Hôm nay,  

Nhà Nước Và Thị Trường

14/07/200500:00:00(Xem: 4891)
Tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần 12 của khóa IX đang kết thúc ở Hà Nội, và tại các hội nghị kỷ niệm 20 năm đổi mới, vấn đề còn tranh luận là tương quan giữa nhà nước và thị trường.
Dịp này, Diễn đàn Kinh tế RFA trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về vai trò của nhà nước qua tiết mục chuyên đề do Việt Long thực hiện sau đây.
Hỏi: Vai trò của nhà nước trong kinh tế quốc dân là đề tài được nêu ra từ khi Việt Nam “đổi mới”. Nay vấn đề còn đang được thảo luận trong các hội nghị đánh dấu 20 năm đổi mới và qua các văn kiện chuẩn bị Đại hội X của Đảng vào năm tới. Ông có ý kiến gì về việc này"
Vai trò của nhà nước trong kinh tế quốc dân
Đáp: Tôi thiển nghĩ rằng điều ấy đúng nhưng không đáng ngạc nhiên. Chúng ta phải đi từ chuyện xa đến chuyện gần, từ lý thuyết tới thực tế, thì mới hiểu vì sao vấn đề không là bất ngờ.
Từ ngàn xưa, nhân loại chỉ có hai hình thái sinh hoạt kinh tế để giải quyết vấn đề khan hiếm. Người ta lấy quyết định kinh tế căn cứ trên các tập quán, có khi thuộc địa hạt tâm linh, là cứ theo người xưa, tổ tiên hay gia trưởng mà làm. Kế tiếp, ta có hình thái kinh tế của mệnh lệnh triều đình hay chính quyền, trên bảo sao thì dưới làm vậy. Mãi đến gần đây, nhân loại mới có hình thái kinh tế tự do, tuân theo quy luật cung cầu hơn là mệnh lệnh của nhà nước hay tập quán của người trước.
Từ đấy, cá nhân có quyền quyết định và khoa kinh tế học mới thực tế ra đời, hơn 200 năm trước. Tiềm ẩn bên dưới sự thay đổi lớn lao này là vấn nạn “vai trò của nhà nước trong các quyết định kinh tế của cá nhân” - hay trong thị trường. Đó là về lý thuyết.
Hỏi: Chính vì thế mới có lối cha truyền con nối, hay thiên hạ là của thiên tử, từ tấm lịch vua ban đến thửa ruộng vua cho, hoặc ngay cả di chúc của ông Hồ Chí Minh đòi xá thuế cho dân, phải không ạ"
Đáp: Từ hơn trăm năm nay, khi nước ta tiếp cận với Tây phương và bị Pháp đô hộ thì xã hội có hai hình thái kinh tế song hành. Một thiểu số gần gũi với chế độ thực dân hoặc sinh sống ở thành thị thì bắt đầu sinh hoạt theo quy tắc tự do của thị trường, dù vẫn còn giới hạn. Đại đa số còn lại thì vẫn sinh hoạt theo tập quán ngày xưa.
Thế rồi, sau nhiều năm chiến tranh, một chế độ mới đã thành hình và cai trị cả nước theo lý luận Mác-Lenin, kể từ năm 1975.
Họ áp dụng đường lối kinh tế thời chiến trong thời bình, gọi đó là “cải tạo”, chủ yếu thì lui về hình thái kinh tế chỉ huy như các triều đình phong kiến - nên ông Hồ mới mơ xá thuế cho dân - nhưng hiện đại hóa dưới cái vẻ khoa học là “kinh tế tập trung kế hoạch”.
Sau 10 năm áp dụng, đường lối tập trung đó phá sản và kinh tế bị khủng hoảng, lãnh đạo bèn học theo kinh tế thị trường và cố tìm ra một vai trò mới cho nhà nước. Nhìn trên toàn cảnh như vậy, ta không ngạc nhiên khi thấy Hà Nội còn thảo luận về vai trò của nhà nước, chưa nói đến mối tương quan giữa đảng quyền và pháp quyền nhà nước, là điều chúng ta sẽ có dịp tìm hiểu sau này.
Vai trò của nhà nước và của thị trường
Hỏi: Bây giờ, xin đề cập thẳng đến vai trò của nhà nước và của thị trường. Trước hết, nếu nhà nước không thay thế được thị trường, thì thị trường ngày nay có vượt nhà nước không"
Đáp: Tôi nghĩ rằng về kinh tế, tức là để giải quyết bài toán khan hiếm, thì thị trường có khả năng phát triển và phân phối cao hơn nhà nước. Hãy nhìn vào khối lượng sản vật và ngoại thương của các nước theo kinh tế tự do thì rõ: càng tự do thì càng giàu.
Thế giới nay có xu hướng chung là theo hình thái tự do, vì tương đối hình thái ấy có lợi nhất cho nhiều người nhất. Việc Tổ chức Thương mại Thế giới WTO quy tụ đại đa số các nước và là mục tiêu gia nhập của Việt Nam từ 10 năm nay cũng phản ảnh điều ấy. Giờ này, có gọi đấy là tư bản chủ nghĩa hay tự do chủ nghĩa thì cũng đúng, ta miễn tranh luận về cái danh mà nên nhìn vào cái thực.
Hỏi: Phải chăng ông muốn nói là nước nào cũng theo tư bản chủ nghĩa, dù không dám nói ra"
Đáp: Thưa vâng, và tệ nhất là “tư bản nhà nước”! Tuy nhiên, con người vốn bất toàn nên không thể phát minh ra hình thái sinh hoạt xã hội toàn hảo. Kinh tế thị trường cũng vậy, nên có những giới hạn của nó, dù xu hướng tự do cực đoan thì cho là thị trường hoặc chủ nghĩa tư bản có giá trị ưu việt, thậm chí đạo đức nữa.
Xã hội con người có một quy luật đúng cho mọi thời và ở mọi nơi: “mọi vấn đề của con người đều có một giải pháp đơn giản - và chắc chắn thất bại”. Chỉ vì cực đoan đơn giản hóa vấn đề mà loài người đi từ thái cực này qua thái cực khác, mỗi lần đòi làm cách mạng như thế là lại gây ra một chuỗi thảm họa, chiến tranh và khủng hoảng.
Thị trường và nhà nước
Hỏi: Và bây giờ thì ta nói đến thị trường và nhà nước. Nếu thị trường có ưu thế hơn mệnh lệnh hay kế hoạch của nhà nước thì hai phạm trù nhà nước và thị trường có đối lập nhau không"
Đáp: Từ hơn 20 năm nay, nhất là từ sự sụp đổ của Liên xô và phá sản của cộng sản chủ nghĩa, các nước hết đòi chống lại thị trường. Các chính quyền thiên tả hay xã hội cũng chấp nhận ưu thế kinh tế của thị trường, như đảng Dân chủ Mỹ thời Tổng thống Clinton hay đảng Lao động Anh ngày nay. Họ gọi đó là “con đường thứ ba”, giữa tự do và xã hội, cá nhân và nhà nước.

Nhưng vài nước Đông Á lại cho là nhà nước vẫn nên chủ động can thiệp để điều hướng hoặc điều chỉnh thị trường, để huy động sức dân vào các kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lý luận ấy mê hoặc các nước “tân tòng” đang cải cách theo cơ chế thị trường - như Việt Nam hay Trung Quốc - vì biện minh cho vai trò vẫn còn khuynh đảo của nhà nước.
Thế rồi vụ khủng hoảng Đông Á thời 97-98 cho thấy lý luận ấy bất toàn. Nó dẫn đến nạn tham ô và sự cấu kết giữa chính quyền và doanh giới, khiến rủi ro kinh doanh bị khỏa lấp bởi kế hoạch. Ít người nói ra điều này tại Hà Nội nhân các sinh hoạt kỷ niệm 20 năm gọi là đổi mới.
Hỏi: Nói đến riêng trường hợp Việt Nam, thì ông cho rằng nhà nước nên làm gì với thị trường"
Đáp: Nhà nước phải yểm trợ để thị trường phát huy lợi thế cho đại đa số dân chúng, trong khi vẫn phải chu toàn loại chức năng mà thị trường không đảm đương nổi. Việt Nam hiện rất cần một nhà nước khác, loại nhà nước mạnh mà xứ này chưa từng có bao giờ chỉ vì mới thoát khỏi thời phong kiến, thực dân, chiến tranh và tập trung bao cấp.
Đây là một vấn đề cấp bách, vì dân số Việt Nam sẽ lên tới 100 triệu vào năm 2010 này, khi kế hoạch năm năm 2006-2010 kết thúc. Một xứ đông dân như vậy mà có một nhà nước vô dụng thì chẳng bị ngoại xâm cũng loạn to.
Một nhà nước mạnh
Hỏi: Ông nói đến một nhà nước mạnh, điều ấy có mâu thuẫn chăng khi Việt Nam cần phát huy lợi thế của thị trường mà chính quyền lại đang mang tiếng là bao biện, thậm chí độc tài"
Đáp: Vâng, mới nghe thì thấy như một nghịch lý, nhưng thực tế thì kinh tế chỉ thịnh vượng và thị trường chỉ phát triển khi có một nhà nước mạnh. Lý do là hai phạm trù ấy không hề đối lập mà bổ túc nhau.
Thị trường là kết quả của hàng triệu quyết định phối hợp hay thương thảo luôn luôn thay đổi theo tình hình; nhà nước phải yểm trợ nổi việc phối hợp và thương thảo ấy và bảo đảm luật chơi bình đẳng cho mọi người. Tại các xứ tân tiến theo kinh tế thị trường, trốn thuế hoặc bội tín kinh doanh là điều không dễ và bị chế tài nặng vì họ có nhà nước mạnh.
Việt Nam chỉ có một nhà nước ồn ào bao biện, bị tham nhũng lũng đoạn bên trong, quốc hội và thủ tướng không có thực quyền, nên thị trường mới hỗn loạn vì thiếu pháp quyền, thừa tham ô. Kết cuộc là tiềm lực tư nhân vẫn chưa được giải phóng. Độc tài không phải là mạnh, mà chỉ là bất lực trong quan hệ đa diện với xã hội: không có công an là nhà nước thất nghiệp vì chẳng được ai nghe. Lãnh đạo mạnh là làm cho dân tin, yếu thì mới phải làm dân sợ. Mà sự sợ hãi thì không thể nào phát huy thị trường và phát triển xứ sở được.
Tiêu chuẩn dể đo lường
Hỏi: Nhưng nói về một nhà nước mạnh thì lấy những tiêu chuẩn gì để đo lường sức mạnh ấy"
Đáp: Có nhiều tiêu chuẩn đo lường chức năng kinh tế của nhà nước. Thứ nhất là khả năng tiếp cận sâu và rộng với mọi thành phần dân chúng ở mọi nơi mọi cấp. Quyền lực nhà nước thời phong kiến bị tan loãng ở cổng làng vì phép vua thua lệ làng; quyền lực nhà nước Việt Nam ngày nay cũng vậy, vì chính sách trung ương khó xuống tới dân và mỗi cấp đảng viên lại có mục tiêu cục bộ và khả năng diễn giải luật lệ riêng, kể cả về đầu tư.
Thứ hai là khả năng trưng dụng hay huy động, từ thuế khóa đến nhân lực chẳng hạn. Ngân sách quốc gia của Việt Nam cho thấy sự yếu kém ấy khi hai phần ba thu nhập xuất phát từ Sàigòn và vài tỉnh phụ cận, hoặc khi nhà nước hụt hơi thiếu tiền để chu toàn cho các địa phương nghèo đói nhất.
Thứ ba là khả năng điều hợp và thương thảo với các quyền lợi kinh tế và chính trị để vượt qua áp lực của thiểu số có quyền hay có tiền. Việc điều hợp ấy nên được công khai hóa qua quốc hội, chứ đừng đóng cửa họp kín như các hội nghị của đảng hiện nay.
Thứ tư và sau cùng là khả năng bảo vệ quyền lợi quốc gia đối với bên ngoài. Nhà nước Việt Nam chưa có khả năng ấy, nếu ta nhìn ra mối quan hệ với Bắc Kinh, điển hình là các hiệp định về lãnh hải hay lãnh thổ hay vụ ngư dân bị sát hại, trước sự im lìm của một nhà nước vốn ưa khoe khoang ồn ào.
Vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường
Hỏi: Để tổng kết, ông cho là nhà nước cần phải có vai trò gì trong nền kinh tế thị trường"
Đáp: Quy tắc chung là những gì dân có thể làm được thì để cho dân tự do thực hiện, nhà nước đừng tranh ăn với dân qua hệ thống quốc doanh mục nát, trong khi xao lãng các hoạt động mà thị trường không đảm đương nổi. Cụ thể thì nhà nước cần tạo điều kiện phát huy tác dụng của thị trường, như có chính sách kinh tế lành mạnh và ổn định, và nhất là xây dựng nền tảng pháp luật tinh vi, chặt chẽ và công minh.
Người ta gọi đấy là lập ra sân chơi bình đẳng và ổn định cho mọi thành phần kinh tế. Song song, nhà nước phải bớt can thiệp vào kinh tế qua chính sách ưu đãi hay kỳ thị nhưng mở rộng khả năng thâm nhập và tác động trong các địa hạt mà thị trường không thể đáp ứng, như an ninh, xã hội, y tế, giáo dục, bảo vệ môi sinh.
Một nhà nước tự xưng “xã hội” lại càng phải coi đấy là ưu tiên, vì tạo điều kiện cho đại đa số, kể cả các thế hệ sau này, có cơ hội tham gia vào sinh hoạt kinh tế một cách bình đẳng. Chúng ta không nên quên rằng dân chủ là sự bình đẳng của mọi người – kể cả đảng - trước luật pháp.
Việt Nam còn rất ít thời gian để sửa sai hệ thống chính trị vì các xứ khác không nán chờ mình, và quyền lực nhà nước quá rộng mà quá nông như hiện nay sẽ chẳng phát huy được sức mạnh của thị trường, chỉ khiến người dân không thể có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.