Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Tù Nhân Kiện Chính Phủ

17/05/200900:00:00(Xem: 2675)

Thời sự nước Úc: Tù nhân kiện chính phủ - Hoàng Đ.Thư

Cách đây khoảng hai tuần có một bản tin mà tầm quan trọng của nó có lẽ ít người để ý đến. Đó là tin Bassam Hamzy - một tên tù trọng cấm bị biệt giam tại nhà tù kiên cố dành cho tù nhân mang trọng án và được xem là nguy hiểm, như Ivan Milat, anh em nhà Skaf, ông Ngô Cảnh Phương.v.v. - đã được tòa Thượng Thẩm cho phép tiến hành kiện tổng giám đốc dịch vụ cải huấn (Corrective Services Commissioner) về điều được hắn cáo buộc là "đã giam cầm hắn một cách bất hợp pháp". Theo bài báo của ký giả Hariet Alexander của nhật báo The Sydney Morning Herald ngày 24/4/2009 thì Bassam Hamzy đã khoái trá hét toáng lên “Tớ mới đ.. thằng tổng giám đốc! Tớ mới đ.. thằng tổng giám đốc!” qua cánh cửa phòng biệt giam của hắn khi biết tin này.
Bassam Hamzy là một kẻ hiện đang thọ án 21 năm tù ở vì tội đã bắn chết một thanh niên 18 tuổi phía trước một hộp đêm ở Darlinghurst năm 1998. Sau khi bị giải giao từ Li-Băng, bị xét xử và kết tội vào năm 2001 thì y bị đưa vào nhà tù dành cho trọng phạm (Supermax) ở Goulburn. Tại đây, vào năm 2007, y bị giới hữu trách cáo buộc là đầu đảng của một tổ chức với danh xưng “Supermax Jihadists” - một nhóm tù nhân theo đạo Hồi ở Supermax - có âm mưu bạo loạn để vượt ngục. Vì thế, y bị tổng giám đốc dịch vụ cải huấn Ron Woodham ra lệnh chuyển về Lithgow và đưa hắn vào biệt giam vĩnh viễn (segregration indefinitely) trong suốt thời gian thọ án. Sau đó, hắn bị chuyển về khu biệt giam ở Goulburn Supermax. Gần đây hơn, vào tháng 12/2008, y bị truy tố với tội đầu não của một tổ chức buôn bán nha phiến nguy hiểm mặc dù y bị nhốt trong tù.
Vào khoảng cuối tháng 11/2007, Hamzy khởi đơn kiện ông Ron Woodham với lý luận rằng, chiếu theo luật pháp thì hắn không thể nào bị biệt giam vĩnh viễn được bởi vì biệt giam là một hình phạt kỷ luật ngắn hạn mà thôi. Hắn cũng lý luận rằng ông TGĐ Woodham đã không tuân thủ đúng theo quy tắc là phải ra lệnh biệt giam bằng công văn và phải ghi rõ những lý do khiến ông đưa ra lệnh ấy. Vì thế, lệnh của ông không có hiệu lực.
Luật sư của chính phủ tiến hành thủ tục yêu cầu tòa không xét xử vụ việc này với lý do, vụ kiện chỉ là một sự quậy rối (nuisance) mà thôi. Nhưng đến 24/4/2009 vừa qua, chánh án Michael Adams thuộc tòa Thượng Thẩm NSW đã bác bỏ lối biện luận của luật sư đại diện cho ông Ron Woodham cùng chính phủ NSW và cho phép y và một tù nhân khác tiếp tục tiến hành vụ kiện tiểu bang NSW đã giam cầm trái phép (false imprisonment), đồng thời đòi bồi thường thiệt hại cho thời gian y bị biệt giam.
Chánh án Adams tuyên phán: “Vụ kiện này là bằng chứng chứng tỏ những gì đã được luật pháp đặt ra thì phải được tuân thủ; trong trường hợp giới hữu trách không tuân thủ những nghĩa vụ mà nó áp đặt, thì họ phải trả lời trước tòa. Vụ kiện này hoàn toàn không dính líu đến tư cách, hay sự thiếu tư cách, của người tù. Luật pháp hoàn toàn không hề phân biệt, suy tính đến vấn đề ấy. Luật pháp sẽ được thi hành, không phải vì luật pháp nợ nần gì với người tù nhân, nhưng vì luật pháp mắc nợ chính nó và cái xã hội mà nó phục vụ”.
Ông cũng tuyên bố rằng việc cô lập một người không cho người đó tiếp xúc với những người khác, là “một bước khắc nghiệt và có thể nguy hiểm” và chính việc giam cầm cô lập này, tự nó cũng là một bằng chứng rõ rệt cho điều này. Ông nói: “Chuyện này phải được thi hành với một sự thận trọng đáng kể và chỉ khi nào thực sự cần thiết mà thôi”.
Vụ kiện này sẽ có tầm ảnh hưởng rất quan trọng đến toàn bộ những tù nhân đang bị biệt giam dài hạn ở Supermax trong trường hợp tương tự như Hamzy, khi TGĐ Woodham ra lệnh biệt giam họ mà không tuân thủ theo những luật lệ về Crimes Adminsitration, nếu Hamzy thắng kiện.
Có lẽ vì lo ngại đến hậu quả khôn lường nếu thua kiện nên chính phủ Lao động NSW, xuyên qua ông Ron Woodham, đã cho làm một việc mà từ trước đến nay chưa hề xảy ra: cho phép một ký giả của nhật báo Daily Telegraph được phép vào Supermax, đóng vai một tù trọng phạm và trải qua tất cả những thủ tục mà một người tù phải trải qua, đồng thời cho chụp hình phía trong nhà tù để đi kèm theo bài ký sự của ông. Chuyện này khiến nhiều người hằng quan tâm đến vấn đề công lý phải lắc đầu ngao ngán cho rằng chính phủ Lao động NSW lại đang chuẩn bị  để làm những việc mà họ rất giỏi làm là “spin” (vẽ vời để khỏa lấp lỗi lầm thiếu sót) thay vì chuẩn bị để nhận lỗi và sửa đổi, nếu thua kiện.
Sau đây, xin mời qúy độc giả theo dõi bài ký sự của Rhett Watson, được đăng tải trên Daily Telegraph hôm Thứ Bảy 09/05/09 vừa qua, tựa đề “Inside the walls of SuperMax prison, Goulburn” - Đằng Sau Bức Tường Của Nhà Giam Super Max ở Goulburn”.

*

Tôi tìm khắp cả mọi góc kẹt của phòng giam số 9 nhưng tôi không tìm được gì cả. Nếu (gã sát nhân liên hoàn) Ivan Milat đã từng ở trong phòng này trước tôi thì y đã không để lại dấu tích nào. Không có một tí gì để nhắc nhớ rằng gã sát nhân liên hoàn tệ hại nhất của đất nước này đã từng nằm ở đây, trong phòng giam này.
Thế nhưng những bức tường xám ngoẹt của căn phòng biệt giam rộng 3 thước, dài 6 thước trong cái nhà tù cứng rắn nhất và an ninh nhất nước Úc là SuperMax trong nhà giam Goulburn, vẫn không có một dấu vết nào của những kẻ đã từng ở trong phòng này trước đó.
Tôi được cấp cho một cơ hội hiếm hoi để viếng thăm cái nhà tù kiên cố này ngày hôm qua để có thể đích thân, tận mắt chứng kiến được cách sống đàng sau song sắt của những tên sát nhân tệ hại nhất.
Đây là một chuyến du ngoạn với một khúc ngoặc khác thường. Tổng Giám đốc Ron Woodham muốn một ký giả chẳng những chỉ thấy thôi mà còn cảm nhận luôn được sự kiểm soát cần thiết để bảo đảm rằng những tên tội phạm tệ hại nhất trong số những tên tội phạm tệ hại của chúng ta sẽ bị giữ chặt đàng sau các chấn song.
Và đấy là lý do mà tôi phải mặc bộ đồng phục màu xanh lục của tù nhân trong phòng giam số 9, khung 7, chung với tên sát nhân và đồng thời là kẻ bị cáo buộc là đầu não của một tổ chức buôn bán nha phiến là Bassam Hamzy ở cách tôi ba phòng. Y hiện đang kiện ông Woodham vì đã nhốt y vào khu biệt giam.
Milat chỉ ở cách tôi có 100 thước, ở khung 8, và có lẽ đang cố làm bánh mì từ gói bột nổi trong gói hàng có kèm bánh kẹp vị súc cù là mà y vừa được phép mua.


Phía ngoài những phòng giam, ở một khu an toàn khác thì một tù nhân đang ngồi bệt xuống đất trong một cái cũi sắt, thì thầm to nhỏ vào một cái điện thoại.
Từ phía ngoài trông SuperMax giống như một cái đồn kiên cố, khó có thể trèo vào với các hàng rào điện, thế nhưng, ở trong thì nó giống như một cái dưỡng đường yên ắng, sạch sẽ, vắng lặng. Một lý do cho sự trống trải, vắng lặng này là để bảo đảm rằng các nhân viên cai tù có thể nhìn được tất cả mọi việc và không có một thứ gì bị xáo trộn ra khỏi vị trí của nó cả. Như những viên cai tù thường xuyên lập đi lập lại nhiều lần: “Ở đây không có thứ gì nhúc nhích được, trừ khi chúng tôi cho phép mà thôi”.
Trước đấy tôi đã có nghe loáng thoáng tiếng các tù nhân theo đạo Hồi ê a tụng kinh và một vài người quỳ lạy hướng về thánh địa Mecca. Tiếng động vang vọng ồn ào qua nhiều phần của cả khu này khi các tù nhân lớn tiếng nói vọng với nhau.
32 tù nhân hiện đang bị giam ở đây ít khi nào được cho ra khỏi phòng giam của họ. Một vài người có được một khoảng trống được xem như căn phòng tập thể, nơi mà họ được cho phép ngồi trong một thời gian ngắn với một người tù khác do chính ông Tổng Giám đốc chọn lựa và quyết định.
Thời gian mà họ được phép ngồi đọc sách báo hoặc trò chuyện với nhau có thể thay đổi từ vỏn vẹn 1 giờ cho đến cả ngày, tùy thuộc vào hạnh kiểm của họ.
Tất cả những tù nhân này đều có một cái được miêu tả là chuồng cọp: một chiếc lồng sắt nhỏ nối liền vào phòng giam của họ để họ thỉnh thoảng được phép vô đó hít thở tí khí trời trong mát. Nếu không thì họ sẽ được phép ra ngoài sân tập thể dục (training yard) hai giờ mỗi ngày, buổi sáng hoặc buổi chiều, và cũng chỉ với một tù nhân khác mà thôi.
Ở trong phòng giam tôi nhanh chóng thấu hiểu được thành ngữ “stir crazy” - phát điên - là gì. Những căn phòng giam đều trơ trọi, chỉ có bê tông và thép là thứ trang hoàng duy nhất. Cái giường, thật ra là một cái nệm bằng nhựa foam dầy 7cm, nằm lên trên một cái bục bằng xi-măng. Vỏn vẹn có hai ngăn kệ cũng bằng xi măng, một cái để kê máy truyền hình. Bồn cầu và bồn rửa mặt là một khối thép dính liền vào nhau với cái vòi sen ở phía trên chúng, trên tường.
Bằng phương pháp củ cà rốt và cây gậy (dỗ ngọt và trừng trị) một vài tù nhân, nếu có hạnh kiểm tốt, sẽ được quyền có máy truyền hình, có ấm nấu nước bằng điện và thậm chí một cái máy microwave nữa. Tất cả những thứ này vẫn có thể bị thu hồi, dẹp bỏ ngay trong khoảnh khắc.
Ivan Milat có một cái máy truyền hình và một máy làm sandwich trong phòng của hắn.
Tôi khám phá được rằng Bassam có được một máy truyền thanh, một ấm nước và một máy truyền hình. Y thích bách mì nâu và thích có thêm trái cây trong những bữa ăn của hắn. Ba bữa ăn bao gồm ngũ cốc (cereal) buổi sáng, bánh mì sanwich buổi trưa và thịt, rau cải cho bữa ăn tối. Tù nhân có thể mua thêm đồ ăn với mức tối đa là $60 Úc Kim mỗi tuần, nhưng chỉ được quyền này nếu có hạnh kiểm tốt mà thôi.
Chuyện Bassam phá kỷ luật - y bị cáo buộc là đã cố gắng điều khiển một tổ chức buôn bán nha phiến từ ngay trong tù - đã khiến y không được phép có tiền mua đồ nữa và chỉ được phép nói chuyện bằng tiếng Anh mà thôi. Thêm vào đó, y còn bị thay đổi phòng giam bốn ngày một lần.
Tất cả tù nhân đều bị đổi phòng theo một chu kỳ, thông thường là 28 ngày một lần, và mỗi lần như thế thì tất cả đồ đạc của họ đều phải bị rọi quang tuyến X để bảo đảm họ không thể giấu diếm bất kỳ một thứ gì cả.
Tôi chỉ mới vừa vào phòng của mình chưa đầy hai phút thì hai viên cai tù bước vào phòng để giả đò làm một vụ chuyển tù ra tòa hoặc đi đến dưỡng đường, một chuyến đi mà Ivan Milat từng trải qua trong tháng 1/09 sau khi hắn tự cắt đứt ngón tay của hắn.
Máy dò kim loại được rà khắp thân thể tôi rồi sau đó thì người ta nạt nộ, ra lệnh cho tôi mặc bộ đồ quần áo dính liền như đồ bay của phi công, màu cam rực rỡ. Đây là một biện pháp để bảo đảm rằng nếu tôi có trốn tù thì tôi sẽ nổi bật trong đám đông, dễ cho người ta nhận diện.
Đến lúc ấy thì vẫn còn khá lý thú. Cho đến khi tôi bị ra lệnh phải quỳ lên giường để người ta có thể khóa cùm sắt vào chân tôi.
Chuyện phải ngồi một xó trong phòng giam là một chuyện, còn chuyện phải tra chân vào cùm sắt, đút tay vào còng, rồi cả cùm lẫn còng bị xích vào một cái dây nịt da quanh hông mình thì đấy là một vấn đề hoàn toàn khác hẳn.
Với bốn người cai tù bao quanh tôi - tỷ lệ cai tù và tù lúc nào cũng là 4/1 để dễ dàng kiểm soát khống chế tù nhân - và một người điều khiển hướng đi của tôi, tôi chậm chạp lê chân ra khỏi phòng giam bước đến khu chờ đợi, đi ngang qua căn phòng của ông bạn Bassam và xuyên qua một lô cửa thép khổng lồ, cái này chỉ mở ra sau khi cái kia được đóng kín, và bước đến gần một chiếc xe van đang đợi sẵn.
Tôi run giọng hỏi những người cai tù rằng họ có bao giờ bị tù nhân cố vùng chạy, vượt thoát hay chưa. Câu hỏi này được trả lời bằng những tiếng cười khanh khách và câu nói “anh cứ thử nhúc nhích với cặp còng ấy coi. Đây là cách mà chúng tôi khống chế anh”.
Khống chế là một từ thường được sử dụng ở SuperMax và cũng là một từ mà ông Woodham sử dụng để miêu tả điều ông cảm thấy là cần thiết để buộc tù nhân phải tuân phục.
Sau khi những người cai ngục cho tôi bước ra khỏi chiếc xe van có gắn thép chống đạn mà họ vừa tống tôi vào trong trước đó không lâu thì ông Woodham nói: “Chúng tôi giảm thiểu tất cả mọi nguy cơ trong mọi vấn đề bởi vì bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra ở đây cả. Hệ thống an ninh ở đây thật là chặt chẽ vô cùng và thật là tốn kém. Thế nhưng, nếu để bọn người này chạy lung tung loạn xị trong số những người tù kia (the general population) thì sẽ hỗn độn vô cùng”.
Ivan Milat đã từng cố vượt ngục từ một nhà tù khác. Những tên khác trong SuperMax từng sát hại những người tù nhân khác.
Tù có cố vấn tâm lý và những khóa học nhưng rất ít tù nhân muốn hưởng những chuyện này. Những người tù này dường như chỉ hiện hữu mà thôi. Thế nhưng, như những người thân của các nạn nhân từng bị tù nhân sát hại, đã nói: Chúng được phép để hiện hữu cũng còn may mắn hơn thân nhân của họ nhiều rồi. Và ông Woodham vẫn không mảy may ngần ngại khi nói: “Tụi nó là đồ căn bã.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.