Hôm nay,  

Màn Đêm Và Tội Ác CS

17/03/200800:00:00(Xem: 3259)
Đêm đấu tố và thủ tiêu.
Đêm săn bắt cho đầy chỉ tiêu.
Người chết mau.
Người phát điên.
Đêm cáo chung tự do nhân quyền.
(Đêm Việt Nam, Nhạc Hà Thúc Sinh)

Cơn mưa rả rích suốt ngày. Cái xóm quê hẻo lánh đã nghèo lại thêm cô tịch. Những con đường đất bị hư hại nặng nề vì vết lăn của những bánh xe bò thật lớn bằng gổ bịt sắt của những người nông dân qua lại hàng ngày làm cho chúng gồ ghề, lồi lõm. Nắng thì bụi tung khi có cơn gió mạnh, mưa thì có đoạn như một bãi sình không thể vượt qua. Hàng ngày, xóm quê chỉ tấp nập vào mỗi buổi sáng, người ra chợ, kẻ đi làm, trẻ con đi học. Râm ran một lúc đến khoảng mười giờ sáng, khi chợ hầu như tan thì người qua lại trong xóm cũng bắt đầu thưa thớt.
Cho mãi đến giờ kinh chiều trước khi trời tối, người trong xóm lại nghe theo tiếng chuông tụ tập vào nhà thờ xem lễ đọc kinh. Tân Lộc, một xóm nằm lọt thỏm trong một góc của An Phú Thượng, một xã địa đầu của Củ Chi, một quận lỵ mà những người VC vẫn mệnh danh là “thành đồng tổ quốc”. Tên gọi thì thế, nhưng người dân địa phương cứ gọi là ấp Bắc hay xóm Bắc Kỳ vì đây là xóm di cư đa số là người công giáo, quen miệng chọc ghẹo cho vui chứ họ không có ý kỳ thị bắc nam. Người dân địa phương định cư ở đây đã lâu, có gia tiên mồ mả, phần đông lại có tài sản đất đai ruộng vườn, họ rất cần người giúp đỡ họ việc đồng áng, nhất là trong các vụ mùa cày cấy, gặt đập. Người xóm di cư, chỉ trừ một ít gia đình có chút của ăn của để nhờ mang theo được tài sản từ quê Bắc, đa số ra đi với hai bàn tay trắng, chỉ sống nhờ sự canh tác khu đất công của xóm được chia phần cho mỗi gia đình, tuỳ theo số nhân khẩu, khoảng trên dưới một công đất nên không đủ sống. Đất này lại thuộc đất gò, mỗi năm chỉ trông cậy được mỗi một vụ vào mùa mưa. Mùa nắng, đất khô nẻ toác không làn ăn gì được. Bởi thế, người ta phải đi làm thuê làm mướn cho dân địa phương có ruộng có đất, kiếm thêm hạt lúa hoặc ít đồng tiền tiêu vặt.
Cuộc sống khá vất vả. Ban ngày đã vắng vẻ thế, về đêm, xóm quê tôi càng lặng lẽ hơn. Dù cách Sài Gòn chỉ hơn 20 cây số, ánh sáng đèn điện chưa lan tới, ngoại trừ dăm ba ngọn trong ngôi nhà thờ chỉ được bật lên vào buổi lễ sáng nhờ cái máy phát điện nho nhỏ mua được từ tiến đóng góp công quỹ trong xóm. Nói chung, giầu nghèo gì ở đây thì cũng cứ đèn dầu leo lét, do đó người ta đi ngủ sớm. Tám, chín giờ tối là khu xóm đã chìm trong bóng đêm, nhất là trong những đêm mưa buồn da diết như đêm nay.
Đêm ấy bỗng dưng chó sủa vang khắp xóm. Dân gian có câu: “Chó đâu có chó sủa không, chẳng thằng ăn trộm cũng ông ăn mày”. Người ăn mày không đi đêm. Người trong thôn xóm nghèo, cũng chỉ nghèo tiền nghèo bạc, chẳng ai thiếu cơm thiếu gạo đến phải đi ăn trộm. Vả lại, dân trong xóm ngoài lúa gạo nhà ai cũng có, chẳng có gì khác để mà ăn trộm. Vì thế, nghe chó sủa trong đêm, không ai bảo ai, mọi người đều biết “mấy ổng” về. “Mấy ổng” là tiếng để chỉ những “người đi làm cách mạng” phía bên kia, những người mà dân trong xóm sợ hãi đã kéo nhau từ ngoài ấy bỏ chạy cả ngàn cây số . Trừ trong chỗ riêng tư gia đình, ít người dám công khai dùng từ “Việt Cộng”. Rừng có mạch, vách có tai. Sợ lời xúc phạm ấy mà thấu tới tai “mấy ổng” thì đêm về có mà bỏ mẹ đời. Mà “cách mạng” hay chọn những đêm mưa rả rích như vầy về "công tác" lắm. Có lẽ vì cái lạnh lẽo, ướt át, lầy lội của mưa gió làm cho sự canh gác tuần tiễu của đồn lính nghĩa quân lơ là" Hay “mấy ổng” cũng biết lợi dụng mưa gió để dễ bề hoạt động" Dân ngại ngần hơn thì lệnh lạc sai khiến và thuế má đóng góp cho “cách mạng” cũng mau chóng hơn"
Nhưng đêm nay có gì khác thường, tôi tự nhủ. Mọi lần, chỉ người đi đến đâu, chó theo đến đấy, tiếng sủa khi xa khi gần. Đêm nay,tiếng chó sủa vang khắp mọi phía, dữ dội và rõ rệt hơn bao giờ hết. Điều này chứng tỏ “cách mạng” về rất đông, một vài trung đội hay cả đại đội không chừng. Và rất gần nhà. Tôi mới ôn bài xong, vừa mới lên giường. Chỉ mới hơn 9 giờ đêm. Thường “mấy ổng” chỉ mò về sau nửa đêm, khoảng thời gian khá an toàn cho các hoạt động tuyên truyền, thu mua thực phẩm thuốc men, thu thuế hay thúc ép dăm ba người dân theo họ đi đào hào, đắp mô, phá hoại cầu đường để gây trở ngại giao thương.
Đêm nay, họ kéo về thật đông, thật sớm bất chấp nguy hiểm, chắc phải có điều gì quan trọng. Một tràng tiếng súng từ phía đồn nghĩa quân vọng tới. Sau đó là những loạt súng từ khắp nơi nổi lên hỗn loạn. Ít phút sau, tiếng súng dứt. Chừng như tiếng súng là để cảnh cáo, doạ dẫm nhau chứ không phải để tấn công. Một hồi có tiếng la lối. quát tháo ở bên kia đường, phía nhà ông Bảo, cạnh ngã tư con đường đất. Sau đó là tiếng đàn bà khóc lóc kể lể. Chó vẫn sủa râm ran, nhưng mỗi lúc mỗi xa dần. Mẹ gọi tôi dậy bảo:
- Ai như tiếng bà Hồng đang khóc. Con coi nhà với hai đứa em. Để mẹ qua coi có chuyện gì"
Nói rồi bà mở cửa sau, lẻn qua vườn nhà bà Khâm bên cạnh để qua nhà ông Bảo. Nhà ông Bảo đối diện nhà bà Khâm, cách con đường nhỏ rộng chừng hai thước. Một lát bà về, gương mặt đầy lo lắng, bà thì thào vào tai tôi:
- Ông Bảo bị Việt cộng về bắt đi rồi, không biết lành dữ ra sao" Bà Hồng ôm mấy đứa con khóc lóc coi thảm quá. Mẹ an ủi sao cũng không xong. Chờ trời sáng xem sao. Cầu cho ông ấy tai qua nạn khỏi.
Nghe tin ấy, tôi thật bàng hoàng. Ông Bảo hiện là phó xã trưởng hành chánh xã An Phú Thượng. Ông bị bắt đi thì rõ ràng lành ít dữ nhiều.

*

Dạo ấy tôi mười ba. Thằng Trung mất đã hơn năm. Trung là con trai thứ của ông Bảo và là bạn học của tôi. Nó hơn tôi đến ba tuổi nhưng học cùng lớp nên vẫn cứ là bạn. Trung cũng như Long, anh nó và chị tôi, sinh ra và lớn lên ngay thời buổi tản cư chạy loạn ở miền Bắc, rồi di cư vào Nam nên việc học hành bị gián đoạn, thành thử trễ hết mấy năm. Tôi thì lại may mắn vào Nam khi mới lên ba. Qua năm sau, cơ sở trường lớp đã ổn định, dù chỉ là mái tranh vách đất, mẹ lại cho đi học sớm, chắc để bà rảnh tay đi làm kiếm thêm rau cháo, nên được vào ngồi chung lớp với đám thằng Trung.
Thật ra, nhỏ Liên, em gái kế nó mới cùng tuổi tôi, nhưng con bé học dưới một lớp, phải chịu làm đàn em. Vả lại, ai mà chơi với con gái, dị chết. Tụi bạn học nó ghẹo cho có nước mà độn thổ. Thằng Trung học hành trong lớp không bằng tôi, nhưng ở ngoài lớp nó tháo vát, khéo tay. Thuở ấy, trẻ xóm nghèo có những trò tiêu khiển rất đơn sơ, con gái hết nhảy ô, nhảy dây lại đập que, rải sỏi; con trai không bắn bi đánh đáo thì cũng đánh khăng chơi vụ. Vụ là những con quay (còn gọi là con thò lò) bằng gỗ quay tít khi được đánh ra từ một sợi dây quấn quanh nó. Tôi đẽo quay rất xấu, thường có ông nội làm cho. Nhưng nội tôi, dù khéo tay cũng chỉ làm cho anh em tôi những con quay chân gỗ, ông bảo cho đỡ nguy hiểm, trong khi đám quay của lũ trẻ chúng lấy đinh sắt cưa đầu làm chân, vừa khoẻ vừa quay lâu hơn, tha hồ cho chúng nó hiếp đáp con quay của tôi.
Nhờ có thằng Trung khéo léo làm bạn mà tôi cũng có được những con quay chân sắt để ăn thua với chúng bạn, chỉ cần gà cho nó bài toán khi nó bí, và lâu lâu chia cho nó một nửa quà sáng mẹ cho. Sau này khi lớn lên vào trung học mỗi đứa mỗi ngả, nó lên trường quận, tôi thi đậu vào một trường ở Sài Gòn, hai đứa không còn học chung. Sài Gòn những năm đầu 60 chưa đông người lắm, vẫn còn những vườn cao su bao quanh miệt Phú Thọ và nhiều khu đất trống. Phương tiện giao thông khá khó khăn. Ngoài tắc xi, xích lô cho người có tiền và dân buôn bán, học sinh và dân nghèo thường chờ các chuyến xe buýt đến dài cổ, người ta thường leo lên những chiếc xe thổ mộ cao lêu nghêu do ngựa kéo. Đi lại vất vả thế nên tôi phải ở trọ. Dăm ba tháng mới về nhà một lần. Gặp nhau là hai đứa kéo nhau đi chơi đùa nghịch ngợm.
Dạo ấy chưa có TV, radio còn rất hiếm và quí, cả xóm được cấp 3 cái đài màu vàng khá lớn có hình hai bàn tay có lá cờ (Việt - Mỹ) nắm chặt nhau, nhưng chỉ nghe được mỗi một tần số Sài Gòn (dường như thời đó miền Nam chỉ mới có một băng tần") gọi là radio ấp chiến lược. Chỉ có ba gia đình trong xóm may mắn trúng thăm là có đài để nghe hàng ngày. Thằng Trung mò mẫm nghiên cứu biết cách làm đài tự chế, nó làm cho tôi một cái “dã chiến” có cái loa chỉ bằng nút áo, muốn nghe phải nhét hẳn vào trong lỗ tai mới nghe được. Bấy nhiêu đó đối với tôi cũng quá đủ. Mỗi đêm về, leo lên giường xong là quên hết sự đời. Ngả đầu lên gối, nhét cái máy tí hon vào tai, tha hồ thưởng thức các chương trình thơ văn nhạc kịch, nào là những Tiếng Tơ Đồng, Trường Sơn, Mây Tần, Tao Đàn v.v… và sau này cả nghe đọc truyện Đường Đi Không Đến của ông nhà văn chiêu hồi Xuân Vũ. Thừa thắng xông lên, nó còn đóng luôn một cái đài bằng gỗ khá lớn điều chỉnh được âm thanh để bán cho bố tôi lấy tiền tiêu xài nữa. Nó đúng là đã khéo tay lại siêng năng. Dù ở trong cái xóm nghèo, gia đình ông Bảo không thích nghề ruộng rẫy, chỉ trừ mình nó. Vườn tược cây cối quanh nhà, dường như chỉ có nó để ý chăm sóc. Có lẽ số mạng nó ngắn ngủi cũng vì siêng năng" Nó chết lãng xẹt.
Một hôm lễ nghỉ tôi về thăm nhà. Gặp mẹ ở cửa, vừa lên tiếng, bà đã nói ngay: "Con mới về đấy à! Thằng Trung chết rồi."
Tôi sửng sốt: "Sao thế mẹ" Mấy tháng trước con về, nó mạnh khoẻ lắm mà""
Me kể: "Nó đi tháo gỡ hàng rào ấp chiến lược, bị VC gài mìn nổ. Chôn nó được hơn tháng rồi."
Thật là tội nghiệp. Tôi nghĩ. Năm ấy, chế độ tổng thống Ngô Đình Diệm đã bị lật đổ, chính sách ấp chiến lược chính thức bị loại bỏ. Xóm nghèo của tôi , một xóm ấp chiến lược kiểu mẫu bị chiếu cố.
Mỗi gia đình trước đây nhận trách nhiệm vài thước tuỳ theo nhân số gia đình, đào hào lấy đất xây luỹ và đặt hầm chông. Trên bờ đê người ta trồng các cây cọc sắt để rào kẽm gai. Dân trong ấp ban ngày bung ra ngoài làm lụng, tối kéo nhau vào trong rào đóng cổng lại, chia phiên canh gác. Thế lá "mấy ổng" hết đường về để tuyên truyền, tiếp tế lương thực thuốc men, thu thuế và phá hoại. Khí hội đồng quân nhân cách mạng do Dương Văn Minh lãnh đạo lên nắm quyền, họ đã ra lệnh phá bỏ chương trình đang có hiệu quả này. Dân trong xóm lại một phen kéo nhau đi tháo gỡ ấp chiến lược. Để khủng bố, gây sợ hãi cho dân, “mấy ổng” đêm về gài mìn bẫy vào công trình tháo gỡ dang dở, đúng ngay vị trí của nhà ông Bảo được chia. Thằng Trung đang cố gắng nhổ lên mấy cây cọc sắt thì một tiếng nổ kinh hồn vang lên Người ta bỏ chạy tán loạn. Chỉ có mình nó nằm lại.
Trái mìn nội hoá không đủ sức giết nó chết ngay. Thằng Trung bị thương nặng ở ngực. bụng, tay chân bị gãy. Dù vậy nó vẫn tỉnh táo, khóc và gọi mẹ: “Mợ ơi (nó gọi bố mẹ là cậu mợ như người Hà Nội)! chắc con chết quá! Con không muốn chết đâu mợ ơi!"
Thuở ấy, phương tiện chuyên chở giao thông rất thô sơ, tìm được một chiếc xe chuyên chở thật muôn vàn khó khăn. Băng bó sơ sài, cáng nó về nhà mà cả mấy giờ chưa tìm được xe chở đi bệnh viện quận cấp cứu. Nếu không, nó đã không chết. Nhìn nó đau đớn rên la, ai cũng mủi lòng. Nó từ từ mất máu mà xỉu đi. Nó mất trên con đường đến bệnh viện khi tuổi đời chưa đầy mười sáu. Trong đám tang, giữa tiếng gào khóc của bà mẹ, có tiếng chép miệng:
- Giải phóng gì mà kỳ cục! Dân đi làm ấp chiến lược bị gài mìn chết cũng còn hiểu được. Bây giờ gỡ nó đi có lợi cho "mấy ổng" mà "mấy ổng" cũng giết không chừa. Thật bất nhân ác đức!

*

Ông Bảo là người cùng làng quê với bố tôi ở miền Bắc. Ông thuộc thế hệ đàn anh, hơn bố đến 15 tuổi. Dáng người ông thấp nhỏ, miệng bịt đầy răng vàng, nên có biệt danh ông Bảo răng vàng, giọng nói lại như chuông, thứ giọng nói của người thích chỉ huy, và theo tôi, ông hơi nổ. Thời niên thiếu, ông bỏ làng đi một quãng thời gian dài. Lúc ấy, bố còn quá nhỏ để biết về ông. Nghe lời đồn đại, cũng như đôi khi qua lời kể của chính ông, khi có dăm ba chén rượu, ông đi theo những đàn anh khác trong làng lên mạn ngược. Lúc đầu chủ yếu buôn bán, sau đó đi làm "cách mạng”. Ông Bảo hơi nổ nhưng lại khá kín miệng về đời tư. Người ta chỉ biết chuyện qua đàn anh của ông như các ông chưởng bạ Năm, ông chưởng Láng. Ông sau này còn có tên ông Lý đèo Khế mà cho đến bây giờ, tôi cũng không biết đó là tục danh hay biệt danh. Hai ông này đều là những đảng viên Việt Quốc (hoặc Việt Cách) vào Nam rồi vẫn còn hoạt động công khai, nên mọi người cũng đoán ông Bảo là đảng viên chính trị chi đó. Vào khoảng những năm 1945, họ bất thần trở về làng. Không biết công việc kinh doanh và chính trị của họ ra sao: lời hay lỗ, thành công hay thất bại. Chỉ biết rằng khi trở lại làng, ông Bảo dắt theo về một cô gái Tàu, cô gái ấy là bà Từ Mần Hồng, vợ ông Bảo ngày nay.
Di cư về ở xóm được mấy năm, hai ông chưởng bạ bỏ đi nơi khác làm ăn, có lẽ vì ở đây không có đất dụng võ, cũng có thể vì hoạt động công khai, họ bắt đầu bị cộng sản theo dõi, riêng ông Bảo vẫn ở lại. Người cùng làng quê còn lại được bốn gia đình: ông Bảo, ông Trúc em ông, ông chánh Định và bố tôi, không kể gia đình bà Khâm mẹ goá con côi, em gái ông chánh. Bà Khâm goá chồng nên các ông ngần ngại gặp gỡ, chắc sợ mang tiếng. Ông Trúc có nghề cắt tóc, ở riêng một nơi và luôn bận rộn trong công việc nên ít có sự giao thiệp. Ba người còn lại ở gần nhau nên hay gặp gỡ, thường là vào những ngày chủ nhật, bố nghỉ việc ở sở về thăm nhà.
Nhà tôi ở giữa hai nhà, bố nhỏ tuổi nhất lại ít nói và chịu lắng nghe hai đồng hương đàn anh lắm lời kể lể nên họ hay kéo đến chơi. Khi thì làm ly trà nóng, ngồi phà khói thuốc lào ngẫm nghĩ chuyện đời, khi lại vài cút rượu bia với một mâm nhậu lai rai, đĩa lòng lợn có đủ tim gan dồi phèo phổi chấm mắm tôm. Bọn trẻ chúng tôi khoái chí được nghe hai ông bạn đời của bố, rượu vào lời ra, ngồi khích bác nhau. Những mẩu chuyện của họ mà suốt đời, có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên.
Có hôm, khi ông Bảo đang thao thao bất tuyệt về những ngày lưu lạc kháng chiến một thời khi còn trẻ, cao hứng đến độ con Tô đang ngồi ngoài sân cũng sủa lên mấy tiếng, ông Chánh Định ngồi bên khẽ bảo:
- Gớm, cái ông này thây thì bé mà miệng thì to! Bớt lại tí coi!
Ông Bảo có lẽ bị mất hứng, quạt lại:
- Thế ông không biết câu: đàn ông to miệng thì sang à" Có đâu như ông, xác thì to, lại đi làm “quan” sai vặt cho lũ thực dân. May mà hồi đó không giáp mặt, chứ gặp tôi đòm một phát là cái mạng ông tiêu dzồi!
Chả là chánh Định có thời từng đi lính cho Tây, nhưng ông chẳng có vẻ ngại ngùng xấu hổ về chuyện ấy. Ông nói:
- Thì đã sao" Đi lính mà có phải đánh đấm gì đâu. Lại còn được cấp khối đồ để xài nữa chứ! Chẳng gì đồ của nó cũng tốt bằng vạn của mình ấy! Nói thật các ông nghe, đi có vài năm, nó phát quần áo cho tôi mặc suốt đời không hết.Từ giờ đến chết chả cần may sắm gì nữa. Thế còn ông, bao năm đi làm “kách miệng” có “quái” gì, ngoài việc vớ được mỗi một mụ xẩm"
Ông Bảo đốp lại liền:
- Úi dào! quần áo với chả quần thần. (Hồi đó còn nhỏ tôi không hiểu ý ông muốn nói gì, sau này đi học mới biết quần thần = bầy tôi, nói lái là bồi tây). Mụ xẩm nhà tôi cũng còn bằng mấy mụ quê nhà ông . Còn cái miệng tôi nó oang oang vì nó có gang có thép, nó như cái đài la dô vậy đó. À, nói đến chuyện la dô, tôi lại nhớ đến chuyện mụ vườn của ông. Mấy hôm trước, bà ấy ghé ngang cửa hàng cúp tóc của chú Trúc nó. Lúc ấy, chú đang mở đài cho khách hàng nghe, bà nhà ông đến ngó cái đài chăm chú một hồi, rồi bà buột miệng: “Quái lạ! Có cái thùng bé con con này mà người nó chui vào chỗ nào mà họ đứng nói được nhỉ"” Nghe bà ấy phát biểu, cả nhà cứ bò lăn ra cười. Thật là “phi nỉ lỗ đía” (finir l’eau dire = hết nước nói, tiếng Tây bồi).
Rồi ông cười khà khà. Ông Chánh Định bèn bĩu môi trả đũa:
- Che bớt tiếng cười lại đi ông ơi! Bà xẩm nhà ông thì cũng “mắm xốt” (même chose = cùng một giuộc) chứ hơn gì. Hôm nọ tôi có việc đến nhà kiếm ông, thì bà ấy bảo ông vào l... ôồng có việc (ý bà muốn nói vào đồn có việc). Tôi nói với bà ấy là ông nhỏ con chui vào chỗ nguy hiểm đó chi vậy. Rồi bà nghe bà cũng cười hì hì…
Lại có hôm giữa bàn nhậu, ông Chánh Định đang khoa chân múa tay kể lể vể cụ Ngô Đình Diệm, một người mà ông vô cùng ngưỡng mộ, rằng miền Nam mất cụ Ngô là một mất mát lớn lao. Rồi ông kể đến đức tính bình dân giản dị của cụ. Chẳng hạn bữa ăn hàng ngày của ông cụ cũng chỉ làng nhàng dăm ba món như cánh nhà quê chúng mình, tô canh tô cơm, đĩa rau luộc rau xào và đĩa thịt heo luộc hay đậu rán… Ông còn đang hăng tiết vịt thì ông Bảo đã che miệng cười:
- Ông làm cứ như ông là đầu bếp cho cụ không bằng. Tôi nhớ như là từ hồi di cư về đây đến giờ, ông đã bước chân ra khỏi cái làng chợ này lần nào đâu mà biết" Đúng là nói một tấc đến giời.
- Ấy! Chả phải đi đâu mới biết – Ông Chánh Định nói ngay - Người anh minh thì phải ăn ở như thế thôi. À! Cái lão Dương văn Minh cũng ác thật. Người ta đã chịu hàng rồi còn cho người đi thủ tiêu. Hôm anh em ông cụ bị giết, tôi và mụ nhà tôi khóc hết nước mắt. Thế mà cái con bé nhà Đoạn đằng kia nó lại hí hửng mới tức chứ!
- Nó làm gì mà hí hửng"
- Nó bảo nhà nó cùng họ Dương với ông Minh, phen này nhận họ hàng với ông ấy thì có của ăn không hết. Tôi chửi nó là mày ngu như lợn, lão Minh có cho mày ăn cám thì có. Không nhờ có ông cụ đưa mày di cư vào đây thì bây giờ mày cũng rã họng ngoài đó rồi.


- Ừ! Ông nói cũng phải, nhưng có lúc ông nổ còn hơn tạc đạn.
Khích bác nhau chỉ thế thôi, rồi hai người ai về nhà nấy làm một giấc cho giã rượu. Hôm sau gặp nhau lại vui vẻ chào hỏi nhau chẳng để tâm.
Ông Bảo không thích nghề ruộng rẫy. Vào Nam, sau thời gian đầu làm việc cho uỷ ban di cư, ông xoau qua làm thầy thuốc Bắc, nhờ một ít kinh nghiệm học được khi lưu lạc bên Tàu. Nhưng ông chỉ là tay ngang, không cạnh tranh nổi với giáo Cường và giáo Duy, hai ông thầy lang thuộc loại gia truyền. Vả lại cái xóm di cư nghèo mạt rệp, hai ông lang đã là quá nhiếu, nói chi đến những ba người. Nhà ông ở lại ngay trong góc kẹt, không tiện lợi chút nào cho khách hàng thân chủ, thày lang Bảo ế khách dài dài. Được một hai năm chi đó, ông tính xoay qua nghề thuốc Nam cũng không khá hơn. Ông Trúc, em trai ông bảo ông:
- Em thấy bác loay hoay mãi cũng tội . Hay là bác ra cửa tiệm của em cầm cái tông đơ, cái kéo. Khi nào bác vững nghề rồi mở cửa hàng riêng. Nghề này chẳng giàu có gì nhưng cũng tạm đủ ăn.
Ông Bảo từ chối thẳng thừng:
- Cám ơn chú, nhưng tôi không muốn để nhà chú khinh tôi là thằng anh lại đi giựt nồi cơm của chú thím. Hơn nữa, tôi cũng không ham nghề của chú lắm.
Ông Trúc cười:
- Nghề đè đầu thiên hạ lấy tiền mà bác chê" Thì tùy bác đấy!
Ông Bảo cũng cười:
- Chú đè đầu thì để tôi móc họng thiên hạ kiếm sống vậy.
Thế rồi không biết học từ đâu, ông sắm đồ làm nghề trồng răng nhổ răng. Ông bán nhà trong góc kẹt và dời ra ngay ngã tư con đường dẫn ra chợ, tuy chỉ cách căn nhà cũ dăm căn nhưng tiện lợi hơn, vì là nơi mọi người qua lại. Rồi ông thuê thợ vẽ bảng hiệu treo ngay trước cổng. Làm ăn được vài tháng thì khách cũng thưa dần. Đám con nít chưa thấy mặt ông đã khóc thét lên, chưa nói đến chuyện mở miệng cho ông nhổ răng. Mua kẹo nhử cũng chả ăn thua. Cuối cùng, có cuộc bầu cử hội đồng xã, người ta nhớ đến thời hoạt động của ông nên mời ông đứng chung liên danh ứng cử. Rồi ông đắc cử. Ban ngày ra làm việc uỷ ban, chiều đến lại về nhà làm ông nha sĩ… vườn. Bạn bè khuyên ông tối đến nên ra uỷ ban xã nằm trong vòng rào của đồn nghĩa quân ngủ để bảo toàn an ninh, ông gạt đi, nói lũ chuột ấy chỉ giỏi phá hoại và hèn nhát, nhà ông chỉ cách đồn có chừng hai trăm mét thì cũng an toàn lắm, không có gì đáng ngại. Họ lại bảo nếu vậy thì ông nên giữ một khẩu súng phòng thân, ông cũng từ chối và bảo: “Tôi là nhân viên hành chánh, đâu phải lính tráng thì giữ súng làm gì. Vả lại, mình ra làm việc dân việc nước, có áp bức bóc lột ai đâu mà có người muốn hại mình.” Tính ông Bảo gàn gàn như thế.

*

Chỉ chừng mới hơn 9 giờ, nhưng ngoài trời mưa gió lê thê, đêm xem ra mịt mù và khuya lắc. Tiếng chó sủa râm ran mỗi lúc một inh ỏi. Có tiếng súng nổ một hồi, đâu phía bên kia đường rồi im ắng. Bỗng dưng tiếng sủa dồn lại thật gần nghe như trước cổng. Rồi lại có tiếng chửi thề đâu đó. Bà Hồng đang nằm, vùng dậy thổi tắt phụt ngọn đèn dầu leo lét trên bàn và run rẩy thì thầm:
- Ông ơi! Chó sủa ngay trước sân nhà mình dữ dội quá! Nghe đâu như có người đang ở ngoài cổng. Làm sao bây giờ"
- Lũ chuột lại về tuyên truyền phá hoại như thường lệ ý mà! Bình tĩnh đi! Bảo sấp nhỏ đi xuống hầm tăng xê. Không chừng có đụng độ lớn.
Bà Hồng kêu mấy đứa con đi xuống bếp chui vào cái hầm ở phía sau. Xong bà lên nhà trên với ông. Căn nhà tối thui. Mưa vẫn rơi đều đều. Bỗng có tiếng hộc lên đau đớn của con chó Mực ngoài sân, dường như nó bị ai đá. Rồi có tiếng chửi thề:
- Đ.M lũ di cư khốn nạn, đã có lệnh cấm nuôi chó mà chúng đếch chấp hành. Bố mày được phép thì cứ bắn bỏ cái lũ phản động này cả nút.
Sau đó có tiếng đập cửa vang dội. Bà Hồng ôm chặt lấy chồng khóc lóc:
- Chết rồi ông ơi! Họ đập cửa kìa.
- Bình tĩnh đi nào – Ông Bảo gỡ tay bà ra - Để coi họ muốn gì"
Bên ngoài, tiếng đập cửa càng dữ dội hơn. Rồi một tiếng nói cất lên:
- Mở cửa. Chính quyền cách mạng có việc cần làm với chủ hộ. Đây là lệnh buộc phải chấp hành. Chống cự lại sẽ bị nghiêm trị.
Một giọng nói khác xen vào:
- Cho vào nhà nó vài quả lựu đạn là xong, khỏi rắc rối lôi thôi.
Tiếng nói đầu lại vang lên:
- Đồng chí không được phát ngôn bừa bãi. Hãy lo nhiệm vụ bảo vệ an ninh của đồng chí đi. Một lần nữa, yêu cầu chủ hộ mở cửa. Nếu không chúng tôi sẽ có biện pháp mạnh.
Bà Hồng gần như muốn xỉu, rốt cuộc cũng run rẩy tiến ra mở cửa. Mấy bóng hình cành lá đầy người, súng ống lăm lăm trên tay ùa vào. Một người cầm đèn bấm rọi quanh nhà hỏi:
- Trần Kim Bảo đâu" Có lệnh mời đi họp gấp. Yêu cầu đương sự khẩn trương chấp hành ngay.
Bà Hồng bắt đầu sụt sùi. Ông Bảo lên tiếng: "Các ông là ai" Sao lại mời họp hành vào đêm hôm mưa gió khuya khoắt như vầy""
Người rọi đèn trả lời: "Là ai không biết à! Cách Mạng yêu cầu đi họp, nghe rõ chưa" Đừng làm mất thì giờ."
- Tôi không đi đâu cả. Cần gì cứ nói ở đây được rồi.
- Chống đối phải không" Nói cho anh biết, lời cách mạng là lệnh. Ai chống đối sẽ bị xử lý tại chỗ. Hay anh muốn cả nhà này sẽ bị xử lý cùng lúc"
Bà Hồng sụp người xuống lạy như tế sao: "Xin các ông tha cho gia đình tôi. Nhà tôi đâu có làm gì hại đến mấy ông đâu."  
- Câm đi - Một giọng nói – Làm tay sai cho nguỵ quyền đàn áp bóc lột nhân dân mà chưa biết tội à.
Bà Hồng càng la khóc lớn hơn. Têncán bộ lên tiếng:
- Thôi bà nín đi! Cách mạng chỉ đưa chồng bà đi đả thông tư tưởng một lúc rồi trở về, không có gì phải lo lắng. Anh Bảo chuẩn bị đi để còn về sớm.
- Để tôi đi thay quần áo đã – Ông Bảo nói, ông còn đang bận bộ đồ ngủ pyiama trong người. Tên cán bộ chận lại:
- Khỏi, như vậy tươm tất lắm rồi. Đừng tìm cách trốn chạy đấy nhé! Nói cho biết, chúng tôi bao kín hết rồi.
- Nhưng mưa gió thế này…
- Không phải lo, chính quyền cách mạng đã chuẩn bị đủ. Coi, có phải mình ông chịu mưa gió đâu, chúng tôi cũng phải chịu đựng vậy.
Quay sang người đứng bên, hắn bảo:
- Đồng chí còn miếng ni lông nào đưa cho y một miếng. - Hắn hất hàm về phía ông Bảo - Thôi, ta đi kẻo muộn.
Rồi hắn quay sang cười hóm hỉnh với bà Hồng:
- Bà cứ yên chí đi ngủ đi! Bảo đảm chồng bà sẽ về đến nhà trước sáng sớm mai.
Nói rồi hai người xúm lại kéo ông Bảo đi ra khỏi cửa. Trong nhà, bà Hồng sợ hãi tới mức co rúm người lại. Mãi một lúc mới lết ra được cửa để đóng lại. Bà nghe rõ tiếng lao xao ngoài cổng bảo nhau: Trói chặt nó lại!
Bà xuống bếp gọi đám con dưới hầm lên, và nói với chúng: Họ đã bắt “câu" đi rồi các con ơi! Bà nói xong, mấy mẹ con ôm nhau ngồi khóc.
Suốt đêm bà không hề chợp mắt. Thổn thức chán bà lại lâm râm cầu nguyện cho gia đình tai qua nạn khỏi. Mưa đã ngưng rơi. Có tiếng gà gáy. Tiếng chuông nhà thờ. Trời chưa sáng đã có tiếng ồn ào ngoài cổng:
- Bà Bảo ơi! Dậy ra mà đưa ông ấy về. Ông đang nằm ở cạnh cây da bên kia lộ cạnh quán nước bà Tư móm đó.
Bà Hồng vừa nghe xong đã ngất xỉu, không còn biết gì nữa. Mấy đứa con đưa bà lên giường rồi cùng hàng xóm tất tả đi ra lộ. Cây da nằm ở phía cuối ấp bên kia sát con đường quốc lộ số một, cành lá xum xuê che rợp một bãi đất khá lớn. Cạnh đó, nằm sâu phía trong là quán bò kho của bà Tư móm. Ban ngày, dưới gốc da mát mẻ, bà cho sấp nhỏ xếp bàn ghế ra làm quán giải khát cho khách đi đường. Đêm đó, đám nhân danh cách mạng dự tính xử ông Bảo ngay tại xóm di cư để răn đe và gây sợ hãi, nhưng đám chó trong xóm làm chúng sợ lộ tung tích, rồi bị phục kích. Chúng đưa ông ra đây vừa yên tĩnh vừa xa đồn bót. Khu vực này ban đêm ít người lai vãng vì hầu như thuộc quyền bọn họ kiểm soát. Có động cũng dễ dàng thoát về phía bến đò, nơi cây cối chằng chịt như khu rừng, để an toàn trở về căn cứ địa.
Bắt ông Bảo ra khỏi nhà, họ không nể nang gì nữa, mồm miệng thì chửi rủa, tay chân thì tra tấn hành hạ liên tục. Ông Bảo biết mình cũng không thoát nên cũng thoá mạ lại thẳng thừng không kiêng nể. Những thoi đấm lên đầu lên cổ ông, những bá súng, cú đá vào thân hình còm cõi không thương tiếc, tưởng chừng như ông chỉ là cái bị thịt. Càng bị đánh, ông càng chửi rủa thậm tệ, nào là lũ ác nhân thất đức, nào là bọn khủng bố dã man. Ông càng chửi, họ càng đánh đấm tàn bạo hơn. Cuối cùng, chúng cũng lôi ông đến được dưới tàn cây da nơi chúng quyết định lập toà án nhân dân để xử theo cái thời cải cách.
Trói ông vào cọc. Chúng chia nhau đến một số nhà quanh đó lùa dân ra để lập phiên toà. Người dân ngại mưa gió muốn tránh né. Chúng khăng khăng nhất quyết việc vạch mặt đấu tố tội ác của bọn phản động là nhiệm vụ cách mạng mà mọi người dân phải chu toàn, ai từ chối sẽ bị kết tội che chở và đồng loã. Người dân vì thế sợ hãi phải kéo nhau ra. Thế là bọn chúng huy động đâu được bốn năm gia đình tham dự phiên toà đấu tố.
Theo lời bà Tư, khi chúng hối thúc đồng bào tố giác tội ác của ông Bảo thì không ai nói gì. Một tên trong bọn bèn mớm lời:
- Tên nguỵ quyền phản động này chắc chắn là có nhiều nợ máu với nhân dân. Bà con hãy nhớ lại xem khi ra làm việc ngoài uỷ ban xã, nó đã trấn áp ức hiếp nhân dân như thế nào"
Rồi hắn chỉ vào một người dân. Người ấy rụt rè thưa:
- Dạ thưa quý vị, thì tôi thấy ổng cũng chỉ nhận đơn từ, rồi lo trình ký cho chúng tôi. Thì cũng ba cái vụ quan hôn tang tế, nơi nào chả vậy. Còn vụ có đàn áp ức hiếp không thì tôi hổng rành lắm.
- Thế chả đàn áp là gì" Quê hương xứ sở mình mà nó bắt phải có giấy tờ xin phép, phải có đăng ký. Như vậy còn gì là độc lập tự do nữa. Đúng là một tội ác tày trời.
- Dạ, thì nhà có giỗ chạp cưới hỏi thì phải có vụ tụ tập đông người, ăn nhậu ca hát, nhất là sau giờ giới nghiêm, Vì vậy cũng phải có giấy phép của chính quyền cho hợp pháp chớ!
- Ai cho chị gọi bọn nó là chính quyền" Chị muốn theo chúng làm phản động luôn hả" Bọn chúng là nguỵ quyền, tay sai cho bọn đế quốc Mỹ xâm lược đáng tội chết. Chúng có quyền gì áp đặt lệnh giới nghiêm lên đất nước này" Lại một tội ác nữa của bọn Mỹ Nguỵ.Thế nó có la ó nạt nộ gì bà con không" Nó có thu thuế chợ thuế vườn của nhân dân không"
- Dạ, Thì thời nào dân cũng phải đóng góp cho công ích vậy thôi. Đường xá, cầu cống, chợ búa trường học bệnh xá xây dựng sửa chữa trông vào có nhiêu đó.- Một người khác nói – Mà chính quyền cách mạng đêm về cũng đến từng nhà thu thuế vậy. Người dân chúng tôi một cổ hai tròng mới cực khổ trăm đường. Còn chuyện ổng làm việc thì cũng có yêu cầu bà con ngồi xuống giữ trật tự ổng mới giải quyết hết đơn từ được. Ổng có nợ máu không thì tôi không biết, nhưng ổng làm việc dân sự, có súng đạn gì đâu. Dà! Đây chỉ là ý của tôi thôi.
- Cha này phát biểu linh tinh mất lập trường. Chính quyền cách mạng mời bà con ra đây để vạch tội lỗi tên Việt gian phản động này, đâu phải để bênh vực nó. Yêu cầu bà con giữ vững lập trường cách mạng, không che chở cho việt gian phản động, không gọi bọn tư sản mại bản, tay sai Mỹ Nguỵ là ông này bà nọ . Phải biết phân biệt phải trái, nhận thức địch ta. Mọi thứ đóng góp cho cách mạng là đóng góp cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, xây dựng xã hội chủ nghĩa, còn bất cứ gì đóng góp cho Mỹ Nguỵ là góp tay chống phá đất nước, là bị chúng hút máu hút mủ, làm cho nhân dân kiệt quệ. Thằng phản động này tội ác ngập mặt. Nó là tàn dư của đám Quốc Dân Đảng có quá trình đánh phá cách mạng điên cuồng từ miền Bắc gài vào. Nó không trực tiếp bắn giết đồng bào, nhưng nó chỉ thị cho bọn lính nguỵ truy kích sát hại các chiến sĩ cách mạng. Nó giả bộ dễ dãi cấp phát đơn từ cho bà con để cài người trà trộn vào dò xét, đánh phá cách mạng.
Bị trói vô gốc cây, ông Bảo gào lên:
- Tao phản động hay chúng mày phản động. Lũ chuột nào đêm đêm về đào đường đằp mô, giật mìn xe đò, quăng lựu đạn vào chợ búa, vào trường học, vào cả nhà dân gây tang tóc cho đồng bào vô tội" Chúng mày là một lũ thú không phải con người. Ác thú cũng không tàn bạo như lũ bay. Bọn bay chỉ là lũ chuột hèn nhát, chuyên giết chóc bắt nạt người dân vô tội không tấc sắt trong tay. Có ngon thì ra mặt chơi với mấy thằng Mỹ kìa. Nó chạy công voa hàng ngày qua đây có thằng nào trong tụi bay dám ló mặt ra, hay chỉ hèn hạ đêm về lén lút bắt bớ những viên chức quèn như tao. Bắt tao rồi thì cứ giết đi.
- Câm miệng nó lại - Tên cán bộ giận dữ - Mày sẽ được toại nguyện, nhưng không phải được nhắm mắt dễ dàng.
Hai tên đứng hai bên ông Bảo sáp lại gần. Một tên dùng báng súng thúc liên hồi vào mạng sườn, tên kia dộng một đầu cây gậy đang cầm trên tay thẳng vào miệng ông Bảo. Có tiếng lạo xạo của hàm răng bị bể. Máu tươi trào ra từ miệng, ông Bảo thét lên gục xuống, người ta nghe có tiếng rên rỉ:
- Lạy Chúa tôi lòng lành, bọn quỷ nó hành con dã man quá Chúa ơi! Xin cho con được chết ngay bây giờ đi…
Thế rồi chỉ còn tiếng rên rỉ yếu ớt. Đám người tham dự phiên toà sững sờ lấy tay che mặt không dám nhìn. Có người lên tiếng:
- Thôi vậy đủ rồi mấy ông ơi! Ghê quá! Tha cho người ta làm phúc.
Tên cán bô quắc mắt:
- Ai đòi tha nó vậy" Giờ này mà còn chưa giác ngộ cách mạng. Bênh vực che chở cho nó thì thế mạng cho nó nghe chưa" Bây giờ để bà con về nghỉ ngơi sớm khỏi chịu thêm mưa gió rét mướt, toà tuyên án tử hình tên tay sai phản động Trần kim Bảo để làm gương cho những tên khác. Ai nhất trí giơ tay lên"
Hắn đưa mắt nhìn quanh. Không có cánh tay nào đưa lên. Hắn dằn mạnh từng tiếng: "Yêu cầu bà con cùng nhất trí đưa tay lên kết án tên nguỵ quyền phản động. Không nhất trí được thì bà con ở lại đây suốt đêm nay."
Cũng không thấy ai đưa tay. Hắn tiến đến từng người:
- Anh này, có nhất trí không"
Có tiếng run run lí nhí trong miệng:
- Dạ… c… ó ạ!
- Vậy sao không chịu đưa tay" Anh này, chị này, chị này nữa. Vậy là tất cả nhất trí rồi nhé! Toà án thay mặt nhân dân tuyên bố TỬ HÌNH. Bà con ra về được rồi.
Mọi người dìu nhau ra về. Lén nhìn về phía bên kia. Ông Bảo vẫn bị trói vào cây cọc, thân hình khuỵu xuống, đầu gục sang một phía với mái tóc muối tiêu rũ xuống che khuất khuôn mặt méo mó. Từ trong nhà nhìn qua những lếp phên cửa, người ta không thể nhìn thấy những cảnh tượng kế tiếp ra sao, nhưng những tiếng gào thét như lợn bị chọc tiết của ông Bảo đã cho họ hình dung được cái kinh hoàng của cuộc hành hình như thế nào. Một cảnh tượng hãi hùng mà bà Tư móm nói sẽ không bao giờ quên được…
Hàng xóm ra tới gốc cây da. Ông Bảo nằm úp mặt xuống đất, cổ tay vẫn bị trói chặt ra sau. Mặt đất loang lổ bùn máu lẫn lộn, biến bộ đồ ông mặc màu kem thành màu xám với những quầng máu thâm ghê rợn. Trên lưng có một tấm giấy bìa viết nghệch ngoạc dòng chữ "Kết án tử hình tên phản động. Bản án được chính quyền cách mạng thi hành". Không có vết đạn trên người, nhưng toàn thân, từ đầu đến chân, không có chỗ nào không có dấu bị tra tấn đánh đập. Một cánh tay và chân cũng như hai bên be sườn bị đánh gẫy đầy vết bầm tím. Con mắt trái bị đập lòi hẳn ra ngoài. Mồm miệng vỡ nát. Không hiểu hàm răng vàng ông bịt bị rơi rụng hay đã bị nạy lấy đi. Có lẽ ông chết khá lâu, hay vì trời lạnh giá mà thân thể cứng đơ. Cáng ông về nhà, ông Trúc và chánh Định phải dùng mấy lít rượu bóp cho thân thể mềm ra mới tẩm liệm được.
Ông Trúc khóc anh mà rằng:
- Phải chi bác nghe lời em thì bác giờ vẫn còn sống, làm quan làm thầy chi cho chết tức chết tưởi vậy bác ơi!
Ông chánh Định cũng khấn vái trước linh cửu:
- Tôi với ông bạn cùng trang lứa, không hợp khẩu nhưng hợp tính. Khi trà nước rượu chè hay chọc ghẹo khích bác nhau nhưng chẳng có ác ý gì. Nay ông ra đi, sống khôn thác thiêng, xin phù hộ cho gia đình ông vận hạn thay đổi tốt hơn, cùng phù trợ chúng tôi với.
Đám tang ông Bảo có phủ cờ, có điếu văn của chính quyền xã, quận, có huân chương, có tuyên dương công trạng hy sinh cho tổ quốc, có cả một con đường đất đỏ chạy dọc theo xã mang tên ông, và dĩ nhiên được mai táng trong nghĩa trang xóm giáo bên cạnh mộ Trung, con trai thứ của ông, với bia tưởng niệm của chính phủ VNCH.
Sau ngày ông mất, gia đình vì buồn rầu sợ hãi, hay vì sinh kế đã dọn đi nơi khác. Long, con trai trưởng của ông Bảo, khi đó đã là cán bộ xây dựng nông thôn đi lập nghiệp một nơi nào đó miệt Long Thành, Bà Rịa. Hai đứa em trai út, Mỹ và Công sau này gia nhập quân đội VNCH. Theo lời em trai của tôi thời gian ấy còn liên lạc, Mỹ đã hy sinh trên chiến trường khoảng năm 1973, Công thì mất liên lạc sau đó. Liên, đứa con gái duy nhất trong gia đình cũng lấy chồng, trôi dạt ở một nơi nào đó. Bà Hồng giờ có lẽ cũng qua đời.
Cuối năm 2007, nhân tang lễ của bố, tôi trở lại quê nhà, có ra viếng nghĩa trang. Hai ngôi mộ bằng xi măng của cha con ông Bảo, trên mặt phủ một lớp đá xanh vẫn còn đó, bia mộ thì đã biến mất. Có lẽ theo chỉ thị của nhà cầm quyền CSVN, vì họ không chấp nhận những lời tưởng niệm ghi công những người từng là kẻ thù của họ. Thay vào đó là tấm bia bằng xi măng loang lổ đơn giản ghi: Giuse Trần Kim Bảo, TT. 1966 (từ trần 1966), HT.64 T (hưởng thọ 64 tuổi). Thăm lại cảnh cũ, có đến hơn bốn mươi năm rồi. Bố con ông nằm đây cô đơn lạnh lẽo quá. Thắp một nắm hương cắm vội lên hai ngôi mộ điêu tàn, tôi thương cảm chạnh nhớ đến 2 câu của ông đồ Liên: Những người muôn năm cũ. Hồn ở đâu bây giờ"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.