Hôm nay,  

Tin Úc Châu

16/01/200600:00:00(Xem: 5645)
THủ LÃNH KIM BEAZLEY: “ĐÃ ĐẾN LÚC ÚC PHẢI RÚT QUÂN KHỏI IRAQ!”

CANBERRA: Thủ lãnh Đối lập Liên bang, Kim Beazley, vừa tuyên bố Hoa Kỳ, Úc và các đồng minh giờ đây phải xem xét một cách nghiêm túc việc rút các lực lượng quân sự ra khỏi Iraq, bởi vì sự hiện diện của họ đang làm hại đến cơ hội hòa bình trong đất nước này. Trong lời nhận định của ông ta về sự tái thiết đang gặp khó khăn của Iraq, ông Beazley nói rằng các lực lượng ngoại quốc - gồm cả quân đội Úc - đang gây ra nhiều vấn đề hơn là đã được giải quyết.
Nhưng trong khi ông Beazley bầy tỏ quan điểm rút quân của đảng Lao động, Chính phủ Liên bang đang hành động hoàn toàn ngược lại. Họ vừa gửi thêm 110 binh sĩ và hai trực thăng tới A Phú Hãn và ngay cả có thể gửi thêm quân đến Iraq, hiện có tới 1350 nhân viên quân sự Úc đang hoạt động ở đó. Theo sau các cuộc thảo luận với Chính phủ A Phú Hãn, Bộ trưởng Quốc phòng, Robert Hill, đã đồng ý gia tăng sự hiện diện của Úc ở A Phú Hãn, lên tới 200 binh sĩ Biệt kích SAS. Con số này còn có thể gia tăng thêm nữa, như được trông đợi, nếu chính phủ gửi thêm một nhóm tái thiết quân sự gồm 200 nhân viên. Các nguồn tin chính phủ nói rằng việc bố trí này sẽ được công bố trong nay mai.
Trong một cuộc phỏng vấn trên đài 2UE ngày hôm qua, ông Beazley phát biểu: “Tôi nghĩ Hoa Kỳ, Anh Quốc và chúng ta giờ đây phải nghĩ rất thận trọng về các hậu quả của sự tiếp tục hiện diện ở đó [Iraq].” Đặc biệt, ông ta nói rằng sự chiếm đóng của quân đội ngoại quốc đang thu hút các nhóm nổi dậy đến Iraq từ khắp thế giới, chắc chắn đem lại thêm sự đổ máu và bất ổn. “Trong khi quân đội của chúng ta ở đó, chúng ta đang hành động như một cục nam châm thu hút tất cả các phần tử cực đoan ở khu vực Trung Đông, đưa chúng vào Iraq để gia nhập lực lượng nổi dậy.”
Chính phủ đang xét đến việc gửi thêm phi cơ trực thăng và 150 binh sĩ để hỗ trợ cho lực lượng đặc nhiệm Al Muthanna, gồm 450 binh sĩ Úc, đang hoạt động ở miền nam Iraq. Lực lượng đặc nhiệm này đáng lẽ rút về trong tháng Năm nhưng sẽ ở lại cho tới ít nhất cuối năm nay để bảo vệ các đơn vị xây dựng của Nhật vừa quyết định kéo dài thời gian hoạt động của họ tới cuối năm. Chính phủ cũng đang xem xét việc gửi các nhóm huấn luyện để đào tạo thêm nhân viên cho các cơ quan an ninh mới bắt đầu phát triển của Iraq.
Tuy nhiên, trong một số lời nói rất khó nghe đối với Chính phủ Bush và các đồng minh của, ông Beazley kêu gọi lực lượng liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo hãy thừa nhận rằng Iraq đã trở thành một nơi huấn luyện quý giá cho quân khủng bố và các phần tử cực đoan bạo động. Lời bình luận của ông Beazley đã phản ánh quan điểm của một số phân tích gia chính sách ngoại quốc nhất là ở Hoa Kỳ- rằng cơ hội tốt nhất cho sự ổn định ở Iraq là triệt thoái tất cả các quân đội ngoại quốc. Lý lẽ phản bác là “lực lượng an ninh của Iraq còn quá yếu kém để chống lại quân nổi dậy rất có khả năng, kiên trì và bạo động”.
Thượng nghĩ sĩ Hill nói rằng việc rút toàn bộ quân đội ngoại quốc là một chiến thắng khổng lồ có tính cách tuyên truyền cho al-Qaeda. Ông đã nói với tờ Herald rằng: “Rút quân từ Iraq quá sớm sẽ là trao chiến thắng cho những kẻ khủng bố, điều này làm phương hại đến nền an ninh và các quyền lợi của Úc. Lực lượng quân đội của chúng ta tiếp tục có những đóng góp đáng kể trong các khu vực quan trọng, và sự đánh giá của chính phủ là họ tiếp tục làm như vậy trong quyền lợi của đất nước Úc, bất kể quan điểm của lãnh tụ Đối lập là những gì.”

TRÁI CÂY ĐƯỢC BẦY BÁN TRONG SIÊU THỊ CÓ THỂ ĐÃ CŨ Cả NĂM!

NSW: Một cuộc nghiên cứu vừa tiết lộ rằng trái cây và rau củ “tươi” mà bạn mua từ các siêu thị, và ngay cả từ cửa tiệm bán rau quả ở địa phương, có khi đã cũ cả một năm. Ngày nay sự tiến bộ kỹ thuật có nghĩa là các quả táo có thể được bầy bán trên kệ tới 12 tháng sau khi chúng được thu hoạch. Cuộc nghiên cứu được thực hiện cho tờ Daily Telegraph đã tìm thấy các quả táo cũ tới chín tháng, các quả lê ba tháng, nho ba tuần lễ và cherries hai tuần, tất cả được bầy bán trên kệ của một siêu thị lớn.
Các loại trái cây này được mua hôm thứ Năm từ một siêu thị Woolworths ở trung tâm Sydney bởi phòng thí nghiệm Postharvest Loboratory. Và phòng thí nghiệm này cũng tìm thấy các quả dâu strawberries, táo và đào đều có lượng đường rất thấp. Woolworths ngày hôm qua xác nhận đang bán những quả táo mà họ đã tồn trữ trong nhiều tháng, nhưng nói rằng họ cố gắng để có những sản phẩm tươi trong các cửa tiệm.
Các chuyên gia nói rằng không chỉ riêng Woolworths đang bán trái cây quá cũ. Các cửa tiệm bán lẻ ở khắp đất nước này đang bán trái cây và rau củ được mua từ những người trồng đã dự trữ chúng trong nhiều tháng. Clare Hughes, một viên chức từ Hiệp hội Tiêu thụ Úc, nói rằng nhiều người tiêu thụ sẽ không hề biết trái cây và rau củ mà họ ăn đã được bầy bán trên kệ của các siêu thị trong bao lâu.
Người trồng trọt bảo quản các sản phẩm tươi bằng nhiều phương cách. Thời gian các quả táo được bầy bán trên kệ có thể kéo dài tới một năm bởi các loại hóa chất. Loại hoá chất được biết là Smart Fresh, được nhập vào Úc trong 18 tháng qua, có thể ngăn chặn trái cây tạo ra ethylene, một chất làm chín tự nhiên. Sản phẩm này cũng được cấp giấy phép sử dụng với các loại trái cây khác. Phần lớn là những loại trái cây không được trồng quanh năm ở Úc.
Chuối được thu hoạch và vận chuyển khi còn rất xanh để kéo dài “tuổi thọ”, và người ta sử dụng chất ethylene để làm chúng chín nhanh hơn trước khi bầy bán trên kệ. Và nho có thể giữ được trong một tháng bởi đóng thùng chúng với chất sulphur nhằm làm chậm tiến trình chín tự nhiên. Phòng thí nghiệm Postharvest Laboratory, các chuyên gia cố vấn kỹ nghệ và các siêu thị đã xác nhận việc sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau. Woolworths tồn trữ những quả táo tới 10 tháng trong môi trường được kiểm soát trong khi Coles cũng thú nhận các quả táo của nó có thể đã được tồn trữ.
Giới chuyên gia nói rằng các phương pháp thường được sử dụng để cho phép người ta ăn những loại sản phẩm đã hết mùa, có lợi cho người tiêu thụ. Trái cây và rau củ được tồn trữ vẫn an toàn để ăn. Ông Tony Russell, giám đốc của Apple & Pear Australia, nói rằng: “Nếu chúng ta muốn ăn những quả táo quanh năm rồi thì điều này là cần thiết. Và các sản phẩm này vẫn rất tốt cho bạn.”
Tuy nhiên có các sự gợi ý rằng những chất dinh dưỡng quan trọng bị giảm bớt. Và do đó phẩm chất cũng bị giảm. Tiến sĩ Stephen Morris, thuộc Postharvest Laboratory, nói rằng: “Hương vị có thể giảm nhiều sau một thời gian tồn trữ quá lâu. Sinh tố C và E và cũng cả mức độ của anti-oxidant, chất ngăn ngừa ung thư, cũng có thể bị giảm.” Trong khi các nhóm tiêu thụ lên án các siêu thị và những nhà trồng trọt đang bịp người tiêu thụ, làm họ tin các sản phẩm trái cây là tươi.

CÁC TÊN KHủNG BỐ TUYỂN MỘ CHO IRAQ ở SYDNEY!

ÚC ĐẠI LỢI: Một số người ở Sydney ủng hộ lãnh tụ của nhóm khủng bố al-Qaeda, Abu Musab al-Zarqawi, đang khuyến khích những người Úc Hồi giáo gia nhập lực lượng nổi dậy và đóng góp tiền bạc cho tổ chức này. ASIO đang điều tra nhóm này và viên đại sứ Iraq ở Canberra đã khuyến cáo cơ quan an ninh này cần phải giải quyết vấn đề này. Ông Ghanim Taha al-Shibli nói rằng: “Dường như có một nhóm người ở Úc đang ủng hộ, ít nhất bằng lời nói, Zarqawi. Quý vị có thể nhìn thấy họ trong nhiều nơi đang bầy tỏ rất rõ những gì họ nghĩ.”
Tờ The Herald đã biết hai nhóm riêng biệt đại diện cho lực lượng nổi dậy này, gồm ít nhất một nhóm đang bị ASIO điều tra. Nhóm này có một người đàn ông đã tíếp xúc trực tiếp một số người Hồi giáo ở Auburn cách đây khoảng 12 tháng. Một số người hiện diện trong lần tiếp xúc này nói rằng: “Họ bảo chúng tôi hãy gia nhập để chiến đấu với lực lượng thánh chiến.” Nhân chứng, yêu cầu được giữ kín tên, lưu ý rằng “ASIO nói không tiếp xúc với giới truyền thông”.
Một người đàn ông khác gốc Iraq nói rằng anh ta đã được yêu cầu đóng góp tiền bạc cho tổ chức nổi dậy này. Anh ta nói rằng: “Tôi biết rõ họ đang gây quỹ. Tôi đang ngồi trong một nhóm thì một người đến gặp tôi và nói họ đang gây quỹ cho những chiến sĩ tự do ở Iraq. Ông ta nói số tiền này sẽ được gửi tới những người ủng hộ Zarqawi qua một đường vòng, thường ngụy trang bằng những số tiền gửi tới các thân nhân ở Iraq.
Đại sứ al-Shibli nói với tờ Herald rằng ông ta đã bất ngờ gặp những người ủng hộ Zarqawi ở Úc, hầu hết tại trạm bỏ phiếu ở Auburn trong cuộc bầu cử của Iraq trong tháng Giêng năm ngoái. Vài tiếng đồng hồ sau cuộc hỗn chiến giữa các cử tri và những người chống lại sự chiếm đóng của Hoa Kỳ và chính phủ lâm thời của Iraq, nhiều phát đạn đã được bắn ở Auburn. Ông al-Shibli nói rằng: “Tôi hy vọng, và cầu nguyện Thượng Đế, chính phủ Úc và các cơ quan an ninh của nó kiểm soát chặt chẽ nhóm người này.”
Luật lệ chống khủng bố mới của Úc tạo cho nhà chức trách quyền hạn lớn hơn để bắt và giam giữ những người ủng hộ lực lượng nổi dậy ở Iraq. Chiếu theo luật lệ này, tài trợ hoặc chiến đấu cho kẻ thù của quân đội Úc là hành động phạm tội. Ngay cả “thuyết phục” người khác ủng hộ lực lượng kháng chiến cũng có thể bị lãnh án tù tới 7 năm.
Ông al-Shibili ủng hộ quan điểm cứng rắn của Úc, lên án Zarqawi và quân nổi dậy là những kẻ khủng bố. Ông nói rằng: “Khi người ta bắt đầu hiến tặng tiền bạc cho những kẻ đó, khi họ bắt đầu có mối liên hệ với những người này, khi họ bắt đầu rao giảng sự thù hận, đó là khi họ phải bị ngăn chặn. Những tay súng ngoại quốc đến từ khắp thế giới gia nhập nhóm nổi dậy, thành lập một sự ‘liên minh ma quỷ’ với những kẻ trung thành với Sadam Hussein. Chúng tôi có thể kiểm soát những phần tử thuộc chế độ cũ. Nhưng những người này, cả thế giới cần phải trợ giúp chúng tôi.”

MỘT PHỤ NỮ BỊ BẦY CÁ MẬP HUNG DỮ CẮN TỚI CHẾT!

QUEENSLAND: Một phụ nữ đã sợ hãi thét lớn “cá mập, cá mập” khi bị cắn tới chết bởi ba con cá mập hung dữ - thế nhưng đám đông trên bờ biển lại nghĩ cô gái này đang đùa giỡn cho vui. Các con cá mập này đã tấn công Sarah Whiley, 21 tuổi, trong khi cô đang bơi với các người bạn tại Amity Point, gần hòn đảo North Stradbroke Island ở Queensland, vào lúc 5:30pm hôm thứ Bẩy. Chỉ trong vài giây, chúng đã cắn đứt lìa hai cánh tay và cắn nát phần trên thân thể và hai chân của Sarah.
Hai ngư phủ là những người đầu tiên đã phản ứng, họ bay xuống nước và kéo thân thể tơi tả của nạn nhân lên bờ. Tuy nhiên một trong những con cá mập đã đuổi theo họ tới tận bờ. Vivienne Holcroft, người đã chứng kiến thảm kịch này, kể rằng: “Họ nắm lấy cô ấy và lôi vào bờ, nhưng một con cá mập đã theo sát họ với cái vây của nó nhô lên khỏi mặt nước.” Nhiều người tắm biển đã dùng các tấm khăn tắm để cầm máu trước khi một chiếc trực thăng chuyển cô Sarah vào bệnh viện Princess Alexandrea ở Brisbane, nơi cô đã chết vì bị mất máu quá nhiều.
Vụ cá mập tấn công này đã làm kinh hãi cả khu vực nghỉ hè yên tĩnh, thuộc vùng phía đông Brisbane. Các bãi biển đã bị đóng cửa trong khi cảnh sát và ngư phủ tìm kiếm các con cá mập hung dữ này trong khắp các vùng biển lân cận. Thảm kịch này xảy ra chỉ cách bờ có 15 mét. Thanh tra cảnh sát Peter Harding nói các bờ biển ở tây và nam Amity Point sẽ bị đóng cửa một thời gian ngắn vì sự thận trọng. Ông Harding cho biết khi bị tấn công cô Sarah đang bơi cùng với ba người bạn từ một nhóm nhà thờ: “Cô ấy bị kéo chìm xuống nước... sau năm hoặc sáu giây cô ta nổi lên mặt nước và hét lớn ‘cá mập’ và dĩ nhiên nhiều người trên bờ đã nghĩ cô gái này đang đùa giỡn.... cho tới khi họ nhìn thấy máu.”
Mặc dù các con cá mập loại “white và tiger shark” chịu trách nhiệm cho hầu hết các cái chết, những loại bull shark được nghĩ là nguy hiểm hơn bởi vì chúng sống gần bờ hơn. Thanh tra Harding nói rằng một số người địa phương sẽ không đến gần eo biển Rainbow Channel của Amity bất cứ thời gian nào, bởi vì nó là nơi sâu nhất trong vịnh Moreton Bay. Cái chết này xảy ra lần đầu tiên tại một bờ biển được bảo vệ bởi Shark Safety Program của Queensland, kể từ khi chương trình này bắt đầu trong năm 1961. Các tấm lưới an toàn không được sử dụng tại Amity Point vào cuối tuần bởi vì các luồng nước ngầm rất mạnh. ở Sydney, lưới được đặt tại các bờ biển được bảo vệ, đặt từ sàn đại dương và vài mét dưới mặt nước. Mỗi tấm lưới dài khoảng 150 mét và cao 6 mét.
Theo sau vụ tấn công chết người ở Queensland, người tắm biển ở NSW đã được khuyến cáo phải coi chừng cá mập. Ông Harry Mitchell, giám đốc nhóm tuần tra bằng phi cơ MacDonald’s Aerial Patrol, cho biết nhiều cá mập đã được nhìn thấy xuất hiện ở các vùng bờ biển đông người thuộc South Coast, giữa Stanwell Park và Mollymook. Một đàn cá mập rất lớn, có con dài tới 4 mét, đã được nhìn thấy lảng vảng chỉ cách những người tắm biển có 25 mét tại Port Kembla, Coalcliff, Windang và Seven Mile Beach. ông Mitchell khuyến cáo các đàn cá mập được trông đợi vẫn ở gần bờ biển cho tới cuối tháng Ba.

ÚC BỊ ÁP LỰC NHẬN NGƯỜI TỴ NẠN KHÍ HẬU TRONG VÙNG THÁI BÌNH DƯƠNG

ÚC ĐẠI LỢI: Nước Úc đang bị ép buộc phải hành động để cứu nguy các hòn đảo Thái Bình Dương đang bị nguy cơ tràn ngập nước biển bởi sự nóng dần của quả đất. Với các sự tiên đoán mực nước biển có thể gia tăng 32 cm từ nay tới năm 2050, một số hòn đảo Thái Bình Dương có thể không còn cư trú được nữa trong vòng một thập niên.
Chính phủ liên bang Úc đã hai lần từ chối các lời thỉnh cầu từ hòn đảo Tavalu để tái định cư người dân ở đó. Nước Úc có nguy cơ bị cô lập trong khu vực nếu nó không có quan điểm tích cực hơn đối với sự thay đổi khí hậu ở Thái Bình Dương. Tân Tây Lan và Gia Nã Đại đã phản ứng đối với cuộc khủng hoảng môi trường đang làm khổ sở nhiều đảo quốc Thái Bình Dương. Tân Tây Lan đã đồng ý nhận các di dân từ Tavalu, hòn đảo mà các chuyên gia tin tưởng sẽ chìm hoàn toàn dưới làn nước biển giữa thế kỷ này, và Gia Nã Đại đang tài trợ cho việc di chuyển cư dân của nhiều vùng của hòn đảo Vanuatu bị ảnh hưởng bởi sự nóng dần toàn cầu. Chuông báo động đã vang lên trong khi nước Úc trải qua năm nóng bức nhất.
Lao động đang thúc giục chính phủ vạch ra một chiến lược toàn diện về sự thay đổi khí hậu trong khu vực Thái Bình Dương. Ông Bob Sercombe, phát ngôn nhân đặc trách Thái Bình Dương sự vụ, nói rằng: “Các vấn đề này không chỉ rất quan trọng về mặt nhân đạo nhưng cũng cả về mặt an ninh đối với nước Úc. Sự mất mát đất đai, mùa màng và nguồn nước ngọt gây ra bởi sự gia tăng của mực nước biển đang đe dọa làm tổn hại điều kiện sinh sống trong những đảo quốc Thái Bình Dương, và tạo ra một nguy cơ rất nghiêm trọng đối với nền an ninh và sự ổn định của khu vực.”
Papua New Guinea, Kiribati, the Marshall Islands và Federated States of Micronesia đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự thay đổi khí hậu. Cư dân trên hòn đảo Carteret ở PNG đã được di chuyển đến Bougainville. Hòn đảo Tequa ở Vanuatu đã thực hiện một số cuộc di tản; khoảng 3000 dân của Tuvalu đã tản cư; thủ đô của Marshall đang bị đe dọa và một số hòn đảo của Kiribati đã bị chìm dưới mặt nước biển.
Áp lực gia tăng trở lại đối với với Chính phủ Úc trong khi Sydney chuẩn bị tổ chức cuộc hội nghị Asia-Pacific Partnership for Clean Development and Climate do Hoa Kỳ cầm đầu. Đảng Lao Động đang thúc đẩy một chiến lược để dối phó với sự thay đổi khí hậu, theo đó nước Úc thành lập một liên minh quốc tế gồm các quốc gia ven Thái Bình Dương sẵn lòng chấp nhập những người tÿ nạn khí hậu thay đổi. Theo chương trình này, nước Úc đồng ý chấp nhận một tỷ lệ người di tản, và cung cấp sự huấn nghệ cho những người bị buộc phải từ bỏ các làng mạc nhằm giúp đỡ họ đáp ứng chương trình di dân tay nghề của các quốc gia khác.
Nó cũng có nghĩa Úc trợ giúp các quốc gia Thái Bình Dương hàng xóm nghèo khổ bảo tồn các di sản văn hóa của họ. Dưới chính sách của Lao Động, Úc sẽ giúp thành lập một trung tâm khí hậu thay đổi Thái Bình Dương để theo dõi tác động của sự thay đổi khí hậu, và nó hoạt động như một hệ thống báo động sớm thời tiết khắc nghiệt. Nó cũng trợ giúp các cuộc di tản người dân bị ảnh hưởng bởi lụt lội, từ vùng đất thấp tới những vùng cao hơn.

PETER COSTELLO HỨA GIảM THUẾ CHO NGƯỜI CÓ MỨC LƯƠNG TRUNG BÌNH

CANBERRA: Ông Peter Costello vừa hứa hẹn cung cấp thêm chỗ nhà trẻ và giảm thuế cho những gia đình có lợi tức từ $40,000 đến $50,000, những người mà ông miêu tả là xương sống của quốc gia đang phải vật lộn với tiền mượn ngân hàng để mua nhà và chi phí nuôi các đứa con. Vị Tổng trưởng ngân sách nói rằng ông rất hiểu đời sống của những gia đình với mức lương trung bình và đôi khi rất khó khăn.
Ông Costello nói rằng: “Tôi có một vợ và ba con, tôi biết rõ sự chi tiêu cho những đứa trẻ. Sự tập trung chú ý của tôi trong tư cách là Tổng trưởng Ngân sách là các gia đình bởi vì tôi nghĩ nếu bạn có mức lương trung bình ở Úc từ $40,000 đến $50,000- và bạn cố gắng nuôi gia đình gồm một vợ và vài đứa con và trả tiền ngân hàng, tôi nghĩ rất khó khăn.”
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên cho năm 2006 năm mà ông ta hoặc sẽ nắm chức vụ Thủ tướng từ ông John Howard hoặc sẽ mất mãi mãi cơ hội sống trong dinh the Lodge- ông Costello cũng tiết lộ rất muốn giảm gánh nặng thuế má. Tuy nhiên ông nói rằng sự cắt giảm thuế sẽ phải được trả bởi hạn chế chi tiêu, chứ không được tài trợ từ sự phát đạt hiện nay của lãnh vực khai thác hầm mỏ: “Chúng ta phải hạn chế tối đa chi tiêu và kết quả sẽ là hạ giảm thuế. Chúng ta không thể có cả hai một lúc.”
Trong khi ông Howard muốn nhắm vào các nhu cầu của những người có truyền thống ủng hộ Lao động, vị Tổng trưởng ngân sách lại muốn bênh vực mạnh mẽ những gia đình có mức lương trung bình. Ông ta nói rằng: “Những người này là thành phần quan trọng nhất của xã hội Úc - các bà mẹ và những ông bố đang nuôi dưỡng, giáo dục con cái và làm việc.” Đã gia tăng tài trợ cho dịch vụ giữ trẻ trong hai ngân sách trước đây, ông Costello tiết lộ muốn gia tăng thêm nữa.
Thường tự miêu tả là đứa trẻ cần phải lo liệu lấy sau khi từ trường về nhà vì cả hai cha mẹ đều đi làm (latchkey kid), ông Costello ủng hộ mạnh mẽ sự chăm sóc trẻ em ngoài giờ trường học. Ông nói rằng: “Chúng tôi đã chẳng bao giờ có nó khi tôi lớn lên... mẹ tôi trong lực lượng lao động và chúng tôi thường trở về một căn nhà trống vắng mỗi buổi tối, và nhiễm thói quen xem truyền hình không tốt. Tôi nghĩ chúng ta cần thêm nhiều chỗ nhà trẻ. Và tôi rất muốn nhìn thấy.... nhiều hoạt động thể chất bởi vì nhiều đứa trẻ đang ngày càng trở nên tròn trịa hơn, chẳng có sự hoài nghi nào về điều này.” Tuy nhiên ông bác bỏ lời kêu gọi của Hiệp hội Y Sĩ cấm đặt các chiếc máy bán quà vặt trong trường học.

LỆ PHÍ BảO HIỂM ở ÚC GIA TĂNG

ÚC ĐẠI LỢI: Người dân Úc sẽ phải gánh chịu sự gia tăng lệ phí bảo hiểm khoảng 5 phần trăm, thêm hàng trăm đô-la trong các hóa đơn thanh toán bảo hiểm bởi vì mùa mưa bão tàn phá ở Hoa Kỳ. Tất cả chi phí bảo hiểm xe cộ, nhà cửa và thương mại sẽ đều gia tăng trong vài tháng tới đây, tạo thêm gánh nặng cho nhiều gia đình hiện đang phải vật lộn với giá cả nhiên liệu và mức nợ cao kỷ lục.
Sự gia tăng này nhằm giúp các công ty bảo hiểm lấy lại chi phí mà họ đã phải gánh chịu từ các thiên tai, gồm trận cuồng phong Katrina tàn phá New Orleans. Các chuyên gia tin rằng một số chi phí đó sẽ được chuyển cho các khách hàng. Mặc dù các công ty bảo hiểm rất miễn cưỡng cho biết chi phí sẽ được chuyển cho các thân chủ là bao nhiêu, theo các sự ước tính thì bảo hiểm phí rất có thể sẽ tăng khoảng 5 phần trăm.
Điều này có nghĩa là chủ nhân của một chiếc xe Holden Astra ở Parramatta sẽ phải trả thêm $50 một năm tiền bảo hiểm - khoảng $900 đô-la. Và người này cũng sẽ nhìn thấy hóa đơn bảo hiểm nhà và đồ đạc tăng thêm $40 - lên tới khoảng $700 đô-la. Một người ở Cronulla sẽ phải trả khoảng $470, thêm $25, cho một CTP greenslip. Một gia đình sống trong một căn nhà bốn phòng ngủ ở Bondi sẽ nhìn thấy hóa đơn bảo hiểm nhà và đồ đạc của họ tăng khoảng $90 - lên tới $1830 đô-la một năm. Với sự tiên đoán có thêm một mùa bão tệ hại nữa trong năm nay, một sự gia tăng lệ phí bảo hiểm thứ hai cũng có thể xảy ra tiếp theo.
Sự tăng lệ phí bảo hiểm này xảy ra bởi vì các công ty bảo hiểm lại (reinsurers) đang đòi hỏi gia tăng lệ phí 20 phần trăm từ các công ty bảo hiểm. Reinsurance: là khi một công ty bảo hiểm được bảo hiểm bởi một công ty bảo hiểm khác để đề phòng các sự thiệt hại lớn. Nó cho phép sự tổn thất được chia đều ra cho nhiều công ty hơn, giảm bớt tác động của các đơn đòi bồi thường đối với một công ty bảo hiểm duy nhất. Điều này có nghĩa một vài đơn đòi bồi thường lớn sẽ không ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của một công ty.
Ông Michael Wilkins, tổng giám đốc Promina, tổ chức điều hành các công ty bảo hiểm gồm AAMI và Australian Pensioners Insurance Agency, nói rằng: “Tôi trông đợi sẽ có một số áp lực từ các công ty bảo hiểm lại (reinsurancers) và hiển nhiên sẽ có một số tác động đến lệ phí bảo hiểm trong năm 2006.” Và ông Raymond Jones, giám đốc của QBE, nói rằng công ty trông đợi “lệ phí bảo hiểm sẽ gia tăng trong mọi mặt”.

RANAE LAWRENCE THÚ TỘI TẠI TÒA

ÚC ĐẠI LỢI: Renae Lawrence, kẻ bị buộc tội chuyển lậu ma túy ở Bali, thú nhận đã cố chuyển bạch phiến tới Úc, nhưng phủ nhận đã làm điều này trong hai chuyến du lịch đến Bali trước đó. Lawrence ngày hôm qua đã nói với Tòa án Địa phương Denpasar rằng: “Tôi có tội chuyển số ma túy này tới Úc nhưng không có tội làm chủ, bán hoặc bất cứ điều gì khác bởi vì Andrew Chan làm chủ nó.”
Ranae Lawrence, một cư dân Newcastle 28 tuổi, là phụ nữ duy nhất trong nhóm chín người Úc bị bắt ở Bali (Bali nine). Cô ta là một trong những người bị bắt tại phi trường Bali với các gói bạch phiến được quấn trên thân thể, với ý định bước lên chuyến bay tới Sydney. Andrew Chan, bị tố cáo là thủ lãnh ma túy, cũng bị bắt tại phi trường nhưng không mang ma túy trên người.
Những kẻ chuyển ma túy nói rằng Chan và một người đàn ông khác, Myuran Sukumaran, đã quấn các gói bạch phiến vào thân thể của họ và đe dọa tính mạng của họ và gia đình nếu cố rút ra khỏi hoạt động chuyển lậu ma túy này. Trong một lời tuyên bố với tòa án, Lawrence thú nhận biết Chan muốn cô ta đưa số ma túy này về Úc. Cô ta khai rằng: “Vài ngày trước chuyến bay từ Bali, Chan đã bảo tôi đình hoãn chuyến bay một ngày bởi vì anh ta đang gặp khó khăn để đưa chất liệu này qua phi trường ở Jarkarta vì an ninh quá chặt chẽ.”
Khi bị công tố viên Putu Indriati hỏi “chất liệu này” là gì, Lawrence thú nhận đã đoán nó là ma túy khi các gói này được quấn vào thân thể cô ta. Lawrence nói rằng: “Hiển nhiên, nếu họ gặp khó khăn để đưa một thứ gì đó qua một phi trường, nó là bất hợp pháp. Theo ý kiến tôi, nó là ma túy. Nhưng tôi đã không biết nó là bạch phiến. Tất cả những gì Chan nói là ‘chất liệu’. Chất liệu có thể là bất cứ thứ gì.”
Lawrence cho biết cô rất lo sợ khi đi vào phi trường Bali và muốn cởi các túi này ra, nhưng lại sợ Chan thực hiện lời đe dọa đối với cô ta và gia đình. Công tố viên Andriati hỏi Lawrence hai chuyến đi Bali trước đây, trước khi nhóm này bị bắt trong tháng Tư, có phải là hoạt động chuyển ma túy không. Sổ thông hành của Lawrence cho thấy cô đã đi đến Bali trong cùng những ngày mà Chan và các thành viên khác trong nhóm đến đó. Cô một mực nói cả hai chuyến đi này đều là nghỉ hè, và được chính cô ta trả tiền.
Nhưng chuyến đi thứ ba, trong đó Lawrence bị bắt, đã được đài thọ bởi Chan. Lawrence khai rằng Chan chẳng bao giờ hứa hẹn với cô bất cứ điều gì nếu vụ chuyển ma túy này thành công, và đã đổ lỗi cho sự thông dịch sai những lời khai trước đây với cảnh sát rằng Chan đã hứa trả cho cô $5000 đô-la. Lawrence và các đồng bị cáo khác có thể lãnh án tử hình nếu bị kết tội. Phiên xử của cô ta được hoãn lại cho tới ngày thứ Sáu.

THÊM BA NGƯỜI CHẾT TRONG TAI NẠN XE CỘ THảM KHỐC ở NSW

NSW: Là hai người bạn thân và cũng là anh em họ, Adam Brasington và Jake Cziesche thường cùng rủ nhau làm chung mọi thứ. Nhưng thật bi thảm, hai thiếu niên Hunter Valley này đã cùng nhau từ giã cõi đời khi chiếc xe của họ lệch tay lái chạy ra khỏi đường lộ, giết chết cả hai ngay tức khắc.
Tai nạn này làm nổi bật thêm một thảm kịch kinh hoàng cuối tuần khác trên đường lộ của tiểu bang NSW, trong đó một người cưỡi mô-tô 20 tuổi từ Gosford đã chết sau khi đụng vào một chiếc mô-tô khác ở Wallaby. Một người đàn ông 30 tuổi từ Dundas Valley, Sydney, đã được đưa vào bệnh viện với các vết thương rất nặng.
Brasinton, 20 tuổi và người em họ, Cziesche, 18 tuổi, đã chết trong khi một người bạn thân nhất của họ bất lực đứng nhìn sau khi gọi điện thoại cho số khẩn cấp. Người bạn Steve Collins, 19 tuổi, nói rằng: “Adam và Jake luôn luôn đi chung với nhau, họ chẳng bao giờ được nhìn thấy đi một mình. Cả hai đang học nghề thợ máy năm thứ ba tại trường TAFE.” Cảnh sát cho biết chiếc Ford Laser của họ chạy trên đường Wollombi Rd, ở Millfield, buổi tối thứ Bẩy khi bất chợt lệch tay lái chạy ra khỏi đường.
Brasington, tài xế bằng P, và người em họ từ Singleton đến Cessnock buổi tối thứ Bẩy để gặp các người bạn. Họ gặp nhau tại nhà của Ian Burns, ở Millfield, và cả nhóm bạn ngồi xem truyền hình. Khi nhìn thấy chiếc Ford Laser, Burns, 19 tuổi, một thợ sửa xe, đã bình luận bốn bánh xe quá mòn trước khi Brasington và người em họ ra về trong khi trời mưa vào lúc 11:50pm. Burns cho biết đã mời Brashinton uống bia, nhưng anh ta từ chối vì lái xe.
Theo lời Collins, trên con đường Wollombi Rd trở về nhà, họ lái cách xa nhau vài phút, và rồi Collins để ý thấy đèn trước của chiếc Ford Laser bất chợt chạy ra khỏi mặt đường. “Tôi liền quay đầu xe trở lại và nhìn thấy chiếc xe bị bẹp dúm. Tôi gọi tên họ nhiều lần, nhưng không ai trả lời. Tôi chẳng thể làm gì hơn được”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.