng, đến các hàng quán bên vỉa hè, một Hà Nội thanh lịch thời xa xưa, một Hà Nội độc ác thời chiến tranh tương tàn, hủy diệt bao tài hoa đất nước, một Hà Nội "ra ngõ đã gặp anh hùng" của thời kiêu binh. Nói về Hà Nội, không nói đến các miếng ngon Hà nội , về cách ăn phở phong lưu của Nguyễn Tuân, quà ngon Hà Nội của Thạch Lam, Bún Ốc Hà thành của Nguyễn Hà là quả là thiếu sót.
Trong khi chờ đợi hoàn tất về Hà Nội 36 phố Phường dưới mắt của người trở về sau 50 năm xa cách, người viết xin mời bạn đọc Vũ Bằng viết về một miếng ngon thật đặc biệt chỉ có người Hà Nội, hay kẻ sành điệu viếng thăm vào mùa Thu tháng 10, mới có cơ duyên thưởng thức: RƯƠI.
Một bạn đọc ở Garden Grove (CA) có hiệu đính trích đoạn một bản nhạc "Hà Nội - Ngày Trở Về". Chúng tôi có ghi chú là nhạc của Phú Quang, quên không nhắc đến lời và thơ của Doãn Thanh Tùng. Nhưng khi xem lại tập nhạc "Về Lại Phố Xưa", ấn bản tại Hà Nội năm 2001, xác định nhạc sĩ Phú Quang cùng Doãn Thanh Tùng đồng tác giả của bài thơ nói trên. Đâu là sự thật". Xin gửi đến bạn đọc nguyên bài thơ để cùng thưởng thức:
Hà Nội - Ngày Trở về
Nhạc Phú Quang
Lời và thơ: Doãn Thanh Tùng
Hà nội ơi, mỗi khi lòng xác sơ
Tôi vội vã trở về
Lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm trên đường phố quen
Dù chỉ là một chiều hương giăng lối cũ
Tôi bồi hồi khi chạm bóng cửa Ô
Như ngày xưa mỗi lần chạm vai gầy áo mẹ
Ôi nỗi nhớ muôn đời vẫn thế
Như giòng sông Hồng cuộn đỏ mãi trong tôi
Vội vã trở về, vội vã ra đi
Chẳng thể nào qua hết từng con phố
Nhưng còn đó mùa thu, mùa thu đầy gió
Và rêu phong bên những gốc cây già
Vội vã trở về cùng tháng năm xưa
Sau những con đường dầu dãi nắng mưa
Bên quán ngọ em ngồi nghe lá trút
Chiều mưa xa giăng kín phố dài
Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ
Tôi vội vã trở về để nghe tim rưng rưng trong nước hồ thu
*
Ngày ngắn dần đi . Đêm, cứ vào khoảng gần sáng thì trời lại hơi lành lạnh. Thế là đã sang tháng chín lúc nào rồi" Tháng chín, những ngày nắng tưng bừng không còn nhiều; một vài chiếc lá đã bắt đầu rụng xuống mặt hồ; nhưng thời tiết vẫn chưa thay đổi hẳn; tựa như ở vào một lúc giao thời của một người con gái đương tiến từ giai đoạn bé bỏng sang tuổi dậy thì. Người con gái dậy thì lúc vui, khi buồn, như nũng nịu, như hờn dỗi, thì trời tháng chín cũng thế, đương nắng như cười bỗng chẳng nói chẳng năng xịu hẳn mặt lại, đương tưng bừng nhảy múa bỗng rầu rĩ và nặng trĩu mối buồn lê thê. Thế rồi có nhiều khi mấy hạt mưa tím bỗng dưng trút xuống hắt hiu để cho người ta ngỡ là rét đã về, giục nhau sắm sửa mềm êm áo ấm. Thế nhưng mà lầm. Chưa rét. Rươi đấy mà! Đương nắng mà mưa: rươi; đương nóng mà rét: rươi; đương mưa mà nắng: rươi. Có nắng rươi, có mưa rươi, và do đó, nếu người ta bị nóng lạnh hay se mình, ngào ngạt hay yếu phổi, người ta đều hạ một tiếng rất bình hòa. "Rươi đấy!" Thực, không ai có thể tưởng tượng được rằng ở đời này lại có một món ăn liên quan tới thời tiết mật thiết đến như vậy. Mà hơn thế nữa, rươi, món ăn đặc biệt của mùa thu phương Bắc, lại còn ảnh hưởng cả đến tinh thần, và sức khỏe của người ta. Ông hơi ngúng nguẩy mà nói chuyện đến thuốc thang, sẽ bị gạt đi ngay vì ai cũng sẽ bảo ông :"Vẽ trò, rươi đấy, ăn rươi đi thì khỏi!" Rươi là cái hàn thử biểu; rươi là vị thuốc bách giải mà người ta gán cho một sức công hiệu như thần; nhưng rươi còn là một khối bí mật để cho người ta hỏi lẫn nhau trong mấy ngày ngắn ngủi có rươi ăn. Nó là thứ sâu gì mà ăn ngon đến thế nhỉ" Nó ở đâu đến mà lạ đúng ngày, đúng giờ như một quyển lịch thế nhỉ" Nó có những chất gì ở trong mình mà ăn sướng khẩu cái, lại bổ béo như thế nhỉ" Tại làm sao nó bổ mà những người ho, sốt ăn vào lại độc như thế nhỉ" Ờ mà thật thế, cứ đến những ngày cuối thu, tất cả các gia đình Bắc Việt, không nhiều thì ít, cũng đều ăn rươi, nhưng có lẽ không mấy ai đã thật biết rõ đời con rươi. Đương ngồi ở trong nhà bỗng nghe thấy những người đàn bà lanh lảnh rao: "Ai mua rươi! Ai mua rươi ra mua!" người ta bỗng thấy lòng tưng bừng như có muôn đóa hoa hé cánh và người ta vội vàng chạy ra cửa gọi mua: "Rươi! Rươi!" Hỡi các bà nội trợ, đừng có lần chần lắm mà nhỡ việc, vì rươi không phải là một món ăn ngày nào cũng có đâu. Cả một năm chỉ có mấy ngày có rươi thôi; mà những ngày có rươi đó nếu bà không mua nhanh lên thì hết đấy. Cả một mùa không được ăn một miếng rươi vào miệng, không những bà ân hận, mà người chồng yêu quý của bà rất có thể lại làu nhàu. Bởi vì ở Bắc Việt, ăn rươi là một thông lệ, đến mùa mà không được ăn thì như là một người đàn bà đẹp đã để phí mất tuổi hoa, sau này sẽ nặng một niềm tiếc nhớ... Chính người bán rươi cho ta cũng vội vàng. Bán cũng phải nhanh, vừa bán vừa chạy, không thể kề cà được như hàng rau, hàng bún. Rươi bán cho người ăn phải thật tươi, nếu lần chần đến qúa trưa thì ôi mất, nhiều con chết, ăn không quý bằng thứ rươi mua sớm. Là vì ai cũng đã biết rươi không phải sản xuất ngay ở Hà Nội hay vùng ngoại châu thành, nhưng là từ các tỉnh gần miền biển như Hải Phòng, Hải Dương, Đông Triều, Thái Bình, Kiến An ... đem về. Tính từ lúc đơm được rươi, qua một chặng buôn đi bán lại rồi chở ô tô về được đến Hà Nội bán vào buổi trưa, cũng đã mất khá lâu thì giờ; nếu không bán nhanh thì rươi, chồng chất lên nhau ở trong hai cái thúng của người bán hàng, sẽ chết nhiều; mà nếu mua về nhà không làm để ăn ngay thì ôi, ăn cũng giảm mất một đôi phần thích thú. Nhưng mà hỡi người ăn rươi, anh có biết rằng mỗi khi ăn rươi, anh đã nuốt vào lòng bao nhiêu là cuộc tình duyên khăng khít của cái giống hải trùng đó hay không" Anh có biết rằng mỗi con rươi là một câu chuyện đa tình của cái giống thèm trai, có một tấm lòng ác liệt không" *
.Có người bảo rươi là một loài sâu bọ ở đồng bằng sống ở dưới những chân lúa, cuống rạ. Đến mùa, đất vỡ ra (người ta gọi thế là nứt lỗ rươi), rươi hiện lên trên mặt ruộng. Do đó, có người đã liệt nó vào giống "đông trùng hạ thảo" và cho rằng sức bổ béo của nó không quá những con dế mèn, châu chấu. Những nhận xét đó không giải thích được một phần nào nguyên nhân tại sao chỉ những ruộng ở gần bể mới có rươi và cũng không cho ta thấy tại sao rươi lại chỉ nhất định có vào những ngày mùng 5 tháng 9, hai nhăm tháng 10 và tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mùng 5. Sự xuất hiện của con rươi vào mấy ngày trong tháng chín và tháng mười đó phù hợp với một câu vè mà người ta dùng để đố nhau: Con gì bé tỉ tì ti, Mình đi dưới đất, bóng đi trên trời, Một năm mấy bận đi chơi, Đi thời lở đất, long trời mới yên" Thật ra, sự xuất hiện của con rươi quả là có chịu ảnh hưởng của thời tiết thật - muốn nói cho đúng thì phải nói là chịu ảnh hưởng của tuần trăng. Nguyên rươi là một giống hải trùng, sinh sống bằng những con bọ vi ti dưới biển. Vào những dịp trăng thượng huyền, tháng giêng, tháng hai, nước biển rút xuống: những con rươi đẻ trứng ở ruộng; trứng đó ở cách sâu dưới đất chừng bốn, năm mươi phân. Vào tuần trăng hạ huyền, nước biển dâng cao, tràn vào các ruộng; trứng rươi nở ra con rồi nhô ở dưới đất lên và đứt ra từng đoạn như hầu hết các giống sâu bọ khác. Mỗi đoạn là một con rươi. Nhưng không phải tất cả các đoạn còn ở lại. Con rươi có đặc điểm là nếu ta chặt đầu nó đi, mà có nước biển thuận tiện cho nó sống thì nó lại sinh ra cái đầu khác, chặt đuôi nó thì nó lại sinh ra cái đuôi khác. Vào những ngày mùng 5 tháng 9, 25 tháng 10, tháng 9 đôi mươi, tháng 10 mùng 5, là những ngày nước thủy triều dâng lên, những con rươi chui ra khỏi mặt đất (người ta gọi là nứt lỗ rươi) chính là để sống cuộc đời, tình ái. Những cánh ruộng gần bể lúc đó đầy rươi: con cái bụng căng lên những trứng, thèm khát ái tình như giống vật đến ngày "con nước", không thể ngồi yên một chỗ, phải nhởn nha đi dạo chơi trong ruộng (và có khi quá chân đi cả ra sông), cũnh như tiểu thư đi "bát phố" để kiếm kẻ giương cung bắn cho một phát tên ... tình! Còn công tử rươi cũng nhân dịp đó trưng bảnh với chị em, tha hồ mà tán tỉnh, tha hồ mà gạ gẫm, nhưng "họ" không phải mất công gì cho lắm, vì rươi cũng như mình hiện nay có cái nạn ... trai thiếu, gái thừa. Mười con rươi cái thì mới chỉ có một con rươi đực mà thôi: con đực chạy xung quanh rươi cái, lượn lờ uốn éo; con rươi cái, xúc động tâm tình, bài tiết những cái trứng ra ngoài. Con rươi đực, cũng như con cá đực, rạo rực cõi lòng cũng tiết ra một thứ nước để bao bọc lấy những trứng đó của con rươi cái... rồi lại đi tìm một mối tình duyên khác mới hơn, nhưng chưa chắc đã lạ hơn. Rốt cục con rươi đực chết (kiếp nam nhi có mong manh!) nhưng có một điều an ủi là đã để lại cho đời một kỷ niệm: những cái trứng chìm sâu xuống đất để sang năm lại sinh ra một lũ con rươi con, nối dõi tông đường, lo việc hương khói nhà rươi và cũng là để làm một...món ăn đặc biệt cho những khách sành ăn nơi Bắc Việt. Khoảng thời gian trong một năm mà giống rươi từ dưới đất ngoi lên để làm nhiệm vụ ái tình, chính là quãng đời hoa mộng nhất trong kiếp con rươi vậy. Nhưng đau đớn là cuộc hôn lễ ấy hoặc vừa cử hành xong hoặc đương cử hành thì loài người đã đem những cái lưỡi riêng (gọi là xăm) hay những cái vợt làm bằng vải mỏng vét cả đàn cả lũ cho vào thúng đem về. *Rươi thường chỉ hiện về đêm, không lên ban ngày. Vì thế, người ta chỉ bắt rươi về ban đêm. Muốn cho dễ dàng công việc, người ta - nhất là về vùng Hải Dương, Đông Triều - thường đốt đèn, đốt đuốc lên để bắt rươi; rươi thấy ánh đèn, cho là thiên đường, lại càng lượn khỏe để cùng nhau đú đởn. Và kết quả là cả lũ cùng... chết vì tình! Chở về được đến Hà Nội, con rươi tính ra ít nhất cũng đã bị tù đầy trong năm, sáu tiếng đồng hồ. Nhiều con đã chết, nhưng cũng có nhiều con còn sống. Nhìn vào một thúng rươi, ta thấy chúng có nhiều màu khác nhau: xanh nhờ nhờ, đỏ đùng đục, vàng mờ mờ, lại có khi xám bạc như màu bạc ô; tất cả quằn quại trong một thứ nhớt quánh như hồ. Nhớt đó, người ta gọi là vẩn, và chính cái vẩn, đó đã nuôi sống con rươi trên cạn. Bây giờ, nếu ta bắt một con rươi còn sống mà đem thả xuống nước, ta sẽ thấy nó uốn cả mình đi mà lượn rất nhanh. Một phần bơi nhanh được như thế cũng là vì hai hàng lông tơ ở chung quanh mình; nhưng lông ấy không phải chỉ có công dụng đó, hơn thế, lông ấy còn là những "ăng ten" dẫn điện, những cái lông có tính cách rung động để cho con đực "mồi chài" con cái và để cho con cái "tống tình" con đực. Người ta đã thử lấy một chất khoa học làm rụng hàng lông "tống tình" đó đi thì con vật bị "bỏ rơi" ngay, không những đờ đẫn ra như chết, mà lại còn bị đồng bào "phớt lạnh". *

Tháng chín, tháng mười, thường thường trời bắt đầu rét, đêm nằm gần về sáng, đã phải dùng đến chăng bông. Những buổi chiều tà, ngồi ở cạnh mâm cơm có ánh đèn hồng rủ xuống, vợ chồng cùng ăn cơm có món rươi, cùng nghĩ đến những cuộc tình ái của loài rươi, đưa mắt nhìn nhau cùng nghĩ rằng trong khi ăn bao nhiêu cuộc giao tình, mấy ai không thấy trái tim rung nhè nhẹ như dạo một bản hòa âm... Này, con rươi không phải chỉ đẹp về lý tưởng như thế mà thôi; xét theo khoa học, nó lại còn có tính cách bồi bổ sức khỏe cho ngươiø ăn nữa đấy. Cách làm ra món cũng chẳng khó khăn gì lắm. Cần nhất là lúc làm lông, phải dùng nước nóng cho già, quấy đều, nhặt cho hết rác, rồi rửa đi rửa lại nhiều nước cho thật sạch. Để ráo đi một lúc bà có thể làm nhiều món cho ông xơi, mà món nào cũng rất có thể ngon; nhưng thường thì có rươi, ta vẫn quen thưởng thức mấy món chính là chả rươi, rươi hấp, rươi xào, rươi nấu và rươi đúc với trứng. Riêng tôi, tôi thích ăn món rươi xào với niễng thái chỉ (nếu không có niễng thì dùng măng tươi hay củ cải). Vỏ quít thái nhỏ, ướp với nước mắm, hành tây đảo với mỡ thơm ngào thơm ngạt lên thì cho rươi vào xào chín rồi xúc ra; bỏ thêm mở vào chảo, đổ đồ độn xào lẫn với thịt dọi thái chỉ (đã luộc qua) cho tí muối vào nước luộc thịt, mười phần chín đến tám phần thì bỏ rươi vào, đảo lên cho thật đều... Mùi thơm tỏa ra lúc đó nịnh khứu giác của người ta đáo để nhưng mà đừng hấp tấp, hỡi người bạn sành ăn! Anh phải chờ cho chín kỹ đã (rươi có một đặc điểm là xào lâu không nát; trái lại, lại dai), bắc ra, đập trứng và bỏ hành hoa, trộn mau tay cho đều. Chao ôi! Đĩa rươi đó vừa mềm không khô, chế một ít dầu vừng, rắc mấy lá gấc thái nhỏ và mấy ngọn rau mùi vào, gia vừa hạt tiêu, để lên trên bàn, khói bốc lên nghi ngút mà ăn ngay thì nuốt đến đâu sướng đến đấy, không chịu được. Có nhiều người cho là trứng khét, làm hại mất mùi rươi, lúc xào cho nấm hương vào thay trứng. Lại cũng có nhà xào rươi ra nhiều nước, lúc ăn miếng rươi có ý nóng lâu hơn; nước chan lại ngọt, có ý thích thú hơn là ăn khô xâm xấp. Nhưng đã dùng rươi thì muốn ăn cách nào cũng thế, cần ph ải cho đủ cay mới được; ớt làm nổi hẳn vị rươi lên một cách thần tiên, ăn một miếng, húp một ít nước cho gia vị thật vừa, ta nghe thấy dâng lên một phong vị rất lạ lùng: béo, vừa đủ ngọt, không bùi hẳn như nhộng mà nhai lại hơi sừn sựt - và ta tưởng tượng như ta ăn những con ong non mới lấy ở khoái ra, thơm vừa vặn, không ngào ngạt nhưng ý nhị. Thêm vào đó, trần bì (vỏ quít) thơm một mùi hăng hăng, lá gấc ngọt thoang thoảng, thìa là và rau mùi thơm cái mùi thơm của hoa cỏ đồng quê; tất cả nâng đỡ nhau, hòa hợp với nhau để tạo nên một hương vị thật tiết tấu, tưởng chừng như một bản đàn tuyệt diệu, chỉ thiếu một nét là hỏng cả. Phổ thông hơn cả là chả rươi. Rươi trộn với thịt băm, đập trứng, thìa là, thêm vài nhát vỏ quít băm nhỏ, tất cả ướp với nắm ngon, trộn đều đổ vào chảo, rán nho nhỏ lửa thôi: món này thơm "chết mũi", láng giềng hàng xóm ngửi thấy không chịu được. Lúc ăn, cho tí hạt tiêu, điểm mấy cái rau mùi, dùng lúc đương nóng hổi. Rươi hấp ăn thanh hơn một chút: cũng thịt, hành củ, vỏ quít, thìa là và nước mắm (xin đừng quên dăm sáu tai mộc nhĩ cho thơm mà giòn) nhưng không dùng đến mỡ, chỉ trộn đều rồi hấp. Vì rươi là một món ăn hiếm có trong một năm lại được người ta yêu chuộng, nên nhiều nhà tìm cách giữ rươi để có thể gửi biếu xén bạn bè, quyến thuộc ở xa hay là giữ để ăn dần, thỉnh thoảng một chút, cho sướng ông thần khẩu. *


Có thể giữ rươi hai lối: rươi rang hay là làm mắm rươi. Rươi rang mà muốn làm cho cẩn thận thì nên dùng nồi đất lót lá chuối rồi để rươi lên trên, rang đều tay một lát rồi lấy một cái nồi đất khác chụp lên, đốt rơm như kiểu nhà quê hầm cá; rươi lấy ra, giòn tan mà không kho, giữ được hàng tháng, muốn gửi đi biếu xén ai ở thật xa cũng được. Cái thứ rươi rang này, cho vào hộp đậy thật kín, gặp hôm nào gió hiu hiu, trời buồn buồn, lấy ra mà gói kiểu Sài goòng, ăn với rau xà lách, thơm, mùi, tía tô, kinh giới, xương sông, chấm nước mắm giấm ớt, cũng hay đáo để. Nhưng mà thú hơn một bực là mắm rươi. Cứ đến mùa rơi, thường các bà nội trợ đảm đang vẫn đích thân làm một hai bình, đem ủ cho thật ngấu rồi cất đi thỉnh thoảng đem ra ăn với ruốc bông, rau cần, cải cúc, vỏ quít, thơm, mùi, lạc rang giã nhỏ, hành hoa, gừng và rau xà lách. Ăn như thế mà lại gia thêm thịt luộc ba chỉ, không thể nói là ngon được; phải nói là ăn "ăn cứ tỉnh cả người ra". Ăn như thế, không mất cái vị rươi ngòn ngọt lại phảng phất tanh tanh; mà có khi đang ăn sực nhớ rằng mình đang được dùng một của trái mùa, ta sướng rợn lên như được đặc hưởng ân tình với một người đẹp ở một nơi u tịch, không ai hay biết. *Đã có bao nhiêu bận, ngồi nhấm nháp miếng chả rươi thật kỹ, nghĩ đến cái ngon đậm đà của miếng qùa đất nước, tôi đã nhớ ra rằng có bao nhiêu con người đất Việt như tôi, chẳng may lại không được ăn rươi - kẻ ăn rươi, người chịu bão - hay không biết ăn rươi! Tôi thấy tiếc cho họ, mà lại ngậm ngùi một chút. *Không phả chỉ có y học phương Đông mới nhận thấy rằng rươi có tính chất ôn, ăn vào thêm sức khỏe; ngay khoa học mới, phân tách con rươi, cũng thấy rằng rươi bổ lắm - mà cái phần bổ của nó nếu có kém thì chỉ kém lòng đỏ trứng, ngoài ra hơn hết các món ăn bổ khác. Thật thế, một món ăn có nhiều chất lân, chất cái và tới mười một phần trăm chất đạm, không phải là lúc nào cũng tìm thấy dễ dàng đâu! Chính vì nó có một tính cách rất bổ như vậy, cho nên những người nào ngúng nguẩy, ho sốt, trẻ con cam sài đều không nên ăn, mà những người mới yếu dậy ăn cũng độc. Ngay những người bình thường không được khỏe lắm, ăn rươi cũng có thể không chịu, sinh đầy. Muốn chế hóa cái đầy đó, sả-chi-du (essence de citronnelle) là một môn thuốc hiệu nghiệm. Vì thế càng nghĩ, ta lại càng thấy rằng làm món rươi, tự các cụ ta truyền lại, phải có vỏ quít (trong có chất dầu chanh) thật là tài đặc biệt, vì không những vỏ quít đã làm dậy mùi rươi lại có tánh cách chế hóa cái độc của rươi đi, ta có thể ăn nhiều một chút mà không hại đến con tì, con vị. Nghĩ đến sự tài tình đó của người, ta không khỏi lạ cho cái khéo của Trời. Ờ mà lạ thật, cứ có rươi là có quít; rươi và quít cùng tốt đôi; không có món rươi nào mà lại có thể làm không vỏ quít.
*Nhưng tài tình hơn cả là cùng con rươi mà mà ăn khác món thì các gia vị cũng phải chế biến đi một đôi chút mới ngon. Chả rươi không phải dùng lá gấc và gừng; rươi hấp phải có mấy cái tai mộc nhĩ; rươi xào phải có thìa là mới xong; nhưng đến cái mắm rươi ăn với tôm he bông không có rau cần và rau cải cúc thì hỏng kiểu" Riêng tôi không thể nào quan niệm được một bữa mắm rươi "ra giáng" mà lại thiếu hai món rau quan yếu đó. Thiếu nó, thật y như một người đàn bà đẹp mà vô duyên: tẻ lắm. Trái lại, ăn một bữa mắm rươi đủ vị, không những ngon miệng mà lại đẹp mắt nữa: mắm rươi ở dưới bát, tôm he xé thật bông phủ lên trên, trông như một bát san hô, thế rồi đến lúc ăn, gắp đủ các thứ rau vào bát, rải mắm lên trên. Màu mắm vàng tươi nổi bật hẳn lên trên màu trắng trong của men bát, màu xanh mát của rau, màu vàng nhạt của gừng và màu xanh thẫm gần ngả đỏ của vỏ quít, ai không biết ăn mắm mà trông thấy cũng phải thèm lên thèm xuống. Ăn mắùm sống mãi mà chán thì đem chưng lên. Chưng mắm với trứng, gia một cùi dìa đường tây vào rồi khuấy lên như khuấy bột, mắm gần đặc thì cho vỏ quít, lạc rang vào. Thứ mắm chưng này cũng ăn với rau sống, nhưng gia thêm một nhánh tỏi thơm thì lại càng nổi vị hơn. Thơm gọi là nức mũi! Người ốm phải ăn kiêng, lắm lúc thấy không chịu được, cũng cố đòi ăn một miếng. Nhưng mà coi chừng đấy nhé! Một, hai miếng mắm, ăn vào tưởng là chiều ông Thần Khẩu tí ti chẳng có gì quan hệ, ấy thế mà chưa biết chừng chỉ chiều hôm trước, sáng hôm sau là thấy kiến hiệu ngay. Nhất là đàn bà mới ở cữ thì lại càng nên thận trọng. "Chín tháng ăn rươi, mười tháng ăn nhộng", qua câu tục ngữ đó có phải các cụ muốn khuyên những người đàn bà ở cữ mà kiên chưa đủ chín tháng thì đừng nên dùng món rươi chăng" Hay đó chỉ là câu "tháng chín ăn rươi, tháng mười ăn nhộng" mà dân gian truyền khẩu rồi hóa ra sai lạc" Dù sao, ta cũng thấy món rươi đi rất sâu vào văn nghệ Việt Nam. Nội trong các món ăn thuần thúy của đất nước, tôi nghĩ rằng có lẽ món rươi được nhắc nhở đến nhiều nhất trong văn nghệ bình dân; không những rươi đã làm chủ để cho nhiều câu tục ngữ phương ngôn, mà lại còn là một thứ thách đố, một đầu đề khuyên răn, một phương pháp xem thiên văn của những người dân chất phác. Này, cứ ngồi ngẫm nghĩ thì có ăn món nào trên thế giới này lại được nhắc đến nhiều và được dân gian thi vị hóa đến như thế này không" Ấy thế mà rươi lại không phải là một món ăn đắt đỏ. Một lọ mắm rươi, nào có đáng lao lăm; nhưng có ai đã từng xa vắng cố đô lâu ngày, bặt tin nhạn cá, mà một buổi sáng bất thần có người gửi đến cho một lọ mắm rươi nho nhỏ gói và trong mảnh giấy bóng kính màu hồng thì mới có thể quan niệm hết cái đẹp của rươi và tất cả thi vị của đất nước tiềm tàng trong đó. Không cần phải thư từ gì kèm theo dài dòng. Chỉ một chữ nhỏ thôi và một lọ mắm, người nhận được quà có thể mủi lòng, chảy nước mắt vì có lẽ không có thứ quà gì nhắc nhở ta nhiều kỷ niệm đằm thắm và sâu xa đến thế. Nước ta là một nước sống bằng nghề nông, mà rươi là một sản phẩm của ruộng đất bao la Bắc Việt, cũng như là cốm. Nhưng mà ở xa nhà thấy cốm thì lòng chỉ buồn nhè nhẹ, thấy ruốc hay trà mạn sen thì lòng nặng nhớ nhưng mà vẫn vui tươi, sao cứ thấy rươi thì lại buồn rã rượi" Tôi nghĩ tại cốm, tại trà, tại ruốc... là những quà phong lưu mà đẹp cao sang, nhưng rươi thì trái hẳn đẹp một cách quê mùa, bình dị, đẹp cái mảnh đất hiền hòa của xứ sở ta. Trong thấy cốm, ta nhớ đến những giải thóc nếp hoa vàng man mác, có những cô gái vừa hát vừa làm; trông thấy trà mạn sen, thấy ruốc, ta nhớ đến những người mẹ già thương con, những cô em gái thương anh, những người yêu thương người yêu, ngồi giã ruốc, sấy chè gởi cho nhau, nhưng đến món mắn rươi!... Màu vàng tái của mắm rươi nhắc ta nhớ lại màu đất của đồng ruộng mịn mỡ, làm cho ta yêu mà như đau nhói ở tim, vì hình ảnh của những người làm ruộng chân lấm tay bùn ở dưới mưa dầu nắng lửa. Nhớ anh em khôn xiết, thương đồng bào bao nhiêu. Ăn một miếng mắm ở phương xa, bao nhiêu là kỷ niệm đất nước cũng đi theo luôn vào lòng mình; người khách tha hương thấy đồng bào tuy là cách mặt mà vẫn thương mình, vứa cảm động, vừa thương thân, sao cho khỏi vừa mừng, vừa tủi" Tôi còn nhớ những người ở tản mác dưới những phương trời xa lạ cả Âu lẫn Á, hồi trước chiến tranh vẫn gửi những lá thư về nhà nói với mẹ, với chị "cho xin một lọ mắm rươi", và tôi thích nghĩ lan man về những nỗi lòng của họ khi hạ bút viết nên câu đó. Ờ mà, ở Tàu, ở Nhật, ở Pháp, ở Anh, nào thiếu gì đâu những quà ngon của lạ, mà sao người khách tha hương vẫn cứ dăm đám nhớ đến "cái món ấy" của quê nhà" Thì ra dù quan sơn cách trở, giữa người dân lưu lạc và đất nước bao giờ cũng có những giây hữu ái nối hai thâm tình lại với nhau. Và khi nghĩ rằng mối dây liên lạc đó không phải là vàng mà cũng chẳng phải lá bạc, không là chủ nghĩa này, lý thuyết nọ mà cũng không phải là giải pháp ấy, phái đảng kia, nhưng chỉ là một con rươi, một chút rươi làm thành mắm, tôi thấy muôn hoa ở trong lòng hé cánh như những bàn tay búp bê vẫy gọi nhau và tôi muốn cúi đầu xuống cảm ơn - cảm ơn bất cứ ai - đã cho người mình có con rươi, biết ăn rươi, và làm được những món rươi ăn thích thú và thơm ngon đến thế!Vũ Bằng (1960)
LTS: Chúng tôi sẽ khai trương một trang nhà (website) mới, bao gồm các bài vở và hình ảnh đã được phổ biến rộng rãi trên nhiều nhật báo và tuần báo ở những nơi có đông người Việt sinh sống. Bạn đọc có thể lên trang nhà tìm lại các bài viết này để đọc lại và xem nhiều hình ảnh nghệ thuật của nhóm chủ trương.
"Hà Nội Nhìn Lại" tuần qua - được đón nhận nồng nhiệt. Chúng tôi tiếp tục đem tâm tình ghi lại bằng lời và hình ảnh những nơi có dấu chân đi qua. Hoài bão của nhóm chủ trương mong đón nhận bài viết và hình ảnh của bạn đọc cho đề mục này thêm phong phú.
Bài viết có thể dưới nhiều dạng phông khác nhau như VNI, VPS, UNICODE, VIQR…. Và có đánh dấu tiếng Việt, bài viết cần đi đôi với hình ảnh, xin ghi rõ xuất xứ và tác giả. Chiều dài của bài từ 3-8 trang đánh máy chứa đựng trong đĩa CD, DVD hay điện thư (e-mail). Đề mục này có tính cách văn nghệ, giải trí và không tiền nhuận bút. Bài viết và hình ảnh vẫn thuộc quyền sở hưũ của tác giả, nhưng tài liệu này sẽ không được hoàn trả cho người viết. Mọi thông tin, bài vở, hình ảnh gửi về sẽ được hồi âm trên Hộp Thư Bạn Đọc mỗi tuần ở phần cuối bài này.
Địa chỉ gửi bài và hình ảnh trong CD, DVD:
Lê Minh - P.O. Box 2249 Westminster CA 92684 USA
hay
Email: leminh9411@yahoo.com
Hộp Thư Bạn Đọc:
-- H Trương / L. Phạm: Tình cờ đọc bài phóng sự, ông có nói về Hà Nội cho biết 1 tô phở Hà Nội lên đến $100,000 đồng VN. Tết Ất dậu 2005, tôi có ăn tô phở gà Gia Truyền $10,000, ở Saigòn tô phở Hòa chỉ có $20,000. Qua bài phóng sự, dưới mắt ông cái gì cũng là xấu xa hết.
Đáp: Quả là có sự nhầm lẫn, cám ơn các ông đã góp ý, 1 tô phở ở Hà Nội hay Sàigon. từ $7,000 lên đến $20-30,000 VN, tùy theo bát phở có "người lái", "cao cấp", "siêu cao" hay không ". Nhân tiện xin đính chính lại mức lương tại VN. Nhân viên thường chỉ vào khoảng $30-40 Mỹ kim/tháng, nhân viên cao hơn mới được trên dưới $100 US/ tháng. Ông có biết Chủ tịch nhà nước, báo chí VN mới loan báo chỉ nhận khoảng $2,000,000 VN/tháng. Trong khi đó một phó giám đốc công ty dầu khí đã bị bắt với hơn 50 triệu Mỹ Kim dấu tại ngân hàng Thụy sĩ. Tôi chỉ mới trình bày chưa đến 1% vấn đề tham nhũng tại VN. Có thể nơi khác không nghĩ như ông. Mời ông vào trang nhà www.vietnamreview.com trong mục văn nghệ, đặt tại Hà Nội (") đã xin phép đăng tải bài này trên mạng lưới của họ, mặc dù tôi chưa kịp trả lời. Tự nhiên như người Hà Nội ấy mà.
-- H. Nguyễn (Toronto, Canada): Mấy bức hình ảnh chụp ở Hà Nội thật tuyệt vời. Bài viết lại rất sống động, tài hoa. Xin đường đột hỏi anh Minh, có phải anh là Lê Ngọc Minh thời kỳ 1963-66 phục vụ tại ở Cục Công Binh. . .
Đáp: Xin cám ơn về lời khen. Nhưng của Cezar phải trả lại Cezar, trong bài "Hà Nội Nhìn Lại", có nhiều nhiếp ảnh gia góp hình, không biết anh khen về bức hình nào, tên tác giả cáo ghi trong phần cuối của bài. Trong tương lai gần anh và bạn đọc sẽ được xem lại các hình ảnh khổ lớn trên trang nhà của chúng tôi đang trong thời gian hoàn tất. Tác giả của hình ảnh trong "Quan Họ Bắc Ninh", "Hà Nội Nhìn Lại", xứng đáng được nhận lời khen của bạn đọc trong đó có anh. Năm 63-66, tôi còn mài đũng quần tại Chu Văn An, Sàigon. Trong giới ảnh VN, có một Lê Ngọc Minh, ông thuộc hàng sư phụ. Không biết anh muốn đề cập đến vị này "ï
-- BaoNh. Trần: Rất muốn được biết thêm về kỹ thuật và mỹ thuật của chụp hình, xin hỏi có thể giúp được không"
Đáp: Muốn giúp anh, nhưng không chưa có hoàn cảnh, và học hàm thụ khó đạt kết quả mong muốn. Tuy nhiên xin mách anh. Không biết anh ở Mỹ hay đâu. Nếu ở Mỹ, nơi có đông Việt nam, nhiều nhóm nhiếp ảnh Việt thường mở các lớp dậy miễn phí. Bạn cũng có thể ghi danh học tại các đại học cộng đồng, học phí rất văn nghệ.
Cách thứ hai, bạn có thể mua sách viết bằng tiếng Mỹ của nhiều tác giả bán trong các tiệm bán sách. Đừng mua sách dầy, quá nhiều lý thuyết khiến bạn tẩu hỏa nhập ma. Tìm cuốn sách chỉ dẫn về xử dụng máy ảnh bằng Digital, từng bước một, có hình ảnh dẫn giải dễ hiểu. Bạn muốn có cuốn sách hướng dẫn cách sử dụng và chụp hình nghệ thuật, xin vào trang nhà www.pscvn.com, gửi email cho họ, xin hay mua một bộ gồm 3 tập sách ngắn gọn, hướng dẫn bạn cách xử dụng máy ảnh digital viết bằng tiếng Việt. Hiện nay hội ảnh PSC của Nhiếp ảnh gia VyVy Trần tại quận Cam vừa mới mở lớp nhiếp ảnh cấp 2. Bạn muốn học, xin liên lạc ngay với họ qua trang nhà nêu trên.
Sau khi đọc sách hướng dẫn, chụp nhiều mẫu ảnh, gửi cho chúng tôi một vài hình mẫu không hài lòng, anh em nhiếp ảnh chuyên nghiệp trong nhóm sẽ góp ý với bạn về khuyết điểm của hình. Từ đó bạn có cơ hội học hỏi từ chính kinh nghiệm của mình. Nếu gửi ảnh, nhớ cho biết về khẩu độ (F), vận tốc (T) và ánh sáng khi chụp nhé.
-- K. Nguyễân(New Orleans): Sách hướng dẫn "digital camera" bằng tiếng Việt mua ở đâu"
Đáp: có rất nhiều trong tiệm sách, trên internet. Muốn có sách này viết bằng tiếng Việt, xin đọc lại câu trả lời phía trên.
-- Kh. Nguyễn (VN"):Bài của ông kèm theo hình rất hay và đẹp. Chúng tôi xin phép ông được đăng các bài của ông lên website www.Vietnamreview.com.
Đáp: Cám ơn ông đã khen, chưa kịp trả lời ông, bài của tôi đã lên trang nhà ông. Liệu tôi có sự chọn lựa nào khác. Nếu quí ông có xử dụng, xin đăng nguyên bản với tên và hình ảnh của bài và miễn phụ đề thêm. Nếu cần, sẽ gửi cho ông bài viết về Quan Họ Bắc Ninh, với nhiều hình ảnh xuất sắc, hiếm có. Tuần này, tôi tạm hoãn bài Hà Nội 36 phố phường, để sửa soạn chu đáo hơn cho có trọng lượng. Thay vào đó, chúng tôi phổ biến bài "Rươi" của nhà văn Vũ Bằng viết về món ngon Hà Nội. Nhiều bạn đọc không sống ở Hà Nội , hoàn toàn xa lạ với món ăn có một không hai của Hà thành. Âu cũng là cách học hỏi về Hà Nội.
-- L. Nguyễn (Anaheim, CA): chú đã nhận được hình mẫu của cháu chưa" Bao giờ chú đi chụp hình"
Đáp: Hình cháu "ăn ảnh" lắm. Dưới 18 phải có giấy phép của bố mẹ mới được làm người mẫu của nhóm chú. Mùa này chưa đi chụp hình. Đợi vào hè, hay mùa Thu, mới có nhiều chỗ để đi săn ảnh. Sẽ liên lạc với cháu sau.
-- J. Trần (Paris): Đi Việt Nam chụp hình, các ông thường đi nơi nào, vào tháng nào ".
Đáp: Theo ý kiến riêng, mùa nào cũng có cảnh để chụp. Tuy nhiên về VN nên đi vào dịp Tết, xuống miền Nam chụp những thuyền hoa từ các con lạch đưa lên tỉnh bán. Tại Phan Rang, cái nôi nghệ thuật của nhiếp ảnh Việt Nam, chụp dân tộc Chàm, làng nghề, đồi cát Phan Rang (Mũi né bị du khách dẫm nát)… không đâu bằng. Tại miền Bắc sau Tết, nên đi Hà Nội hay các vùng phụ cận có nhiều sinh hoạt truyền thống dân gian. Có đi săn hình nên đi vào tháng 10, khí hậu khô ráo, không bão bùng, mát mẻ, chụp ruộng bậc thang, mầu mùa gặt của dân tộc thiểu số, các cảnh đồi núi miền thượng du Bắc Việt. Con người thượng du Bắc Việt , các cụ già cà răng căng tai, chân đeo kiềng đồng, vùng Tây nguyên, tuyệt đẹp, mê mẩn hồn người săn ảnh . Trước khi bạn đi vài tháng, liên lạc lại với chúng tôi sẽ hướng dẫn tường tận.
-- M.T. Trần (Quebec, Canada): Ông đã nhận bài viết về Quebec của tôi chưa" Bao giờ thì cho đăng.
Đáp: Nhận được bài rồi, rất tiếc bài dài, gặp trở ngại kỹ thuật vì không có dấu tiếng Việt và cũng không có hình đính kèm. Xin ông đánh dấu tiếng Việt và kèm theo hình mới tạm đủ tiêu chuẩn để bài được chọn đăng. Mong tin .
Nhắn tin chung:
Hoa anh Đào đang rộ nở tại Nhật bản. Nếu bạn có đi xem hoa anh đào bên Nhật hay Hoa Thịnh Đốn, xin viết bài và gửi hình ảnh để mọi người cùng thưởng thức.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.