Hôm nay,  

Tin Nước Úc

15/06/200900:00:00(Xem: 2041)

Tin nước Úc

CẢNH SÁT: VỤ TẤN CÔNG NGƯỜI ẤN ĐỘ KHÔNG PHẢI LÀ KỲ THỊ CHỦNG TỘC

SYDNEY: Cảnh sát cho biết, vụ tấn công của một nhóm đàn ông người Li-băng nhắm vào hai người đàn ông Ấn-độ làm phát sinh một vụ tấn công trả thù đã không bị thúc đẩy bởi lý do kỳ thị chủng tộc. Cảnh sát đã được gọi tới con đường Wigram St ở Harris Park, thuộc vùng phía tây Sydney vào khoảng 9 giờ tối hôm Thứ Hai sau khi một người đàn ông Ấn-độ trong lứa tuổi 20 bị một nhóm đàn ông gốc Li-băng tấn công.
Sĩ quan Cảnh sát Robert Redfern thuộc Bộ chỉ huy Cảnh sát Khu vực Parramatta cho biết có một vụ tấn công thứ hai, riêng rẽ cũng đã xảy ra với một người đàn ông Ấn-độ khác trong cùng thời điểm và ở cùng khu vực này. Sĩ quan Cảnh sát Redfern phát biểu trên đài phát thanh ABC rằng: “Một người đàn ông không muốn làm điều gì cả và một người khác đã được điều trị về một thương tích rất nhỏ. Tôi không nghĩ có bất cứ điều gì cho thấy rằng những vụ này đã được thúc đẩy vì lý do phân biệt chủng tộc. Đã có những vụ sinh viên  học sinh bị tấn công, không phải chỉ có riêng ở Harris Park; điều này đã là một vấn nạn chung trong cộng đồng. Có người cho rằng những vụ xảy ra đêm hôm qua được thúc đẩy bởi sự kỳ thị chủng tộc. Nhưng theo chúng tôi thì chắc chắn chỉ xảy ra tình cờ, không may, Harris Park là khu vực có cộng đồng người Ấn rất lớn”.
Một đám đông khoảng 200 người đàn ông Ấn-độ đã tụ họp trên con đường Wigram St sau những vụ tấn công này để tấn công trả đũa ba người đàn ông gốc Li-băng. Tuy nhiên Sĩ quan Cảnh sát Redfern cho biết, những người đàn ông gốc Li-băng này, những người đã được các nhân viên cứu thương chữa trị các vết cắt nhỏ và vết bầm có thể không phải là những người chịu trách nhiệm về những vụ tấn công người Ấn-độ. Ông nói: “Tôi không nghĩ là có bất cứ lý do gì để chúng ta có thể thấy như thế”. Ông Redfern cho biết, không có điều gì cho thấy là có việc xử dụng dao. Ông nói: “Tuy nhiên chắc chắn có những sự tường thuật rằng người ta đã có xử dụng những chiếc gậy đánh bóng chày hoặc gậy để đánh hockey hoặc là những vật tương tự”. Ông nói thêm, có một vấn nạn về an ninh đối với nhiều sinh viên học sinh cư ngụ ở vùng Harris Park, những người đi làm những loại công việc của sinh viên học sinh, có nghĩa là họ thường bắt đầu và kết thúc công việc về ban đêm hoặc là buổi sáng sớm.
Hiện vẫn chưa có vụ truy tố nào được tiến hành. Sau đó, vào hôm Thứ Ba, Cảnh sát đã nói rằng những người ngoại quốc ở Úc nên báo cáo bất cứ hành vi tội phạm nào chống lại họ mà không cần phải lo sợ rằng việc này sẽ dẫn tới việc xem xét lại giấy phép nhập cảnh của họ. Phó Tổng giám đốc Cảnh sát Dave Owens cho biết, sự kiện bạo lực trong những ngày nghỉ cuối tuần vừa rồi hoàn toàn là  ngẫu nhiên và không được thúc đẩy bởi lý do kỳ thị chủng tộc. Tuy nhiên ông thừa nhận là có ba thành viên trong cộng đồng người Ấn sinh sống ở Sydney cảm thấy rằng bản thân họ đã bị nhắm tới. Ông nói, theo thống kê thì người Ấn-độ không phải là chiếm đa số trong số các nạn nhân của tội phạm. Tuy nhiên ông Owens cho biết, việc không báo cáo tội phạm là điều rất thông thường trong một vài cộng đồng. Ông nói: “Điều này thật là đáng thất vọng bởi vì nếu có kẻ nào đó gây ra một hành vi tội phạm thì tôi tin rằng họ nên bị truy tố và họ nên bị đưa ra trước tòa án. Có một số những chuyện hoang đường và những sự hiểu biết sai lạc trong một vài nhóm cộng đồng nhất định cho rằng, nếu họ đứng ra tố cáo một tội phạm thì cảnh sát lại muốn tìm hiểu xem họ có làm việc quá số giờ mà giấy phép nhập cảnh của mình quy định hay không, do đó họ không muốn báo cáo tội phạm. Đây không phải là điều mà chúng tôi muốn tìm hiểu, điều mà chúng tôi muốn là bắt nhốt kẻ phạm tội, kẻ vi phạm pháp luật”.
Ông Owens cho biết thêm, vụ bạo động đêm Thứ Hai là kết quả một sự leo thang của những sự kiện: “Nó bắt đầu với việc các quả trứng được ném ra từ một chiếc xe vào một nhóm người cầm gậy đánh bóng chày, và một cục gạch cũng được ném ra. Và khi đó một nhóm người mà tôi muốn xếp loại là ”cảnh giác hoặc phản đối" đã tràn ra đường để trả đũa. Tôi không khuyến khích việc tấn công trả đũa dưới bất cứ hình thức nào. Hãy để cho chúng tôi làm nhiệm vụ phát hiện tội phạm và bắt giữ chúng".
Cảnh sát sẽ làm việc với các giới chức giáo dục và những công ty vận chuyển để nỗ lực cung cấp an ninh tối đa cho con số khá cao các sinh viên học sinh Ấn độ hiện sinh sống ở Sydney.

THỦ TƯỚNG ÚC CẢI TỔ NỘI CÁC MỚI

CANBERRA: Việc cải tổ nội các của Thủ tướng Kevin Rudd nay đã trở thành chính thức theo sau nghi thức tuyên thệ nhậm chức của vị 15 bộ trưởng mới và các thư ký quốc hội. Tổng Toàn quyền Quentin Bryce, trong trang phục bộ váy màu xanh “ngọc lục bảo” đã chủ tọa nghi thức thừa nhận những sự thay đổi của 20 bộ  Yarralumla. Việc cải tổ này được thúc đẩy bởi sự từ nhiệm của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Joel Fitzgibbon hồi tuần trước theo sau những sự tiết lộ là ông đã vi phạm về cương vi (code of conduct) của các bộ trưởng.
Bộ trưởng Quốc phòng mới được bổ nhiệm, John Faulkner là người đầu tiên tuyên thệ khi ông Rudd giới thiệu từng chính trị gia một với bà Bryce theo thứ tự quan trọng. Joe Ludwig, người sẽ thay thế vai trò thư ký hội đồng nội các của Nghị sĩ Faulkner và kế đó là Bộ trưởng Đặc biệt của Tiểu bang được tiếp nối bởi Chris Bowen. Ông Bowen được thăng tiến với chức vụ Bộ trưởng Dịch vụ Tài chính, Luật Hưu bổng và Công ty và Bộ trưởng Bộ Dịch vụ về Con người (Human Service).
Chỉ có hai phụ nữ được thăng tiến như là một phần của cuộc cải tổ này. Bà Kate Ellis đảm nhận về giáo dục mầm non và chăm sóc trẻ em cùng với bộ thể thao và thanh niên của bà. Bà Maxine McKew sẽ hoán chuyển vai trò thư ký quốc hội về chăm sóc trẻ và giáo dục mầm non để nắm giữ bộ phát triển về hạ tầng cơ sở, vận tải, các vùng miền và chính quyền địa phương.
Bà Bryce nói rằng, bà thán phục và kính trọng những ai nhận lãnh công việc phục vụ cộng đồng trong các văn phòng chính phủ. Tuy nhiên bà cảnh báo rằng đây là công việc khó khăn đồng thời cống hiến cho nhóm này một vài lời cố vấn đơn giản nhưng sâu sắc. Bà nói: “Trong cuộc chiến đấu vĩ đại của quý vị để chống lại những thử thách trong thời gian này, có lẽ là thời điểm gay go nhất của chúng ta trong năm 2009, quý vị hãy dành ra ít thì giờ để bổ sung thêm cho phương diện an sinh của trí tuệ và thể lực của mình, để tăng cường sinh lực và để suy tưởng”.

NSW: LUẬT MỚI VỀ BĂNG ĐẢNG LÀ VÔ DỤNG!

SYDNEY: Phe đối lập tiểu bang nói rằng qua sự việc cảnh sát lo ngại về những cuộc tấn công trả thù sau một vụ bắn nhau mới đây nữa giữa các nhóm băng đảng, có lẽ đạo luật gắt gao mới nhất nhằm dẹp tan vấn nạn bạo lực của các nhóm băng đảng tội phạm ở NSW sẽ trở nên vô dụng nếu không được áp dụng.
Fadi Ibrahim đã bị bắn năm lần và cô bạn gái bị bắn một lần khi họ bị một tay súng phục kích trong lúc đang ngồi trong một chiếc xe hơi Lamboghini màu đen phía bên ngoài căn nhà của ông này tại Castle Cove thuộc vùng phía bắc Sydney vào buổi tối ngày Thứ Sáu tuần trước. Ibrahim, 35 tuổi, bị trúng đạn ở cánh tay, ngực và bụng khi một vũ khí nhắm bắn xuyên qua cửa sổ của chiếc xe vào khoảng 11.25 giờ đêm, cô bạn gái 23 tuổi đã bị thương ở chân trong khi đậu xe phía bên ngoài căn nhà trên con đường Neerim Road, Castle Cove. Cho tới hôm Chủ Nhật, Fadi vẫn đang còn ở trong tình trạng nghiêm trọng nhưng ổn định sau khi đã được giải phẫu bốn lần tại bệnh viện Royal North Shore Hospital. Trong khi đó cô bạn gái đã được cho xuất viện vào hôm Thứ Bảy sau khi một viên đạn đã được gắp ra khỏi chân của cô.
Fadi Ibrahim là một người thân cận (associate) với nhóm băng đảng mô tô Notorious, và là em trai của tay trùm băng đảng nổi tiếng ở khu vực King Cross là John Ibrahim, người đang kiểm soát vài hộp đêm ở khu này. Một người anh khác của Fadi là Sam Ibrahim, là cựu thành viên cao cấp của băng đảng mô tô Nomads vốn đã tách rời vào năm 2007 để thành lập băng nhóm Notorious.
Thủ lãnh Đối lập Barry O’Farrell tuyên bố, hành động bạo lực mới nhất này cho thấy cảnh sát và chính phủ NSW cần phải bắt đầu việc xử dụng quyền lực mới của mình để dẹp tan các nhóm băng đảng tội phạm. Một số khá nhiều luật lệ gắt gao mới đã được đưa ra ngay sau khi một vụ ẩu đả của băng đảng mô tô xảy ra tại phi trường Sydney hồi Tháng Ba dẫn tới kết quả là cái chết của một người đàn ông. Những luật lệ này bao gồm cả việc trao cho cảnh sát quyền lực yêu cầu Tòa án công bố tên các tổ chức, băng nhóm như là một băng đảng tội phạm và ngăn chận các thành viên của các băng đảng liên kết với nhau.
Hôm Chủ Nhật, ông O’Farrell tuyên bố với các phóng viên rằng: “Điều mà tôi quan ngại là..... bây giờ cảnh sát  nói rằng (vụ bắn nhau vào hôm Thứ Sáu) này có liên quan tới băng đảng, và đã hai tháng sau khi đạo luật về việc công bố các tổ chức như là băng đảng tội phạm đã được thông qua quốc hội NSW nhưng nó vẫn chưa được áp dụng. Đây là một chính phủ tiểu bang đã áp dụng một đạo luật gắt gao cần thiết nhằm đối phó với các nhóm băng đảng dù là băng đảng mô tô hay băng đảng nào khác tại tiểu bang này nhưng cho tới hôm nay họ đã thất bại, không đưa ra xử dụng quyền lực được công bố một băng nhóm như là tổ chức tội phạm để bắt đầu việc dẹp tan những kẻ.... can dự tới hình thức bạo lực theo kiểu này.”
Những người dân cư ngụ chung quanh cho biết họ nghe thấy những tiếng nổ nhỏ và tin là ống hãm thanh đã được xử dụng trong vụ bắn nhau theo kiểu băng đảng này.
Phía cảnh sát từ chối bình luận về cuộc điều tra của họ trong vụ bắn nhau này nhưng cựu phó tổng giám đốc cảnh sát NSW là ông Clive Small đã cảnh báo về một vụ trả thù được chờ đợi sẽ xảy ra. Ông Small nói với News Ltd rằng: “Việc phục kích để bắn một thành viên của gia đình Ibrahim theo kiểu này là một quyết định rất gan dạ và ngu ngốc. Nếu Fadi còn sống sót dĩ nhiên là anh ta sẽ nhận diện được người đã tấn công mình. Và tôi tin chắc anh ta biết được ai là kẻ đứng đằng sau vụ này”.
Tuy nhiên người ta được biết là gia đình này đã được kêu gọi hãy bình tĩnh và John Ibrahim đã tuyên bố sẽ không có bất cứ một sự trả thù nào từ phía gia đình hoặc là đại diện cho gia đình này.

CHƯA PHẢI THỜI ĐIỂM ĐỂ ĂN MỪNG VỀ KINH TẾ

ÚC: Theo một kết quả thăm dò về doanh nghiệp vừa được công bố hôm Thứ Ba tuần này thì viễn ảnh kinh tế của Úc có vẻ hơi khá hơn nhưng vẫn chưa được tốt lắm. Bản thăm dò mỗi tam cá nguyệt “The Dun and Bradstreet survey” về những chờ đợi của doanh nghiệp ghi nhận phần lớn những biểu thị trong cuộc thăm dò đều cho thấy một viễn ảnh tích cực hơn về kinh tế ở những tháng sắp tới trong số những nhà quản lý doanh nghiệp, tuy nhiên một biểu thị then chốt vẫn còn theo chiều hướng đi xuống: viễn ảnh về sự đầu tư tư bản bởi các doanh nghiệp trong tam cá nguyệt Tháng Chín đã lại bị sụt giảm so với giai đoạn hiện nay với một tỉ lệ ròng là 11 phần trăm các công ty vẫn chờ đợi sẽ cắt giảm chi tiêu. Con số này hạ giảm một điểm so với kết quả thăm dò trước đây của Dun & Bradstreet cho tam các nguyệt Tháng Sáu vừa chấm dứt.
Trong khi các chỉ dấu về viễn ảnh của con số bán ra, về lợi tức và về nhân dụng cũng vẫn còn tiêu cực, bản thăm dò này cho thấy chúng đã được cải thiện phần nào so với tam cá nguyệt hiện tại. Chỉ số của mức bán ra được chờ đợi tăng lên 16 điểm, tới mức âm 32 (-32), với 15 phần trăm con số các giám đốc điều hành chờ đợi một sự gia tăng trên số bán và 47 phần trăm chờ đợi một sự sụt giảm.
Chỉ số về lợi tức tăng 17 điểm, tới mức âm 40 (-40), với 13 phần trăm con số giám đốc điều hành chờ đợi lợi tức sẽ gia tăng và 53 phần trăm dự báo một sự giảm sút. Những chờ đợi về mặt nhân dụng tăng lên hai điểm, đạt mức âm 21 (-21) với tám phần trăm chờ đợi một sự gia tăng trên con số nhân viên và 32 phần trăm cho một sự sụt giảm. Tuy nhiên những sự chờ đợi về phương diện chi tiêu vào lĩnh vực đầu tư tư bản đã bị giảm xuống một điểm, tới chỉ số âm 11 (-11) với sáu phần trăm con số các giám đốc điều hành chờ đợi một sự gia tăng và 17 phần trăm chờ đợi cắt giảm chi tiêu.
Dun & Bradstreet cho biết hàng hóa tồn kho giảm xuống một điểm, ở mức âm 19 (-19).
Chỉ số về giá bán hạ giảm 14 điểm tới mức 56, với 63 phần trăm các công ty chờ đợi một sự tăng giá và bảy phần trăm chờ đợi sẽ giảm giá bán.
Các chỉ số này là kết quả của việc trừ ra tỉ lệ các giám đốc điều hành chờ đợi những kết quả tích cực từ tỉ lệ những người chờ đợi kết quả tiêu cực.
Giám đốc Điều hành của Dun & Bradstreet là Christine Christian cho biết, các dữ kện này đã phát biểu rằng “con đường trước mặt vẫn tiếp tục là một sự thách đố cho các doanh nghiệp của Úc”. Bà Christian nói: “Các dữ kiện gần đây cho thấy rằng nước Úc tuy không lâm vào một cuộc suy thoái nhưng những thử thách quan trọng vẫn còn ở trước mắt. Viễn ảnh tích cực của doanh nghiệp đã bị kéo xuống bởi sự sụt giảm những chờ đợi về đầu tư tư bản; hai trong số ba công ty đang chờ đợi tăng giá và các doanh nghiệp vẫn có kế hoạch cắt giảm nhân viên”.
Cố vấn kinh tế của Dun & Bradstreet là Duncan Ironmonger cho biết, cuộc thăm dò này đã cho thấy rằng sau “một tam cá nguyệt Tháng Sáu rất ảm đạm, tam cá nguyệt Tháng Chín sẽ có được một số cải thiện”. Bác sĩ Ironmonger nói: “Trong Tháng Bảy sẽ có một sự cắt giảm về thuế lợi tức và chi tiêu của chính phủ cho hạ tầng cơ sở. Những điều này sẽ gây ra một sự gia tăng các tác động tích cực trên phương diện công ăn việc làm trong những tam cá nguyệt kế tiếp”.

HAI THIẾU NIÊN DÙNG DAO ĐE DỌA ĐỂ CƯỚP XE

SYDNEY: Hai thiếu niên đã bị đe dọa bằng dao, buộc phải chở một người đàn ông tẩu thoát khỏi hiện trường một vụ cướp có vũ khí tại một tiệm tạp hóa nhỏ thuộc vùng tây nam Sydney. Người đàn ông này đã dùng dao đe dọa hai nhân viên làm việc trong cửa tiệm nằm trên con đường Miller Road ở Bass Hill vào khoảng 2 giờ trưa ngày Thứ Hai. Sau đó hắn đã ôm ngăn kéo đựng tiền chạy ra khỏi tiệm trước khi cướp một chiếc xe Mitubishi Magna màu trắng ở phía bên ngoài.
Người đàn ông này nhảy vào hàng ghế phía sau của chiếc xe và đe dọa hai thiếu niên 17 tuổi bằng một con dao, buộc họ phải chở tới vùng East Hills, nơi hắn vứt bỏ ngăn kéo đựng tiền trên con đường Elliott Street. Sau đó hắn tiếp tục buộc các thiếu niên này chở tới vùng Panania và tẩu thoát trên con đường Picnic Point Road.
Cảnh sát cho biết hai thiếu niên không bị thương tích gì trong vụ này đồng thời kêu gọi bất cứ ai có thông tin về vụ này hãy liên lạc với CrimeStoppers ở số điện thoại 1800 333 000.

SINH VIÊN ẤN PHẢN ĐỐI KỲ THỊ

SYDNEY: Các sinh viên học sinh người Ấn độ đã phản đối những cuộc tấn công kỳ thị chủng tộc, kêu gọi Chính phủ Liên bang hãy ngưng coi họ là “những con bò sữa” để kiếm tiền. Hàng trăm sinh viên Ấn độ và các ủng hộ viên đã tổ chức xuống đường ở Tòa Thị chính Sydney (Sydney Town Hall) và sau đó đi tuần hành tới công viên Hyde Park để kêu gọi chấm dứt bạo lực và bất công.


Những người trẻ nam nữ Ấn độ đã đọc lên những bài diễn văn sôi nổi, kể lại việc họ bị đánh đập, cướp bóc và cho rằng cảnh sát cũng như các giới chức thẩm quyền khác đã bỏ mặc sự cam kết của họ. Họ cũng kêu gọi cải tổ chính sách về giáo dục và di trú của Úc để các du học sinh ngoại quốc được bảo vệ khỏi những tay chủ nhà và chủ nhân xấu, mưu mô, quỷ quyệt  và nhận được cùng những quyền lợi như là các sinh viên trong nước.
Cuộc tụ họp xuống đường này theo sau một cuộc tập họp ở Melbourne hồi cuối Tháng Năm của 2000 người biểu tình thuộc cộng đồng Ấn-độ sau hàng loạt những vụ tấn công xảy ra hồi gần đây, kể cả hai vụ đâm chém bằng dao. Sinh viên và là tài xế lái xe taxi bán thời gian, Navjot Singh phát biểu tại cuộc biểu tình ở Sydney rằng, ông đã bị chém vào mặt bằng một cây dao mới gần đây. Ông khẩn nài cảnh sát hãy làm việc thêm nữa để bảo vệ các sinh viên ngoại quốc, nói rằng, những vụ tấn công kỳ thị chủng tộc đã thường xuyên xảy ra tại các khu vực ở Sydney có nhiều cư dân gốc Ấn-độ cư trú. Ông nói: “Có hàng ngàn người, hàng ngàn người Ấn độ cũng như các sinh viên ngoại quốc đã bị cướp bóc hàng ngày tại trạm xe lửa Harris Park. Chúng tôi chỉ nói chuyện ôn hoà, chỉ nói chuyện ôn hòa chứ không làm gì khác. Hãy đi ra ngoài và làm nhiệm vụ của quý vị tại trạm xe lửa Harris Park. Hãy tới đó, tuần tra khu vực này, làm cho nó được an toàn, hãy vì Thượng đế, làm cho nó được an toàn”.
Chủ tịch Nghiệp đoàn Sinh viên Quốc gia, David Barrow phát biểu tại cuộc xuống đường rằng, chính sách của chính phủ đối với các sinh viên ngoại quốc là kỳ thị. Ông Barrow nói: “Đã quá lâu nay, khu vực giáo dục và chính phủ đã đối xử với sinh viên ngoại quốc như là những con bò sữa để kiếm tiền chứ không phải là con người”. Ông cho biết, tiền học phí của sinh viên đại học ngày càng gia tăng, thêm vào đó giới chủ nhà và chủ nhân đã lợi dụng để bóc lột họ và họ không thể sống còn với những sự hạn chế của giấy phép nhập cảnh với tối đa là 20 giờ làm việc mỗi tuần. Ông Barrow nói: “Không thể chấp nhận được việc 10 tới 15 sinh viên bị nhồi nhét trong một căn hộ chung cư và bị tính tới $150 đô-la mỗi tuần cho mỗi đầu người. Và chúng tôi biết là ngoài kia có những chủ nhân, những người đã nói với các sinh viên ngoại quốc rằng, các anh chị phải làm 30 giờ mỗi tuần và chúng tôi sẽ chỉ trả dưới mức lương tối thiểu”.
Rashmi Kumar, Chủ tịch Hiệp hội Đại biểu Sinh viên Hậu đại học Sydney đã phản ảnh lại cảm nghĩ của ông Barrow. Cô nói trong cuộc xuống đường này rằng: “Bây giờ chúng ta có thể cùng đứng chung với nhau, các sinh viên trong nước và quốc tế, tất cả hợp lại với nhau, cùng nỗ lực để có được một nền giáo dục không dựa trên căn bản khai thác, bóc lột, kỳ thị chủng tộc, bạo lực và sự phân biệt”.
Thủ lãnh Đối lập Barry O’Farrell tuyên bố, mỗi một cư dân của NSW đều xứng đáng được bảo vệ như nhau theo luật pháp. Ông O’Farrell nói với các phóng viên: “Dù họ là những người có nguồn gốc Ấn độ hoặc là bất cứ quốc tịch nào khác thì chúng ta cũng cần phải bảo đảm một sự đáp ứng nghiêm chỉnh đối với những vụ tấn công vào các cư dân ở những khu vực ngoại ô của chúng ta”.

NẠN NHÂN ẤU DÂM SỐNG TRONG LO SỢ

BRISBANE: Nạn nhân của tay tội phạm ấu dâm được nêu danh tính trong một chương trình truyền hình trên toàn quốc như là một người được lưu ý tới (a person of interest) trong vụ bắt cóc thiếu niên Daniel Morcombe ở Queensland hồi năm 2003 nói rằng, bà đang sống trong lo sợ.
Chương trình thời sự Sunday Night của Đài truyền hình Số Bảy hồi tuần trước đã nêu tên Douglas Brian Jackway, 32 tuổi như là một trong số những người được lưu ý, người có thể nắm giữ thông tin then chốt về vụ bắt cóc em nhỏ 13 tuổi và cho tới nay đã được coi như là vụ sát nhân này. Cảnh sát không nói gì về việc liệu Jackway, người đang thọ án tù về vụ cưỡng hiếp một bé gái chín tuổi có đang bị điều tra liên quan tới vụ bắt cóc này hay không.
Nạn nhân của Jackway, người không thể nêu danh tính vì những lý do pháp lý nhưng được gọi bằng biệt danh là Amy đã nói với Đài truyền hình Số bảy về những vụ tấn công của ông này đối với mình vào thập niên 1990. Bà kể rằng, hắn đã kề một con dao vào cổ của bà mỗi lần hắn cưỡng hiếp và liên tục đe dọa bà. Amy nói: “Cặp mắt của hắn. Hắn nhìn có vẻ như quỷ sứ. Hắn sẽ giết tôi, cứa cố tôi, hắn đã đe dọa tôi rất nhiều. Giống như là hắn làm chủ bản thân tôi vậy”.
Jackway đã được phóng thích ra khỏi tù một tháng trước sự mất tích của Daniel sau khi đã thọ án về âm mưu cưỡng hiếp một bé trai chín tuổi vào năm 1995. Án tù của y về việc cưỡng hiếp Amy sẽ hết hạn vào năm 2012. Bà cho biết bà đang sống trong lo sợ là hắn sẽ tìm ra bà sau khi được thả ra. Bà nói: “Tôi muốn hắn bị giữ ở đó cho tới hết cuộc đời và sẽ chết rục trong tù”.
Amy nói rằng bà được thúc đẩy để kể lại câu chuyện của mình nhằm giúp cho các nạn nhân khác và tin rằng có một sự liên kết giữa Jackway và sự mất tích của Daniel. Bà nói: “Khi tôi nghe Daniel Morcombe và Douglas đã được thả ra trong cùng thời điểm, hắn lại có cùng một loại xe, và hắn đang di chuyển lên xuống giữa Brisbane và Sunshine Coast thì tôi thực sự nghĩ rằng hắn làm điều đó”.
Đài truyền hình Số Bảy tường thuật, kể từ khi nêu danh tính Jackway hồi tuần trước, một vài tù nhân đã liên lạc với họ và cho biết hắn đã tự thú nhận trong tù từ lúc Daniel bị mất tích. Đài này cũng phát hình một tấm ảnh mới cho thấy hiện nay Jackway dáng vẻ ra sao vì trước đó họ chỉ cho chiếu những tấm ảnh của y vào thời kỳ thiếu niên.

KÝ GIẢ TRUYỀN HÌNH BỊ HÀNH HUNG

SYDNEY: Một người đàn ông đã bị bắt giữ sau khi một chuyên viên ghi hình của đài truyền hình đã phải vào nhà thương và một nhiếp ảnh viên khác được cho là đã bị đấm vào mặt trong một vụ tấn công vào các nhân viên truyền thông ở Sydney vào đêm hôm Thứ Hai.
Các đại biểu của tờ báo The Daily Telegraph, Đài truyền hình Số 9, Số 10 và Số 7 được cho là đã bị tấn công mà không hề có sự khiêu khích tại một bãi đậu xe chia cách hai cửa tiệm bán thức ăn nhanh, KFC và McDonalds ở vùng Five Dock khoảng 2 giờ sáng ngày Thứ Hai.
Tờ báo The Daily Telegraph tường thuật rằng, hai người đàn ông được tin là trong lứa tuổi hai mươi đi vào bãi đậu xe này trong khi la lớn những lời lẽ tục tĩu, kể cả những lời lẽ có tính cách chế nhạo mang tính kỳ thị chủng tộc trước khi họ được yêu cầu ngưng lại. Khi đó cuộc tấn công được cho là đã bắt đầu xảy ra. Hai người này đã đánh nhiếp ảnh viên Bill Hearne của tờ báo Daily Telegraph ngã gục xuống đất với một cú đấm vào miệng.
Một người đàn ông thứ ba được cho là đã nhảy ra khỏi một chiếc xe, lúc đó đang ngừng lại tại quầy bán thức ăn cho tài xế ngồi trên xe (drive-through) để gia nhập cuộc tấn công này. Một trong số các nhiếp ảnh viên đã bị hăm dọa sau khi bị đánh vào mặt bằng một cái đèn pin. Ông cũng bị nhiều vết cắt và vết bầm ở mặt, được đưa vào bệnh viện Concord chữa trị và được chiếu điện để xem xét các vết thương vào buổi sáng ngày Thứ Hai.
Cuộc tấn công này kéo dài khoảng năm phút. Các nhân viên cảnh sát từ bộ chỉ huy khu vực Burwood cùng các nhân viên cảnh sát từ Đội tuần tra xa lộ ở gần đó đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Một người đàn ông đã bị bắt giữ và đưa về Trạm Cảnh sát Burwood, nơi y bị truy tố về một tội danh gây thương tích cơ thể, hai tội danh tấn công và một tội danh về việc gây ẩu đả nơi công cộng.
Cảnh sát đang quyết định xem tay này có phải ra trình diện tòa vào hôm Thứ Hai hay không và cũng đang xem lại những khúc phim thu hình về vụ này do máy quay phim phục vụ an ninh CCTV ghi lại.

VIC BỊ CÚM HEO TỆ HẠI NHẤT THẾ GIỚI

MELBOURNE: Cho tới ngày Thứ Hai đầu tuần này, Victoria đã được ghi nhận là có con số bệnh nhân bệnh cúm heo cao nhất thế giới trên căn bản từng thủ phủ và đã bị quy trách nhiệm “xuất cảng” siêu vi này ra khắp nước Úc.
Tờ báo The Austrlian tường thuật rằng, tiểu bang này đã “xuất cảng” hơn một tá những vụ lây nhiễm bệnh cúm heo sang các tiểu bang, vùng lãnh thổ và cả các quốc gia khác, kể cả một cầu thủ của đội NRL, người đã bị lây nhiễm căn bệnh này sau trận đấu State of Origin ở Melbourne hồi tuần trước.
Sau những ngày nghỉ cuối tuần lễ này, Tây Úc, NSW, Tasmania và Nam Úc tất cả đều đã có những siêu vi khuynh hướng H1N1 được thử nghiệm dương tính hoàn toàn mới trong số những người vừa từ Victoria trở về. Singapore và Mã Lai cũng góp phần với một trường hợp mới cho mỗi nước, có liên hệ tới việc khách tham dự bị đặt trong tình trạng tiếp xúc với siêu vi này tại Victoria.
Cầu thủ hàng tiền đạo của Queensland Origin là Ben Hannant, đồng thời là cột trụ của đội Bulldogs, đã bị lây nhiễm căn bệnh này sau khi chơi xuất sắc cho các cầu thủ Maroons trong chiến thắng dòn dã 28-18 của họ trong trận mở màn của Origin ở Melbourne vào hôm Thứ Tư. Tuy nhiên, cho tới ngày Thứ Hai đã không có thêm bất cứ vụ báo cáo nào về bệnh cúm heo trong số các đội banh NSW và Queensland Origin.
Tính tới ngày Chủ Nhật, con số những người bị mắc bệnh cúm heo ở Victoria vẫn duy trì không đổi so với ngày Thứ Sáu là 874 người. Tuy nhiên các quan sát viên lo ngại rằng một sự nhảy vọt mới trong con số này sẽ xảy ra sau thời gian nghỉ ngơi cuối tuần lần này tại tiểu bang này vì những trường hợp mắc bệnh đã tăng hơn gấp ba lần vào ngày Thứ Hai tuần trước.
Các tiểu bang và vùng lãnh thổ khác, tổng hợp khoảng gần 20 phần trăm những trường hợp cúm heo của Úc đã thấy các con số nhiễm bệnh của họ nhảy vọt từ ngày Thứ Sáu với 45 vụ, lên tới 177 trường hợp, nâng con số nhiễm bệnh trên toàn quốc lên 1051 vụ. Tây Úc bị nặng nhất với con số những trường hợp mắc bệnh đã được xác nhận là 14 vụ tính tới ngày Chủ Nhật, gia tăng từ hai vụ vào hôm Thứ Sáu. Một bé trai 11 tuổi và một phụ nữ 23 tuổi vừa từ Melbourne trở về đều nằm trong số những vụ lây nhiễm mới này.
Tạ NSW con số những vụ lây nhiễm từ Victoria được báo cáo đã gia tăng gấp đôi kể từ ngày Thứ Sáu, từ bốn lên tám trường hợp so với con số tổng cộng trên toàn tiểu bang là 82 vụ. Nam Úc và Tasmania cũng công bố một trường hợp thử nghiệm dương tính mới về căn bệnh này ở mỗi tiểu bang mà họ cho là đã bị lây nhiễm từ Victoria.
Hiện nay Victoria đã nới lỏng quy định về việc xét nghiệm, theo dõi và cách ly những trường hợp cúm heo của họ trong sự đáp ứng về việc gia tăng nhanh chóng những trường hợp mắc bệnh. Victoria hiện có con số người bị lây nhiễm cao hàng thứ tư trên thế giới sau Hoa Kỳ, Mễ-tây-cơ và Gia-nã-đại nhưng là con số cao nhất tính trên từng thủ phủ. Tuy nhiên không như các quốc gia khác, nó vẫn chưa ghi nhận một trường hợp tử vong nào từ căn bệnh này và cũng có ít người phải vào bệnh viện hơn. Tuy nhiên những báo động quốc tế về sự bộc phát ở Victoria đã được phát tán theo đà của siêu vi này. Tờ báo Mã Lai, New Sunday Times ở Kuala Lumpur đã gọi Melbourne là một trung tâm bộc phát của siêu vi khuynh hướng mới H1N1 sau khi một sinh viên Úc vào ngày Thứ Sáu đã trở thành trường hợp cúm heo thứ bảy được xác nhận. Người sinh viên không được xác nhận lai lịch này đã bay từ Melbourne vào Kuala Lumpur cùng với bà mẹ của cô trên chuyến bay AirAsiaX với 258 hành khách đã buộc hơn 140 người tiếp cận phải bị cách ly khi nhà chức trách Mã Lai tiến hành các biện pháp phòng ngừa.
Hôm Thứ Bảy, Singapore đã kêu gọi dân chúng của họ hãy hoãn lại những chuyến đi không cần thiết tới Victoria. Cùng ngày họ đã thông báo có hai trường hợp cúm heo mới được chẩn đoán, một trong số này là một người đàn ông Singapore 23 tuổi, người đã tới Melbourne hồi cuối Tháng Năm và bị phát triển các triệu chứng giống như bệnh cúm trong cùng tuần lễ đó. w

CẦN CÓ BIỆN PHÁP VỀ VIỆC ĐỒ CHƠI PHÁT KHÔNG TẠI TIỆM FAST-FOOD

ÚC: Theo một cuộc thăm dò mới đây thì việc phát không đồ chơi theo thức ăn nhanh (fast food) là một chiến lược lén lút nên được quy định bởi luật lệ của Chính phủ. Tổ chức Obesity Policy Coalition cho biết, cuộc thăm dò với sự tham dự của 800 người trưởng thành này đã tìm thấy rằng, nhiều người cho là chiến lược phát không đồ chơi dùng để cổ võ cho việc mua những loại thức ăn và thức uống không lành mạnh là “sự gây phiền nhiễu” và mong muốn Chính phủ sẽ can thiệp.
Viên chức cố vấn cao cấp của nhóm này là Jane Martin cho biết, có một sự ủng hộ với đa số áp đảo của công chúng đối về việc quy định gắt gao hơn của chính phủ đối với những phương pháp tiếp thị được dùng để cổ võ cho thức ăn vặt cho trẻ em. Bà Martin nói: “Luật lệ quy định của chính phủ là điều cần thiết để hạn chế những hành vi tiếp thị không thích hợp nhằm bảo vệ cho trẻ em và giúp loại trừ vấn nạn đang gia tăng về sự quá cân và béo phì ở trẻ em”.
Cuộc thăm dò của tổ chức này cho thấy 91 phần trăm giới tiêu thụ tin rằng Chính phủ nên làm luật để quy định về việc xử dụng việc phát không đồ chơi nhằm tiếp thị thức ăn không lành mạnh cho trẻ em trong khi 55 phần trăm bày tỏ rằng hành động này nên được chấm dứt toàn diện. Bà Martin nói: “Mặc dù 25 phần trăm trẻ em Úc bị quá cân hoặc béo phì, hiện nay vẫn không có quy định nào để bảo vệ cho các em cũng như những bậc cha mẹ của các em khỏi những kỹ thuật tiếp thị, thí dụ như việc liên kết sản phẩm với các nhân vật trong phim của trẻ em và cho đồ chơi hoặc cho tham dự những cuộc thi có thưởng khi mua hàng”.
Cùng đứng chung với nhóm chống lại nạn béo phì này còn có các tổ chức khác như Diabetes Australia Victoria, The Cancer Council Victoria và Victorian Health Promotion Foundation (VicHealth).

DOANH NGHIỆP NGĂN CHẶN VIỆC TRUY CẬP CÁC MẠNG XÃ HỘI

ÚC: Các doanh nghiệp ở Úc đã thẳng tay đàn áp các trang mạng xã hội vì những nhà quản lý muốn tìm kiếm những thành quả thu đạt về năng suất trong thời điểm kinh tế xuống dốc này. Tờ báo AdelaidNow tường thuật rằng, các số liệu được Telstra Business công bố và chuyên trang về an toàn trên mạng lưới internet, MessageLabs cho thấy trong Tháng Tư năm nay, giới chủ nhân đã ngăn chặn việc truy cập vào các mạng lưới xã hội bốn lần nhiều hơn những gì họ đã làm hồi Tháng Sáu năm ngoái. Mỗi ngày, các công ty cỡ nhỏ và vừa ở Úc đã ngăn chặn khoảng 6000 dự tính truy cập vào các trang mạng xã hội so với chỉ có 2000 lần mỗi ngày vào 10 tháng trước.
Con số tổng cộng các trang mạng bị ngăn chặn, kể cả các trang mạng xã hội đã tăng vọt tới 193 phần trăm kể từ Tháng Giêng trong khi con số các trang mạng mà nhân viên được phép truy cập đã bị cắt giảm mất 58 phần trăm.
Giám đốc Điều hành Doanh nghiệp của Telstra là Brian Harcourt cho biết, cuộc nghiên cứu của Nielson Online cho thấy, các trang mạng xã hội hiện nay phổ thông hơn là email, đã khiến cho giới chủ nhân các doanh nghiệp phải áp dụng những sự ngăn cấm chung này. Ông nói: “Việc chuyện vãn, kết bạn hoặc mò mẫm dò tìm trên mạng internet trong những ngày làm việc có thể không phải là phương cách tốt nhất để cải tiến năng suất của nhiều doanh nghiệp nhỏ hiện đang chật vật tìm kiếm một con đường nhằm vượt qua thử thách kinh tế này. Nếu mỗi ngày một nhân viên dùng khoảng một tiếng đồng hồ trên mạng Facebook thì việc này có thể gây tốn phí cho doanh nghiệp hàng ngàn đô la về thời giờ làm việc bị mất đi trong thời gian suốt một năm.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.