Hôm nay,  

Ông Phật Cười

16/11/201900:38:00(Xem: 6645)
ÔNG PHẬT CƯỜI
 
Nguyễn Đại Thuật
 

Năm đó, khi  chỉ còn hai tuần là bắt đầu vào năm học cuối của chương-trình tiểu học của tôi thì cha mẹ tôi chuyển nhà. Nhà cha mẹ tôi ở thuộc vùng Nam thành-phố Paris, nay cha mẹ tôi phải dọn nhà về vùng Bắc Paris. Lý do là nơi chổ ở mới này, cha mẹ tôi đi làm việc gần hơn, hai nguời chỉ cần mười phút đi bộ. Ở chổ cũ,hai người cùng đi xe hơi phải mất gần hơn hai giờ đi, về, dù cả hai cùng làm việc chung một nơi.  Hôm chuyển nhà, có một công-ty chuyên về việc chuyển nhà đến làm việc, lo phần di chuyển giường, tủ, bàn ghế và những thứ công-kềnh khác.

Hai chị em tôi cùng cha mẹ gom-góp những vật-dụng nhẹ và đồ quý-giá cho vào những thùng giấy cứng nhỏ rồi sắp gọn vào xe hơi của gia-đình. Trước lúc khởi hành, hai chị em tôi cùng nhìn lại ngôi nhà thân-yêu, nơi hai chị em tôi đã được sinh ra và lớn lên lần cuối cùng. hai chị em tôi bỗng nhiên oà lên khóc. Một thời của bao kỷ niệm ấu-thơ đành phải bỏ lại nơi đây.

     Xe ngừng lại trước khu chung-cư mới, hai chị em tôi cùng phụ cha mẹ chuyển những thùng giấy nhỏ vào bên trong. Vì sự an-ninh cho người trong chung-cư, trước khi vào nhà riêng, mọi người phải đi qua hai lớp cửa an-toàn chung có mật-số riêng. Khi tôi đang loay hoay mở cửa để chuyển những thùng vật-dụng vào thì một thằng nhỏ da màu từ bên trong tiến ra mở cửa và giữ cửa để cho mọi người trong gia-đình tôi chuyển những thùng vật-dụng vào hết cửa thứ nhất.  Rồi thằng nhỏ da màu tiếp tục đến mở và giữ cánh cửa thứ hai. Khi tất cả những thùng vật dụng và mọi người vào hết bên trong, thằng nhỏ im lặng rời chúng tôi và đi lên cầu thang.  Mẹ tôi chạy theo nói với nó lời cám ơn, nó dừng lại, quay người về phía chúng tôi, vừa cười vừa trả lời:

  - Thưa bà, không có chi.

Rồi nó tiếp-tục đi lên...Mẹ tôi nói với chúng tôi:

     - Không biết thằng nhỏ con nhà ai mà lịch-sự và dễ thương quá !  Khen xong, mẹ tôi lại hỏi vọng theo:

     - Em ơi, em tên gì ?

Nó quay người lại trả lời:

     - Dilan Abokor, tôi ở lầu ba.

Lúc nầy tôi mới có dip nhìn kỹ nó: ốm, cao, tóc xoăn ôm sát đầu, mắt to, nụ cười rất buồn, ước chừng tuổi cũng không hơn tôi bao nhiêu.

Khi nó đi khuất vào khúc quanh của cầu thang, chị Hai tôi nói với tôi :

     - Chi rất thích âm thanh của cái tên Dilan khi đọc lên, nó ngọt ngào, nghe êm tai làm sao !       Căn nhà gia-đình tôi ở thuộc tầng trệt, cửa ra vào nằm ngay đầu cầu thang lên xuống chung cư.  Buổi sáng hôm sau ngày dọn nhà, mẹ đưa tôi và chị hai đến trường lập thủ-tục xin nhập học.

Khi ba mẹ con chúng tôi mở cửa bước ra khỏi nhà gặp Dilan đang ngồi nơi bậc cấp đầu cầu thang, nó ngồi im-lặng, mặt nhìn xuống, rất buồn.  Mẹ hỏi nó:

     -  Sáng sớm, con làm gì ngồi đây ?

Nó không nhìn mẹ tôi, không trả lời.

Mẹ nói tiếp:

   -  Cô muốn đưa hai đứa nhỏ đi ghi tên xin nhập học những trường gần đây, con biết ở đâu chỉ dùm cô ?

Lúc bấy giờ nó mới ngước mặt nhìn mẹ, gật đầu rồi đứng dậy đi nhanh lên phía trước mở cửa.  Ba mẹ con tôi theo sau nó. Khi ra khỏi chung-cư, nó hỏi mẹ tôi:

     -  Cô muốn đến ghi trên xin nhập cho ai và trường nào ?

     -  Trường tiểu-học để ghi tên cho em Jean, mẹ vừa nói vừa chỉ tay vào tôi. Dilan nhìn tôi, cười và nói với tôi:

     -  Mình cũng đang học trường tiểu học .

Dilan hướng dẫn chúng tôi đi vòng ra phía sau chung-cư, qua một công-viên nhỏ rồi dừng lại trước trường học.  Từ đây tôi có thể nhìn thấy cửa sổ phòng khách nhà tôi cách xa không quá hai trăm thước.  Ba mẹ con chúng tôi đi vào trường, Dilan đứng chờ bên ngoài cổng trường, không chịu vào chung với chúng tôi.  Việc ghi danh xin nhập học cho tôi hoàn tất không qúa ba mươi phút.  Khi ra khỏi cổng trường, mẹ hỏi Dilan:

     -  Con có thể giúp để cô ghi tên xin nhập học cho Léna tại một trường trung-học đệ nhất cấp gần đây không? Mẹ chỉ tay vào chị hai tôi.

Dilan gật đầu, im-lặng tiếp tục đi.  Ba mẹ con chúng tôi theo nó, băng qua một ngã tư có đèn báo hiệu giao-thông chừng một trăm thước thì nó ngừng lại. Tính ra, từ nhà tôi đến đây không lâu hơn năm phút đi bộ.

Mẹ và chị hai đi vào bên trong trường. Tôi và Dilan đứng lại bên ngoài cổng. Tôi hỏi Dilan:

     -  Năm nay bạn học lớp mấy rồi ?

     -  Năm cuối tiểu học, cùng trường với bạn vừa đến ghi danh xin học đó.

Trong khi chờ đợi mẹ và chị hai, tôi được Dilan dẫn đi lòng vòng quanh khu phố, nó chỉ cho tôi nơi nào là trung tâm thể thao và bơi lội, nơi nào là hướng đi ra ga xe lửa, nơi nào đi đến Tòa hành chánh, khu thương mại....

Khi chúng tôi trở về chung-cư, trước khi vô nhà, mẹ bảo tôi mời Dilan vào nhà chơi. Tôi làm theo lời mẹ nhưng nó từ chối, nó nói:

   -  Buổi trưa hôm nay cô con đến đưa con đi mua những vật dụng cần thiết cho ngày nhập học hai tuần tới.       Một buổi tối, trong khi ăn cơm sau hơn hai tuần lễ đến ở nhà mới trong chung-cư, mẹ kể cho mọi người cùng nghe.  Sáng thứ bảy cùng ngày, mẹ đi chợ với bà hàng xóm mới quen biết. Khi trò chuyện liên quan đến đời sống trong chung cư, bà hàng xóm hỏi mẹ từ ngày dọn nhà đến chung-cư mẹ có nhận thấy gì đặc biệt ?. Mẹ lắc đầu.  Bà ta vào đề ngay:

    "Ngay trước cửa nhà chị mà chị không thấy sao ? Cái thằng nhỏ Dilan đó, ngày nào nó cũng ngồi nơi bậc thềm cầu thang ngay cửa nhà chị, nhà nó ờ tầng lầu ba. Sáng mở mắt ra là thấy nó đã ngồi ở đó rồi, lầm lì, không phá phách phiền phức cho một ai.  Tội nghiệp quá, cha mẹ nó đều nghiện rượu, suốt ngày cãi nhau, đánh nhau và có khi đánh ngay cả thằng nhỏ nữa, có ngày quên cả cho nó ăn uống...thằng nhỏ sợ hãi, buồn chán, nên suốt ngày không dám ở trong nhà, ra ngồi nơi cầu thang chơi một mình. Lúc trường học còn mở cửa, buổi trưa nó ăn tại nhà ăn của trường, lúc trường đóng cửa thì có hôm nó không được ăn uống gì hết. Những hôm cha mẹ nó quên cho nó ăn như thế thì bà con trong chung-cư cho nó ăn lén lút vì ngại cha mẹ nó không bằng lòng. Họ hay say-sưa không phân biệt phải trái, lại kiếm chuyện gây sự."

Nghe mẹ kể, tôi cảm thấy thương thằng Dilan vô cùng. Tôi ngừng ăn, chạy mở cửa nhìn xem nó còn ngồi nơi bậc cấp cầu thang không. Tôi sẽ nói cha mẹ tôi gọi nó vào cho nó ăn cùng. Nó không có đó.

   Ngày trường khai giảng, cô của Dilan đến dẫn nó đi đến trường mà không phải cha hay mẹ nó. Nó nói với tôi là cha mẹ nó say, còn đang ngủ, cô nó phải nghỉ làm, lái xe hơn  mười cây số từ nhà đến đưa nó đi học ngày khai-giảng. Hai đứa tôi không học cùng chung lớp nhưng giờ chơi và giờ ăn trưa tại truờng hay đi chung với nhau.

    Buổi chiều, sau giờ học, tôi thường rủ Dilan vào nhà mời nó ăn thức ăn nhẹ lót lòng trước bữa ăn chính thức vào buổi tối. Thằng Dilan nói với tôi lâu lắm nó không còn được ăn nhẹ lót lòng vào buổi chiều vì mẹ nó không mua thức ăn để dành cho nó.

    Ngày thứ tư hằng tuần mẹ tôi phải nghỉ ở nhà với tôi vì ngày đó tôi không có ngày học, mẹ phải ở nhà săn sóc tôi vì tôi chưa đến tuổi có thể ở nhà một mình mà không có người lớn bên cạnh. Ngày thứ tư hôm đó, thằng Dilan và tôi ngồi ngồi chơi nơi phòng khách, mẹ đem tấm tranh lịch treo tường treo nơi phòng khách; tấm tranh lịch đem đến  từ nhà cũ từ hôm chuyển nhà đến hnay mẹ mới có thời giờ đem ra treo. Khi mẹ vừa treo xong, đang đứng ngắm tấm lịch để điều chỉnh cho ngay ngắn thì thằng Dilan rời chỗ ngồi đến đứng bên mẹ nhìn tấm tranh lịch. Tấm tranh lịch treo tường ghi năm 2000.

Lich vẽ hình ảnh Phật Di-Lặc ngồi cười, trong lòng Ngài có năm đưa trẻ ôm tay, bám cổ. Đứng nhìn một lúc lâu, thằng Dilan hỏi mẹ:

     - Ông nầy là ai vậy cô ? Ông nầy thương con nít nhiều lắm phải không cô ?

Mẹ trả lời :

     -  Đây là đức Phật Di-Lặc. Ngài cũng như tất cả vị Phật khác đều yêu thương tất cả mọi người, con nít và cả người lớn.

Thằng Dilan bước đến gần tấm tranh lịch, đưa tay xoa xoa bụng ngài Di-Lặc rối ngước mặt nhìn mẹ, nó hỏi:

     -  Có phải mấy đứa nhỏ ngồi trong lòng ông Phật làm nhột ông Phật nên ông Phật mắc cười phải không cô ?

Mẹ do dự một chốc rồi nói với Dilan:

     -  Có thể là như vậy, nhưng chắc chắn Ngài Di-Lặc cười là vì Ngài có những đứa trẻ biết nghe lời của các Phật dạy, làm việc tốt, không làm việc xấu, yêu thương mọi người nên được Ngài yêu thương, Ngài cho ngồi vào lòng, Ngài vui vẻ nên Ngài cười.

Dilan tiếp-tục xoa xoa bụng Ngài Di-lặc rồi nói với mẹ:

     -  Cô ơi, con muốn làm tốt như những đứa trẻ để được Ngài Di-Lặc cho ngồi vào lòng. Mà con cũng chưa làm gì xấu, nhưng con chưa bao giờ được cha mẹ con ôm con vào lòng. Ngược lại, con rất thương cha mẹ con, nhiều lúc con muốn ôm cha mẹ con vào lòng nhưng lúc nào cha mẹ con cũng la mắng và đánh đuổi con khi con muốn đến gần để được ôm hai người. Nói đến đây, tôi nghe giọng của thằng Dilan như nghẹn lại. Mẹ tôi ngồi xuống và ôm nó. Tôi nhìn thấy những giọt nước mắt chảy xuông hai bên gò má của nó. Tôi nhìn thấy hai vai mẹ tôi hơi rung rung.        Từ ngày hôm đó, mỗi khi thằng Dilan có dịp vào nhà tôi, việc đầu tiên là nó tiến đến trước tấm tranh lịch đưa tay xoa nhẹ bụng ngài Di-Lặc. Có lần chị hai Léna nói với tôi:

     -  Tội ngiệp cho thằng Dilan bạn của em !  Mới vừa rồi chị đi ra ngoài, thằng Dilan đang ngồi nơi thềm cầu thang, ông già nó đi đâu về, vừa đi đến cầu thang nó mừng rỡ chạy đến ôm ông già nó, nó nói:

     -  Con đợi ba về để có chìa khóa mở cửa vô nhà, con đói quá, từ trưa đến giờ con chưa ăn uống gì hết.

Chị nhìn thấy ông già nó đẩy nó ra thật mạnh, giọng lè nhè:

     -  Tránh ra, để tau yên !

Chị ngửi thấy toàn thân ông ấy toát ra mùi rượu.          Vài tuần sau ngày trường học khai giảng, chị Léna đi sinh-hoat gia-đình Phật-tử về  tặng cho Dilan một tượng Phật Di-Lặc bằng nhựa màu nâu sẩm lớn bằng hai ngón tay cái.

Thằng Dilan mừng rỡ, cám ơn rối rít, cầm bức tượng vân vê trong lòng tay, mặt mày thich-thú.  Chị Léna căn dặn nó:

     -  Đem về nhà, để tượng nơi bàn học hoặc nơi nào cao và sạch-sẽ.

Tôi nghe nó dạ...dạ liên hồi.

       Đến ngày lễ Các Thánh của đạo Thiên-Chúa, trường học đóng cửa nghĩ lễ hai tuần. Cha mẹ tôi dành một tuần nghỉ  phép để đưa cả gia-đình đi thăm bà con của mẹ ở miền Nam nước Pháp.  Xe dư một chỗ ngồi, theo lời  năn-nỉ của tôi, cha mẹ tôi có xin phép cha mẹ Dilan cho nó cùng đi nhưng cha mẹ nó từ chối.  Ngày trở về, thấy nó ngồi nơi thềm cầu thang, tay vuốt ve tượng Phật Di-Lặc nên không nhìn thấy tôi đi vào.

Nó giật mình nhìn tôi cười rạng-rỡ và khi tôi lên tiếng:

   -  Khỏe không Dilan ? chị Léna bảo mày để tượng trên bàn học của mày, mày ok, nhưng sao lại đem xuống đây ?

Mặt nó trở nên buồn rầu, nói ấp-úng:

   -  Tau nghe lời chị Léna để tượng trên bàn học, ông già tau nhìn thấy, ông bảo tau vứt đi nếu không nghe  thánh Halal sẽ trùng phạt.  Tau đem tượng dấu dưới gối, ông phát hiện, ông đánh tau, ông ném tượng vào thùng rác. Tau lén nhặt lại giữ luôn trong túi quần...

      Chiều hôm đó mẹ làm chả giò, mẹ cho phép tôi rủ Dilan cùng ăn chung với gia-đình. Trong khi đang ăn, chị Léna nói với mẹ:

   -  Trong chả giò có thịt heo mẹ không nên cho thằng Dilan ăn, đạo Hồi cấm ăn thịt heo, nếu cha mẹ nó biết sẽ phiền phức cho gia-đình mình.

Mẹ nói:

   -  Mẹ cũng vô-ý, không nghĩ đến điều đó, thôi lỡ rồi...

Mẹ nhìn thằng Dilan tính nói điều gì với nó thì nó lên tiếng:

   -  Cha mẹ con nhiều lúc cũng ăn thịt heo. Hàng tháng, mẹ con nhận thực phẩm cứu giúp cho các gia-đình nghèo tại trung tâm " Trợ cấp của người Thiên-chúa giáo " hoặc tại  hội " Quán ăn tình thương ", trong đó có gan heo đóng hộp, thịt heo đóng hôp. Gia-đình con ăn hết.

Nghe thằng Dilan nói như vậy, mẹ tôi mỉm cười và im lặng. Lúc đó cha tôi nói với mẹ:    -  Kỳ tới nếu thức ăn có thịt heo thì đừng cho nó ăn, mình cũng nên trọng cái Đạo của nó.      

        Một buổi chiều, tôi đang ngồi học bài...tôi nghe có tiến ồn ào tranh giành nhau bên ngoài công-viên. Tôi mở cứa nhìn ra, nhìn thấy thằng Dilan đang xô-đẩy với những đứa trẻ trong khu phố. Tôi chưa rõ chuyện gì đang xẩy ra thì thấy thằng Dilan rời khỏi đám trẻ, hướng về nhà, vừa chạy vừa khóc.  Tôi mở cửa đứng chờ nó nơi đầu cầu thang. Vừa thấy tôi, nó khóc lớn hơn và nói trong nước mắt:

    -  Mấy đứa ở trong chung-cư bên kia lấy mất tượng ông Phật Cười rồi. Tau đang ngồi chơi với ông Phật Cười trong Vườn trẻ trước trường học thì chúng giành lấy ông Phật, tau giành lại không được, chúng tới năm đứa....rồi chúng ném ông Phật Cười lên mái nhà của trường.! Để an-ủi nó, tôi dẫn nó vào nhà, lấy nước coca cho nó uống.         Sáng sớm hôm sau, tôi đang ngồi ăn điểm tâm trước khi đến trường, tôi nghe có tiềng còi hụ liên tiếp của xe cảnh sát và xe chữa lửa bên ngoài công-viên, hướng trường học.  Tôi vội vàng ôm cặp chạy đến trường.  Trước trường học, một xe cảnh-sát chớp đèn liên-tục, một vài nhân viên chữa lửa đang đưa những cái thang cấp-cứu khỏi xe. Vài  cha mẹ đưa con em đi học sớm đang đứng trước cổng trường chờ cửa mở.

Tất cả mọi người đều nhìn lên mái trường học.  Tôi nhìn theo và thấy thằng Dilan đang run lập-cập trên mái nhà của trường học. Tôi ngạc nhiên hết sức, không hiểu nó leo lên đó làm gì. Mọi người đang nhìn theo những người lính chữa lửa leo lên thang để cứu thằng Dilan xuông, tôi nghe hai bà mẹ dẫn con đến trường nói chuyện với nhau:

 " Sáng nay tôi đưa cháu đến trường hơi sớm, trường chưa mở cổng, hai mẹ con đứng chờ,   bỗng tôi thấy trên mái nhà của trường thằng nhó đó loay hoay muốn leo xuống...không xuống  được...nó khóc.  Tôi không biết chuyện gì nên báo cho ông cai trường biết và ông đã gọi cho cảnh-sát."

Khi thằng Dilan được hai người lính chữa lửa đưa xuống khỏi mái nhà, tôi chạy đến bên nó, nó ôm tôi và khóc òa lên. Cô Cảnh-sát hỏi nó leo lên mái nhà trương lầm gì, nó lắc đầu không trả lời. Một bà mẹ dẫn con đi học cũng hỏi nó câu hỏi tương tợ, nó cũng lắc đầu không nói.  Cô Cảnh-sát nhìn quanh hỏi ai là cha hay mẹ nó...không có ai trả lời. Cô Cảnh-sát dẫn nó vào bên trong trường gặp thầy hiệu trưởng.         Giờ chơi,  tôi gặp thằng Dilan và hỏi nó leo lên mái trường học làm gì ? Nó kể:  "Tau leo lên mái nhà trường để tìm ồng Phật Cười mà chiều hôm trước mấy đứa trẻ trong khu phố ném lên mái nhà.  Buổi sáng, tau đến trường thật sớm để không ai nhìn thấy, tau leo rào vào bên trong và leo được lên mái nhà của trường học. Tau tìm nhưng không thấy ông Phật Cười ...Khi tìm cách leo xuống thì không được, tau sợ bị té xuống đất nên sợ quá ngồi khóc...không biết tại sao Cảnh-sát và lính chửa lửa biết mà  đến cứu".

      Một sáng Chúa nhật, cha mẹ tôi đưa chị Léna lên chùa sinh-hoạt gia-đình Phật-tử, tôi cùng đi theo. Lúc mở cửa ra khỏi nhà. tôi nghe có tiếng xôn-xao nơi hành lang một cách khác thường. Một bà hàng xóm quen với mẹ từ bên trên đi xuống. Bà nhìn mẹ rồi hỏi mẹ:

     -  Bà đã biết chuyện gì chưa ?

     -  Tôi vừa trong nhà mới bước ra, có chuyện gì vậy ?

Bà hàng xóm buông một hơi thở dài, nói với mẹ một cách chán nản nhưng giọng đầy lo âu.

     -  Cái thằng nhỏ Dilan thường hay ngồi chơi một mình ở chân cầu thang nầy được chở vào nhà thương rồi ! Tội nghiệp cho thằng nhỏ.  Sáng nay cha mẹ nó đánh nhau không rõ chuyện gì, thằng nhỏ Dilan xông vào can ra, bị cha nó xô đẩy sao đó mà thằng nhỏ ngã, đầu đập vào thành bàn, bị ngất xỉu, đuợc đưa vào nhà thương."

Nghe đến đây, tôi không còn muốn nghe tiếp câu chuyện, tôi thấy thương thằng Dilan quá, tôi vội mở của chạy ra đường, tựa lưng vào thành xe, nước mắt trào ra.

      Đến chùa, khi mẹ làm công quả trong nhà bếp, chị Léna sinh-hoạt ngoài sân, tôi thơ thẩn một mình trước chánh điện.  Đầu tôi lúc nào cũng nghĩ đến thằng Dilan, tôi lo cho nó, tôi cũng đã cầu xin Phật ban phuớc cho nó, cho vết thương nó chóng lành để trở về nhà đi học.  Lẩn thẩn, tôi đi qua phòng bán vật kỷ niệm, tranh ảnh, tượng Phật, kinh sách...tôi nhìn thấy một bức tranh vẽ Phật Di-Lạc cùng năm đứa trẻ được in lại rất đẹp, giống như tấm tranh lịch treo tường ở nhà, nhưng nhỏ bằng một trang sách thường, không có in kèm lịch phía trên. Tôi muốn mua tặng thằng Dilan. Có hình nầy chắc nó vui lắm.  Tôi sẽ bảo nó nhờ người ta bao và ép lại bằng nhựa trong, để trong cặp đi học, cha mẹ nó sẽ không nhìn thấy.  Lúc nào thích thì nó lấy ra xem và tha hồ mà xoa bụng ông Phật để ông Phât cười và cùng cười với năm đưa trẻ và với nó.

      Tôi nhìn thấy giá tiền ghi là mười lăm đông tiền Pháp, nhưng tôi lại không có tiền trong túi.  Vừa lúc chị Léna đi đến bảo tôi vào ăn cơm chùa rồi về.  Tôi nói với chị là tôi muốn mua bức tranh Phật Di-Lặc để tặng cho thằng Dilan nhưng tôi không có tiền.

Chị Léna hỏi tôi:

     -  Bức tranh giá bao nhiêu ?

     -  Em thấy ghi giá là mười lăm đồng tiền Pháp.

Chị Léna nói lớn giọng hơi gắt :

     -  Chứ tiền túi tiêu vặt cha mẹ cho hàng tuần sao không lấy ra mua ?

     -  Em không có đem theo.

Chị Léna lấy tay đập nhẹ vào cái túi vải đeo bên hông:

     -  Hôm nay chị cũng không đem tiền theo...thôi để qua tuần tới hãy mua tặng nó cũng không trễ.

Tôi vùng vằng với chị:

     -  Tuần tới lâu quá ! Nó đang nằm nhà thương, em sẽ nói mẹ chở em vào nhà thương thăm nó trước khi nó về nhà.

Chị Léna cười, buông nhẹ câu nói:

     -  Không có tiền thì cũng đành chịu vậy thôi, không có cách nào khác.

Có lẽ nghe được câu chuyện đối đáp giữa hai chị em tôi, ni-sư trông coi gian hàng tươi cười nói với tôi:

     -  Nếu em trai muốn mua tranh nầy thì cô bán chịu cho, kỳ tới đến chùa trả sau cũng được.

Tôi mừng quá, cám ơn ni-sư rối rít.

       Khi cha tôi lái xe về nhà, xuống xe tôi thoáng thấy mẹ của thằng Dilan nơi cửa số nhà nó trên lầu ba.  Lúc tôi vào tới cửa nhà thì mẹ nó đang đứng dưới chân cầu thang. Nhìn thấy tôi, bà òa khóc và tiến tới ôm tôi. Tôi chưa hiểu chuyện gì thì nghe bà nói trong thổn-thức: "Con ơi, thằng Dilan nó đi lúc trưa nay rồi, nó đã trở về với Halal của nó rồi...nó nói nó thương con vô cùng, con là bạn duy nhất cũng yêu thương nó vô cùng. Nó nói vĩnh biệt con..." Nói đến đây bà ta gào to lên thảm thiết. Tôi khóc theo bà, cảm thấy thân thể lạnh ngắt cho đến lúc ba tôi buớc ra bế tôi vào nhà.

 Tối hôm đó tôi không muốn ăn cơm, bụng không đói, lòng đau nhói mỗi khi thoáng nghĩ đến Dilan và nước mắt cứ trào ra. Tôi không có cách nào vào nhìn nó lần cuối nơi nhà thương.  Tôi không biết làm cách nào trao cho nó bức tranh Phật Di-Lặc tức ông Phật cười của nó. Tôi nằm trên giường, không ngủ được, trằn trọc cho đến lúc nghe tiếng thở đều của  cha mẹ từ phòng ngủ. Tôi quyết định phải gởi bức tranh cho thằng Dilan trước ngày người ta chôn nó. Tôi đến bàn học, xếp bức tranh Phật Di-Lặc cho vào phong bì và viết bên ngoài :

      Thân gởi:

                Dilan Abokor

               10 rue de Dieu

               Thành-phố Paradis ...nước Pháp.    Tôi định viết :

             Kính nhờ đấng tối cao Halal chuyển,

nhưng tôi đổi ý vì sợ ngài Halal nhìn thấy bức tranh Phật trong phong bì sẽ vứt đi, không chuyển, vì khác đạo.

Tôi lại định viết :

              Kính nhờ Ông già Noel chuyển, nhưng lại nghĩ ông già Noel chỉ đến thế gian ngày Giáng-sinh và ngày đó còn rất lâu, phải hơn một tháng nữa mới đến. Cuối cùng tôi viết:

              Kính nhờ Thập phương chư Phật chuyển.

Tôi nghĩ các vị Phật đều từ bi bác ái với mọi người nên sẽ chuyển thư đi.

Tôi nhẹ tay mở cửa ra ngoài, bỏ lá thư vào hộp thư nhà của thằng Dilan.

      Đêm hôm đó, trong giấc ngủ, tôi thấy thằng Dilan treo bức tranh Phật Cười của nó nơi phòng ngủ, nó ngồi một bên, đưa tay xoa xoa bụng ông Phật, ông Phật mở miêng cười với nó, năm đứa trẻ cùng cười theo và nó cùng cười theo. Mặt nó không còn buồn nữa. Tôi nhớ có lần thằng Dilan hỏi mẹ tôi :" Ông Phật ăn gì mà bụng ông lớn quá vậy ?" Mẹ tôi. trả lời : "Không phải Ông ăn nhiều mà bụng lớn đâu.  Bụng Ông lớn là vì chứa tình thương dành cho mọi người ! ".

       Tôi cũng thấy bụng Phật Di-Lặc dường như cũng lớn hơn một chút, dành một chỗ chứa tình thương yêu cho thằng Dilan.
 

Nguyễn-đại-Thuât

   11/11/2019



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.