Hôm nay,  

Tháng Tư Nghe Những Ca Khúc Về Sài Gịn Của Trần Chí Phúc

18/04/199900:00:00(Xem: 10949)
Nhạc của Trần Chí Phúc có duyên với tháng tư, điều đó càng nổi bật khi các đài phát thanh tiếng Việt ra đời chuyên chở lời ca tiếng hát theo làn sóng điện đến với thính giả. Bên cạnh nhạc thời trang tình yêu, nhạc mang âm hưởng dân tộc, nhạc ngoại quốc trải đều suốt năm, còn có nhạc chủ đề theo từng mùa, lễ hội...
Tháng tư để lại nhiều kỷ niệm buồn cho người Việt lưu vong, cũng từ mốc năm tháng này khởi lên niềm hi vọng đấu tranh quang phục quê hương, một niềm tin có lúc dâng cao, có lúc trầm xuống nhưng vẫn tràn đầy sau hăm bốn năm xa xứ.
Tháng tư nghe những bài hát thương đau thời vượt biển, những bài hát mang nỗi niềm viễn xứ, nhớ quê nhà trong đó có thành phố Sài Gòn - một thành phố đã bị mất tên tượng trưng cho cả một miền Nam tự do.
Trong những nhạc sĩ gắn bó thiết tha với chủ đề đó phải nói tới Trần Chí Phúc, một người viết ca khúc bắt đầu sự nghiệp sáng tác khi đặt bước chân lưu vong xứ lạ năm 1979 ở Canada. Bản “Chiều Winnipeg” man mác nỗi nhớ nhà, bản “Xác em nay ở phương nào” thê lương người yêu mất xác trên biển, bản “Mai mốt em về đâu” bơ vơ trại tị nạn... Đậm nét hơn cả là một loạt bài hát mang tên Sài Gòn trong cuốn băng “SÀI GÒN EM VẪN CÒN ĐÂY” thực hiện năm 1998 để mừng thành phố tròn 300 tuổi từ khi được chúa Nguyễn đặt tên vào năm 1698.
Có tất cả 7 bản nhạc: Sài Gòn chiều mưa, Sài Gòn em ở đó, Sài Gòn mơ ngày hội ngộ, Sài Gòn một thoáng 20 năm, Sài Gòn cảm khúc, Anh yêu em nên yêu Sài Gòn, Sài Gòn em vẫn còn đây, viết trong vòng 19 năm gom góp cảm xúc của tác giả.
Bản “Sài Gòn chiều mưa” rộn ràng điệu nhạc kể tâm sự cô gái bên ấy ngồi nhìn trời mưa mà nhớ kẻ bên này hải ngoại: “Giờ người ở đâu, xa rồi bên ấy, nửa vòng thế giới, mưa chiều có tới, anh ngồi có nghĩ đến em”, có hình ảnh quán cóc cà phê cùng người yêu tình tự, núp mưa bên nhau.
Bản “Anh yêu em nên yêu Sài Gòn” thành phố của các trường đại học thu hút bao sinh viên từ các tỉnh đổ về và tình yêu lứa tuổi đôi mươi nảy nở trong đó có tác giả. “Anh yêu em cám ơn thành phố...”, khi yêu ai cũng độ lượng, yêu luôn cả đường đi lối về nên khi Sài Gòn thất thủ thì người yêu và tất cả khung trời hoa mộng cũng không còn. Câu hỏi được đặt ra là nếu không có em thì anh có yêu nơi này không, khó mà trả lời vì thành phố và em hòa nhau làm một.
Bản “Sài Gòn mơ ngày hội ngộ” có lời ca trách móc như: “Người đi từ thuở buông tay súng. Có biết cho người chốn lao lung”, với ước mơ hào hùng “Anh sẽ về vàng sắc cờ bay”, lời và nhạc thật da diết. Câu hát “Thành đô bao người say đêm nay. Nâng chén tương phùng tay nắm tay” cho một cảm giác bi hùng.
Bản “Sài Gòn em ở đó” viết năm 1980 có lẽ là ca khúc hay nhất về thành phố này của Trần Chí Phúc với giai điệu quyến rũ và lời ca nhung nhớ “Sài Gòn em ở đó, có thầm trách người đi, vội vàng hay không đến, cho lời cuối biệt ly.”

Bản “Sài Gòn cảm khúc” với dòng hợp âm dựa trên giai điệu bản Sài gòn em ở đó, cũng vẽ nên ước mơ “Ngày vui sẽ tới em ơi, ngày nắng đẹp sáng tươi, trời Sài Gòn mừng đón tin hồi sinh...” Cái ngày thành phố sẽ lấy lại tên Sài Gòn yêu dấu vẫn là một khả năng trở thành hiện thực, ngày đó khởi đầu cho một giai đoạn mới để đất nước với dân tộc hòa hợp cùng nhau xây dựng phát triển.
Bản mới nhất là “Sài Gòn em vẫn còn đây” sáng tác mùa xuân 1998 nhân thành phố tròn 300 tuổi như là một món quà tinh thần của người nhạc sĩ lưu vong gởi về người Sài Gòn. Dù xa ngàn dặm nhưng vẫn thao thức chuyện quê hương, tả cái đẹp và kỷ niệm với nơi chốn một thời sinh sống, điều đậm nét nhất vẫn là ca ngợi cái tên SÀI GÒN, không bao giờ đổi thay cho dù bao thay đổi chính trị, chiến tranh. Bài hát được đài phát thanh BBC Luân Đôn truyền về Việt Nam mùa tháng tư năm 1998 qua giọng ca Anh Dũng.
Ca khúc cuối trong đĩa rất phong phú ý nhạc và lời mang tên “Sài Gòn một thoáng 20 năm” viết vào tháng tư 1995 tả cảm xúc của một người bên này hải ngoại về thăm thành phố thấy bao đổi thay. Đất nước nghèo nàn, tệ nạn đầy rẫy “Cô gái ngồi chờ buồn. Chiều trong quán bia ôm”, xen lẫn vào đó có niềm hi vọng “Dù niềm tin hóa đá, tôi vẫn tin, tôi vẫn mơ, có một ngày em sẽ hồi sinh...” và thấm thía nhất vẫn là nguời đi về bỗng thấy mình là người xalạ trên chính nơi mình yêu thương “Bỗng thấy mình lạc loài, người khách trên quê hương.”
Qua những bài ca Sài Gòn dù thật buồn nhưng vẫn không tuyệt vọng, bên cạnh những hàng me đổ lá, con đường hẹn hò đôi lứa, có chiều mưa thơ mộng của một thời yêu nhau rồi chia cách bởi đất nước ly tan vẫn có ước mơ trùng phùng trong niềm hi vọng một ngày quê hương đổi mới. Đó là lý do tại sao nhạc Trần Chí Phúc có duyên với tháng tư. Bên cạnh lời ca có ý nghĩa, các ca khúc của tác giả mang giai điệu dễ nghe, vài bài rất đạt như bản Sài Gòn em ở đó, Sài Gòn một thoáng 20 năm...
Những ca sĩ Thái Hiền, Như Mai, Mỹ Huyền, Quỳnh Hương, Johnny Dũng, Anh Dũng và chính tác giả hát, nhạc đệm hài hòa, giọng đọc của Mai Hân lời kết trong tiếng ghi ta thùng cho cảm giác sâu lắng những bài hát về Sài Gòn.
Hình bìa người mẫu Đặng Thanh Trúc khuôn mặt thanh tú, trên mái tóc dài là hình ảnh thành phố do Trần Đình Thục chụp và trang trí trông rất nghệ thuật.
Cuốn băng “Sài Gòn em vẫn còn đây” bị liệt kê vào danh sách “hạn chế phổ biến” theo lời một viên chức đặc trách văn hóa trong nước; thính giả nghe sẽ hiểu tại sao. Nhưng đây là tác phẩm xứng đáng được giới yêu nhạc đón nhận trong sự cảm thông với tâm tình lưu vong của nhạc sĩ Trần Chí Phúc.
Cuốn băng có bán tại các tiệm nhạc. Liên lạc tác giả (408) 223- 1864, thành phố San Jose, California.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.