Hôm nay,  

Tâm Tình Hạnh Phúc – Thảo Hiền Phụ Trách

21/03/201000:00:00(Xem: 2802)

Tâm Tình Hạnh Phúc – Thảo Hiền phụ trách

Hai Chị Em bị Chồng Bỏ về VN cưới vợ khác

Kính gửi quý vị độc giả. Trước tiên, Thảo Hiền xin được gửi đến quý vị những lời chúc thân tình và tốt đẹp nhất. Tuần qua, Thảo Hiền nhận được một lá thư tâm tình, thắc mắc về tình trạng khá phổ biến hiện nay trong cộng đồng người Việt chúng ta của hai chị em bà Điệp & Oanh nên xin được chia sẻ cùng quý vị trong tiết mục TTHP tuần này. Sau đây là nguyên văn lá thư của bà chị.

*

Cô Thảo Hiền thân mến. Tôi theo dõi mục Tâm Tình Hạnh Phúc của cô mấy tháng nay, thấy nó hay và hữu ích rất nhiều nên cũng an ủi chúng tôi. Thôi thì đủ chuyện khổ đau của thiên hạ, coi rồi mới thấy những khổ đau của mình chẳng thấm vào đâu so với đau khổ của thiên hạ. Vì thế, tôi thấy tôi còn sướng chán. Mà ai hỏi, cô cũng trả lời đâu vào đấy nghe có tình có lý đáo để. Nhưng tôi chưa thấy ai hỏi cô về cái chuyện mấy lão già mắc dịch “Việt kiều” thi nhau bỏ vợ về Việt Nam cưới vợ. Có lão thì cưới vợ lấy tiền, có lão thì cưới vợ lấy tình, có lão cưới vợ để giật le để trả thù với vợ cũ…. Thôi thì lấy tình, lấy tiền hay lấy le, trả thù… thì mấy lão đó cũng đểu giả như nhau. Họ đi về cưới vợ hà rầm mà sao không thấy ai nói cả" Hay là các bà vợ đều phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Rồi báo chí radio nữa, cũng không thấy ai đề cập đến chuyện làm sai trái của họ là thế nào" Chỉ thấy báo chí rùm beng chuyện phụ nữ Việt Nam lấy chồng Đài Loan khổ sở, phải thế này phải thế nọ, mà không thấy nói đến cái khổ của phụ nữ Việt Nam lấy chồng “Việt kiều”.
Nói đến chuyện chồng bỏ vợ về VN cưới vợ thì tôi cũng là một nạn nhân, nhưng chuyện của tôi xảy ra lâu rồi. Bây giờ có nói ra, thì cô Thảo Hiền cũng chẳng giúp cho được nữa. Nhưng vì chuyện của con em gái tôi nó cũng tương tự như chuyện của tôi mà nó thì ngại ngùng chuyện viết lách thư từ nên tôi phải viết hộ nó để cô Thảo Hiền giúp nó hoạ may nó thoát ra khỏi cái sự sầu bi của nó hiện nay.
Em gái tôi kém tôi gần chục tuổi, nhưng nó xinh đẹp hơn tôi, còn tôi thì xấu òm à. Tại nó giống bố, còn tôi giống mẹ. Thấy nó xinh đẹp thì ai cũng nghĩ cuộc đời của nó sẽ ngon lành hơn tôi, ai dè cũng y chang. Tôi lấy chồng trước nó 10 năm thì khi chồng tôi bỏ đến nay đúng mười năm sau, chồng nó bỏ nó. Chồng tôi về VN cưới vợ thì chồng nó bây giờ cũng đang lăm le cưới vợ từ VN đem sang mặc dù nó đã sanh được một thằng con trai. Tôi có được hai đứa con một trai một gái thì nó cũng giống hệt, có một trai một gái. Đại khái tôi sao nó vậy, giống như chị em sanh đôi vậy.
Mười năm trước khi thằng chồng nó bỏ tôi thì cũng là lúc con em tôi lấy chồng. Vậy nên ngày vui của em mà mắt tôi đỏ hoe khóc sưng húp cả mắt. Tôi đã tính không đi dự đám cưới của nó vì sợ sui sẻo cho nó. Nhưng nó thì sống như Úc nên cứ nhất định đòi tôi đi dự. Bây giờ thấy nó tội nghiệp giống tôi, tôi cứ băn khoăn, chẳng biết có phải tại mình đi dự đám cưới nên mang sui sẻo cho nó không"
Hai đứa chúng nó lấy nhau xong, tôi cũng đã dặn dò nó phải cẩn thận mà chiều chuộng chồng, để trói buộc nó. Lạt mềm buộc chặt, sợi dây tình cảm bao giờ cũng trói thằng đàn ông dễ nhất. Tôi nói vậy nhưng nó không nghe, nó cứ tự tin thái quá vào nhan sắc xinh đẹp của nó và tình yêu mê mệt của thằng chồng. Nhưng đàn ông xưa nay và ở đâu cũng vậy. Nó yêu mình tha thiết bây giờ đấy, nhưng khi ra ngoài gặp con gái đẹp là mắt nó híp lại liền. Lúc đó đầu nó như đầu tôm, nó đâu có nhớ được cái gì. Tôi đã bảo con em tôi, em làm cho nó yêu em là điều không có khó. Nhưng giữ được tình yêu của nó mới là chuyện khó vô cùng. Nhất là khi em đẻ đái, nhan sắc không còn như khi còn trẻ và mình đã ở ổ thì thằng chồng nó hay kiếm chỗ khác ăn vụng. Muốn vậy phải nắm được bí quyết chiều chuộng cái dạ dầy của nó, chứ không phải chỉ chiều “con lợn lòng” của nó đâu. Đàn ông ai cũng vậy, cả thèm chóng chán. Chưa lấy được mình thì nó sẵn sàng làm đủ thứ chuyện trên trái đất để chinh phục mình bằng được. Đến khi chinh phục được rồi, mình trở thành vật sở hữu trong tay nó là nó đi tìm mục tiêu khác để săn đuổi. Vậy nên có người nói đàn ông giống như gã đi săn. Chỉ thích bắn gục con mồi chứ không thích ôm con mồi suốt đời.
Cách đây hai năm, khi mới sanh đứa con thứ hai, tôi đã nghi ngờ thằng chồng của nó mèo mỡ. Vì vợ mà bể bầu thì chồng hay ăn vụng lắm. Đó là tôi nghe mấy bà mấy chị nói vậy. Nhưng chuyện mèo mỡ của nó thì do người khác cùng làm chung hãng với nó nói với con vợ, rồi con vợ đó lại tường thuật cho tôi nghe. Thôi thì chuyện đó tam sao thất bổn không nhắc tới làm gì. Đùng một cái bố của thằng Huân (tôi tạm gọi vậy cho dễ viết) ở Việt Nam mất, thế là thằng Huân phải về lo tang chay cho bố. Lần trước chúng nó cũng đã về VN một chuyến rồi. Nhưng chuyến đó thì cả hai vợ chồng và thằng nhỏ cùng về nên tôi an tâm vì tôi đã dặn đi dặn lại nó hễ chồng về VN thì mày phải theo về bằng mọi giá. Thuê người trông nom tiệm cho mày hay nếu cần đóng cửa cũng được, miễn sao đi sát thằng chồng mày. Về VN rồi cũng vậy, hễ nó đi đâu, thì phải đi theo đó. Bằng không là mỡ vô miệng mèo rất nguy hiểm. Ở VN bây giờ con gái hây hây 18, 20, trẻ đẹp nhan nhản “chậy đầy đường”. Mà con gái VN bây giờ họ không đòi hỏi cao sang gì đâu nghe. Họ xếp hàng để lấy chồng Đại Hàn là đủ biết. Những thằng chồng Đại Hàn đó già khú đế, què cụt chân tay, họ cũng nhào vô. Những cô đó mà vớ được “Việt kiều” đẹp trai to con, có bằng cấp đàng hoàng như chồng mày là trúng độc đắc đó nghe mày.
Quả nhiên lần đó thằng Huân về lo ma chay cho bố xong là ở rịt tới cả tháng mới sang. Hỏi ma chay gì mà ở lâu vậy, thì nó trả lời tỉnh bơ là phải lo cho mẹ. Đã vậy thì chớ nó còn kiếm chuyện đòi về VN để lo cho mẹ nữa chớ. Nghe con em nó nói là tôi biết ngay có chuyện. Tôi nói với nhỏ em thôi thì nó đã vậy mày phải bàn với nó, bảo lãnh cho mẹ nó sang đây. Vậy là tốt nhất. Nếu không thì mày nói với nó bán quách tất cả mọi thứ ở đây rồi cùng với nó về VN phụng dưỡng mẹ già. Nghe tôi bàn vậy, con em dẫy nẩy không chịu. Tôi mới cười bảo nó, thử bàn với nó như vậy xem nó trả lời sao. Nếu quả thật thằng Huân nó chỉ muốn phụng dưỡng mẹ già thì nghe mày bàn vậy là nó vỗ tay. Còn nếu nó chỉ kiếm cớ để về ôm đĩ thì nó sẽ bàn ngang cho mà coi.
Quả nhiên y như rằng thằng Huân không chịu cả gia đình về VN. Nó bảo, chỉ mình nó về phụng dưỡng mẹ một thời gian là đủ rồi. Về cả gia đình thì con cái học hành làm sao. Nhất là đứa con gái mới đẻ, về VN ốm đau, thuốc men tốn kém mà lại nguy hiểm. Đại khái là thằng Huân viện cớ như vậy, nghe là biết thằng Huân trở mặt chứ chẳng phải vì mẹ già gì cả. Hai bên còn đang tranh cãi, chẳng ai chịu ai thì không đầy 8 tháng sau, bỗng dưng con Oanh phát hiện ra thằng Huân tự tiện rút tiền từ sổ băng tiền nhà. Chả là căn nhà hai vợ chồng đứng tên mua chung, trả nợ trong 10 năm cũng được hơn 200 ngàn, nên trị giá căn nhà dôi ra được hơn 100,000, muốn tiêu pha gì thì có thể rút ra tiêu. Thằng Huân giả mạo chữ ký của vợ rút ra 10,000. Tra hỏi nó thì lúc đầu nó bảo gửi về cho mẹ, sau bị tra hỏi riết thì nó ngang nhiên tuyên bố gửi về cho “vợ hai” (nguyên văn lời thằng Huân) của nó ở VN sanh con. Con Oanh nghe vậy rụng rời chân tay, la hét đánh đập nó rồi đập phá nhà cửa… Đến sáng hôm sau nó gọi cho tôi lúc 11 giờ. Tôi đóng cửa tiệm, đến ngay nhà nó thì thằng Huân đã bỏ nhà đi biệt tăm cả đêm không về. Hai ngày sau, mới biết nó đã về VN sống với con nhỏ ở Đa Kao. Chuyện vỡ lở mới biết, trong dịp về lo ma chay cho ba, thằng Huân đi nhậu nhẹt hát hò karaoke làm sao đó, mới quen con nhỏ này rồi ăn nằm với nó và dính luôn, làm cho con kia mang bầu.
Thưa cô Thảo Hiền. Khi tôi viết thư này thì thằng Huân đang đòi ly dị con em gái tôi. Chuyện ly dị ở Úc thì như cô Thảo Hiền đã biết, dễ như trở bàn tay, dù con em tôi có không đồng ý cũng không được. Như vậy là cầm chắc nó bị chồng bỏ. Tiệm của con em thì đã sang lại và cả ba mẹ con nó về sống với ba mẹ con tôi. Đúng là hai chị em đều bị chồng bỏ về VN cưới vợ. Tôi chẳng biết cô Thảo Hiền có cách nào giúp cho con em tôi nó giành lại người chồng hay không. Riêng tôi thì tôi thấy khó quá. Dù sao, tôi cũng mạnh dạn viết thư này để cô giúp đỡ và gióng lên tiếng chuông để người Việt mình ở đây có biện pháp thế nào chứ tình trạng chồng bỏ vợ rồi về VN cưới vợ khác, trẻ đẹp đáng tuổi con mình càng ngày càng nhiều trong cộng đồng mình, tạo nên không biết bao nhiêu chuyện đau lòng cho phụ nữ Việt tại Úc. Vì thế, nhân chuyện của hai chị em chúng tôi đau cái đau chung của nhiều phụ nữ VN nên tôi viết thư này đề nghị với cô Thảo Hiền nên làm một bài phóng sự mô tả về thảm cảnh này và tìm xem có biện pháp nào ngăn chặn không cho các ông chồng bỏ vợ về VN cưới vợ được hay không" Cuối cùng, chúc cô Thảo Hiền luôn tươi trẻ, đầu óc minh mẫn và có một trái tim mẫn cảm, và lòng ưu ái bao la để giúp cho đời bớt đi những giọt nước mắt trong bể sầu mênh mông. - Hai chị em Điệp & Oanh.

Thảo Hiền Tâm Tình

“Anh ơi đã có vợ rồi. Sao còn ham muốn đua đòi gái tơ"” Chị Điệp và chị Oanh thân mến. Trường hợp của hai chị bị chồng bỏ rơi để về VN lấy vợ khác đang là một hiện tượng khá phổ biến trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến sự tan vỡ hôn nhân để có thể kết luận chính xác lỗi phải tại ai, nhưng riêng trường hợp các ông bỏ vợ ở hải ngoại để lập phòng nhì ở VN thì nhiều phần là do lỗi của các ông. Khi Thảo Hiền đưa ra nhận định này chắc chắn quý ông sẽ dẫy nảy lên mà rằng “Thảo Hiền nói sai rồi, it takes two to Tango, phải có hai người mới nên chuyện, lỗi ở hai bên chứ đâu phải riêng tụi tui”. Rất đồng ý với quý ông, vì người vợ chịu một phần lỗi khi để ông chồng vuột khỏi mái gia đình. Và đó là cái lỗi quá tin tưởng vào tấm lòng chung thủy của chồng. Đã có lần Thảo Hiền nghe được một chị phán rằng “Hơi sức nào mà lo, ổng già rồi, mà hồi nào tới giờ ổng có lạng quạng với con mẹ nào đâu, ghen tuông làm chi cho mệt xác…”. Sự tin tưởng nơi lòng chung thủy của chồng là một điểm son của người vợ vì không ghen bóng gió thì giữ được cửa nhà êm ấm, nhưng coi chừng … có khi lầm chết đó chị ơi! Ổng già đối với chị chứ về tới VN ổng là hoàng tử trong mộng của những cô gái mơ lấy chồng VN ở hải ngoại. Ở ngoài này, các ông có muốn đi ngang về tắt cũng khó. Làm việc quần quật cả tuần lễ, ngày nghỉ cuối tuần nếu không phải làm thêm giờ thì lo việc gia đình, bổn phận và trách nhiệm đè nặng trên vai từ năm này qua năm khác. Cũng chẳng có nhu cầu sửa soạn “nhan sắc” cho trải chuốt, áo quần cho bảnh bao ngoài những lúc cần thiết. Như thế thì cách gì mà được các cô các bà độc thân nhìn tới. Trừ phi tình yêu mãnh liệt đến độ người ta bất chấp hậu quả, nhất định sống chết vì tình mà nhào vào người đàn ông đã có gia đình, chứ bình thường các bà các cô không muốn đụng đến các ông đã có vợ cái con cột vì đụng tới là mang phiền phức vào thân, có khi còn bị đánh ghen đến u đầu sứt trán. Nói tóm lại, ở ngoài này các ông đã có gia đình coi như ván đã đóng thuyền, nhưng về tới trong nước thì hào quang lại toả sáng như ánh đèn điện thu hút những con thiêu thân. Dĩ nhiên khi về VN là với mục đích đi du lịch hoặc thăm gia đình hoặc làm ăn buôn bán chứ chẳng lẽ về VN để lấy “lao động làm vinh quang”! Vì thế trong suốt thời gian đi đây đi đó ở VN, các ông đổi xác, từ người thợ thành ông thày, ông chủ, thảnh thơi rong chơi, áo quần bảnh bao, tiền bạc rủng rỉnh tiêu xài thoải mái (credit card cà mòn cũng không sao, về Úc tính sau). Chiếc nhẫn cưới giấu kỹ trong túi quần, tắt máy điện thoại di động để “bên kia” khỏi gọi hỏi han lôi thôi trong lúc đang bận trà dư tửu hậu ở quán cà phê hay quán nhậu. Ổng trở thành “chiếc rốn của vũ trụ” trước ánh mắt ngưỡng phục của các cô gái chỉ có mộng ước duy nhất là được lấy chồng “Việt kiều”. Ổng cảm thấy mình quan trọng hẳn lên, tự ái được ve vuốt, ngồi đâu cũng có các người đẹp vây quanh nghe ổng kể chuyện ổng làm xếp lớn bên Úc, nhà cao cửa rộng. Không ai dám nhìn ổng bằng nửa con mắt như hồi ở bển, ngay cả “mụ vợ” cũng chưa bao giờ trao được cho ổng một cái nhìn thán phục và trìu mến như mấy người đẹp ở đây.
Chị Điệp cho rằng vì chị là cô gái trời bắt xấu nên mới bị chồng bỏ, nhưng trớ trêu thay, cô Oanh xinh đẹp hơn chị bội phần cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Thảo Hiền cho rằng xấu hay đẹp không phải là nguyên nhân bị mất chồng, vì nếu chị Điệp xấu xí như chị tự mô tả thì chồng chị đã không hỏi cưới chị về làm vợ. Chị Điệp đã từng là một người đẹp dưới mắt chồng cũ, nhưng đối với những người đàn ông chuộng cái đẹp bên ngoài thì nhìn mãi một vẻ đẹp họ sẽ chán vì họ cần sự thay đổi và mới mẻ nơi nhan sắc người phụ nữ. Thực ra nhan sắc của các cô ở VN chưa chắc đã hơn vợ nhà, tính tình chưa hẳn đã hiền thục đảm đang hơn, nhưng các cô ở VN đã đánh trúng tâm lý cái Tôi của các đấng nam nhi đại trượng phu. Tâm lý được khen tặng, được thán phục, được ngưỡng mộ, được tin tưởng vào khả năng và tài tháo vát. Tất cả những điều hay ho này không bao giờ được vợ nhắc nhở tới, mà chỉ toàn là “sai bảo”, cho ý kiến “…anh làm sai rồi, anh nên làm thế này mới đúng…v.v…”, và những trách móc mang ý nghĩa tiêu cực khiến tự ái của ổng bị va chạm nặng nề. Trong khi các cô tỏ lòng cảm kích nghĩa cử “giúp đỡ gia đình em” thì vợ nhà chỉ nhớ đến những điều thiếu sót. Khi tự ái được ve vuốt, làm sao mà các ông không khỏi sa vào vòng tay tình ái của các cô gái hơ hớ xuân tình ở VN, vừa ngoan hiền, vừa dễ bảo.
Tuy nhiên, khó trách được các cô các bà ở VN. Hoàn cảnh đất nước đã biến người phụ nữ trở thành món hàng mua bán của đàn ông. Lấy chồng “Việt kiều” cho dù là mang tiếng cướp chồng người vẫn danh giá hơn là đứng bày hàng cho đàn ông các nước khác chọn mua. Khi con người ta bị chìm dưới đáy địa ngục, trong tay không có bất cứ phương tiện nào khác thì đương nhiên sẽ phải bất chấp mọi thủ đoạn để tìm cách ngoi lên.
Chị Điệp nêu thắc mắc là không thấy ai đề cập đến những trường hợp mấy ông “già dịch” bỏ vợ già về VN lấy vợ nhí hay nói đến cái khổ của phụ nữ VN lấy chồng “Việt kiều”. Nhân câu hỏi của chị Điệp, Thảo Hiền xin mượn diễn đàn này để đề cập đến những cuộc hôn nhân của các chú rể “Việt kiều” với cô dâu VN ở trong nước. Có rất nhiều trường hợp các cô ở Việt Nam tin rằng mình đã tìm được tấm chồng xứng đáng, là những kỹ sư, những chuyên viên, những chủ nhân ông ở ngoại quốc, nhưng khi sang đến nơi mới hay rằng chồng mình chỉ là công nhân trong một hãng xưởng hay không có công việc làm. Các cô không chê chồng không có danh phận nhưng các cô cay đắng vì bị lừa. Thêm vào đó các cô không có được sự chuẩn bị tinh thần để đối phó với các tình huống bất ngờ xảy ra nếu chẳng may gặp một người chồng không tốt và không có trách nhiệm. Hoàn cảnh phải sống xa gia đình, không thông hiểu phong tục và ngôn ngữ xứ người, một thân một mình không có ai khác hơn để nương tựa ngoài người chồng, thân phận các cô đâu có hơn gì các cô dâu Đài Loan hay Hàn quốc. Phải ép mình chịu đựng ít nhất là trong vài năm đầu cho đến khi có đủ điều kiện để bước ra. Có khi cũng không bước ra được vì lý do này hay lý do khác. Các cô rời quê hương mang theo bao nhiêu là mộng đẹp khi ra đi, cũng muốn có một đời sống hạnh phúc với chồng. Khi mộng đẹp biến thành thực tế phũ phàng thì không sao tránh khỏi đau khổ. Dù sao chăng nữa, làm cô dâu VN vẫn may mắn hơn vì ở các nước Âu Mỹ, cộng đồng người Việt đã lớn mạnh và trưởng thành và những dịch vụ xã hội dành cho phụ nữ của chính quyền sở tại luôn mở rộng cửa giúp đỡ các cô khi gặp tai ương.
Trong một dịp chị em bạn gái nói chuyện với nhau về hiện tượng “Việt kiều lấy vợ”, một chị tỏ thái độ cực đoan, cho biết chị khuyên em trai, cháu trai, anh trai là đừng bao giờ về Việt Nam lấy vợ. Chị cho rằng sự khác biệt về quan niệm, tư tưởng, học vấn, trình độ giữa một người đã sống lâu năm ở ngoại quốc và một người ở trong nước là những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống lứa đôi. Chị đặt câu hỏi “Làm sao biết được mấy nàng yêu mình thật hay chỉ yêu cái mác Việt kiều" Cứ trông gương mấy ông quanh đây thì biết. Tốn bao nhiêu tiền rước nàng về dinh, một thời gian sau lại thấy ông khăn gói về Việt Nam lấy vợ lần nữa. Chẳng thà để tiền đầu tư mua nhà còn có lời hơn. Mấy bà bạn quen tôi có con trai về Việt Nam lấy vợ, ca nào cũng bể hết trơn”. Một chị khác cãi lại “Bộ mấy cô không bị gạt hay sao" Tưởng lấy được tấm chồng xứng đáng để cha mẹ nở mặt với xóm làng, ai dè qua đến nơi, chàng bắt ngồi nhà may gia công để trả nợ đám cưới, bao nhiêu tiền chàng giữ hết, không cho học lái xe, không cho học tiếng Anh, không cho giao thiệp với bất cứ ai, chưa kể có khi còn dơ cao tay đánh mạnh, như thế không bể sao được.”
Ở đây Thảo Hiền không bàn đến những liên hệ tình cảm kiểu chớp nhoáng, tiền trao cháo múc, lợi dụng lẫn nhau, nhưng nói về những cuộc hôn nhân có gả cưới tử tế thì Thảo Hiền cho rằng cha mẹ của cô dâu cũng liên đới chịu một phần trách nhiệm trong cuộc hôn nhân của con gái. Cứ cho là cô con gái trẻ người non dạ nhìn lầm người, nhưng cha mẹ các cô cũng phải nhắm xem anh chàng Việt kiều tự xưng là bác sĩ kỹ sư có phải là thứ thiệt không" Đôi khi vàng thau lẫn lộn, xem hàng thật hay hàng giả rất khó nhưng nếu đừng vội vàng mua thì may ra có thể phân biệt được. Khổ nỗi là các anh “Việt kiều” lại tiêu tiền thật để quảng cáo cho món hàng giả của các anh.
Kể từ khi phong trào về VN du lịch lan tràn khắp nơi đã có biết bao nhiêu cảnh tương tự như của chị Điệp và chị Oanh xảy ra trong mọi gia đình. Các nơi ăn chơi phù phiếm đầy dẫy trên khắp nước, người tu hành mà không vững tâm còn bị sa địa ngục huống hồ các đấng phàm phu hay những cụ cao niên gần đất xa trời. Nền tảng đạo đức làm nên một xã hội lành mạnh ở Việt Nam đã hoàn toàn suy sụp, đưa đến những thảm cảnh bất hạnh cho hầu hết mọi thành phần trong xã hội, mà khổ nhất vẫn là những trẻ thơ, những người già và phụ nữ. Những kẻ tạo ra sự suy đồi đạo lý đưa đến tình trạng chà đạp nhân phẩm phụ nữ trong nước mới là thủ phạm chính, và kế đến là những người lợi dụng hoàn cảnh thất thế của những phụ nữ bất hạnh này để mua vui.
Hiện tượng du lịch Việt Nam, cùng với nhu cầu ăn chơi đú đởn của các “Việt kiều”, các “đại gia”, giới con ông cháu cha, cán bộ tham nhũng đã khuyến khích người ta bày ra đủ món ăn chơi thời thượng. Với những cám dỗ như vậy, các đấng mày râu về VN du lịch khó có thể tránh được những cuộc phiêu lưu tình ái ngoài hôn nhân.
Ông Huân chồng chị Oanh không phải là ông thánh nên chuyện ông lập phòng nhì ở VN không phải là chuyện lạ bốn phương nữa. Ông Huân đã quyết chí sống với vợ nhỏ, đến mức độ bòn rút tiền bạc của cải chung của hai vợ chồng để lo cho tổ ấm mới, cô vợ ở VN đã có con và ông Huân đòi ly dị thì chị Oanh có đấm ngực kêu trời hay làm ầm ỹ cũng không đảo ngược được tình thế, khó mà chắp lại những mảnh gương vỡ cho lành lặn. Sự đổ vỡ hôn nhân đã xảy ra, thú thực Thảo Hiền cảm thấy rất khó khăn để có được lời góp ý nào cho vẹn toàn ngoài việc chấp nhận thực tế. Đối với một người chồng như vậy thì liệu có cách nào để chị Oanh hàn gắn và giữ được tình vợ chồng nguyên vẹn như thuở ban đầu" Có thể cô gái ở VN có thương yêu ông Huân thật lòng, nhưng cũng không thể không nghĩ rằng mục tiêu tối hậu của cô là lấy được một ông chồng “Việt kiều” để xuất ngoại, vì thế không dễ gì cô chịu buông tay để mất ông Huân. Bỏ thì thương vương thì tội, xem ra ông Huân đã lựa chọn xong.
Trong nhiều bài viết trước đây, Thảo Hiền đã đưa ra những gợi ý để các chị em bạn gái giữ chồng hay lôi kéo chồng trở về mái nhà xưa, và thành công hay không cũng tùy thuộc vào tâm ý của đức ông chồng và mỗi hoàn cảnh khác nhau. Có lẽ đối với người đàn ông có tính trăng hoa, như con bướm vởn vơ nay đậu hoa này mai vờn hoa khác rồi lại quay về bến cũ, thì cách đối phó với họ xem chừng dễ hơn là đối với người chồng đã quyết tâm bỏ duyên cũ theo duyên mới.
Thảo Hiền không có lời khuyên nào khác hơn là phòng bịnh hơn chữa bịnh. Nếu các ông đòi về VN, dù là với bất cứ lý do nào do các ông đưa ra để được về một mình, các chị nên làm theo lời của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh là nhất định “em về với anh như cây liền cánh, như chim liền cành”. Trừ phi các chị biết rất rõ chồng mình là người chỉ thích ăn cơm nhà vợ nấu và hàng quà vợ cho thì cứ an tâm để chồng thong thả rong chơi. Và Thảo Hiền thành thực tin những ông chồng chỉ thích “cơm nhà quà vợ” vẫn còn rất nhiều trên đời này.
Cũng có người đặt câu hỏi với Thảo Hiền, nếu không phải vì lý do gia đình, cha mẹ già, hay tang ma thì có nhu cầu về VN du lịch thường xuyên hay không" Thảo Hiền trộm nghĩ, có thể một số người Việt tỵ nạn có tính mau quên, nên mới có hiện tượng du lịch VN sau khi đã trải qua một chuyến hải hành 9 phần chết 1 phần sống cách đây mấy thập niên để rời bỏ nơi chốn mà ngày nay họ lại muốn quay trở về.
Thân chúc chị Điệp và chị Oanh có nhiều nghị lực và lòng tự tin để vượt qua sự đổi đời vì sông có khúc, người có lúc.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.