Hôm nay,  

Bị Chuỗi Bán Lẻ Hiện Đại Càn Lướt, Các Tiệm Tạp Hóa Vẫn Sống Ổn

24/07/201700:00:00(Xem: 4316)
Nhiều năm trước, có ý kiến cho rằng việc phát triển mạnh mẽ của hệ thống cửa hàng tiện lợi cùng một số mô hình nhỏ lẻ chuỗi khác, sẽ là hồi chuông báo tử đối với các cửa hàng tạp hóa truyền thống. Nay thực tế cho thấy, kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang sống ổn, nếu tính trên doanh thu toàn ngành thì vẫn tăng, cho dù thị phần có giảm vài phần trăm, theo Thế Giới Tiếp Thị.

Vào năm 2005, hầu như tất cả các công ty nghiên cứu thị trường trong nước và quốc tế đều cùng dự báo rằng Việt Nam sẽ có sự phát triển bùng nổ của thị trường bán lẻ hiện đại (MT), đến năm 2015 – 2020 kênh MT sẽ cán mốc 50%. Diễn tiến của 3 – 5 năm sau đó là các tập đoàn bán lẻ đua nhau đầu tư mạnh mẽ vào VN các chuỗi siêu thị, siêu thi mini, cửa hàng tiện lợi...

Theo Thế Giới Tiếp Thị, sau mười năm, nhìn lại mới thấy những dự báo trước đây đã không đúng, thậm chí có dự báo không còn lạc quan nữa, rằng đến năm 2020, tỷ lệ đóng góp vào thị trường của kênh MT sẽ khó lòng đạt nổi 25%, rất xa mức 50%.

blank
Dù bị các chuỗi bán lẽ hiện đại lấn lướt, các cửa hiệu tạp hóa truyền thống vẫn đang sống ổn.

Truy tìm lý do, người ta phải công nhận thị trường bán lẻ Việt Nam có những nét rất đặc thù, không giống bất kỳ quốc gia nào, trong đó phải kể đến sức sống bền bỉ và khả năng thích nghi, phục vụ người tiêu dùng rất tốt của kênh bán hàng truyền thống, trong đó có cả những tiệm tạp hóa nhỏ bé ở sâu trong hẻm.

Như Thế Giới Tiếp Thị ghi nhận, gây ấn tượng nhất phải nói đến là trong năm năm, từ 2010 – 2015, thị phần kênh bán lẻ truyền thống rơi vào tay kênh hiện đại chỉ khoảng 3%. Rồi như hiện nay, kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang sống ổn, doanh thu trong toàn ngành vẫn tăng dù thị phần có giảm vài phần trăm.

Mặt khác, nếu kênh bán lẽ hiện đại phát triển ầm ĩ nhưng theo kiểu “bong bóng”, thiếu bền vững thì kênh bán lẻ truyền thống luôn âm thầm thích nghi để phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng.

Thế Giới Tiếp Thị dẫn từ kết quả khảo sát ý kiến người tiêu dùng (5 năm liên tiếp, từ 2010 – 2015) của các công ty nghiên cứu thị trường về hành vi người mua hàng, cho thấy có năm yếu tố chính khiến người tiêu dùng quyết định chọn ra kênh mua sắm cho mình. Đó là: Sự tiện lợi khi mua sắm – Sự thuận lợi gần nhà hoặc trên đường đi về - Cửa hàng ngăn nắp gọn gàng - Sự ân cần thân thiện của nhân viên/chủ cửa hiệu - Chất lượng hàng hóa.

Soi vào các yếu tố trên, rõ ràng cửa hiệu tạp hóa có lợi thế để khiến những người tiêu dùng trước kia rời bỏ họ, chuyển các siêu thị hay cửa hàng tiện lợi, sẽ quay trở lại. Thậm chí trong các năm 2015 – 2016, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng kênh truyền thống còn lôi kéo khách hàng trung thành bên kênh bán lẻ hiện đại về phía mình.

Theo phân tích của Thế Giới Tiếp Thị, về yếu tố "gần nhà hoặc trên đường về" và "sự ân cần của nhân viên/chủ cửa hiệu", ai cũng biết đó là lợi thế truyền thống của cửa hàng tạp hóa. Còn về các yếu tố "sự tiện lợi khi mua sắm" và "cửa hàng ngăn nắp, gọn gàng” thì đúng là trước đây thuộc lợi thế của thị trường bán lẻ hiện đại, nhưng với sự xuất hiện ngày càng nhiều của mô hình bách hóa thì cuộc chơi đã khác.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.