Hôm nay,  

Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng

7/5/200000:00:00(View: 6278)
Nghệ thuật tạo kiểng có nhiều phương cách, gieo hạt, giâm cành, chiết cành... Những lối làm như thế không nhanh bằng đi đào cây rừng. Đào cây rừng là cách đi tắt, rút ngắn thời gian từ năm ba năm cho đến hàng trăm năm. Gieo hạt thì chắc ăn và như ý mình muốn, song phải chờ đợi năm này qua năm nọ uốn nắn từng ly từng tí để có cây kiểng chơi thì phải nói là sốt ruột. Đào cây hoang dã chỉ vất vả một ngày, có ngay cây kiểng đại thụ tuổi cao hơn tuổi mình thì còn gì thú bằng.
Xứ mình vào những năm 80 thấy chẳng có luật lệ nào cấm cản việc đào cây rừng, cả việc hạ cây đốt than hay làm củi cũng thoải mái làm cho bao nhiêu đồi núi cứ trơ trụi dần. Mỗi lần xe đò chạy qua địa phận Phan Rí, thấy hai bên đường trải dài những cây Thiên Tuế bán cho khách, giá rẻ mạt. Mà nào có mấy người mua, cây phơi nắng chừng hai hôm là héo lá. Bà con lại đi đào lớp khác. Thấy mà đau lòng. Rõ ràng ăn một phá mười. Từ trước giờ, chơi cây gần như giành cho lớp quí tộc nên người ta chỉ chơi những cây đã có tiếng: Mai Vàng, Kim Quít, Me, Cừa, vv. Sau 75 tự nhiên phong trào chơi cây nổi lên rầm rộ. Hằng năm có Hội Hoa Xuân tổ chức tại vườn Tao Đàn Sài Gòn, nghệ nhân khắp nơi đưa sản phẩm về dự giải. Tuy tiền thưởng không bao nhiêu, dù được giải cũng không đủ tiền xe tàu, thế nhưng lại rất hứng khởi. Chính trong những ngày đô hội này mà nghệ nhân nhiều miền gặp gỡ nhau. Cây khác miền có cơ hội thi đua nhau. Miền Nam có Cần Thăng, Mai Chiếu thủy, Miền Trung có Cừa, Sơn Liễu, Bằng Lăng. Tỉnh nào cũng có Hội Nghệ Nhân, Hội Hoa Kiểng, những người xưa nay chân chất làm ăn nay cũng săm se nuôi chim, trồng kiểng ra điều biết ăn chơi.
Tết năm Giáp Tý (1984) tôi khám phá trên đồi chuà Long Sơn (Chùa Hội) Nha Trang, ngay sau lưng cốc Đại Lão Hòa Thượng Trí Nghiêm, một lòai cây lạ. Thân cây lớn bằng chiếc đũa ăn, lá như lá me, tán một chùm xòe ra như nan dù, giữa có chùm hoa năm cánh trắng. Tôi cho vào chậu, kết hợp với đá làm thành những tiểu cảnh và đặt tên Mai Tiểu Hạc. Anh Thành chủ Pharmacie ở đường Độc Lập cho tôi trưng bày miễn phí ở mặt tiền. Khách đi chợ Tết ngạc nhiên, năm nay có gian hàng lạ, trầm trồ ngắm nghía, mua cũng khá nhiều. Trong số khách qua đường tán thưởng có thầy Phước An (chùa Hải Đức), thầy ngắm những Hòn Non nho nhỏ, rồi cho nhận xét: Mặc Như Lôi (im lặng mà như sấm sét) chữ nghĩa sao mà xúc tích quá thể, nghe lạnh cả người. Thầy Minh Thông (Chùa Hội) thì bảo: Tam Thế Nhất Trụ (quá khứ, hiện tại, vị lai, hiệp làm một). Ôi chao là hay. Phải nói rằng tôi phấn chấn vô cùng. Mới bước đầu mà ý nghĩa được vậy thì còn ước gì hơn. Hai thầy rất vui vẻ giảng thêm cho tôi vài ý tưởng đạo Phật ẩn trong “tác phẩm” của mình. Hôm sau thầy Phước An trở lại tặng tôi một chai xì dầu hiệu Lá Bồ Đề. Dùng thấy ngon, tìm mua thêm mới biết Xì Dầu đặc biệt của nhà sản xuất chỉ để cúng dường Chư Tăng mỗi độ Xuân về.
Sau Tết tôi lên thăm Hòa Thượng Trí Nghiêm, Ngài cho biết Mai Tiểu Hạc là cây Tán Dù dùng trị bịnh đàn bà. Tôi thầm nghĩ làm nghệ thuật là làm thăng hoa cho muôn loài. Đặt một tên mỹ miều cho một lòai cây dại cũng rất nên. Nhà văn Võ Hồng đã có lần tỏ vẻ khó chịu khi nghe nói Hoa Mõm Chó, Hoa Loa Kèn, Hoa Thúi Địt. Ông cho như vậy là thiếu công bằng, là không văn nghệ.
Mùa Xuân năm ấy tôi mở “chiến dịch lùng cây”. Với con ngựa sắt già, ràng một giỏ bội đằng sau, tôi vào Đồng Bò ra Đồng Đế, mỗi ngày kiếm năm mười cây. Lúc đầu cây nhỏ về sau cây lớn. Sơn Liễu, Me Rừng là hai giống cây dễ đào lại có thân rất đẹp. “Thừa thắng xông lên” tôi dần dà đi xa hơn, đi Suối Tiên (cách Nha Trang 25km) đi Thủy Triều (cách Nha Trang 60km). Lần đi Suối Tiên nhằm ngày mưa khá vất vả, hai bố con lùng kiếm trong rừng suốt hai ngày, bắt được chú Sơn Ngưu khá ngộ nghĩnh - Một lọai cây giống lọai Trúc Đào trồng cảnh hai bên đường. “Bộ đội đường mòn” thì gọi đây là cây Rù Rì, lá dùng nấu canh, hoa như hoa cây táo nhơn, ở thôn quê thường cho trẻ ăn để xổ sán lải. Đặc biệt lọai cây này sống trên cạn nhưng rễ có thể bò đi thuồng luồng dưới suối. Cây tuổi khá cao, thân to bằng bắp vế, bị chặt từ lâu, hình thù y hệt con trâu. Có hai sừng có mõm có đuôi.

Mang cây về, trồng được một năm tôi cho vào chậu và đặt tên Sơn Ngưu. Khi có các vị Tăng đến xem, tôi bảo đây là Tâm Không (lòng trống rỗng rang) mà quả vậy, lấy nước đổ vào đằng mõm, nước chảy tuột ra đằng đuôi, bởi cây bị sâu mọt ăn ruồng bên trong từ trước ra sau. Tác phẩm Sơn Ngưu này về sau bán cho một nhà chơi cây ở Hải Phòng. Câu chuyện “bán trâu” của tôi có thể nói là một giai thoại vui, không buồn thảm như chuyện bán trâu của nhà văn Trần Tiêu.
Hôm đó vào ngày cuối năm, ngày đưa ông Táo về trời, hai bố con tôi đang lui cui ráp một non bộ tại vườn Bosanobo 61 Yersin Nha trang thì có ba người khách có vẻ sang trọng bước vào. Khách vào vườn thường chỉ để xem họăc kêu ly cà phê để nghỉ mệt chứ mua thì ít, khi nghe có tiếng hỏi: “Cây này bán không ông"” Tôi trả lơì cách bình thường và vẫn cắm cúi làm việc: “Thưa có ạ.” Thấy tôi không có vẻ thiết tha, họ nhắc lại:
- Tôi hỏi để mua thật đấy.
Tôi nghe trong câu nói như có hàm ý trách móc nên vội vàng đáp:
- Vâng xin quí vị cứ xem qua, tôi lỡ tay một chút sẽ đến ngay. Ba người đi một vòng, lúc họ trở lại chỗ cũ thì tôi cũng đã sẵn sàng tiếp khách.
- Cây này giá bao nhiêu, một người chỉ vào cây bồ đề trồng trên đá và hỏi.
- Thưa ông 200 ngàn (khoảng 17USD).
- Còn cây đằng này, ông ta vừa hỏi vừa đi ra phía sân trước. Đến nơi ông chỉ vào chú Sơn Ngưu. Trong tôi phải suy tính để trả lời trong nháy mắt. Bán thì nhất định khó có lại, không bán thì Tết Nhất đến nơi lấy gì cho ấm cửa ấm nhà. Giá cả sao đây, hồi giờ chỉ mại thứ nho nhỏ, nay phải bán nguyên con trâu, mới là khó chứ. Tôi hô đại: 2 chỉ. Người khách tỉnh bơ quay sang chàng thanh niên đứng cạnh hất hàm hỏi:
- Vàng bao nhiêu"
- Dạ 360 (360 ngàn đồng khỏang 30 USD)
Tôi vội xen vào:
- Hình như vàng đã lên, để tôi vào mượn phone nhà Bảo Tàng hỏi chợ Đầm xem sao. Lúc trở ra tôi nói:
- Vàng nay 364. Tôi vừa dứt lời thì người khách đã hăm hở:
- Cứ tính chẵn 370, phòng khi đếm thiếu.
Tôi ngạc nhiên và cứ nghĩ ông này đùa, không bớt lại thêm, chuyện khó tin. Trong lúc tôi đang phân vân thì người khách nói như ra lệnh cho hai thanh niên tháp tùng:
- Em, đi lấy chai rượu và gói ba số, em, đi kêu chiếc xe ba gác.
Đúng là ông khách này sộp thật rồi. Lúc chàng thanh niên trở lại với chai rượu và bao thuốc ba số 5 thì được lệnh đếm tiền trả cho tôi. 940 ngàn đồng, một gói bạc khá to. Chiếc xe ba gác vào, họ xúm nhau khiêng con trâu lên xe. Người phu xe đẩy xe nhè nhẹ ra cổng, con Sơn Ngưu trong tư thế ngoảnh lại nhìn, hai hốc mắt nó mở to và đen thui nhìn tôi như thầm trách sao đành phụ bạc. Tự nhiên tôi buồn hẳn xuống.
- Tôi biết ông bán cho tôi cây này ông buồn lắm vì khó kiếm lại được cây như thế, nhưng tìm được một người mua như tôi cũng không phải dễ.
Lại một bất ngờ nữa, tôi không ngờ ông khách nói một câu thâm thúy như vậy, câu nói làm cho tôi vô cùng mát dạ. Tôi đến bắt tay ông và vui mừng như tìm được tri kỷ.
Trong khi mời mọi người uống rượu người khách hào hoa rút đưa cho tôi tấm danh thiếp và nói:
- Đây địa chỉ của tôi, tôi có một vườn kiểng ở Hải Phòng, tôi sẽ về hưu sớm và chơi thứ này. Khi nào có dịp ra Bắc tôi xin tiếp ông một tháng ăn đi chơi.
Nhìn vào danh thiếp thấy tên Hoàng Giang, Giám Đốc Công Ty Tàu Biển Phú Yên. Tôi cất nhẹ danh thiếp vào túi và vui vẻ ngồi vào bàn rượu. Bình sinh không biết uống rượu nhưng cũng nâng cao với anh em một ly. Đời người mấy khi mà được một ngày vui như vầy.

Trần Công Nhung (Trích Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng)

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.