Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

22/01/200800:00:00(Xem: 2587)

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Ra tới hè. Trời! Sân xà lim, bàng chín rơi từng đống. Tôi tập tễnh đi qua, mắt nhìn những quả bàng chín vàng ngậy, rẽ chân chim lăn lóc khắp sân. Tôi như ngụp lặn vào một trời ngất hương nồng. Dứt khoát, lúc đi cung trở về, tôi phải tìm mọi cách, kiếm một hai quả vào buồng để ngửi, hít cho đã đầy sự khát khao rồi… chén nữa.
Ra tới cổng trại chung, cũng là phòng trực, ở hàng ghế lố nhố một số cán bộ và chấp pháp cả hình sự lẫn chính trị, tôi đã thoáng thấy tên Thành. Y đừng dậy, ký vào sổ, rồi quay lại ra hiệu tay cho tôi đi trước.
Nhìn sân ngoài của Hỏa Lò, cái sân có giàn nho và rải rác một số luống hoa; đây góc này, góc kia cũng từng đống đất mới vàng ệch, với những lổ tròn của miệng hầm cá nhân hoắm sâu xuống lòng đất. Tôi có cảm tưởng, nhịp độ tù cũng như cán bộ Hỏa Lò thưa ra, chắc cũng nằm trong chủ trương chung của thành phố là sơ tán. Số tù cho chuyển gấp đi các trại trung ương đã đành, ngay số cán bộ ở các khâu, hình như cũng tinh giảm, để trở thành những nhân lực chiến đấu, hoặc phục vụ chiến đấu.
Khi tên Thành dẫn tôi vào buồng cung, trong buồng đã có tên Đặng ngồi sẵn; trên bàn vẫn có chiếc cặp hồ sơ cố hữu. Điều tôi thấy hơi khác mọi khi là chiếc ghế đẩu dành cho bị can để cách xa bàn của chúng hơn. Thông thường, trước đây chỉ cách bàn 50, 60 phân. Bây giờ, phải xa hơn 1 m. Không những thế, từ lúc tôi vào buồng, hai tên cứ chăm chú nhìn chân tôi, như soi mói với những ánh mắt vừa băn khoăn, vừa cảnh giác.
Tên Thành cố tươi nét mặt, vẻ xã giao:
- Lâu ngày, anh không lên đây, anh thấy gì lạ không"
Câu hỏi không rõ ràng. Ở buồng này có gì lạ" Hay ngoài sân" Bởi vì, cả hai nơi đều có lạ. Nhưng, để dễ nói chuyện, và cho không khí đỡ căng thẳng, tôi chọn ngoài sân để trả lời:
- Thưa ông, tôi thấy một không khí chiến tranh, vì tôi nhìn thấy những hầm trú ẩn cá nhân mới đào.
Hai tên đều gật gật cái đầu như câu trả lời của tôi hợp lý theo ý chúng. Vì vậy, tên Đặng nghiêm nét mặt dõng dạc:
- Đế quốc Mỹ đã bắn phá tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Chúng đe dọa cho nhân dân ta trở về thời kỳ đồ đá. Để rồi xem, chúng có làm được điều chúng nói không" Rồi đây, nhân dân ta sẽ dạy cho Mỹ một bài học. Tuy Mỹ giàu có, vũ khí tối tân, nhiều phương tiện chiến tranh khoa học, nhìn bên ngoài, nhìn phiến diện, ai cũng thấy mạnh lắm, và ngay bản thân Mỹ cũng lầm như vậy, khi nghĩ về mình. Nhưng, nếu nhìn sâu, phân tích kỹ, không nhìn thấy những nhược điểm nội tại to lớn ngay trong lòng xã hội Mỹ. Nghĩa là nó nằm ngay trong đầu của những người Mỹ. Cho nên, đảng ta đã nhận định: Mỹ chỉ là một tên khổng lồ, chân bằng đất sét.
Ngồi nghe y nói, tuy tôi không đồng ý hoàn toàn, nhưng tôi cũng có nhiều điểm đồng ý với nhận định của y. Mỹ, nói riêng, và thế giới tự do nói chung, to mà không mạnh, vì đầy dẫy những mâu thuẫn. Vũ khí tôi tân nào cũng phải được chỉ huy, sử dụng bằng con người. Vậy, nếu con người đó không có lý tưởng, mà chỉ vì cuộc sống và đồng tiền, thì còn nguy hại hơn. Vì, có thể sẽ bán, sẽ đưa vũ khí tôi tấn đó, cho kẻ thù bắn ngược lại mình.
Tôi hiểu, tên Đặng nói qua về Mỹ, cũng chỉ là một câu chuyện xã giao mào đề, chứ chúng gọi tôi lên đây, dĩ nhiên, phải có một mục đích khác. Quả nhiên, mặt y trở nên lạnh lùng, vừa mở mấy trang giấy hồ sơ, y vừa gằn giọng:
- Anh phải khai chi tiết từ động cơ nguyên nhân đã dẫn đưa anh đến sự việc trốn tù. Anh kể lại từ đầu, từng chi tiết, như anh tường thuật lại sự việc vậy.
Đã có nhiều kinh nghiệm về kiểu cung kẹo này rồi, vì thế, tôi suy nghĩ và hệ thống hóa lại toàn bộ, lược bỏ những chỗ nào thấy không có lợi, hoặc sẽ phức tạp lôi thôi, rắc rối sau này. Tôi lần lượt trình bày lại sự việc. Đến đoạn đi tìm mũ, tên Đặng vẫy tay ra hiệu cho tôi ngừng nói. Rồi, y mềm dẻo kích tôi về tâm lý:
- Anh hãy kể lại thực chỗ này. Chuyện trốn tù của anh cũng đã xong rồi, nhưng anh phải nói cho hợp lý. Anh nói, tai anh nghe có thông, người khác mới nghe được chứ! Anh vào khu công an là để kiếm súng, kiếm vũ khí, người ta mới nghe được. Chứ chỉ vì cái mũ mà phải mò vào chỗ hiểm nguy như vậy, thật thậm chí vô lý!
Nghe y lý luận đẩy đưa, tôi cười thầm trong bụng. Ngay từ những ngày đầu, khi mới bị bắt vào Hỏa Lò, tôi cũng không ấu trĩ sa vào cái bẫy tầm thường như thế. Dù tôi thực có ý định vào khu công an vũ trang để tìm vũ khí, tôi cũng không khai, không mắc bẫy; huống chi, bây giờ đã trải qua biết bao trận thử lửa, đấu trí với chúng hai năm rưỡi trời. Bao nhiêu lỡ lầm mới có những bài học ngày nay. Trước đây, nếu khai một chi tiết gì không thật, chúng nó đập bàn, đập ghế nạt nộ, quát tháo như nước sôi lửa bỏng rằng “nói láo”, “bịp bợm”, “không hợp lý, hợp tình chút nào”, v.v… tôi sinh ra lo lắng. Đôi lúc hớ hênh, lúng túng lại lòi đuôi ra cho chúng nắm được và từ đó chúng phanh phui ra sự thật. Nhưng giờ đây, tôi hiểu rằng, chuyện chúng nạt nộ thế nào cũng mặc chúng; khi đã cân nhắc, tính toán phải khai thế nào, thì cứ thế mà khai. Bởi vì, trong thực tế, có nhiều sự việc mới nghe qua, thật vô lý, không hợp tình, nhưng lại thực 100%. Ngược lại, có những sự việc nghe ra rất hợp tình, hữu lý, nhưng lại hoàn toàn là giả dối. Do đấy, bảo thế nào là vô lý, thế nào là có lý, nhiều khi thật cũng khó xác định.
Trên đây, cũng chỉ là lý luận, phân tích một vài góc cạnh của những việc chung ở đời. Chứ với công an, nhất là công an cộng sản, khi mình đã lọt vào tay chúng, chớ có nói chơi, không dễ gì qua mặt chúng được. Trong quyền hạn ngập mình của chúng, nhiều sự việc chúng điều tra tận nơi, từng ngóc ngách chi tiết, chúng mới tin. Vì vậy, muốn qua mặt chúng, phải đòi hỏi có điều kiện, chứ không hẳn đơn giản như lý luận.
Tóm lại, sự việc trốn tù, tôi cứ thực tế tuần tự khai báo sự thật. Chỉ có đoạn sau khi ra khỏi Hỏa Lò, tôi khai là sẽ tìm đường về Nam với gia đình bố mẹ, chứ không nói ý định thay vì về miền Nam, lại ngược về phía Bắc, v.v… Để đánh lạc hướng truy lùng của công an… Và, tôi vẫn khăng khăng là tôi thích xã hội chủ nghĩa. Nhưng, cách mạng không tin, nên tôi đã buồn chán tự tử. Tự tử không được, tôi mới tìm cách trốn. Thế mà, phải cả buổi sáng và suốt buổi chiều hôm ấy, mới khai báo xong vì chúng không tin và truy hỏi nhiều.
Hai hôm sau, chúng lại gọi lên, bắt tôi ngồi viết tường thuật lại chi tiết sự việc. Tôi cũng phải viết ròng rã hai ngày trời mới xong
Năm mươi sáu: sai lầm của thế giới tự do 
Hôm nay là Chủ Nhật. Ngồi trong xà lim không nhìn thấy trời, ánh sáng hắt vào từ khung cửa sổ mờ mờ, âm u như không có mặt trời. Không khí ẩm ướt, lành lạnh của những ngày cuối Thu. Tôi nằm nghĩ suy, tính toán tìm cách gì để chống cái lạnh của mùa Đông sắp tới. Tôi vẫn băn khoăn lo lắng nhất là đôi chân. Ở trong cùm, năm nào chân cũng bị cước, ngứa buốt suốt cả mùa Đông. Cuối cùng, tôi thấy chỉ có một cách duy nhất là khâu một đôi vớ thật dầy bằng những mảnh giẻ chùi, ở nhà tiêu trong buồng tắm. Vậy, ngay từ hôm nay, tôi lại bắt đầu tìm nhặt giẻ để chuẩn bị cho đôi “bít tất” mùa Đông. Mặt khác, tôi lại phải kiếm một cái gì để làm “con dao” nhỏ. Con dao nhỏ trước, đút trong ve áo đã mất khi trốn tù rồi.
Tôi đang ngồi nhìn hai bàn chân của mình, bây giờ đã bé lại, lồi rõ 4 cục xương mắt cá chân. Từng miếng vảy đen xám bong ra, trông như con chó ghẻ rụng hết lông, vừa sần sùi, vừa loang lổ, sờ cờn cợn thấy ghê cả tay. Chợt, tai tôi thoáng nghe tiếng bước chân xèn xẹt, và cửa sổ nhỏ buồng tôi xịch mở. Giọng Quảng Nam của mụ Hoa, nghe như tiếng cua bò trên mâm đồng:
- Anh này chuẩn bị đi cung!
Rồi mụ ta cúi xuống rút chốt cùm. Cửa mở, tôi theo mụ ra sân, vừa đi vừa nghĩ ngợi băn khoăn: Hôm nay là Chủ Nhật, phải có chuyện gì đặc biệt nên chúng mới gọi tôi. Tôi tự hiểu là tâm trạng mình cứ hay thấp thỏm lo sợ, nhất là trong những khi chúng gọi bất ngờ như thế này. Như, biết đâu, đường dây “M” bị lộ" Biết đâu “Z5” sa lưới" Biết đâu, chúng đã điều tra xác minh, đã rõ ràng sự việc của tôi ở trong Nam, v.v… Hàng chục cái “biết đâu” kéo dài từ hơn hai năm nay rồi, và có lẽ sẽ đeo đuổi tôi suốt những ngày, còn ở trong tay chúng. Mải suy nghĩ trên đường đi, đầu tôi đã ướt hết vì mưa bụi, tôi cũng không hay. Nhìn những hạt mưa phùn li ti dẫy dọn, lúc xọc sang phía bên này, lúc xiên sang phía kia hàng loạt, theo từng cơn heo may nhè nhẹ, như những giọt nước mắt mùa Thu mến cảnh, mến người, luyến lưu từ giã, nhường lại đất trời cảnh vật cho Đông về.
Ra tới phòng trực, tôi thấy chỉ có tên Thành ngồi đấy. Như mọi khi, theo hiệu tay của y, tôi đi về phía sân giàn nho, theo con đường nhỏ, giữa những luống hoa hồng, cúc, v.v…
Trời mưa bay bay, không khí lành lạnh! Những bông hồng nhung tươi thắm đang lắc lư với gió. Những hạt mưa nho nhỏ, đọng lại trên những cánh hoa như những hạt xoàn trắng to, nhỏ dính trên nền nhung đỏ càng long lanh, dưới ánh nắng nhạt trong mưa bay. Một làn hương thoang thoảng, nhè nhẹ, vương vương gợi cho tôi một ý tưởng: tại sao Hỏa Lò là một trại giam, nơi cùm kẹp, xiềng xích tội nhân. Đêm cũng như ngày, chỉ toàn những tiếng rên la thảm khốc, đắng cay tràn lối của kiếp tù đầy lại có những luống hoa đủ loại tuyệt vời như thế" Phải chăng, chúng dùng hoa để làm vơi dịu nỗi thương đau của những người cùng khổ" Hay là, như thông thường của người đời, những cái gì xấu xa thì lại được bọc bằng những vải vóc cao sang đắt tiền" Vật càng xấu, cái bọc càng cần phải đẹp!


Vì là ngày Chủ Nhật nên quang cảnh ngoài sân của Hỏa Lò thật vắng vẻ. Nhưng khi bước chân vào phòng cung, tôi thấy lố nhố 6, 7 người. Tôi ngạc nhiên, vì thấy mấy người lạ hoắc, lại có cả máy ảnh; chỉ có tên Thành và Đặng là chấp pháp tôi đã biết. Còn 4, 5, người kia, chắc là ở nơi khác đến, tôi chưa hề thấy mặt bao giờ. Đã ở mấy năm trường, bất cứ ai dù tôi không gặp trực tiếp, nhưng ra vào, đi lại nhiều lần, tôi cũng phải thấy dáng quen quen, nếu là người đã làm việc ở Hỏa Lò.
Những người lạ mặt ngồi ở một ghế dài, mặt thật lạnh lùng, với những cặp mắt gườm gườm soi mói. Tên Thành chỉ ghế cho tôi ngồi, rồi y mở một gói giấy báo trên bàn, vừa nói:
- Hôm nay, anh phải diễn lại tất cả những thái độ, cử chỉ, động tác hôm anh trốn tù.
Y đưa cho tôi 2 củ khoai lang và nói:
- Anh ăn tạm 2 củ khoai, rồi bắt đầu!
À ra thế! Bây giờ tôi mới hiểu. Nhưng, tôi cũng không ngờ chúng đặt vấn đề quan trọng như thế. Có lẽ chúng bắt tôi diễn lại cảnh trốn, để vừa dùng làm chứng từ buộc tội sau này, vừa làm tài liệu rút kinh nghiệm cho chúng.
Sau đó, tất cả các chi tiết trong vụ đào thoát “bất thành”, tôi phải lần lượt diễn lại. Có một sự việc tôi buồn cười và nhớ nhất là: Khi đến chỗ tôi phải lấy thế, dùng cú đòn chặt gáy, tên lạ mặt ngồi đóng vai Đỗ Đình Hạ chấp pháp, cứ nhấp nhổm sợ sệt không yên, mắt lấm lét sợ tôi làm thật. Tôi buồn cười là vì, nhìn lại thân hình mình, một người ốm tong teo, khẳng khiu, so với y, một tên khỏe mạnh đường đường “một đấng nam nhi”. Thế cho nên, người ta chỉ sợ bóng, sợ vía là nhiều. Nghe người ta đồn, nghe người ta nói lại, cứ tưởng như ghê gớm lắm; sự thực, nhiều sự việc không đến nỗi như họ tưởng đâu.
Chúng nó chụp tôi rất nhiều kiểu ảnh, từ lúc đầu, cho tới lúc tôi dẫn xe đạp ra khỏi cổng Hỏa Lò. Với cách đứng đợi, cách vào lấy thẻ, cách dẫn xe ra cổng, cách cười với tên công an vũ trang đứng gác, cho tới khi gặp tên Lê Phó Giám Thị và tên Điền, v.v…Chúng chỉ “không bắt” tôi diễn cái cảnh khi tôi bị bắt lại, bị đánh tơi bời hoa lá.
Vậy mà, cũng đến 12 giờ trưa mới xong, chúng cho tôi về xà lim. Tôi vừa đi vừa nghĩ việc trình diễn như đóng kịch vừa rồi. Tuy là ngày Chủ Nhật, tụi công an vũ trang, đa số là tuổi 20 hay ngoài, cũng ra theo dõi tôi diễn lại. Lợi dụng lúc diễn lại vai trò, mắt tôi vẫn không ngừng nhìn khắp đây đó, để xem có cái gì đem về mài thành con dao nhỏ, mà tôi đang cần không. Mãi đến lúc chúng nghỉ giải lao, tôi xin vào đi giải trong nhà xí của bọn công an vũ trang, tôi mới bẻ được đầu một miếng sắt rỉ, một chiều khoảng hai phân và chiều kia gần một phân. Thế là tôi đã có lại con dao tôi đã mất, cũng thấy vui vui trong dạ.
Về tới cổng xà lim, chợt tôi nghe tiếng loa léo nhéo nói về miền Nam: Nào là, Nguyễn Văn Thiệu đang củng cố uy quyền, đưa phe cánh vào những khâu chủ chốt, Nào, sau khi lập nền đệ nhị Cộng Hòa… kêu gào Mỹ tăng cường viện trợ để chống đỡ với tình hình càng ngày càng nghiêm trọng, v.v… Tôi nghe, lòng vẫn lửng lơ, man mác bâng khuâng như chiếc cửa của một căn nhà trên lưng đồi vắng. Một cánh cửa đóng hững hờ, còn một cánh mở. Cánh mở để nhìn thấy, suy lý, dựa trên những cơ sở thực tế của miền Nam, của miền Bắc, của phe cộng sản và thế giới tự do: Ông Thiệu đâu phải là đối thủ của cộng sản miền Bắc. Còn cánh đóng: Dù hiểu như vậy, nhưng hãy đè chặt trong lòng, miễn bình luận; vì ở trong một cái thế là nói ra càng tan rữa lòng người, chỉ có cái lợi cho kẻ thù mà thôi.
Tôi đã vào buồng, đóng cùm, đóng cửa rồi, lòng tôi vẫn nặng chĩu những suy tư về đất nước, về cuộc đời. Tôi cứ nhắm mắt, mặc cho đầu óc mình bềnh bồng trôi nổi đó đây, suốt về miền Nam, lại ra miền Bắc, lại chạy về Nam. Tôi nhìn toàn bộ khung cảnh xã hội miền Nam. Tôi nhìn toàn bộ khung cảnh xã hội miền Bắc.
Như tôi đã trình bày ở trên, đây không phải là một tác phẩm tư tưởng, lý luận, nên không được phép dài dòng; nhưng dựa trên những cơ sở biện chứng, tôi thấy Liên Xô dù có mạnh hơn Mỹ, cũng không bao giờ dám đem quân sang đánh Mỹ, hay Anh, Pháp cả. Đó là một điều chắc chắn, trừ phi Liên Xô không phải là nước cộng sản nữa. Kim chỉ nam của họ là dùng áp lực tối đa bên ngoài, xúi dục kích động người dân của nước ấy đứng lên lật đổ chính quyền. Đôi khi cao nhất cũng chỉ dùng một nước cộng sản đàn em tiến hành chiến tranh cục bộ, đem quân sang một nước khác, để giúp một bộ phận nhỏ người bản xứ đứng lên lật đổ chế độ đang cai trị mà chúng bảo là thối nát, và chúng làm cách mạng, v.v…Cứ như vậy, chúng tiến hành nhiều nơi trên thế giới, cho tới khi màu đỏ loang lỗ khắp địa cầu, lúc dó có trời cũng không cứu nổi nước Mỹ khỏi tự nhiên thành cộng sản.
Vậy, Mỹ hãy lo ngay cho xã hội Mỹ, hãy làm sao cho người dân Mỹ hiểu đầy đủ về cái cảnh nếu phải sống dưới chế độ cộng sản sẽ bị o ép toàn diện. Mọi người lam lũ lầm than, không có một chút tự do, con người như con vật là chính. Chứ cứ tập trung tâm tư, khí lực để thi đua với Liên Xô, để rồi bị con dao đâm từ phía sau, tự trong lòng, lúc đó, đã muộn rồi!....
Năm mươi bẩy: Những giọt nước mắt kịch!
Miên man chìm đắm trong mối tơ vò tư tưởng, bỗng nghe chốt cùm rút đánh xoạch một tiếng, tôi giật mình như choàng tỉnh một cơn mộng ngày. Thì ra, đã đến giờ lấy cơm chiều. Mải say sưa trong suy tư đến quên cả cái đói chờ cơm! Như vậy, quả thực tôi cũng thấy mình đam mê quá. Vấn đề tôi vừa trình bày, cũng đã lôi cuốn chính tôi nhiều, chứ hầu như khó có một cái gì làm tôi suy nghĩ đến độ quên được, sắp tới giờ cơm; nhất là lúc sau này tôi cứ thấy đói luôn. Có lẽ, thời gian ở “cát xô”, vì bệnh tật đau đớn, người hình như nằm một chỗ không xê dịch, nên tuy ăn uống có thiếu thốn hơn, chỉ vừa đủ sống, nhưng tôi cũng không thấy đói lắm. Bây giờ, trở về xà lim đã gần một tháng, cơ thể dần dần bình phục lại, kể cả tinh thần sau vụ trốn không thành cũng dần được ổn định; vì thế, cơ thể tôi càng đòi hỏi ăn quá chừng.
Tôi cũng hiểu rằng tình hình chính trị bên ngoài có tác dụng trực tiếp đến sinh mệnh đời mình, nhưng điều đó vẫn còn xa. Trước mắt, hàng ngày hàng giờ, là cái đói hành hạ dày vò cơ thể tôi. Hầu như, hàng năm, tôi khao khát thèm một bữa no, nghĩa là giá bất cứ có cái gì cho vào dạ dày cho căng căng một chút, để xem “cái no”… nó ra làm sao" Nhưng, ngày nào cũng như ngày nào, bữa cơm đến, chưa ăn, vừa quay đi quay lại một cái, đã hết rồi; chưa thấy tí gì trong bụng cả. Bụng muốn ăn đến ba, bốn; mà chỉ có một. Lại ở xà lim chỉ có một mình, xoay đằng trước, xoay đằng sau, cũng chỉ bốn bức tường, lấy cái gì nhét vào dạ dày bây giờ. Nếu giẻ mà ăn được, tôi cũng nhai. Lúc đó có lẽ tôi cứ phải ở truồng, bởi vì cứ vặt xé dần quần áo đút vào miệng. Cứ ngày này, qua ngày khác; tuần này, qua tuần khác; tháng này, qua tháng khác; rồi năm này qua, năm khác tới,… đêm ngày, lúc nào cũng đói.
Một đêm, không ngủ được vì đói, trằn trọc suy nghĩ rồi khó khăn đẻ ra sáng kiến; tôi tìm ra được một biện pháp để thưởng thức “cái no”, cho nó sướng đời một cái! Thế là cả một dự tính, và tôi quyết tâm thực hiện. Tự nhiên, trong dạ cũng thấy hưng phấn, đầy hy vọng chờ cho tới bữa cơm sáng hôm sau.
Vì có mục đích, nên tôi thấy cái đói hình như cũng đỡ cào cấu trong ruột. Khi lấy cơm vào, tôi đổ bát ra một cái khăn, chiếc khăn này làm bằng hai miếng giẻ to trong… nhà cầu, tôi đã vò kỹ nước và khâu lại. Tôi nhúng tay vào gáo nước rồi hì hục, thận trọng, nắm khăn chặt lại. Chỉ thỉnh thoảng có hạt cơm nào vô tình rơi ra, tôi mới cho phép mình… ăn. Tôi túm lại, lấy một sợi chỉ buộc, rồi treo lên cái que nhỏ cắm ở lỗ đinh trên tường. Xong, tôi quay lại húp hết bát canh, rồi chờ đem trả bát. Trả bát xong, lúc đó cũng phải 10 rưỡi, 11 giờ. Khi quản giáo cùm xong, tôi nằm xuống. Trước khi nằm, tôi ngồi nhìn nắm cơm treo lủng lẳng ở bờ tường trước mặt, như gửi gắm với nhiều hứa hẹn là chiều nay sẽ có một bữa căng bụng. Sẽ được thấy cái cảm giác “no”… ra làm sao, mà lâu ngày tôi đã quên rồi.
Tuy nằm, nhắm mắt, nhưng làm sao tôi ngủ được, chả có cái cóc khô gì trong bụng cả (có chứ, có một tí nước canh, và mấy ngọn rau muống già, đểnh đoảng nấu muối). Chắc có vài chú giun cũng đang lồng lộn dãy dọn trong ruột tôi, vì phát ra những tiếng kêu “ò ọ” kéo dài như tiếng của thân những cây tre làng xiết vào nhau vì gió trong những trưa Hè oi nắng. Kế nữa là, bao nhiêu hy vọng đời chờ, bây giờ sắp được thưởng thức, bảo sao tôi ngủ được. Tôi nghe từng tiếng thời gian đi, cho tới giờ cơm chiều để mà đã đầy thưởng thức, sau những giờ phút vặn ruột, co gan.
Chờ mãi, rồi giờ hạnh phúc ấy cũng phải đến. Phải nói, lúc ôm cái bô ra đổ, trên đường đi nhiều lúc mắt hoa, chân lảo đảo như uống rượu say; nhưng trong dạ dày đầy tin tưởng là hạnh phúc sắp và sẽ đến. Rồi, cho tới khi ra cầm bát cơm chiều vào, bấy giờ, với một cử chỉ hết sức trang trọng, như chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn để đón một người mà mình quý trọng nhất đời. Tôi vừa ăn, vừa nghe tiếng reo vui của "quần chúng" tế bào dạ dày, đón chào những hạt cơm no lành theo nhau vào nằm dưới đáy bao tử. Ăn hết nắm cơm buổi sáng, lại ăn bát cơm buổi chiều, phải nói rằng có căng bụng. Tôi cứ tưởng tượng dạ dày của mình lúc trước co dúm, nhăn nheo chỉ một tí. Vì lâu ngày có bao giờ được chứa theo khả năng của nó đâu, cho nên các tế bào đã co lại để hàng ngày đón nhận có một phần ba, hay một phần tư số lượng nó muốn. Hôm nay đột nhiên lại đón nhận một số lượng gấp đôi, nó cũng căng rồi. Nó phải làm việc khác ngày thường, nên nó thấy mệt. Vì thế, sau khi trả bát, cùm xong, tôi cũng phải nằm vật ra. Lần này, không phải vì đói, mà vì căng bụng. Hơi mệt, thở hổn hển, nhưng mà chao ôi, sao con người sinh ra trên cõi đời này lại có lúc được no sướng thế, lại được ăn những hạt cơm kỳ diệu làm sao!
Sau buổi ấy, tôi thấy sáng kiến đó quả là tuyệt vời; tuy nhiên cũng rất mệt người. Vậy, để thích ứng nhất, mỗi tuần tôi chỉ làm hai lần vào thứ Ba và thứ Sáu.
Tuần nào tôi cũng áp dụng, như thế, mỗi tuần tôi được hai lần đã đầy; có khi đê mê suốt đêm cho tới sáng hôm sau. Cũng có hôm bất chợt, tên cán bộ trực trước khi đóng chốt cùm, còn vào buồng ngó nghiêng một lượt; khi thấy một gói treo trên tường, y hỏi và bắt tôi lấy xuống cho y xem. Tôi lấy xuống và trả lời: "Báo cáo, tôi đang ăn bị đau bụng, gói lại để chốc nữa khỏi đau sẽ ăn."
Tất nhiên, y làm sao hiểu được nỗi niềm và ý định của tôi.
Sáng hôm sau, lại là ngày Chủ Nhật, một Chủ Nhật đầu Đông. Xà lim lạnh ngóm, lại càng thấy vắng lặng hơn. Những trận gió Đông Bắc mò về sớm, từng đợt chui qua cửa sổ, lách qua mái ngói, gây ra những tiếng vi vu rền rĩ, càng gợi nỗi nhớ nhà đối với người tù. Tiếng “con mẹ chửi thuê” trên chạng ba của cây bàng ngoài sân trại đã bị tắt họng, không nói được nữa. Như thế là đã đến giờ hành chính (giờ làm việc) mà vẫn chả thấy tên cán bộ trực vào mở cửa cho tù ra đổ bô" Hàng tiếng đồng hồ trôi qua, xà lim vẫn yên ắng. Chắc các buồng khác cũng như tôi, cũng đang băn khoăn thấp thỏm vì sự bất thường này, nhưng chưa có lời giải đáp. Bỗng nghe những tiếng ồn ào, chuyện trò của một đám đông người gồm cả đàn ông, đàn bà đang đi vào, từ phía cổng xà lim.
Tôi hơi cau mày, vểnh tai nghe, và phán đoán. Khi nghe thấy tiếng mở cửa buồng số 2, rồi số 13, tôi đã hiểu. Đây lại là một phái đoàn tham quan nào đó, chúng đang bịp bợm đưa đến Hỏa Lò, nơi xà lim án chém. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.