Hôm nay,  

Vào đất địch!

23/04/200700:00:00(Xem: 2684)

  LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc Châu, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo: "Chương 17: Gặp Z-5".

*

Chương Mười bảy: Gặp Z-5

Sáu giờ chiều ngày 31 tháng 5 năm 1962, xe tới Kim Liên, Hà Nội. Mặt trời mùa Hè đã lặn khi xe còn cách Hà Nội hơn 10 cây số, thế mà những dáng hình quen thuộc của đất thanh lịch ngàn năm hãy còn sáng rõ, khi chiếc xe đò chở tôi vào bến Kim Liên. Bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu kỷ niệm của thời niên thiếu năm xưa như ùa về bủa kín hồn tôi. Đó là phút giây giao cảm buổi đầu còn trên xe khi nhìn thấy Hà Thành. Chân tôi rời khỏi xe, theo dòng người chảy ra phố phường, những ngoại cảnh chung quanh đập vào mắt tôi. Con người, xe cộ, biểu ngữ, tôi cảm thấy thật xa lạ đẩy đưa dần tới sự tò mò và cuối cùng là sự cảnh giác của nghiệp vụ. Phải rồi, đây là đất cộng sản, đất kẻ thù. Mươi phút, tâm tư chìm lắng vào hố sâu của hoài cảm đến nỗi tách rời thực tế, tôi phải nghĩ đến an ninh của tôi.
Tôi đang hướng về ga Hàng Cỏ. Làm một vài động tác nghề nghiệp để quan sát chung quanh, rồi tôi rẽ ngang về phía hồ “Ha Le” trong lúc trời tối dần. Tôi cố ý lắt léo về nơi vắng vẻ để xác định an ninh. Đến đây, tôi xin nói về một điểm thiên bẩm mà trời đã cho cơ thể tôi. Thông thường, thị trường của con ngươi là 160 độ. Như vậy, 10 độ ở phía trái và 10 độ ở phía phải “chết,” nghĩa là khi con ngươi đang nhìn thẳng chính giữa, bất cứ vật gì di chuyển trong phạm vi 80 độ phía bên trái và 80 độ phía bên phải, người đó đều thấy. Trừ người nào có bộ mắt lồi, thì có thể thị trường của mắt rộng hơn.
Vậy mà, đôi mắt của tôi, chẳng hiểu thế nào, không phải lồi, đôi khi người ta còn nói là sâu nữa. Qua thử mắt thực tập, thị trường của tôi là 170 độ, có nghĩa là mỗi bên tôi chỉ có 5 độ “chết.” Chính vì thế, trên đường phố, tôi thường trông thấy người quen trước. Ngay khi thực tập theo dõi và chống theo dõi ở Sài Gòn, Brown, Dale và Phan đã khen ngợi nhiều lần. Dù phố thường đông đúc, hay địa hình phức tạp, (trừ khi tôi chủ quan, mất cảnh giác), còn nếu tôi cảnh giác thì bao nhiêu người hầu như tôi phát hiện hết.
Sau khi xác định không có hiện tượng gì khả nghi cả, tôi đã bắt đầu chủ quan và nghĩ rằng, từ chỗ đổ bộ ở Kỳ Phương, Hà Tĩnh, biết bao hiểm nguy gay cấn, chỉ một chút xíu nữa mình bị bắt, thế mà cuối cùng đều đối ứng linh hoạt thoát được hết.
Trời đã tối, theo lời Phan dặn thì tôi không nên mò gần về khu phố tôi đã ở trước kia, vì trong khi đi đường, bất chợt có thể gặp một người quen xưa, một người họ hàng, v.v… Họ sẽ ngạc nhiên rằng tại sao thằng Bình đã di cư từ 1954 mà bây giờ lại gặp ở đây. Từ đấy, có thể tôi sẽ bị phát hiện. Nhưng lúc này, do chủ quan, coi thường đối phương, tôi nghĩ là các ông ấy theo nguyên tắc cứng ngắc, nên quá lo xa, chứ khi ở Hà Nội tôi mới 16 tuổi, bây giờ đã 23-24. Lớn lên mặt mũi thay đổi nhiều, dù người quen có gặp chăng nữa, ai mà nhận được. Vả lại, Hà Nội bây giờ toàn là dân quê ở đâu mới về. Còn một yếu tố nữa, đó là vì lòng tôi cũng xúc động khi nhìn lại cảnh cũ. Nó như có hồn, cuốn hút ve vuốt lòng tôi. Từ hồ Ha Le chân cứ thả bước, mắt nhìn từng nhà, từng hẻm phố, từng gốc cây. Cảnh cũ còn đây, người xưa không thấy. Hồn lâng lâng, tôi bước mãi vào nơi cảnh quen, người lạ cho tới khi đến phố Tràng Thi rồi Tràng Tiền.
Ôi! Hồ Gươm! Hình ảnh hồ Gươm nằm trong ký ức suốt những tháng năm nổi trôi ở miền Nam, bây giờ đã hiện ra trước mắt. Vẫn chiếc Tháp Rùa âm thầm nghiêng bóng đen xẫm với vài vệt sáng lung linh dưới mặt hồ của những ánh đèn đường chung quanh. Tôi rẽ sang Gô Đa, về Chế Linh, hướng về đền Ngọc Sơn, đến Bà Kiệu. Phố phường đông đúc hơn. Khi tôi qua rạp Phillamoniqufe, nhìn xa xa đầu hàng Dầu, thấy tấm biển đề: “Nhà Trọ Số 5 Hàng Dầu”.
Chân đã mỏi, người đã mệt và cũng đã 7 giờ 30 tối rồi. Tôi quyết định vào xin trọ nghỉ đêm để lấy sức. Ngày hôm sau làm gì hãy hay. Nhìn bên ngoài, căn nhà một tầng, ngói và tường đen xạm, nứt nẻ vì gánh nặng thời gian.
Tôi đi vào, ngọn đèn điện nhỏ, bụi và mồ hóng phủ gần kín, hắt ánh sáng yếu ớt làm cho căn phòng sáng mờ mờ. Tại chiếc bàn kê trong góc, một lão già đang hý hoáy ghi chép. Tôi đoán là chủ nhà. Khi tôi đến gần, ông ta ngẩng lên, cặp kính lão trễ xuống. Tôi dùng từ không lịch sự như cộng sản:
- Cháu muốn trọ một đêm.
Ông ta cũng nhát gừng:
- Một đồng, đưa giấy thông hành đây!
Tôi rút giấy đưa liền. Ông ghi, rồi đưa cho tôi một miếng bìa con, vuông 5 x 5 phân, mầu vàng, mang số 4. Ông giữ giấy thông hành của tôi để nộp cho công an khu phố (theo nguyên tắc của các nhà trọ.)
Tôi cấm tấm bìa đó vào trong nhà. Dưới ánh điện vàng khè không đủ sáng vì mồ hóng, tôi thấy hai dãy giường cá nhân, gồm 8 cái. Mới có 3 người, hai anh bộ đội và một bác có vẻ nông dân. Tôi vào nữa là 4. Tìm được số giường, tôi vất chiếc túi dết, ngả người một tí cho đỡ mỏi. Mấy ngày nay không tắm rửa, tôi phải đánh răng và tắm một cái cho tỉnh người. Sau khi vào đi giải, tôi đã thấy chỗ tắm. Tôi lại xách túi dết ra phố. Tôi tính mua cái bàn chải và hộp thuốc đánh răng, và cái gì để nhét vào dạ dầy trước đã chứ. Tôi đi ra phía bờ hồ và rẽ về phía hàng Đào, hàng họ bầy bán ở vỉa hè. Tôi mua một cái bánh mì ỉu 5 hào trong cái thúng con của một cô bé ngồi bán, một cái áo may ô, một mũ cát. Lúc về, tôi cũng mua một góc thuốc lá Trường Sơn. Thế là toàn thứ thực của xã hội chủ nghĩa.
Về tới nhà trọ, có người đã ngủ. Tôi tranh thủ vào tắm, đánh răng và nhai chiếc bánh mì có lẽ đã từ hai, ba ngày trước. Ăn xong, tôi vào xúc miệng, mở vòi nước làm mấy hơi. Tôi ra giường ngả lưng, đốt điếu thuốc Trường Sơn. Thế là cuộc đời cũng vi vu!
Nằm trong màn, lúc đó đã 10 giờ, chung quanh mọi ngưòi đã ngủ cả. Tôi suy nghĩ, tính toán. Thời gian ở Hà Nội rất ngắn, so với bao việc phải làm. Vậy, ngay từ sáng mai, tôi cứ tìm đường đến nhà thương Việt Đức xem sao, nhất là đóng đúng vai trò đi chữa bệnh. Còn một điều nữa, trước đây ở Hà Nội, còn quá nhỏ, tôi lại ở Hàng Bạc, nên chỉ đi nhà thờ lớn Hà Nội. Nhà thờ “X,” Phúc Xá thượng, hạ ở đâu, thực sự tôi chưa biết. Tôi chỉ nhớ mang máng bãi Phúc Xá, dưới gầm cầu Long Biên (hồi xưa có một lần theo mấy người bạn ra đó đá banh). Tôi cũng phải ra đó thăm dò xem thế nào.
Sáng hôm sau, ngày mồng 1 tháng 6, tôi ra bờ hồ chỗ bến xe điện mua tờ báo Thủ Đô ngồi đọc và nhìn đủ hạng người qua lại. Hầu hết mọi thành phần, mọi lứa tuổi, từ các em học sinh cho đến các bác xích lô đạp, trên mũ hoặc ở cánh tay đều có đeo hay quấn một băng giấy mầu, trên có hàng chữ: "Đả đảo Ngô Đình Diệm bán nước". Chỉ một số ít, cá biệt mới không đeo mà thôi. Người đi bộ, người đi xe, v.v… ai tôi cũng thấy đeo. Điều này, nói lên sự kiện miền Bắc đang tăng cường chiến dịch tuyên truyền chửi bới miền Nam, mà mũi dùi chính là ông Ngô Đình Diệm.
Trời mùa Hè trong xanh, mặt trời chiều sáng không gian cũng không làm mờ nhạt được ấn tượng đầu tiên tôi nhìn Hà Nội. Tất cả là một mầu xám xịt, từ những dòng người đông đúc xuôi ngược trên những phố phường với áo mũ, không mầu xanh thì đen, hoặc nâu, và dép nếu không Bình Trị Thiên (râu) màu đen thì ba ta màu xám hay xanh. Đến nhà cửa xỉn lại vì rêu hoặc dơ bẩn, mà tôi nghĩ rằng từ ngày tôi rời Hà Nội đến nay đã hơn 8 năm, nay tôi trở về, chưa một lần quét vôi lại hay sang sửa.
Về âm thanh, thực là một thành phố chết, im lìm vắng lặng. Trên đường phố đầy người, nhưng toàn là xe đạp. Giữa trung tâm thủ đô, nơi sầm uất nhất, mà thỉnh thoảng mới thấy một chiếc ô tô. Tôi đưa mắt nhìn một vòng chung quanh hồ Hoàn Kiếm chu vi 2,300 mét. Cả một vòng như vậy, cứ trung bình 10 phút mới nhìn thấy một chiếc ô tô chạy, mà nếu không là molotova, thì cũng lại là commaca của bộ đội hay công an. Xe tư nhân hầu như không có. Thành phố yên vắng vì không có tiếng động cơ của xe cộ, cũng như của nhà máy. Khác biệt hẳn với Sài Gòn.
Sau đó, tôi quẹo lên phố Hàng Đào. Đang mải nhìn một tên công an túm tay một đứa nhỏ chừng 12 tuổi, kéo đi trên đường phố Hàng Bông. Một số người cũng nhìn theo và họ nói là ăn cắp. Tôi thấy một đoàn xe từ phía chợ Đồng Xuân đi xuống gồm 5, 6 chiếc Simca, Citroen, Peugeot. Chiếc đi đầu cầm cờ Việt cộng và Lào.
Đoàn xe đi chầm chậm, vì phố xá hẹp, nên tôi nhìn rõ Kongle và Võ Nguyên Giáp ngồi trong xe. Chà! Bộ Trưởng Quốc Phòng Việt cộng hôm nay đón Bộ Trưởng Quốc Phòng Lào! Các xe sau chở một lũ lóc nhóc Tướng và Tá, mặt tên nào cũng vênh vênh. Lúc đó tôi nghĩ, anh chàng Kongle bốc đồng đang bị lũ quái, cáo già ve vuốt, thổi! Mặt y dương dương, hớn hở. Sớm muộn, chúng sẽ cho anh chàng ăn mắm ngoé mà thôi!
Ngay từ đêm trước khi còn nằm ở Hàng Dầu, tôi đã đặt thành nguyên tắc. Ít ra, cứ mỗi ngày một lần, tôi phải kiểm tra xác định về an ninh của mình. Vì vậy, lúc này nhớ đến, tôi vờ hỏi mua mấy ống khóa, để có điều kiện quay ngang, quay dọc. Cầm ống khóa lên soi, mục đích nhìn hết mọi bộ mặt chung quanh tôi, trong phạm vi 30 đến 50 mét. Rồi sau đó, tôi quặt vào một ngõ hẻm sang phố Hàng Quạt. Đường Hàng Quạt thật vắng người, nhìn thấy một hàng bán nước chè ở vỉa hè. Chính vì tôi muốn nhìn lại phía sau toàn phố, nên tôi cố ý đi qua hàng nước vài bước, rồi như là muốn uống nước. Tôi quay trở lại, ngồi xuống chiếc ghế dài con trước hàng, lật một chiếc chén trên chõng để bà hàng rót nước. Nhờ những động tác này, tôi đã nhìn được hết mọi bộ mặt ở phố Hàng Quạt. Không có bộ mặt nào tôi đã nhìn thấy trước ở bên phố Hàng Đào. Yên tâm, trả tiền 5 xu nước xong, tôi đi về phía nhà thương Việt Đức.
Khi gần tới nhà thương, từ xa tôi quan sát, thấy mỗi người vào đều rút giấy đưa cho người gác cổng. Tới nơi, tôi làm theo, đưa tấm giấy thông hành và tờ giấy giới thiệu. Tôi nói:
- Em là học sinh, mới ở Vĩnh Linh ra, xin vào chữa bệnh.
Tất nhiên, mặt tôi sịu xuống và chảy dài ra vì bệnh tật buồn phiền. Y xem giấy, nhìn tôi thông cảm nên chỉ nói nhẹ:


- Đi vào chừng 50 mét, rẽ trái sẽ thấy khu nội khoa.
Tôi cảm ơn, cầm giấy đi vào. Tôi vẫn cảnh giác, khi bắt đầu rẽ trái, mắt tôi lướt nhanh ra cổng, xem có gì khác thường không" Yên tâm, tôi tiến bước, khi nhìn thấy tấm biển ghi: “Khoa Nội" trước mấy dẫy nhà to, tôi tiến vào chỗ phòng đợi, đã có khoảng 40, 50 người chờ. Hỏi thăm mấy người đợi, tôi đưa giấy giới thiệu cho cô y tá trực. Cô đọc giấy xong nhìn tôi hỏi:
- Thẻ học sinh anh đâu"
Tôi lấy ví rút thẻ trao cho cô. Cô nhìn thẻ rồi chăm chú nhìn tôi. Tôi thấy cái nhìn khác thường, dù vậy tôi vẫn tỏ ra bình thản nhìn cô. Một lúc sau cô mới chậm rãi trả lời:
- Bệnh tim thì sang khu B bên kia.
Cô chỉ tay. Thế mà làm người ta hết hồn! Không phải thì nói ngay lúc nãy, còn bày đặt hỏi thẻ học sinh!
Tôi cầm giấy ra phía dẫy ghế sau ngồi, tính toán cân nhắc. Thứ nhất, chủ trương của tôi hôm nay chưa phải để đưa tài liệu, mục đích chỉ đến xem những đường lối và cách thức sinh hoạt khám bệnh ra sao thôi. Tôi có bệnh thực đâu mà khám! Hơn nữa, tôi chỉ biết Z-5 là bác sĩ nội khoa ở Phủ Doãn, tức Việt Đức ngày nay, chứ chưa rõ chuyên trách về môn gì: ruột, gan, tim, phổi…" Tôi đang ngồi ngẩn ngơ suy nghĩ, tính toán, chợt tai tôi nghe thoáng:
- Bác sĩ Thọ có ở trong phòng không"
Thót người, tôi liếc nhanh về phòng trực. Thì ra một nam y sĩ hỏi cô y tá. Tôi chỉ thấy cô gái gật đầu và người y sĩ mở cửa bên ra hàng hiên. Phản xạ cấp thời, cân nhắc tình thế, tôi lợi dụng một đám đông, chỗ góc gần hàng hiên, tôi lẩn vào và đi theo ông y sĩ ngay.
Cả một dẫy dài, bao nhiêu cửa phòng. Đến một cửa phòng, ông y sĩ mở cửa, tôi đi thoáng qua liếc vào, phòng số 8. Tôi như bị điện giật. Dù nhìn rất nhanh qua cánh cửa vừa đóng lại, tôi đã thoáng thấy bộ mặt của một người mặc áo “blouse” trắng, đeo kính trắng, ngồi ở một bàn giấy to, trong một phòng rộng. Tuy đầu đã bạc, nhưng đúng hình dáng với tấm ảnh 4 x 6 mà Cục đã đưa cho tôi xem, giữ một tuần ở Sài Gòn.
Thời cơ đến, tôi phải quyết định lẹ. Tôi vẫn cứ đeo túi dết đi về phía cuối hành lang. Thỉnh thoảng, một người mặc “blouse” trắng đi lại, họ chả để ý đến tôi. Tôi tìm một buồng vệ sinh, nhưng nhìn khắp, chả thấy đâu. Tôi đành cứ đi, tôi lựa cho tay vào trong quần rờ và nắn sờ tìm tài liệu “X”, phải hai, ba lần mới thấy, tôi rút ra. Lúc tôi quay lại, từ buồng số 8, ông y sĩ lúc nãy đẩy cửa bước ra.
Thời cơ ngàn năm một thủa, tôi phải liều. Tôi đẩy cửa bước vào. Người đeo kính trắng đó ngửng lên nhìn tôi, mắt ngạc nhiên. Tôi thấy trong phòng còn ba bàn giấy nữa, hai bàn có người, một bàn không. Hai người kia cũng ngửng lên nhìn tôi. Tôi nói cố ý cho họ cùng nghe:
- Thưa bác sĩ! Mẹ cháu vẫn cứ sốt, vì vậy …
Đúng lúc ấy, hai người kia lại cúi xuống sổ sách. Tôi hạ giọng:
- “Nhờ bác sĩ chữa bệnh tim nhịp đập một trăm hai mươi.”
Trong lúc hồi hộp, tôi chả nhớ là bao nhiêu chữ. Ông nhìn tôi, đôi mắt mở to, bàn tay ông đang cầm bút rung lên. Mặt ông lộ vẻ hết sức xúc động. Tôi lo quá. Ông này làm sao thế! Ông không đọc lại mật khẩu. Nhanh trí, tôi hiểu ngay là ông bị đột ngột quá. Có thể từ bao năm nay ông mong chờ, ông đã sống với cuộc sống bình thản, giờ đây bất chợt quá chăng" Nếu tình trạng đó, để lâu không lợi. Tôi vội cảm ơn bác sĩ rồi đi ra. Khi ra đến cửa, tôi cố ý quay lại đóng cửa, thế nào ông cũng nhìn theo. Đúng như vậy. Lúc đó hai người kia không nhìn thấy tôi, tôi giơ tay vẫy nhẹ, và mắt cũng làm hiệu là ra theo tôi.
Tôi đóng cửa và ra ngoài. Tôi đi theo hành lang vào phía trong, vì nếu đi ra ngoài phía phòng đợi, có thể tôi không vào được nữa.
Tôi ra ngoài như vậy, vì có hai vấn đề. Thứ nhất, nếu không phải đấy là Z-5, hoặc là Z-5 nhưng bây giờ vì lý do nào đó, ông sợ, ông không muốn lôi thôi nữa, ông sẽ không ra. Thứ hai, nếu ông theo ra, tùy cơ, tôi sẽ đọc lại mật khẩu. Trường hợp ông không trả lời đúng theo quy ước, tôi sẽ lựa theo tình thế biến chế đi, rồi tôi phải chuồn lẹ.
Khi tôi đi tới cuối hành lang, cửa phòng số 8 mở ra và ông đi ra. Tôi quay lại, ông đi về phía tôi. Thái độ và nét mặt ông lúc này đã bình tĩnh, tuy mắt vẫn đăm đăm nhìn tôi. Tôi coi như không nhìn thấy và đi trở lại phía ông. Ngang qua ông, tôi mới tươi nét mặt nhìn và để một tay lên cánh tay ông, nhẹ giọng:
- “Nhờ bác sĩ chữa bệnh tim nhịp đập một trăm hai mươi.”
Ông mỉm cười:
- “Tôi chỉ chữa tim nhịp đập một trăm ba mươi.”
Tôi nhẹ người, liếc nhanh hai đầu hành lang, tôi cho tay vào túi quân lấy tài liệu, nhét vội vào tay ông. Ông định cất tiếng hỏi điều gì nữa, nhưng tôi bỏ đi ngay ra phía phòng đợi, không cần nghe gì thêm. Khi gần tới phòng đợi, tôi nhăn nhó mặt, để tay vào phía trái tim trước ngực, và đi qua phòng trực rồi ra cổng. Tên gác cổng mỉm cười với tôi. Tôi cũng cười đáp lại và đi tuốt ra phía bờ hồ.
Lòng tôi lúc đó thật hân hoan phơi phới. Nghĩ lại, tôi thấy thực là may mắn. Thành công bất ngờ! Nếu sau khi cô y tá xem giấy tờ, tôi không ngồi đợi, làm sao tôi nghe được ông y sĩ hỏi về ông Thọ" Phải chăng như thế một xác xuất may mắn nào đó đã nâng đỡ những nỗ lực của ta trong cuộc đời" Một cơn gió mát thổi lướt qua hai bên má tôi mềm mại dịu dàng như bàn tay của một bà tiên: “Ta chúc mừng chú mày!”
Bờ hồ! Những gợn sóng lăn tăn rất đều khoảng cách của làn nước trong xanh, đang đuổi nhau vào bờ gây những tiếng động nho nhỏ triền miên nhịp nhàng, giữa một màu đỏ rực chan hòa của hoa phượng vĩ. Chung quanh hồ hầu như toàn hoa phượng. Những chùm hoa đỏ ối, nằm đè lên những tàn lá xanh xanh, soi bóng rạp sát mặt hồ. Hoa lá nhún nhẩy lắc lư đùa giỡn với gió Hè thổi qua từ phía sông Hồng.
Đã 11 giờ, tôi trở về phía Cầu Gỗ, tính tìm một hàng cơm nào đó để ăn một bữa cơm đầu tiên ở Hà Nội.
Khi tới gần nhà thủy tạ, tôi thấy một “kios” bán bia, nước ngọt, với ba, bốn bàn kề ngoài trời sát bờ nước, trống trơn vắng vẻ không có khách. Nhìn những chai bia “Hà Nội”, tôi thấy lòng mình nổi hứng bất tử. Tôi sà vào một bàn. Một cô gái trong “kios” mỉm cười, ra phía bàn tôi:
- Anh dùng gì"
Tôi đáp cộc lốc:
- Một bia “Hà Nội!”
Cô ta trở vào, vài phút sau mang một chai bia đã mở nút và một cái cốc có hai cục đá con. Tôi cầm chai bia, vừa rót vào ly vừa nói thầm với chính mình:
- Hôm nay, gọi là đặc biệt một chút để thưởng công!
Chà, bia “Hà Nội” gì mà lạt thế! Tôi nhấp một ngụm nữa. Vị bia chỉ thấy hơi một chút “gas”, nhạt thếch. Tôi có cảm tưởng như một chai “33” ở Sài Gòn đổ nước lã vào thành hai chai mà uống, chắc cũng còn thơm ngon hơn thế này. Vậy mà đến 6 hào cả đá (không đá 5 hào). Thôi, gọi là cũng có một chút hơi men trong người để tâm hồn bốc khói.
Uống xong, tôi thả bước về Cầu Gỗ. Khi đến đầu phố Cầu Gỗ và Tạ Hiền, tôi thấy một đám đàn bà con gái ở góc đường. Mấy người đó tươi nét mặt nhìn tôi, hỏi tíu tít:
- Anh có gì bán"
- Này, này đưa tôi xem nào!
Một chị cứ giằng lấy cái túi dết của tôi, định kéo riêng ra một chỗ để coi. Lúc đó tôi cũng hơi lạ. Sài Gòn đâu có cảnh ấy. Hẳn rằng, cảnh nghèo túng đói ăn, thường nhiều người phải moi móc đồ nhà đi bán, nên mới có kiều con buôn vặt, đứng đón đầu phố. Tôi nói “Chẳng có gì” rồi đi luôn ra phía chợ Hàng Bè.
Chợ Hàng Bè bây giờ, trông chẳng khác một cái chợ quê ngày xưa: Dăm ba cái sạp gỗ với toàn rau muống, raul lang, rau cần,... Chợ mà chẳng có một hàng thịt, hàng cá tươi nào, chỉ có cá khô. Tôi đi qua chợ, vào phố Hàng Bè, nhìn cheo chéo thấy một quán cơm và 3, 4 chiếc xích lô đỗ trước cửa. Theo ý nghĩ ngây thơ khi còn ở Sài Gòn, của tôi về cộng sản: Hà Nội ngày xưa với bao nhiêu kẻ giầu người nghèo. Người giầu thì giầu quá, sung sướng quá. Ngược lại, người nghèo thì nghèo quá, suốt đời cực nhọc lầm than mà không đủ ăn. Chắc khi cộng sản về, giới giầu có bị đánh đổ, bị ghét bỏ, tẩy chay, còn những người nghèo khổ như con ăn, con ở, xích lô, thợ thuyền cả đời đem bát mồ hôi đổi lấy miếng cơm mà cộng sản gọi là giai cấp cần lao, dân nghèo thành thị hay bần cố nông gì đấy, có lẽ sẽ có rất nhiều quyền lợi, cuộc sống phải thay đổi. Cuộc đời của những người này, như cảnh chị Dậu trong Tắt Đèn của nhà văn Ngô Tất Tố; dưới chế độ cộng sản, sẽ xa rồi... những ngày tăm tối, để đón nhận bình minh của đảng mang về cho giai cấp mình.
Mang trong đầu ý nghĩ như vậy, nên thấy một hàng cơm có nhiều bác xích lô, tôi vào ăn, để xem đời sống của các bác ra sao. Nhìn bên ngoài cửa kính của một quầy nhỏ, tôi thấy dăm, sáu đĩa con con bầy 3, 4 miếng đậu rán một đĩa, đĩa có mấy miếng dứa xào, v.v... Tôi bước vào. Hai dẫy bàn kê dọc theo nhà, trên bàn trống trơn. Bốn dẫy ghế dài kê theo bàn; góc này một anh xích lô tay đang cầm đôi đũa ngồi không; chỗ kia một bác vận quần đùi ngồi chồm hổm trên ghế, để lòi cái cục... cũng có đôi đũa trước mặt. Phía dẫy bàn bên kia, ba người cũng là xích lô ngồi ngả nghiêng túm tụm lại, trước mặt cũng có ba đôi đũa để trên bàn, đang bàn tán hỏi nhau:
- Thế nào, từ sáng đến giờ bao nhiêu rồi"
- Tao mới được 7 hào, chưa đủ tiền thuế, đói thì ăn đã, chiều tính, còn mày"
- Tao được mỗi cú xuống Phà Đen 1 đồng 2. Nắng quá, uống mẹ nó hai hào nước! Ăn hai củ khoai hồi 5 giờ sáng, bay hết mẹ rồi. Phải kiếm cái đút bụng đã, tính sau.
Anh thứ ba tiếp:
- Hôm nay vớ bở, tao được 2 cú đồng 8. Tao phải bỏ riêng 1 đồng nộp thuế. Còn 3 hào, chén đã. Từ giờ đến tối, tao phải cố làm sao được 2 đồng rưỡi.
- Vợ mới mà, hết ý!
Tôi cũng đến ống đũa lấy một đôi, về một góc ngồi. Giữa lúc ấy, một bà đội khăn vấn, từ nhà dưới đi lên ôm một cái thúng, trong có một nồi cơm to, khói bay nghi ngút, chung quanh nồi có chèn bao tải, có lẽ để giữ cho cơm nóng lâu. Cả 5 người đứng dậy, đến chồng đĩa, mỗi người lấy một cái, cùng đưa đến chỗ bàn, bà hàng đang dùng đũa cả đánh cơm ra. Một đứa bé từ trong nhà đưa theo ra một chai nước mắm và một ống đựng thìa nhôm để cạnh bà hàng. Mỗi đĩa cơm, lưa thưa vài miếng sắn khô (trông ngon hơn ở Hà Tĩnh nhiều) chừng độ 2 bát cơm. Bà hàng cầm chai nước mắm xóc xóc, vẩy đều vào đĩa cơm, lấy một cái thìa cắm vào giữa, đưa cho một người, người đó trả hai hào. Hết 3 người rồi, còn 2 ngưòi nữa. Tuy tay họ vẫn còn cầm đĩa, nhưng chưa lấy cơm, như chờ cái gì. Đang vẩn vơ suy nghĩ, nhìn ra phía cửa có thêm hai bác xích lô nữa đi vào, thì có tiếng cãi nhau, và có tiếng bà hàng cơm quát to:
- Những cái anh này! Của đâu mà lắm thế! Đưa tiền đây, còn để cho người ta bàn hàng chứ!
Tôi nhìn lại, thấy hai anh xích lô cầm hai đĩa cháy đầy, mắt nhớn nhác, liếc ngang, liếc dọc, thỉnh thoảng bỏ một miếng cháy vào mồm nhai rau ráu. Thì ra, các anh giành nhau mua cháy, nên chờ từ nãy, mua cháy được nhiều hơn.Hai anh đi về phía gần bàn tôi, vừa đi vừa bốc ăn như đói lắm, mắt hau háu nhìn mọi chỗ. Từ nãy, tôi vẫn liếc nhìn chiếc tủ kính có mấy đĩa món ăn. Tôi muốn ăn, nhưng chưa thấy ai kêu, vì họ ăn toàn cơm với nước mắm, nên tôi hơi e dè. Tôi lấy đĩa, đưa cho bà hàng. Sau khi bà hàng đơm cơm xong, tôi hỏi:
- Thức ăn kia bán thế nào"
Bà hàng nhìn tôi một lúc, như xét nghiệm xem loại người nào mà dám hỏi thức ăn:
- Năm hào một đĩa.
- Cho tôi một đĩa.
Thế là đĩa cơm của tôi bớt được một phần nước mắm. Bà cúi ra mở tủ, tôi chỉ đĩa lòng gà xào dứa.
Tôi cầm về bàn. Hai anh ăn cơm cháy mở to mắt nhìn mãi vào đĩa thức ăn của tôi. Chẳng biết vì khi nãy tôi đã uống bia hay vì cơm sắn khô đắng, tôi ăn vẫn thấy khó nuốt. Phần vì đói, phần để cho mọi người chung quanh không thấy khác thường, tôi cố tỏ vẻ ăn liên hồi. Miệng nhai nhưng đầu tôi vẫn băn khoăn, mắt nhìn mọi người ăn một cách ngon lành. Phải rồi! Mình vửa ở một nơi ăn những thứ ngon xong, chứ lâu rồi thì cũng như họ. Ăn được hai phần ba đĩa cơm, tôi buồn nôn vì đĩa lòng gà đã nguội, hơi tanh tanh, lại thấy có mấy cái lông gà con con trong một miếng ruột gà. Tôi lại phải giả vờ ôm bụng. Hai anh ăn cháy, từ nãy vẫn cứ nhìn tôi, rồi nhìn đĩa cơm và đĩa thức ăn. Tôi vừa bỏ thìa và đũa xuống, mắt hai anh đã sáng lên, nhìn tôi cười. Tôi cũng mỉm cười rồi xoa bụng, kêu trống không:
- Không biết tại sao đang ăn lại đau bụng"
Hai anh xô lại chỗ tôi rất lẹ, một anh một đĩa cơm thừa, anh kia đĩa ruột gà ăn dở. (Trích Hồi ký Thép Đen Chương 15)

(Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.