Hôm nay,  

Tin Úc

20/12/200900:00:00(Xem: 4139)

Tin Úc

GƯƠNG CỐ GẮNG CỦA MỘT NỮ SINH

SYDNEY: Đối  với tất cả mọi học sinh, hoàn tất bằng Tú Tài (HSC) không phải là một chuyện dễ dàng. Và vì thế, cô nữ sinh Susan Murphy của trường tư thục Mary MacKillop College lại càng có nhiều lý do để nở nụ cười rạng rỡ trong tuần này vì cô đã hoàn tất được bằng HSC mặc dù bị xác nhận là mù (legally blind) và bị điếc đặc (profoundly deaf).
Vượt qua mọi khó khăn gian khổ, người thiếu nữ 19 tuổi ở Wetherill Park này cùng với hơn 63.000 học sinh ở NSW nhận được kết quả thi HSC của mình trong tuần này.
Cô Murphy học hết chương trình HSC trong hai năm, theo chương trình Pathways, với những môn học Anh Văn, Nghệ Thuật Tạo Hình (Visual Art), Vẽ Kiểu và Kỹ Thuật và Cổ Sử. Cô nói: “Hai năm học HSC của tôi quả thật đầy dẫy những sự bất ngờ, có rất nhiều thời gian bị căng thẳng cực độ, có vô số kỳ thi cùng nhiều thách đố, thế nhưng tôi đã có thể hoàn tất nó với sự hậu thuẫn của cha mẹ tôi và thầy cô tôi. Tôi yêu môn cổ sử học.. khám phá được những chuyện đã từng xảy ra trong quá khứ và có thể dẫn đến tình hình hiện nay, như Ai Cập, La Mã và tất cả những nền văn minh khác vốn [từng đóng] vai trò thật lý thú trong lịch sử của thế giới..”
Cô Murphy hoàn tất phần “hào hứng vui thú” của bằng HSC hồi năm ngoái, kể cả việc tham dự tiệc bãi trường và lễ mãn khóa với những người bạn học cùng trường cùng lớp. Cô cho biết: “Quả thật khó khăn khi bạn bè của tôi ra đi vào cuối năm ngoái, thế nhưng tôi vẫn giữ liên lạc với họ vì họ vẫn muốn được chơi với tôi mặc dù tôi phải học thêm một năm nữa ở nhà trường”.
Trong những thời gian rảnh rỗi cô đọc sách liên tục nhiều giờ đồng hồ và học cổ sử. Đấy là sự luyện tập rất hoàn hảo cho ước mơ trở thành một giáo sư sử học tại một thư viện của trường đại học để có thể nghiên cứu và viết về những sự kiện cũng như những con người trong quá khứ.
Hội Đồng Giáo Học (Board of Studies) đã có thể  thay đổi một vài phương diện của bằng HSC cho cô Murphy, bao gồm việc cho cô nhiều giờ học hỏi hơn, nhiều giờ hơn để làm bài thi, đề thi được in đậm nét hơn với phông chữ lớn hơn và có người phụ giúp trong lúc thi để phòng bị cho những khi cô cần được làm sáng tỏ hơn về một vấn đề nào đó.
Riêng về phần xem phim trong môn Anh Văn thì cuốn phim được chiếu trên một màn ảnh được nới rộng và được làm chậm lại với phụ đề đính kèm.
Bà Michele Cutrupi, điều hợp viên của chương trình khiếm thính thị (sensory impairment program) tại Văn phòng Giáo dục Công giáo (Catholic Education Office) ở Sydney cho biết cô Murphy là một học sinh siêng năng cần mẫn đã nhận được phần thưởng xứng đáng cho những giờ giấc mà cô dành vào việc đọc sách. Bà nói: “Cô ta là một người học sinh rất bền bỉ, cô đã phải vượt qua vô số thử thách”.

TRUY LÙNG GÃ ĐÀN ÔNG BỆNH HOẠN

SYDNEY: Chiều thứ Hai 14/12 vừa qua cảnh sát NSW tin rằng gã đàn ông đã hôn môi một bé trai 4 tuổi tại tiệm ăn McDonalds ở vùng nội thành miền Tây Sydney cũng hôn thêm một cậu bé thứ nhì tại một cửa tiệm bán hàng ăn liền khác (take-away food outlet) chỉ vài giờ đồng hồ sau vụ việc đầu tiên.
Cảnh sát cho biết họ đã có được rất nhiều phim ảnh của gã đàn ông mà họ tin là thủ phạm của hai vụ tấn công đồi bại trầm trọng này. Cảnh sát cũng phổ biến một bức ảnh của y và yêu cầu công chúng tiếp tay trong việc tìm kiếm y.
Tưởng cũng nên nhắc lại, vụ việc đầu tiên xảy ra vào khoảng 8g30 tối Thứ Bảy 12/12 tại tiệm MacDonald’s ở Drummoyne, một vùng nội thành miền Tây Sydney, khi gã đàn ông đồi bại ấy hôn lên môi một cậu bé 4 tuổi trước khi cho cậu một cây kẹo ngậm. Y rời khỏi tiệm trên một chiếc xe mầu trắng, loại hatchback, được tin là hiệu Hyunday Getz hoặc một kiểu tương tự như thế với bảng số mầu vàng có chữ đen.
Chánh thanh tra thám tử Glen Fitzgerald cho biết đây là một vụ tấn công hết sức táo tợn. Ông nói: “Lúc ở tiệm ăn thì người mẹ lại quầy để mua đồ ăn và trong khi ấy thì một gã đàn ông mà chúng tôi miêu tả ở khoảng tuổi từ 45-55 đến gần đứa bé trai 4 tuổi, tay giữ mặt em và hôn em thật lâu.  Sau đó, hắn đưa cho thằng bé một cây kẹo và lập tức rời khỏi cửa tiệm”.
Vụ việc thứ nhì xảy ra vào khoảng 10g20 tối tại một tiệm bán đồ ăn nhanh trên đường Princes Highway ở Sylvania, một khu ngoại ô phía Nam Sydney.
Một phụ nữ cùng một cô con gái và một cậu con trai bước vào tiệm và cả ba cùng đi vào cầu tiêu của cửa tiệm. Cậu bé 11 tuổi cho biết trong lúc ở trong cầu tiêu nam thì cậu bị một gã đàn ông sờ soạng một cách không đúng đắn rồi hôn miệng cậu. Sau đó y đe dọa cậu không được nói cho ai nghe hết rồi tháo chạy khỏi tiệm.
Cậu bé lập tức thông báo cho mẹ cậu và nhân viên của tiệm biết. Sau đó, gia đình cậu thông báo với cảnh sát về vụ việc ấy.
Những đoạn phim an ninh của hai cửa tiệm cho thấy một gã đàn ông khoảng từ 45-55 tuổi, cao khoảng 1,70m, đeo kính gọng vuông, đầu đội một cái nón capi màu xanh, áo sơ mi xanh.
Ngày hôm sau, cảnh sát cho biết có một gã đàn ông chỉ khoác cái mền cố bắt cóc một bé trai 8 tuổi bằng cách dụ dỗ cho em kẹo nếu em vào xe của hắn ở St Clair, một khu vực ngoại ô miền Tây Sydney. Em từ chối và chạy đi.
Trong hai vụ việc có liên quan đến xe cộ thì nghi phạm được miêu tả là lái chiếc xe hatch back mầu trắng có bảng số mầu vàng với chữ đen.

QLD LÀ THỊ TRƯỜNG COCAINE “ĐÁNG KỂ”

BRISBANE: Theo nhật báo The courier Mail hôm 14/12 vừa qua thì một bản báo cáo nội bộ của cảnh sát liên bang cho biết Queensland đã trở thành một thị trường cocaine “đáng kể” ở Úc.
Cảnh sát liên bang (AFP) cho biết nhu cầu sử dụng cocaine đã gia tăng đến mức độ chưa từng thấy ở Úc, một phần vì sự “thay đổi thế hệ”, và qua đó, biến nước Úc thành một trong những thị trường béo bở nhất cho loại nha phiến này.
Bản báo cáo mật của AFP cũng cảnh báo rằng các băng đảng nha phiến quốc tế hiện đặc biệt chuyên chú nhắm vào việc tải hàng đến Úc và số cocaine bị tịch tu đã tăng vọt 20% từ năm 2003 đến nay.
Nhật báo The Courier-Mail cũng cho biết rằng bản báo cáo mật này có nhấn mạnh là nhu cầu gia tăng là động cơ chính thúc đẩy giá cả của loại nha phiến độc hại này lên cao hơn nữa trên đường phố.
Ở Hoa Kỳ, một ký cocaine trị giá từ $30.000-35.000 Mỹ Kim (khoảng $33.000-38.400 Úc Kim), nhưng ở Úc thì giá cocaine đã bị đẩy lên đến $190.000 một ký.
Tác giả của bản báo cáo kết luận như sau: “Nói tóm lại, với tất cả mọi lại nha phiến, không chỉ riêng cocaine, thì giá mỗi ký ở Úc cao nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên cả thế giới này. Và vì thế, khi mà thị trường tiêu thụ Úc vẫn còn béo bở như vậy thì các băng đảng tội phạm có tổ chức vẫn nhắm vào Úc bởi vì chúng sẽ thâu được lợi nhuận rất cao”.
Trong khoảng thời gian từ 2003 đến tháng 6/2007 thì số lượng cocaine bị tịch thu ở vào khoảng 5% tổng số các loại nha phiến bị tịch thu ở Úc, thế nhưng cho đến tài khóa 2007-2008 thì số lượng này tăng lên thành 10% và trong tài khóa 2008-2009 vừa qua thì nó tăng vọt lên thành 25% tổng số nha phiến bị tịch thu ở Úc.
Được biết bản báo cáo này đã được đệ trình lên cấp chỉ huy của AFP tuần qua để “thẩm định nguy cơ”.
Bản báo cáo này được hoàn thành ngay vào thời điểm mà nhà chức trách Colombia phá vỡ một ổ buôn lậu nha phiến quốc tế có hạng đang chuẩn bị chuyển nhiều chuyến hàng đáng kể sang Úc.
Những tin tình báo từ chiến dịch này cũng cho thấy Úc được sử dụng làm nơi rửa tiền đáng kể để từ đó tài trợ cho những vụ buôn bán, phân phối nha phiến  ở những nơi khác trên thế giới. Chiếu theo bản báo cáo thẩm định nguy cơ của AFP thì việc cocaine trở nên thông dụng hơn  bắt nguồn từ sự thay đổi thế hệ và chuyển hướng từ việc dùng những loại nha phiến dạng opiate như bạch phiến sang cocaine.
Bản báo cáo này cũng kết luận rằng trong lúc loại nha phiến amphetamines như “ice” vẫn còn phổ thông với giới trẻ, thế nhưng những nguy hiểm từ việc sử dụng amphetamines đã được quảng bá rộng rãi khiến rất nhiều người không sử dụng loại nha phiến này nữa. Tuy nhiên, người ta vẩn còn quan niệm rằng sử dụng cocaine sẽ có ít nguy hiểm hơn.
Quan trọng hơn nữa, sự phân tích của AFP về con số câu lưu liên quan đến cocaine  cũng như số lượng cocaine bị tịch thu cho thấy vấn nạn này ngày càng lan rộng trên khắp nước Úc,.
Sự phân tích này cho thấy trong khoảng cuối thập niên 1990 thì 90-95% thị trường tiêu thụ cocaine là Sydney và Melbourne. Tuy hai thành phố này hiện nay vẫn còn đóng “một vai trò quan trọng”, nhưng Queensland được cho là đang đóng một vai trò “đáng kể” trong thị trường cocaine.
Số lượng cocaine đang trực chỉ vào Úc nhiều đến độ mà một nhân viên công lực cao cấp của Úc đã nói rằng có thể đây sẽ là “mùa Giáng Sinh trắng như tuyết” vì những vụ phát giác, tịch thu cocaine.
Quyền Phó tổng Tư Lệnh AFP, ông Roman Quaedlieg cũng đã phải thừa nhận rằng đã có sự ghi nhận về sự thay đổi trong việc sử dụng nha phiến ở Úc.

MẶT TRĂNG THỰC SỰ ẢNH HƯỞNG TÂM TÍNH CON NGƯỜI

ADELAIDE: Thời điểm có trăng tròn đã được khám phá có ảnh hưởng đến hành vi như “ma sói” (werewolf) của các bệnh nhân được đưa vào phòng  cấp cứu của bệnh viện.
Kết quả một cuộc nghiên cứus vừa được phổ biến trên tạp chí chuyên đề y khoa “Medical Journal of Australia” cho thấy bệnh nhân với hành vi bạo động và nhiễu loạn tột độ được đưa vào bệnh viện gấp hai lần trong thời gian có trăng tròn so với bất kỳ thời gian nào trong 7 giai đoạn khác của chu kỳ của mặt trăng.
Những nhà nghiên cứu tại bệnh viện Calvary Mater Newcastle nghiên cứu trong thời gian 12 tháng với 91 bệnh nhân đã được đưa vào phòng cấp cứu của bệnh viện và cần phải được chích thuốc ngủ và phải bị kềm giữ.
Bà Leonie Calver, một y tá chuyên nghiên cứu về khoa chất độc (toxicology), cho biết trong số 91 người này thì có 21 người (23%) được đưa vào bệnh viện khi có trăng tròn và 60 người (66%) bị ảnh hưởng của nha phiến hay rượu bia.
Bà viết : “Một số bệnh nhân này tấn công nhân viên bệnh viện chẳng khác gì thú vật: cắn, phun nước bọt và cào cấu. Người ta có thể so sánh họ với những con ma sói (werewolf) của qúa khứ, vốn được tin là cũng xuất hiện vào dịp trăng tròn”.
Bà Calver cho biết trong huyền thoại thì loại ma sói dùng thuốc để biến từ người sang thú. Và những liều thuốc này được tin là có cây cà dược (belladonna) cũng như  cây ớt mả (nightshade) và hai loại cây này có thể tạo tình trạng mê sảng điên cuồng, gây nhiều ảo giác khiến người ta có ảo tưởng rằng họ đang biến đổi dạng thể.
Bản tường trình của bà ghi rõ: “Loại ma sói tân thời hiện nay có vẻ thích rượu bia hơn nhưng sự biến đổi dạng thể cũng không kém sôi động. Những cá nhân với tính tình hung bạo và hành vi nhiễu loạn có vẻ có xu hướng dùng rượu bia hoặc nha phiến dưới ánh trăng tròn. Chúng ta không biết rằng có người ta có hứng khởi hơn khi dùng  nha phiến hoặc ruợu bia lúc trăng tròn hoặc hành vi nhiễu loạn của họ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mặt trăng. Các nhà nghiên cứu không đưa ra lời giải thích nào về sự phối hợp thời gian với những hành vi bạo động cả.  Tuy nhiên, họ chối bỏ những gỉa thuyết trước dó, kể cả ảnh hưởng thủy triều của mặt trăng lên 70% cơ thể của con người vốn là nước, cũng như giả thuyết chứng khùng điên nổi lên vì bị thiếu ngủ khi mặt trăng quá sáng làm người ta thức khuya hơn.
Những nhà nghiên cứu cũng xét nghiệm trường hợp của bệnh nhân ở những khu vực khác của bệnh viện với những hành vi nhiễu loạn nhẹ hơn nhưng nhân viên cũng cần phải gọi bảo an tiếp tay.
Nhóm này lại được san sẻ đồng đều trong 8 giai đoạn của chu kỳ mặt trăng. Bài viết trên tạp chí ghi nhận: “Người ta có thể biện luận rằng nhóm này không đại diện cho sự điên loạn thuần túy (pure lunacy). Cuộc nghiên cứu của chúng tôi yểm trợ lý luận rằng chỉ có những cá nhân với hành vi bạo động và nhiễu loạn tột độ  mới bị ảnh hưởng bởi những giai đoạn của chu kỳ mặt trăng.

BIỂU TÌNH CHỐNG HÂM NÓNG ĐỊA CẦU

TỔNG HỢP:Gẩn 90.000 người dân Úc đã đồng loạt xuống đường tại khắp các thành phố cũng như tỉnh lỵ lớn của Úc hôm thứ Bảy 11/12 vừa qua để tranh đấu cho môi sinh và lên tiếng kêu gọi chính phủ phải có biện pháp nhằm chống lại sự nóng dần của quả Địa Cầu.
Cuộc xuống đường có tên “Walk Against Warming”- Xuống Đường Chống Hâm Nóng- là một phần của ngày hành động toàn cầu nhằm chặn đứng sự thay đổi của khi hậu.
Thành phố có đông người tham dự cuộc xuống đường nhất nước Úc là Melbourne, với hơn 40,000 người xuống đường diễu hành xuyên trung tâm thành phố đến cầu Princes. Tại đây, họ tạo nên một tấm biển người kêu gọi phải có hành động thích đáng hơn về việc khí hậu thay đổi.
Bà Tricia Phelan, phát ngôn nhân của ban tổ chức ở Melbourne cho biết cuộc xuống đường này muốn nhắn gởi một thông điệp đến cuộc họp thượng đỉnh thế giới ở Copenhagen. Bà nói: “Chuyện vô cùng quan trọng là trong tuần tới đây, các nhà lãnh đạo thế giới phải cam kết có hành động thực tiễn về việc khí hậu thay đổi. Chúng ta cần một sự cam kết vững chãi, một cam kết vốn sẽ khiến cho những quốc gia giàu có như Úc cắt giảm khí thải của chúng ta và góp phần tài trợ cho những quốc gia nghèo khổ hơn trong nỗ lực phát triển trong một đường lối sạch sẽ hơn và tránh được những lỗi lầm mà hcu1ng ta từng vấp phải”.
Các cuộc xuống đường trên toàn nước Úc đều được nghe những thông điệp tương tự từ những người tranh đấu bảo vệ môi sinh, từ lãnh tụ công đoàn và thậm chí từ các em học sinh nữa.
Đây là lần thứ 5 mà cuộc xuồng đường Walk Against Warming được tổ chức, nhưng ban tổ chức cho biết năm nay rõ ràng là một năm vô cùng quan trọng và đặc biệt.
Cư dân Canberra cũng biến sân cỏ trước quốc hội Úc thành một biển người, với hơn 2.000 người tham dự vào cuộc xuống đường
Ở Sydney thì người từ đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi thành phần trong xã hội, từ một bé thơ mới chào đời không bao lâu cho đến những ông ba lão đi lọm khọm, đều hiện diện trong số hơn 15,000 người diễu hành từ Martin Place đến vườn Bách Thảo (Botanic Gardens). Đám đông cùng nhau hô to những khẩu hiệu như “Thoả Hiệp Về Khí Hậu Ngay Bây Giờ - Đừng Chối Bỏ Hiệp Ước Kyoto” để thu hình và gởi sang thủ đô Đan Mạch Copenhagen yểm trợ tinh thần cho cuộc xuống đường địa phương trong ngày.
Trong rừng biểu ngữ có một biểu ngữ thật độc đáo là “Hãy Cứu Địa Cầu – Không Có Hành Tinh B Nào Khác”
Bé Miriam Nassif, 12 tuổi, cư dân Wentworth Falls, đại diện cho bạn bè đồng trang lứa lên tiếng kêu gọi các nhà lãnh tụ thế giới phải có những sự chọn lựa sáng suốt về những gì mà họ khước từ hoặc chấp nhận trong bản thỏa ước.  Em nói: “Hòn đá mà chúng ta gọi là Địa Cầu này sẽ tồn tại lâu hơn chúng ta. Tuy nhiên, những hệ thống của nó vốn đang nuôi dưỡng chúng ta- hệ thống môi sinh vốn đã cho chúng ta tất cả để chúng ta có thể tiếp tục tồn tại- có thể sẽ không tồn tại lâu nữa. Thật ra, một khi chúng biến mất thì chúng ta cũng sẽ tiêu đời”.
Ở Adelaide, nhiều ngàn người diễu hành xuyên thành phố rồi tụ họp tại công viên Rymill Park để biểu dương sức mạnh. Phát ngôn nhân của ban tổ chức ở Adleaide, ông James Dannenberg cho biết con số đông đảo người tham dự cuộc xuống đường này cho thấy rằng dân Úc muốn có những hành động cụ thể và nghiêm túc về sự thay đổi khí hậu. Ông nói: “Họ đều ra đây, xuống đường chống hâm nóng.. dĩ nhiên là ngay ngày có cuộc hội thượng 9di3nh ở copenhagen về thay đổi khí hậu để có thể gởi một thông điệp thật mạnh mẽ đến với chính phủ liên bang cùng những người dân cử. Chúng tôi muốn họ phải mang về một thỏa ước, chúng tôi muốn họ phải sát cánh với khu Thái Bình Dương và những lân quốc của chúng ta tại khu vực này. Và chúng tôi muốn họ phải làm những gì mà họ đã hứa hẹn và bảo đảm một tương lai bình yên về khí hậu cho tất cả chúng ta
Ban tổ chức Brisbane đã phải nới dài lộ trình của cuộc xuống đường để có thể đón nhận được con số người kỷ lục tham dự trong năm nay, gần 10.000 người. đám đôn tề tựu về  quãng trường King Georges và biến nơi này thành một rừng biểu ngữ.
Bà Gail Bell-Booth, 61 tuổi, cư dân Bald Hills nắm chặt hai con gấu Bắc Cực nhồi bông  để bày tỏ nỗi lo âu của bà về khí hậu thay đổi. Bà cho biết bà vô cùng phẫn nộ vì những lời tuyên bố của tân lãnh tụ đối lập liên bang Tony Abbott về dự án mua bán khí thải của chính phủ Rudd. Bà nói: “Tôi quả tình sững sờ bàng hoàng trước sự ngu dốt của người ta. Chuyện này không phải cho bản thân chúng ta. Vài năm nữa thì tôi cũng chết mất rồi, nhưng lũ trẻ hiện nay sẽ phải hứng chịu những hậu quả [từ sự không hành động của chúng ta]”.


Dân chúng Tasmania cũng hưởng ứng lời kêu gọi qua cuộc xuống đường tại Upper Florentine Valley, ở miền nam của tiểu bang này.
Chỉ có cuộc diễu hành ở Darwin là phải bị hủy bỏ vì thời tiết xấu đã làm cho đường phố bị ngập lụt và cột điện bị xô ngã.

NƯỚC ÚC SẼ CÓ VỊ THÁNH ĐẦU TIÊN

ADELAIDE: Theo tuần báo Sunday Mail xuất bản ở Adelaide hôm 13/12/09 vừa qua thì tòa thánh Vatican đang chuẩn bị để ban cho nước Úc một tin mừng trong dịp lễ Giáng sinh năm nay, với Mẹ Mary MacKillop có vẻ rất chắc chắn sẽ được phong làm vị thánh đầu tiên của Úc.
Quyết định này sẽ là thành công vượt bực cho sự vận động không ngừng ngỉ suốt nhiều thập niên qua để cho người phụ nữ được tôn sùng trọng vọng kính nể vì đã hiến trọn đời của bà trong việc giúp đỡ cho trẻ em và những người khốn khó. 5 triệu giáo dân Công giáo Úc sẽ hân hoan vui mừng đón nhận tin này và sự phong thánh này được cho là sẽ khơi dậy sự quan tâm về Giáo Hội và về niềm tin, đặc biệt là ở Nam Úc, nơi Mẹ MacKillop đã sáng lập dòng tu Sisters of St Joseph.
Theo tờ Sunday Mail thì phép lạ thứ nhì của Mẹ MacKillop đã được xác minh là thật bởi một đội ngũ hồng y và giám mục và sự chấp thuận cuối cùng từ ĐGH Benedict XVI sẽ được tuyên bố trong vài ngày tới đây.
Thứ Bảy 12/12/09 vừa qua thì Nữ Tu Judy Sippel, phát ngôn nhân của dòng Sisters of St Joseph cho biết sự công bố đã kề cận. Bà nói: “Dòng tu chúng tôi hiện rất hào hứng và đoán rằng sẽ có tin mừng trước Giáng Sinh. Việc tinh thần tâm linh và những công việc tốt của Mẹ Mary MacKillop sẽ được công nhận quả là một tin vô cùng vui mừng cho giáo hội và cho cả nước Úc nữa”.
Cũng theo tờ Sunday Mail thì trong tuần qua tất cả những tờ tuần báo phát hành ngày Chúa Nhật trên toàn nước Úc đều được một phát ngôn nhân của dòng Sisters of Joseph liên lạc để chuẩn bị cho việc công bố tin rằng Mẹ Mary MacKillop được phong thánh vào thứ Bảy 12/12 vừa qua.
Thế nhưng, đến gần cuối tuần thì phát ngôn nhân này cho biết vấn đề này đã bị gạt ra khỏi nghị trình của một cuộc họp ngày 12/12 với ĐGH. Lẽ ra, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI sẽ công bố việc này sau khi nhận được lời đề nghị từ một ủy ban các hồng y và giám mục sau một cuộc điều tra thật tỉ mỉ và tường tận về phép lạ thứ nhì được cho là phép lạ của Mẹ Mary MacKillop. Cuộc điều tra này được giám sát bởi Congregation for the Causes of Saints- Hội đồng Thẩm Vấn  Nguyên Nhân Hiển Thánh.
Nếu lời thông báo được đưa ra vào dip lễ Giáng Sinh thì sự phong thánh này xảy ra một thế kỷ sau khi Mẹ Mary MacKillop qua đời.
Đại Sứ Úc tại Thánh Địa, ông Tim Fischer, cho biết ông rất hy vọng sẽ có một sự công bố trước cuối năm nay. Ông cho tờ báo của Giáo Hội Công Giáo là tờ Southern Cross biết ông nghĩ tòa thánh Vatican sẽ công bố vào dịp Giáng Sinh.
Hội Đồng giám Mục Công Giáo Úc (Australian Catholic Bishops Conference), với tổng giám mục Philip Wilson  ở Adelaide làm chủ tịch, đã tổ chức một nhóm đặc biệt hầu giám sát sự chuẩn bị cho lễ phong thánh sắp tới đây.
Các vị giám mục đều cam kết sẽ hợp tác làm việc chặt chẻ với dòng Sisters of St Joseph để bảo đảm rằng sự phong thánh cho vị thánh đầu tiên của Úc sẽ là một thời điểm tràn đầy ơn huệ (time of grace) cho Giáo hội Úc.  

DÂN CHÚNG ĐÀI THỌ $4 TRIỆU TIỀN XĂNG CHO DÂN BIỂU

CANBERRA: Người dân thụ thuế ở Úc đã phải chi ra $4,3 triệu Úc Kim trong năm ngoái để trả tiền xe cộ và xăng nhớt cho các dân biểu liên bang và gia đình của họ.
Theo những con số kế toán của bộ Tài Chánh mà tuần báo The Sun Herald đã dùng luật tự do thông tin để lấy được thì người dân Úc đã phải chi ra $859.046,53 tiền xăng cho những chiếc xe mang bảng số tư nhân được cung cấp cho các chính trị gia và gia đình của họ. Và tiền thuê dài hạn (lease) những chiếc xe này mà chính phủ phải chi ra là $3,18 triệu Úc Kim.
Tổng cộng thì tiền chi phí xăng nhớt và xe cộ đã gia tăng 25%- hơn $1 triệu Úc Kim- chỉ trong vòng vỏn vẹn hai năm mà thôi.
Mặc dù tất cả các chính trị gia này đều có quyền sử dụng xe chính phủ có tài xế lái Comcars, họ vẫn được quyền có thêm xe mang bảng số tư nhân (private-plated) do chính phủ cung cấp mà họ có thể chọn lựa từ danh sách những hiệu xe sản xuất tại Úc.
Năm dân biểu với hóa đơn phí tổn cao nhất đều là dân biểu đại diện cho những khu vực đồng quê rộng lớn mà nhu cầu đòi hỏi họ phải lái xe nhiều đoạn đường dài dằng dặc xa xăm.
Tổng Trưởng Y Tế Thổ Dân, ông Warren Snowdon có phí tổn cao nhất về xe cộ và xăng dầu- $82.910,33- tuy nhiên, ông không có phí tổn nào về việc sử dụng taxi cả. Ông Snowdon đại diện cho đơn vị Lingiari, bao gồm hầu hết Northern Territory, ngoại trừ thành phố Darwin.
Phó lãnh tụ đảng Quốc Gia, ông Nigel Scullion, một TNS từ Northern Territory, có phí tổn cao hạng nhì là $81.115,98.
Kế đến là các ông Peter Slipper cùng Chris Trevor, dân biểu các vùng quê ở Queensland, và bà Sophie Mirabella, vốn đại diện đơn vị Indi ở Victoria, một đơn vị có diện tích là 28.000 cây số vuông.
Phí tổn trung bình của các dân biểu liên bang là $19.008,60.
Có 3 vị dân biều không đòi một khoản bồi hoàn nào về xe cộ và xăng nhớ cả. Đó là bà Julie Owens, dân biểu Lao động đơn vị Parramatta, cựu lãnh tụ đối lập Malcolm Turnbull và tổng trưởng Dịch Vụ Chăm Sóc Trẻ Em Kate Ellis. Những vị dân biểu khác đã giữ mức chi tiêu xe cộ của họ xuống dưới $1,000 gồm có hai dân biểu Tự Do Stuart Robert và Suzanne Boyce cùng với TNS Lao động David Feeney.
Tiền phí tổn xăng nhớt trung bình là $3.801,10, hay khoảng $73 mỗi tuần. Tuy nhiên có 41 dân biểu chi hơn $100 mỗi tuần cho tiền xăng nhớt.
35 trong số 42 vị tổng trưởng liên bang và bí thư quốc hội chọn những chiếc xe sáu máy vốn thải ra nhiều khí độc carbon monoxide vào khí quyển hơn là những chiếc xe máy nhỏ hoặc xe sử dụng những nhiên liệu khác. Chỉ có bốn vị- trong đó có thủ tướng Rudd- chọn xe Toyota Prius mà thôi.

BÁO ĐỘNG VỀ GIÁ XĂNG DẦU

SYDNEY: Hội những người sử dụng xe hơi ở NSW là NRMA vừa phát động một chiến dịch nhằm vạch trần những vụ làm tiền trắng trợn của các cây xăng.
Kể từ cuối tuần qua, NRMA bắt đầu phổ biến hàng ngày trên trang mạng của họ sự tính toán về giá cả thực thụ của từng lít xăng tại cây xăng. Giá cả này được tính toán theo một công thức vốn tính luôn giá căn bản ở Tân Gia Ba, thời giá hối suất và chu kỳ giá cả hàng tuần ở Sydney. 
Người lái xe có thể kiểm soát hàng ngày xem họ có bị những cây xăng địa phương bắt trả quá đắt hay không.
Trang  mạng này sẽ có một cái biểu kế đo sức ép xăng dầu (petrol barometer) và cái biểu kế này sẽ có mầu xanh lục nếu giá xăng tương đương với giá mà NRMA cho là phải chăng ngày hôm ấy, biến thành mầu vang nếu giá cao hơn 2 hoặc 3 xu một lít và đỏ nếu cao hơn từ 4 xu trở lên.
Bà Wendy Machin chủ tịch NRMA cho biết hội sẽ tiếp tục giám sát hành vi của những công ty xăng dầu lưu manh để người lái xe có thể thấy được nếu họ bị buộc phải trả giá xăng dầu quá đắt mỗi ngày. Bà nói: “Trong vòng hai năm qua chúng ta đã thấy giá xăng bỗng dưng tăng vọt vào dịp Giáng sinh. Thông thường thì những giá cả này quá cao so với giá cả mà những nhà nghiên cứu của chúng tôi cho là đúng đắn. Nếu biểu kế lên đến mầu đỏ thì NRMA sẽ lập tức thông báo cho Chủ Tịch Ủy Ban Xăng Dầu (Petrol Commissioner). Biểu kế của chúng tôi có nghĩa là nhất cử nhất động của các công ty xăng dầu sẽ liên tục bị công chúng quan sát theo dõi”.
Chiến dịch này của NRMA được đề ra sau khi một cuộc thăm dò ý kiến của thành viên NRMA cho thấy người ta cho rằng trong 6 tháng tới sẽ có sự nhảy vọt trong giá xăng dầu.
Trong số 1300 người lái xe ở NSW và ACT được NRMA Motoring phỏng vấn thì có 73% cho rằng sẽ giá xăng dầu sẽ tăng. Đại đa số tin rằng các công ty xăng dầu sẽ bóc lột khách hàng để thủ lợi.
Bà Machin cho bie1t giá xăng dầu thường gia tăng đột ngột trong mùa Giáng sinh. Bà nói: “Cái biểu kế cũng sẽ giúp công chúng biết được ngày nào là ngày đắt đỏ nhất và ngày nào là ngày rẻ nhất để mua xăng. Hiện nay, ngày đắt nhất là Thứ Sau và chúng tôi tin rằng Thứ Năm là ngày rẻ nhất”.
Biểu kế giá cả xăng dầu của NRMA có thể được tìm thấy tại trang mạng www.roadtube.com.au

GIAN MANH, NHA SĨ BĨ PHẠT TIỀN

SYDNEY: Theo nhật báo Daily Telegraph hôm 14/12 vừa qua thì một nha sĩ họ Phung (Phùng") đã bị tòa ra lệnh phải trả tiền bồi thường và tiền lãi tổng cộng lên đến hơn $345.000 vì đã kiến tạo lại cả hàm răng của bệnh nhân trong khi ông ta lẽ ra chỉ cần chữa trị có 3 cái răng mà thôi.
Vào tháng 12/2001, ông Todd Dean làm người học nghề tiện cây (apprentice tree lopper) khi một khúc cây nhỏ đập vào cằm anh trong lúc đang làm việc ở Bexley, một khu ngoại ô miền Tây Nam Sydney.
Ông súc miệng đầy máu bằng nước muối “phun ra vài mảnh răng bể” và tiếp tục làm việc trong suốt ngày hôm ấy, và sau đó thì ông mới than phiền với xếp của ông về việc răng và miệng ông vẫn còn tiếp tục bị đau nhức. Nha sĩ Mark Phung (Phùng"), chữa trị cho ông Dean nhiều lần trong năm 2002 và 2003, và đã tính tiền với công ty bảo hiểm của chủ nhân ông tổng cộng là $73.645 Úc Kim để rút gân máu cho tổng cộng là 28 cái răng của ông. Trong một hóa đơn, nha sĩ Phung (Phùng") đòi lệ phí $28.740 Úc Kim cho hai lần chữa trị. Một hóa đơn khác đòi $10.000 cho một lần chữa trị.
Một chuyên gia nha khoa tái khám miệng của ông Dean và cho biết công việc làm của nha sĩ Phung (Phùng") này là “một trường hợp hoàn toàn lừa bịp.. của ông nha sĩ” (‘a complete case of fraud … by the dentist’) và là một việc chỉnh nha vô cùng tệ lậu (extremely poor dentistry job).
Một chuyên gia khác, nha sĩ Neil Peppitt, cho biết lệ phí của ông Phung (Phùng) quá sức cao so với giá trung bình của nha sĩ tiểu bang và trên toàn quốc (state and national average for general dental charges) và 25 cái răng của ông Dean đã bị “chữa quá mức cần thiết” (over-treated). Nha sĩ Peppitt nói: “Theo ý kiến của tôi thì ngay cả trong trường hợp chữa trị trầm trọng nhất cho ông Dean sau khi ông bị chấn thương nơi làm việc sẽ là việc rút gân máu ba cái răng mà thôi. Ông Dean đã bị cắt hết tất cả mọi giây thần kinh, độc mạch và tĩnh mạch trong mọi cái trăng trong hàm ông ta”. 
Chủ nhân của ông Dean, công ty Advanced Arbor Services đâm đơn kiện nha sĩ Phung (Phùng") tại tòa Thượng Thẩm tiểu bang NSW rằng chuyện để ông giữ số tiền đã trả sau khi thực hiện những công việc không cần thiết là một sự “phi lý, bất công và táng tận lương tâm” (unjust, unfair and unconscionable).
Trong phán quyết của chánh án Peter Hall được đưa ra tuần qua thì ông đã tuyên bố hành động của nha sĩ Phung (Phùng") là “một trường hợp rõ rệt về sự làm giầu một cách bất chính” (a clear case of unjust enrichment) và ông ta đã “lừa dối, lường gạt” (misleading and deceptive) khi tuyên bố rằng ông ta là một nha sĩ có đủ trình độ, có đủ khả năng.
Chánh án Hall tin rằng sự chữa trị cho ông Dean là một việc không cần thiết và tay nghề (của người chữa trị) “quá thấp dưới tiêu chuẩn nghề nghiệp đúng đắn để trở thành một sự tắc trách trầm trọng” (fell so far below proper professional standards as to be grossly negligent)’.
Chánh án Hall ra lệnh cho nha sĩ Phung (Phùng) phải hoàn trả số tiền mà ông đã lấy, cộng thêm với những phí tổn khác, kể cả phí tổn để chỉnh sửa lại công việc “phần lớn là phá hoại” mà  ông đã làm.
Ông Dean cũng đã bắt đầu khởi đơn tố tụng nha sĩ Phung (Phùng") tại tòa Thượng thẩm.
Phát ngôn nhân của Dental Board of NSW cho biết rất có thể là trường hợp này sẽ được chuyển giao cho Health Care Complaints Commission để điều tra xem nha sĩ Phung  có nên bị tước bằng hành nghề hay không.

BÉ GÁI BỊ CƯỠNG DÂM KHI ĐƯỢC CHÍNH PHỦ CHĂM SÓC

MELBOURNE: Theo nhật báo The Age hôm 14/12 vừa qua thì một bé gái được chính phủ tiểu bang Victoria chăm sóc đã bị cưỡng dâm bởi 5 gã đàn ông và sau đó liên tục đào tẩu khỏi nhà nội trú xã hội để sống với 3 gã đàn ông vốn liên tục cho em sử dụng nha phiến.
Vụ việc này được phơi bày tại tòa Thiếu Nhi tuần qua khi bộ Dịch Vụ Nhân Văn (Department of Human Services- DHS) xin triển hạn lệnh giam giữ để bảo vệ an ninh (secure welfare order) đối với bé gái 12 tuổi này để có thể tiếp tục giữ em tại một nhà trú có an ninh để có thể kiểm soát hành động của em.
Vào thời diểm mà các vụ cưỡng dâm xảy ra thì em đang ở tại một nhà nội trú của DHS. Sau đó, em đào tẩu khỏi nơi này 7 lần và cuối cùng được tìm thấy tại nhà của ba gã đàn ông nói trên. Và chỉ đến khi ấy thì em mới bị đưa vào trại nội trú có an ninh, có 10 giường (secure 10-bed unit).
Trường hợp này được phơi bày chỉ vài tuần sau khi một bản báo cáo rất khe khắt về tình trạng bảo vệ trẻ em ở victoria của văn phòng Ombudsman được phổ biến. Tưởng cũng nên nhắc lại bản báo cáo này cho thấy chính phủ Victoria đã thất bại trong việc bảo vệ cho những đứa trẻ có nhiều nguy cơ bị hãm hại nhất tiểu bang (most vulnerable children).
Trong một phiên tòa để quyết định đơn xin triển hạn lệnh giam giữ để bảo vệ an ninhgần đâ đây thì một thẩm phán tòa Thiếu Nhi đã bày tỏ sự e ngại về tương lai lâu dài của bé gái và tuyên phán rằng một sự triển hạn ngắn ngủi không phải là giải pháp thích hợp. Trước khi nêu đại cương về đầu đuôi câu chuyện khó khăn của bé gái này, ông tuyên bố với luật sư của DHS: “Tôi không muốn thấy tên của tôi được nêu lên trong hồ sơ của tòa thẩm định y lý (coroner’s inquest) nguyên nhân cái chết trong trường hợp này”. 
Được biết bộ DHS hiện đang xin lệnh đưa vào chỗ trị liệu (therapeuic placement) cho bé gái. Chiếu theo lệnh lệnh đưa vào chỗ trị liệu (therapeutic placement orders) thì DHS có độc quyền chăm sóc một đứa bé trong lúc nó được điều trị tâm lý (psychological treatment). Lệnh trị liệu này thường chỉ được ban cấp cho những đứa bé từ 10 đến 14 tuổi co hành vi lạm dụng tính dục (exhibited sexually abusive behaviour).
Viên thẩm phán này cho biết Rose (không phải tên thật của em), vốn đang được DHS chăm sóc, bị 5 gã đàn ông cưỡng dâm trong một ngày tháng 10/09 vừa qua. Kể từ đó em đã “đào tẩu khỏi nhà nội trú và đã không được biết ở đâu” đến 7 lần.
Cuối cùng thì lệnh giam giữ để bảo vệ đã đưa ban ra sau khi người ta tìm thấy Rose đang sống trong mợt căn nhà với 3 gã đàn ông từ 45 đến 50 tuổi mà viên thẩm phán cho biết “đã cung cấp cho Rose cần sa và thuốc lá và không biết còn thứ gì nữa”.
Tòa được báo rằng ít nhất một trong ba gã đàn ông đó là kẻ mà cảnh sát biết rõ.
Sau đó, Tòa Thiếu Nhi đã ban lệnh giam giữ để bảo vệ, mức độ cao nhất mà tiểu bang có thể đưa ra cho những đứa trẻ có nhiều vấn đề đang có nguy cơ trầm trọng bị hãm hại trực tiếp.
Victoria có 2 nhà nội trú có an ninh dành cho trẻ em, một cho nam và một cho nữ, mỗi nhà có 10 giường. Lệnh giam giữ để bảo vệ thoạt tiên được ban với thời gian là 21 ngày. Nếu DHS xin triển hạn thì Tòa Thiếu Nhi có thẩm quyền triển hạn lệnh này một lần duy nhất, với thời gian tối đa là 21 ngày trong trường hợp thật hạn hữu.  Và trong suốt năm 2009 này thì tòa chỉ ban lệnh giam giữ này cho 9 trường hợp mà thôi.
Một tuần  sau vụ cưỡng dâm- và trước khi khám phá rằng Rose đang chung sống với 3 gã đàn ông- thì một giám thị của DHS có ghi nhận : “Rose tiếp tục nằm trong phân loại có nhiều nguy cơ bị hãm hại vì rủi ro và vì liên tục đào tẩu”.
Viên thẩm phán tuyên bố: “Sự nhận xét này đã được chứng minh một cách thật bi thương là hoàn toàn đúng và rất có thể tiếp tục đúng”.
Sau đó, ông nói ông không muốn thành một kẻ dự phần vào một hoàn cảnh vốn sẽ tiếp tục cho phép rose bỏ trốn một lần nữa để sống với những gã đàn ông trung niên ấy.
Một luật sư của DHS sau đó báo với vị thẩm phán thứ nhì, vốn nhận xét xử đơn này sau giờ làm việc, rằng vị thẩm phán đầu tiên “đã nêu lên một điểm rất giá trị rằng việc giúp đỡ có tính cách lặt vặt hoàn toàn không thích hợp”.
Vị thẩm phán thứ nhì triển hạn lệnh giam giữ để bảo vệ cho đến trước Giáng Sinh trong lúc DHS tìm chỗ trị liệu cho Rose. Ngày này cũng trùng hợp với ngày mà bảng tường trình y lý vcu3a em mà các bác sĩ đang chuẩn bị sẽ được hoàn tất.
Tên tuổi của Rose cùng các chi tiết về các thẩm phán, luật sư đều bị cấm phổ biến để bảo vệ riêng tư của em.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.