Hôm nay,  

Cẩm Nang Gia Đình: Đừng Mắng Để Giúp Con Tự Tin

02/06/201800:00:00(Xem: 3441)
Nguyễn Ngọc Nhi

 
Cuối tuần đi ăn sáng ở nhà hàng buffet, tôi tình cờ được chứng kiến cách dạy con khác nhau của 2 gia đình Úc - Ấn.

Cậu bé người Úc trong hình chạy tới chạy lui giỡn với em, vô tình va trúng vào tay 1 thực khách đang đi lấy thức ăn. Lập tức cậu bé dừng ngay lại, xin lỗi "Cháu vô ý quá, cháu xin lỗi chú, chú có sao không ạ?" Khi người thực khách kia cười nói không sao, cậu bé thôi không chạy giỡn nữa mà chạy lại đứng với cha.

Người cha nghe tiếng con mình nói xin lỗi ai đó thì quay lại hỏi con "Chuyện gì thế ?" Cậu bé nói "Con lỡ chạy đụng vô chú kia, nhưng con đã xin lỗi và chú ấy nói không sao rồi". Cha cậu bé gật đầu rồi dặn "Chỗ này đông người, con đừng chạy lung tung nữa, dễ đụng trúng người này người kia lắm". Cậu bé dạ vâng.

Trước đó 1 chút, 1 cô bé người Ấn Độ, có lẽ cũng trạc tuổi cậu kia, chạy ngang qua bàn của tôi và đá trúng vào chân ghế của tôi cái bốp. Cô bé đứng sững lại, nhìn tôi, 2 mắt to tròn sợ hãi. Cô bé không nói gì hết, chỉ nhìn tôi chằm chằm, có vẻ như sợ bị tôi mắng. Tôi bèn mỉm cười cho cô bé an tâm, rồi nói "Không sao đâu, đừng lo ".

Cô bé chạy vội về bàn cha mẹ đang ngồi, cách bàn tôi chỉ hơn 1 mét. Ba mẹ cô bé đã thấy hết nên khi cô bé vừa chạy tới thì bà mẹ mắng ngay "Cái con hậu đậu, sao lại chạy tùm lum như vậy?" Cha cô bé cau mặt bồi tiếp "Thứ con gái hư, nói hoài không nghe". Cô bé bị cha mẹ mắng, khóc òa lên, khiến cho bà mẹ bực mình càng mắng tiếp "Khóc cái gì, ồn ào, nín ngay!"

Mắng con xong, 2 ông bà cùng nhìn qua bàn của tôi và nói "Xin lỗi cô nhé". Có lẽ ông bà cho rằng như thế là dạy con nghiêm khắc, và là lịch sự với người ngoài.

Suy ngẫm 2 cách dạy con của 2 gia đình Úc - Ấn, tôi chợt nhận ra là gia đình Ấn kia dạy con với phương thức tương tự như của người Việt. Con làm sai không giảng giải cho nó hiểu sai chỗ nào, chỉ ào ào mắng át, hoặc có khi đánh luôn, tát luôn. Kiểu dạy dỗ đó khiến cho trẻ em luôn sợ hãi, không có tự tin, không dám nhận trách nhiệm của mình.

Người Việt cũng hay hành xử như người Ấn đó, con làm sai thì cha mẹ đánh mắng con, xong cha mẹ đi xin lỗi người ngoài. Có lẽ vì họ cho rằng làm thế thì người kia sẽ không còn lý do gì để than phiền hay trách cứ tiếp? Nhưng làm thế thì đứa bé sẽ không bao giờ trưởng thành, sẽ luôn phải dựa vào "người lớn" hơn mình để giải quyết giùm cho mình.

Cậu bé người Úc được giáo dục tự tin, tự lập, nên khi làm sai cậu thản nhiên nhận trách nhiệm, xin lỗi và tự giải quyết, sau đó mới đi tìm cha mẹ. Cô bé người Ấn thì ngược lại, khi làm sai thì sợ hãi chết trân, không biết phải làm sao, chỉ biết chạy về khóc với cha mẹ và tin rằng mình làm sai thì đáng bị mắng nhiếc chửi rủa. Như vậy không hay chút nào.

Các bạn ạ, hãy dạy con bằng cách bình tĩnh giảng giải cho các cháu nghe các cháu sai chỗ nào, dạy cho các cháu cách giải quyết và xin lỗi thích hợp rồi để cho các cháu tự mình đối phó với vấn đề. Khi nào các cháu làm không được, hay vụ việc đi quá khả năng, thì các bạn hãy ra mặt giúp.

Nhưng tuyệt đối đừng mắng mỏ, đánh phạt, trước khi dạy dỗ, vì như thế sẽ làm cho trẻ rất sợ hãi, mất hết tự tin và không thể trưởng thành.

Nhiều người đã lớn tuổi rồi, nhưng vẫn chưa trưởng thành. Gặp chuyện khó khăn không tự mình đi giải quyết, mà phải nhờ người này người kia đứng ra làm "trung gian" giải quyết giùm. Có lẽ cũng là từ cái lối dạy con kiểu dựa dẫm vào cha mẹ này mà ra?

Nguyễn Ngọc Nhi

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.