Hôm nay,  

Chuyện Đường Phố Sài Gòn

12/08/200500:00:00(Xem: 5148)
-Mới hơn một tháng, tôi trở lại Sài Gòn khi mùa mưa bắt đầu chưa được bao lâu. Hy vọng cái ngột ngạt của thành phố không còn nữa. Nhưng không phải thế, vừa vào đến cửa ngoại ô, từ Bến xe miền Đông đã thấy chen chúc, chật chội rồi. Cũng chẳng phải là cảm nhận thông thường của những người "nhà quê" ra tỉnh. Mà thật sự nó là "việc thật, người thật", chật chội đông đúc hơn một tháng trước tôi về Sài Gòn. Có đi xa mới nhận thấy thành phố này cứ mỗi ngày một đông đúc thêm. Đường sá, nhà cửa chỉ có thế, nhưng người bốn phương lại đổ về ngày một nhiều. Mưa hay nắng, đường vẫn đông, xe vẫn kẹt, chẳng cần phải đợi đến "giờ cao điểm". Tôi hỏi một người bạn cùng về với tôi, anh ấy cũng có nhận định như vậy. Hơn một tháng mà đã thay đổi nhanh như vậy sao" Có lẽ nhiều bạn khó tin, nhưng đó là sự thật. Những con đường như Nguyễn Đình Chiểu, vài tháng trước Tết còn đang đào bới lung tung, nay vẫn cứ còn "đang thi công", vẫn còn những cái khung che chắn nằm chềnh ềnh giữa đường khiến xe gắn máy phải dạt sang hai bên, tự tìm lấy đường đi và cảnh xô bồ diễn ra khá phức tạp. Có người nói "như thế là còn may đấy, đi vào nhiều con đường khác, nắp hố gì chẳng biết, cứ toang hoác, ngã ráng chịu". Vâng thì cứ đành kể là tôi may mắn vậy.
Cái loa của phường để làm gì"
Về đền căn phòng tổ chim trên chung cư cũ, hôm đó là một hôm cúp điện. Tất nhiên ông nhà đèn có đăng báo đàng hoàng, nhưng nhà hàng xóm tôi cũng chẳng biết. Đăng báo đấy mà có khi không cúp, có khi cúp. Và, thật ra ban đầu người ta còn để ý, chứ ngày nào cũng đăng một lô dài như sớ táo quân, thì giờ đâu mà ngày nào cũng ngồi lục từng khu, từng số phiên, số cột mục để kiếm đúng cái công tơ nhà mình. Đến cái số công tơ còn không nhớ nữa là...
Tối chợt nghĩ đến cái loa phóng thanh của phường. Cách đây gần hai chục năm hoặc lâu hơn nữa, nó còn oang oang phát thanh đến đau đầu, buốt óc. Phải năn nỉ mãi nó mới chịu phát ngày một lần. Sau này văn minh tiến bộ hơn, người ta không phát thanh linh tinh nữa. Xin hoan nghênh cái sự tiến bộ này. Chỉ thỉnh thoảng có một "vụ" nào đó như "thanh niên tòng quân, nhập ngũ" mới thấy nó phát dăm bẩy bản "hùng ca" gọi là "nhạc cách mạng" để kích thích tinh thần các cô cậu thanh thiếu niên và bà con lối xóm. Có ai nghe không, chẳng biết. Có kích thích được không cũng chẳng biết. Nhưng dù sao đó cũng là một "thủ tục" phải có, chẳng lẽ phường không làm gì sao. Thế rồi cả tháng, có khi vài tháng, cái loa lại mất tăm hơi, chẳng bao giờ thấy phát bất cứ cái gì nữa.
Thế thì tại sao cái gọi là "bộ phận văn hóa" của phường không coi báo, lọc ra cái tin "hôm nay phường ta cúp điện, bà con chuẩn bị công việc của mình". Chỉ cần như thế thôi, người dân sẽ có cảm tình với cái loa ngay chứ không "sợ" nó như trước kia nữa. Còn thiếu gì chuyện có thể "phát" được. Tin tức phường khóm, chẳng cần phải in mỗi tuần một bản cho tốn kém. Mỗi tuần đọc vài cái tin cần thiết cho đời sống thiết thực của bà con là vui vẻ rồi. Nhưng xin nhớ cho rằng mỗi bản tin nhanh chỉ cần dăm ba phút chứ không cần phải dài dòng kể thành tích hoặc một bài diễn văn của ông chủ tịch phường. Cũng chẳng cần định kỳ, cứ khi nào có việc cần thông báo mới phát mà thôi. Cái loa sẽ trở thành hữu dụng chứ không để làm chiếu lệ hoặc câm tịt như bây giờ. Lo cho đời sống thiết thân của người dân hơn là những chuyện họp hành lẩm cẩm mất thì giờ. Họp hành bây giờ như một cái "dịch", đến cơ quan nào cũng là "cán bộ đi họp", họp giao ban hàng ngày và họp các cấp các ngành thì lu bù, không kể giờ giấc. Dân đợi cứ đợi, quan họp cứ họp. Họp ở quán cũng là họp, có thánh mới biết.
Chuyện ngoài phố
Đó là chuyện trong nhà. Còn chuyện ngoài phố thì có khối điều để nói. Những ngày gần đây, có rất nhiều dư luận hay đúng hơn là "kết tội" ông vệ sinh an toàn thực phẩm đường phố. Nếu nhìn vào những tiết lộ về những cảnh làm thịt heo, thịt gà và đủ các thứ thực phẩm thì hết ai dám ăn. Thịt heo làm bên cạnh cầu tiêu hố xí, lòng ruột để lòng thòng trên nền gạch nham nhở. Thực phẩm tẩm hóa chất độc hại bán đầy rẫy ở chợ Kim Biên, chợ Tân Thành, đâu cũng có. Thịt gia súc chết được phù phép thành tươi sống qua những thứ hóa chất kinh hoàng đó. Các "công nghệ" chế biến đậu hũ, cà phê... và các phương pháp làm "trắng" rau bằng thuốc tẩy, v.v... Tất cả đều nghe mà rợn tóc gáy. Người ta sợ, nhưng vẫn cứ phải mua, cứ phải ăn.
Tuy nhiên, có ai "sợ" mà không đi chợ hàng ngày được đâu và người bình dân cũng ít ai có thì giờ ra tận siêu thị chọn mua những thứ đã được kiểm định sẵn. Mà ra siêu thị cũng chưa chắc gì những "sản phẩm" đó được kiểm định đúng tiêu chuẩn.
Bởi một điều rất khó hiểu và thật đáng buồn là trước những thông tin "rợn người" về an toàn thực phẩm đã đăng hà rầm trên các cơ quan thông tin, các "cơ quan chức năng" hoàn toàn im lặng, thậm chí không hề có ý định điều tra xem xét. Còn nhân viên ở siêu thị thì không thể kiểm định được vì trước hết không phải chức năng của họ, có chăng họ chỉ cẩn thận hơn, nhìn nhãn mác, nhìn ngày tháng để giữ uy tín cho cửa hàng rồi bỏ lên quầy bày bán. Nếu có ai kiện tụng gì thì lôi đầu anh sản xuất ra, thế là xong. Vậy thì chẳng tin vào ai được. Cứ mua và cứ ăn, may rủi ráng chịu. Có một sự thật ai cũng biết là nếu đi ăn ở nhà hàng, kể cả đi ăn tô phở thôi, nếu bạn tò mò, chịu khó đi vào trong bếp, khi đi ra, chắc bạn sẽ chạy một lèo không dám ngoái cổ lại. Đừng nói chi đến những quán cơm bình dân mọc ra nhan nhản bên hè phố. Vấn đề vệ sinh được "thả nổi".
Sao mà nhiều quán ăn đến thế!
Sự phát triển ồ ạt của thành phố tuy có nhanh và bát nháo nhưng có một điều rất rõ là những nhà hàng, quán ăn phát triển còn bát nháo chóng mặt hơn. Những người ở xa về về TP. Sài Gòn, ai cũng thấy "sao mà nhiều quán ăn đến thế". Có thể nói không "ngành nghề" nào mọc lên nhiều bằng quán ăn như ở thành phố này. Bởi một lẽ giản dị, ai cũng có thể mở quán ăn được. Không cần học hành, không cần nghề nghiệp, có tiền là mở quán ăn, quán nhậu. Tiền nhiều thì mở quán sang, tiền ít thì làm cái quán nhỏ. Phần nhiều là không cần xin phép, không cần thủ tục lôi thôi và cũng chẳng ai "kiểm tra" xem xét gì. Nếu có thì "thủ tục đầu tiên" chút ít là qua ngay. Thứ hai là bây giờ rất nhiều người đầu tắt mặt tối vì "cơm gạo áo tiền" nên ăn ở quán nhiều hơn xưa. Còn những ông không cần lo cơm gạo áo tiền, cứ ngồi ở bàn giấy cũng khối tiền thì lại lo đi nhậu. Vui cũng nhậu, buồn cũng nhậu, những cái "áp phe" chạy chọt bất cứ cửa nào cũng nhậu cái đã. Từ cái "xin cho" nho nhỏ đến những vụ mặc cả bạc tỉ, kể cả ở tòa, ở huyện, ở tỉnh, ở bộ cũng nhậu. Không nhậu thì không bao giờ xong việc, có khi còn bị "phạt trắng máu". Một thí dụ nhỏ như vụ ở Cà Mau vừa mới đây thôi, các quan kiểm tra thuế đòi đi nhậu, chủ không chịu, thế là 60 triệu đồng tiền phạt. Cái "gương tầy liếp" đó xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc và dĩ nhiên xảy ra trong âm thầm nên đã thành cái lệ, "ở đâu cũng thế thôi".
Nghệ thuật câu khách
Phải có người ăn nhậu thì quán mới sống và cái nghề này lại phát đạt rất nhanh hơn bất kỳ nghề nào. Một vốn bốn lời, thậm chí gấp mười, nên hàng quán mở ra như nấm gặp mưa là điều dễ hiểu. Và đã dễ kiếm tiền như thế thì sự cạnh tranh cũng khốc liệt không kém. Người ta "sáng tạo" ra đủ các "chiêu đặc biệt", có những chiêu không kém phần" quái đản, tươi mát" để câu khách. Có những quán "chuyên trị" các món dê từng giăng bảng hiệu quảng cáo như "vú nóng, đùi non, mông chưa đẻ con... (ý nói thịt dê tơ, mềm). Có quán nhìn vào thực đơn cứ như toàn những món ăn dùng để đặc trị chứng bất lực của đàn ông làm thực khách không thèm cũng phải thèm.
Khá nhiều nơi bây giờ, quán ăn được bày vẽ theo kiểu "đồng quê" đầy chất dân gian ba miền Trung Nam Bắc. Đủ các món chim cu nướng mọi, dê nướng ống tre, gà bọc đất sét, lươn đụt bầu, hoa lý xào tỏi, cà pháo mắm tôm... Các quán này xài toàn đồ mộc mạc, tre lá. Nữ phục vụ cũng buộc phải biến thành thôn nữ, guốc mộc, áo bà ba xẻ tà sát nách, để lộ da thịt trắng ngần! Còn người hầu bàn nam thì cột chiếc khăn rằn quanh bụng như bác Tám, anh Cu.
Có quán còn chơi bạo, trước khi nhậu có màn trình diễn thời trang, hàng chục em ưỡn ẹo bước vào phòng trên đôi guốc cao gót, mở dần xiêm y để "khoe hàng", sau đó cô nào được chọn thì ở lại, các cô chưa được tuyển, chờ "khoe hàng nội" với đám khách nhậu khác.
Có những khu phố riêng biệt nằm rải rác khắp nơi, kể cả phố thịt chó, phố ốc... Bây giờ nếu muốn gọi thành phố Sài Gòn là thành phố nhậu cũng không ngoa.

Khu phố tôi ở, con hẻm ngay sát ngã tư Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Thiện thuật, đã từ bao lâu nay thành hình một khu quán ăn đêm với đặc sản là "nghêu sò ốc hến". Nó mở cửa từ 5-6 giờ chiều cho đến 12 giờ khuya. Trước đây là những hàng quán bình dân, bạn muốn ăn thứ ốc nào, thứ cua, ghẹ... nào cũng có. Bây giờ vẫn còn, nhưng đối diện với nó lại là quán nhậu. Khi mới mở chỉ có dăm ba khách tới lai rai vài ly rượu đế, rượu thuốc. Nhưng vài năm gần đây thì nó phát triển thành rượu tây kéo theo dăm ba cửa hàng bán đủ các thứ rượu cao cấp từ vài trăm ngàn đến vài triệu. Bạn đến mua sẽ được ông chủ đích thân ký vào nhãn mác chai rượu, giả thì đem đổi lại. Đó là một kiểu câu khách, chứ mang về nhà rồi khui ra, đổi làm sao được! Lúc này mới sau buổi trưa, cái hẻm "nghêu sò ốc hến" ấy đã mở cửa cho đến 2-3 giờ sáng. Đấy là mới chỉ nói đến một con hẻm đầu đường. Còn bao nhiêu con hẻm, đường phố nữa cũng đầy rẫy những hàng ăn, quán nhậu kéo theo hàng loạt tệ nạn, phiền hà cho những nhà dân lương thiện, chân chỉ làm ăn. Cuộc sống của những nhà dân quanh đó không bao giờ yên ổn.
Tiền ở đâu, người ở đâu"
Tình trạng một số không ít thanh thiếu niên "sáng ngậm đắng, chiều nuốt cay" (sáng la cà quán cà phê, chiều nhậu nhẹt bê tha) khiến rất nhiều người nước ngoài hoặc ở nước ngoài về rất ngạc nhiên. Họ không thể hiểu được tại sao "thanh niên VN nhiều thì giờ đến thế". Họ thường hỏi "những người đó thất nghiệp sao"" Xin thưa ngay những người đó hầu hết là những người "quá nhiều việc". Nếu họ chịu làm việc vì dân vì nước thì hầu như chẳng bao giờ hết việc.
Cũng không thể bỏ qua, trong số đó, ở Sài Gòn và một vài thành phố lớn, ngày nay xuất hiện tầng lớp "tư sản mới", có những người cố ra vẻ thành đạt hoặc có nguồn gốc quý phái. Họ thường tỏ ra khó tính, thường xuyên có mặt tại hầu hết các nhà hàng, quán ăn đặc biệt, không thèm ăn ở những nhà hàng bình dân.
Tại Sài Gòn hiện nay, ước tính có hơn 10.000 quán nhậu; trong lúc chỉ có chưa đầy 900 trường học, 34 nhà hoặc trung tâm văn hóa. Hàng loạt rạp chiếu bóng bị biến thành nơi ăn nhậu; một số cơ sở văn hóa, thư viện, trường học.v.v... được cho thuê một phần để làm quán bia... Mỗi ngày toàn thành phố có hơn 30 tỷ đồng chi cho việc ăn nhậu, nhiều hơn số tiền Chính phủ bỏ ra để bù giá xăng dầu cho cả nước. TP Sài Gòn nhậu một ngày bằng cả một tỉnh nghèo quần quật dãi nắng dầm mưa trong... 3 tháng!
Đó là con số thống kê mới nhất, nhưng có lẽ vẫn chưa đầy đủ. Thực trạng có thể còn hơn thế. Nhưng cứ như thế thôi cũng đã đủ giật mình kinh hãi rồi. Và, nó sẽ còn "phát triển" nhanh hơn nữa trong những ngày tháng sắp tới. Tiền ở đâu ra mà nhiều thế" Người ở đâu mà nhậu nhiều thế"
Thực trạng và giải pháp
Nhưng có một thực tế mà dư luận không thể không "bức xúc". Những "dân nhậu", ngoại trừ một số thương gia, còn lại số đông lại là những quan chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, các cậu ấm con nhà khá giả, con cháu nhà quan mới đủ điều kiện ăn nhậu tối ngày sáng đêm mà thôi. Bất kỳ một viên chức nào, cứ có quyền là có nhậu hay nói cho đúng hơn là có người mời đi ăn nhậu. Một thương gia cần một mảnh giấy, một chữ ký hoặc chỉ cần một cái "đề xuất" để trình cho cấp trên, còn gọi là "tham mưu" cho "lãnh đạo" là có thể được mời mọc ân cần rồi. Vị cán bộ đó lại mời thêm một số bạn bè ở cùng cơ quan hoặc bạn bè nơi khác cho "có đi có lại" nên thường xuyên ngồi ở nhà hàng. Trong số những người đi ăn nhậu thì đa số là những vị "cán bộ", không quan thuế thì cũng địa chánh, quản lý thị trường, nhân viên hành chánh các ban bệ... có thể khẳng định rằng cứ có tí quyền hành là có quyền ăn nhậu.
Cục trưởng Hải quan của một tỉnh miền Đông từng gục đầu nhục nhã khi bị bắt quả tang đang "quậy" trong một quán bia ôm ở Vũng Tàu, một giám đốc sở ở TP. Sài Gòn thân bại danh liệt vì thú săn bắn kiếm "hàng độc" về nhậu. Trong vụ án Năm Cam, hàng loạt cán bộ cấp cao đã phải ra tòa sau khi bị đám giang hồ "nắm thóp" qua các cuộc đắm chìm trong tửu, sắc. Ở một tỉnh miền Tây từng có vụ cả dàn cán bộ một xã nghèo bị kỷ luật vì "tiếp khách" quá trớn, nợ hơn 140 triệu đồng.v.v...
Chuyện giữa trời này không thể nói các "quan trên" không biết. Ai cũng biết, không lẽ chỉ những người đứng đầu cơ quan không biết" Vậy mà nó cứ diễn ra từ bao năm nay rồi. Thử hỏi đã có một giải pháp nào ngăn chặn các quan đi nhậu chưa" Hay chẳng qua chỉ là vài bài học "luân lý" theo kiểu kinh điển, phê bình qua loa, đôi lời khuyên nhủ vớ vẩn để rồi đi vào lãng quên.
Nếu có một biện pháp quyết liệt, rõ ràng hơn, cấm tất cả các "cán bộ" bất kể cấp nào vào nhà hàng ăn uống, cà phê trong giờ hành chánh. Nếu bắt được sẽ bị sa thải ngay. Tôi tin là vắng các quan chức này, nhiều nhà hàng sẽ vắng như chùa Bà Đanh, số người ngồi ở quán cà phê cũng sẽ bớt hẳn. Trừ khi các vị ấy bê ngay về cơ quan cho "cả làng" cùng nhậu thì đành "huề".
Còn ngoài giờ làm việc thì sao"
Có người nói nên thành lập một phái đoàn kiểm tra "đột xuất" tức là bất ngờ xông vào một cái quán nào đó kiểm tra, thế nào cũng lòi ra mấy quan chức sau giờ làm việc đi "liên hoan" lẻ. Nếu cần thì đặt vài cái camera ghi hình bất ngờ ở vài quán và cứ thế luân chuyển "đánh lẻ" chắc chắn sẽ có khá nhiều quan chức "hiện diện" làm tài tử đóng phim. Cho dân và công nhân viên tố cáo những "cán bộ" la cà ở hàng quán. Trừ khi chính ông thanh tra cũng nhậu thì cũng "huề cả làng".
Nhưng làm như thế e rằng sẽ có những quan chức bị oan khi đi với khách của gia đình hoặc đôi khi họ có quyền đưa gia đình đi nhà hàng. Đây là quyền công dân không thể xâm phạm.
Còn những vị quan lớn, họ chẳng cần đến nhà hàng, họ có hàng chục cái biệt thự, mang nhau về "nhà ta ta nhậu", chẳng ai làm gì được. Thực tế có lẽ cũng đang diễn ra như thế. Điều này thì cũng khó, chỉ còn trông chờ vào ý thức của các quan nữa mà thôi. Tuy vậy cũng không thể nói là không ai hay biết. Nhưng biết rồi cứ để đấy thì cũng như không. Vẫn có thể có những giải pháp ngăn chặn, vấn đề còn lại là có quyết tâm hay không mà thôi. Nếu có một văn bản hẳn hoi, một quy định dứt khoát về mọi mặt thì số người đi nhậu ở Sài Gòn và các thành phố lớn ở VN sẽ bớt hẳn.
Tôi đã từng nghe vài người bạn than thở là không muốn đi ăn đi nhậu song vì công việc, các quan gọi thì phải đi thôi. Vừa mất thì giờ vừa tốn tiền. Nếu ngăn chặn được các quan đi nhậu thì số dân "bị tham gia" cuộc chơi này cũng bớt đi nhiều. Vậy nếu có "giáo dục" thì xin nghĩ đến quan trước, dân sau.
Chuyện nước tương "Chin su" tạm yên ở VN, chưa yên ở Bỉ
Rất bất ngờ, cơ quan chất lượng thực phẩm của Bỉ đã ra thông cáo đăng trên Báo Nước Bỉ Tự Do, cảnh báo người dân Bỉ không nên dùng nước tương Chin-su nhập từ Việt Nam vì trong đó chứa chất độc tố gây ung thư (3-MCPD hoặc 3-Cloropropanediol) với hàm lượng cao.
Vắn tắt là như thế, nhưng nó đã làm người dân Sài Gòn thật sự lo lắng. Cũng may mà nhà tôi hầu hết chỉ thích dùng nước mắm. Dù rách cũng phải có một chai nước mắm ngon, chứ nước tương thì có cũng được mà không cũng chẳng sao. Thế nên cũng đỡ lo, tuy nhiên trong nhà vẫn phải có một chai nước tương. Hầu như gia đình nào cũng vậy, chỉ khác nhau dùng nước tương nhiều hay ít mà thôi.
Từ bao năm nay, một gia đình VN đã dùng biết bao nhiêu chai nước tương rồi"
Nếu nó có chuyện gì thì đúng là "ăn thuốc độc" mà không biết. Người nào có bệnh lại đâm ra nghi ngờ không biết có phải tại nước tương không.
Riêng với nước tương hiệu Chin Su, các cơ quan chức năng của Bộ Y tế VN đã công bố kết quả kiểm nghiệm các mẫu nước tương Chin-su cho thấy hàm lượng độc tố 3-MCPD đều nằm trong giới hạn cho phép. Rất có thể mẫu nước tương ở Bỉ của Chin Su bị làm giả, nhưng dù là giả hay thật thì cũng rất có thể những chai nước tương ấy xuất phát từ VN. Hay là một hãng nào ở nước ngoài cạnh tranh chơi xấu để chiếm lãnh thị trường. Trong thương mại thì những việc như thế có khả năng xảy ra.
Như vậy nay chỉ cần đợi hãng Chin Su cử người sang bỉ để có kết quả xác minh mẫu nước tương ở Bỉ thì "câu chuyện Chin-su" coi như kết thúc.
Thái độ vô trách nhiệm
Nhưng nó kết thúc chuyện nước tương Chin Su, chứ còn những loại khác thì chưa thể kết thúc và chẳng biết đến bao giờ mới thúc. Theo Viện Vệ sinh Y tế công cộng, từ trước đến nay Viện cũng đã kiểm nghiệm nhiều loại nước tương, xì dầu do Việt Nam sản xuất đang lưu hành trên thị trường, và phần lớn có hàm lượng 3-MCPD vượt chuẩn cho phép. Những sản phẩm có hàm lượng độc tố này cao thường là nhãn hiệu không quen thuộc, thuộc sở hữu tư nhân, sản xuất quy mô không lớn. Hiện nay đa số các sản phẩm nước tương loại này được chế biến bằng cách dùng HCL thủy phân đạm đậu nành, quy trình xử lý lạc hậu nên việc tồn dư quá nhiều 3-MCPD là dễ hiểu.
Một viên chức quản lý chuyên ngành đề nghị giấu tên cho biết, cơ quan của viên chức này đã từng thực hiện một cuộc điều tra, nghiên cứu hàm lượng 3-MCPD trong các loại nước tương đang bán trên thị trường. Kết quả đã làm cho cơ quan này "nín lặng" khi một số mẫu kiểm nghiệm có hàm lượng 3-MCPD cao hơn 1.000 mg/kg.
Điều còn lại đáng nói là thái độ vô trách nhiệm đối với sức khỏe của người dân. Như trên tôi đã tường trình rằng trước những thông tin "rợn người" về an toàn thực phẩm, các "cơ quan chức năng" hoàn toàn im lặng, thậm chí không hề có ý định điều tra xem xét. Dư luận đã quá ngao ngán lại càng ngao ngán hơn.
Thôi thì "hồn ai nấy giữ", trông chờ vào ông nhà nước "an toàn thực phẩm" thì có ngày ra nghĩa địa mà kiện con giun.

VĂN QUANG

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.