Hôm nay,  

Lễ Hội Du Thuyền Mùa Giáng Sinh Ở Portland

19/12/200400:00:00(Xem: 5262)
Một trong những sinh hoạt thơ mộng và đầy ý nghĩa trong mùa Giáng Sinh ở thành phố Hoa Hồng của tiểu bang Oregon là lễ hội du thuyền. Khi những con tàu nối đuôi nhau lướt dọc theo bờ con sông lớn Columbia chia đôi hai tiểu bang Washington và Oregon rẽ vào nhánh sông Willamette nằm vắt ngang thành phố Portland, rồi ngược lên thượng nguồn đến vùng hồ Oswego, cư dân ở hai bên bờ sông và người thưởng lãm có thể ngắm đoàn tàu rực rỡ đèn màu với nhiều kiểu dáng khác nhau trôi đi trong đêm, hòa theo dòng nhạc Giáng Sinh dìu dặt với gió đông.
Năm mươi năm trước, mùa đông năm 1954, một con tàu nhỏ kết đèn màu xé màn đêm tĩnh mịch nương theo dòng của hai con sông lớn, lượn quanh hồ Oswego, vừa lướt đi vừa gióng lên những bản nhạc thánh của mùa Giáng Sinh, đã bắt đầu truyền thống lễ hội du thuyền nơi đây. Năm nay, Portland kỷ niệm mừng sinh nhật lần thứ 50 truyền thống độc đáo này. Kể từ ngày 9 đến ngày 21 tháng 12, mỗi đêm từ các điểm xuất phát khác nhau trên cả hai con sông, những ngọn đèn trôi sẽ rời bến nối đuôi nhau kết thành đoàn du thuyền Giáng Sinh xuôi ngược trên sông cho đến tận nửa đêm. Mỗi con sông vào mùa này có một đội thuyền riêng; mỗi con thuyền như một món quà nhỏ gói bằng đèn màu do chủ nhân gởi trôi theo dòng sông, lênh đênh, lênh đênh, rồi hội ngộ cùng nhau vào đêm Chủ Nhật 12 và thứ bảy 18. Đây là lúc du khách và dân chúng có thể thưởng thức nếp sinh hoạt Giáng Sinh trữ tình của thành phố Hoa Hồng về đêm.
Đón chào sinh nhật vàng của lễ hội, năm nay mỗi du thuyền của hai đoàn tàu Columbia và Willamette sẽ kiêu hãnh kết vào đuôi tàu con số 50 được thắp sáng bằng điện. Ngoài những biểu tượng truyền thống như cây thông, ông già Nô-el, nai kéo xe tuyết được trang trí khéo léo bằng đèn màu, nhiều công trình sáng tạo về hình dáng và biểu tượng cũng sẽ được góp mặt trong cuộc tranh tài kỳ thú này. Khách tham quan nếu may mắn đặt trước được một chỗ ngồi cạnh cửa sổ của một trong hằng trăm tiệm ăn dọc theo hai bờ của hai con sông và vòng quanh hồ Oswego, hay hạnh phúc hơn được ngồi dựa người vào những chiếc ghế dài ấm êm ở nhà, hoặc trong khách sạn, bên lò sưởi hồng; nhắp môi bằng chút rượu vàng óng Merlot hay Chardoney của Oregon; đếm từng chiếc tàu đèn trôi qua, thẳng hàng, lũ lượt, cùng nhau làm sáng bừng đoạn sông đen thẳm của những đêm cuối năm … có lẽ không món quà nào tuyệt diệu hơn ân sủng này.
Tôi còn nhớ lúc bé có lần theo mẹ về Mỹ Tho thăm gia đình người anh họ làm việc ở Sở Nông Nghiệp Định Tường gần chợ thị trấn. Một chiều, chị họ tôi cùng hai đứa cháu trai lớn trạc bằng tuổi tôi năm ấy đưa mẹ tôi và tôi đi chợ Mỹ (tên gọi tắt chợ Mỹ Tho). Lòng tôi nôn nao biết bao khi mẹ bảo: "Chiều nay mình đi "cầu quay" chơi. Hai chữ cầu quay trong tôi lúc ấy là chiếc cầu quay vòng vòng, trong phố có đèn và thật đông người. Nhưng khi đến nơi, và suốt buổi "shopping" hôm ấy tôi đã chẳng thấy cái cầu quay như theo trí tôi tưởng tượng. Đứng trên cầu nối hai bờ sông dẫn vào khu phố chợ, tôi lặng nhìn dòng nước chảy nhanh dưới chân, đợi và đợi chiếc cầu chuyển mình, cho đến khi mẹ và chị tôi đùm đề đủ thứ vừa bước đi trên đường về nhà vừa réo ba đứa chúng tôi nhanh chân . Những ngày thơ ấu ấy, tôi cứ thắc mắc mãi tại sao lại gọi là cầu quay mà cầu chẳng quay, rồi thầm bảo "Có lẽ hôm ấy cầu không quay!" Tôi chẳng nhớ mẹ và người chị của họ tôi đã giải thích với tôi thế nào về chiếc cầu quay gần chợ Mỹ, nhưng tôi biết trong tim tôi chưa có lời đáp và nỗi hân hoan vẫn như bị ngắt giữa chừng.
Ba mươi năm sau, vài tháng sau khi khi đến định cư ở Mỹ (Hoa Kỳ), vợ chồng tôi mua một căn nhà ở Portland, cạnh con đường lớn dẫn vào khu trung tâm Portland. Nhà của chúng tôi nằm trên sườn đồi phía Tây của thành phố nên khu này được gọi là khu West Hill. Tựa lưng vào vách đá, căn nhà này với rất nhiều cửa sổ lớn mở một tầm ngắm rộng 180 độ, thu gọn ngọn Mount Hood và con sông Willamette trong quãng trời trước mặt nhà ngày cũng như đêm. Chồng tôi yêu căn nhà và quang cảnh bao la chung quanh căn nhà dường như hơn cả yêu tôi. Bốn mùa nơi đây cho chúng tôi ký ức về biết bao bức tranh tuyệt mỹ của thiên nhiên lồng trong những sinh hoạt của người dân Portland, không bức tranh nào giống bức tranh nào và chúng tôi chẳng thể nhớ hết các nét đẹp của từng bức tranh, nhưng trong những bức tranh thiên nhiên ấy, có những bức tranh không thể mua hay đổi bằng tiền là những bức tranh về những con thuyền treo đèn sóng sánh nối nhau mỗi dịp lễ hội du thuyền trong mùa giáng sinh.

Như đêm qua, khi những chiếc du thuyền nhỏ đến từ Đảo Thiên Nga (Swan Island) trôi ngang cửa sổ nhà tôi từ khúc sông rẽ dưới phố hướng về phía thị trấn Wilwaukie sau đó vòng lại lộ trình ban đầu, tôi chợt nhớ về chiếc cầu "quay" năm xưa. Dường như chiếc cầu ước mơ thời thơ ấu của tôi đang quay theo vòng quay của những con tàu Christmas mỗi đêm mùa này, trên dòng sông này mỗi năm nơi đây - thành phố Hoa Hồng của tôi. Tôi đã từng lênh đênh hàng tháng trên một chiếc du thuyền ở biển Địa Trung Hải, no mắt nhìn những cánh buồm trắng căng phần phật trong gió; tôi đã sống những đêm tĩnh lặng bên hồ C'oeur D'arlene đóng băng trắng xóa; và con sông hiền hòa Willamette đã là một phần đời thật của tôi, nhưng con kinh Mỹ Thuận thỉnh thoảng vẫn trở về trong ký ức tôi, tiềm tàng biết bao bí ẩn về chiếc cầu "quay" Việt Nam.
Yêu những gì đã qua và sống với dĩ vãng khi tìm về không phải là thói quen của riêng tôi mà dường như của tất cả những ai đi tìm niềm vui mới từ trong những sinh hoạt tưởng chừng như quá quen thuộc. Cái mới không phải từ những nét lạ mà là từ âm điệu thân thương và âm vang sinh động khám phá từ những nếp quen thường nhật. Nếp quen ấy không chỉ đến từ những tên dễ gọi hay dễ nhớ mà từ những chu kỳ đều đặn được tái tạo do nhu cầu sinh hoạt của cuộc sống mới. Tôi không quen cũng chẳng biết Doug Romjue và Mike Stone, nhưng khi nghe kể chuyện về họ, cặp Boy Scouts này hằng năm, trong suốt 40 năm, từ khi họ còn chơi và tập chung với nhau những trò chơi hướng đạo đến khi trưởng thành, và vào mỗi dịp Giáng Sinh họ lại cùng nhau gia nhập đội du thuyền sông Columbia. Năm nay, từ đầu mùa du thuyền, Romjue lại giong chiếc thuyền dài 36 bộ trên sông chỉ đường bằng điện đàm còn Stone cầm lái.
- "Hai thằng khờ gộp chung quả tốt hơn một!" Stone nói với nhà báo Brad Smidth khi họ đang sửa soạn cho buổi diễu hành trên sông mùa Giáng Sinh năm nay. Stone năm nay đã 50, người của thị trấn Scappoose trên bờ Columbia thuộc Oregon. Romiue đã 49, dân Portland chính hiệu. Cả hai và gia đình hầu như không đợi được cho đến Đông về. Từ đầu thu, và hầu như suốt năm, họ đã lên kế hoạch và chăm chút con tàu để chuẩn bị cho lễ hội.
Trong suốt 12 năm liền Romjue và Stone đã đi đi lại lại bao lần trên hai dòng sông lớn của tiểu bang Oregon cùng với các tay đua khác. Thú tiêu khiển này không những đòi hỏi ở người tham gia nhiều công sức và kinh nghiệm mà cả lòng say mê kỳ lạ của dân chơi tàu cùng với cảm giác phấn khởi rất cố hữu của dân Mỹ trước những sinh hoạt cộng đồng. Năm nay họ lại dẫn đầu cả nhóm lái thuyền nồng nhiệt tham gia lễ hội du thuyền diễn hành kỷ niệm 50 năm truyền thống thuyền đèn Christmas. Cả nhóm gồm nhiều tay lái thuyền trong câu lạc bộ du thuyền Portland sắm sửa chuẩn bị cho việc trang trí đèn và tập dượt để diễn hành vào dịp Giáng Sinh đặc biệt năm nay.
Là trưởng nhóm, Romjue và Stone đã lên kế hoạch đặc biệt dành cho những gia đình không thể tham dự các buổi diễu hành vì thời tiết xấu. Năm ngoái, chương trình diễu hành đặc biệt thể hiện qua việc thao diễn của cả 4 đoàn thuyền cùng lúc dàn hàng ngang lướt qua gầm cầu xuyên bang nối liền Washington và Oregon. Các chương trình treo đèn trang trí trong mùa Giáng Sinh ở Portland hằng năm lấy tên con phố nhỏ Peacock Lane để đặt cho sinh hoạt truyền thống này. Peacock Lane là tên một đoạn đường ngắn gồm khoảng hai mươi căn nhà xây theo kiến trúc cũ của các thập niên 40 - 60. Dân cư trong khu phố này dù cũ hay mới đều phải ký một thỏa thuận tham gia treo đèn trang trí vườn và trước cửa nhà vào mỗi mùa Giáng Sinh. Sinh hoạt này đã thành tên và trở thành hiện tượng Peacock Lane rất nổi tiếng của Portland. Dân đua thuyền mùa Giáng Sinh như Romiue và Stone cũng đặt lấy tên Peacock Lane để đặt tên cho buổi biểu diễn đặc biệt trong lễ hội du thuyền. Năm nay, Peacock Lane Ship Parade Show có lẽ sẽ rất đặc biệt và hào hứng.
Tôi đang tự hỏi có phải đây chính là những Santa Claus của thế kỷ thứ hai mươi và hai mốt khi những tay lái vừa điều khiển con tàu vừa luôn mồm hát "Hô, hô, hô!" Họ không đeo hay chở trên tàu những gói quà nặng cho trẻ con mà là niềm vui và sự hồi hộp khi dõi theo nhịp chèo của những vật thể trôi; họ không đến bên ngọn lửa hồng để đặt những gói quà nho nhỏ đủ màu sắc cho các cô cậu bé đã ngủ quên vì đợi, mà là những âm điệu ấm áp của hạnh phúc và thanh bình của mùa Giáng Sinh cho tất cả khi người người được bình yên thưởng thức tiếng thánh nhạc đong đưa thoảng qua trong gió lạnh hay mưa tuyết. Tôi thầm cảm ơn cuộc sống này, cuộc sống yên lành trên một đất nước lạ mà thân thương. Uớc gì quê hương mẹ tôi và người dân tôi có được những ngày tháng êm đềm, mặn nồng như những ngày tháng này của đời tôi.
Hạ Miên - Giáng Sinh 2004

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.