Hôm nay,  

Văn Bút Qt Lên Án Csvn Đàn Áp Nhà Văn

25/06/200500:00:00(Xem: 4806)
Đòi Tự Do Báo Chí, Xuất Bản Cho Dân VN
Đại Hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế ở Bled, nước Slovénie, đã lên án Việt Cộng đàn áp những Nhà Văn Dân chủ Đối kháng.
Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ tường trình về Đại Hội Văn Bút như sau.
Đại hội Thế giới Văn Bút Quốc Tế kỳ thứ 71 đã diễn ra tại thành phố Bled, nước Slovénie, từ ngày 14 đến 21 tháng 6 năm 2005. Slovénie là một nước nhỏ (20.250 csv) nằm giữa Áo, Ý, Croatie và Hung Gia Lợi, nhiều đồi núi, lâm viên, sông hồ và hơn 40 cây số bờ biển. Dân tộc Slovénie (2 triệu người) hiếu hòa, chuộng khách, ngôn ngữ đa dạng và văn hóa đa nguyên, lâu đời, may mắn được sống trong thanh bình, thu hồi nền độc lập quốc gia năm 1991, sau khi đế quốc Cộng sản Sô viết tiêu vong, liên bang Nam Tư tan rã. Slovénie hãnh diện với nhiều tác giả nổi tiếng có tác phẩm được dịch ra nhiều ngoại ngữ. Đây là lần thứ hai mà một Đại hội Thế giới Văn Bút Quốc Tế được tổ chức tại Bled, thành phố nằm ven bờ hồ cùng tên, tiếp giáp với công viên quốc gia Triglav, vừa kỷ niệm 1000 năm hiện hữu. Bled đã mở vòng tay thân ái tiếp đón trên 250 nhà văn đại diện cho hơn 80 Trung tâm Văn Bút và đông đảo phái viên truyền thông báo chí, vô tuyến truyền hình, phát thanh, v.v. Ngoài ra còn có đại diện của tổ chức UNESCO và nhiều tân khách.
Ông Joze Antonic, thị trưởng Bled, bà Danica Simsic, đô trưởng Ljubljana, ông Vasko Simoniti, tổng trưởng Văn Hóa, ông Dimitrij Rupel, tổng trưởng Ngoại Giao và ông Janez Drnovsek, tổng thống Cộng Hòa Slovénie đã lần lượt gặp gỡ các nhà văn. Chiều ngày 17 tháng 6 năm 2005 có buổi lễ khánh thành pho tượng bán thân nữ văn hữu Mira Mihelic (1912-1985), cố chủ tịch Văn Bút Slovénie, tại khuôn viên trụ sở Văn Bút Slovénie, với sự hiện diện của bà đô trưởng Ljubljana.
Tham dự Đại Hội, trong phái đoàn Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại có nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt, thành viên Ủy ban Bênh vực Nhà Văn bị cầm tù. Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại có hai đại biểu là ông Phạm Quang Trình, chủ tịch và ông Vũ Quang Trân, thành viên ban chấp hành trung ương.
Sáng chủ nhựt 19 tháng 6 năm 2005, với hơn 80 phiếu thuận, không phiếu chống hoặc phiếu trắng, Hội đồng Đại biểu Văn Bút Quốc Tế đã đồng thanh thông qua bản Quyết Nghị về Việt Nam. Sáng kiến của Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp Thoại, ngay lúc bản văn còn soạn thảo, đã được 26 Trung tâm Văn Bút nồng nhiệt tán trợ. Đây là con số quan trọng nhứt đối với một Dự án Quyết Nghị tại bất kỳ Đại Hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế nào. Tại Tromso, nước Na Uy năm 2004, có 19 Trung tâm Văn Bút tán trợ Dự án Quyết Nghị do Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại đề xướng. Điều ấy đủ nói lên tình bạn thân thiết của văn hữu khắp năm châu Á, Phi, Mỹ, Âu, Úc. Những bạn văn, dù đa số chưa quen biết, vẫn hết lòng ủng hộ các nhà cầm bút và trí thức đang là tù nhân và con tin tại Việt Nam.
Đây là Quyết Nghị thứ 6 về Việt Nam, tiếp theo 5 Quyết Nghị từng được Hội Đồng Đại biểu Văn Bút Quốc Tế đồng thanh chấp thuận, khi họp ở Varsovie, nước Ba Lan hậu cộng sản năm 1999, ở Luân Đốn, nước Anh năm 2001, ở Ohrid, nước Macédoine năm 2002, ở Mexico City, nước Mễ Tây Cơ năm 2003 và ở Tromso, nước Na Uy năm 2004.
Nhân dịp này, chúng tôi trích đăng lời trình bày của nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt khi được hỏi "Vì sao phải có Quyết Nghị về Việt Nam tại Đại Hội năm nay"" :
Quyết Nghị về Việt Nam giúp công luận thấy rõ hơn bản chất bất lương, vô liêm và cực kỳ hung hiểm của chế độ Việt cộng khi mà tình hình Nhân quyền càng tồi tệ và trầm trọng. Nhiều cuộc bắt giam độc đoán, nhiều hành động trấn áp vô nhân đạo, nhiều vụ án bất công, phi pháp, rập khuôn theo công lý thời bạo chúa sô viết Staline, nhằm khủng bố, bao vây, cô lập và đày đọa những người có can đảm đòi hỏi thực thi những quyền tự do dân chủ và bài trừ quốc nạn tham nhũng.
Quyết Nghị về Việt Nam báo động trước hết cộng đồng các nhà văn và sau đó các chính phủ dân chủ trên thế giới, về tình cảnh nguy bách của nhiều tù nhân ngôn luận và lương tâm bị sa sút sức khoẻ hoặc lâm bệnh nặng mà không được điều trị khẩn cấp. Như trường hợp các ông Nguyễn Khắc Toàn (hội viên danh dự Văn Bút Hung Gia Lợi), Phạm Hồng Sơn (hội viên danh dự Văn Bút Pháp và Văn Bút Gia Nã Đại) và Nguyễn Vũ Bình (hội viên danh dự Văn Bút Thụy Sĩ Pháp Thoại). Làm sao câm nín được sau khi nghe thấy tiếng kêu thương, cảm nhận được nỗi đau buồn, niềm phẫn uất của nhiều gia đình Việt Nam đang gánh vác một phần đại khổ nạn của dân tộc. Có những người mà chúng ta không bao giờ quên tên, như bà Trần Thị Quyết, người mẹ tuyệt vời của tù nhân Nguyễn Khắc Toàn; bà Vũ Thúy Hà, các cháu Phạm Vũ Anh Quân và Phạm Vũ Duy Tân, người vợ và hai đứa con của tù nhân Phạm Hồng Sơn; bà Bùi Thị Kim Ngân, các cháu Nguyễn Vũ Thanh Hà và Nguyễn Vũ Thuần Linh, người vợ và hai đứa con của tù nhân Nguyễn Vũ Bình; bà Lê Thị Phú Dung, người vợ và cháu gái mới ba tuổi của tù nhân Nguyễn Hồng Quang (hội viên danh dự Văn Bút Gia Nã Đại), v.v.
Quyết Nghị về Việt Nam lần đầu tiên nhắc đến ông Võ Lâm Tể, bút hiệu Vũ Đình Thụy và Hướng Dương. Nhà thơ bị cộng sản tra tấn tàn bạo đến nỗi hư một mắt. Ông là tác giả bài thơ lục bát "Trước Biển Hoàng Hôn" viết tại trại tù A20 Phú Yên. Năm 1979, án 20 năm tù cải thành tù chung thân vì tội làm thơ trong tù và toan tính gởi thơ ra ngoài dù bất thành. Hoặc là trường hợp nhà trí thức Trương Văn Lân, bút hiệu Trần Văn Lương, lãnh án tử hình cùng thời với hai nhà trí thức Phật giáo Thích Trí Siêu và Thích Tuệ Sỹ. Nhờ áp lực của các chính phủ dân chủ thế giới, trong đó có Thụy Sĩ, mà tội chết được đổi thành khổ sai chung thân. Và còn nhiều người nữa... Những nhà báo trẻ dám nhận thức độc lập, không bẽ cong ngòi bút dù bị đe dọa truy tố ra tòa như nữ phóng viên Lan Anh. Một thế hệ trí thức mới như Phương Nam Đỗ Nam Hải, quê hương rất cần đến để nhổ đi những chùm cỏ dại, những cây nấm độc, để cấy giống hoa thơm vào vườn hoa "Việt Nam đất nước tôi", dù phải bị công an sách nhiễu, điều tra, hạch hỏi trước khi bị sở làm cho nghỉ việc.
Quyết Nghị về Việt Nam thể hiện mối quan tâm của Văn Bút Quốc Tế về số phận của các nhà văn bị cầm tù, sau khi thả về, như nhà luật học Lê Chí Quang, giáo sư Nguyễn Đình Huy, linh mục Nguyễn Văn Lý hay là bác sĩ Nguyễn Đan Quế, v.v. Họ đang sống trong tình cảnh nào" Từ trại tù nhỏ đến trại tù lớn, Goulag Việt Nam". Chúng ta yêu cầu Văn Bút Quốc Tế tiếp tục theo dõi, đòi cho những cựu tù nhân được hành sử quyền tự do phát biểu và thông tin như ghi trong Hiến pháp CHXHCNVN, Tuyên Ngôn toàn Thế giới về Nhân Quyền và Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà chế độ Hà Nội có bổn phận phải tuân thủ.
Sau cùng, Quyết Nghị về Việt Nam đáp ứng lòng mong muốn của hội viên Văn Bút Quốc tế lên tiếng bênh vực những nạn nhân mà họ chưa gặp mặt một lần nào. Họ chỉ biết đó là những văn thi hữu, nhà báo, học giả, trí thức Việt Nam chân chính, mà tiếng nói bị tước đoạt, ngòi bút bị bẻ gãy, tác phẩm bị tịch thu, thân thể bị nhục hình, mạng sống bị đe dọa và thân nhân liên lụy bị sách nhiễu, hăm he, trừng phạt.
Tại Đại Hội, ông Nguyên Hoàng Bảo Việt đã trao đổi ý kiến với phái đoàn Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Và thi hữu đã làm việc phối hợp với văn hữu Vũ Quang Trân, trong nhiều buổi họp chuyên biệt quan trọng, gồm có nhứt là các vấn đề liên quan đến Nhà Văn bị cầm tù, Nhà Văn lưu đày, Phiên dịch tác phẩm văn học, Giao lưu văn hóa - sách báo (lưu ý Việt Nam một chiều), sự cộng tác giữa các Trung tâm Văn Bút vùng Á châu Thái bình dương (Tây Tạng, Trung Hoa, Ấn Độ, Népal, Miến Điện, Nhựt, Việt Nam, Phi Luật Tân, Thái Lan, Nam Dương, Melbourne, Sydney...).
Trong một cuộc thảo luận khá sôi nổi liên quan đến sự khả dĩ, có nên hay không nên mở thêm một số trung tâm Văn Bút mới, những nhà văn Việt Nam lưu vong tị nạn cộng sản đã trình bày rõ ràng thái độ và lập trường đối với cái gọi là "Hội Nhà Văn Việt Nam", một tổ chức được Đảng trả tiền để khống chế và lệ thuộc hóa các nhà văn phải sống và viết dưới chế độ độc tài Việt Cộng. Trong nhiều thí dụ điển hình được kể ra: Lá thư đề ngày 12 tháng 10 năm 2001 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn gởi trả lời ông Hữu Thỉnh, tổng thư ký Hội Nhà Văn Việt Nam. Thư được viết sau khi ông Hữu Thỉnh cùng đi với ông Nguyễn Trí Huân, phó tổng thư ký Hội Nhà Văn Việt Nam, ông Đỗ Kim Cương, vụ phó vụ Văn nghệ Ban tư tưởng văn hoá trung ương đảng, ông Vũ Thiệu Loan, ông Hồ Anh Tuấn, chủ tịch, phó chủ tịch Hội Văn Nghệ Hải Phòng và nhà thơ Nguyễn Viết Lãm đã đến nhà tác giả Chuyện Kể Năm 2000 để "khuyên" ông đừng nhận giải thưởng Tự do Phát biểu Hellman-Hammett do Đài Quan Sát Nhân Quyền Human Rights Watch trao tặng. Nếu các nhà văn trong nước có ý định một ngày nào đó nộp đơn xin được thu nhận làm hội viên Văn Bút Quốc Tế thì cũng nên tìm đọc ngay bây giờ Hiến chương của tổ chức này. Thành lập từ năm 1921, Văn Bút Quốc Tế là Hiệp hội các nhà văn thế giới cam kết bênh vực sự tự do lưu hành những dòng tư tưởng trong mỗi quốc gia và giữa mọi quốc gia; đề xướng và khuyến khích một nền văn chương không biên giới. Bất cứ hội viên nào của Văn Bút Quốc Tế đều cam kết chống lại mọi hình thức hủy diệt quyền tự do phát biểu trong chính quốc gia và cộng đồng của mình, và cả trên khắp thế giới. Văn Bút Quốc Tế cũng tuyên cáo ủng hộ một nền báo chí tự do và chống lại chế độ kiểm duyệt độc đoán trong thời bình. Được khai sinh từ năm 1960, Ủy ban Bênh Vực Nhà Văn bị cầm tù là tiếng nói toàn cầu của Văn Bút Quốc Tế nhân danh những nhà cầm bút bị trấn áp vì những quan điểm họ phát biểu, kể cả những hoạt động chính trị ôn hòa của họ. Đọc Lá thư gởi thân mẫu của tù nhân Nguyễn Khắc Toàn, nhiều văn hữu ngoại quốc không giấu được sự xúc động. Trong khi chờ đợi, đề nghị các nhà văn trong Hội Nhà Văn Việt Nam đến thăm viếng gia đình những người cầm bút đang bị tù đày hoặc quản chế có nêu tên trong Bản Quyết Nghị về Việt Nam. Cũng tại Bled, các nhà văn Nhựt đã được các văn hữu Việt Nam yêu cầu vận động Bộ Ngoại Giao Nhựt chỉ thị cho đại sứ Nhựt ở Hà Nội mời các nhà văn dân chủ đối kháng Việt Nam đến dự những cuộc tiếp tân tại tòa đại sứ Nhựt, giống như một số tòa đại sứ Âu châu đã làm tại La Havane, thủ đô Cuba.

Chi tiết về các cuộc thảo luận vừa kể trên có thể sẽ được nhà văn Vũ Quang Trân, Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, tường thuật đầy đủ hơn trong những ngày tới.
Được biết trong đêm sinh hoạt văn chương tại Đại hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế, hai mươi nhà thơ được mời đọc thơ bằng ngôn ngữ của mình và bản dịch ra một trong ba thứ tiếng chính thức của Văn Bút Quốc Tế. Nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt đã đọc bài thơ Thèm đi và bản dịch Pháp ngữ của bà Hoàng Nguyên.
Dưới đây là bản Quyết Nghị về Việt Nam viết bằng Việt ngữ. Trong Bản Tin tiếp theo, chúng tôi sẽ phổ biến bản Pháp và Anh ngữ vừa được thông qua tại Đại Hội Thế Giới Văn Bút Quốc Tế ở Bled, nước Slovénie.
Genève ngày 24 tháng 6 năm 2005
Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Ligue Vietnamienne des Droits de l'Homme en Suisse
Vietnamese League for Human Rights in Switzerland
*
Quyết Nghị về Việt Nam do Trung tâm Văn Bút Thụy Sĩ Pháp thoại (Centre PEN Suisse Romand) soạn thảo và đề nghị, với sự tán trợ các Trung tâm Văn Bút Algérie, Anh, Ba Lan, Bỉ Pháp thoại, Bồ Đào Nha, Catalan, Croatie, Gia Nã Đại, Hoa Kỳ, Hòa Lan, Hung Gia Lợi, Macédoine, Mễ Tây Cơ, Nga, Phần Lan, Pháp, Québec, San Miguel de Allende, Slovaquie, Slovénie, Sydney, Thụy Sĩ Đức thoại, Thụy Sĩ Ý thoại và Réto-romanche, Trung Hoa Độc Lập, Việt Nam Hải Ngoại và Ý Đại Lợi.
Hội Đồng Đại Biểu Văn Bút Quốc Tế, họp Đại Hội Thế Giới kỳ thứ 71 tại thành phố Bled, nước Slovénie, từ ngày 14 đến 21 tháng 6 năm 2005,
Ghi nhận rằng nhà văn Nguyễn Đình Huy (73 tuổi), nhà viết tiểu luận Nguyễn Văn Lý (59 tuổi) và nhà báo Nguyễn Đan Quế (63 tuổi) đã được phóng thích vào dịp Tết Ất Dậu. Bị giam cầm độc đoán, các nạn nhận cũng đã trải qua một phần lớn án tù, nhứt là ông Nguyễn Đình Huy (12 trên 15 năm tù). Khi về nhà, họ còn bị quản chế thêm 5 năm nữa hoặc bi canh chừng nghiêm ngặt nơi cư trú;
Than phiền rằng nhiều nhà văn khác còn bị câu lưu, bị quản chế hành chánh hoặc bị hăm dọa truy tố ra tòa và trừng phạt về mặt kinh tế. Như vậy nhà cầm quyền Việt Nam đã vi phạm quyền tự do phát biểu ý kiến, tiếp nhận và phổ biến tin tức trên mạng Internet và quyền tự do hội họp;
Kinh ngạc và công phẫn trước tình cảnh của các nhà dân chủ đối kháng sử dụng mạng Internet, một số người bị buộc tội "gián điệp" và bị kết án tù thật nặng nề trong những vụ án thiếu công minh và quyền bào chữa không được đảm bảo cho bị cáo. Trong số nạn nhân có :
Ông Nguyễn Khắc Toàn (50 tuổi), nhà báo và viết tiểu luận. Tháng 12 năm 2002, ông bị phạt 12 năm tù và 3 năm quản chế vì tội danh "gián điệp". Ông bị bắt tháng giêng năm 2002 vì những lời chứng của ông về những cuộc biểu tình của bần nông phản đối chính quyền lạm dụng quyền thế để cướp nhà chiếm đất trái phép, hiếp đáp người dân nghèo khổ. Ông đã phổ biến những bài tường thuật của ông về các biến cố đó trên mạng Internet cùng với những bài ông tố cáo nạn tham nhũng và những sự vi phạm nhân quyền. Theo lời bà mẹ ông (83 tuổi), ông rất đau yếu trong trại tù lao công cưỡng bách;
Ông Phạm Hồng Sơn (37 tuổi), nhà văn và nhà thông dịch. Tháng 6 năm 2003. ông bị phạt 13 năm tù, tòa phúc thẩm giảm còn 5 năm tù và 3 năm quản chế vì tội danh "gián điệp". Ông bị bắt tháng 3 năm 2002 vì phổ biến trên mạng Internet nhiều bài tiểu luận cổ xúy việc xây dựng một thể chế dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Ông bị biệt giam suốt nhiều tháng trời trước khi bị đày về trại lao công cưỡng bách. Người vợ tù nhân kể lại rằng chồng bà bị bệnh sa ruột và sưng mũi kinh niên;
Ông Nguyễn Vũ Bình (37 tuổi), nhà báo và viết tiểu luận. Ngày 31 tháng 12 năm 2003, ông bị phạt 7 năm tù và 3 năm quản chế vì tội danh "gián điệp". Ông bị bắt tháng 9 năm 2002 vì phổ biến trên mạng Internet nhiều bài báo kêu gọi nhà cầm quyền thực thi cải cách chính trị và xã hội, cũng như các bằng chứng về vi phạm nhân quyền. Trong suốt 15 tháng giam cứu, ông bị câu lưu một mình trong lao hầm. Sức khỏe của ông tồi tệ bi đát sau hai tuần tuyệt thực hồi tháng 5 năm 2004 để đòi cho người vợ và hai đứa con nhỏ của ông được vào trại lao công cưỡng bách thăm nom ông;
Ông Nguyễn Hồng Quang (47 tuổi), nhà văn và nhà luật học (không được phép hành nghề luật sư). Ông bị bắt tháng 6 năm 2004 rồi đến tháng 11 cùng năm bị phạt 3 năm tù vì cái gọi là tội danh "xúi giục khích động người khác chống viên chức thi hành công vụ". Làm tư vấn pháp luật cho các tù nhân ngôn luận và lương tâm, ông Nguyễn Hồng Quang đã bênh vực những đồng bào thuộc các sắc tộc thiểu số bị ngược đãi và đàn áp. Ông còn tiến hành điều tra về những vụ vi phạm nhân quyền và phổ biến nhiều tiểu luận trên mạng Internet;
Lên án sự tiếp tục giam nhốt ông Trần Văn Lương (tên thật Trương Văn Lân 65 tuổi) bị bắt năm 1985, bị kết án tử hình sau đó đổi thành án tù chung thân. Và cũng lên án sự tiếp tục quản thúc hòa thượng Thích Huyền Quang (thế danh Lê Đình Nhàn 88 tuổi) tại tu viện. Ban Hành Động Liên Hiệp Quốc chống Giam Cầm Độc Đoán đã tuyên cáo rằng sự tước đoạt quyền tự do của ông Trần Văn Lương và hòa thượng Thích Huyền Quang là trái phép vì biện pháp đó xâm phạm điều 19 của Tuyên Ngôn Toàn Thế Giới về Nhân Quyền và điều 19 của Công Ước Quốc Tế về các Quyền Dân Sự và Chính Trị. (Bản Quan Điểm Việt Nam số 13/1999 và số 20/2003);
Đòi nhà cầm quyền Việt Nam :
1. phóng thích tức khắc và vô điều kiện tất cả những người, nhứt là các nhà văn và nhà báo, còn bị giam nhốt, quản chế sau khi thụ hình hoặc quản chế hành chánh và quản thúc tại gia, chỉ vì đã hành sử quyền tự do phát biểu của họ. Trong số những tù nhân đó có ông Trần Văn Lương, ông Nguyễn Khắc Toàn, ông Phạm Hồng Sơn, ông Nguyễn Vũ Bình, mục sư Nguyễn Hồng Quang, ông Võ Lâm Tể (bút hiệu Hướng Dương), thượng tọa Thích Tuệ Sỹ (thế danh Phạm Văn Thương), hòa thượng Thích Huyền Quang (thế danh Lê Đình Nhân), hòa thượng Thích Quảng Độ (thế danh Đặng Phúc Tuệ), ông Lê Chí Quang, ông Nguyễn Đình Huy, linh mục Nguyễn Văn Lý và ông Nguyễn Đan Quế;
2. chấm dứt tất cả những biện pháp sách nhiễu, hăm he và mọi sư đe dọa truy tố ra tòa hoặc trừng phạt kinh tế đối với những nhà văn và nhà báo độc lập, như trường hợp nữ ký giả Nguyễn Thị Lan Anh (bút hiệu Lan Anh) và nhà dân chủ đối kháng Đỗ Nam Hải (bút hiệu Phương Nam);
3. cải thiện chế độ lao tù, để cho những tù nhân đau yếu được săn sóc, điều trị thích hợp và được gia đình thân nhân thăm nom;
4. bãi bỏ kiểm duyệt và đình chỉ mọi hạn chế đối với quyền tự do phát biểu, tự do báo chí, tự do sáng tạo và xuất bản.
81 Trung tâm Văn Bút có đại diện tại Hội Đồng Đại Biểu đã trực tiếp bỏ phiếu đồng thanh ủng hộ Quyết Nghị về Việt Nam.
Tên Trung tâm Văn Bút viết bằng Anh ngữ:
Afghan, African Writers Abroad, Algerian, American, Austrian, Basque, Belgium Dutch-Speaking, Belgium French-Speaking, Bishkek, Bosnian, Bulgarian, Canadian, Catalan, Colombian, Croatian, Cuban Writers in Exile; Czech, Danish, Egyptian, English, Esperanto; Finnish, French, Galician, German, German-Speaking Writers Abroad, Ghanaian, Hungarian, Icelandic, Independent Chinese, Indian, Iranian Writers in Exile, Israeli, Italian, Jamaica. Japanese, Korean, Kosovo, Kurdish, Liechtenstein, Lithuanian, Macedonian, Malawian, Melbourne, Mexican, Moldovan, Montenegrin, Moroccan, Nepalese, Netherlands, Nigerian, Norwegian, Palestinian, Panamanian, Polish, Portuguese, Quebecois, Romanian, Russian, San Miguel de Allende, Scottish, Senegalese, Serbian, Sierra Leonean, Slovak, Slovene, Suisse Romand, Swedish, Swiss German, Swiss Italian and Reto-Romansh, Sydney, Tatar, Tibetan Writers Abroad, Trieste, Turkish, Ugandan, USA, Vietnamese Writers Abroad, Writers in Exile/American Branch, Writers in Exile/London Branch and Zambian PEN Centres.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.