Hôm nay,  

Tin Nước Úc

25/10/200900:00:00(Xem: 2341)

Tin nước Úc

LÃNH TỤ CÔNG ĐOÀN: HÃY MỞ RỘNG VÒNG TAY ĐÓN NGƯỜI TẦM TỴ

CANBERRA: Theo chương trình thời sự PM trên đài truyền thanh quốc gia ABC hôm thứ Hai 19/10, tổng thư ký liên bang của công đoàn Australian Workers Union (AWU), một trong những công đoàn lớn nhất ở Úc, đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Úc nên mở rộng vòng tay đón nhận những người tầm tỵ Tích Lan đang bị đóng neo ở Tây Java, Nam Dương.
Cho đến bây giờ thì hầu như phong trào công đoàn lao động không hề chỉ trích cách đối phó của thủ tướng Kevin Rudd về 255 người tầm tỵ bị hải quân Nam Dương ngăn chận trên đường đến Úc. Thế nhưng ông Paul Howes, lãnh tụ AWU và đồng thời là phó chủ tịch tổng liên đoàn lao công ACTU đã xé rào trong vấn đề này. Ông thôi thúc chính phủ hãy chiếm lấy thế thượng phong về đạo đức và luân lý để bảo đảm rằng nước Úc sẽ không quay trở lại cuộc tranh cãi mang đầy tính chia rẽ năm 2001. Ông nói: “Cuộc tổng tuyển cử năm 2001 quả thật là một vết nhơ đen tối trong lịch sử của quốc gia chúng ta. Tôi nghĩ rằng những luận điệu đầy tính tu từ rỗng tuếch và tính kỳ thị đần độn sẽ được tung ra từ phe Liên đảng. Nhưng tôi mong muốn rằng chính phủ Lao động nên, và phải, chiếm thế thượng phong về luân lý và đạo đức (moral high ground) trong vấn để này bởi vì đây là sự công bằng xã hội. Đây là việc tuân thủ theo đúng luật pháp. Đây là việc làm theo lẽ phải trong tư cách một quốc gia đã phát triển. Và đây cũng việc làm điều phải cho xã hội của chúng ta”.
Ông Howes thôi thúc chính phủ Rudd nên học theo gương của cựu thủ tướng Malcolm Fraser của đảng Tự Do. Ông nói: “Lúc ấy có rất nhiều sự chống đối và bất mãn về việc nhận người tỵ nạn Việt Nam vào đất nước của chúng ta. Thế nhưng, bây giờ, nhiều thập niên đã trôi qua và không một ai có thể chối cãi sự thật rằng đấy là một chuyện tốt cho quốc gia của chúng ta, một chuyện tốt cho những người ấy. Những thuyền nhân Việt Nam của thập niên 1970 đã có một sự đóng góp vĩnh cửu và vô cùng quý giá cho sự phát triển của đất nước chúng ta. Tôi không nghĩ có người nào trong quốc hội liên bang có thể chối cãi điều này. Chúng ta cần phải bảo đảm rằng với những làn sóng di dân trong tương lai chúng ta sẽ không phạm phải những lỗi lầm ấy hết lần này đến lần khác”.
Chính phủ liên bang biện luận rằng qua việc không cho phép những người tầm tỵ đặt chân lên nước Úc thì họ đã gởi một thông điệp thật cứng rắn đối với bọn buôn người. Tuy nhiên, ông Howes cho rằng vấn đề căn bản cốt lõi là lập trường này cũng gởi đến cho xã hội Úc một thông điệp sai lầm. Ông nói: “Ngoại trừ những kẻ lèo lái các chiếc ghe ấy còn những cá nhân khác, những đứa trẻ ấy, những người phụ nữ ấy, những người đàn ông ấy, đã phải trốn chạy những hoàn cảnh mà đa số người dân Úc cũng không thể nào tưởng tượng nổi nữa”.
Ông cho rằng Úc không nên gởi những ngưởi tầm tỵ trở về những quốc gia không ký kết Công Ước Liên Hiệp Quốc về Người Tỵ Nạn, như Nam Dương.

Thủ Tướng Úc bị áp lực phải ngăn chận làn sóng tầm cư vào Úc

CANBERRA: Theo tin của thông tấn xã Reuters thì chính phủ Úc sẽ gửi thêm lực lượng cảnh sát đến các quốc gia Á Châu trong kế hoạch chống lại bọn buôn lậu địa người nhập cảnh Úc trái phép.
Dưới áp lực ngày càng gia tăng có thể ảnh hưởng đến mức độ ủng hộ của cử tri đối với đảng Lao Động, Thủ Tướng Kevin Rudd tuyên bố chính phủ sẽ không nhượng bộ trước những áp lực tình cảm và đe dọa tuyệt thực của 260 người Sri Lanka đòi hỏi chính phủ Úc phải cho họ nhập cảnh. Được biết trước đó, thủ tướng Rudd đã yêu cầu tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono ra lệnh cho hải quân Indonesia chận bắt chiếc tàu chở 260 người này ở vùng biển gần Java. 
Ông Rudd nói với một đài phát thanh địa phương: “Tôi sẽ không gửi thông điệp đến những kẻ buôn lậu người trong khu vực cũng như trên toàn thế giới rằng đây là một sự trao đổi buôn bán hợp pháp. Đây là một vấn đề cực kỳ tồi bại và vô đạo đức. Trách nhiệm của tôi trên cương vị của một thủ tướng là đưa ra một quyết định cứng rắn nhưng công bình”.
Theo giới phân tích chính trị, thì hiện nay chính phủ đang được sự ủng hộ của đa số cử tri, có hy vọng đạt một chiến thắng lẫy lừng cho nhiệm kỳ thứ hai trong kỳ bầu cử Liên Bang được tổ chức vào cuối năm 2010 hoặc sớm hơn, nhưng vấn đề người tầm trú có thể làm giảm mức ủng hộ mà cử tri dành cho đảng Lao Động.
Một cuộc thăm dò thực hiện hồi tuần trước cho thấy 76% người trả lời tỏ ra quan ngại về số người tầm trú đến Úc là 1650 người trong năm nay, một con số vượt quá khả năng đáp ứng của chính phủ trong các trại tạm giam.
Mỗi năm Úc nhận một phần số người tỵ nạn trong khoảng 15 triệu 200 ngàn người trên toàn thế giới theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, nhưng vần đề này đã chia dân chúng Úc ra làm hai phe, một bên ủng hộ và một bên chống lại bộ luật di trú mà họ cho là khoan nhượng.
Quan điểm đối lập của khối cử tri đối với vấn đề người tầm trú đã nói lên tinh thần bảo thủ của người dân Úc đưa đến kết quả chiến thắng bất ngờ của cựu Thủ Tướng John Howard vào năm 2001. Vào thời điểm đó ông Howard đã ra lệnh cho các toán biệt kích đột nhập vào tàu chở hàng “Tampa” của Na Uy ở ngoài khơi để ngăn không cho 433 người Afghanistan đặt chân lên bất cứ phần đất nào thuộc lãnh thổ Úc kể cả Christmas Island.
Tưởng nên nhắc lại, Ông Howard từng ngồi ghế Thủ týớng trong 5 năm liên tiếp, áp dụng một chính sách di trú gây nhiều tranh cãi và từng bị Liên Hiệp Quốc chỉ trích gắt gao, khi ông ra lệnh cầm giữ những người tầm trú trong trại tạm giam tại các đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương trong thời gian họ chờ đợi được cứu xét, có khi kéo dài đến nhiều năm.
Năm 2008 đã có 4.750 người xin tỵ nạn ở Úc, 333 ngàn người ở Âu châu làm đơn xin tỵ nạn, trong số đó có 35 ngàn người ở Pháp và 30 ngàn người ở Anh. Việc ông Rudd lên tiếng yêu cầu Tổng Thống Indonesia chận bắt tàu của người tầm trú được coi như tương tự với chính sách cứng rắn của ông Howard trước đây.
Ông James Hathaway một chuyên gia về vấn đề người tỵ nạn trên thế giới tại đại học Melbourne nói: “Thủ Tướng Kevin Rudd đã động viên người Indonesia để thực hiện một việc làm nhơ nhuốc thay vì ra lệnh cho lực lượng Úc chặn người tỵ nạn lại. Nhưng mục tiêu và hiệu quả thì giống nhau”.
Chính phủ Úc đang gấp rút đưa thêm cảnh sát đến những quốc gia Á Châu được dùng làm nơi quá cảnh, bao gồm Indonesia, để giúp chính quyền địa phương  phá vỡ các tổ chức buôn lậu người, tuy nhiên ông Rudd nói chính phủ sẽ không đặt ra những điều kiện khắt khe hơn đối với việc cấp giấy nhập cảnh như phe bảo thủ kêu gọi.

Hai đảng tranh cãi về vấn đề người tầm trú

CANBERRA: Trong thời gian gần đây những trận đấu võ mồm đã xảy ra giữa hai đảng Tự Do và Lao Động liên quan đến chính sách di trú sau khi xảy ra vụ hàng loạt những chiếc tàu chở di dân lậu tiến vào hải phận Úc. Vấn đề này đã lại được châm ngòi khi 260 người Sri Lanka bị cầm giữ ở phía Tây Java trực tiếp khẩn xin Thủ Tướng Úc cho họ được nhập cảnh vào Úc với tư cách tỵ nạn.
Bé gái Brindha 9 tuổi trong nhóm người tầm cư đã được truyền thông Úc đưa hình ảnh lên đài truyền hình với lời van xin thống thiết: “Ở nước em hàng ngày diễn ra những cảnh bắn giết, bắt cóc… họ giết những đứa trẻ như em. Chúng em không thể sống ở Sri Lanka, chúng em là những trẻ thơ, chúng em phải được đến trường học, cha mẹ chúng em đang tuyệt thực, chúng em không thể sống thiếu cha mẹ, xin hãy cứu chúng em”.
Thủ lãnh đối lập ông Malcolm Turnbull nói “Không giống như ông Rudd, tôi cảm thấy đau lòng trước lời van xin của bé gái trên tàu, bất cứ người Úc nào nhìn thấy cảnh tượng đó cũng mủi lòng nhưng chúng ta không thể giúp tất cả mọi người”.
Thủ lãnh đảng Quốc Gia là Warren Truss đưa ra nhận định, rằng chính sách di trú mềm dẻo hiện nay của chính phủ đã khuyến khích người tầm trú chấp nhận hiểm nguy và đã có ít nhất 25 người bị thiệt mạng trong năm nay khi họ đang trên đường đến Úc. Ông nói: “Ở mọi nơi trên thế giới người ta nói với nhau rằng Úc là một nơi chốn lý tưởng để định cư. Họ nghĩ là nếu họ đi đường tắt bằng cách đốt giai đoạn chờ đợi, chấp nhận rủi ro mạo hiểm trên một chiếc tàu bị rò rỉ, rồi thì cuối cùng cũng sẽ được nhập cảnh vào Úc nhưng cho đến nay chúng ta đã chứng kiến nhiều cái chết của những người đi theo con đường đó. Từ nay cho đến khi chúng ta dập tắt được hoạt động của bọn buôn người, sẽ còn có thêm nhiều người nữa bị vong mạng”.
Phó Thủ Tướng Julia Gillard mắng mỏ ông Truss, rằng lời nhận định của ông là một cáo buộc hèn hạ khi ông đổ lỗi cho chính sách di trú mềm dẻo của đảng Lao Động đã gián tiếp gây nên thảm cảnh của những người tầm trú. Bà yêu cầu thủ lãnh đối lập là ông Malcolm Turnbull buộc ông Truss phải xin lỗi. Tuy nhiên ông Turnbull nói Đảng Lao Động đang tuyệt vọng đánh lạc hướng dư luận về sự thất bại của chính sách bảo vệ biên giới Úc của chính quyền.
Phó Thủ Tướng Julia Gillard mắng mỏ ông Truss, rằng lời nhận định của ông là một cáo buộc hèn hạ khi ông đổ lỗi cho chính sách di trú mềm dẻo của đảng Lao Động đã gián tiếp gây nên thảm cảnh của những người tầm trú. Bà yêu cầu thủ lãnh đối lập là ông Malcolm Turnbull buộc ông Truss phải xin lỗi. Tuy nhiên ông Turnbull nói Đảng Lao Động đang tuyệt vọng đánh lạc hướng dư luận về sự thất bại của chính sách bảo vệ biên giới Úc của chính quyền.
Trong khi đó, Thủ lãnh đảng Xanh là Thượng Nghị sĩ Bob Brown cho rằng cả hai đảng lớn đang gieo tiếng xấu cho những người tầm trú. Ông nói “Thật là dễ dàng khi chúng ta gom đám buôn người với những người tỵ nạn thực sự vào làm một và đem tiếng xấu của người này gán vào người kia”.
Biến cố mới nhất vừa xảy ra liên quan đến những người thuộc sắc tộc Tamil ở Sri Lanka bị hải quân Indonesia chặn bắt theo lời yêu cầu của chính phủ Úc. Những người này đã từ chối rời khỏi tàu hiện đang nằm ở cảng Merak- Java và tiến hành một cuộc tuyệt thực tập thể.
Đại diện Cao Ủy Sri Lanka tại Úc là ông Senaka Walgampaya nói những người Tamil xin tỵ nạn đã đưa ra những luận điệu sai lạc về chính quyền Sri Lanka để chứng minh tư cách tỵ nạn thật sự của họ. Ông Walgampaya nói thêm là ông không tin những người này xuất phát từ Sri Lanka. Có nhiều khả năng là họ đã rời Sri Lanka nhiều năm về trước, đã sống ở phương Tây nhưng không được cấp quốc tịch.
Những người tầm trú Tamil hiện nay đã ngưng tuyệt thực nhưng vẫn chưa chịu rời thuyền . Được biết sau hai ngày tuyệt thực đòi hỏi được cho tái định cư ở một quốc gia thứ ba, những người này đã phải bỏ cuộc vì không chịu nổi sự hành hạ của cơn đói khát trong thời tiết nóng cháy da ở Indonesia.
Đại diện của những người tầm trú là Alex nói, họ sẵn sàng cung cấp những chi tiết liên quan đến tổ chức buôn người đã lấy tiền của họ nếu họ được bất cứ một đệ tam quốc gia nào cho nhập cư. Thay mặt những người tầm trú, Alex xin lỗi đã phát động cuộc tuyệt thực và cho rằng đây là một hành động sai lầm. Alex nói cuộc tuyệt thực không phải để chống đối chính quyền Indonesia nhưng là một sự thỉnh cầu gửi đến cộng đồng quốc tế nhằm tìm kiếm một giải pháp cho họ. Alex nói với phóng viên AFP rằng họ ngưng tuyệt thực nhưng sẽ không rời tàu. Họ ngưng cuộc tuyệt thực bởi vì “đã có 100 ngàn người Tamil chết trong cuộc nội chiến ở Sri Lanka và chúng tôi không muốn có thêm người chết nữa”. 
Ông Harry Purwanto, nhân viên di trú ở cảng Merak cho biết những người tầm trú sẽ được tiếp xúc với giới chức Liên Hiệp Quốc trong tuần này.

THÊM GHE CHỞ TẦM TỴ HƯỚNG VỀ ÚC

CANBERRA: Tối Chúa Nhật 18/9 vừa qua một tuần dương hạm của hải quân Úc đã ngăn đón một chiếc ghe chở 39 người tình nghi là tầm tỵ (suspected asylum seekers) trong hải phận của Úc, cách rặng đá ngầm Ashmore khoảng 24 cây số về hướng Tây Bắc.
Chiếc ghe này bị tuần dương hạm HMAS Pirie ngăn đón khoảng 7g35 tối sau khi bị một chiếc máy bay thuộc lực lượng biên phòng (Border Protection Command) phát giác.
Tổng trưởng nội vụ, ông Brendon O’Connor cho biết những người tầm tỵ cùng 3 người trong thủy thủ đoàn sẽ được chuyển sang đảo Giáng Sinh (Christmas Island) để được kiểm tra lý lịch, y tế và an ninh.
Cũng cùng lúc ấy thì một chiến hạm Úc đang liên tục theo dõi một chiếc ghe bị trục trặc giữa biển và được cho là chở người tầm tỵ trong khi Nam Dương có trách nhiệm ngăn cản chiếc ghe ấy đến lãnh hải của Úc.
Chiếc ghe này vẫn còn trong hải phận của Nam Dương và một chiếc ghe khác đang ở trong hải phận Nam Dương được cho là chở tổng cộng 270 người tầm tỵ.
Tưởng cũng nên nhắc lại chiến hạm HMAS Armidale được nhà chức trách Nam Dương yêu cầu kiểm soát tín hiệu cầu cứu của một chiếc ghe nằm khoảng 296 cây số ở phía đông bắc đảo Giáng Sinh. Và trong một hành động mà nhân viên chính phủ miêu tả là “một sự liên lạc”, chiếc ghe được thấy hoàn toàn an toàn và hành khách không cần phải được cứu trợ về y tế gì cả. Tuy vậy, chiến hạm Armidale vẫn không rời xa chiếc ghe này.
Thế nhưng, chính phủ liên bang đã cho nhà cầm quyền Jakarta biết rõ rằng chiếc ghe ấy cùng tất cả mọi người trên ghe vẫn là trách nhiệm của Nam Dương. Phó thủ tướng Julia Gillard nói: “Vai trò của chúng ta là giúp đỡ, nếu sự giúp đỡ của chúng ta được nhà đương cuộc Mã Lai hoặc Nam Dương yêu cầu, thế nhưng họ là những người nắm quyền kiểm soát mọi nỗ lực trong vấn đề này”.
Thủ tướng Kevin Rudd đã bay sang Nam Dương hôm thứ Hai 19/10 vừa qua để dự lễ ăn mừng kỷ niệm ngày đăng quang của tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono. Được biết nhân dịp này ông sẽ bàn luận về những biện pháp để ngăn ngừa người tầm tỵ đến Úc ngang qua ngả Nam Dương.
Thế nhưng, phát ngôn nhân di trú của phe đối lập liên bang, bà Sharman Stone đã tuyên bố với đài ABC rằng ông Rudd phải làm nhiều chuyện hơn là chỉ nương dựa vào Nam Dương “đỡ gánh nặng” trong việc ngăn cản ghe của người tầm tỵ. Bà cũng nói rằng nếu chính sách của chính phủ Howard được giữ lại “thì chúng ta đã không có khó khăn.. vì chúng tôi không có khó khăn gì về các chiếc ghe.. [khi] còn nắm chính quyền”
Tuy nhiên, chiếu theo những con số từ chính bộ Di trú thì cái gọi là Giải Pháp Thái Bình Dương của chính phủ liên đảng Howard và những trung tâm tạm giam người tầm tỵ thật ra không có nhiều ảnh hưởng như họ vẫn thường hô hoán. Bà Gillard cho biết “khoảng 8.500 người tầm tỵ đến Úc trong khoảng thời gian hai năm sau khi ông Howard và đảng Tự do bắt đầu áo dụng loại chiếu khán “bảo vệ tạm thời” (temporary protection visas)

W. TRUSS: CHÍNH SÁCH CỦA LAO ĐỘNG KHIẾN NGƯỜI TẦM TỴ THIỆT MẠNG

CANBERRA: Cuộc tranh cãi về biên phòng bùng nổ hôm cuối tuần qua sau khi chính sách của chính phủ Lao động bị cho là đã khiến cho 25 người tầm tỵ thiệt mạng.
Lãnh tụ đảng Quốc Gia là ông Warren Truss đã tuyên bố rằng nhiều thuyền nhân bị thiệt mạng trên đường đến Úc sau khi chính phủ liên bang Úc thay đổi chính sách biên phòng.
Thế nhưng, phó thủ tướng Julia Gillard đã phản công kịch liệt và đòi hỏi phe đối lập phải tức khắc rút lại những lời tuyên bố “hèn hạ” và “đáng phỉ nhổ” ấy.
Bà đòi hỏi lãnh tụ đối lập Malcolm Turnbull tạ lỗi và rút lại những lời tuyên bố trên. Bà nói: “Có vẻ như họ đã không học hỏi được một điều gì cả từ cái vụ email giả tạo gần đây, không một điều gì cả về việc thế nào là những tiêu chuẩn thích hợp trong phong cách hành xử của những người đại diện dân chúng. Vì thế, tôi sẽ nói thật rõ cho ông Turnbull biết, ông ta có một công tác để làm và đó là bảo đảm rằng ông Truss phải lên tiếng xin lỗi và rút lại lời tuyên bố ô nhục ấy”
Một phát ngôn nhân của ông Turnbull gạt qua một bên sự tấn công của bà Gillard và cho rằng đấy chỉ là một sự đánh lạc hướng mà thôi.  Ông nói: “Lao động đang vất vả cố muốn chuyển hướng sự chú ý của quần chúng ra khỏi sự thất bại toàn diện của chính sách biên phòng của họ”.
Tường cũng nên nhắc lại, lời tuyên bố của ông Truss được đưa ra trong một bản thông cáo báo chí kêu gọi một chính sách biên phòng cứng rắn hơn. Ông Truss tuyên bố: “Chuyện đã có ít nhất 25 người thiệt mạng trong lúc cố đến Úc kể từ khi chính phủ Lao động  liên bang đưa dấu hiệu về chính sách mở cửa của họ trong vấn đề biên phòng lẽ ra phải quá đủ để Lao động phải suy ngfhi4 lại về sách lược thất bại này của họ”.
Bản thông cáo này đánh dấu một mức độ thấp hèn kỷ lục trong cuộc tranh luận về người tầm tỵ trong vài tuần qua, và được đưa ra sau khi một dân biểu thuộc đảng Country Liberal Party (Quê Hương Tự Do) ở Northern Territoty miệt thị người tầm tỵ là “cặn bã” (scum) trong cuộc tranh cãi về chỗ ở khẩn cấp.
Trong lúc ấy thì chính phủ liên bang cũng công bố nhiều con số cho thấy cái gọi là “khủng hoảng” về người tầm tỵ ở Úc chẳng là gì so với những quốc gia khác.
Trong năm 2008, có 4750 đơn xin tầm tỵ ở Úc, so với 49.000 ở Hoa Kỳ, 36.000 ở Gia Nã Đại, 35.160 ở Pháp, 31.160 ở Ý và 16.610 ở Thụy Sĩ. Từ đầu năm 2009 cho đến bây giờ chỉ có 1.700 người được xem là di dân bất thường (irregular migrants) đã đến Úc bằng ghe mà thôi.

NAM ÚC CẤM HỌC SINH ÔM NHAU

ADELAIDE: Theo nhật báo The Advertiser ngày 20/10 vừa qua thì học sinh lớp 6 và lớp 7 tại một trường tiểu học ở Nam Úc đã bị cấm không cho trai gái ôm nhau vì e ngại rằng việc này sẽ đưa ra “một gương xấu” cho học sinh các lớp dưới.
Sau khi một số phụ huynh ở trường Largs Bay Primary School than phiền thì nhà trường đã cấm nam nữ sinh ở hai lớp lớn này ôm nhau hoặc có những cách biểu lộ tình cảm khác giữa “bạn trai và bạn gái”.
Hiệu trưởng của trường, bà Julie Gail đưa ra một thông cáo ghi nhận: “Việc ôm nhau (giữa bạn bè) không bị nghiêm cấm, thế nhưng chúng tôi can ngăn chuyện bày tỏ tình cảm trong sân trường của những học sinh lớp 6 và lớp 7 có bạn trai hoặc bạn gái ở trường. Chúng tôi muốn những học sinh lớn hơn đưa ra những tấm gương tốt hơn cho các học sinh nhỏ tuổi ở trường”.
Bộ giáo dục Nam Úc từ chối không tán thành chính sách này của nhà trường và cũng từ chối không cho biết nếu chính sách này được áp dụng tại trường học nào khác ở Nam Úc hay không.
Phụ huynh của hai gia đình không hài long với chính sách nói trên đã liên lạc với nhật báo The Advertiser và cho biết lẽ ra nhà trường chỉ nên có hành động nếu có sự biểu lộ tình cảm không thích hợp hơn là ra lệnh ngăn cấm toàn thể các học sinh 11 và 12 tuổi.


Những phụ huynh này không muốn tên tuổi họ được nêu lên vì e ngại rằng con em họ sẽ bị nhà trường trù ếm. Họ cũng cho biết thêm là nhiều học sinh đã bị trừng phạt vì ôm nhau.
Họ cho biết phó hiệu trưởng của trường và cố vấn học đường đã thông báo về lệnh cấm này trong một buổi họp của học sinh lớp 6 và lớp 7 sau khi có nhiều vụ học sinh ôm chầm lấy nhau khi tái ngộ sau kỳ nghỉ hè hai tuần.
Hội đồng quản trị của trường không hề thảo luận về lệnh cấm này trong các kỳ họp của họ. Vì thế, một gia đình có con gái học ở trường, và gia đình kia có hai con theo học tại trường, lại càng không hài long về chính sách ấy.
Họ cho biết rằng lệnh cấm này thật ra được áp dụng khắt khe hơn như nhà trường thừa nhận. Một bà mẹ cho biết: “Tôi không muốn con gái tôi theo học tại một trường mà sự biểu lộ cảm tình lại dẫn đến chuyện bị trừng phạt. Con gái tôi có rất nhiều bạn trong số nam sinh của trường và nó bị răn đe là nó sẽ bị trừng phạt nếu nó ôm mấy đứa bạn con trai này. Tôi nghĩ rằng chính chuyện ấy mới đưa ra một gương vô cùng tệ hại cho tất cả học sinh, lớn cũng như nhỏ”.
Chuyên gia về bảo vệ thiếu nhi (child protection) của viện đại học Nam Úc, bà Elspeth McInnes cho biết lợi ích hay tai hại của chính sách này tùy thuộc vào phương cách mà nó được áp dụng và kiểm soát. Bà nói: “Lý lẽ bình thường cần được sử dụng ở đây và nếu một học sinh vừa nhận được một  tin khủng khiếp và được bạn bè ôm thì người ta không nghĩ là nhà trường sẽ có phản ứng quá mạnh so với những chuyện lén lút xảy ra đàng sau lớp học”.

XE VƯỢT RÀO VĂNG LÊN NÓC NHÀ

SYDNEY: Một gia đình ở Sydney may mắn thoát chết và không bị thương tích gì khi một chiếc xe lạc tay lái văng lên cao, vượt qua hàng rào cao hai thước và rớt lên nóc nhà của họ ở Parklea, khu ngoại ô miền Tây Sydney vào sáng sớm Chúa Nhật 18/9 vừa qua.
Tai nạn dữ dội này khiến miểng văng vào nhiều ngôi nhà chung quanh, kể cả một mảnh sắt lớn từ cột đèn xanh bị văng xa 120 thước, xuyên thủng nóc một căn nhà khác.
Cảnh sát cho biết họ nghi ngờ rằng tốc độ quá cao cũng như tài xế lái xe trong lúc có nồng độ rượu cao là những nguyên nhân gây ra tai nạn này. Cảnh sát cũng cho biết thêm là họ đang điều tra xem có phải tài xế của chiếc xe này đang đua với một xe khác khi tai nạn xảy ra hay không.
Tai nạn khiến cho nhiều cảnh sát viên dày dặn kinh nghiệm phải thất kinh nàyxảy ra khoảng 2g00 sáng khi một chiếc Holden Commodore đang chạy trên đường Sunnyholt theo hướng Đông bị lạc tay lái, cán lên dải xi-măng chia đôi đường, đâm đầu vào cột đèn xanh rồi nhủi lên lề đường. Sau đó, xe cán lên một mô đất dốc thoai thoải và bay bổng lên không trung.
Chiếc xe bay cao vút qua khỏi một hàng rào bằng cây, bay xuyên qua những tàng cây rồi lật ngược trước khi rơi xuống nóc nhà của hai vợ chồng ông Peter và bà Katy Arnold trên đường Guernsey Way.
Cách nơi xe rơi vài thước thì cô con gái mới ba tháng của họ đang ngủ say.
Một hành khách trên chiếc xe chui ra khỏi xe nhưng bị kẹt trên nóc nhà trong lúc người kia vẫn kẹt cứng trong xe.
Khoảng một giờ đồng hồ sau khi tai nạn xảy ra thì các đội cứu thương và cứu hỏa mới có thể tháo gỡ được hai gã đàn ông này ra khỏi xe và nóc nhà.
Cả hai đều được mang đến bệnh viện điều trị và cả hai đều bị nhiểu thương tích nhưng không có thương tích nào trầm trọng đến độ gây nguy hiểm cho tính mạng.
Thanh tra Adrian Grech, đồn trưởng đồn cảnh sát Blacktown lắc đầu nói: “Tôi đã từng đến hiện trường của nhiều tai nạn thật trầm trọng, nhưng đây quả thật là một tai nạn khác biệt và kỳ lạ. Chắc chắn là phải có vận tốc cao lắm mới có một tai nạn xảy ra từ khoảng cách 90 thước, rồi xe bay bổng để rớt lên nóc nhà như thế này. Chúng tôi nhận được báo cáo cho biết có  một chiếc xe khác chạy sau chiếc xe này, nhưng không ai có thể nói chắc chắn được rằng hai chiếc xe ấy chạy gần nhau”.
Hai vợ chồng ông Arnold bị một phen hoảng vía, nhưng họ cũng tạ ơn trên đã giúp cho gia đình họ không hề hấn gì.

8 NGƯỜI BỊ THƯƠNG KHI FLAT NỔ TUNG

MELBOURNE: Nhân chứng của một vụ nổ tại một căn chúng cư ở Hawthorn cho biết tiếng nổ nghe chẳng khác gì một chiếc máy bay đâm đầu vào tòa nhà hoặc một vụ tấn công của bọn khủng bố. Tám người đã được đưa vào bệnh viện điều trị thương tích sau vụ nổ vào chiều tối Chúa Nhật 18/10 vừa qua.
Một phát ngôn nhân của dịch vụ xe cứu thương Victoria cho biết một người đàn ông 37 tuổi bị phỏng mặt, tay và lưng và một phụ nữ 30 tuổi cũng bị phỏng trầm trọng.
Một phụ nữ khác 22 tuổi bị cắt ở lưng và sưng đầu cùng một người đàn ông bị lỗ đầu đã được đưa vào bệnh viện Royal Melbourne để chữa trị. Bốn người khác được chữa trị tại chỗ với những vết cắt và trầy.
Vụ nổ xảy ra khoảng 5g15 chiều tại một tòa chúng cư trên đường Rathmines Road, Hawthorn, và sau khi tiếng nổ xảy ra thì lửa bốc cháy phừng phừng trong căn phòng bị nổ.
Nhân chứng cho biết một số cư dân của tòa chúng cư hoảng hốt cố cứu cái gia đình bốn người từ căn phòng bị nổ tung trong lúc nhiều người khác đổ xô chạy túa ra đường trong kinh hoàng tột độ.
Ông Luke Day, 36 tuổi, làm nghề giáo viên trung học, sống gần tòa chúng cư cho biết: “Tiếng nổ nghe như mộ chiếc máy bay rơi xuống tòa nhà ấy vậy”.
Ông cũng cho biết tiếp sau tiếng nổ thật lớn đầu tiên là một vài tiếng nổ nhỏ khác.
Người bạn đời của ông, bà Zillah smith, 32 tuổi là một y tá và bà bảo ông chụp vài cái khăn ước khi họ chạy đến chỗ xảy ra vụ nổ. Ông kể lại: “Chúng tôi nhúng khăn vào bồn tắm và trùm khăn lên mình hai người sống trong căn phòng kế bên khi chúng tôi thấy họ ở ngoài sân với nhiều vết phỏng. Người phụ nữ nằm lăn ra trên sân và la khóc thật lớn  còn người đàn ông thì đi vòng vòng trong cơn choáng váng”.
Bà smith cho biết người phụ nữ nằm dưới đất bảo rằng đấy là một vụ nổ thùng ga. Bà nói: “rõ ràng là họ ở gần bên cái vụ nổ đã xảy ra." w
Có nhiều mảnh thủy tinh vỡ vụn trên sda6n và bà smith cho biết bà nghĩ người phụ nữ này đã nhảy từ cửa sổ lầu trên để tránh nạn.
Ông Day cho biết ông thấy nhiều người khác trong tòa chúng cư nơi xảy ra vụ nổ đi lang thang với nhiều mảnh thủy tinh găm vào tay họ. Phần lớn các cửa sổ ở cùng bên của căn chúng cư bị vỡ tan vì sức ép của vụ nổ.
Một kế toán gia 26 tuổi sống trong tòa chúng cư đối diện nói: ‘Tôi cứ tưởng đấy là một vụ tấn công của bọn khủng bố bởi vì tiếng nổ to lắm”.
Theo nhật báo Te Herald Sun hôm thứ Hai 19/10 thì cảnh sát đã tìm thấy nhiều dụng cụ thiết lập hệ thống trồng cây không cần đất (hydroponic set-up) trong căn phòng bị nổ tung ấy.

DB STEWART RÚT ĐƠN KIỆN CHÍNH PHỦ SAU KHI HỌP VỚI THỦ HIẾN REES

SYDNEY: Sau khi gặp gỡ với thủ hiến Natan Rees thì dân biểu Lao động thuộc đơn vị Bankstown đã bãi bỏ vụ kiện về việc ông bị cách chức bộ trưởng trước đây. Hôm thứ Hai 19/10 vừa qua văn phòng của ông Rees đã đưa ra một thông cáo báo chí cho biết hai người đã có “một cuộc họp thân thiện” (amicable meeting) về vụ kiện tụng của ông Stewart.
Bản thông cáo ghi nhận: “Đã có sự thỏa thuận là ông Stewart sẽ bãi bỏ vụ kiện và trả các lệ phí của bên bị than phiền. Ông thủ hiến chấp nhận rằng ông Stewart có quan điểm là có một số dữ kiện không có sẵn vào thời điểm bản báo cáo của bà Ronald được viết có thể tạo ảnh hưởng đến kết luận của bản báo cáo này, nếu bà Ronald biết đến những dữ kiện đó. Ông thủ hiến không có thêm một lời bình luận nào cả”.
Tưởng cũng nên nhắc lại, ông Stewart bị bãi chức bộ trưởng tiểu thương (small business minister) sau khi một cuộc điều tra độc lập do nữ trạng sư Chris Ronalds SC điều hành đi đến kết luận rằng ông đã mắng chửi một nữ nhân viên là bà Tina Sanger trong một buổi tiệc gây quỹ vào tháng 10/08.
Ông Stewart đã liên tục khẳng định rằng ông không hề làm chuyện gì sai quấy cả và đã khởi sự kiện tụng chính phủ tiểu bang NSW và bà Ronald về việc ông bị bãi chức. Ông đã thề sẽ tiếp tục chiến đấu cho dù trong tháng 9/09 vừa qua  đã có lệnh tòa không cho phép ông truy đuổi chính phủ NSW về vụ bãi chức này.
Ba chánh án từ Tòa Kháng Án (Appeal Court) đã đi đến kết luận rằng thủ hiến Rees không hề có “trách nhiệm về công đạo tự nhiên” (duty of natural justice) hoặc “trách nhiệm về common law” đối với ông Sewart.
Bản thông cáo báo chí của ông Rees cũng cho biết thêm là ông Stewar sẽ không bị “gạt ra ngoài sự xét đoán để thăng thưởng vào chức vụ bộ trưởng dựa theo khả năng trong tương lai”.

BỊ XIẾT NHÀ VÌ KHÔNG TRẢ HỌC PHÍ

SYDNEY: Học phí và lệ phí nhà trẻ đang làm cho nhiều gia đình Úc phải vất vả cực nhọc và ngày càng trở nên nguyên nhân chính của việc gia đình mắc nợ. Theo tương trình của hai tổ chức thì hiện nay có hơn 60 trường tư thục nổi tiếng ở miền Bắc NSW và Queensland bắt đầu mướn công ty đòi nợ truy đuổi phụ huynh còn nợ học phí.
Ông Alan Harries, tổng giám đốc của Institute of Mercantile Agents (IMA), cơ quan đại diện những người truy đuổi nợ (debt collectors), cho biết thành viên của IMA thông báo cho biết họ nhận thấy có sự gia tăng đáng kể trong con số những món nợ được nhà trường gởi đến cho họ truy đuổi trong năm qua và những món nợ loại này đã trở thành “một nguồn liên tục”. Ông nói thêm: “Thành viên của chúng tôi cũng nhận thấy có một sự gia tăng các tài khoản không được thanh toán do các nhà giữ trẻ gởi đến, và sự việc này cho chúng ta thấy những thành phần nào đang bị vất vả, chật vật. Chúng ta đã thấy qua cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu rằng có vô số người đang tiêu xài nhiều hơn khả năng kinh tế của họ với những cuộc nghỉ mát hoặc xe sang trọng và bây giờ thì họ đã bị thiếu hụt vì tiền học phí của con em họ. Nhà trường miễn cưỡng lắm mới phải sử dụng dịch vụ truy đuổi nợ bởi vì họ không muốn làm xáo trộn phúc lợi của học sinh, thế nhưng nhà trường cũng cần phải được trả tiền”.
Ông Roger Mendelson, tổng giám đốc công ty Prushka Fast Debt Recovery, cho biết con số các món nợ gởi đến cho họ truy đuổi thường lên cao nhất vào tháng Tám và nhà trường thường chỉ áp dụng những biện pháp xiết nợ (debt-recovery measures) cho đến kỳ nghỉ hè.
Tuy nhiên ông tiên đoán rằng vào đầu năm tới đây sẽ có một sự gia tăng thật rõ rệt về những vụ truy đuổi nợ nần cũng như những vụ kiện tụng bởi vì những ảnh hưởng dài hạn của sự suy thoái kinh tế và những sự gia tăng lãi suất mới bắt đầu được cảm nhận. Ông nói: “Phần lớn những vụ cho thôi việc đều xảy ra trong lãnh vực các dịch vụ tài chánh, và đây là nhóm người thông thường cho con em đi học trường tư hoặc gởi con vào nhà trẻ. Nhiều trường tư thục thuở trước vốn cố gắng cầm cự chịu đựng với những món nợ học phí này bây giờ phải nghĩ đến khả năng sinh tồn của chính họ và vì thế đã phải có những kế sách mạnh bạo hơn xưa”.
Ông Mendelson cho biết một số nơ lên đến hơn $100,000 Úc Kim và trong vài trường hợp, đã dẫn đến việc nhà cửa bị xiết để trừ nợ. Ông nói: “Có một số người vốn không đủ khả năng để gởi con em họ vào trường tư nhưng họ cứ cho rằng đấy là quyền tự nhiên của họ. Nhưng họ đã không tính toán kỹ càng để thấy một điều rất đơn giản là họ không đủ sức để làm chuyện ấy”.
Bà Anna Robinson, cư dân Balgowlah Heights,  có ba đứa con nhỏ và biết quá rõ về những chi phí trong việc giáo dục con cái. Bà vừa ghi danh cho con trai lớn của bà là Connor, 9 tuổi, để em bắt đầu theo học từ năm tới với trường tư thục Sydney Church of England Grammar School (Shore).
Hai đứa con còn lại của bà, Hunter, 5 tuổi, và Milla, 4 tuổi cũng sẽ theo học tại trường Shore và trường nữ tư thục Wenona ở North Sydney một khi chúng lên lớp 5.
Bà cho biết để có thể gói ghém được tài chánh, gia đình bà sẽ phải cắt bớt những chuyến du lịch ngoại quốc cũng như giảm thiểu những sự chi tiêu tùy tiện, không cần thiết khác.  Bà nói: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ làm được chuyện ấy. Nếu có chật vật quá thì tôi có lẽ sẽ đi làm thêm một chút nữa. Mình bắt buộc phải đầu tư thêm thời gian và tiền bạc
Tiến sĩ Geoff Newcombe, giáp đốc Hiệp Hội Tư Thục Độc Lập NSW (Association of Independent Schools of NSW) cho biết ông không biết có sự gia tăng về con số người mang nợ vì học phí, nhưng ông không phủ nhận chuyện ấy có thể xảy ra. Ông nói: “Các trường tư thục độc lập thường giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn tài chánh và chuyện này xảy ra bất cứ lúc nào cho dù có cuộc suy thoái tài chánh toàn cầu hay không. Nhà trường thường suy xét về từng trường hợp cá nhân rồi cùng đi đến một sự thỏa thuận song phương về việc trả học phí. Đây là một phần vụ bình thường trong hoạt động của nhà trường và họ thường xuyên làm như thế”.

ĐẢNG TỰ DO  MUỐN LÀM “BẠN” VỚI GIỚI TRẺ

SYDNEY: Đảng Tự Do NSW sẽ bắt đầu một chiến dịch nhằm thu hút những người trẻ tuổi vốn có thể cảm thông với chính sách của họ nhưng lại không muốn trở thành đảng viên. Người ta có thể trở thành “bạn” của đảng Tự Do NSW với lệ phí thường niên là $15 Úc Kim.  Ông Mark Neeham, giám đốc tiểu bang (state director) đảng Tự Do nói: “Tôi hiểu rằng 50 năm về trước người ta gia nhập các đảng phái chính trị nhưng cuộc đời của người ta bây giờ đã khác hẳn rồi. Họ không có thời giờ và họ không muốn phải ngồi họp hoặc có một vai trò chính thức”.
Đảng viên Tự Do sẽ được khuyên khích dò tìm, nhận diện những người có thể được tuyển mộ làm “bạn”. Họ sẽ được trao cho truyển đơn và tập sách quảng cáo để phân phối cho bạn bè và người thân trong gia đình mà họ nghĩ là ủng hộ chính sách của đảng Tự Do nhưng không muốn trở thành đảng viên.
Những người “bạn” tài chánh này sẽ thường xuyên nhận được điện thư và thư hàng tháng về các hoạt động của đảng. Họ cũng có thể tình nguyện làm những việc như gõ cửa vận động bầu cử hoặc phân phát truyền đơn tại địa điểm đầu phiếu. Tuy nhiên, họ sẽ không có quyền đầu phiếu trong những vấn đề của đảng, chẳng hạn như tuyển ứng viên. Họ cũng không được quyền tham dự các cuộc họp chi bộ đảng.
Đảng Tự do đã thực hiện một đoạn phim rồi gởi lên trang mạng chuyên tải những đoạn phim ngắn  YouTube để quảng cáo cho chiến dịch này có cảnh ông Malcolm Turnbull, lãnh tụ đối lập liên bang kêu gọi mọi người “hãy trở thành một thành viên của gia đình chúng tôi” và hứa hẹn với người xem rằng họ sẽ  không phải “tham dự những buổi họp lâu dài”.
Chiến dịch này một phần nhắm vào các cử tri trẻ tuổi nhưng ông Neeham hy vọng rằng những người khác cũng sẽ thích loại “cảm tình viên” mới này.
Đây là lần đầu tiên mà một đảng chính trị ở Úc đặt ra phân loại “cảm tình viên” (supporter category).
Sách lược này đã được các tổ chức thiện nguyện vô vụ lợi sử dụng trước đó hầu xác định những người có sự cảm thông với mục tiêu của họ và sau này có thể được dẫn dụ trở thành hội viên trong tương lai.
Các chi bộ đảng Tự do ở các tiểu bang đang theo dõi kỹ càng chiến dịch này để xem nó thành công đến cỡ nào.

THÚC ĐẨY THAY ĐỔI CÁCH THI VÀO ĐẠI HỌC Ở VICTORIA

MELBOURNE: Theo  tuần báo The Sunday Age ngày 17/10 vừa qua thì có một đề nghị vô cùng táo bạo rằng những cuộc thi thử nghiệm óc thông minh cho học sinh lớp 12 trên toàn tiểu bang có thể thay thế cuộc thi VCE hiện nay để khiến cho việc tuyển chọn sinh viên vào đại học được trở nên công bằng hơn.
Một mô thức mới mà qua đó, các cuộc thi về năng khiếu được tổ chức song song với hệ tống thi cử hiện nay, sẽ được trình bày cho chính phủ tiểu bang Victoria trong thời gian tới.
Những cuộc thi này, vốn không thể nào được học hoặc luyện thi trước được, sẽ cho những học sinh có đủ khả năng thông minh đòi hỏi cho một khóa học, nhưng không có kiến thức, một cơ hội được tuyển chọn. Ông Richard James, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Giáo Dục Cao Cấp (Centre for the Study of Higher Education) của đại học Melbourne, nói: “Tất cả chỉ nhằm vào việc tạo nhiều phương hướng cho các chuẩn sinh viên chứng tỏ khả năng của họ”.
Trung Tâm Nghiên Cứu Giáo Dục Cao Cấp vốn là tổ chức đã hoạch địch ra mô thức tuyển sinh mới này trong cuộc tái duyệt hệ thống tuyển chọn sinh viên đại học ở Victoria
Đa số sinh viên hiện nay được chọn vào đại học tùy thuộc vào thứ hạng ENTER của họ. ENTER được tính bằng điểm của họ khi thi bằng tú tài Victoria (Victorian Certificate of Education- VCE). Điểm thi tú tài sẽ được tính hơn phân nửa tổng số điểm của một thí sinh.
Rất nhiều chuyên gia giáo dục muốn cắt giảm ưu thế của ENTER bằng cách đưa ra một hệ thống linh động hơn vốn sẽ tạo nhiều hy vọng hơn cho những thí sinh vốn có thể không đạt kết quả tốt trong các kỳ thi, đặc biệt là những người nghèo khó hoặc bị thiệt thòi.
Giới lãnh đạo trong kỹ nghệ giáo dục sẽ họp với bộ trưởng giáo dục tiểu bang Bronwyn Pike và bộ trưởng Kỹ Năng Jacinta Allan để thảo luận về những đường hướng khác có thể dẫn đến đại học.
Hội Đồng Ngiên Cứu Giáo Dục Úc (Australian Council for Educational Research- ACER) biện luận rằng các cuộc thi năng khiếu , vốn là một bộ phận trong tiến trình tuyển lựa sinh viên ở Hoa Kỳ, là một trong những phương pháp tốt nhất để bao gồm các học sinh bị thiệt thòi. Ông Hamish Coates, một nhà nghiên cứu, nói: “Nếu mà họ học ở một trường không có phòng thí nghiệm hóa học- thì chúng tôi vẫn có thể chứng minh được, bằng một phương pháp độc lập với phạm vi ấy, khả năng của họ trong việc học môn học ấy”.
Tưởng cũng nên nhắc lại, các trường đại học phải đưa ra nỗ lực hầu đáp ứng với mục tiêu khá cao của chính phủ Lao động liên bang là nâng cao tỷ lệ thí sinh từ các tầng lớp bị thiệt thòi lên đến 20% tổng số sinh viên ghi danh theo học đại học trong năm 2020. Trên toàn nước Úc hiện nay thì 16% sinh viên thuộc các tầng lớp có lợi tức thấp (low socio-economic backgrounds).
Tuy vậy, ở đại học Melbourne thì tỷ lệ sinh viên bị thiệt thòi (disadvantaged students) chỉ có 8% mà thôi và ở Monash cùng RMIT thì tỷ lệ này là 12%. Chỉ có 2 đại học vượt quá mục tiêu 20% hiện nay là đại học Victoria và đại học Ballarat.
Hơn 30 năm về trước, chính phủ Lao động Whitlam đã mở rộng cửa đại học bằng cách bãi bỏ lệ phí đại học. Thế nhưng những nỗ lực nhằm cho nhiều người có cơ hội có được bằng cấp đại học đã thất bại thảm não, đặc biệt là trong hơn một thập niên qua dưới thời chính phủ Tự do của John Howard, vì phần lớn chỉ có học sinh nhà giầu hoặc học sinh trường tư vào đại học mà thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.