Hôm nay,  

Diễn Đàn Độc Giả

02/06/200100:00:00(Xem: 4526)
Tòa soạn xin chân thành cảm tạ tác giả Trần Văn Chinh đã có nhã ý gửi tặng cuốn tiểu thuyết nhan đề "Tốt Và Xấu", đồng thời có thiện ý cho phép Sàigòn Times đăng tải. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, tòa soạn Sàigòn Times có hân hạnh nhận được một số thư, bài, thông cáo, thư ngỏ của các vị: Giáo sư Trịnh Nhật (Sydney), ông Nguyễn Minh Đức (Cabramatta), ông Nguyễn Duy Cần (Sydney), ông Phạn Thái Hoa (Darra) và ông Vũ Đức H. (Footscray). Thay mặt tòa soạn, chân thành cảm ơn sự đóng góp của qúy vị. Tuy nhiên, ở thời điệm hiện tại, tòa soạn chưa có thể đăng tải những bài vở đó của qúy vị. Rất mong qúy vị thông cảm. Riêng tác giả Lê Hùng (Bruxelles) có gửi thư trình bầy về việc mua băng Video tại Úc, tòa soạn đã chuyển lá thư đó cho ông bà chủ hãng Thúy Nga Bankstown.

Trân trọng Hoàng Tuấn

*
Cảm Ơn Cha Nguyễn Hữu Lễ

Đọc thiên hồi ký của Cha Nguyễn Hữu Lễ, con và gia đình con vô cùng xúc động và đau lòng trước những nỗi khổ ải mà Cha và các vị bạn tù với Cha phải gánh chịu. Nhưng càng xúc động và đau lòng bao nhiêu, chúng con càng thấy ghê tởm cộng sản bấy nhiêu. Cộng sản đã cố ý gây thù oán và nợ máu giữa những người tù. Bùi Đình Thi chỉ là một nạn nhân bị cộng sản lừa lọc, phải không Cha" Trước kia, thời Cải Cách Ruộng Đất, cộng sản cũng đã lừa lọc, hăm dọa, gây ly gián khiến bao nhiêu cảnh con tố cha, vợ tố chồng, gia đình tan nát, hàng chục ngàn người chết trong tay người ruột thịt, thì chuyện Bùi Đình Thi giết những người bạn đồng tù là chuyện tất nhiên trong nhà tù cộng sản. Đọc hồi ký của Cha, con căm hận anh Thi một, với cộng sản con căm hận gấp trăm lần. Con chỉ lạ một điều, tại sao trong bàn tay quyền năng của Chúa, cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục tồn tại" Con thì con chẳng lo gì cho gia đình con vì tất cả mọi người họ nội họ ngoại hơn 120 người đều định cư ở Mỹ. Nhưng con lo là lo cho những người ở Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ VN sống trong sự giáo dục và đào tạo của những người cộng sản. Suốt 25 năm qua, cả một thế hệ sinh và lớn lên trong chế độ cộng sản, cùng với không biết nhiêu thế hệ trẻ khác bị cộng sản nhào nặn với đủ thói hư tật xấu. Hậu quả, ngày nay về VN, người ta thấy đâu đâu cũng đầy rẫy lọc lừa gian dối, ranh ma, qủy quái, ích kỷ, bon chen, kèn cựa, khôn vặt. Mọi lý tưởng vị tha, vì dân, vì nước, nhân nghĩa lễ trí tín... đều bị chôn vùi. Thậm chí bây giờ, cái xấu xa, đê tiện của con người VN được họ công khai phô bầy, không một chút ngượng ngập. Con không biết với một xã hội như vậy, trong thời gian vài năm nữa, nó sẽ đi về đâu" Xã hội đó, dù có thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản, nó cũng khó có thể phát triển thành một xã hội lành mạnh trong thời gian vài chục năm, phải không thưa Cha"

Cuối cùng, con xin tòa soạn chuyển tới Cha lời chúc sức khỏe dồi dào và kính mong Đức Mẹ trả công bội hậu cho Cha.

Con - Phêrô Huỳnh Văn Hải - Bonnyrigg NSW

*
Xin dành một chút lương tri cho những người đã nằm xuống vì tự do!

Cách đây mấy hôm, giữa lúc đầu óc của tôi đang nặng trĩu vì cái chuyện: "Đoàn văn công Việt Cộng" sắp sang Úc khiêu khích đồng bào tỵ nạn chúng ta; thì tình cờ tôi lại được một người bạn cùng sở, ưu ái cho mượn cuốn băng video Asia 32 với chủ đề: Hành trình tìm tự do.

Ngay từ những giây phút mở đầu, những chứng liệu bi thương đã lôi cuốn tôi nhanh chóng trở về một đoạn đời quá khứ, đi lại những chặng đường khổ đau, tưởng mình đã hóa kiếp. Bắt đầu bằng những hình ảnh di tản, chạy loạn, chen lấn nhau để được vào Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, mong được bốc ra đệ thất hạm đội trên những chiếc trực thăng hối hả sau cùng, cất cánh từ bãi đáp trên sân thượng. Bằng mọi phương tiện, nhiều người đã ra khơi và lên được trên các chiến hạm, những chiếc trực thăng được xô xuống biển để dành chỗ trống cho con người. Những hình ảnh thương đau ấy đã ghi lại những vết tích sau cùng của cuộc chiến bảo vệ tự do cho miền Nam Việt Nam. Những chứng tích bi hùng này sẽ còn tồn đọng mãi đối với những người tỵ nạn chân chính.

Rồi tiếp nối bằng những cảnh tượng lừa phỉnh học tập cải tạo, một sách lược trả thù hèn mọn, tù đày quân dân miền Nam bằng những danh từ nhân đạo hoa mỹ, trá hình. Chính quyền Việt Cộng đã rập khuôn những phương sách bần cùng hóa của các quan thầy Nga, Hoa của chúng. Đồng bào miền Nam không còn một chọn lựa nào khác, khi họ muốn sống tự do là phải rời bỏ quê hương mình.

Cuộc vượt biên bằng những phương tiện nghèo nàn, trải qua bao nhiêu thảm trạng, đã là một biến cố trọng đại trong những năm sau cùng của thế kỷ đã qua. Vào những năm đầu thập niên 60, đã có những người Cuba trốn chạy Fidel Castro, nhưng mức độ an toàn rất cao, hiểm nguy chết người với một tỷ lệ không được thế giới quan tâm lâu dài. Nhưng cuộc vượt biên của người Việt thì đã trở thành một thảm họa chung cho nhân loại, những gì mà người tỵ nạn Việt Nam gặp phải đã vượt quá sức chịu đựng của con người.

Biết bao nhiêu người, có trường hợp cả một gia đình, đã bỏ thây trên biển cả hay một nơi rừng núi nào đó dọc theo biên giới Thái-Miên. Đã có hơn một triệu người đến được bến bờ tự do, trong khi đó hàng trăm ngàn người đã ra đi mà không bao giờ thấy được ước mơ, chỉ có linh hồn mang danh tỵ nạn.

Những thảm trạng trên biển đông, mỗi lần nhắc nhở làm cho những ai còn nghe được lương tâm, còn có nước mắt đều mủi lòng, đều nhỏ lệ cho những đọa đày mà người Việt chúng ta phải gánh chịu. Những câu chuyện mà những người sống sót kể lại đã là những câu chuyện hãi hùng, tạo thành những vết sẹo in sâu trong ký ức của mọi người, không thể nào bôi xóa. Hiển nhiên, tôi tin rằng, những gì đã xảy ra cho những người bạc phận, mang theo tất cả những bí mật, là những kinh hoàng, đáng ghê sợ hơn gấp bội, nếu so với những gì mình được nghe thấy.

Những cảnh tượng dã man của các ngư phủ Thái săn đuổi các thuyền tỵ nạn Việt Nam là một vết nhơ của loài người. Vào những năm 78, 79, 80 mục tiêu duy nhất của một số đông ngư phủ Thái không còn chú tâm vào việc đánh cá cổ hủ của chúng. Đảo Ko Kra là một địa ngục có thật.

Cướp bóc, hãm hiếp đã trở thành một thành tích lớn, khiến cho nhân loại ngỡ ngàng về những sùng bái, hiền hòa mà dân tộc Thái được hưởng tiếng thơm lâu đời.

Cướp biển đã man rợ, gieo đau thương tang tóc cho biết bao nhiêu nạn nhân, là những người thân, những đồng bào ruột thịt của chúng ta, làm sao có thể hiểu nổi, sau này lại có những người đã nhanh chóng quên hết những giây phút thập tử nhất sinh, chỉ còn trông mong sự cứu rỗi của những đấng Thiêng liêng; đành lòng trở lại những thảm địa ấy mà vui hưởng những thú vui tệ bạc, làm tủi nhục linh hồn những người chết"

Tôi quen biết với gia đình một người cùng quê, trên đường vượt biên, thuyền của anh bị cướp nhiều lần, các phụ nữ không ai tránh khỏi sự hung bạo của các ngư phủ Thái - Anh ấy phải đau thương và tủi hổ chứng kiến những đau khổ mà vợ anh bị hành hạ. Buổi chiều, anh ấy hổ thẹn an ủi vợ con và mông lung dặn dò phải sống cho ngày mai. Đêm đến, chờ mọi người mệt mỏi thiếp đi, anh ta lao mình xuống biển cả, chấm dứt những ngày cay đắng về sau. Gần 20 năm qua, các cháu đã trưởng thành, chị ấy vẫn còn lưu lại trong housing, không hề lui tới những chỗ đông người, xa lạ.

Một chuyện khác, khi tôi lên trại Belfield ở Kuala Lumpur để chờ chuyến bay sang Úc. Tôi gặp một người đàn ông với một đứa con trai độ 5, 6 tuổi, anh ta nhất quyết không chịu rời trại, cứ đòi trở lại đảo để tìm xác của mẹ cháu bé!

Tôi có đứa em họ, vượt biên vào năm 81, chờ hoài không thấy tin tức gì, chúng tôi gửi thư qua các trại, đăng báo tìm kiếm liên tục; Khá lâu sau đó chúng tôi được thư hồi âm từ Canada, cho biết cô em tôi đã bị bắt qua tàu Thái, sau đó cùng với 3 thiếu nữ khác được chúng thảy xuống biển với mỗi người một thùng nhựa để làm phao. Chỉ có một cô được vớt đưa vào trại. Em tôi không may, làm sao tôi có thể quên cho được, cầu cho hương linh của em tôi đã được siêu thoát.

Còn vô số cảnh tượng chua xót khác vẫn còn vang động quanh chúng ta, những xác tàu trôi dạt vào các đảo không tên, không người. Những cảnh tượng người sống chờ người khác chết, để ăn thịt người mà sống chờ, hy vọng có người qua đây cứu mình.

Những khung trời xa lạ như Paulo Bidong, Palawan, Kota Besa, Nongchan, Phanat Nikhom, Songkla, Galang, White Head... và nhiều nơi hoang vắng khác, đột nhiên bỗng trở thành những bến bờ tự do đầu tiên, những nơi chen chúc hàng chục ngàn đồng bào sống với những phương tiện tối thiểu, tự tạo để chờ ngày đi định cư ở một đệ tam quốc gia. Cũng có hàng chục ngàn người sống mòn mỏi ở các trại, để rồi bị cưỡng bách hồi hương với những tâm trạng rã rời, đau khổ tột cùng khi phải trở lại những nơi mà họ đã mất hết yêu thương, mất cả niềm tin, mất hết tương lai ngay trên quê hương đổi chủ của mình.

Bây giờ những nơi chốn ấy đã trở lại với hoang sơ, Bidong chỉ còn những vết tích nhà thờ, một cổng chùa chơ vơ; những ngôi mộ hoang lạnh, những xác tàu mục nát bơ vơ trên những bãi cát không người qua lại.

Chắc chắn một người tỵ nạn chúng ta, ai cũng đều có những vết thương lòng khó nguôi ngoai, dù cho đã thành đạt, dù cho có đủ cả xe cộ, nhà cửa huy hoàng... nhưng từ trong sâu thẳm của con người mình có những mất mát, mà mình không thể bù đắp hay tìm thấy lại được; Một mất mát vĩnh viễn rong ruổi với mỗi người chúng ta suốt những đoạn đời còn lại.

Những vết tích cũ đã hóa dạng trong ta, làm cho cá nhân ta trở thành một người khác mà mình không hay, không ngờ. Chính tôi đôi lúc bất chợt thấy được mình, khác hẳn chính mình. Những năm đầu, liên tiếp 14 năm dài tôi không thể nào ngồi ăn trong canteen có nhiều tiện nghi văn minh. Tôi ra ngồi trong xe ăn vội, không thoải mái, nhưng cảm thấy dễ chịu hơn. Nóng lạnh quen dần; mùa hè năm nọ, có ngày nóng hơn 40 độ C, cái vỏ nhựa radio cầm tay của tôi chảy cong queo, thế mà tôi cứ phải ra xe ngồi một mình. Bây giờ với đoạn đời xuống núi, tôi đã đầu hàng nắng mưa, sương gió, nhưng vẫn còn xa lạ một mình, một góc. Cho nên nói chung người tỵ nạn với lứa tuổi của những người đã trải qua các trại tù cải tạo, không nhiều thì ít đã rơi vào một trạng thái chông chênh, ít ai còn giữ được thăng bằng nguyên vẹn. Sự chịu đựng trong mỗi cá nhân chúng ta cũng đã hao mòn dần, với những áp lực thường xuyên cứ chồng chất mãi khiến cho mình đành phải buông tay, nép vào một bên để chuyện buồn gãy đổ đi qua, đã và đang xảy ra trong nhiều gia đình; nếu không ở vào hoàn cảnh ly hương thì nề nếp gắn bó chắc chắn vẫn còn.

Kính thưa quý đồng hương, tôi mạo muội ghi lại đôi điều tâm tư khô cạn này không ngoài mục đích nhắn nhủ với chính mình, dù có nhọc nhằn, dù có đắng cay, nhưng so với những linh hồn không đến được bến bờ, thì mình vẫn là một trong những người được nhiều may mắn hơn cả. Tôi tự thức tỉnh với chính mình, luôn cố giữ một chút lương tri nào đó dành cho những linh hồn tỵ nạn. Đồng thời để an ủi được một chút gì cho những người đã minh bạch, dũng cảm nằm xuống cho một ước mơ tự do cho quê hương mình.

Tôi chân thành không dám nhân danh này nọ, càng không dám kêu gọi bất cứ một ai, tôi chỉ có một mong ước là đồng bào tỵ nạn chúng ta lúc nào cũng can đảm, dẹp bỏ những thị hiếu riêng tư. Cùng nhau chứng tỏ cho Việt Cộng chúng nó biết: Không thể nào lừa phỉnh đồng bào tỵ nạn ta một cách dễ dàng như chúng lầm tưởng - Đoàn Văn Công được gởi sang Úc là một sách lược thâm độc của Việt Cộng, nhằm chia rẽ và tạo mầm mống lần hồi hủy diệt lương tâm tự do và tinh thần cương quyết chống Cộng của chúng ta.

Để đổi lấy tự do, chúng ta đã phải trả với bao nhiêu hiểm nguy, tủi nhục, khổ hình, không thua gì người Do Thái lang bạt khắp nơi. Tôi vững tin rằng, âm mưu tuyên vận của VC sẽ được nếm đòn độc thủ của đồng bào tỵ nạn Úc Châu, vốn có tiếng chưa bao giờ khuất phục trước những ngón đòn xảo trá và quỷ quyệt của bọn chúng, với sự tiếp tay của lũ người mà lương tâm của họ có giá không qua nổi một vài giờ tiêu khiển với cái gọi là "Văn Công duyên dáng", ỡm ờ, ngụy tạo. Do các cán bộ Việt Cộng thi hành nghị quyết của Đảng, công khai ra mặt chỉ huy lần thách đố này.

Lâm Hữu Xưa - Melbourne

Nhắn tin: Tôi xin có lời cám ơn ông CXH, TTK/BCH/VIC về những thành tích dài dòng mà BCH của quý ông đã đạt được. Theo tôi đó không phải là những câu trả lời thành tâm. Trả lời như thế, thà không trả lời gì cả còn có vẻ tương trọng nhau hơn. Thân kính. LHX

*
Vài Góp Ý Với BCH CĐNTVD/VIC!

Mấy tuần gần đây, tôi thấy báo Sàigòn Times có đăng thư của Ban Chấp Hành Cộng Đồng NVTD/VIC trả lời một số thắc mắc của độc giả ở tiểu bang chúng tôi. Vậy trước hết, tôi xin gửi lời khen ngợi qúy vị trong BCH đã biết quan tâm đến tiếng nói của những người dân thấp cổ bé họng như chúng tôi. Đây là dấu chỉ đáng mừng trong sinh hoạt tự do dân chủ tại tiểu bang này. Nhưng bên cạnh dấu chỉ đáng mừng như vậy tôi lại thấy có nhiều dấu chỉ đáng buồn vì cả hai lá thư trả lời của BCH mà ông Châu Xuân Hùng, TTK ký tên, đều có nội dung liệt kê những thành tích của BCH đúng hơn là trả lời những thắc mắc của độc giả. Tôi thì tôi nghĩ một cách đơn giản là, bà con ở Victoria này có hai thắc mắc quan trọng nhất, qúy vị trong ban chấp hành phải trả lời là tại sao hội chợ tết của mình năm qua lại lỗ tới mấy chục ngàn" Tại sao qúy vị trong ban chấp hành lại cho tổ chức lễ tưởng niệm nhân quyền vào đúng ngày đi biểu tình tại Canberra"

Xin trả lời thẳng vào hai câu hỏi trên, đừng dài dòng, vòng vo tam quốc, vì làm như vậy là coi thường độc giả, coi thường luôn cả tờ báo.

Tiện thể, tôi cũng xin góp ý luôn với báo Sàigòn Times. Trước hết, tôi xin có lời hoan nghênh qúy báo đã mạnh dạn đăng tải ý kiến của những người dân thấp cổ bé họng chúng tôi. Nhưng tôi không đồng ý trước việc qúy báo đăng tải nguyên văn những lá thư trả lời dài dòng của BCHCĐ Victoria. Trong khi một số thư viết của chúng tôi viết rất cẩn thận, trình bầy điểm nào ra điểm đó thì bị qúy báo cắt xén đầu cắt xén đuôi một cách không thương tiếc. Trái lại, thư trả lời của BCH thì viết lung tung, ôm đồm đủ chuyện tựa như một bài sớ táo quân, thì qúy báo lại cho đăng nguyên vẹn từ đầu đến đuôi. Vậy là thế nào" Chả lẽ ban chấp hành mang tiếng "đại diện cho một tập thể" thì đáng được ưu tiên hơn" Nếu vậy thì quả thực qúy báo sai lầm. Trong xã hội tự do dân chủ, bất cứ tập thể nào, dù là chính phủ, cũng chỉ có tư cách pháp nhân tương đương như một công dân. Cứ coi chuyện hai bên kiện tụng tại tòa là đủ thấy sự công bằng của luật pháp Úc. Nếu tập thể mà viết sai, viết nhăng, viết cuội, tòa báo có quyền cắt bỏ những đoạn không thích hợp, vì để nó chỉ làm rậm mắt người đọc. Còn cá nhân mà viết hay viết đúng, thì vẫn nên đăng nguyên con mới phải.

Võ T.D. - Melbourne VIC

*
Nên Noi Gương Tiểu Bang NSW

Chúng em gồm một nhóm chị em làm nghề may. Đáng nhẽ thân phận tụi em như vậy thì chả dám có ý kiến gì vì nói ra chỉ làm trò cười cho các bác học cao biết rộng trong cộng đồng. Nhưng nói không phải mong các bác tha lỗi, chứ tổ chức hội chợ tết là một nghi lễ có tính truyền thống cổ truyền, chả ai mong lời lãi mà làm gì. Miễn sao có chỗ cho người lớn, trẻ em đến vui chơi giải trí đấy mà, rồi nhớ đến ông bà tổ tiên, con cháu nó vui vẻ. Nhưng nói đi đã vậy, nói lại thì nếu đã tổ chức mà có lời mấy chục ngàn bạc như ở trên tiểu bang NSW họ làm thì cũng đáng mừng nhiều lắm chứ. Tụi em may mờ cả mắt tê cả mông mà cả ngày trời được cả mấy chục đồng bạc. Vì vậy, em xem ra chuyện học thầy không tầy học bạn. Các cụ mình ngày xưa nói vậy thì cấm có sai. Trên đó họ tổ chức năm nào cũng lời cả mấy chục ngàn thì mình lên trên đó học hỏi họ, có phải vậy không ạ. Thì nó cũng giống như chuyện chúng em thấy ai nấu món gì ngon, món gì lạ là hỏi nhau cách nấu nướng rồi về nhà bắt chước. Có vậy chồng con gia đình mới hạnh phúc. Vậy em nói không phải, mấy vị trong ban chấp hành ở đây như ông Hùng, ông Phong, ông Ân, bà gì gì đó, chịu khó làm một chuyến lên trên Sydney mà hỏi các ông trên đó làm cách nào để tổ chức hội chợ tết vừa vui lại vừa có lời. Em nghĩ mấy ổng trên đó chắc chả hẹp hòi gì mà không nói đâu.

Vũ TH & KL - Footscray VIC

*
Những Luận Điệu Ngụy Biện Của Ông Châu Xuân Hùng!

Tôi và một số anh em làm hãng, trước khi đọc hai lá thư trả lời của ông Châu Xuân Hùng thì bực BCH cộng đồng một phần nên để bụng được. Nay đọc xong, chúng tôi bực gấp bội phần thì phải lên tiếng, không thì không chịu được. Chúng tôi bực là bực trước lối ngụy biện lấp liếm, cách trả lời thiếu nghiêm chỉnh của ông. Ông bảo "đã hy sinh thời giờ qúy báo để tham dự biểu tình thì việc đóng góp $30 để phụ vào chi phí trang trải di chuyển là một hành động cao đẹp, đầy ý nghĩa nhằm biểu dương lực lượng và giương cao ngọn cờ chính nghĩa của người Việt tỵ nạn". Ông nói văn hoa khách sáo nhưng rỗng tuếch ông ạ. Chúng tôi đi guốc vào bụng ông Phong cũng như các ông. Tôi dám nói, ban chấp hành qúy vị có đủ cách để gây qũy đi biểu tình, nhưng qúy vị chỉ bày ra cách thu lệ phí $30 để làm cho bà con chán nản không muốn đi mà thôi. Tôi đây này, nói qúy vị tha lỗi, nếu cộng đồng chấp nhận đi quyền tiền, thiếu gì người đi quyên một ngày có trong tay vài ngàn. Ở đây thiều gì qúy vị thương gia bận làm ăn, sẵn sàng bỏ tiền để mướn xe cho người khác đi biểu tình.

Tiện đây tôi cũng xin hỏi, tại sao mọi năm, xe buýt đón bà con ở 4, 5 chỗ mà năm nay chỉ đón có 2 chỗ" Đấy là hành động cao đẹp nhằm biểu dương lực lượng và giương cao ngọn cờ chính nghĩa của người Việt tỵ nạn hay sao"

Ông Châu Xuân Hùng viết ở mục 1 dân vận thì bảo BCH hậu thuẫn việc tổ chức biểu tình 30-4, còn mục 2 quốc tế vận thì ông bảo BCH tổ chức buổi lễ tranh đấu cho nhân quyền để vận động với chính giới Úc. Nhưng tại sao không thấy ông giải thích lý do vì sao phải tổ chức buổi lễ tranh đấu cho nhân quyền vào đúng ngày đi biểu tình 30-4" Tại sao qúy vị không chọn ngày quốc tế nhân quyền mà làm việc đó có phải có ý nghĩa hơn hay không" Một năm có 365 ngày, chọn một ngày không phải ngày biểu tình 30-4 đâu có khó khăn gì" Và anh em chúng tôi tin chắc, dù BCH có tổ chức vào bất cứ ngày nào trong năm, sự thành công cũng cao hơn so với ngày đi biểu tình 30-4 vì sẽ có nhiều người Việt tham dự hơn, BCH cũng có nhiều thì giờ, công sức chuẩn bị hơn. Còn bảo vinh danh chiến sĩ VNCH, tôi xin hỏi, tại sao lại chọn ngày 30 tháng 4 là ngày tổng thống gà chết Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng" Ngày quân lực VNCH 19 tháng 6 sao qúy vị không tổ chức vinh danh mà lại lấy ngày 30-4" Bộ muốn đá giò lái tụi tôi phải không"

Còn chuyện xe hoa VN, tôi xin có một đóng góp nhỏ. Trong khi chủ đề của xe hoa VN, như ông CX/Hùng nói: "We are in the same boat: Australia". Nhưng nếu chúng ta đã "We are in the same boat: Australia" thì việc gì chúng ta phải có thêm khẩu hiệu "Congratulations Australia and Thank You". Tôi hỏi ông T. bên gia đình hàng hải, ông cũng bảo, hai khẩu hiệu này đối chọi nhau, BCH chỉ có thể chọn một trong hai, chứ không thể vừa muốn dấn thân để mình là Úc, lại vừa muốn đóng vai người chịu ơn, lúc nào cũng muốn ghi nhớ ơn huệ của Úc. Đọc hai câu khẩu hiệu trái ngược nhau như vậy nhiều người họ cười cho sự dốt nát của mình đó, thưa mấy ông.

Chúng tôi, những người Úc gốc Việt, đồng ý qúy vị trong BCH đại diện, kêu gọi đóng góp tiền bạc, công sức vào những chuyện đứng đắn như cứu trợ bão lụt, thiên tai. Là một cộng đồng non trẻ, mới có mặt ở Úc được khoảng 20 năm, chúng tôi còn phải lo chuyện nhà cửa, sinh kế, dậy dỗ con cái, giúp đỡ người thân khốn khổ ở VN, nên chúng tôi nghĩ trách nhiệm đóng góp của chúng tôi không thể lớn hơn so với người Úc. Làm việc thiện nguyện thì mấy cũng không vừa. Nhưng có chỗ khinh chỗ trọng, chỗ gấp chỗ khoan, chỗ thân chỗ sơ. Vì vậy, xin qúy vị trong BCH không nên có thái độ "bảo hoàng hơn vua", động tý là bắt cộng đồng đóng góp, nay gây qũy trả ơn tổ chức này, mai quyên góp trả ơn tổ chức nọ. Các cơ quan, tổ chức của Úc khi hoạt động, họ đều có ngân sách của chính phủ tiểu bang hoặc liên bang. Ngân sách đó cũng lấy từ thuế của dân, trong đó có chúng tôi đóng góp. Như vậy, nếu người Úc họ đã không tổ chức quyên góp, hà cớ gì qúy vị trong BCH lại cứ cầm đèn chạy trước xe điện, tổ chức quyên góp móc hầu bao của chúng tôi cho họ"

Việc làm đúng đắn nhất của qúy vị trong BCH, khiến nước Úc phải nể là qúy vị hãy giúp những người thất nghiệp trong cộng đồng có công ăn việc làm đàng hoàng, đừng có duy trì tệ nạn làm lậu, may lậu tại nhà, và giảm thiểu tệ nạn ma túy, du đãng, tội phạm trong giới trẻ. Đừng lợi dụng hầu bao và lòng yêu thích làm điều thiện của chúng tôi để tạo uy tạo thế với chính giới Úc rồi lấy đó làm bàn đạp, qúy vị nhảy vào chính trường Úc, sau đó qúy vị quay ra bắt tay với CSVN như mấy tấm gương sờ sờ trước mắt cộng đồng chúng ta.

Trần Văn Hùng - Melbourne VIC

*
Hoàn Tân, Một Khả Năng Có Thật!

Tôi năm nay tuổi đã ngoài 80, nhưng nhờ trời, mắt vẫn sáng, răng vẫn khỏe, gân cốt vẫn cứng cáp, mỗi ngày vẫn đi bộ được vài cây số, thần trí vẫn minh mẫn. Trời thương như vậy nên vẫn đọc báo, viết sách đều đều như hồi còn trẻ. Đó là nhờ phúc phận của gia đình, máu huyết phương cương của cha mẹ, tuyệt không dám ỷ vào hồng phúc của bạn thân mà làm chuyện càn bậy. Đó là lẽ tu thân, tích đức của bậc túc nho, trước là lợi cho mình, sau là làm gương cho con cháu, xuất xử đều có chỗ đắc dụng, phúc phận dài dài về sau. Cũng trong tuổi thọ của trời, tôi đọc báo thấy qúy báo có nói về chuyện "hoàn tân và nàng Hạ Cơ" bên Tàu. Về tích nàng Hạ Cơ đã được qúy báo nói nhiều, nay tôi xin miễn bàn ở đây. Còn chuyện "hoàn tân" thì theo tôi biết, đó là khả năng có thật chứ chẳng phải là điều lạ lùng như nhiều người tưởng. Nhưng theo sở học của tôi, "hoàn tân" không phải là khả năng biến "màng trinh" sau khi rách trở lại lành lặn như mới đâu, mà chỉ thuần túy là khả năng luyện "màng trinh" của một số phụ nữ khiến nó có mức đàn hồi cao nên nó không thể rách cho dù giao hợp với đàn ông suốt nhiều năm tháng sau khi động phòng. Số phụ nữ có khả năng này rất hiếm hoi, cả triệu người may ra mới có một. Điều thứ hai là cho dù có phụ nữ có được khả năng này nhưng họ không hề hay biết. Cho đến khi sanh đứa con đầu lòng, khả năng đàn hồi của màng trinh không đủ đảm đương kích thước của hài nhi, khi đó màng trinh mới rách, nhưng họ cũng không biết đó mà thôi.

Theo những pho sách dậy về nghệ thuật phòng the Trung Hoa, thì cách đây mấy ngàn năm, Triệu Tiệp Thư, là một cô bé sinh sống ở vùng Hà Giang, nhờ tình cờ làm nghề leo cây hái trái ngay từ khi còn bé, lại hay tắm giặt ở đầm nước chuyên trồng nghệ, nên cô ta luyện được khả năng hoàn tân và hai bàn tay luôn luôn nắm chặt. Truyền thuyết về sau nói rằng, trong hai bàn tay nắm chặt của Triệu nương có ghi ba chữ "Quyền Phu Nhân" được thần nhân viết từ khi còn trong bụng. Về sau Võ Đế đi thị sát, hay tin cho gọi tới gặp rồi đem về cung làm thiếp. Đến năm ông 63 tuổi, Triệu Tiếp Thư có bầu, sinh hạ được một hoàng tử đặt tên là Lưu Phất Lăng, sau ông này trở thành vua Chiêu Đế nhà Hán. Tôi nhớ lõm bõm, nhớ đến đâu viết ra đến đó, có gì sai trật mong chư vị gióng lên một tiếng hoặc bỏ quá đi cho. Được vậy, thật là vạn hạnh và phúc phận lắm thay.

Vũ Đình Mão - Canberra ACT

*
Duyên Dáng Việt Nam!

Kính gửi các chú trong tòa soạn tuần báo Sàigòn Times.

Cháu là một sinh viên Việt Nam hiện đang du học tại Úc. Cháu được đi du học theo đúng tiêu chuẩn của bộ giáo dục và đào tạo tại VN đặt ra, chứ không phải là con ông cháu cha như một số tờ báo ở Úc vẫn xuyên tạc từ xưa đến nay. Cháu thích đọc báo Sàigòn Times của các chú vì nó có nhiều tin tức về Việt Nam và đôi khi nếu không kịp mua báo của chú, cháu có thể đọc trên Internet. Ngoài ra, cháu cũng thích một số truyện dài của chú Trường Sơn Đông Lê Xuân Nhị. Khoảng hai tháng trở lại đây, thấy báo Sàigòn Times của các chú có nhiều bài viết cháu thấy hơi cực đoan, có vẻ khêu gợi những đau thương của quá khứ là điều cháu thấy chẳng cần thiết mà còn bất lợi cho tờ báo và cho cả các chú nữa nên cháu viết thư này để các chú đăng trên mục Diễn Đàn Độc Giả. Cháu viết thư này hoàn toàn là do ý của cháu, không ai xúi bẩy, gợi ý thầy dùi cháu đâu nhá.

Về việc biểu tình vào dịp 30 tháng 4, cháu thấy chuyện này nó quá cũ. Đã 25 năm rồi còn gì. Ở Việt Nam bây giờ, chính phủ Việt Nam tuy vẫn tổ chức ăn mừng chiến thắng, nhưng không khí cũng nhạt nhẽo, chẳng mấy ai chịu tham dự. Ở ngoài này, cháu thấy đã đến lúc các chú cũng nên quên chuyện đó để lo làm ăn, xây nhà cho cao, mua xe cho đẹp, dậy con sao học cho giỏi để Úc nó nể. Những thứ đó tuy là vật chất, nhưng vật chất quyết định tinh thần các chú ạ. Cháu thấy chú Phong, chủ tịch Ủy Ban Người Việt Yêu Nước Hải Ngoại tại tỉnh Victoria đã có sáng kiến tổ chức lễ tưởng niệm những người đã chết oan trong cuộc nội chiến Việt Nam vào ngày 30 tháng 4 là rất đúng. Mà chẳng phải chỉ có chú Phong có sáng kiến đó. Cháu thấy người Việt yêu nước ở Châu Âu, ở Mỹ, Pháp, Nhật và cả ở VN bây giờ cũng có sáng kiến như vậy. Thay vì biểu tình hò hét ầm ĩ mà cộng sản nó vẫn sờ sờ suốt 25 năm qua thì hò hét làm gì nữa cho mệt mỏi, mất công, mất sức lại mất tiền. Chú Phong bảo thu mỗi người $30 để đi biểu tình là rẻ lắm đó. Chứ thực ra phải $50 một người mới đủ.

Cháu thì cháu nghĩ, mình làm một cái gì lần đầu không thành, lần thứ hai không thành, đến lần thứ ba không thành thì mình phải chọn một giải pháp khác, phải không các chú" Đằng này, cháu thấy các chú biểu tình cả 25 lần suốt 25 năm mà vẫn đòi biểu tình nữa thì như vậy đâu có khôn ngoan. Thay vì vậy, các chú nên theo chú Phong, tổ chức lễ tưởng niệm, hay tổ chức hội thảo về nhân quyền, tỉnh nào tổ chức ở tỉnh đó, vừa tiện lợi lại vừa không tốn công tốn sức.

Chẳng phải cháu dậy khôn ai, nhưng rồi các chú coi, trong tương lai một hai năm nữa, các chú sẽ thấy ở bất cứ đâu có người Việt là ở đó không có chuyện biểu tình 30 tháng 4 cho các chú coi. Đốt hương, đốt nhang, đốt đèn cầy rồi đốt hàng mã, tưởng niệm người quá cố là phải quá rồi còn gì. Hãy thương xót những người đã nằm xuống trên mảnh đất Việt Nam hình chữ S, trên biển đông sóng cả đại dương, các chú ạ. Đừng nên viển vông làm gì.

Cháu còn biết chuyện này nữa. Những khi các chú biểu tình trước cửa tòa đại sứ của cộng sản thì đại sứ họ đâu có ở đó. Họ đi chỗ khác chơi. Đại đa số nhân viên tòa đại sứ ngày đó cũng không có ở đó để các chú hô đả đảo nữa. Nhiều người họ đi chơi, đi ăn uống nhậu nhoẹt đó. Các chú cứ biểu tình như vậy là tòa đại sứ, lãnh sự và bộ ngoại giao của Việt Nam họ ghét lắm. Họ ghét như vậy là họ làm cho chính phủ Úc cũng ghét lây các chú nữa. Vì vậy, cháu nghĩ, các chú nên nghe theo sáng kiến của chú Phong ở Victoria, đừng chống cộng làm gì nữa cho lạc hậu. Sang năm, nếu chú Phong đắc cử chủ tịch BCH tỉnh Victoria, cháu đề nghị chú nâng lệ phí đi biểu tình 30-4 lên $500 một đầu người và thuê xe taxi chở người đi biểu tình thay vì xe buýt. Trên xe taxi chú chuẩn bị có đầy đủ rượu tây, cơm tàu, đồ ăn tráng miệng thật ngon lành. Làm như vậy chú sẽ được tiếng là chuẩn bị cho người đi biểu tình 30-4 tại Canberra thật chu đáo mà cháu đảm bảo chẳng có ai có đủ tiên đi biểu tình. Sau đó, chú Phong viết bài gửi cho các báo, trong đó chú bảo là người Việt ở Victoria đi biểu tình để dương cao chính nghĩa quốc gia mà cũng tiếc $500 đồng bạc thì thôi dẹp biểu tình ở Canberra là hay nhất. Chú mà làm được như vậy thì người sướng nhất là ai chú biết không" Là chú Công đại sứ của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN tại Canberra đó chú.

...Hãy lo biến cộng đồng của các chú tại Victoria thành một sức mạnh chính trị, hậu thuẫn cho chú Phong thành một dân biểu nghị sĩ giống như chú Sang đó. Khi đó, các chú sẽ giúp đỡ được chính phủ Úc, chính phủ Việt Nam rất nhiều, mà rồi ai cũng có lợi. Các chú thì khỏi phải biểu tình, chính phủ Úc khỏi lo bảo vệ an ninh và chính phủ Việt Nam cũng tha hồ thu hút ngoại tệ đầu tư, và những chính trị gia Úc gốc Việt sáng giá như chú Sang, chú Phong, bác Cường, bà Mai... sẽ tha hồ ra vô Việt Nam và được tiếp đón đàng hoàng. Rồi bà con Việt Nam ở Úc khi về thăm VN sẽ được chính phủ VN đãi ngộ tử tế, đi đâu cũng được hưởng giá rẻ như bà con quốc nội, miễn sao khi về VN các chú các cô chịu khó mang tiền của về đầu tư, tiêu pha rộng rãi và đừng có ý định đánh phá nhà nước VN là được.

...Bây giờ cháu nói đến chuyện phái đoàn trình diễn "Duyên Dáng Việt Nam" sắp sang Úc trình diễn. Cháu phải thú thực, nhìn tấm hình ông chủ tịch nước khom lưng dâng quà cho hai ông người Úc, được báo Sàigòn Times đăng ngay trang nhất vừa qua cháu thấy tức dễ sợ. Chủ tịch nước mà khom lưng uốn gối, lại có nụ cười bợ đỡ như vậy thì cháu thấy quê hết chỗ nói. Cũng may báo Úc họ không đăng bức hình đó. Nhưng càng quê, cháu lại càng trách các chú. Tại sao các chú phải đăng bức hình đó" Xấu chàng hổ ai! Nếu lãnh tụ của VN đã hèn hạ, bạc nhược như vậy thì người Việt ở Úc cũng đâu có đẹp mặt gì" Chẳng lẽ nhìn thấy nụ cười "tủm tỉm" rất đểu của ông Úc đứng giữa, người Việt Nam các chú ở đây không thấy bị xúc phạm hay sao" Ai lại vạch áo cho người xem lưng như vậy" Cháu thấy mấy chú ở tòa đại sứ VN khi thấy bức hình cũng xấu hổ thì đủ hiểu. Cháu thì cháu thấy rất bất nhẫn khi nhìn bức hình đó. Gặp phải một ông lãnh tụ VN "duyên dáng cong lưng uốn gối" như vậy thì có cả ngàn đoàn "Duyên Dáng VN" sang Úc trình diễn cũng bằng công cốc, "duyên dáng" làm sao nổi.

Vì vậy, để báo chí Việt ngữ hải ngoại thực sự đóng góp với tổ quốc dân tộc, cháu nghĩ các chú không nên vạch áo cho người xem lưng, đi đăng những bức hình mất danh dự tổ quốc, dân tộc như vậy. Nếu ông lãnh tụ CSVN đã mất tư cách và mất trí khôn "cong lưng uốn gối" trước mặt ngoại bang như vậy, thì các chú làm báo cũng nên có đủ trí khôn đừng đăng những bức hình như vậy. Hành động "hèn hạ" của ông chủ tịch nước bình thường chỉ có vài người biết. Nay đưa lên báo cả chục ngàn người thấy thì còn gì thể diện quốc gia. Các chú chống cộng sản nhưng chống mù quáng như vậy thì chỉ có hại cho dân tộc, đất nước mà thôi.

....

Một Sinh Viên VN - NSW Uni.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.