Hôm nay,  

Thời Sự Trước Mắt

03/07/200400:00:00(Xem: 4473)
Theo thông lệ, mở đầu một tam cá nguyệt, chúng ta có thể nêu ra vài dự đoán về thời sự trước mắt. Dài hay ngắn là tùy tầm nhìn, đúng hay sai thì tùy... may rủi, theo đúng quy luật “phúc chủ lộc thầy”.

Tình hình kinh tế Hoa Kỳ sẽ khả quan hơn, nhưng chưa chắc đã kéo ông Bush ra khỏi “vũng lầy của chúng ta”, là chuyện Iraq và đưa ông vào một nhiệm kỳ hai. Dù sao, thời sự Iraq sẽ bớt căng thẳng, theo đúng tính toán “tái phối trí” của chính quyền Bush.
Năm xưa, Mỹ đã sai tại Việt Nam từ năm 1963, mãi sáu năm sau mới sửa (1969), với kết quả chỉ thấy sau đó sáu năm (1975). Nhờ Việt Nam, Hoa Kỳ phản ứng nhanh hơn. Sau khi sai lầm tại Iraq từ tháng Sáu năm ngoái vì say đòn chiến thắng quân sự, sáu tháng sau chính quyền Bush đã kịp thấy (vào cuối năm 2003, sau vụ tổng tấn công mùa Ramadan). Sau đó sáu tháng, dư luận mới thấy kết quả sửa sai.
Nhưng, vụ Iraq chỉ là một phần của bài toán khủng bố. Phần kế tiếp, người ta có thể thấy trong ba tháng tới, hoặc trễ nhất là cho đến cuối năm, tại Iran, Saudi Arabia và Pakistan, khi bầu cử tổng thống đã ngã ngũ.
Nhìn gần thì dễ sai về tiểu tiết, nhìn xa dễ đúng hơn trên đại thể. Cho nên chúng ta nên đẩy tầm nhìn xa hơn một chút: năm 2005 sẽ là một năm sóng gió kinh tế cho thế giới, nhất là các nước nghèo như Việt Nam.
Chu kỳ kinh tế
Chúng ta đều là nạn nhân của cơn hồ hởi về cuộc cách mạng tín học, nổi lên năm 1995 và tan vỡ năm 2000, là nguyên do của nạn suy trầm kinh tế Mỹ.
Như sau mọi phát minh mới được ứng dụng vào kinh tế, loài người có tầm nhìn giới hạn đã tưởng rằng từ nay sẽ thay Thượng đế kéo Thiên đường xuống hạ giới. Vì vậy, từ Hoa Kỳ, nhiều người đã nghĩ rằng cách mạng tín học và nền kinh tế tri thức sẽ bốc loài người ra khỏi sức hút của trái đất, vĩnh viễn chấm dứt hiện tượng “chu kỳ kinh tế”.
Sự lạc quan đó dẫn tới một trái bóng đầu tư căng phồng không cơ sở theo đà tăng giá bất tận của thị trường chứng khoán và các công ty “cao kỹ”, ứng dụng siêu kỹ thuật tín học vào quản trị và sản xuất. Trái bóng “dotcom” đó bể từ tháng Ba năm 2000, dẫn tới suy trầm kinh tế vào tháng Ba năm sau, khi George W. Bush lên nhậm chức. Nghĩa là hiện tượng “chu kỳ kinh tế” vẫn tái diễn.
Sáu tháng sau đó, Hoa Kỳ bị nạn khủng bố.
Chu kỳ kinh tế thăng giáng, lên xuống tùy số cầu về ba yếu tố sản xuất là tư bản, hàng hóa nguyên vật liệu và nhân công. Khi ta lạc quan về tương lai, số cầu đó tăng và gây ra hiện tượng sản xuất thừa vì đầu tư thừa. Từ đấy giá cả từng loại yếu tố sản xuất đó phải sụt, suy trầm hay suy thoái xảy ra, có khi đi cùng nạn giảm phát (deflation) là hàng họ xuống giá mà bán vẫn không chạy. Đấy là cái “nhân” – nguyên nhân - của chu kỳ lên xuống. Cái “duyên” có thể là một yếu tố bất ngờ, ngoại nhập, lật đổ tình trạng thất quân bình đã có.
Trong quá khứ, Hoa Kỳ bị nhiều đợt suy trầm như vậy. Gần đây nhất là vào các năm 1973, 1980, 1990. Trong cả ba lần đó, cái “duyên” chính là biến động chính trị toàn cầu: vụ khối Ả Rập phong tỏa dầu hỏa năm 1972, vụ cách mạng tại Iraq năm 1979, trận chiến vùng Vịnh (Iraq I) năm 1990. Các biến động ấy gây khan hiếm nguyên nhiên liệu, làm dư luận mất niềm tin và vật giá gia tăng đã đánh sụp mức sản xuất.
Nạn suy trầm năm 2001 lại không xảy ra như vậy.
Niềm lạc quan về cách mạng tin học đã đưa tới hiện tượng suy trầm mới lạ, chưa từng thấy (suy trầm đầu tiên của thế kỷ 21, của nền kinh tế tri thức, v.v...). Biến động chính trị ngoại nhập là vụ khủng bố 9-11 lại không là cái duyên dẫn tới một vụ khủng hoảng như ba lần trước. Ngược lại, chính quyền Bush ba lần giảm thuế trong ba năm và ngân hàng trung ương Mỹ giảm lãi suất 12 lần liền, để lãi suất căn bản chỉ còn là 1%, mấp mé tỷ lệ lạm phát.
Suy trầm 2001 khởi sự từ tháng Ba thực ra đã chấm dứt từ tháng Chín (ngắn kỷ lục), nhưng qua tháng 10 vẫn chưa hồi phục hẳn: dư luận còn phập phồng về nguy cơ chiến tranh tại Afghanistan và Iraq, về một đòn khủng bố khác của al-Qaeda. Tình trạng trì trệ mà hết suy trầm đó kéo dài cho đến tháng Sáu năm ngoái mới dứt. Kể từ đấy, kinh tế Mỹ đã hồi phục và tăng trưởng mạnh từ cuối năm, với tốc độ cao nhất trong vòng 20 năm qua.
Trong ba tháng tới, ta sẽ chứng kiến một nghịch lý: dư luận, truyền thông và đảng Dân chủ vẫn xoáy vào vấn đề kinh tế như một nhược điểm của chính quyền Bush trong khi cả thế giới chỉ mong là Hoa Kỳ tiếp tục tăng trưởng như vậy, để kéo kinh tế toàn cầu ra khỏi nạn đình trệ, sau khi cả ba khối kinh tế đầu máy của thế giới là Mỹ, Nhật và Âu châu đều bị suy trầm năm 2001. Thực tế thì kinh tế Mỹ quả là đã đóng góp vào sự thịnh vượng cho Nhật sau 13 năm lụn bại, cho kinh tế Âu châu và Trung Quốc.
Thế rồi, cuối năm nay, khi mọi người đều đồng ý rằng kinh tế Mỹ đã tìm lại được sự sung mãn cố hữu nhờ đó thế giới sẽ có giai đoạn tăng trưởng cao, thì tình hình kinh tế lại có nguy cơ suy sụp vì một số yếu tố bất ngờ khác.
Chúng ta cần phân tách hiện tượng này để lượng định về những bất ngờ trước mắt.

Những yếu tố bất ổn

Đầu tiên, tại sao mình có thể bị bất ngờ"


Trên đại thể thì kinh tế Mỹ sẽ còn tăng trưởng cao với lãi suất hạ. Nhưng nhiều xứ khác lại không được như vậy vì ba yếu tố: lạm phát, lãi suất và hối suất Mỹ kim.
Tại Hoa Kỳ, những người dự đoán là lãi suất sẽ tăng mạnh để ngăn ngừa lạm phát thực ra đã bi quan thái quá, sau khi cũng đã bi quan thái quá về hiện tượng trái ngược là giảm phát. Cách đây một năm, giới quan sát kinh tế nói đến nạn giảm phát vì vậy đồng ý với chánh sách lãi suất hạ của ngân hàng trung ương Mỹ. Ngày nay, ít ai nói đến giảm phát mà lại sợ nạn lạm phát nên dự đoán ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất.
Nghịch lý ấy giải thích vì sao mà chúng ta có thể lại bị ngạc nhiên trong thời gian tới.
Nạn lạm phát đã xuất hiện nhưng chưa là một nguy cơ đáng ngại cho cả Hoa Kỳ, Nhật Bản và cả Âu châu nữa. Tuy nhiên, nó đáng lo ở các nước đang có nhu cầu lớn về thương phẩm và nguyên vật liệu, là trường hợp điển hình tại Trung Quốc (hay Việt Nam). Lạm phát tại Việt Nam có thể vượt 10% năm nay và sẽ còn thăng thiên trong năm tới.
Thứ hai, sau các ngân hàng trung ương Anh và Úc, dù ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất (vỏn vẹn có 25 điểm tuần qua), lãi suất ngân hàng trên thế giới nói chung còn ở mức thấp, nên tiền còn rẻ và đầu tư sản xuất hay tiêu thụ vẫn còn có lợi. Nhưng sau khi Mỹ nâng lãi suất, các nước khác cũng sẽ phải nâng theo, dù trì hoãn càng lâu càng hay. Thời kỳ “tiền rẻ như bèo” sẽ chấm dứt vào năm tới và nhiều nước sẽ lâm nguy. Trường hợp điển hình là Trung Quốc (và Việt Nam): lãi suất mà tăng là các ngân hàng và doanh nghiệp của nhà nước điêu đứng, vị trí của đảng lung lay, đảng viên bị khui về những lỗ lã thất thoát trước đây được khỏa lấp.
Sau yếu tố lạm phát và lãi suất, yếu tố thứ ba cần chú ý, là trị giá Mỹ kim.
Vì gặp cả hai loại khiếm hụt (ngân sách lẫn ngoại thương), tiền Mỹ sụt giá từ năm 2002 và đã đụng đáy sâu nhất kể từ năm năm qua vào tháng Hai vừa rồi. Khi tiền Mỹ giảm, giá dầu thô phải tăng vì mọi giao dịch về dầu khí vẫn chủ yếu được thanh toán bằng đô la nên giới sản xuất lên giá để khỏi bị thiệt. Ngược lại, các nước tiêu thụ dù có kêu trời về giá dầu (mấp mé 40 Mỹ kim một thùng), thực ra vẫn còn lời, nếu so với trị giá đồng tiền của mình. Đồng thời, vì tiền Mỹ rẻ, người ta vay tiền Mỹ trả lãi suất thấp để cho vay lại trong nội địa nhằm lãnh tiền lời cao hơn. Ba năm qua, thế giới đã quen với điều đó.
Từ nay về sau, khi kinh tế đã tăng trưởng và nhất là sau những hồ hởi hậu bầu cử, tiền Mỹ sẽ lên giá. Và sẽ còn lên giá mạnh vào năm tới, khi lãi suất đã tăng trên thị trường tài chánh Mỹ. Tiền Mỹ mà lên giá sau ba năm liền sụt giá, tình hình sẽ đảo lộn. Thực giá (giá thực tế) của dầu khí sẽ tăng, tiền lời các khoản ngoại trái (vay tiền Mỹ) cũng vậy. Các nước nghèo sẽ bị quật ngược và có khi sẽ vỡ nợ. Liên bang Nga, Brazil, Trung Quốc và Malaysia đứng đầu danh mục đen tối ấy.
Nếu đến lúc đó mà Saudi Arabia bị khủng hoảng vì nạn khủng bố, hóa đơn dầu khí sẽ còn tăng vọt cùng giá dầu thô. Họa vô đơn chí là vậy.

Nhạc lắng mây chìm
Nhiều quốc gia sẽ oán Hoa Kỳ là thâm độc mà không nhìn ra sự thể toàn diện.
Từ năm 1990, nhiều nước bắt đầu đi vào chế độ tự do tài chánh (chuyển ngân tư bản) và thấy bở nên vay mượn lung tung, phóng tay đầu tư vào các dự án bất trắc kém lời nhưng huê dạng cho chế độ. Vụ khủng hoảng tài chánh rồi kinh tế Đông Á năm 1997-98 khiến các nước sạt nghiệp, coi như mất tiêu thành quả tăng trưởng tích lũy trong cả chục năm trước. Chúng ta đang thấy tái diễn hiện tượng hồ hởi sảng sẽ chuyển thành hậm hực bậy.
Sau mấy năm e ngại giảm phát và vui mừng nhờ tiền rẻ (vì hối suất và lãi suất Mỹ thấp), người ta phóng tay đầu tư và còn đầu cơ vào nhiều dự án vô giá trị. Sự hồ hởi đó che khuất mối nguy lạm phát: tháng Ba vừa qua, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF tại Hà Nội còn dự đoán lạm phát Việt Nam ở khoảng 3%, bằng một phần ba mức lạm phát đang ló mòi ngày nay.
Giờ đây, hồi suất Mỹ sẽ tăng, lãi suất Mỹ cũng vậy, và lạm phát bắt đầu hoành hành, cả ba cơn gió ngược đó sẽ là bão tố cho các nước lệ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ. Lúc đó, người ta chỉ cầu là kinh tế Mỹ tiếp tục là đầu máy tăng trưởng, thị trường Mỹ là nơi mua hàng “xộp” nhất. Khi thất vọng, sẽ lại kết luận đầy mưu trí: “Mỹ nó thâm thật!”
Nhưng, liệu một trận suy thoái của kinh tế toàn cầu có dội ngược vào Hoa Kỳ hay không, sau năm 2005" Chúng ta chưa biết, chỉ nhớ rằng vụ khủng hoảng Đông Á 97-98 có gây chấn động cho Brazil và Liên bang Nga, và làm một quỹ đầu tư “đối xung” New York (“hedge fund”) bị phá sản, nhưng kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng đều trong đà hồ hởi về cuộc cách mạng tín học, “thời hoàng kim Clinton” và biện pháp hạ lãi suất của Chủ tịch Ngân hàng Liên bang Alan Greenspan. Có khi khủng hoảng Đông Á còn trút tiền ngược vào Mỹ và góp phần tạo nên trái bóng đầu cơ năm 1999-2000, khi cộng đồng Á châu cũng chơi stock như đánh bạc.
Lần này, sự thể có tái diễn hay không, chưa ai biết. Chỉ mong rằng cái duyên rất vô duyên là một vụ khủng hoảng về dầu khí vì khủng bố không xảy ra vào thời điểm ấy...

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.