Hôm nay,  

Binh Chủng Thiện Chiến Nhất Của Quân Lực VNCH: Nhảy Dù

18/06/200700:00:00(Xem: 14339)

Huy hiệu Quân lực VNCH, và huy hiệu binh chủng Dù.

  “Nhảy Dù” là một trong những binh chủng  thiện chiến nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Huy hiệu của Nhảy Dù là con ó và cánh dù trên nền đỏ. Con ó là  biểu tượng của sức mạnh;  màu mũ  đỏ là  màu máu, là tình thần anh dũng, là ý chí sắt đá, sẳn sàng hy sinh xương  máu để bảo vệ Tổ Quốc  quê hương. Hình ảnh những lính chiến Nhảy Dù từ trời cao rơi  xuống  là biểu tượng của những “Thiên Thần Mũ Đỏ”, đáp cánh cánh xuống trần  gian để bảo vệ cho người dân được sống an lành.

Được biết, Sư Đoàn Nhảy Dù là lực lượng tổng trừ bị của Quân Lực VNCH. Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù được đặt ở Trại Hoàng Hoa Thám, ngã tư Bảy Hiền, thuộc tỉnh Gia Định. Trong trại có một Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù. Ngoài Trại Hoàng Hoa Thám, các đơn vị Dù nằm rải rác ở Biên Hòa và Vũng Tàu…

Về lịch sử,  theo tài liệu,  Sư Đoàn Dù được thành lập từ 29 Tháng 9, 1954 khi Quân Đội Pháp chính thức bàn giao cho VN tại Nha Trang, trong chương trình trao trả độc lập cho VN. Lúc đó Lữ Đoàn Dù có bốn Tiểu Đoàn 1,3,5 và 6 với quân số khoản 4000, gồm Bộ Chỉ Huy, Đại Đội Chỉ Huy Liên đoàn, các Tiểu Đoàn 1,3,5,6 và tiểu đoàn trợ chiến.

Mỗi tiểu đoàn Dù có Bộ Chỉ Huy, Đại Đội trợ chiến và ba đại đội tác chiến với quân số trên một ngàn người.

Ngày 1 Tháng 9, 1956 Trung Tá Nguyễn Chánh Thi thay thế Đại Tá Đỗ Cao Trí trong chức vụ Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Nhảy Dù. Ngày 26 Tháng 9, 1959 Liên Đoàn Dù đựơc cải danh thành Lữ Đoàn Dù.

12 Tháng 11, 1960 Trung Tá Cao Văn Viên được đề cử giữ chức Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù và  ông được thăng cấp Đại Tá thay thế Đại Tá Nguyễn Chánh Thi (Đão chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm  thất bại).

1 Tháng 12, 1967 Lữ Đoàn Dù được phát triển thành Sư Đoàn Dù do Thiếu Tướng Dư Quốc Đống  làm Tư Lệnh. Đến 11 Tháng 11, 1972 sau “Mùa hè Đỏ Lửa” Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng chính thức nhận chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn Dù  thay thế Trung Tướng Dư Quốc Đống.

Trung Tâm Huấn Luyện Nhảy Dù trong Trại Hoàng Hoa Thám  có nhiệm vụ huấn luyện nhảy  dù cho quân nhân  thuộc binh chủng Dù và  cho nhiều đơn  vị bạn như Lực Luợng Đặc Biệt, Đơn vị  Người Nhái Hải Quân, Biệt Kích Dù…

Sau khi thụ huấn ở Trung Tâm Huấn luyện Dù, các chiến sĩ Dù thường xuyên thao dượt ở các bãi nhảy như Củ Chi ở Hốc Môn, Ấp Đồn cạnh Trung Tâm Huấn lluyện Quang Trung, Phước Hữu ở Bà Rịa…

Tinh thần chiến đấu anh dũng, quyết một lòng hy sinh bảo vệ đất nước quê hương của các chiến sĩ Mũ Đỏ được người dân Miền Nam biết đến qua nhiều chiến trường đẩm máu như Ấp Bắc, Kinh Bằng Lăng, Chiến khu “D”, Bến Cát, Bình Giả, Đồng Xoài, Phuớc Long, Dakto, Khe Sanh, Pleime, Bình Long, An Lộc…

Tết Mậu Thân 1968, Sư  Đoàn Dù đã tạo được một chiến thắng vô cùng ngoạn mục ở Vùng I Chiến Thuật,  chiếm lại Thành Nội Huế. Trong cuộc Tổng Công Kích Tết Mậu  Thân  VC chiếm đóng khá lâu các cổng Thành Nội. Đại Đội Hắc Báo bị bao vây trong Đại Nội.

Ngày 2 Tháng 2, TĐ2ND và TĐ7ND giải tỏa cửa Bắc Thành Nội Huế.

3/2  sau khi giải tỏa Quảng Trị TĐ9ND đã giải cứu Đại Đội Hắc Báo.

4/2 sau hai ngày  giao tranh ác liệt,  lực lượng Nhảy Dù đã chiếm lại cửa thành Phía Tây và giao lại cho SĐ1BB để tiếp tục giải tỏa Đông Ba.

 7/ 2 VC tấn công và giật sập cầu Tràng Tiền.  Trận chiến kéo dài cả tuần TĐ9ND tiếp tục giải tỏa cửa Phía Nam Thành Nội.

Sau khi đánh tan hai trung đoàn của CS Bắc Việt, tái chiếm Huế vẻ vang, Lực lượng Nhảy Dù cũng bị thiệt hại nặng.

Người dân Miền Nam không quên chiến công oanh liệt của Sư Đoàn Dù trong trận Hạ Lào. Dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Trần Quốc Lịch,  Lực lượng  Nhảy Dù đã quần thảo với  một sư đoàn chính quy của CS Bắc Việt, Sư Đoàn 986. Chỉ trong vòng 13 ngày Nhảy Dù đã loại Sư Đoàn Bắc Việt ra khỏi trận chiến.

Chiến trường “Charlie” cũng là một chiến trường sôi động,  được nổi tiếng qua  nhạc phẩm “Người Ở Lại Charlie” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Cứ điểm Charlie nằm trong vùng rừng núi Kontum. Tháng 4/1972, Sư Đoàn 320 CS Bắc Việt bao vây Charlie với những trận mưa pháo không dứt.

Ngày 12 Tháng 4, 1972 hoả tiễn 122 rơi vào hầm Chỉ Huy Trưởng,  Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, Tiểu đoàn trưởng bị tử trận . Sau bảy ngày giao chiến TĐ1ND được lệnh rời căn cứ. Sau đó cả vùng bị B52 dội bom,  trở thành  biển lửa.Chiến thắng oai hùng của Nhảy Dù, tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị được ghi  lại trong bài hát “Cờ Bay”:

“Cờ bay! Cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu

Vừa chiếm lại đêm qua bằng máu!”.

Ngày 28 Tháng 6, 1972 theo lệnh tổng phản công  của Quân Lực VNCH hai Sư Đoàn Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến tiến quân phía Bắc sông Mỹ Chánh, trong khi SĐ1BB rẻ hướng Tây tiến vào Quảng Trị. Đến 25 Tháng 7 Tiểu Đoàn 5 ND đã vẻ vang cắm cờ Quốc Gia trên Cổ Thành Quảng Trị.

Mặc dầu đã xa quê hương hơn ba mươi năm, những chiến sĩ Mũ Đỏ vùng Hoa Thịnh Đốn vẫn giữ tinh thần “Nhảy Dù Cố Gắng” với niềm kiểu hãnh binh chủng và  truyền thống anh hùng ngày xưa“ Ở đâu có giặc, ở đó có Nhảy Dù để bảo vệ đồng bào và giữ gìn từng tất đất của quê cha”.

Hiện nay Gia Đình Mũ Đỏ vùng Hoa Thịnh Đốn do Ông Nguyễn Văn Mùi làm hội trưởng. Ngưng cầm  súng không có nghĩa là ngưng chiến đấu cho đất nước quê hương . Tinh thần anh dũng, quyết một lòng hy sinh bảo vệ  Tổ quốc VN thân yêu vẫn sống trong tâm tư  người lính Mũ Đỏ. Nhiều  cá nhân  Nhảy Dù  vẫn  hăng hái tham gia các sinh  hoạt chính trị trong cộng đồng để  tranh đấu  tự do,  dân chủ, và nhân quyền cho đồng bào ở quê nhà và tích cực trợ giúp anh em thương phế binh ở quê nhà.

“Các anh từ trời cao xuống trên đồng lúa

Bên hàng cây nặng trĩu trái thơmlành

Hương bát ngát hoa mùa xuân chớm nở

Cạnh sân trường và mái tóc em xanh

*

Những cụ già dõi bóng dù mê mải

Những em thơ ánh mắt long lanh

Chung nụ cười hoan lạc đón mừng anh

Trên nếp áo còn động mây hồ hải

*

Xóm làng em bắt đầu xây dựng lại

Hởi người anh ngày cũ đã xa rồi

Những cánh dù muôn nẽo đường sông núi

Xin gữi về anh niềm thương nhớ đầy vơi.

“Mũ Đỏ Trời Xanh” (Hoàng Ngọc Liên) 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.