Hôm nay,  

Hai Nước Mỹ

22/10/200400:00:00(Xem: 5769)
Chỉ trong vòng ba năm sau ngày Tổng thống G W Bush vào Toà Bạch ốc, nước Mỹ biến thành một bãi chiến trường sôi động giữa công dân một nước, anh em một nhà. Bản đồ bầu cử Hoa kỳ năm nay tô đỏ (Cọng hoà) và xanh (Dân chủ) một cách tương phản. Hai đảng choảng nhau dữ dội trên báo chí, truyền hình và lôi cuốn quần chúng vào những cuộc biểu tình, đấu khẩu gay gắt chưa từng thấy. Cá nhân và chính sách của Bush khuấy động công luận đến cực độ, trong và ngoài xứ. Cọng hoà ngưỡng mộ Bush như một thần tượng, hơn cả Reagan và Nixon. Phe Dân chủ, ngược lại, xem ông như một đại họa phải triệt tiêu bằng mọi giá. Nhiều văn nghệ sĩ, tài tử điện ảnh, đại diện nghiệp đoàn và trí thức, gồm có cả tỉ phú George Soros, thành lập nhóm Bush haters thề "ăn thua đủ" với vị Tổng thống mãn nhiệm. Khối cử tri lừng khừng kỳ này sụt rất thấp, mọi người đều nhận thức cần góp ý về những vấn đề trọng đại quốc gia. Một cuộc kiểm kê cho biết có lối 72% tổng số cử tri sẽ bỏ phiếu năm nay.
Bush và Kerry tranh luận công khai ba lần. 62 triệu khán giả Mỹ theo dõi sít sao. Hai ứng cử viên khác biệt sâu đậm về phong thái, chương trình đến bản tính cá nhân. Theo dư luận, Kerry thắng điểm, tuy không nhiều, nhờ khả năng ăn nói. Trên thực tế, thắng tranh luận không bảo đảm sẽ thắng cử.
Năm nay, giữa hai đảng đối lập, lằn ranh gẫy vỡ về văn hoá, ý thức hệ, tôn giáo ..v..v..rõ nét hơn năm 2000 rất nhiều. Hoa kỳ là một quốc gia đa chủng, không đồng nhất, dẫy đầy mâu thuẫn nội bộ. Vừa rồi, nhận thức được điều trầm trọng ấy, Tom Brokaw của đài NBC mỉa mai đề nghị thay thế khẩu hiệu trong Hiến pháp "United We Stand, Đoàn kết, chúng ta vươn lên" bằng khẩu hiệu thực tiển hơn "Divided We Stand, Chia rẽ, chúng ta vươn lên". Một cái hố sâu rộng đang phân đôi chính trường và xã hội Hoa kỳ, gây ấn tượng có hai nước Mỹ hiện sống bên cạnh nhau nhưng không tìm cách thông cảm: Hai nước Mỹ xanh và đỏ, kinh tế và nông thôn, tôn giáo và thế nhân, chiến tranh và mở rộng về bên ngoài.
1- Bush, Kerry: hai địch thủ, hai thế giới.
Ám ảnh bởi sự thảm bại của thân phụ năm 1992, George W Bush xem kỳ bầu cử này như một "thử thách trong cuộc đời" của ông. Bush từng nói với một số ủng hộ viên: "Tôi sẽ dùng chân để chận cổ Kerry cho đến ngày 2 tháng 11!" Kerry chê đối thủ "lười biếng về trí tuệ và trơ tráo". Trong ba lần tranh luận trên truyền hình, hai bên không dấu sự bực mình và khinh bỉ lẫn nhau. Họ đấu khẩu cay cú về chiến tranh chống khủng bố, đường lối đối ngoại, vần đề thuế vụ, phá thai, an sinh xã hội, nghiên cứu khoa học ..v..v.. Quan điểm của hai phiá đối chọi mạnh mẽ, bên nào cũng cho địch thủ không nắm vững vấn đề, không hiểu đang nói gì. Bush tố Kerry đổi lập trường như thay áo, quá cấp tiến (ngụ ý: thiên tả), 98 lần bỏ thăm tăng thuế tại Thượng viện và không đi sát những trào lưu hiện đại trong xã hội Hoa kỳ. Kerry chỉ trích Bush mù quáng, cứng đầu, hách dịch, nói láo, gây thâm thủng kỷ lục ngân sách quốc gia và bị các nhóm quyền lợi riêng tư tài phiệt và tôn giáo giựt dây.
Bush và Kerry làm sống dậy sự phân cách tả, hữu tại nước Mỹ. Họ áp dụng những chiến thuật khác biệt. Cọng hoà tranh đấu thu hút phiếu của khối 4 triệu tín đồ Thiên chúa giáo bảo thủ chống chủ trương phá thai của Kerry. Nhóm người này không đầu phiếu năm 2000. Dân chủ trấn an cử tri rằng đảng có một đường lối trung hoà.
Dân chủ và Cọng hoà không bỏ lỡ cơ hội để bôi bẩn lẫn nhau. Trong khi nhà đạo diễn Michael Moore cho chiếu phim Farenheit 9/11 để mạ lỵ gia đình Bush thì nhóm Sinclair, thân Bush, cho phổ biến trên 62 hệ thống TV cuồn phim Stolen honor để vạch trần chiến công dỏm của trung úy phản chiến Kerry tại Việt Nam. Vợ chồng Phó Tổng thống Dick Cheney đã phẫn nộ tố cáo Kerry bêu xấu "một cách hèn hạ, rẻ tiền" trưởng nữ của họ đồng tính luyến ái.
2- Sáu vấn đề chia rẽ dư luận Hoa kỳ.
Một nguồn dư luận cho rằng cuộc bầu cử ngày 2 tháng 11 tùy thuộc ba con số: số quân nhân Mỹ chết ở Irak, tỷ lệ thất nghiệp và giá biểu xăng trong xứ. Trên thực tế, 150 triệu cử tri Hoa kỳ sẽ bỏ phiếu căn cứ vào nhiều vấn đề phức tạp: chính trị, kinh tế, giáo dục và truyền thông trong 50 tiểu bang. Sau đây là ít nữa sáu lãnh vực chính được cử tri đoàn mổ xẻ:
A- Cá tính của ứng cử viên.
Bush và Kerry đều xuất thân từ một môi trường, cả hai tốt nghiệp đại học Yale và từng hoạt động trong những câu lạc bộ sinh viên giống nhau. Nhưng họ khác biệt về phong cách và tư tưởng. Bush, 58 tuổi, ra đời ở Connecticut; Kerry, 60 tuổi, ở Colorado. Bush lớn lên tại Texas, thâm nhiễm những nét văn hoá mộc mạc của xứ cao-bồi và có tinh thần tự lập. Kerry lại chọn nếp sống trưởng giả, quý phái của giới thượng lưu "establishment" ở miền Tây Hoa kỳ sau khi thành tài và thành danh. Trong lúc vận động bầu cử, Bush đã khai thác điểm này. 40% cử tri Mỹ dựa vào cá tính của ứng cử viên - thay vì hồ sơ - để "chọn mặt gởi vàng". Mặc dù thế, theo cuộc thăm dò dư luận, có ít nữa một phần tư tổng số cử tri Mỹ tuyên bố chống Bush đến cùng.
Hai tuần trước ngày bầu cử 2 tháng 11, Bush và Kerry suýt soát điểm với nhau, theo cuộc thăm dò dư luận..
B- Chiến tranh Irak.
Phúc trình của nhóm thanh tra giải giới xác nhận không tìm ra võ khí giết người từng loạt. Ủy ban điều tra vụ tấn công 11.9.2001 cho biết Al Qaida không liên hệ với Saddam Hussein. Tiếp theo xì-can-đan lính Mỹ tra tấn tù binh Irak tại khám đường Abou Ghraib, Paul Bremer, nguyên Đặc sứ toàn quyền tại Baghdad tiết lộ Mỹ không có đủ lực lượng chiếm đóng Irak. Tình hình Irak trở nên khó khăn với dân địa phương nổi lọan, khủng bố gia tăng bắt cóc và chặt đầu các con tin dân sự và số quân nhân Mỹ tử nạn vượt trên 1.000.
Trước những sự kiện bất lợi trên đây, 48% dân chúng Hoa kỳ vẫn nghĩ rằng quyết định tấn công Irak vào tháng 3.2003 giúp cho an ninh xứ Mỹ vì thà đánh khủng bố ở ngoài xứ còn hơn trên lãnh thổ chúng ta. Chiến thuật của Bush là chuẩn bị rút quân trong thời hạn vừa phải bằng cách trả chủ quyền cho Irak trước cuối tháng 6.2004 và giúp huấn luyện quân đội và lực lương cảnh sát cho xứ này trước tổng tuyển cử vào tháng giêng sang năm. Đề nghị vừa nói trấn an cử tri Mỹ. Trong khi đó, Kerry không thuyết phục được nhiều người với chủ trương (khá mơ hồ) chia xẻ với quốc tế gánh nặng chiếm đóng và tái thiết Irak. Lịch sử chứng minh: tại Hoa kỳ, sáu Tổng thống đều được tái nhiệm khi bầu cử tiến hành giữa chiến tranh (James Madison năm 1812, Richard Nixon năm 1972): Không ai thay ngựa giữa giòng.
C- Chống khủng bố.

Bush và Kerry hứa cả hai chống khủng bố toàn diện, bằng mọi phương tiện. Điểm khác biệt hệ trọng là Bush chủ trương tấn công đến cùng các thủ phạm Oussama Ben Laden, Abou Mousab al-Zarkaoui và đồng lõa. Đến nay, 75% lãnh tụ al-Qaida bị sa lưới. Bush và Cheney chế diễu giải pháp yếu ớt của Kerry gồm có các điểm: chỉnh đốn lại khả năng tình báo, tái huấn luyện và tái phối trí quân đội chiếm đóng Irak, tận dụng các lực lượng đặc biệt, cọng tác với các đồng minh, dựng lại thanh danh và uy tín của Hoa kỳ.. Kerry không ngớt đả kích: chiến tranh Irak là một vụ "dương Đông, kích Tây" trong khi kẻ thù thật sự của Hoa kỳ là tổ chức khủng bố.
Đến nay, theo ABC /Washington Post, 55% cử tri tin Hoa kỳ sẽ thắng khủng bố.
D- Bang giao quốc tế.
Kerry thuyết giảng - đôi khi như giữa sa mạc - rằng siêu cường Hoa kỳ sẽ mạnh hơn nếu nối lại với khối đồng minh trước đây. Trong cuộc tranh luận đầu tiên tại Florida, Kerry lỡ đưa đề nghị Mỹ nên đi qua một cuộc "trắc nghiệm toàn cầu, global test" trước khi tấn công một quốc gia thù địch. Bush chụp ngay cơ hội để từ đó, tố Kerry vọng ngoại, muốn đặt chính sách đối ngoại Mỹ dưới sự kiểm soát của quyền phủ quyết ngoại bang. Chủ thuyết đa phương chống chủ thuyết đơn phương. Sự độc lập ngọai giao của Hoa kỳ xưa nay vẫn là chủ đề kích thích cơ cấu đảng Cọng hòa. Về phiá Dân chủ, nhu cầu đánh bóng lại hình ảnh xấu quốc tế của nước Mỹ được hàng ngũ đảng viên cổ võ.
E- Vấn đề kinh tế.
George W Bush là Tổng thống Mỹ đầu tiên, từ 72 năm nay, chấm dứt nhiệm kỳ với 585.000 jobs tiêu ra mây khói. Mặc dù cuối 2001 tình trạng suy thoái tài chính có mòi được giải quyết, mức tăng trưởng lên hơn 4% và có thêm 1,9 triệu việc làm, 56% tổng số dân Hoa kỳ vẫn ở trong tình trạng lận đận. Giới tiêu thụ hiện phải trả trên 2 đô một gallon xăng, bảo hiểm sức khoẻ mắc hơn 63% trong vòng bốn năm, 44 triệu người hiện không đủ sức trả tiền thang thuốc khi ốm đau. Sự giảm thuế (1900 tỷ mỹ kim) thêm vào chi phí chiến tranh Irak (120 tỷ) gây thâm thủng kỷ lục 415 tỷ đô-la cho ngân sách quốc gia năm nay. Cuối trào Clinton, ngân sách thặng dư 236 tỷ. Ngay cả về phiá Cọng hoà, tình trạng thiếu kỷ luật tài chính này gây lo ngại. Kerry hưá hủy việc giảm 10% trên những lợi tức cao và hạ xuống còn 200 mỹ kim một năm. Bush, trái lại, muốn giữ nguyên hệ thống một cách vĩnh viễn..
F- Sự tranh luận về những giá trị.
Khi bị chất vần, Bush trả lời "thật sự không biết" con người chọn lựa hay không trở nên đồng tính luyến ái. Bush tuyên bố: vì "tin nơi sự thánh thiện của hôn nhân", ông đã đề nghị tu chính Hiến pháp Liên bang để cấm đoán những vụ kết hôn đồng tính. 'Tôi đã làm như vậy vì tôi lo ngại khi thấy các thẩm phán đấu tranh, activists, định nghĩa lại hôn nhân."
Trong cuộc tranh luận lần chót tại Tempe, Arizona, Bush và Kerry cãi nhau về những giá trị đạo lý. Kerry nóí lên sự lo ngại những quyền dân sự, civic rights, bị vi phạm nếu Tổng thống lợi dụng quyền hạn để bổ vào Tối cao Pháp viện những thẩm phán quá thủ cựu.
Một đề tài nóng hổi khác là phá thai, bị các tín đồ Thiên chúa giáo đả phá mãnh liệt. Bush (theo đạo Tin lành) tuyên bố chống nhưng không hăm sẽ cấm đoán nếu cha mẹ được thông báo trước, parental notification. Kerry, một tín đồ Công giáo, phản bác: "Không thể đòi một bé gái 15 tuổi bị cha hiếp dâm xuất trình giấy phép của cha mẹ." Vì ở trong thế kẹt nên Kerry chủ trương cho phép những vụ kết hôn dân sự, civil unions, thay vì hôn nhân đồng tính. Về phá thai, Kerry tuyên bố: vấn đề này phải là chuyện riêng "giữa Chúa, phụ nữ và các bác sĩ của họ."
3- Sức mạnh và lo sợ.
Sa lầy tại Irak và xích mích với Liên Hiệp Quốc, Hoa kỳ bị chia rẽ trầm trọng trước ngày bầu cử 2 tháng 11. Từ giai cấp chính trị cho đến thường dân, xứ này bung ngực, gồng mình để khống chế các nỗi lo âu và áp đảo nhiều ngờ vực. Những cuộc biểu tình phản chiến với trên 250.000 người tham dự ở Nữu Ước cuối tháng 8 và số tử vong không ngớt gia tăng xung quanh Bagdad không làm Tổng thống Bush dịu giọng trong bài diễn văn ngày 21 tháng 9 vừa qua tại Liên Hiệp Quốc. Ông gan lì xác nhận cuộc chiến tranh lạnh chống khủng bố sẽ thành công dân chủ hóa Irak. Bush tin các cử tri lưỡng lự sẽ cuối cùng ngả theo ông vì kế họach của Kerry - nặng về ngoại giao - quá mơ hồ. Lời phát biểu của Clinton: "Trong thời buổi khủng hoảng nguy hiểm, dân Mỹ thà chọn một lãnh tụ mạnh phạm lỗi lầm hơn là một người yếu có lý" đã vô hình chung tuyên truyền gián tiếp cho Bush.
Những khuyến cáo liên tiếp của các Bộ An ninh (Tom Ridge), Tư pháp (Ashcroft) và Quốc phòng (Donald Rumsfeld) về nguy cơ khủng bố có thể xảy ra bất cứ lúc nào tạo ra - vô tình hay cố ý" -một bầu không khí căng thẳng thường xuyên trong quần chúng. Phó Tổng thống Dick Cheney, mặt khác, lên tiếng báo động: những tai hoạ khác như vụ 9/11 sẽ không tránh khỏi nếu Kerry đắc cử và phe "chủ bại" nắm quyền. Giới truyền thông (báo chí, truyền hình) - chuyên tung tin giật gân - đóng một vai trò không nhỏ trong việc hâm nóng khủng hoảng, thật sự hay giả tạo. Đây là dịp tốt cho Karl Rove, cố vấn của Bush, tuyên truyền: "Dân Mỹ biết rằng đảng Cọng hoà sát cánh với Quân đội hơn.. ..Chúng tôi là những người đáng tin cậy nhất để bảo vệ họ."
Phe Dân chủ tố ê-kíp Bush áp dụng chiến thuật thổi phồng nguy cơ, gây hoảng hốt, scare- tactics, để hù doạ và lung lạc cử tri. Mặt khác, theo Kerry, đảng Cọng hoà còn vịn vào lý do an ninh để vi phạm trắng trợn dân quyền.
Hơn lúc nào hết, một Hoa kỳ tô đỏ, theo khuynh hướng bảo thủ, gồm có các tiểu bang phần đông nằm trong nội địa, đối đầu gay gắt với một Hoa kỳ nhuộm xanh, theo đảng Dân chủ, dọc theo bờ đại dương.
*
Ngày 2 tháng 11, dân chúng sẽ phán quyết tối thượng. Vox populi, vox Dei. Câu hỏi đặt ra là vị lãnh tụ được chọn sẽ làm gì để sớm hàn gắn lại những rạn nứt trong dân tâm, để tái lập an bình trên thế giới " Hoa kỳ không phải chỉ là một vùng đất trải rộng từ Thái bình dương cho đến Đại Tây dương. Hoa kỳ còn là một lý tưởng được nêu cao trong Hiến pháp gồm có những qui tắc thảo ra cách đây trên 200 năm bởi những người sống chết cho Tự do, Dân chủ.
Hoa kỳ là một quốc gia lạc quan. Mọi giấc mơ đều có thể thành tựu trên xứ sở của hy vọng này. Hoa kỳ săn đón cơ hội, không tìm kiếm hiểm nguy nhưng khi không thể tránh được, Hoa kỳ có đủ sáng suốt, ý chí và phương cách để thắng mọi thử thách. Mối đe dọa chung đối với sự tồn vong của đất nước sẽ là yếu tố hữu hiệu nhất để đoàn kết quốc gia.
LÂM LỄ TRINH
Thuỷ Hoa Trang
Ngày 18.10.2004

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.