Hôm nay,  

Bài Diễn Văn Clinton Ở Hà Nội (phần I)

20/11/200000:00:00(Xem: 4639)
Dưới đây là lược dịch bài nói chuyện của Tổng thống Clinton tại Đại học Hà Nội. Do Jennifer Tran chuyển ngữ.

Tổng thống: Cám ơn các bạn rất nhiều, và chào các bạn. Với tôi, không nơi chốn nào thích hợp hơn, để bắt đầu cuộc viếng thăm của mình, vào thời điểm hy vọng của lịch sử chung cho cả hai nước, bằng ở đây, Đại Học Quốc Gia Hà Nội. Tôi sẽ nói một câu bằng tiếng Việt; nếu tôi nói trật, các bạn tha hồ chọc quê nhé. Xin chao cac ban (Vỗ tay)

Biết bao là hứa hẹn, về một đất nước trẻ trung, ở nơi các bạn. Tôi được biết, các bạn có trao đổi với gần 100 đại học, từ Canada tới Korea - và hiện nay, các bạn là vị chủ nhà, cho trên chục sinh viên toàn thời gian, từ Đại học California.

Tôi kính chào những nỗ lực nhập vào với thế giới của các bạn. Lẽ dĩ nhiên, như sinh viên ở mọi nơi, ngoài chuyện học ra, các bạn còn để ý đến những chuyện khác nữa. Thí dụ, tháng Chín vừa qua, các bạn tuy lo học nhưng chẳng thể không theo dõi những thành tựu của Tran Hieu Ngan, tại Olympic Sydney. Và tuần lễ này, học là một chuyện, chia vui với Le Huynh Duc và Nguyen Hong Son tại cầu trường Bangkok lại là một chuyện khác nữa chứ. (Vỗ tay).

Tôi thật lấy làm vinh dự, là vị Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên tới Hà Nội, và thăm Đại học. Nhưng tôi cũng ý thức được một điều, rằng lịch sử hai quốc gia chúng ta đã có những xoắn xuýt thật đậm đà, theo nghĩa: đau cùng đau, từ bao thế hệ đã qua, [từ đó mở ra] cùng một nguồn hứa hẹn, cho bao thế hệ sắp tới.

Hai thế kỷ trước đây, vào những ngày non trẻ của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, cha ông chúng tôi đã với tay quá biển rộng trời xa, tìm bạn hàng; và một trong những quốc gia đầu tiên chúng tôi lân la làm quen, là Việt Nam. Sự thực là, một trong những cha ông lập nước của chúng tôi, Thomas Jefferson, đã cố kiếm thóc giống của Việt Nam, để trồng ở trang trại của ông, tại Virginia, cách đây 200 năm. Tới thời kỳ Đệ Nhị Chiến, Hoa Kỳ là một khách hàng tiêu thụ đáng kể của ngành xuất cảng Việt Nam. Vào năm 1945, nền độc lập bắt đầu, Tuyên Ngôn Độc Lập của đất nước bạn dội lên âm hưởng những lời nói của Thomas Jefferson: "Mọi người đều bình đẳng. Nhân quyền Thượng Đế ban cho chúng ta, là không thể xâm phạm: quyền được sống, quyền được hưởng tự do, quyền được hưởng hạnh phúc".

Lẽ dĩ nhiên, trong 200 năm lịch sử có qua có lại đó, nó đã bị u tối ở mấy thập niên chót, bởi cuộc xung đột mà chúng tôi gọi là Cuộc Chiến Việt Nam, và các bạn gọi là Cuộc Chiến Hoa Kỳ. Các bạn chắc cũng biết, tại thủ đô Washington D.C. nơi National Mall, có bức tường tang tóc, khắc tên từng người Mỹ đã mất tại Việt Nam. Một vài cựu quân nhân Hoa Kỳ đã nhắc tới, mặt tang tóc khác, ở "phía bên kia của bức tường" : sự hy sinh của dân tộc Việt Nam ở cả hai bên cuộc xung đột - hơn ba triệu binh sĩ can trường và thường dân.

Nỗi đau thương cùng gánh chịu đó đã đem đến cho xứ sở của chúng ta một liên hệ không dễ gì có được. Bởi vì cuộc xung đột đó mà Hoa Kỳ hiện nay trở thành mái ấm gia đình cho một triệu người Mỹ có gốc gác, tổ tiên là người Việt. Bởi vì cuộc xung đột mà ba triệu cựu quân nhân Hoa Kỳ trước đây phục vụ tại Việt Nam, cũng như rất nhiều ký giả, nhân viên tòa đại sứ, thiện nguyện viên, và bao người khác, tất cả nguyện một lòng một dạ gắn bó với xứ sở của các bạn.
Cách đây 20 năm, một nhóm quân nhân Hoa Kỳ đã bước bước chân đầu tiên, khi tái lập mối tương thân giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Họ du lịch trở lại Việt Nam, lần thứ nhất, kể từ khi chiến tranh, và trong khi dạo phố phái Hà Nội, người dân thanh lịch của thủ đô 36 phố phường đã hỏi họ: Phải chăng các bạn là lính Mỹ" Làm sao biết là thương hay còn giận, họ thành thực trả lời: ờ, ờ, chúng tôi là lính Mỹ. Và họ thở phào khi nghe lời chúc: chào mừng tới Việt Nam.

Nhiều cựu quân nhân tiếp theo nhau tới Việt Nam, trong đó có cả những người nổi tiếng, những người được coi là anh hùng của nước Mỹ, hiện nay phục vụ tại Quốc Hội Hoa Kỳ như Thượng Nghị Sĩ John McCain, TNS Bob Kerrey, TNS Chuck Robb, và TNS John Kerry thuộc tiểu bang Massachusetts, bữa nay có đi cùng với tôi, cùng với nhiều vị đại biểu khác từ Quốc Hội của chúng tôi, một vài người trong số họ là cựu quân nhân, trong cuộc xung đột Việt Nam.

Khi tới đây, họ đều nghĩ như nhau: để vinh danh những người đã chiến đấu, chứ không phải để tái đấu; để cùng ôn lại lịch sử của chúng ta, chứ không phải để dựng tượng đài đồng trụ [cho cuộc chiến]; để đem lại cho tuổi trẻ Việt Nam cũng như tuổi trẻ Hoa Kỳ có được cơ may cùng sống ngày mai, chứ không phải ngày hôm qua, của đất nước các bạn. Như Đại Sứ Pete Peterson nói, một cách đầy thuyết phục: "Chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Điều chúng ta có thể thay đổi, là tương lai".

Liên hệ mới mẻ của chúng ta càng mạnh mẽ thêm khi những cựu quân nhân Hoa Kỳ mở ra những cơ quan vô vụ lợi nhằm phục vụ nhân dân Việt Nam, như cung cấp những thiết bị cho những người bị thương tật do chiến tranh, để giúp họ trở lại với cuộc sống bình thường. Thiện chí của Việt Nam nhằm giúp đỡ chúng tôi đưa tro cốt những quân nhân Hoa Kỳ đã ngã xuống về với gia đình của họ càng thắt chặt thân tình. Rất nhiều người Hoa Kỳ, từ nhiều năm nay, đã bỏ hết tâm can sức lực vào công việc này, trong có cả vị Bộ trưởng Cựu Chiến Binh của chúng tôi, là Hershel Gober.

Mong ước được ấp ủ những gì còn lại, của một người thân trong gia đình đã mất đi, là một điều bất cứ ai trong chúng ta cũng đều hiểu. Mỗi chủ nhật, ở Việt Nam, một trong những chương trình được nhiều người theo dõi nhất, là về cảnh tượng những gia đình cầu mong sự giúp đỡ của khán thính giả trong việc tìm kiếm những người thân yêu đã mất trong cuộc chiến: làm sao người Mỹ chúng tôi lại không xúc động, khi biết được điều này" Và chúng tôi thật biết ơn những người dân quê Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi tìm kiếm những người thân yêu trong gia đình đã mất tích trong khi thi hành công vụ, nhờ vậy mà chúng tôi có lại được sự bình an trong tâm hồn, vì biết được, chuyện gì sau cùng đã xẩy ra cho họ.

Chưa hề có hai quốc gia nào, như hai nước chúng ta, nếu nói về những gì mà chúng ta đã cùng nhau làm được, trong nỗ lực tìm kiếm những người mất tích trong khi thi hành công vụ trong cuộc xung đột Việt Nam. Những đoàn nhân viên Hoa Kỳ và Việt Nam cùng nhau làm việc, đôi khi ở những nơi chốn khó khăn, nguy hiểm. Nhà cầm quyền Việt Nam cũng cho phép chúng tôi được coi những hồ sơ, hoặc có được những thông tin của nhà nước, nhằm tạo sự dễ dàng cho việc tìm kiếm. Và, để đáp lại, chúng tôi đã trao cho phía Việt Nam 400 ngàn trang tài liệu liên quan tới công cuộc tìm kiếm của quí vị. Trong chuyến đi này, tôi đã mang theo thêm 350 ngàn trang tài liệu nữa, và tôi hy vọng những tài liệu như vậy sẽ giúp những gia đình Việt Nam hiểu được chuyện gì xẩy ra cho những người thân yêu hiện còn được coi như là mất tích, của họ.
Hôm nay, tôi vinh dự được trao những tài liệu này cho vị Chủ Tịch nước của các bạn, Trần Đức Lương. Và tôi có nói với ông, trước khi hết năm nay, Hoa Kỳ sẽ cung cấp một triệu trang tài liệu khác nữa. Chúng tôi sẽ tiếp tục dâng hiến sự giúp đỡ của chúng tôi, và yêu cầu sự giúp đỡ của các bạn, và như vậy, cả hai đất nước cùng cảm thấy vinh dự, trong quyết tâm làm bất cứ điều gì mà chúng ta có thể làm, như hiện đang làm, nhằm hoàn tất tối đa công cuộc tìm kiếm những người thân yêu đã của chúng ta.

Sau hết, Hoa Kỳ đang tới đây, như dân chúng của các bạn đã yêu cầu trong nhiều năm, để gặp gỡ Việt Nam, như là một xứ sở, chứ không phải như là một cuộc chiến. Một xứ sở với mức độ cao nhất, nếu nói về con số những người biết đọc biết viết, ở vùng Đông Nam Á; một xứ sở có những con em trẻ trung đã đem về cho đất nước ba Huy Chương Vàng tại Kỳ Thi Toán Quốc Tế ở Seoul; một xứ sở với những doanh gia, chủ hãng cần cù, tài năng, vươn lên khỏi những năm tháng của cuộc xung đột và của bấp bênh, ngại ngần, để tạo vóc dáng cho một tương lai sáng ngời.

(còn tiếp một kỳ)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.