Hôm nay,  

Duyên Dáng Cờ Vàng

09/11/200500:00:00(Xem: 37837)

- Từ 31-10 dến 2-11-2005, ông Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa (CHNDTH), Tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc, Bí thư Quân uỷ Trung ương, đến thăm Việt Nam, một nước mà Hoa Kỳ hiện cũng đang muốn lôi kéo, nhằm chống lại Trung Hoa. Để tránh mặt, nhất là tránh những nghi thức lễ lạc tiếp tân ngoại giao có thể xảy ra, ông Michael Marine, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã rời nhiệm sở Hà Nội, về Hoa Kỳ công tác.

Trong lúc về lại Hoa Kỳ, ngày 27-10-2005, ông Marine tuyên bố tại Đại học Irvine ở California "...rằng chúng tôi [Hoa Kỳ] công nhận Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, nên chúng tôi công nhận lá cờ của họ, chứ không phải lá cờ khác, và tôi không tin rằng có lợi gì để công nhận lá cờ khác đó..." (nguyên văn: "...that we recognize the Socialist Republic of Vietnam, we recognize their flag, not the other flag, and I don't believe it's helpful for that flag to receive recognisation..." (Người Việt Online, 28-10-2005.)

Với tư cách là một đại sứ, ông Marine nói đúng theo sách vở ngoại giao. Hiện nay, Hoa Kỳ bang giao với nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN), thì đương nhiên phải công nhận lá cờ của chế độ nầy. Ông Marine có nói cũng bằng thừa, nhưng tại sao ông Marine lại nói tại Irvine (California) vào lúc nầy"

Irvine là một thị trấn ở Orange County, California, nơi có Tiểu Sài Gòn (Little Saigon), thủ đô của người Việt hải ngoại. Câu nói của ông như một trái pháo gây chấn động trực tiếp nhanh chóng nơi cư dân địa phương và nơi người Việt khắp thế giới.

Bà Maggie Rice, Thị trưởng thành phố Wesminster, đã phản ứng tức khắc: "Westminster và Garden Grove là hai thành phố đầu tiên đưa ra Nghị quyết Cờ Vàng, và ngăn cấm những cán bộ cộng sản với cờ đỏ qua đây. Điều nầy chứng tỏ chúng tôi tôn trọng lý tưởng yêu chuộng tự do của người Việt Nam." (Người Việt Online 30-10-2005).

Một cựu chiến binh Hoa Kỳ đã từng chiến đấu tại Việt Nam, ông Ronnie Guyer, thách thức gay gắt hơn: "Ông Đại sứ Marine có thể tuyên bố công nhận Cộng sản và cờ đỏ, nhưng tôi thách ông ấy dám mang là cờ máu đó vào thành phố Westminster nầy." (báo đã dẫn)

Có thể ông Marine nhắm làm hài lòng chế độ Cộng Sản Việt Nam (CSVN), như một món quà hữu nghị trước khi Hồ Cẩm Đào đến Hà Nội. Báo chí trong nước đều có đưa tin nầy, nhưng tin nầy bị lấp ngay bằng bản tin về chuyến viếng thăm của Hồ Cẩm Đào.

Trước chuyến viếng thăm của Hồ Cẩm Đào, CSVN đã phóng ra hai mũi tên độc để kéo Cộng đồng Việt Nam hải ngoại (CĐNVHN) về hướng khác, và tránh chỉ trích chuyến đi của Hồ Cẩm Đào. Mũi tên thứ nhất là vụ đập phá bia thuyền nhân ở Bidong (Malaysia) vào ngày 21 hoặc 22-10-2005. Tấm hình do Văn Khố Thuyền Nhân ở Úc đưa ra, cho thấy người Malaysian đập phá tấm bia tưởng niệm ở Bidong còn tàn bạo hơn người Indonesian đục tấm bia ở Galang, nhìn vào thật đau lòng. Mũi tên thứ hai là chuyến lưu diễn của đoàn văn công CSVN ở Úc từ 31-10 (ở Canberra) đến 6-11 (ở Melboune). CĐNVHN lo đối phó với hai mũi tên độc nầy, nên ít theo dõi, bình luận, và phản đối chuyến đi của Hồ Cẩm Đào. Hồ Cẩm Đào qua Hà Nội nói là thăm viếng nhân lễ kỷ niệm 55 năm liên lạc ngoại giao giữa hai chế độ cộng sản Việt Hoa, nhưng thực chất là kiểm tra công việc, sắp đặt nhân sự trước Đại hội X đảng CSVN sắp tới, và ký kết hiệp ước thương mãi. Đọc kỹ thông cáo chung Việt Hoa chín điểm ký kết tại Hà Nội ngày 2-11-2005, bao trùm hết mọi lãnh vực giữa hai bên sau khi ông Hồ Cẩm Đào kết thúc chuyến viếng thăm Việt Nam vừa qua, mới thấy hết tầm quan trọng của chuyến đi nầy (Vietnam Review, 2-11-2005), và mới thấy rõ vì sao CSVN bày ra kế "dương đông kích tây". Dương đông kích tây là trò chơi cổ điển của những nhà chiến thuật chính trị và quân sự xưa nay.

Trở lại với ông Marine. Ông dư biết vì lá cờ CSVN, người Việt phải bỏ nước ra đi. Sự ra đi nầy là một cuộc bỏ phiếu sống chết bằng chính cuộc đời mình để chọn lựa giữa tăm tối và ánh sáng, giữa độc tài và tự do. Ra nước ngoài định cư, người Việt còn được thử thách nhiều lần nữa, ở nhiều nơi khác nhau.

Người Việt ở Hoa Kỳ, nhất là ở California, không ai quên cuộc biểu tình vĩ đại trong nhiều ngày ở Santa Ana để phản đối hành động treo hình ông Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng của Trần Văn Trường vào hạ tuần tháng 2-1999. Theo giới truyền thông Mỹ thì mỗi ngày có khoảng 15,000 người biểu tình đòi hạ lá cờ và tấm hình, còn theo báo chí Việt ở California thì có khoảng 40,000. Con số các người tự nguyện đông đảo nầy cho thấy người Việt ở Santa Ana và vùng lân cận đã quyết tâm bỏ phiếu loại bỏ lá cờ cộng sản và tấm hình Hồ Chí Minh.

Vào cuối năm 2003, cuộc bỏ phiếu được lập lại tại Úc Châu. Lúc đó, người Việt ở Úc đã biểu tình phản đối cuộc thâm nhập của chương trình truyền hình VTV4 của CSVN qua mạng lưới SBS ở Úc. Việc nầy nay tái diễn lần nữa cũng tại Úc Châu, để chống cuộc tuyên truyền văn hóa vận của CSVN từ 31-10-2005 đến 6-11-2005. Chương trình lần nầy của CSVN chia làm hai phần: Thứ nhất là "Duyên dáng Việt Nam" tại Canberra, thủ đô Úc Châu vào ngày 31-10, và tại Sydney ngày 2-11-2005. Thứ hai là chương trình "Âm nhạc và nụ cười", tại Sydney ngày 4-11 và tại Melbourne ngày 6-11-2005. Trong tất cả những nơi đoàn văn công cộng sản lưu diễn, đều có Cộng Đồng Người Việt Tự Do (CĐNVTD) biểu tình phản đối.

Cộng Sản Việt Nam chuẩn bị thật chu đáo và rất tốn kém chuyến lưu diễn DDVN lần nầy. Chắc chắn, khi ra quân, CSVN tin tưởng sẽ thành công với những phương tiện dồi dào của mình chẳng những về tài chánh, về nhân lực (nghệ sĩ nổi tiếng tuyển lựa trong một nước 80 triệu dân), và cả trong thế bang giao và buôn bán giữa hai nước Việt Úc. Ngược lại, Cộng Đồng Người Việt Tự Do trên toàn liên bang Úc với tổng nhân số không bằng một tỉnh nhỏ ở Việt Nam, lại sống rải rác khắp đất nước rộng lớn nầy, đứng đầu là những người hoạt động tự nguyện, vô vị lợi, nên cuộc đối đầu xem ra không cân sức.

Tuy nhiên, "Nực cười châu chấu đá xe,/ Tưởng rằng chấu ngả, ai ngờ xe nghiêng" (ca dao). Thật vậy, tuy yếu thế về nhiều mặt, nhưng nhờ thiên thời, địa lợi và nhân hòa, CĐNVTD Úc Châu đã chủ động tổ chức những cuộc phản kháng rất ngoạn mục trong cuộc đối đầu lần nầy. Cuộc quyết đấu giữa hai bên lần nầy chia làm bốn trận, ở bốn địa điểm khác nhau.

Trận thứ nhất, tại thủ đô Canberra ngày 31-10-2005. Cuộc trình diễn DDVN chẳng những không bán vé, mà người xem còn được chiêu đãi ăn uống nhẹ. Theo báo Thanh Niên ở trong nước ngày 1-11-2005, thì "...nhà hát gần 2,000 chỗ ngồi đã không còn một chỗ trống và bên ngoài vẫn cò hàng trăm người không có vé vào xem..." Tuy nhiên, theo các báo hải ngoại thì con số khiêm nhượng hơn. Theo Việt Báo Online số 3866 ngày 2-11-2005, số người tham dự khoảng 200 người. Theo ông Lê Công, Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do (CĐNVTD) ở Canberra, rạp hát khoảng 1,200 ghế ngồi, ở tầng chính dưới cùng (tầng trệt), có khoảng 900 ghế ngồi, còn tầng trên thì rất khó xem. Ông Lê Công cho biết: "Theo lời kể của những người vào nghe thì không đến con số của ban tổ chức phổ biến đâu. Ít hơn nhiều lắm." (RFA ngày 1-11-2005). Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, Chủ tịch CĐNVTD Liên bang Úc Châu, thì số người vào xem khoảng 400 người (Người Việt Online, ngày 2-11-2005). Những người vào xem là nhân viên ngoại giao các nước trên thế giới ở thủ đô Canberra, những nhà kinh doanh ngoại quốc, những nhân viên sứ quán Việt Nam tại Úc và gia đình, những du học sinh Việt Nam tại Úc và thân hữu.

Báo Thanh Niên đã phóng đại số người hiện diện bên trong nhà hát. Còn " bên ngoài vẫn cò hàng trăm người không có vé vào...", không phải để "vào xem", mà họ muốn vào để bày tỏ thái độ phản đối nhà cầm quyền CSVN đã chà đạp nhân quyền, không tôn trọng tự do của dân chúng Việt Nam trong nước. Chính ban tổ chức của CSVN cũng tiên liệu việc nầy, nên "suốt cả ngày toàn đoàn (từ đạo diễn, các ca sĩ đến người mẫu, nhạc công, vũ công...) đã phải "đóng đô" tại nhà hát, ăn cơm hộp và cả tắm giặt ở đây từ sáng cho đến giờ diễn (vì phải tổng dượt chương trình và ai cũng muốn tiết mục của mình là hoàn thiện nhất)..." (trích nguyên văn, Thanh Niên, ngày 1-11-2005). Đoàn văn công CSVN vào bên trong nhà hát thật sớm không phải chỉ để tập dợt chương trình, mà chính là để tránh bị đoàn biểu tình của CĐNVTD phản đối.

Thật vậy, lúc đó ở bên ngoài, theo ước lượng của báo chí, ít nhất có khoảng trên 1,000 người Việt đang biểu tình. Có báo cho biết từ 2,000 đến 3,000 người. Canberra là thủ đô hành chánh của Úc Đại Lợi, nên ở đây đa số là công chức, nhân viên chính phủ và rất ít người Việt sinh sống. Số người Việt biểu tình lên đến ít nhất 1,000 là khá đông. Chính tờ báo Anh ngữ địa phương, Canberra Times ngày 1-11-2005, đã viết rằng đây là cuộc biểu tình lớn nhất từ nhiều năm qua. (Calitoday, ngày 2-11-2005).

Chính cũng vì sợ người Việt ở Úc Châu biểu tình phản đối, nên vé vào cửa là vé mời, hoàn toàn tặng không biếu không. Sở dĩ tặng không, biếu không vì ban tổ chức phải chọn lựa đối tượng vào xem, chứ nếu bán vé cho mọi người mua, thì làm sao kiểm soát được khán giả" Ban tổ chức phải chọn lựa đối tượng vì ban tổ chức sợ những người vào xem nổi lên đã đảo cộng sản ngay trước mặt quan khách, ngoại giao đoàn, thì thật là "bể dĩa". Dĩ nhiên điều nầy được quyết định từ Hà Nội, chứng tỏ Hà Nội cũng rất lo lắng phản ứng của CĐNVTD.

Dầu đã đề phòng kỹ càng như vậy, mà vẫn xảy ra biến cố bất ngờ. Cũng theo các báo, khi cuộc trình diễn vừa bắt đầu, thì có bốn bạn trẻ, trong đó có một cô gái, đứng lên cởi áo ngoài, giương cao hai lá cờ vàng ba sọc đỏ, hô nhiều khẩu hiệu bằng Anh ngữ đả đảo chế độ CSVN, và chụp hình. Lập tức, ban tổ chức nhào tới tấn công bốn người nầy, phá bàn máy hình, làm hỏng memory card. Trước cảnh bạo động của chính ban tổ chức, nhiều khán giả đã bỏ ra về. (Viet Bao Online, số 3866, ngày 2-11-2005). Đây là hoạt cảnh "duyên dáng" đầu tiên của đoàn văn công CSVN chào mừng quan khách Úc Châu.

Chẳng những người Úc gốc Việt, mà những cư dân địa phương cũng phản đối cuộc lưu diễn của đoàn văn công CSVN. Buổi trưa cùng ngày 31-10-2005, trước khi có cuộc biểu diễn DDVN, cũng tại Canberra, ông Chris Bowen, dân biểu Liên bang, đại diện cư dân vùng Prospect tại NSW, trong bài diễn văn tại Quốc hội, đã nói: "Tối nay, ngay tại Canberra và cách đây không xa, sẽ có một buổi trình diễn văn nghệ tên "Duyên dáng Việt Nam. Buổi trình diễn nầy được chính phủ CSVN bảo trợ để mừng 60 năm CHXHCNVN. Quốc hội Úc cần phải biết rằng rất nhiều người Việt tại Úc không thấy có gì để ăn mừng cả..." Tiếp đó, dân biểu Bowen điểm sơ một vài nét "duyên dáng" của CSVN, như sau: "Cơ quan Quốc tế Kiểm soát Tham nhũng đã xếp hạng Việt Nam vào hạng thứ 102 trên 146 nước, Việt Nam là một trong 4 nước trên thế giới có một chính phủ tham nhũng nhất. Vào năm 2004, Hội Phóng viên Không biên giới đã xếp Hà Nội vào hạng 161 trên 167 nước tệ hại nhất. Việt Nam hoàn toàn bị loại trong mọi cuộc tham khảo về nhân quyền. Tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do lập hội hoàn toàn không có tại Việt Nam để mà ăn mừng qua cái gọi là Gala Duyên dáng Việt Nam diễn ra tối nay..." Cuối cùng, dân biểu Bowen nhắn với CĐNVTD tại úc: "Từ Tòa nhà Quốc hội Úc, tôi muốn gởi đến những người biểu tình thông điệp hỗ trợ của Quốc hội Úc và thông điệp xin mọi người hãy đứng lên để giành cho được nền dân chủ cho Việt Nam." (Viet Báo Online, số 3866, ngày 2-11-2005). Quả thật, ngay hôm biểu tình đầu tiên, nhiều vị dân cử liên bang cũng như địa phương Úc đã đến bày tỏ sự ủng hộ cuộc biểu tình của CĐNVTD.

Cũng trong ngày 31-10-2001, CĐVNTD đã đăng một bản tuyên bố trên báo The Australian, phát hành toàn liên bang Úc, kêu gọi dân chúng Úc ủng hộ hai đề nghị sau đây: "Một là chính quyền Úc nên ra lịnh để điều tra coi tiền viện trợ của Úc dã bị nhà nước Cộng Sản việt Nam bòn rút bao nhiêu. Hai là tái xét để coi trong tương lai còn cần viện trợ bao nhiêu nữa, và, nếu còn, thì hãy dùng một số tiền viện trợ để bảo vệ nhân quyền của người dân Việt." (Người Việt Online, ngày 3-11-2005.)

Một điều khá lý thú là tại một nước dân chủ tự do, tôn trọng những quyền căn bản của con người, nhất là tự do báo chí, mà nhà Tòa Đại sứ CSVN đòi kiện tờ The Australian, vì đã đăng thông điệp trên đây của CĐNVTD ở Úc. (Việt Luận, Úc Châu, 4-11-2005.) Rất mong CSVN đừng đe dọa suông, mà thật sự đâm đơn đưa báo The Australian ra trước Tòa án Úc Châu hay Tòa án Quốc tế La Haye, để thực tập cho biết thế nào là tự do dân chủ, ngõ hầu đem về ứng dụng tại Việt Nam. Rất may là báo The Australian xuất bản ở Úc, chứ ở Việt Nam là tờ báo bị đóng cửa tức khắc và ban chủ trương sẽ được đi học tập vô thời hạn ở những vùng rừng thiêng nước độc, không khác gì một thời Nhân Văn và Giai Phẩm.

Trận đụng độ thứ nhì tại Sydney Town Hall vào ngày 2-11-2005 hấp dẫn không kém trận đấu thứ nhất. Bên trong nhà hát, khi chương trình bắt đầu, một phụ nữ đã đứng lên hô lớn "Human Right for Vietnam", làm cho toàn thể khán giả xôn xao. Bà liền bị ban tổ chức bắt và đuổi ra ngoài.(Calitoday, 2-11-2005.)

Số lượng người biểu tình bên ngoài nhà hát, phản đối cuộc trình diễn của đoàn văn công CSVN ở Sydney lần nầy, đông hơn rất nhiều so với cuộc biểu tình lần trước. Nếu lạc quan, thì người ta nghĩ rằng số người biểu tình lên đến 20,000 người, nếu khiêm nhượng thì khoảng 17,000 (Calitoday, 2-11-2005), hay 15,000 người (Việt Luận, Úc Châu, 4-11-2005), và nếu khiêm nhượng hơn nữa thì khoảng 10,000 người (Người Việt Online, California, 3-11-2005.)

Mười ngàn người Việt đồng thuận biểu tình chống lại cuộc văn hóa vận của CSVN đã là cuộc bỏ phiếu quá lớn lao rồi. Cần chú ý là ban Tổ chức biểu tình lần nầy gồm đa số là các anh em thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Úc Châu, tức là thế hệ trẻ hiện nay ở Úc, tương lai của CĐNV ở hải ngoại. Hoan hô các bạn trẻ Úc Châu. Trong lúc biểu tình diễn ra, người ta nghe được lời chúc mừng của một nhà hoạt động dân chủ trẻ trong nước là anh Phương Nam Đỗ Nam Hải. Anh Đỗ Nam Hải đã từng du học ở Úc, về nước hoạt động, cổ võ cho dân chủ tại Việt Nam. Vì vậy Đỗ Nam Hải đã bị CSVN buộc thôi việc và ngăn cản không cho các cơ quan nhận anh vào làm việc. Anh Đỗ Nam Hải tuyên bố hoàn toàn ủng hộ cuộc biểu tình của CĐNVTD ở Úc để chống nền độc tài hiện nay ở trong nước. (Calitoday, 2-11-2005).

Cũng như lần trước, cùng tham dự biểu tình của đồng bào Việt Nam, còn có những vị dân cử Liên bang và địa phương, trong đó có nghị sĩ David Clark. Các vị nầy đã lên diễn đàn phát biểu ủng hộ cuộc biểu tình của CĐNVTD, ủng hộ công cuộc tranh đấu cho lý tưởng dân chủ tự do của người Việt Nam, và hô những khẩu hiệu đả đảo CSVN. (Calitoday, 2-11-2005 và Việt Báo Online, số 3867, ngày 3-11-2005.)

Sự thành công lớn lao của Ban Tổ chức biểu tình lần nầy là: dù số lượng người tham gia đông đảo để chống lại chế độ CSVN, nhưng cuộc biểu tình rất trật tự, ôn hòa. Đến khoảng 10 giờ đêm, một đại diện Ty Cảnh sát địa phương đã ngỏ lời cảm ơn và ca ngợi đoàn biểu tình đã tỏ ra bất bạo động, nghiêm túc tôn trọng luật pháp. (Việt Báo Online, số 3867, ngày 3-11-2005.) Đó chính là biểu hiện cao độ của sinh hoạt tự do dân chủ, thể hiện ý nguyện của mình một cách hòa bình, trật tự, trong vòng luật pháp.

Như thế, kết quả cuộc viễn du "Duyên dáng Việt Nam" của đoàn văn công cộng sản do chính ông Phan Văn Khải, thủ tướng nhà cầm quyền Hà Nội chỉ đạo, đã hoàn toàn thất bại. Một số ca sĩ, người mẫu về nước trước, một số khác ở lại để tăng cường cho chương trình "Tiếng hát và nụ cười", giai đoạn thứ nhì của cuộc lưu diễn. "Tuy tầm mức quan trọng khác nhau, nhưng cũng vẫn chống." (Lời ông Nguyễn Mạnh Tiến, Chủ tịch CĐNVTD Liên bang Úc Châu, Người Việt Online, 5-11-2005.) Như thế có nghĩa là CSVN còn tiếp tục trình diễn, CĐNVTD vẫn còn tiếp tục biểu tình chống đối.

Cuộc đụng độ thứ ba vào ngày 4-11-2005 tại Bankstown Town Hall, một thị trấn nằm ở gần Sydney, càng hấp dẫn hơn nữa, nhờ hai biến cố hậu biểu tình. Về phía CSVN, cuôc trình diễn nầy mang tên là "Tiếng hát và nụ cười", có một thay đổi quan trọng: ban tổ chức đã bán vé vào xem, chứ không miễn phí như hai lần vừa qua. Lần nầy thì phải nói CSVN thảm bại. Theo sự ước lượng của báo chí, tuy rạp hát có thể chứa 700 chỗ ngồi nhưng số người vào xem chỉ khoảng 100 người (Người Việt Online, 5-11-2005.) Phía bên ngoài, số người biểu tình lên đến trên 8,000 người. Các đại diện dân cử Liên bang cũng như địa phương đã đến bày tỏ sự ủng hộ đối với đoàn biểu tình.

Trước khi cuộc biểu tình chấm dứt, ông Cảnh sát trưởng của thành phố Bankstown đã lên tiếng như sau: "Tôi cảm ơn quý vị và bày tỏ lòng ngưỡng mộ của các nhân tôi đến tinh thần ôn hòa, bất bạo động của quý vị trong cuộc biểu tình nầy. Tôi nghĩ rằng quý vị hãy hãnh diện về văn hóa cao đẹp của quý vị, đã cho chúng tôi thấy đặc thù tốt đẹp của Cộng đồng Việt Nam. Tôi chúc mừng cuộc biểu tình thành công nầy và mong quý vị hãy tiếp tục điều tốt đẹp đã có." (Calitoday, ngày 5-11-2005.)

Vào cuối cuộc biểu tình lần thứ ba ngày 4-11-2005, nhưng hai biến cố làm cho cuộc biểu tình nầy trở nên sôi động. Thứ nhất, ông Phan Đông Bích, chủ tịch CĐNVTD New South Wales, thông báo vào cuối cuộc biểu tình rằng Hội đồng Thành phố Bankstown đã ra quyết định từ nay không cho các đoàn văn công ở trong nước Việt Nam đến thành phố Bankstown trình diễn văn nghệ. Đây là một thành công lớn ngoài mức dự đoán của CĐNVTD ở Úc.

Thứ hai, sau khi đoàn biểu tình giải tán, chỉ còn một vài người ở lại để thu dọn vệ sinh lần chót, thì một người biểu tình đã bị một số người lạ mặt tấn công. Cảnh sát sở tại đã để cho toán người bạo động nầy chạy trốn vào rạp hát. Người biểu tình nghe vậy, quay trở lui, và kéo đến đồn cảnh sát phản đối. Tại đây, luật sư Võ Trí Dũng, Phó chủ tịch CĐNVTD tại New South Wales bị cảnh sắt bắt giữ. Các ông Chủ tịch, Phó chủ tịch CĐNVTD Liên bang Úc Châu cùng các luật sư cố vấn pháp luật đến can thiệp, đồn cảnh sát mới chịu thả luật sư Võ Trí Dũng. Luật sư Nguyễn Văn Thân, nguyên chủ tịch CĐNVTD ở New South Wales, nay là cố vấn pháp lý cho đoàn thể nầy, đã đưa các nhân chứng để cảnh sát lập hồ sơ. Theo luật sư Thân, vụ việc nầy cần được tách ra làm hai phần: Thứ nhất CĐNVTD sẽ truy tố những người hành hung ra trước pháp luật. Thứ hai CĐNVTD sẽ có những phản ứng pháp lý thích hợp với trường hợp cảnh sát đã để cho những người hành hung tẩu thoát và cảnh sát cầm giữ luật sư Võ Trí Dũng. (Calitoday, 5-11-2005.)

Cuộc biểu tình thứ tư diễn ra tại Melbourne, ngày Chủ Nhật 6-11-2005. Theo lời tường thuật trên diễn đàn Paltalk nghe được trên báo điện tử Ánh Dương ngày Chủ Nhật 6-11-2005, thì số người biểu tình của đồng bào Việt Nam tại Dallas Brook Hall, nơi đoàn văn công CSVN trình diễn, lên đến khoảng 3,000 người. Chỉ có khoảng 100 người vào xem, trong đó có ba người bị đuổi ra với đầy thương tích. Nặng nhất là em Lê Quốc Khánh, bị bốn người lôi ra trước. Em cởi áo ngoài để lộ một lá cờ vàng, biểu tượng của người Việt Tự do hải ngoại, rồi ngã gục. Thân thể em bầm tím ở nhiều nơi. Dân chúng phải gọi xe cấp cứu đưa em đi bệnh viện. Phụ thân của em Khánh là ông Lê Phương cũng bị kéo ra. Ông không bị nặng như em Khánh. Nội vụ đã được cảnh sát lập biên bản để cơ quan trách nhiệm giải quyết.(Tin trong phần "Đóng góp ý kiến" ngày 6-11-2005, bài "Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu biểu tình chống CSVN" trên Đàn Chim Việt.)

Ngang đây, chấm dứt chương trình "Duyên dáng Việt Nam" của CSVN. CĐNVTD Úc Châu hoàn toàn thành công trong việc chận đứng âm mưu tuyên truyền của CSVN. Xin chúc mừng đồng bào và anh chị em Úc Châu. Đặc biệt xin hoan hô anh chị em thanh niên Úc Châu đã tích cực đóng góp vào sự thành công của cuộc tranh đấu nầy.

Trong kế hoạch thực hiện nghị quyết 36/NQ-TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị đảng CSVN, CSVN muốn lợi dụng văn nghệ, nghệ thuật để quảng cáo ra nước ngoài hình ảnh một nước Việt Nam đang đổi mới, nhắm kêu gọi doanh nhân quốc tế đến Việt Nam đầu tư. Tuy nhiên họ quên hai điều: Thứ nhất, người nước ngoài chẳng hiểu gì về tiếng Việt, nên "vô tri bất mộ" (không biết thì không thích). Một khán giả Úc tên là Adam đã nói với ký giả báo Việt Luận ở Úc Châu, ngay sau đêm trình diễn đầu tiên ở Canberra: "Ngoài một số phụ nữ xinh đẹp trên sân khấu, tôi chẳng thấy có gì là duyên dáng."(Except some beautiful ladies on the stage, I did not see anything charming.) (Việt Luận Online, trích ngày 5-11-2005.) Thứ hai, nguyên tắc kinh doanh căn bản của người Tây phương là "Thương mãi là thương mãi" (Business is business), nghĩa là chỉ có vấn đề tính toán lời lỗ trong buôn bán, chứ không phải đem chuyện văn nghệ ra quảng cáo là đủ. Muốn người ta đến buôn bán, ngày nay cần thiết nhất là phải có luật lệ kinh doanh thành văn rõ ràng, phù hợp với luật lệ quốc tế, không tham nhũng, giải quyết công việc nghiêm túc và nhanh chóng, để doanh nhân dựa vào đó mà tính toán công việc thương mãi.

Chẳng cần phải nhờ đến "Duyên dáng Việt Nam", CSVN cứ về nhà đóng cửa học tập, sửa đổi luật lệ cho phù hợp với thế giới, giáo dục cán bộ, loại trừ tham nhũng, thì người nước ngoài sẽ đến kinh doanh nhanh chóng, chứ không phải lỗi tại các thế lực phản động ngăn trở. Bằng chứng là sau 1975, nhiều nước cựu thù với CSVN, đồng minh của Việt Nam Cộng Hòa, vẫn đến đầu tư ở Việt Nam với cộng sản, vì họ thấy có lợi thì họ làm, nhưng một khi họ thấy bị tham nhũng quấy nhiễu, luật rừng phá rối, thì họ không đến nữa.

Đối với cộng đồng người Việt trên thế giới, Việt Nam duyên dáng thật, nhưng tuyên truyền cho CSVN là chuyện khác. Bằng nghị quyết 36/NQ-TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị đảng CSVN, CSVN đang kiếm cách tuyên truyền kêu gọi người Việt trên thế giới về Việt Nam đầu tư, du lịch và nếu có thể ở lại sinh sống trong nước. Cộng sản Việt Nam nhiều lần tỏ ý muốn hòa giải hòa hợp với "khúc ruột ngàn dặm". Nói cho cùng, người Việt Nam nào lại không yêu nước" Người Việt Nam nào lại không nhớ quê" Tuy nhiên, cần chú ý: người Việt bỏ nước ra đi từ năm 1975 cho đến nay đã tạm yên ổn nơi quê hương thứ nhì. Người Việt hải ngoại đã trở thành công dân của nước họ đang sinh sống, làm ăn, đóng thuế cho chính phủ sở tại, tham gia sinh hoạt chính trị địa phương, tự do bầu cử những đại biểu mà mình chọn lựa, rất bằng lòng với không khí tự do dân chủ theo kiểu Tây phương, và người Việt hải ngoại không có nhu cầu, cũng như chẳng thấy cần thiết gì để hòa giải hòa hợp với chế độ CSVN trong nước.

Cũng nên thêm ở đây, nhóm "Việt kiều yêu nước", kể cả những nhà trí thức chạy về nước cộng tác, cũng chẳng có nhu cầu hòa giải hòa hợp với CSVN, vì sự nghiệp của họ, công ăn việc làm của họ, đã vững chắc ở nước ngoài. Thực tế, những người nầy cũng chống cộng, không chấp nhận nền độc tài đảng trị cộng sản nên mới bỏ nước ra đi. Sau khi yên vị ở nước ngoài, không phải họ quên quá khứ, trở về xây dựng đất nước, mà họ chỉ về Việt Nam xu phụ với đảng CSVN kiếm thêm chút đỉnh danh lợi cá nhân hay gia đình, kiếm thêm chừng nào hay chừng đó. Nếu kiếm được thì tốt. Nếu kiếm không được thì họ rút về lại hậu cứ ở nước ngoài, chẳng mất mát gì cả, vì họ đâu có dám đem vợ con về trong nước định cư đâu"

Sau 1975, nghệ sĩ Trần Văn Trạch, nói một câu bất hủ: "Ở Việt Nam, cái cột đèn cũng muốn ra đi." Có nhiều người cho rằng ông Trần Văn Trạch quá cường điệu. Ngày 3-11-2005, trong lúc chương trình DDVN đang còn tiếp tục tại Úc Châu, thì chẳng cường điệu tý nào, đài BBC loan báo rằng người ta đã tìm thấy một em bé trai người Việt mới 14 tuổi đang ngoi ngóp trong nước biển lạnh buốt gần một cầu cảng trong vịnh Swansea, miền nam xứ Wales. Em bé nầy nói với cảnh sát Anh rằng em và ba người nữa lén trốn trên một chiếc tàu chở hàng ở Bắc Việt. Khi đến bờ biển Anh sau một cuộc hải trình 6,000 dặm, cả bốn nhảy xuống biển bơi vào bờ, nhưng lực lượng tuần duyên không tìm được ba người kia.(BBC Vietnamese, 3-11-2005, các báo Cali đưa tin tiếp.) Vì ai mà một em bé 14 tuổi cũng phải liều mình bỏ nước ra đi" Câu trả lời thuộc về đảng CSVN.

Do đó, nếu CSVN thực sự muốn tạo ra sự HÒA GIẢI HÒA HỢP DÂN TỘC, thì chế độ CỘNG SẢN VIỆT NAM HÃY HÒA GIẢI HÒA HỢP VỚI CHÍNH CÔNG DÂN VIỆT NAM Ở TRONG NƯỚC, HÃY TÔN TRỌNG TỰ DO CÔNG DÂN, HÃY ĐỂ CHO CÔNG DÂN VIỆT NAM HƯỞNG ĐẦY ĐỦ QUYỀN LÀM NGƯỜI quy định trong bản tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc vào ngày 10-12-1948, hãy giảm nhà tù, tôn trọng những người bất đồng chính kiến. Khoảng đầu thập niên 90, ở Hoa Kỳ có một em nữ sinh trung học Hoa Kỳ gốc Việt Nam đoạt giải nhất trong một kỳ thi viết văn hàng năm, với kinh nghiệm bản thân và gia đình, đã viết một câu như sau, đáng để cho CSVN suy nghĩ: "Tự do là điều mà tôi phải bảo vệ, để anh/chị có quyền đưa ra những ý kiến, mà những ý kiến đó trái ngược với ý kiến của tôi." Một khi làm được như thế, hòa giải hòa hợp được với công dân Việt Nam trong nước, tạo điều kiện cho những em bé ngây thơ vui sống, chứ đừng để cho trẻ thơ chỉ mới 14 tuổi phải liều mình chọn lựa, thì chẳng cần "Duyên dáng Việt Nam", chẳng cần nghị quyết gì cả, người Việt ở hải ngoại sẽ tự động tìm về đất tổ, và sẽ cùng với đồng bào trong nước xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, giàu có và vững mạnh.

Tờ báo Thanh Niên ở trong nước, mà ông tổng biên tập là trưởng phái đoàn DDVN, đã đưa ra nhiều bài báo ca tụng sự "thành công" của chương trình DDVN. Đó là bổn phận của tờ báo nầy, vừa đối với nhà nước cộng sản, vừa đối với ông tổng biên tập. Tuy nhiên, thành công sao lại bị Hội đồng thành phố Bankstown ở Sydney ra quyết định từ nay cấm tất cả những đoàn văn nghệ từ trong nước Việt Nam đến thành phố nầy trình diễn" Thành công sao mà những đại diện dân cử Úc đã lên án chế độ CSVN về nhiều lãnh vực, ngay tại Quốc hội Liên bang và ngay trước khi DDVN bắt đầu, và cả trong khi DDVN đang trình diễn" Ngoài ra, phải chăng việc hành hung những khán giả không trang bị bất cứ một vũ khí nào khi vào xem, là "thành công""

Thật ra chuyến lưu diễn DDVN của CSVN là một cuộc thất bại lớn về ngoại giao, và điều thất bại lớn nhất của CSVN trong lần nầy, là một lần nữa, chính sự hiện diện của cộng sản đã tạo nên mối đoàn kết của Cộng đồng người Việt hải ngoại và nhất là tạo cơ hội cho lá cờ vàng có dịp tung bay phất phới khắp bầu trời Úc Châu, nghĩa là tạo cơ hội cho lá cờ vàng vốn duyên dáng lại thêm phần duyên dáng tại tất cả những nơi có người Việt tụ tập.

Cho nên, dầu ông đại sứ Marine có nói gì đi nữa, thì "lá cờ khác đó", lá cờ biểu tượng của CĐNVHN, vẫn vững vàng như kiềng ba chân, vẫn là biểu tượng của tinh thần chống cộng bất khuất của người Việt lưu vong, vẫn luôn luôn ngạo nghễ tung bay khắp năm châu, và chắc chắn một ngày kia sẽ trở về phất phới dưới bầu trời tổ quốc thân yêu như một bài hát của nhạc sĩ Lê Kim Hòa đã viết từ trước năm 1975: "... Cờ bay, cờ bay tung trời ta về với quê hương..."

TRẦN GIA PHỤNG

(Toronto, 7-11-2005)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.