Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

25/10/200900:00:00(Xem: 3165)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

*

(Tiếp theo...)

Trên đường đạp chiếc xe "cà cộ" về nhà, chân tôi nhiều lúc như rời ra, không muốn đẩy vào bàn đạp nữa, chỉ vì giòng tư tưởng của tôi nhiều lúc như xoắn lại, co kéo nhẩy ra nhiều lần, về thân phận của con người trong một đất nước gặp phải "Vấn Nạn". Bất cứ nước nào gặp phải cái "vấn nạn" này, dân chúng cũng đều điêu linh cả. Gặp ít thì dân khổ ít, gặp nhiều thì dân khổ nhiều, khổ lâu.
Ban đêm, bố mẹ tôi ngủ ở dưới nhà, bố một giường ở gian ngoài, mẹ một giường ở gian trong. Một mình tôi thênh thang trên gác, sàn gỗ, không có giường, bàn, tủ, ghế. Tôi trải một chiếc chiếu, với một cái màn cạnh chiếc cửa sổ, tôi nằm giạng chân, giang tay, tưởng như trên trái đất này có mỗi một mình tôi. Để bù lại những ngày tháng trong tù, nằm nêm, ép chật chội. Tôi tưởng sẽ đánh một giấc Nam Kha ngon lành, sáng mai theo lời hẹn với chị Thọ, dẫn đến nhà thằng Lợi.
Một mình mà cứ lăn lộn, trở mình hoài, không ngủ được. Qúa nửa đêm, một âm thanh rất lạ, rù.... rì... vi… vu, tôi tưởng là tiếng "kéo gỗ "của thầy tôi ở dưới nhà vẳng lên, có lúc nghe như bên hàng xóm nhà ai đang đẩy, kéo giường hay tủ trên sàn gỗ. Bây giờ thì nghe rõ là tiếng sấm ở xa xa, nghe như tiếng xay lúa của một cụ già trong làng quê rời rạc, hổn hển đẩy cái cần của chiếc cối xay ọc ạch, cũng như tuổi đời của cụ.
Bỗng nhiên gầm, rú lên như có nhiều chiếc cối xay của những chàng thanh niên lực lưỡng, thi nhau đẩy cần. Tiếng sấm của Thành Đô nghe thật lạ, có thể do khí quyển miền nhiệt đới, hay lý do nào khác tôi không rõ. Tôi nghe tiếng sấm của Sài Gòn, khác hẳn tiếng sấm của miền Bắc.
Đã có những hạt mưa long tong, lách tách. Lúc đầu, tôi tưởng là tiếng chuột, đang gặm gỗ làm tổ ở trong vách nhà. Rồi như một đàn chuột chạy đùa, đuổi nhau trên mái tôn. Một tiếng nổ to làm tôi giật mình, làm cả căn nhà như rung lên, một làn chớp xanh lè nháng lên làm sáng cả căn gác. Thế rồi, như nước ở trên trời đổ xuống.
Mưa của Sài Gòn cũng khiếp thật, khác với mưa Hà Nội, nó nhè nhẹ lả lơi như hơi thở của một thiếu nữ thanh tân, nồng giấc lúc trưa hè. Nằm mãi nghe âm thanh của một đêm mưa, những giọt tong tong của một chiếc máng, rơi vào bể nước phiá sau nhà. Dòng nước xối xả, chảy từ mái nhà bà Cần xuống hè đường, phía đối diện.
Tiếng rọc rạch, rổn rảng của chiếc máng nhà cụ Thanh bên cạnh, nghe như một đàn cua rốc chạy trên một cái mâm đồng. Tiếng gió lắt lay, lồng lộn đập vào tấm phên trước cửa nhà ông bà Tấn. Tất cả, như một buổi hòa âm của một tụ điểm nhạc thính phòng, đã khắc ghi vào lòng tôi một đêm Sài Gòn mưa rơi. Rồi tôi đi vào giấc ngủ muộn đêm hè lúc nào không hay.

Hai mươi mốt:  Nghiã bạn bè

Sáng hôm sau tôi đến, chị Thọ đã sẵn sàng. Chiếc xe đạp nó cũng mệt mỏi, ốm yếu như tôi, nhưng nó và tôi vẫn còn đủ sức đèo thêm chị Thọ phía yên sau. Theo sự chỉ dẫn của chị Thọ, tôi đi qua Lăng Tả Quân Lê văn Duyệt, rồi ghé sang ngã ba Hàng Xanh, tiến về phía cầu Kinh. Trên đường đi, chị Thọ và tôi trao đổi nhiều chuyện về thằng Lý, thằng Lợi và những sự việc liên quan.
Đến một ngôi nhà cửa sắt, ba tầng lầu, tường xây granito có một cái cổng bên hông, cửa đóng im ỉm để xe ô tô ra vào. Chị Thọ nói, đây là ngôi nhà của cậu Lợi, (Lợi là em họ của chị). Đã thỏa định trước với chị Thọ, khi đến nhà Lợi, chị cứ nấp vào một chỗ, để tôi bất ngờ gặp thằng Lợi, xem nó có nhận ra tôi không"
Một thoáng trở về ngày tôi từ giã Thành Đô, để đi vào vùng bão lửa. Khi ấy tôi và Lợi đều là trai độc thân, nhởn nhơ giữa chợ đời, thế mà giờ nó đã trở thành một nhà "tư sản" của đất Sài Gòn. Tiến đến cái cổng sắt to, rộng, tôi nhẹ tay đè vào núm chuông điện. Một luồng xúc cảm đẩy ngược xuống tim, làm lòng tôi hồi hộp. Chừng năm phút sau, cánh cửa sắt cổng đẩy hé, một đứa bé khôi ngô, trắng trẻo chừng 9, 10 tuổi thò mặt ra nhìn tôi, ngập ngừng:
- Thưa ông hỏi ai ạ"
Đoán ngay là con thằng Lợi, tôi chậm chạp nói như hết hơi:
- Tôi muốn gặp ba của cháu!
Nó đóng cửa lại, cũng không nói tôi chờ, nhưng tôi biết người ra bây giờ phải là ba của nó. Năm ba phút sau, cánh cửa lại hé ra, thằng Lợi nhìn tôi một vài giây, rồi cất tiếng hỏi:
- Thưa ông... hỏi cái gì ạ"
Đè sự hồi hộp xuống, tôi rành rọt:
- Tôi muốn mua của ông.... cái máy!
Qúa xúc động, nên tôi nói đại. Cũng lạ kỳ, giai đoạn cuối 1980, nhà nào ở Sài Gòn cũng đều thận trọng lo lắng, nhất là những nhà có của. Thế mà một người lạ, hỏi mua một cái máy, chưa biết là máy gì, nó cũng không nói với ai là bán, vậy mà nó dám mở cổng cho tôi vào" Sau này, nó cũng bảo thật là kỳ lạ. Mặc chiếc quần đùi trắng, sơ- mi trắng, tay cầm chùm chìa khóa, nó lui cui dẫn tôi đi vào. Gần đến cây ổi to giữa sân, nó chợt ngừng, quay lại mở to mắt hỏi rời rạc:
 - Tôi.... có máy.... gì bán đâu"
Vì bất chợt nó đứng lại, thành ra tôi đã sát gần mặt nó, nhìn đôi mắt mở to của nó chằm chằm vào mặt tôi, tôi không thể chịu được nữa rồi. Tôi tát cho nó một cái! Mắt nó lại càng mở to, tưởng đến rách ra. Một giây như một luồng điện, nó chợt hiểu. Nó chỉ một ngón tay vào sát mặt tôi, thảng thốt:
- Thằng Bình hả!
Tôi và nó đã ôm chầm lấy nhau ở giữa sân, trước con mắt đờ ra của đứa con lúc đầu ra mở cổng. Nó líu ríu kéo tôi vào phòng khách. Tôi thoáng nhìn lên gác, thấy những khuôn mặt của vợ con nó, mấy người cũng đang theo dõi từ nãy những gì giữa tôi và thằng Lợi. Cũng lúc đó, chị Thọ đẩy cổng dẫn chiếc xe đạp đi vào. Chị Thọ, thằng Lợi và tôi đã ngồi vào ghế sa- lon. Trên gác lục tục kéo xuống, nhìn thoáng một người mũi cao như lai Tây, tôi đã nhận ra vợ thằng Lợi, chính là cô Duyên ngày ấy!
Tôi nhớ vào khoảng giữa năm 1961, giai đoạn ấy tôi đang ở số 62 đường Trần Hưng Đạo Sài Gòn. Buồng tôi ở tương đối là sang, có đèn chùm, ghế bành bọc nhung đỏ, có máy đun nước nóng, và có máy điều hòa không khí. Khi đó, Brown và Dale đang hàng ngày, huấn luyện tôi. Người Mỹ ra vào một chỗ phải như vậy nó mới hợp lý, không làm ngạc nhiên những người tò mò, nhất là phản gián của đối phương. Phan, Brown, Dale đã căn dặn tôi, không được cho ai biết nơi tôi ở đó, thế mà tôi đã phá luật chỉ vì thằng Lợi.


Khi ấy, nó làm tỉnh đoàn thanh niên cộng Hòa tỉnh Phước Thành. Nó kiếm được một "cô em " rất đẹp, cuối tuần thường đèo Lambretta mang em về Sài Gòn. Một buổi nó ghé tai tôi khẩn khoản:
- Em là loại hoa khôi của tỉnh Bình Dương, gia đình nho giáo, không có cách nào mời em vào khách sạn cả, em chỉ đồng ý vào nhà bạn bè v.v…
Vì bạn bè, mình có thiệt thòi cũng sẵn sàng, nên tôi đã đưa chìa khóa phòng tôi cho Lợi với những lời căn dặn cần thiết.
Tôi không cần biết, tôi ra quán Anh Vũ ngồi tới 1 giờ đêm mới về, theo qui định với Lợi. Khi tôi về mới thấy thoáng qua ở cửa, khi "anh chị" đi ra, và thằng Lợi đã lí nhí giới thiệu cô Duyên này. Sau đó, chẳng bao giờ tôi gặp cô Duyên nữa cho tới ngày, tôi đi "mất tiêu".
Để tôn trong ý thức và thời gian, thằng Lợi vẫn ngồi ở salon, nó gọi đứa con gái đầu lòng tên là Mỹ Linh:
- Con lên gác, vào buồng ba, lấy cái quần ba vẫn mặc xuống đây!
Vợ chồng Lợi đã có bốn con: Nguyễn thị Mỹ Linh 17 tuổi. Nguyễn Hữu Lực 15 tuổi. Nguyễn Hữu Lượng 11 tuổi. Nguyễn Hữu Luyện 9 tuổi.
Trong cái thế này, các cháu đều phải coi tôi như một ông chú "cò bơ, cò bất", "tiểu tốt, vô danh" vậy!
Khi cháu Mỹ Linh đưa chiếc quần tây mầu nâu xuống, thằng Lợi đã móc chiếc ví da đen, túi quần sau, lôi ra một tấm hình của tôi, chụp 20 mươi năm xưa. Thằng Lợi bảo:
- Tao tin là mày đã chết rồi! Tao là bạn thân, nên tao hiểu mày. Mày đã không làm thì thôi, chứ đã đảm trách một việc gì thì mày không có cái kiểu đấm vào vai, vào tay, vào lưng mà mày sẽ đâm vào tim cho đúng huyệt, chứ không chơi vơi, với kẻ thù. Vậy mày ra miền Bắc, mà không về thì hầu như tao coi như đã chết rồi, huống chi CS đã cướp được miền Nam từ 1975. Đã năm năm không hề có tin tức của mày, thì điều tao suy đoán càng chính xác. Vì thế tao có gặp mày ở ngoài đường, tao cũng không nhận ra, vì tao đinh ninh mày đã chết rồi. Tấm ảnh của mày tao vẫn mang theo trong ví, để chứng tỏ mày luôn luôn ở trong lòng tao, dù mày đã về với Chúa.
Còn một sự việc nhỏ nữa bây giờ tôi vẫn nhớ như vừa mới xẩy ra. Cô Duyên (xin lỗi chị Lợi) đã xấp xỉ 40 tuổi, tuy vẫn còn đẹp. Hôm đó, cô ấy đi ra, đi vào, dáng đi õng ẹo, cứ nói đi nói lại một câu: Bây giờ tôi già và xấu qúa rồi!
Phải rồi khi ấy cô đang 18 - 19 cái tuổi của "nhựa sống căng tròn". Nghe cô "Duyên", thấy chị Lợi, than vãn hai, ba lần như tiếc nuối tuổi xuân, tôi đã phải đứng dậy để tay vào ngực:
- Chị Lợi ơi!... Chị hãy nhìn tôi đây này, ngày xưa tôi như thế nào. Bây giờ tôi sống sót trở về là công dân hạng hai, của nước CHXHCN ốm o, già lão phải đến CA trình diện hàng ngày đây này. Chị hãy nhìn tôi, mà vui trong hạnh phúc gia đình, mà Chúa đã ban cho anh chị và các cháu
Cả ngày và đêm hôm đó, tôi đã ở lại nhà anh chị Lợi. Thôi thì thượng vàng, hạ cám chuyện lớn, chuyện nhỏ tích lũy trong hầu bao, lâu dài, chúng tôi đã cùng nhau dốc hết. Vì chị Thọ còn mỗi bà cụ ở nhà, nên đã dùng chiếc xe " min- lớp- săng Bảo Long ra đời" (khi Bảo Đại đẻ Bảo Long) của tôi, để trở về khu Đa Kao.
Do yêu cầu chủ trương thứ hai của tôi: Ngày mai, tôi và cả gia đình Lợi sẽ đến bà cụ và chị Thọ, để cùng ra mộ thằng Lý. Vì nó nằm có một mình, ngoài nghĩa địa. Hơn nữa, tôi cũng còn cần trao đổi với nó, một vài chuyện ân tình.
Thằng Lợi mà để làm việc xã hội, nó sẽ phát huy được "sở trường", nó chu đáo cả những chuyện tôi không ngờ. Nó bảo: ông bà cụ và mày bây giờ gặp khó khăn, trách nhiệm của mày là... Và ngay buổi chiều, nó một chiếc xe đạp, tôi một chiếc, đèo một túi gạo chừng 20 kg, do chị Lợi đã chuẩn bị sẵn.
Hai chúng tôi lại nhởn nhơ, thung thăng, song song trở xuống khu Ông Tạ, Hòa Hưng. Có lúc nó và tôi cùng đăm chiêu, không nói với nhau một lời, mỗi người mỗi dòng tư tưởng, nhưng tôi chắc phải có lúc nó có dòng "xuân non" như tôi. Nhớ qúa! Cái ngày hai thằng cũng đạp xe song song trên đường phố Sài Gòn, để mài đũng quần trên ghế nhà trường.
Cũng là một điều khác thường, từ ngày còn niên thiếu tôi có một nhược điểm, là lòng tự ái và tự trọng cao. Thế mà, tôi mang gạo của thằng Lợi về nhà cho bố mẹ, lại không thấy lòng mình bị tổn thương"
Mẹ tôi đã phải lau nhiều lần nước mắt, khi tay cụ run run cầm tay thằng Lợi. Cụ xúc động cho tình nghĩa bạn bè còn áng đỏ tươi lên, giữa cái nền xám xịt của tình người trong xã hội ngày nay. Theo như đã dự trù chiều theo ý kiến của tôi, sáng hôm ấy, trừ cháu Mỹ Linh và cháu Luyện phải ở lại coi nhà. Tôi, vợ chồng Lợi, cháu Lực và Lượng ba chiếc xe đạp đèo nhau đến nhà cụ Lý. Chị Thọ đèo thằng Lượng, còn tôi mang cụ Lý.
Một đoàn xuôi xuống khu Tân Chí Linh vùng Ông Tạ. Tôi không ngờ ở đấy lại có một nghĩa trang thật rộng. Ngôi mộ của Nguyễn Vĩnh Lý, đã được xây cất đàng hoàng. Chúng tôi hì hục dọn dẹp làm cỏ. Niềm cảm xúc đã làm cho bà cụ, chị Thọ và Lợi nước mắt đoanh tròng. Theo thủ tục tôn giáo, tất cả chúng tôi thắp nhang, nến và đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn của Lý. Tôi nhìn tấm hình của Lý gắn tại mộ bia, đôi mắt của Lý cũng đăm chiêu nhìn tôi. Một cơn gió rì rào lướt nhẹ qua, như tôi nhìn thấy làn môi của Lý mấp máy, tai tôi nghe cả giọng nói của Lý ngày xưa:
- Mày đã trở về đấy à"
Tôi nhìn cái nốt ruồi dưới mũi của Lý, tự nhiên một hình ảnh nhỏ ngày xưa của Lý, đã ùa về trong tâm tưởng của tôi. Buổi ấy khoảng 1957, ngày Tết của dân tộc, Lý, thằng Phác (bạn học Chasseloup Laubat của Lý) và tôi đều đóng bộ. Duy nhất có cô Mỹ Huyền (Trưng Vương) chưa là bồ của ai đi theo. Giữa dòng người "ngựa xe như nước, áo quần như nêm" ấy của ngày Xuân quê hương, khi chúng tôi đi qua chợ Bến Thành, bước chân lên đường Bollard, có hai cậu 15- 16 đuổi theo kéo áo Lý lại, vồn vã:
- Cậu ơi! Nốt ruồi trên miệng của cậu, làm mất đẹp trai đi!
Giơ ra cái khay nhiều chai lọ, miệng chúng lại ríu rít:
- Loại thuốc mới này của Nhật, chúng cháu chỉ làm mười phút sau, nốt ruồi của cậu sẽ biến mất!
Vì có bóng Mỹ Huyền giai nhân đi bên cạnh, chúng tôi bất ngờ, đều đỏ mặt, lúng túng. Thằng Lý cũng đỏ mặt, nhưng nó quay lại, dõng dạc với hai cậu nhỏ:
- Ơ hay! Tôi vừa "cấy" được mấy ngày, mất hàng trăm bạc! Sao lại tẩy đi"
Hai cậu bé đực mặt ra, chả nói ra lời. Chúng tôi đều cười, thở phào và không thể quên được cái "nhanh trí" của Lý.
Sau 18 năm tù cải tạo, tôi trở thành một người thợ có tay nghề về cả hàng ngang (giường, bàn, tủ, ghế) lẫn hàng dọc (xây dựng, sửa chữa nhà cửa). Nhà thằng Lợi cao và rộng, nên tôi có nhiều việc làm, do đấy tôi thường xuyên ở nhà thằng Lợi, chỉ chiều tôi phải về trình diện công an khu vực. Một điều băn khoăn nhiều của tôi về thằng Lợi, từ khi về gặp lại nó, nên tôi đã hỏi thẳng nó:
- Tại sao lại không đi di tản"
Nó đã trả lời tôi, hai ý chính. Một, gia đình phía bên vợ nó, có nhiều người ở phía bên kia (CS). Hai, tao ở lại, để sẽ chơi với tụi này về kinh tế.
Ngay khi còn trên con tầu " Thống Nhất " trên đường xuôi Nam, tôi đã có ba chủ trương, khi về tới Sài Gòn sau gần hai chục năm xa cách: 1) Tìm về bố mẹ, anh em, họ hàng. 2) Tìm lại hai thằng bạn thân Lý và Lợi. 3) Tìm mọi cách để thăm mộ ông Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu. Tư cách, lòng tự trọng dân tộc và ý chí của hai người, tôi coi trọng.
Hai điều trên đã tạm ổn, còn điều thứ ba, lòng tôi thì muốn thằng Lợi cùng đi, nhưng tôi nhìn thấy nó phải lo toan nhiều công việc tối ngày cho vợ con nó. Phần khác, đây là quan điểm tư tưởng của mỗi người. Hơn nữa tấm lòng của mỗi người thì không bao giờ nên gò, ép, kéo lôi. Nếu không nói là làm giảm ý nghĩa, có khi còn làm mất cả cái đẹp của sự việc. Tốt nhất, hãy một mình tự mò mẫm lấy, cho riêng một mình.
Tên công an khu vực của tôi chừng 22- 23 tuổi, độc thân tên là Huỳnh Lộc, người Long Xuyên. Lúc đầu, y cũng tỏ uy quyền của một CA đối với một phó thường dân như tôi, đang trong tay của y. Qua thời gian và sự việc, y đã thấy càng phồng mang, trợn mắt thì thiệt hơn nhiều, vả lại chỗ đứng của y qúa nhỏ, y lại còn có qúa nhiều nhược điểm. Chỉ vài lần tiếp xúc, đổi trao một vài vấn đề, cũng là thăm dò, bắt mạch, để rồi càng ngày y càng có thiện cảm với tôi hơn. Như tôi đã xác định ở những phần trên, mình đã có sự thật, nếu có thêm chút khả năng vận dụng, ứng dụng đúng lúc, đúng chỗ thì tính hơn hẳn của ta càng thấy rõ.
Dần dần Lộc tỏ ra nhiều việc làm qúa lố. Có lần ở trên Thanh Đa, Cầu Kinh về tới, tôi thoáng thấy bóng Huỳnh Lộc, ngất ngưởng cầm một chai rượu trắng trong một căn nhà ngoài đường Cách Mạng Tháng Tám. Vì khu xóm và chính vì tôi, nên một buổi tối, tôi đưa Lộc vào một hiệu uống nước chanh, để nói chuyện.
Tôi biết, nếu Lộc không thay đổi cảnh sinh hoạt, sớm muộn nó sẽ bị cho về đuổi gà; đôi khi còn mang họa cho bản thân nó. (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.