Hôm nay,  

Con Rồng Cháu Tiên

07/02/200000:00:00(Xem: 5486)
Theo truyền thống cổ kính, người Việt chúng ta hoan hỉ, nô nức, đón mừng Xuân Mới Canh Thìn. Năm nay Tết Nguyên Đán đến sớm, vào thứ Bảy mồng 5 tháng Hai năm 2000, khai mạc thiên niên kỷ thứ ba.
Những ngày Hội linh thiêng và lớn nhất của Dân Tộc rơi vào cuối tuần thật thuận tiện cho những người phải “đi cầy” ở Hoa Kỳ, có thể nghỉ việc để “ăn” Tết, du Xuân ngoạn cảnh, viếng đền thờ, chùa chiền, cầu nguyện, hái lộc, chúc tuổi thân nhân, bạn hữu, rồi cùng hát “Ngày Xuân nâng chén ta chúc...” (Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ quá cố Phạm Đình Chương).
Đối với những người đã phải rời miền Nam trước ngày 30-4-75, Tết Canh Thìn là Tết Tha Hương thứ 24. Dịp này, gần 2 triệu “con Rồng cháu Tiên” chúng ta sẽ đặc biệt hướng về Quê Mẹ thân yêu để hợp lòng với hơn 70 triệu đồng bào, cầu xin cho Quốc thái Dân an.

CHUYỆN RỒNG
Nhân năm Thìn, tôi nói chuyện rồng để hầu bạn đọc xa gần. Âm lịch lấy 12 con Giáp làm biểu tượng cho từng năm trong một chu kỳ 12 niên: Tý Sửu Dần Mão Thìn Tỵ Ngọ Mùi Thân Dậu Tuất Hợi (Chuột Trâu Cọp Mèo Rồng Rắn Ngựa Dê Khỉ Gà Chó Heo). Thìn là rồng, con vật đứng hàng thứ 5 trong thập nhị chi.
Có ai đã thấy rồng bao giờ chưa" Không như 11 loài vật kia, rồng là con vật không có thực, mà chỉ hiện diện trong các huyền sử, huyền thoại, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, tích chuyện dân gian. Từ điển Văn Hóa Cổ Truyền Việt Nam, xuất bản tại Hà Nội năm 1995, đã nghiên cứu tỉ mỉ về gốc tích của rồng như sau:
Rồng có gốc chung từ rắn Mutx-Hutx (rắn bóng loáng) ở vùng Trung Cận Đông. Rắn Mutx-Hutx bò ra khắp thế giới để hóa thân thành rồng và rắn nhiều đầu. Thế kỷ thứ V-VI mới thấy nói tới rồng Việt, từ đó rồng gắn với tín ngưỡng Việt và dần trở thành một phần bản mệnh vua. Tới thế kỷ XI rồng Việt được định hình, có thân rắn, không có sừng và tai, mũi được kéo thành vòi voi. Trên đầu có biểu tượng của sấm chớp. Từ thế kỷ XIV, rồng nảy sừng và tai, đôi khi thân uốn yên ngựa. Thế kỷ XV, ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, rồng Việt có vẻ hung dữ hơn. Tới thế kỷ XVI, XVII, rồng được dân dã ngày càng làm cho mạnh để mang tư cách biểu tượng của bầu trời mây nông nghiệp.

CON RỒNG CHÁU TIÊN
Thế kỷ XIX ít nhiều rồng lại ảnh hưởng Trung Quốc, khiến thân thiếu mềm mại uyển chuyển, tuy nhiên nhiều rồng hóa thân từ cây cỏ thiêng hay từ một vài hoa văn nào đó lại khá đẹp.
Hiện nay rồng vẫn còn được sử dụng nhiều trong kiến trúc tôn giáo và theo một số chuẩn: mắt quỷ, sừng nai, tai thú, trán lạc đà, miệng lang, cổ rắn, vảy cá chép, chân cá sấu, móng chim ưng. Người Việt coi rồng là một thần linh, chủ của nguồn nước, hiện thân của hạnh phúc nông nghiệp. Rồng cũng gắn với Phật trong tích biến thành thuyền đưa ngài đi giảng đạo. Rồng là biểu tượng của học vị tiến sĩ, khi hổ tượng trưng cho học vị cử nhân (bảng rồng bảng hổ), vì thế có hình tượng cá vượt vũ môn (cá chép bơi ngược dòng thủy do rồng phun — tượng trưng cho thi cử).
Do rồng có vai trò lớn trong dân, nên theo Trung Quốc, nhà vua Việt cũng định bá chiếm rồng để tăng uy lực tinh thần cho triều đình. Rồng gắn với vua từ đời Triệu Quang Phục (thế kỷ VI), rồng cứu Đinh Tiên Hoàng thoát nạn, chỉ từ Lê Đại Hành rồng mới là bản mệnh của vua. Người Việt thiết tha với rồng nên linh địa thường mang tên rồng, rồi múa rồng phổ biến trong ngày hội. Thành ngữ “Long, Ly, Quy, Phụng” (tứ linh= bốn vật thiêng). Long tức rồng đứng hàng đầu. (Sđd, trg 535-536)

NGUỒN GỐC VIỆT
Mỗi dân tộc đều có một tích truyện tiêu biểu nhằm giải thích nguồn gốc của mình, kể cho con cháu biết tổ tiên ông bà cha mẹ mình ở đâu mà ra. Việt Nam có truyền thuyết “Lạc Long Quân và Âu Cơ”. Lạc Long Quân con trai của Kinh Dương Vương và Long Nữ (con gái Long vương), có thân hình rồng, sức khoẻ phi thường. Được cha giao cho cai quản miền Lĩnh Nam, diệt trừ yêu quái và dạy dân trồng lúa nước, thổi cơm, đốn gỗ làm nhà, Lạc Long Quân lấy con gái thần Đế Lai là Âu Cơ. Bố rồng, mẹ tiên ăn ở với nhau, sinh ra bọc có trăm trứng, nở thành 100 con trai. Sau đó, 50 người con theo cha xuống biển, 50 theo mẹ lên núi và trở thành tổ tiên người Việt. Người con trưởng ở đất Phong Châu (Vĩnh Phú) được tôn làm vua. Hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang. Do đó người Việt vẫn tự coi mình là “con Rồng cháu Tiên”. (Từ điển Văn Hóa Cổ Truyền Việt Nam, sđd, trang 363-364)
Câu chuyện trên chỉ là truyền thuyết, nghĩa là nó không có nền tảng chắc chắn. Các tôn giáo đều đồng ý một điều: mọi sự trên thế gian đều do Ông Trời, Thượng Đế, hay Đấng Tối Cao dựng nên. Chương đầu tiên của Sách Sáng Thế Ký trình bày Thiên Chúa Gia-vê đã sáng tạo ra vũ trụ, trời đất, núi đồi, sông biển, mặt trời, mặt trăng, tinh tú, các loại thảo mộc, mọi sinh vật dưới biển, trên đất, và loài người trong 6 ngày.

RỒNG TRONG VĂN CHƯƠNG BÌNH DÂN
Vì là con vật không hiện thực, kho tàng văn chương bình dân chúng ta chỉ ghi chép được một số câu về rồng như dưới đây:
“Rồng bay phượng múa” là người có nét chữ viết “lả lướt”, bay lượn, uốn khúc.


“Ăn như rồng cuốn” là ăn nhiều, thực nhiều, trái với “ăn như mèo” là ăn ít. Ngày nay các cô gái Việt ở Mỹ không dám “ăn như rồng cuốn”, vì phải giữ eo thon, để dự thi hoa hậu áo dài Long Beach!
“Nói như rồng leo, làm như mèo mửa” là nói huyên thuyên, thao thao bất tuyệt, đủ chuyện trên trời dưới đất, nhưng lại biếng nhác, làm việc thì “như mèo mửa!”
“Rồng đến nhà tôm” là thành ngữ ám chỉ một kẻ nghèo hèn, khi vinh dự được vị thượng khách thương tình chiếu cố đến tận nhà thăm viếng mình.
“Rồng đen lấy nước thì nắng, rồng trắng lấy nước thì mưa”: Tục ngữ diễn tả kinh nghiệm của các nhà nông về những ngày nắng mưa.
“Rồng vàng tắm nước ao tù, người khôn ở với người ngu bực mình”: Rồng vàng là rồng quý, không bao giờ đi tắm nước đục ở ao tù, cũng vậy người khôn ngoan mà phải chung sống với kẻ ngu đần thì thật là “bực mình”.
“Rồng nằm bể cạn phơi râu, mấy lời anh nói giấu đầu hở đuôi”: Con rồng thân hình to lớn nằm nghỉ ngơi thoải mái an lạc, tức “phơi râu” dưới nắng hè, ai cũng trông thấy; tương tự như thế, những lời anh nói dối, thiếu thành thực với em, giấu giếm khúc đầu lại lòi ra cái đuôi. Đây là lời khuyên chúng ta hãy sống chân thực như Đức Giêsu từng dạy: “Có nói có, không nói không, kỳ dư là tự ác tà mà ra.” (Mt 5:37)
Tôi được hạnh phúc chào đời ở thôn làng Dục Đức, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, nhưng sau ngày di cư vào Nam lúc còn quá nhỏ, nay tôi không còn nhớ gì về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình, ngoại trừ hình ảnh còn lại mờ mờ trong trí về những cuộc chơi “rồng rắn lên mây” với các bạn trai gái trong xóm, vô cùng hào hứng và vui nhộn.
Một em làm thầy thuốc, số còn lại bám đuôi áo nhau làm thành một hàng dài. Em đi đầu dẫn cả đoàn, vừa đi vừa hát: “Rồng rắn lên mây, có cây núc nác, có nhà hiển vinh. Thầy thuốc có nhà hay không"” Thường thầy thuốc không có nhà để rồng rắn đi lượn quanh sân hai ba lượt. Cuối cùng thầy thuốc có nhà. Thầy thuốc hỏi: “Rồng rắn đi đâu"” Em cầm đầu đáp: “Rồng rắn đi lấy thuốc cho con”. Thầy thuốc hỏi: “Con lên mấy"” Rồng rắn đáp: “Con lên một”. Thầy thuốc nói: “Thuốc chẳng ngon”. (Cuộc đối đáp tiếp diễn cho đến khi rồng rắn trả lời”con lên mười”). Khi ấy thầy thuốc kết luận: “Thuốc ngon vậy”. Đoạn thầy thuốc lên tiếng: “Xin khúc đầu”. Rồng rắn cho biết: “Những xương cùng sẩu” - “Xin khúc giữa” - “Những máu cùng me” - “Xin khúc đuôi” - “Tha hồ thầy đuổi”. Thế là em cầm đầu rồng rắn giang thẳng hai tay để chắn, thầy thuốc cố gắng chạy qua để tóm được em đứng sau rốt. Đoàn rồng rắn càng dài thì cuộc đuổi bắt càng náo nhiệt. Khi bắt được, em đó phải thay thầy thuốc và cuộc chơi lặp lại từ đầu.

RỒNG TRONG THÁNH KINH
Thánh Kinh cho biết rồng là con vật tượng trưng cho ma quỉ. Từ “dragon” (rồng), như đã được sử dụng trong một số bản dịch Thánh Kinh Anh ngữ, thường lẫn lộn. Từ này có thể được hiểu là con đà điểu, trong Sách Ai Ca (4:3):
Sói cái còn vạch vú cho đàn con bú,
đàn bà con gái dân tôi hung ác, như đà điểu sa mạc.
hay con rắn, hay thuồng luồng trong Thánh Vịnh (91:13):
Ngươi sẽ dẵm lên hùm beo, rắn độc,
ngươi sẽ chà đạp sư tử, thuồng luồng.
hoặc ngay cả con cá sấu, loài thủy quái tiêu biểu cho mãnh lực hỗn mang chống lại Tạo Hóa, trong Sách Ngôn Sứ Ezekiel (29:3-4):
Này Ta chống lại ngươi, hỡi Pharaô, vua Ai Cập,
hỡi cá sấu vĩ đại, nằm giữa các kênh Nil của nó...
Cá sấu hay thuồng luồng có nhiều trong sông Nil và được áp dụng cho Pharaô, vua Ai Cập.
Sách Khải Huyền của Gioan, tác phẩm cuối cùng trong bộ Thánh Kinh mô tả con rồng thật khủng khiếp, trong các đoạn 12:3-17; 16:13; 20:2. Dưới đây là 2 câu tiêu biểu:
Kìa, con rồng lớn màu hung lửa, có bảy đầu, và mười sừng, và trên bảy đầu, bảy vương miện. Và đuôi nó quét sạch một phần ba tinh tú trên trời mà xô chúng xuống đất. Và con rồng đứng chực trước mặt Người Nữ sắp sinh con, để Bà vừa sinh, là nó nuốt con Bà. (12:3-4)
“Người Nữ” ở đây là đại diện cho cả Dân thánh thời cánh chung, bị bắt bớ, nhưng thoát quyền Satan, tức rồng, thường được cắt nghĩa về Đức Mẹ Maria. “Con rồng lớn” là kiểu nói để chỉ Satan và ám chỉ đến con rắn Địa đàng. Người con sắp được sinh ra là Đức Mêsia, thủ lĩnh của dân Chúa. Cuộc toàn thắng cùng tận được nói đến lập tức sau khi sinh. Theo truyền thống Do thái, con rắn hay con rồng biểu tượng cho quyền lực của ác thần, thù địch với Thiên Chúa và dân riêng Người. Nó đã bị Thiên Chúa đánh bại.
Trong lịch sử Hội Thánh Kitô giáo muộn thời, rồng tượng trưng cho tội lỗi. Mỹ thuật Kitô giáo thường họa một con rồng ở dưới chân Đức Giêsu để chỉ sự toàn thắng của Ngài trên tội lỗi loài người chúng ta.

*
Dù truyện “con Rồng cháu Tiên” chỉ là truyền thuyết, người Việt vẫn có thể coi mình là như thế. Năm Canh Thìn nhắc nhở chúng ta hãy sống xứng đáng là “con Rồng cháu Tiên”. Bạn hãy có lòng nhân ái, bao dung đối với nhau, để mọi người được hạnh phúc, ấm no. Hãy tháo cởi thù hận trong trái tim mình, để bạn được thực sự là người tự do. Hãy xây dựng một Quê Hương hòa bình, tươi đẹp, trong Năm Mới đang mở ra cho các con của Mẹ, như một hồng ân bao la của Thượng Đế Tình Thương.

(Tu Viện Majella, Baldwin Park, CA, Jan. 12, 2000)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.