Hôm nay,  

Nhân Triển Lãm Tranh Sơn Mài Đằng Giao Tại Việt Báo Gallery

27/01/200700:00:00(Xem: 4689)

Nhân Triển Lãm Tranh Sơn Mài Đằng Giao  Tại Việt Báo Gallery

Từ Chủ Nhật 28-1-2007: Đằng Giao Sáng Tạo Trong Nghệ Thuật Sơn Mài

Họa sĩ Đằng Giao và vợ ông, bà Chu Vị Thủy.

Từ trưa Chủ Nhật 28 tháng 1, 2007, triển lãm tranh sơn mài của hoạ sĩ Đằng Giao sẽ được khai mạc tại Việt Báo Gallery, số 14841 Moran St., Westminster, California. Là truyền nhân của nhà danh hoạ Nguyễn Gia Trí, bậc thầy nghệ thuật sơn mài của Á châu, tranh sơn mài nghệ thuật của Đằng Giao từ nhiều năm qua rất được yêu thích. Việt Báo Gallery kính mời quí vị thân hữu và những người trân trọng nghệ thuật sơn mài Việt Nam thăm viếng phòng tranh sơn mài độc đáo này. Lễ khai mạc bắt đầu lúc 11 giờ trưa chủ nhật, có sự hiện diện của hoạ sĩ.

Sau đây là bài viết của nhà báo Trường Kỳ viết về Đằng Giao.

*

Với riêng cá nhân tôi, Đằng Giao là một người anh rất nghệ sĩ qua tính tình, qua khả năng trong lãnh vực truyền thông và đặc biệt là hội họa. Anh là một trong vài người đã khuyến khích tôi tiếp tục nghề viết báo khi giới thiệu tôi cộng tác với tờ "Sống" Chủ Nhật do nhạc phụ anh là nhà văn Chu Tử làm chủ nhiệm trong một thời gian khá dài. Từ đó đến nay đã đến 40 năm. Anh cũng là người đảm trách phần trang trí sân khấu cho buổi Đại Hội Nhạc Trẻ do nhật báo "Sống" tổ chức và do nhóm chúng tôi thực hiện chương trình vào năm 1968. Buổi Đại Hội Nhạc Trẻ tổ chức tại rạp Đại Nam để cứu trợ nạn nhân bão lụt này đã gây được một tiếng vang rất lớn. Sau đó anh còn là người trình bày toàn bộ những tuyển tập "Tình Ca Nhạc Trẻ" và một số sách do tôi thực hiện và do nhà Hiện Đại phát hành tại Việt Nam.

Những liên hệ này khiến anh em chúng tôi càng ngày thân tình hơn, cho đến khi xẩy ra biến cố tháng 4 năm 75.  Mấy năm sau, tôi vượt biên và anh ở lại. Nhưng  tôi vẫn thăm hỏi và được biết vợ chồng anh đã từng trải qua những chưỗi ngày thật cam go và vất vả trong thời gian còn cư ngụ trên đường Công Lý sau khi trải qua 8 năm tù cải tạo

Họa sĩ Đằng Giao trước tác phẩm của ông

Cách đây vài tháng, anh em chúng tôi mừng rỡ gặp lại nhau, khi tôi đến thăm vợ chồng anh tại ngôi nhà trên đường Nguyễn Trọng Tuyển ở Phú Nhuận,  nơi anh lập một xưởng vẽ sơn mài trên sân thượng. Trong một bữa cơm gia đình thân mật đầy hương vị quê hương với đậu phụ chiên, tôm rim, canh mồng tơi riêu cua, cà pháo mắm tôm, vv... do chị Chu Vị Thủy thết đãi, tôi đã được nghe đôi lời tâm sự của Đằng Giao.

"...Đối với tôi, chẳng có điều gì trên đòi này có thể làm tôi say mê bằng chuyện vẽ vời.  Tôi có thề sống ngày này qua ngày khác trong cái xưởng vẽ tuốt luốt ở trên nóc nhà lợp tôn, nóng như cái ló lửa mà "background" là cái sân phơi quần áo của vợ tôi. Khung như vậy không làm giảm đi nỗi say sưa của tôi khi vẽ lên nét trong trẻo, thanh khiết của mầu áo lụa Hà đông cũng như vẻ rực rỡ của mầu hoa Đào trước gió xuân. Khi vẽ, tôi đã quên đi tất cả những bừa bộn chung quanh cũng như những bừa bộn của chính cuộc đời mình. Tôi vẽ chỉ để cho tôi, cho nỗi thỏa thuê trong lòng, không phải để bán, để kiếm tiền.  Thoạt đầu là vậy. Nhưng người ta có câu "có thực mới vực được đạo". Và tôi bắt đầu bán tranh để có thể vực được cái đạo của mình mà vẫn lo được chuyện cơm áo cho gia đình"

Bước vào lãnh vực hội họa từ hơn  gần 50 năm nay,  Đằng Giao vẫn luôn giữ cho mình một chỗ đứng riêng biệt với những nét sáng tạo độc đáo. Sự sáng tạo đó đã được thực hiện một cách cụ thể hơn cả qua việc tự học hội họa của anh, không qua một trường lớp nào.

Sau thời trung học tại trường Chu Văn An, được nhận vào Đại Học Kiến Trúc  năm 1959, nhưng Đằng Giao đã quyết định đi theo con đường làm báo mà anh rất say mê. Anh là tổng thư ký  nhật báo Sống, của nhà văn Chu Tử, người sau đó trở thành nhạc phụ của anh.

Đằng Giao kể là ngay từ những năm còn trong tù cải tạo, anh đã quyết định trọn đời gắn bó với hội hoạ. Từ trại tù cải tạo trở về vào năm 1983, qua nhà thơ Hà Thượng Nhân và nhà báo Hiếu Chân, anh tìm đến với nhà danh hoạ Nguyễn Gia Trí, một bậc thầy về ngành sơn mài.

Mới nghe Đằng Giao ngỏ ý muốn thụ giáo về sơn mài, cụ Trí đã phán ngay "Ui giời ơi, thời buổi này vẽ tranh có chó nó mua!". Tuy vậy Đằng Giao vẫn quyết tâm theo học.  Tuy nói là học, nhưng chỉ là học...chay, tức chỉ có lý thuyết vì Đằng Giao lúc đó còn đang trong hoàn cảnh khó khăn, không có tiền mua sơn và vật liệu làm sơn mài. Thời kỳ này, mỗi buổi sáng anh còn phải đạp xe đi mua cải để vợ muối dưa bán trước của nhà trên đường Công Lý. Và chiều chiều còn phải mang củi ra chẻ để nấu ăn ngay trước cửa!

Sau khi theo học cụ Trí một thời gian, Đằng Giao ghi nhận được một số căn bản để tự học, tự khai thác cho nên hoàn toàn không bị ảnh hưởng nào về hội họa của cụ Trí.  Cũng như cụ Nguyễn Gia Trí đã cho biết , cụ chỉ  chỉ dẫn cho anh  những kinh nghiệm đã trải qua  mà khuyên anh  nên giữ những nét đặc thù của riêng mình. Nhất là phải nghĩ ra một cái gì mới, tức là cần phải khai thác đầu óc sáng tạo của mình. Anh vẫn nhớ mãi lời của cụ Trí từng nói: "Chừng nào anh vẽ được một bức tranh, người ta khỏi phải nhìn anh , khỏi nhìn chữ ký mà cũng biết là của anh. Thế là anh thành công!"

Ap dụng câu nói của cụ Trí, Đằng Giao đã thành công ngay từ bước đầu với những bức sơn mài khổ nhỏ, trong thời kỳ anh còn gặp phải rất nhiều hạn chế. Tranh sơn mài Đằng Giao dần dà thu hút được một số khách ngoại quốc, đặc biệt là những khách hàng ở Singapore. Nhờ đó tình trạng kinh tế của gia đình anh khá hơn phần nào.  Như Đằng Giao đã tâm sự thành thật, là nhờ có "thực" nên anh đã "vực" được cái đạo hội họa sơn mài của mình lên tới mức cao hơn trước rất nhiều.

Vào năm 2003, anh quyết định mang một số tranh sơn mài sang Mỹ triển lãm.  Từ tháng 10 năm 2003, tranh của anh được trưng bầy tại phòng sinh hoạt của nhật báo Người Việt vùng Little Saigon. Trong suốt 10 ngày triển lãm, sơn mài Đằng Giao, với mầu sắc rạng rỡ và linh hoạt, đã thu hút được một số lượng người kỷ lục. Họ tấm tắc, họ xuýt xoa trước những hoạ phẩm thực hiện bằng sơn mài, khác hẳn những bức sơn mài cổ điển họ từng mang ấn tượng trong đầu trước đó. 

Đằng Giao tâm sự là vợ chồng anh rất cảm kích trước việc ông Đỗ Ngọc Yến, người sáng lập nhật báo Người Việt và các anh em tại đây đã dành nhiều ưu ái cho anh, trong suốt thời gian trưng bầy tranh tại phòng sinh hoạt của nhật báo này. 

Lần triển lãm đầu tiên trên đất Mỹ năm 2003 đó đã lưu lại nơi Đằng Giao khá nhiều Kỷ niệm vui. Hỏi về việc bán tranh,  anh kể:

"Có người mua tranh thì cò kè trả giá. Có người thì vô cùng hào phóng, trân trọng. Ngày triển lãm ở Cali, tôi đã bán được khá nhiều tranh, trong đó có một bức lớn, kích thước 1m x 2m, đề giá 11 ngàn dollars,  là giá cao nhất trong số tranh trưng bầy lúc đó. Bức tranh lớn này được bán cho ông bà Hoàng Trọng Tuệ.  Đây cũng là một kỷ niệm rất đẹp cho tôi vì thái độ mua tranh của ông bà Tuệ rất là trân trọng họa sĩ khi viết chi phiếu trả đủ số tiền được ghi trên bức tranh, không một chút thắc mắc có thể bớt giá hay không.

Cũng có người mua tranh không hề có ý định mặc cả, chỉ nói là rất thích bức tranh, nhưng khả năng không đủ.  Tôi cũng hiểu đời sống ở Mỹ mọi sự chi tiêu đều có budget. Nhưng dù sao lý do xin giảm giá cũng làm cho tôi cảm xúc vì hiểu tác phẩm mình được yêu mến. Tất nhiên cũng có lời đề nghị giảm giá xuống đầy tính cách mặc cả quyết liệt như một món hàng hoá và làm tôi tổn thương không ít. Nhưng dù có thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn tri ơn những thái độ thưởng ngoạn đã dành cho những tác phẩm của mình."

Ngoài Orange County, cuộc triên lãm họa phẩm sơn mài khác của Đằng Giao ở San Jose vào cuối năm 2003 cũng được những người yêu nghệ thuật đón nhận một cách rất nhiệt tình.  Đằng Giao cho biết anh đã có được một kỷ niệm khó quên trong cuộc triển lãm diễn ra  tại một địa điểm rông rãi mà công ty Lee Sandwiches nhã ý dành cho anh. 

"Tôi cứ nhớ hoài kỷ niệm về một bác gái đã lớn tuổi tới xem tranh của tôi và cụ nhất định phải mua cho bằng được một bức tranh vẽ hai thiếu nữ rất trữ tình. Vợ tôi đi giao bức tranh cho cụ và thái độ của cụ khi đón nhận hức tranh cũng đầy tình cảm như khi trao tiền.  Điều này làm cho vợ chông tôi mãi mãi không quên."

Ở Việt Nam, sau khi triển lãm ở Mỹ trở về cũng thế,  Đằng Giao đã không tránh khỏi xúc động về một trường hợp đến nhà anh mua tranh của một bà cụ khác...

"...Lúc mới nhìn thấy bà cụ, tôi hơi giật mình vì bà cụ đúng là một người già xứ quê. Mộc mạc và chắt chiu. Biết tôi ngạc nhiên, bà cụ nói  "Tôi không biết tranh cỏ gì cả,. Nhưng con gái tôi ở Mỹ, nhờ tôi gặp ông họa sĩ và mua giùm cho nó. Chả là lúc ông qua bầy tranh ở  đó, con tôi đã không mua được vì tranh cuả ông bán đắt quá. Nó bảo chờ ông về lại Việt Nam thì hy vọng tranh sẽ bán rẻ hơn. Tôi ở Hố Nai xuống Sài Gòn, tìm địa chỉ của ông theo con tôi nó dặn. Và con tôi muốn có một bức tranh vẽ hoa sen của ông. Nó bảo ông vẽ hoa sen rất đẹp và nó rất thích". Tính cách nói năng của bà cụ khiến tôi thật cảm động vì tình thương con của bà.  Biết cụ không hiểu gì về nghệ thuật và rất xót tiền, tôi đã bán cho bà cụ với giá phân nửa tiền.  Nhưng cụ vẫn còn xuýt xoa "sao nhiều thế'. Lúc cụ trả tiền thì mới thật đáng nhớ đời vì cụ moi trong lưng quần ra một nắm tiền Việt Nam và cụ cứ đưa cho tôi một ít rồi lại hỏi "được bao nhiêu rồi hả ông"". Rồi cụ lại đếm lại từ đầu. Mọi lần việc bán tranh cũng như nhận tiền là thuộc "chức vụ" của nhà tôi. Nhưng hôm đó vợ tôi lại vắng nhà nên tôi mói dở khóc dở cười với bà cụ mua tranh này. Cụ phân trần "tôi sợ bị móc túi lắm nên phải để tiền như thế này cho nó chắc". Bà cụ đi cùng với một người cháu, nhưng khi trả tiền thì cụ lại bảo người cháu đi ra ngoài chờ. Chắc là cụ không muốn cho người cháu biết chuyện tiền bạc sao đó"

Trở lại Sài Gòn sau lần triển lãm ở Mỹ vào năm 2003, Đằng Giao lại tiếp tục miệt mài với thế giới mầu sắc của mình thể hiện bằng sơn mài với những kỹ thuật càng ngày càng cao. Sự phối hợp giữa nghệ thuật hội họa và kỹ thuật sơn mài đã khiến cho những tác phẩm của ông trở nên sắc xảo hơn, linh hoạt hơn. "Chất Đằng Giao" đã hiện rõ nét qua hình ảnh của những nàng thiếu nữ mảnh mai như bay lượn, qua những bông hoa mai, hoa đào tươi thắm hoặc qua những bức tĩnh vật rất có hồn. Nhìn vào, biết ngay là của Đằng Giao.

Sau 3 năm say mê với cọ, với sơn, Đằng Giao đã thực hiện thêm được khoảng 100 họa phẩm sơn mài. Trong đó lớn nhất là tác phẩm "Xuân Bất Tận" với kích thước 2m x 3m. Tất cả đã được chuyển sang Mỹ để trưng bày trong những cuộc triển lãm của anh. Buổi triển lãm đầu tiên vừa diễn ra tại thành phố Houston, được chính thức khai mạc vào lúc 11 giờ sáng ngày 06 tháng 01 năm 2007 tại Hội Quán Văn Hóa của đài phát thanh Saigon-Houston, thuộc trung tâm thương mại Saigon-Houston Plaza. Saigon-Houston Radio là cơ quan truyền thông đã hết lòng yểm trợ cho cuộc triển lãm kéo dài hơn 10 ngày của Đằng Giao. Trong số các thân hữu của vợ chồng họa sĩ Đằng Giao, người ta nhận thấy có ông bà giám đốc đài phát thanh Saigon-Houston là Dương Phục - Vũ Thanh Thủy, nhà văn Doãn Quốc Sĩ, ca sĩ Anh Ngọc, nhà văn Phan Nhật Nam, Nguyễn Đình Toàn, Trần Hồng Văn, vv...và nhiều đại diện các cơ quan truyền thông tại Houston như báo Ngày Nay, Việt Báo Houston, Việt Nam Mới, Văn Hoá Việt Nam, đài truyền hình SBTN, vv...

Đằng Giao cho biết anh đã bán được trên 30 phẩm họa phẩm tại cuộc triển lãm này. Bức có khổ nhỏ nhất được bán với giá $700. Còn họa phẩm sơn mài có kích thước lớn nhất bán được ở Houston là $6000. Đó là bức "Hoa Đào" do bác sĩ Mùi Quí Bồng mua.

Sau Houston, một lần nữa Đằng Giao sẽ trưng bầy những họa phẩm sơn mài của mình tại Orange County, tại Việt Báo Gallery.  Cuộc triển lãm được chính thức khai mạc vào ngày 28 tháng 01 năm 2007 và sẽ kéo dài khoảng 10 ngày. 

Tranh sơn mài Đằng Giao tới  lần này diễn ra vào những ngày nhộn nhịp đón Xuân, hẳn sẽ thu hút được rất nhiều khách thưởng lãm tranh.  Và nơi  phòng khách gia đình hẳn sẽ rạng rỡ tươi mát hơn nêu có sự hiện diện của  một họa phẩm sơn mài Đằng Giao,  đầy mầu sắc truyền thống rực rỡ mà cũng đầy tính sáng tạo.

(kyvu@hotmail.com)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.