Hôm nay,  

Tên Của Cuộc Chiến

04/12/200000:00:00(Xem: 4629)
Khi mới tới Sài-gòn, nhân vật đầu tiên chào mừng (welcome) cậu-bé-di-cư-tôi ngày nào, là khách sạn Majestic.

Khách coi bộ quá hăm hở: mấy ngàn con người lôi thôi, lếch thếch, chỉ vì ách nước vận trời mà hân hạnh được tầu Mỹ chở tới đây. Chưa từng thấy biển, bị "trấn" ngay cho một chuyến đi suốt chiều dài đất nước. Chưa từng nhìn thấy thành phố, đụng liền Hòn Ngọc Viễn Đông. Tuy đã từng ghé Cảng Hải Phòng, những ngày chờ đợi làm thủ tục, đã "kinh qua" Vịnh Hạ Long, trên những con tầu há mồm, trước khi ra Đệ Thất Hạm Đội ở ngoài khơi; nhưng lòng dạ nào mà ngắm trời, ngắm đất. Thiên nhiên hình như hết còn là của họ, như cọng rơm cọng cỏ, con gà con chó, xó nhà miếng vườn, đành đứt ruột bỏ lại. Ấy là chưa kể, người lớn trẻ con ói lên ói xuống vì say sóng.

Chen chúc, luồn lách, cậu men tới mép tầu. Majestic thấp hơn cậu một chút. Con tầu như hiểu ý, chiều theo, nghiêng hẳn sang một bên, cậu có thể thò tay với tới.

Lần thực sự viếng thăm, chỉ ít lâu sau, là để đập phá khách sạn.

Thời gian học đệ ngũ, trường Văn Lang, của thầy Nguyễn Khắc Kham. Vẫn "chất" Bắc không thể bỏ: chọn thầy trước khi chọn trường, chọn lớp. Tiếng là trường, thực sự chỉ là một căn hộ ở con hẻm đường Ngô Tùng Châu, gần Ngã Sáu Sài-gòn. Tiếng là di cư, nhưng chính ở đây, cậu bé có người bạn Nam-kỳ đầu tiên: Trí. Huỳnh Minh Trí. Cũng lần đầu, cậu nghe người bạn mới phát âm "tìn thươn". Con nhà giầu miệt tỉnh, mấy anh chị em kéo nhau lên Sài-gòn mua nhà thay vì trọ học. Và phải là một trường Bắc-kỳ. Anh giải thích, ở dưới đó, anh "số dzách", nhưng ông thầy nói, không là gì đâu, so với đám học trò người Bắc. Anh đưa về "khoe" với mấy anh chị. Cả nhà đều mến, nhưng phàn nàn với đứa em, sao bạn mày nói, tụi tao nghe không ra. Còn thằng bé cứ há hốc mồm, nghe kể về một miền đất, sáng rảo bộ ra quán nơi đầu làng, tiện chân ngoáy ngoáy một hố đất nơi con rạch, trưa về thò tay xuống nhắc lên một con cá. Nhưng hình ảnh "Nam-kỳ nhất" ở nơi cậu, là từ một cô gái lai, Bắc-kỳ di cư từ hồi nảo hồi nào. Và nó "bắt nguồn" từ Hà-nội.

Hồi đó ở với bà chị họ, nơi ngoại ô Bạch Mai. Một bữa có một ông chú, từ Sài-gòn ra thăm. Gọi là chú, vì ông ngày trước học chung với ông già. Chú Th., quê Phú Hữu, một làng nhỏ nằm trên sườn một ngọn đồi, dưới chân núi Tản. Ngày nhỏ theo bà già từ Thanh Trì, ven sông Hồng, vượt gần hết cánh đồng Sơn, đứng từ dưới nhìn lên, những căn nhà lẩn vào cây trên đồi; bà già chỉ, nhà bà Hàn kia kìa. Gái Thanh Trì thường làm dâu Phú Hữu. Cậu bé có mấy bà cô ở trên ngọn đồi đó. Trai Phú Hữu thường ra Thanh Trì làm học trò ông giáo Dực. Ông già và chú Th. học chung lớp. Chú thi rớt, bị bố la, bỏ xứ Bắc, nhẩy tầu đi một lèo tới Sài-gòn, làm giầu. Ông già thi vô sư phạm, ra làm hiệu trưởng trường tiểu học, mỗi nhiệm sở đẻ một đứa con làm dấu. Đứa Hải Dương, đứa Lục Yên Châu... Nhiệm sở chót, Việt Trì (Vĩnh Yên), năm 1945, rồi "thôi" luôn.

Lần đó chú Th. trên đường về quê, ghé Hà-nội, mang làm quà mấy trái xoài, và dẫn thằng cháu đi mua cho một đôi giầy, cho nó một thú vui: đánh thật bóng, rồi thử xem, bụi hè phố Hà-nội phải mất mấy ngày mới làm mờ. Lần gặp lại, là ở Sài-gòn. Ông hỏi: Nước nhà độc lập rồi còn "dzô" đây làm gì" Ông hình như lấy làm tiếc cho thằng con người bạn học, Cộng sản "nòi", bố bị đảng phái thủ tiêu. Với lý lịch tốt như thế, bỏ đi thật uổng. Chửi một hồi, thấy tội, ông nhắc lại một vài kỷ niệm, khi học chung với ông già. Giầu có như vậy, ông vẫn nhớ, và cười cười, mày chắc cũng đã hưởng qua nhiều lần, cái thú ngồi giữa đồng làng, làm một trong tứ khoái, rồi "chịn" lên mặt cỏ tươi. Làng Thanh Trì của tôi, chú chỉ nhớ có vậy. Thú thật. Làng Thừa Lệnh, cũng gần Phú Hữu, là quê Chu Tử. Hai người cũng biết nhau, từ hồi còn nhỏ. Cô bé con chú Th. là "mặc khải" Miền Nam, Sài-gòn của tôi. Dây mơ rễ má với Hà-nội, là vậy.

"Nới" rộng ra, nó liên can đến cả một miền đất.

Nhiều người Bắc chắc còn nhớ cái váy nâu, quần thâm. Vải may xong, nhúng nâu, nhúng bùn, phơi nắng, cho đến khi nào cứng như mo cau, lúc đó mới được xỏ vào người. Lần bà chị họ đưa đứa em tới "trình diện" ông chú, người đàn bà Miền Nam xuất hiện trước mắt cậu em, là hình ảnh một cô bé trong bộ đồ bà ba đen, mỏng, mượt, mát...

Như làn da thứ nhì của con người.

Đang ngồi học, đột nhiên tất cả ùa ra khỏi lớp. Phái đoàn Cộng-sản ở khách sạn Majestic!
Lần đó, đập phá đã tay, "truy lùng" Văn Tiến Dũng đã đời, cảnh sát mới can thiệp. Có anh bạn Ngô Khánh Lãng đi cùng. Anh không gặp Việt Cộng, mà một cô đầm. Đẹp lắm, anh nói. Với anh, đầm có nghĩa là đẹp. Khi cửa phòng bị phá, nhìn thấy anh, cô quá sợ. Sợ bị giết. Suốt cuộc chiến, và những lần biểu tình xuống đường của nó, lần thứ nhất, và cũng là cuối cùng, tôi biết thế nào là hơi cay. Cũng có được một chiến lợi phẩm, cuốn tự điển Larousse bỏ túi, Lãng nhặt được ở hành lang, khi rút quân. Trên đường về, không biết nghĩ sao, cuối cùng hai đứa liệng vào đống rác khổng lồ ở đường Hàm Nghi.

Từ văn phòng UPI (1), 19 Ngô Đức Kế, nhẩy mấy bước là tới Majestic. Một bữa xuống sở, gặp nhiếp ảnh viên người Nhật, Kyoichi Sawada, tôi bảo anh, tuần trước, vừa cưới vợ. Anh tròn xoe mắt, nói sao không cho anh biết. Đám cưới mãi tít Cai Lậy, "many VC there"! Anh bật cười, kéo tôi băng qua đường lên sân thượng khách sạn, làm một chầu ăn sáng.

Vòng vo Tam Quốc từ nãy giờ, nguyên do là, tôi không thể nào quên anh, hoặc là anh cũng chưa quên tôi, và người chết kẻ sống, đành mượn Majestic làm nơi chốn hội ngộ, "nhớ về" những ngày đầu, theo kiểu "ý thức đuổi theo cái chết của ý thức". (2)

Tuy cùng là Mỹ, nhưng hãng thông tấn AP giầu hơn, so với UPI. Lương trả hậu hơn. Một số thông tín viên, nhiếp ảnh viên thường coi UPI là nơi học nghề. Khi đã có một chút tiếng tăm, họ nhẩy sang làm cho AP. Tôi vẫn còn nhớ nhiếp ảnh viên Henri Huêt, người Pháp lai, làm cho UPI, sau qua AP. Mỗi lần lên Đài, anh hay nói chuyện với tôi, và chị Linh, nữ điện thoại viên mạch Paris. Bằng tiếng Pháp, lẽ dĩ nhiên. Một bữa, anh vừa quay đi, chị ghé tai tôi, nói nhỏ: thằng chả ăn mắm, hút ròi, sống nhờ Miền Nam, chưa lột lưỡi đã biết tiếng Việt, vậy mà bầy đặt. Thực tình, cho tới lúc đó, tôi vẫn nghĩ anh không biết tiếng Việt.

Cách loan tin cũng khác. UPI thường chuyển tin liền, nếu cần, cải chính sau. Tin của AP do đó chính xác hơn. Nhân viên cũng nhiều hơn. Đám phóng viên tự do, freelance, thường ghé AP trước rồi mới qua UPI. Nếu UPI có hơn được AP một chút gì đó, là nhờ kỹ thuật chuyển vô tuyến viễn ảnh. Ông Hưng, tuy cựu nhân viên Bưu Điện, nhưng lo về bưu vụ. Khi chuyển hình, ông thường để tín hiệu tối đa, vô tình tăng độ nhiễu âm. Thời gian đầu, Horst Faas nghi ngờ gã chuyên viên trẻ UPI "phá". Anh kêu Iwasa, chuyên viên Nhật từ Tokyo qua Sài-gòn, lên Đài kiểm tra chất lượng máy móc, đường dây. Iwasa ăn ngủ tại Đài đến gần cả tháng. Anh rất chịu gã chuyên viên trẻ, chịu khó nghe gã bập bẹ "dịch" truyện ngắn đầu tay của gã sang tiếng Anh, và hỏi cái cô Mai ở trong truyện là cô nào trong số mấy cô ban ngày anh thường gặp. Mai của tôi, My mine (3) khi đó đã bỏ Bưu Điện qua làm nữ tiếp viên hãng hàng không Việt Nam.

Trong số những nhiếp ảnh viên của UPI, Sawada là người nổi tiếng nhất, nhưng chẳng bao giờ anh từ bỏ hãng, dù Horst Faas, trưởng phòng hình ảnh AP đã nhiều lần mời gọi. Những ngày Khe Sanh, hình ảnh của Sawada về những ngọn đồi đẫm máu, tên chỉ là những con số, đã được Paris Match dùng làm trang bìa. Cả số báo đó là hình của anh. Gần như tháng nào, anh cũng được hãng tuyên dương. Bức hình đoạt giải Pulitzer: một bà mẹ, tay bồng con, tay kia kéo theo một đứa, mấy đứa lớn bu quanh mẹ, vượt một khúc sông, chạy giặc (4). Tôi vừa làm cho UPI là đã quen anh. Theo nguyên tắc, tôi luôn luôn phải có mặt tại Đài, phòng hờ những lần gửi hình bất ngờ. Một lần ỷ y, tôi về nhà, lúc đó còn ở con hẻm đường Nguyễn Huỳnh Đức, phía sau Hội Đồng Xã Phú Nhuận. Anh mầy mò đến tận nhà. Khi anh chết, bà vợ có ghé Việt Nam. Hai vợ chồng không có con. Tôi đứng nhìn người đàn bà Nhật, chắc cũng ít nói như anh, vẻ xa lạ hờ hững giữa văn phòng hãng. Như chưa được sự giới thiệu của người đã chết, tôi e dè không dám tới nói lời chia buồn, và tôi nghĩ bà cũng chẳng cần. Làm sao mà giải thích cho bà hiểu nổi, tại sao chồng bà lại chết vì một xứ sở vô tình đến như vậy"

Làm cho UPI, dần dần trong tôi nẩy sinh một tình cảm quái gở. Mỗi lần có một phóng viên, nhiếp ảnh viên mới, là tôi lại tự hỏi, anh ta chịu đựng cuộc chiến được bao lâu. Lần nhiếp ảnh viên người Nhật tên "Mine" mới tới Sài-gòn, tôi lắc đầu, tự nhủ thầm, đúng là tên "tiền định". Vừa mới tới, anh đã được "đãi ngộ": đang ở đồn lính Mỹ, một chiếc C.130 bay qua, anh đưa máy chụp chơi, vừa đúng lúc chiếc máy bay bị cắt làm hai, vì trúng pháo ở ngay bên dưới bắn lên. Đúng là chuyện đạn Mỹ bắn máy bay Mỹ! Hai năm qua đi, hết hạn, anh trở về Nhật. Tưởng là thoát, không ngờ, anh lại phải trở qua Việt Nam, thế một người đi nghỉ phép, chỉ có hai tuần. Anh bị chết cháy trong M.113, khi chiến xa bị mìn.

Kent Potter, được UPI cho làm trưởng phòng hình ảnh, deskman, chỉ việc ngồi tại văn phòng, lựa chọn hình, gửi đi, vậy mà gặp mặt là thấy anh than chán quá, chiến tranh gì mà buồn tẻ thế này. Đúng lúc, xẩy ra mặt trận Hạ Lào. Anh nhẩy vội ra Trung. Chuyến đó, chiếc trực thăng chở phóng viên báo chí bị rớt (trúng đạn"), chết đâu mười mấy mạng, trong có anh. Tôi cứ nghe như Thần Chết, giọng bực mình, tao đã bảo, ở nhà mà không chịu!

Sawada không chết vì cuộc chiến Việt Nam, nhưng sau đó, khi nó đã chuyển qua Kampuchia, tức là sau khi hiệp định Paris được ký kết. Anh là người, có lúc tôi đã nghĩ, may mắn, bởi vì anh luôn luôn có mặt ở những trận đánh lớn, và cứ nhè những khía cạnh mà cuộc chiến muốn giấu, để lột trần ra. Cái xấu, điều xấu, có lẽ cũng chỉ là chuyện làm xàm, đôi khi chán ngắt, chính vì vậy Thần Chết muốn giấu, cũng nên. Thông thường đám phóng viên Tây-phương thấy xác chết là "mê", chụp hình lia lịa. Hình của Sawada là những gì rất đỗi bình thường, nếu không muốn nói là nhàm chán, y hệt như nếu không có những xác chết ghê rợn bầy ra chung quanh, nó vẫn phải xẩy ra: một người lính Việt Nam Cộng Hòa "chán đời", ngồi thừ, điếu thuốc gắn "để đó" trên miệng. Có vẻ như anh chẳng còn sức, dù chỉ để kéo một hơi thuốc; có vẻ như anh chẳng vui gì mà hút thuốc, sau khi một người bạn thân vừa tử trận, hay là anh nghĩ không biết con vợ "bay bướm" ở nhà có "buồn" vì anh vẫn còn sống... Bản chất ù lì, "tiêu cực" có khi cần thiết cho sáng tạo hơn là sự hăm hở, sôi sục muốn "viết", muốn "chụp". Hình mấy mẹ con bơi qua sông tị nạn: vẻ "trơ ra" của thiên nhiên. Vũ Ngọc Phan đã chê Nguyễn Tuân: Muốn kéo thiên nhiên xuống cho vừa ý con người.

Sự tầm phào... Sawada chết "lãng nhách" như vậy. Người Kampuchia, lính hoặc không lính, đều không ưa phóng viên báo chí, nhưng lại khoái chiếc máy chụp hình, chiếc xe Honda... Như đa số phóng viên sau này tử trận tại đây, họ đều bị giết khi đang chạy xe trên đường, ở một khúc vắng, có khi chỉ bởi một con người, "đột nhiên" nổi lòng tham.

Majestic sau đổi tên là Cửu Long. Tôi vẫn nghĩ tại sao không đổi tên là Văn Tiến Dũng, kỷ niệm một lần ông đã từng ở đây, và phải "bực mình" bỏ đi.

Có lần tôi đã mất đến gần một ngày trời để nghĩ ra tên của tiệm sách, tiệm Lê Phan ở đường Phạm Ngũ Lão. Hình như cái tên là khó nhớ nhất, đối với một người. Bởi vì phải mất 30 năm tôi mới nhớ ra tên một cô bạn.

Tên một người nhiếp ảnh viên người Nhật.
Và tên một cuộc chiến.
Nguyễn Quốc Trụ

Chú thích:
(1) United Press International: Hãng thông tấn UPI (của Mỹ).
(2) Chaque conscience poursuit la mort de l'autre. (Hegel); Simone de Beauvoir trích dẫn, trong Nữ Khách (L'invitée).
(3) Trái mìn của tôi.
(4) Kyoichi Sawada (UPI), đoạt Pulitzer về hình chiến tranh (combat photography) năm 1966; Toshio Sakai (UPI), 1968; Horst Faas (AP), 1965; David Halberstam (NY Times), 1964, về hình cùng với Malcolm Browne (AP), về phóng sự (combat reporting).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.