Hôm nay,  

Truyện Dài: Về Phương Trời Cũ

06/06/201000:00:00(Xem: 4803)

Truyện dài: Về Phương Trời Cũ – Người Phương Nam

LGT: Một trong những nhiệm màu tạo hóa ban cho loại người là tình yêu lứa đôi. Lịch sử của nhân loại từ xưa đến nay cũng như kinh nghiệm của mỗi người trong khoảnh khắc ba vạn sáu ngàn ngày trên đời, cũng luôn luôn chứng minh sức mạnh màu nhiệm của tình yêu. Nhưng dù cho có sức mạnh màu nhiệm đó, không phải tình yêu nào cũng đẹp, cũng kết trái hạnh phúc, nhất là khi tình yêu đó chỉ chập chững ở tuổi học trò... Vậy mà truyện tình "Về Phương Trời Cũ" của Người Phương Nam không những là một truyện tình có thật chớm nở ở tuổi học trò tại một trường dòng ở Sóc Trăng, mà còn là tình yêu gian nan giữa một nữ sinh xinh đẹp với một sư huynh dậy Pháp văn. Trải qua không biết bao nhiêu khó khăn giữa khói lửa của cuộc chiến tranh Việt Nam, cuối cùng tình yêu đó kết trái, hai người thành vợ thành chồng, cùng chia sẻ không biết bao nhiêu vui buồn, phúc họa trên đường đời, kể cả những gian truân trên chặng đường tỵ nạn và những bỡ ngỡ khi hội nhập đời sống mới tại Úc... Sàigòn Times xin chân thành cảm ơn tác giả Người Phương Nam, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của truyện tình "Về Phương Trời Cũ"...

*

(Tiếp theo...)

Đêm giao thừa là đêm tống cựu nghinh tân. Tục truyền rằng vào đêm này, vị thần cai quản việc thế gian năm cũ mãn hạn ra đi bàn giao lại cho vị thần mới. Vì vậy để bày tỏ lòng thành, nhân gian mới lập bàn cúng tế ra giữa trời, một công mà bốn việc, vừa đưa tiễn, vừa đón rước, trước cúng sau ăn. Cũng trong lúc này, những dây pháo dài thậm thượt sẽ được đốt lên rầm rì để xua đi những gì xui xẻo trong năm cũ và đón về một năm mới tốt đẹp hơn. Mồng một Tết là cái ngày thiên hạ thăm viếng chúc tụng nhau. Những món ăn đã chuẩn bị sẵn bây giờ là dịp để mang ra thù tạc đãi đằng. Tết còn có một tục lệ mà rất được giới con nít hoan nghinh, đó là tục lệ lì xì. Vào ngày đầu năm, bọn trẻ thường được cha mẹ, anh chị em hoặc họ hàng thân thích tặng cho một bao giấy đỏ có một ít tiền mới bên trong gọi là tiền lì xì. Người lớn có khi cũng lì xì cho nhau để lấy hên trong năm mới. Tết đại khái là vậy, em chỉ có thể diễn tả sơ qua vậy thôi. Mai này Frère về quê đón xuân với gia đình, tự mình thưởng thức Frère mới thấm thía hết cái hương vị và cái ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tết chớ nghe người ta nói không bằng chính mình kinh nghiệm đâu.
Cô ngừng lại, uống một hớp nước rồi đứng lên nói với Frère lời từ biệt:
- Thôi em phải về rồi Frère nhé. Chiều xuống đã lâu, chắc ở nhà má đang trông em lắm. Em mà về trể quá lần sau má không cho đi nữa là mình hết gặp đó Frère. Ngày mai Frère đi mạnh giỏi, em cầu chúc Frère được trọn vui trong những ngày xuân sum họp với gia đình.
Nỗi buồn hiện lên trong bốn mắt. Frère bước đến bên cô, sửa lại cho cô mái tóc và đặt lên trán cô một nụ hôn từ giã, giọng đầy luyến lưu:
- Frère chưa muốn rời em nhưng em đã nói thế thì Frère đành để cho em đi. Mai này Frère về quê, em ở lại bình yên vui vẻ, đừng buồn rầu nghĩ ngợi vu vơ. Frère sẽ trở lại với em thật sớm, mình sẽ gặp lại nhau trong một ngày thật gần em nhé.
Frère đưa cô xuống lầu, đi lại lối sân lúc nãy. Vườn bây giờ không còn thấy rõ dáng hoa nghiêng, chỉ nghe trong gió thì thầm lời yêu đương tình tự. Trời đã tắt đi cơn nắng chiều, hoàng hôn vừa buông xuống cùng với một màu tím thẫm mông mênh, tím cả lòng người. Lứa đôi dừng bước lại ngập ngừng chia tay. Tượng thánh Jean De La Salle sừng sững giữa sân trường trên bệ cao nhìn xuống như buồn rầu tiếc rẻ cho môn đệ mình đã lạc lòng sa chân đắm hồn vào cơn mê tình ái để từ đây xao lãng nghiệp căn rẻ hướng thay đời. Cô thẫn thờ bước nhanh ra cổng, cảm thấy sau lưng mình có đôi mắt của tượng đá nhìn theo trách móc và đôi mắt của người tình vời vợi thương yêu…
Chương 7
Một năm đã qua đi với bao dâu bể của cuộc đời. Năm mới đến cho con người thêm tin yêu và ước vọng. Xuân đi rồi xuân đến, mùa xuân nào cũng vậy, chẳng có gì thay đổi mà chỉ có lòng người là đổi thay. Tết năm nay đến với Kiều không còn như những cái Tết năm xưa trong những ngày thơ ấu. Cô không còn nôn nả chờ sáng mồng một dậy thật sớm để mặc vào bộ quần áo mới tinh, hớn hở chạy đến bên ba má mừng tuổi chờ lì xì; cũng không còn tung tăng theo đám bạn láng giềng chạy khắp cùng đầu trên xóm dưới xem đốt pháo múa lân hay chơi xí ngầu bầu cua cá cọp. Từ năm mười bốn, cô đã nết na ra vẻ lắm rồi, không còn dám chơi trò bà Trưng bà Triệu phất cờ khởi nghĩa đánh nhau chí tử với bọn giặc tàu con trai. Đến năm mười lăm, cô đã biết mơ biết mộng, gởi hồn theo mây gió trăng sao. Qua năm mười sáu, cô đã biết xao xuyến lòng, tập tành chuyện yêu đương tình ái. Bây giờ mười bảy, cô đã biết sầu tương tư, gom nhung nhớ dệt thành trang tình sử.
Mồng một Tết đi qua thật yên lành. Chiến tranh dù đang bao trùm khắp chốn nhưng ở các phố thị, xuân vẫn còn phong độ, Tết vẫn còn giữ được bộ mặt huy hoàng. Nhà nào cũng bánh chưng xanh, hoa mai vàng dưa hấu đỏ, xác pháo ngập đầy sân. Ngày mồng một là cái ngày thiên hạ ngơi nghỉ ăn chơi. Dù có bao nhiêu công việc hay bao nhiêu lo lắng buồn phiền, người ta cũng tạm gác lại để tạo cho mình một ngày thư thả, một ngày tốt đẹp vui tươi những mong cả năm sẽ được huông như ý. Thế nên thiên hạ nô nức du xuân, đâu đâu cũng rộn rã tiếng cười, lời ăn tiếng nói thật đẹp, thăm viếng chúc tụng nhau toàn những sự lành.
Những tưởng người dân sẽ được vui xuân trọn vẹn, nào ngờ giữa đêm khuya khi nhà nhà đang say ngủ bỗng nghe vang dội từ đâu những tiếng nổ long trời. Cả thành phố bàng hoàng thức giấc, rúng động kinh hồn vì những loạt hỏa pháo liên hồi tới tấp. Người người choàng tỉnh giấc mộng xuân gọi nhau vào các hầm trú ẩn thân. Trận pháo kéo dài mãi đến rạng sáng ngày hôm sau. Mồng hai Tết, cộng quân đã xâm nhập vào ngay thành phố gieo tang tóc hãi hùng cho muôn vạn lương dân. Ngày xuân đang vui vẻ yên lành bỗng chốc trở thành xuân chiến tranh khói lửa. Phố sá vắng tanh, chợ búa không còn ai dám nhóm họp, mọi người rút kín trong nhà vừa nghe ngóng vừa hối hả tom góp những vật quý mang theo lên mình phòng khi phải tản cư chạy loạn. Tiếng pháo mừng xuân đã im bặt hẳn để thay vào tiếng súng thù ghê rợn khắp nơi nơi.


Mồng ba Tết, súng nổ đạn bay khắp trời vì những cuộc giao tranh đụng chạm mãnh liệt giữa đôi bên. Trẻ già bé lớn lũ lượt bồng bế nhau đi tìm nơi dung thân lánh nạn. Hận thay cho lũ vô thần nỡ gây chiến tranh tàn khốc giữa ngày thiêng liêng truyền thống của dân tộc để trong lịch sử quốc gia phải ghi đậm thêm một vết thù, một mối hận truyền kiếp giữa người với người cùng chung một nòi giống nhưng hai chủ nghĩa không đội trời chung.
Trước bao cảnh tóc tang chết chóc xảy ra hằng ngày, nghĩ đến người yêu, cô thầm lo lắng, chẳng biết Frère bây giờ ra sao, có được bình yên chăng trong súng đạn vô tình. Riêng cô may mắn vẫn an lành, vẫn hằng ngày ngóng trông Frère và nguyện cầu cho Frère sớm bình yên trở lại.
Một tuần sau, biến cố dần dần lắng dịu. Những cuộc phản công ráo riết vũ bão của các lực lượng quân đội anh dũng đã thanh trừng tiêu diệt lần hồi bọn quấy nhiễu xâm lăng. Nền an ninh trong thành phố càng ngày càng tốt đẹp khả quan, việc lưu thông liên tỉnh tuy vẫn còn bị gián đoạn nhưng sinh hoạt ở địa phương đã bắt đầu lai rai trở lại. Sáng nay, cô mang bài làm của Frère cho hôm nghỉ Tết ra định làm. Ngồi nơi bàn, cô chống tay lên má buồn rầu ngó mông ra cửa nghĩ ngợi lung tung. Hôm nay đáng lẽ là ngày đi học lại sau kỳ nghỉ Tết nhưng loạn lạc giặc giã tư bề, chưa có nơi nào yên ổn hẳn, trường học có nơi còn bị chiếm đóng thì ngày hôm nay làm sao có thể là ngày trở lại trường.
Bài vở đã được bày ra trước mắt mà tâm trí cô để tận đâu đâu. Frère ơi! Frère nói rằng Frère sẽ trở về với em thật sớm nhưng với tình trạng này làm sao Frère có thể về đây cho được. Em nhớ Frère, nhớ đám hoa vàng liễu yếu, trong gió chẳng biết có còn nhởn nhơ vùi đùa hay đã tàn rồi theo khói lửa chiến chinh.
Đề tài của Frère cho bảo viết một bài luận nói về ngày Tết. Lúc Frère vừa ra đề cô định sẽ nói đến một cái Tết vui tươi an bình, một mùa xuân hạnh phúc. Nhưng bây giờ mọi ý nghĩ đã trở thành trái ngược. Tết đã là cái Tết loạn ly thì xuân cũng đã thành xuân đổ nát hoang tàn.
Đang miên man nghĩ ngợi, cô chợt giựt mình, tim đập loạn lên vì một dáng người vừa hiện ra trước cửa, một dáng dấp thân yêu mà cô đã hằng mong hằng nhớ đêm ngày. Tưởng mình nằm mộng nhưng không, đúng thật là Frère, Frère yêu dấu của cô đang tiến bước vào nhà với xách hành lý trên tay, áo dòng đen còn vương trắng bụi đường. Frère đã trở về với cô thật sự rồi đây với môi mắt cũ, với hình hài nguyên vẹn xưa. Cô xô ghế đứng dậy chạy đến bên Frère mừng rỡ, nỗi vui mừng quá lớn khiến cô nghẹn ngào.
Frère tươi cười thương mến siết chặt tay cô mắt long lanh cảm động:
- Em vẫn bình an hở em" Cám ơn Chúa vô cùng. Frère lo cho em quá nên phải tìm cách về đây cho được để gặp em, xem em và gia đình như thế nào. Frère rất vui mừng thấy em được bình an vô sự.
Lúc ấy má cô đang ở dưới bếp, nghe tiếng khách má vội bước lên xem. Frère đã đến nhà cô một lần hôm hai mươi tám Tết nên má cũng đã biết Frère là ai. Sáng hôm ấy, trong lúc cô và má đang trang hoàng nhà cửa để đón xuân thì Frère bất ngờ xuất hiện. Frère viện cớ là đến chúc Tết ba má nhưng thật ra là để nhìn cô thêm lần nữa trước khi lên đường về quê. Lúc cô tiễn Frère ra cửa, Frère đã dúi vào tay cô lọ nước hoa xinh xắn, mùi hương tình say đắm trong quyển tập cô hôm nào.
Nhận ra Frère, má mừng rỡ hỏi han:
- Frère về tới hồi nào, mạnh giỏi chớ Frère"
Và quay sang cô má bảo:
- Đi lấy nước mời Frère và nói với ba có Frère tới thăm nè.
Cô chưa kịp vào báo thì ba cũng đã đi ra. Ba niềm nở bắt tay Frère và cũng lập lại mấy câu má vừa mới hỏi:
- Mạnh giỏi Frère" Frère về hồi nào" Mời Frère ngồi.
Vừa ngồi xuống ghế Frère vừa đáp:
- Dạ mạnh, tôi mới về chừng hai mươi phút thôi. Vừa tới là vội vàng ghé đây ngay để thăm gia đình ông bà.
Cô vừa bưng ra mâm nước mát lạnh, nghe Frère nói như vậy cô liếc nhìn Frère mĩm cười với ánh mắt tinh nghịch như thầm nói: “muốn thăm mình em thì đúng hơn”.
Ba tươi cười nói:
- Cám ơn Frère, cũng bình yên hết. Ôi! Tết nhứt gì mà giặc giã lung tung, đánh sao không chừa giùm ngày tư ngày Tết. Mấy bữa đầu, tình hình căng thẳng lắm, chung quanh đây đều là nhà các sĩ quan lại thêm các ty sở cảnh sát và công an, tôi sợ họ nhắm vào đây mà tấn công nên phải đưa gia đình lại nhà bà chị vợ núp tạm mấy ngày, chờ yên yên mới dám về lại. Nhưng nói nào ngay, cái tỉnh này tương đối là đỡ nhứt, không bị tổn thất hư hao gì đến nỗi chớ có nhiều nơi, nghe nói các trường học và cơ quan chính phủ còn đang bị chiếm giữ, chưa giải tỏa được, chết chóc nhiều và thiệt hại trầm trọng. Còn quê Frère thì sao, gia đình cũng yên chớ"
Frère gật đầu:
- Dạ, cũng bình yên, cám ơn ông. Còn tỉnh nhà thì cũng tình trạng như những nơi khác, các công sở nơi nào cũng đầy dấu tích đạn pháo, phố chợ thì bị đốt phá tan hoang. Trận Mậu thân khốc liệt này đã làm khổ sở điêu đứng hằng triệu dân lành, đi tới đâu cũng nghe người ta kêu ca than oán. Lúc nãy ở phi trường Cần Thơ, tôi thấy người ta đứng đông nghẹt mà chẳng rõ là chuyện gì. Chừng hỏi ra mới biết đó là những anh lính, những sĩ quan, những nhân viên chính phủ đi phép về Tết, bây giờ muốn trở lại nhiệm sở mà không có phương tiện di chuyển nên phải vào phi trường chờ quá giang phi cơ quân sự Mỹ. Có người đã chờ suốt hai ba ngày rồi mà vẫn chưa đi được. Thật là khổ!
Frère vừa dứt lời, má sực nhớ ra vội hỏi: "À, nãy giờ quên hỏi Frère đi bằng gì về đây. Hình như đường sá còn kẹt dài dài, chưa có xe nào dám chạy lại mà. Mời Frère dùng miếng nước đi Frère."  (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.