Hôm nay,  

Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do (kỳ 108) (tiếp Theo...)

10/06/200800:00:00(Xem: 2651)
Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Hai ngày sau, chúng tôi lại chứng kiến một đoàn thuyền thứ hai khoảng hơn chục chiếc ra khơi trực chỉ Hồng Kông, với đội hình giống như đoàn thuyền tôi thấy hôm trước. Liên tiếp như vậy cho đến ngày thứ 7, sau khi chứng kiến mấy đoàn thuyền lần lượt ra đi, chúng tôi rất sốt ruột, không biết tới khi nào mới đến lượt thuyền của mình được ra khơi. Tôi liền rủ anh Huy và anh Thịnh chồng của cô Loan, đi gặp chủ thuyền hỏi xem sao.

Thời tiết lúc đó nóng bức, nên ông bà chủ thuyền ngồi trong một chiếc lán ở trên bờ. Thấy chúng tôi bước vô, ông bà rất niềm nở mời ngồi. Sau mấy câu chào hỏi, anh Thịnh hỏi ngay:

- Ông Đường à, thuyền bè của thiên hạ rời bến rần rần mà sao thuyền của mình chưa thấy động tĩnh gì là thế nào"

Ông Đường cười:

- Chú là người thứ mười mấy hỏi tôi câu này rồi đó. Tôi cũng đang bồn chồn chẳng hiểu tại sao nữa.

Anh Thịnh tiếp lời:

- Thuyền của mình đến trước thuyền của mấy người kia tới nửa tháng, cả tháng. Rồi thuyền của mình lại được cán bộ Bình gửi gắm "hàng hóa" thì đáng lẽ mình phải được ra khởi rồi mới đúng chứ...

Ông Đường gật đầu:

- Thì tôi cũng nghĩ như chú vậy đó. Hôm trước thấy ông cán bộ Bình mang gửi gắm mấy bác Miền Nam này là tụi tôi mừng lắm. Vì cán bộ đã có hàng gửi riêng thuyền mình là bao giờ thuyền mình cũng được ưu tiên... Vậy mà chờ đến giờ đã hơn tuần lễ rồi, chả thấy động tĩnh gì.

Anh Thu hỏi:

- Ông có biết vì sao mấy thuyền kia đến Bắc Hải sau mình, nay lại được đi trước mình không"

Ông Đường lắc đầu:

- Thưa bác, chúng tôi là phận ăn nhờ ở đậu thì làm mà biết được.

Từ khi chúng tôi xuống thuyền, không hiểu sao ông bà Đường luôn luôn gọi chúng tôi là "bác", mặc dù tuổi của ông lớn hơn cả tuổi anh Thu.

Anh Thu thăm dò:

- Hay là thuyền của họ cũng được cán bộ gửi "hàng hóa" mà mình không biết"

Ông Đường cười:

- Bác yên tâm đi. Ở cái bến Bắc Hải này chẳng có cái chuyện gì xảy ra mà chúng tôi không biết...

Anh Thịnh quay sang chúng tôi giải thích:

- Các anh phải biết, ở đây mỗi khi cán bộ Bình xuống bến là chúng tôi biết ngay. Ông ta đến thuyền nào, gửi gắm những ai, mấy người... là chúng tôi có người theo dõi báo cáo lại cho biết liền. "Tai mắt nhân dân" mà anh.

Anh Thu gật gù ra vẻ hiểu biết:

- Vậy mà tôi không nghĩ ra... Thiệt đúng là "Mỗi người dân là một người công an"....

Nghe anh Thu nói vậy, mọi người cùng cất tiếng cười vui vẻ. Anh Thu hỏi tiếp:

- Nếu chờ đợi họ lâu như vậy, sao thuyền mình không xé lẻ đi thẳng Hồng Kông một mình"

Ông Đường trợn mắt ngạc nhiên:

- Bác nói sao" Xé lẻ để đi cả tháng trời mới tới, bác có dám xé lẻ không"

Anh Thịnh đỡ lời:

- Xé lẻ mà đi là không được rồi. Mình ở đây nhờ vả người ta, được người ta giúp là mình phải nhận. Có điều ông bà chủ cũng thử nhắc nhở cán bộ Bình coi. Tôi sợ nhiều khi thuyền bè đông đúc quá, rồi họ quên phéng mình thì bỏ mẹ cả nút với nhau...

Ông Đường lắc đầu:

- Quên thì chẳng thể nào quên được đâu. Trước sau gì thì mình cũng đi thôi...

Anh Thu thở dài:

- Thì vẫn biết, trước sau gì thì ai cũng đi. Nhưng những ai đi trước đến được Hồng Kông sớm thì còn dễ dàng được đi định cư ở các nước khác. Còn những ai đến sau thì... "trâu chậm uống nước đục"... Đời là như vậy mà.

Ông Đường nhìn anh Thu nhũn nhặn:

- Dạ bác là người học nhiều hiểu rộng bác nói vậy rất đúng. Nhưng chúng tôi là những người lao động chân lấm tay bùn, học hành ít ỏi nên trên họ bảo sao thì biết vậy. Họ bảo mình chờ thì mình chỉ biết chờ thôi. Chả dám thắc mắc hỏi han gì. Nếu được thì trăm sự nhờ bác giúp đỡ... vì dù sao bác cũng là người Miền Nam...

Anh Thu ngạc nhiên không hiểu:

- Ủa, tôi thì giúp đỡ được cái gì"

Anh Thịnh biết ý, liền đỡ lời, nói với anh Thu:

- Ý ông Đường muốn nhờ anh hỏi cán bộ Bình tại sao thuyền của mình chưa được ra khơi. - Quay sang phía ông Đường, anh Thu tiếp - Tôi nói vậy có đúng không ông"

Ông Đường gật đầu:

- Vâng, cảm phiền bác Miền Nam giúp cho một tiếng. Một tiếng nói của bác Miền Nam bằng người Miền Bắc chúng tôi nói cả ngày...

Anh Thu ngần ngừ:

- Nhưng tôi đâu có biết cán bộ Bình ở đâu mà nói"

Ông Đường cười vui vẻ, nét mặt sáng rỡ:

- Như vậy là bác nhận lời rồi phải không" Bác cứ yên tâm, tôi sẽ cho người dắt bác tới chỗ cán bộ Bình ở...

Anh Thu nhìn tôi có ý hỏi. Tôi gật đầu:

- Em nghĩ hai anh em mình cùng đi. Họ đã gửi gắm mình xuống thuyền của ông chủ đây, bây giờ mình đến gặp cán bộ Bình trước là cảm ơn, sau là nhắc khéo họ...

Anh Thu quay về phía ông Đường:

- Ông đã có lòng tin tưởng mà nói vậy thì chúng tôi sẽ đi gặp cán bộ Bình hỏi xem sao.

Ngay chiều hôm đó, tôi và anh Thu đi theo một cậu bé tuổi khoảng 14, 15, đến gặp cán bộ Bình. Tưởng nhà của cán bộ Bình ở đâu xa, hoá ra ở ngay trong khu nhà tập thể công nhân cách lều trại dành cho thuyền nhân tại Bắc Hải có không đầy 2 cây số. Chúng tôi đi bộ đến nơi, được cậu bé chỉ cho thấy nhà cán bộ Bình rồi cậu biến mất. Thấy cửa đóng, tôi và anh Thu nhìn nhau ngần ngại. Anh Thu hất cằm ra vẻ thúc dục, tôi mới mạnh dạn gõ cửa...

Gõ xong, chờ một lúc không thấy động tĩnh gì, đang tính gõ cửa lần nữa thì nghe có tiếng chân người đi đến gần. Cửa mở, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy một thiếu phụ xuất hiện, ăn vận như người Việt, tóc búi cao phía sau ót. Nhìn bộ điệu của chúng tôi, thiếu phụ đoán ra chúng tôi là ai nên hỏi ngay bằng tiếng Việt, giọng Nghệ An đặc:

- Các ông muốn kiếm anh Bình"

Chúng tôi chưa kịp trả lời thì người thiếu phụ đã mở rộng cánh cửa gỗ, đon đả:

- Mời các ông vô...

Chúng tôi lặng lẽ bước theo người thiếu phụ. Lúc này tôi mới để ý thấy trong nhà có một con chó mực rất to, nhưng không hiểu sao, nó không sủa, cũng không hề tỏ vẻ thân thiện như những con chó khác. Thấy người lạ bước vô, nó chỉ uể oải nhất cái đầu lên khoảng một gang tay, rồi lại gục xuống hai chân nằm lim dim ngủ. Tôi đoán có lẽ nó bị ốm hay quá già nua...

Người thiếu phụ chỉ chiếc ghế gỗ chạy dài một bên bàn:

- Mời các ông ngồi, chồng tôi ra ngay bây giờ.

Miệng nói, tay vội thu dọn mấy chiếc chén đũa dơ trên bàn. Mặc dù bên ngoài trời nóng, ánh sáng còn gay gắt, nhưng trong nhà thiếu ánh sáng, không khí ẩm thấp và có mùi tanh tanh, có lẽ đồ ăn thức uống từ đống chén đũa dơ không rửa.

Người thiếu phụ rót nước từ chiếc bình thuỷ có hai chữ "Giải phóng" ra hai chiếc chén dơ bẩn, cắu ghét rồi mời chúng tôi uống nước. Chúng tôi cảm ơn nhưng ngần ngại không dám uống. Mời xong, người thiếu phụ đi vô trong nhà. Chúng tôi ngồi im không nói. Không khí nặng nề, ngột ngạt...
Khoảng dăm phút sau, có tiếng hắng giọng, tiếng khạc nhổ đằng sau nhà, rồi tiếng chân bước nặng nề tiến về phía chúng tôi đang ngồi...

Quay ra cửa sau, thấy cán bộ Bình đi vô, chúng tôi vội đứng dậy. Bình lạnh lùng gật đầu chào chúng tôi rồi ngồi xuống khúc gỗ phía bên kia bàn. Anh Thu cất tiếng định nói, nhưng Bình dơ tay ra hiệu im lặng. Y rút gói thuốc trong túi áo, lấy một điếu, bật lửa hút, rồi thản nhiên nhét gói thuốc vô túi áo. Sau khi kéo một hơi thuốc thật dài, ém khói thuốc thật lâu, y ngửa cổ thở ra một làn khói mỏng rồi nói chậm rãi từng chữ:

- Các anh đi về chuẩn bị chiều mai thuyền các anh rời bến.

Anh Thu và tôi nhìn nhau không nói, nhưng cả hai cùng không giấu được sự ngạc nhiên. Thật ra, chúng tôi cũng biết, thấy chúng tôi đến gặp, Bình phải đoán ra ngay lý do vì điều đó chẳng có gì khó đoán. Nhưng khi nghe Bình nói, chúng tôi vẫn vừa ngạc nhiên vừa mừng. Anh Thu nói giọng có vẻ xúc động:

- Chúng tôi đến để cảm ơn cán bộ đã giúp đỡ....

Cán bộ Bình xua tay:

- Chẳng có ai ơn nghĩa gì với ai cả. Tôi chỉ làm nhiệm vụ cấp trên giao thôi...

Anh Thu nói ngay:

- Chúng tôi cũng muốn cảm ơn cấp trên...

Cán bộ Bình đứng dậy, ra vẻ đuổi khéo chúng tôi:

- Các anh muốn cảm ơn thượng cấp chúng tôi thì tốt nhất là các anh nên rời Trung Quốc sớm chừng nào hay chừng đó...

Thấy chúng tôi có vẻ ngần ngừ, bỗng nhiên cán bộ Bình cúi đầu, nói nhỏ:

- Hẹn gặp các anh ở Hồng Kông... Con vợ tôi nó cũng người Việt như các anh...

Nghe cán bộ Bình nói vậy, chúng tôi rất ngạc nhiên. Anh Thu định nói gì đó, nhưng cán bộ Bình đã ngẩng đầu nói lớn, giọng có vẻ sẵng:

- Lệnh trên là vậy. Các anh đi đi...

Chia tay cán bộ Bình, chúng tôi vội vã trở lại "cảng" Bắc Hải báo tin mừng "chiều mai sẽ ra khơi" cho mọi người biết. Tuy vậy, mọi người vẫn bán tín bán nghi. Ngay chúng tôi chính tai nghe cán bộ Bình nói, nhưng cũng không dám quả quyết trăm phần trăm ngày hôm sau thuyền sẽ rời bến.

Mãi đến trưa hôm sau, ông Đường chủ thuyền mới nhận được lệnh gọi lên phòng "quản lý cảng Bắc Hải". Ông đi rồi, cả thuyền chúng tôi ai cũng phập phồng chờ đợi. Mọi người đều hy vọng những gì chúng tôi thông báo sẽ là sự thật. Quả nhiên, khoảng một tiếng đồng hồ sau, ông Đường trở lại hớn hở báo tin, tất cả mọi người chuẩn bị, đúng 5 giờ chiều, thuyền rời bến!

Sự thực, việc chuẩn bị cũng không có gì. Tất cả đồ đạc, lương thực, thực phẩm của chúng tôi đều có sẵn ở dưới thuyền. Điều duy nhất chúng tôi phải làm là tìm kiếm trong tất cả đồ dùng tư trang của mình những thứ gì có mang dấu vết của Trung Quốc. Từ giấy tờ, tiền bạc, tem thư, quần áo, kỷ vật, đến đồ ăn thức uống, hình ảnh... bất cứ thứ gì mua, hay được cho, tặng tại Trung Quốc đều phải gom lại nộp cho nhà chức trách, hoặc tự mình thiêu huỷ. Ngoài ra, ông Đường cũng đọc một tờ "huấn lệnh" có cả chục điều bắt chúng tôi phải thi hành.

Ông Đường cũng cho biết là đến 3 giờ chiều sẽ có cán bộ Trung Cộng xuống thuyền kiểm soát và thu hồi tất cả những thứ có mang dấu ấn của Trung Quốc. Ai vi phạm những điều ghi trong "huấn lệnh" sẽ bị chính quyền Trung Cộng lưu giữ vĩnh viễn.

Đồ đạc của tôi không có gì, tiền bạc cũng chẳng có. Chỉ có một số thư từ và cuốn nhật ký, trong đó có những trang lưu niệm bằng tiếng Hoa của ân nhân và bằng hữu ở Đông Hưng, Phòng Thành, tôi vô cùng trân trọng muốn bảo vệ bằng mọi giá. Vì vậy, ngay từ mấy ngày trước, tôi đã đóng gói tất cả những thứ đó và gửi bảm đảm sang Úc qua đường bưu điện.

Khoảng 4 giờ chiều hôm đó, hai người Trung Quốc mặc đồ công nhân, lên thuyền đóng cọc và buộc dây cáp. Sau đó, thuyền được lệnh nhổ neo, chạy tới khu tập trung cùng với khoảng hơn một chục chiếc thuyền khác. Tại đây, công nhân Trung Cộng lại lên thuyền nối dây cáp của thuyền với dây cáp chính. Sau khoảng một tiếng đồng hồ, hơn chục chiếc thuyền đã được nối liền với sợi cáp chính phía sau chiếc xà lan, và đoàn thuyền bắt đầu chuyến hải hành thẳng hướng tới Hồng Kông, do một chiếc ca nô dẫn đầu.

Nhìn đoàn thuyền ngon lành rẽ sóng giữa một vùng trời nước mênh mông, mặt biển phẳng lì như gương, phản chiếu ánh hoàng hôn vàng rực cả đất trời, tôi vô cùng cảm khái khi nghĩ tới những nguy hiểm, những may mắn đã trải qua; những hạnh phúc, hy vọng đang chờ đợi tôi ở phía trước; những khổ đau, đói khát, cùng cực phẫn uất, mà mấy chục triệu người Việt, trong đó có thân nhân bằng hữu của tôi, đang phải gánh chịu tại quê nhà. Lúc đó, tôi đâu có biết được, những khổ đau của những người Việt vượt biển vượt biên đang diễn ra qua muôn ngàn bi kịch trên biển đông, trong rừng rậm, núi cao... và ngay dưới mỗi mái nhà ở ngay trên quê hương Việt Nam. Lúc đó, vào giữa năm 1979, tôi cũng không thể ngờ được, tất cả những thảm kịch tôi đã chứng kiến trên quê hương Việt Nam, chỉ là bắt đầu của cả một đại bi kịch, vì trong suốt gần 30 năm sau đó, dưới sự kìm kẹp đàn áp của những người cộng sản vô thần, những thảm kịch diễn ra đối với dân tộc tôi ngày càng kinh hoàng, ghê rợn hơn, khủng khiếp hơn... (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.