Hôm nay,  

Vẫn Hơn Tất Cả

31/05/200000:00:00(Xem: 5928)
Năm 1983, Tổng Thống Ronald Reagan có bổ nhiệm một số nhà giáo dục vào Ủy Ban Quốc gia để nghiên cứu chất lượng giáo dục của Hoa Kỳ. Sau một thời gian khá đủ để khảo sát, nghiên cứu, một báo cáo được đệ trình Tổng Thống và công bố cho toàn dân. Bản báo cáo mang tên rất nổ: “Một Quốc Gia Lâm Nguy”. Lời cảnh báo đầu trong phần dẫn nhập là “Nếu một thế lực ngoại lai không thân thiện nào có ý định áp đặt một nền giáo dục tầm thường như hiện tại, chúng ta (dân tộc Mỹ) sẽ xem đó là một hành vi chiến tranh.” Cái tầm thường ấy đại loại là: (1) chỉ 20 phần trăm trẻ em 17 tuổi Mỹ có thể viết được một bài luận thuyết; (2) chỉ 33 phần trăm số trẻ em ở lứa tuổi trên giải được một bài toán đố đòi hỏi nhiều bước. Nói chung, so với học sinh đồng trang lứa trên các quốc gia đã kỹ nghệ hóa, học sinh Hoa Kỳ đi phía sau.

Tuy nhiên với gần 50 năm gắn bó với các trường Pháp, trường Việt, với tư cách học sinh, người dạy, người thanh tra và với tư cách một sinh viên già và nhân viên bán thì cho một đại học cộng đồng Mỹ, tôi nghĩ khác: “Hệ thống giáo dục Mỹ hẳn không toàn thiện nhưng vẫn tốt hơn cả.” Nó tốt hơn cả vì nó mở rộng cho mọi người, có một học trình thực dụng và giúp học sinh thể nghiệm tự do.

Trường học Mỹ chẳng những rộng mở cho mọi người mà còn tạo cơ hội đồng đều cho mọi người được phát triển đúng khả năng, tài trí của mình. Người nghèo được trợ cấp tài chánh tương đối đủ để đấp đổi sống mà học. Học phí, sách vở được cấp không. Thiếu nhiều có thể vay mà tiền lãi chỉ tính sau khi ra trường. Trên thế giới chế độ trợ cấp tài chánh cho sinh viên, Mỹ là quốc gia đi đầu nếu không nói là duy nhứt. Thứ đến, Đại học không có hạn tuổi và có một thời biểu vô cùng thuận tiện cho sinh viên đi làm toàn hay bán thì, qua lớp đêm, lớp cuối tuần. Nhờ vậy, không một quốc gia nào trên thế giới có tỷ lệ người tốt nghiệp đại học cao hơn Mỹ. Trong 4 người Mỹ, có một người có bằng đại học. Trong 5 người có 4 người tốt nghiệp Trung học (US Bureau of Census, 1998)

Vừa đến với nhân dân, học đường Mỹ có một học trình thực tế, đi sát với nhu cầu xã hội, vốn là một trong những giá trị văn hóa Mỹ. Thực hành được đánh giá cao hơn lý thuyết. Năng hành hơn năng thuyết. Làm ra một cái bẫy chuột tốt vẫn có một giá trị như viết được một luận thuyết cao siêu. Niềm tin đó đã giúp nước Mỹ dẫn đầu thế giới trong cuộc Cách mạng Tin học và Thời đại khoa học không gian. Con người đầu tiên đặt chân lên Cung Trăng là người Mỹ. Chiếc máy vi tính đầu tiên của thế giới làm tại Hoa Kỳ. Hai thập niên qua đa số sinh viên đại học Mỹ chọn chuyện khoa vi tính, luật và khoa học, xã hội, trong khi ngành canh nông, thư viện giảm (US National Center for Education, 1998) đã nói lên tính thực dụng của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ.
Yếu tố quan trọng nhứt làm cho nền giáo dục tốt hơn cả là tự do, giá trị căn bản của văn hóa và nền tảng của chế độ dân chủ Mỹ. Trường học, từ Mẫu giáo đến Đại học chuyên cao không từ bỏ một cơ hội nào, trái lại, tạo mọi điều kiện thuận lợi để học sinh, sinh viên suy nghĩ tự do, thể nghiệm sáng kiến của mình. Chính tinh thần tôn trọng tự do đó đã giúp cho học sinh suy nghĩ độc lập và tự tin đưa đến óc sáng tạo, phát minh khác với lối học nhồi sọ, từ chương, thuộc lòng nặng khoa trương hơn khám phá. Đó là lý do lớn tại sao nước Mỹ là nơi hấp dẫn để sinh viên ngoại quốc dồn về học, dù học phí rất cao, trên 130 đồng một đơn vị học (unit, có nơi gọi là credit) ở đại học cộng đồng.

Ba yếu tố có tính chất học lý: đại chúng, thực dụng, và khai phóng nói trên của nền giáo dục còn được yểm trợ bởi thực tế xã hội Mỹ để nền giáo dục Mỹ là một nền giáo dục tốt hơn cả. Tinh thần giáo dục nầy giúp bớt sự phân chia giai cấp xã hội. Văn bằng cũng có giá trị như nguồn gốc gia đình, vọng tộc. Văn bằng cũng xóa được màu da một phần nào trong thăng tiến xã hội. Nhưng quan yếu nhứt là học lực đem lại tiền, một thước đo của xã hội. Cơ quan thống kê quốc gia năm 1997, chỉ rõ một văn bằng đại học 4 năm sẽ giúp tăng nửa triệu đôla trong đời người. Một phụ nữ có bằng Bachelor lãnh tiền 2 lần rưỡi nhiều hơn người phụ nữ chỉ đi học có 8 năm (Trung học đệ nhứt cấp).

Đại học Mỹ không toàn thiện - Ơn Trời, có cái gì toàn thiện trên cõi đời nầy. Nó còn lắm điều không tốt, chánh yếu là: xì ke ma túy, rượu chè, chửa hoang, nhứt là bạo lực đáng được gia đình, xã hội tiếp tay sửa chữa. Gia đình, học đường và xã hội là ba mặt của một vấn đề, vấn đề giáo dục. Một mặt yếu sẽ làm suy yếu cả toàn cuộc. Dư luận báo chí, quần chúng, phát biểu của các nhà lập pháp, hành pháp qua các vụ bắn giết tại các trường gần đây cho thấy xã hội và gia đình không sợ sự thật phủ phàng đang xảy ra nơi con em họ học mà quyết tâm đối diện với thực tế phủ phàng ấy, để chống hai thế lực ngầm, con buôn ma túy, lái buôn súng giàu sụ và quyền uy ở hậu trường chính trị để tiếp tục giữ truyền thống và niềm tin, “hệ thống giáo dục Hoa Kỳ vẫn tốt hơn cả.”

Và người Việt chúng ta, do tình cờ lịch sử - trong cái rủi xa nước vẫn có cái may, sống động nhứt tại Hoa Kỳ - được hưởng nền giáo dục tốt nhứt hoàn cầu ấy. Học là con đường tắt để tiến thân an toàn và vững chắc nhứt. Cách học tín chỉ như túi càn khôn được bao nhiêu đơn vị bỏ vô để dành đó (không bị các kỳ thị, tuổi tác, giờ giấc khống chế gì cả) quả rất dễ so với lối học xưa ở quê nhà. Học cũng là cách vươn lên trong xã hội, xóa bỏ được phần nào sự thiệt thòi của thân phận thiểu số trong xã hội đa chủng nầy. Và sau cùng cái lợi lớn là giúp đỡ cho đất nước. Theo tình hình diễn tiến không bao lâu quê hương mến yêu của chúng ta không đổi chủ cũng phải đổi màu. Đó là lúc quê cha đất tổ chúng ta cần bàn tay, khối óc, trái tim của người Việt hải ngoại nhứt để xây dựng, phát triển. Lớp người đi trước, chúng tôi sanh trong chiến tranh, lớn lên trong khói lửa, đem tất cả tuổi thanh xuân để giữ nước (không có được một nền giáo dục tốt như tại đây) rồi ngậm mối tủi hờn xa nước ra đi, đem theo lớp trẻ với kỳ vọng lớp người sau tiếp tục phục vụ đất nước hữu hiệu, thành công hơn.

Để phục vụ hữu hiệu thành công ngoài trái tim, điều kiện cần, đủ là học. Học ngay tại Mỹ là một hạnh ngộ vì với tuổi đời 64, mà 50 năm đã gắn bó với trường Pháp, Việt, Mỹ, tôi tin “Nền giáo dục Mỹ không toàn thiện, nhưng vẫn tốt hơn tất cả.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.