Hôm nay,  

Hồi Ký: Thép Đen

02/11/200800:00:00(Xem: 2323)

Hồi ký: Thép Đen - Đặng Chí Bình<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

LGT: Lịch sử nửa thế kỷ ngăn chặn làn sóng cộng sản bành trướng ở Miền Bắc, xâm lăng ở Miền Nam, đã tạo nên nhiều anh hùng, trong đó có không biết bao nhiêu anh hùng âm thầm, cô đơn, một mình một bóng, phải vật lộn giữa vòng vây đầy thù hận của kẻ thù, mà vẫn một lòng một dạ giữ tròn khí tiết cùng tấm lòng thuỷ chung đối với tổ quốc, dân tộc, đồng đội... Đặng Chí Bình, bút hiệu của một điệp viên VNCH được lệnh thâm nhập Miền Bắc, móc nối các tổ chức kháng chiến chống cộng, chẳng may lọt vào tay kẻ thù, và phải trải qua gần 20 năm trong lao tù cộng sản, là một trong những người anh hùng âm thầm, cô đơn trên con đường đấu tranh chống cộng sản đầy máu và nước mắt nhưng vô cùng cao thượng và chan hoà lòng nhân ái, của dân tộc Việt Nam. Giống như tất cả những ai có lòng yêu nước, đã sống trong lao tù của cộng sản, đều âm thầm tự trao cho mình sứ mạng, tiếp tục chiến đấu chống lại cái tàn nhẫn bất nhân của chủ nghĩa cộng sản đến hơi thở cuối cùng, điệp viên Đặng Chí Bình, sau khi ra hải ngoại, đã tiếp tục miệt mài suốt 20 năm để hoàn thành thiên hồi ký Thép Đen dầy ngót 2000 trang, gói ghém tất cả những bi kịch phi nhân đầy rùng rợn trong chế độ lao tù cộng sản mà tác giả đã trải qua; đồng thời thắp sáng chân lý: Ngay cả trong những nơi tận cùng của tăm tối, phi nhân, đói khát, đầy thù hận nhất do chế độ cộng sản tạo dựng, tình yêu thương người, lòng hướng thiện, khát khao cái đẹp, tôn thờ chân lý vẫn luôn luôn hiện hữu và được ấp ủ, trong lòng người dân Việt. Nhận xét về thiên hồi ký Thép Đen, thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã xúc động nhận xét: "Chúng ta đã được đọc khá nhiều hồi ký của những người cựu tù trong chế độ lao tù Cộng Sản. Mỗi cuốn hồi ký là một mặt của vấn đề, nhưng theo tôi, "Thép Đen" là cuốn hồi ký trung thực nhất về những điều mà người tù mấy chục năm Đặng Chí Bình đã phải trải qua. Những sự việc được tả chân, những tâm tư được diễn tả chân thực mà mỗi người cựu tù khi đọc đều thấy có mình trong đó." Nhân dịp tác giả Đặng Chí Bình đến Úc, Sàigòn Times hân hạnh được ông chấp thuận cho phép đăng tải thiên hồi ký Thép Đen vô cùng hào hùng, sống động và đầy lôi cuốn của ông. SGT xin chân thành cảm ơn tấm lòng ưu ái đặc biệt của tác giả, và sau đây, xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả phần tiếp theo của thiên hồi ký Thép Đen.

 

*

 

Thực sự trong lòng tôi tuy căm tức và khinh ghét nó lắm. Tôi đã có chủ trương, một buổi nào đó thuận tiện tôi sẽ xả cái khinh đó ra với nó, nhưng chưa phải hôm nay. Khốn, lòng tôi đã nóng lên rồi. Tuy vậy, tôi cố kìm lại, tôi chỉ hất mạnh cái gậy của y ra:

- Hãy ngậm cái miệng của mày lại!

Nói rồi, tôi đi về chỗ, nhưng y như một con hổ nhẩy theo, giơ cao chiếc gậy vụt vào cổ tôi. Tôi lạng người, hụp xuống tránh chiếc gậy, cũng là lúc tôi gắn cái gót chân vào ngực y. Y hự lên một cái, khựng lại rồi như điên rồ, y quật tôi túi bụi, miệng lải nhải văng tục:

- Địt mẹ mày, gián điệp, biệt kích, vét đĩa này!

Tôi không còn kiểm soát được tôi nữa, tôi chẳng còn nghĩ đến lợi hay hại nên cứ đấm đá thả dàn. Sau một hồi quần thảo, chẳng hiểu tôi vung vẩy tay thế nào không biết, đấm trúng vào mặt y một cú làm chồn cả tay tôi lại. Mũi y có máu chảy ra, vậy mà y vẫn còn hung hăng, cầm cái gậy choi choi đâm rôi. Lựa thế, tôi bắt được cánh tay cầm gậy của nó. Tôi đưa vào một thế khoá, định bẻ gẫy cánh tay của nó. Nó gào lên thảm thiết, nhiều anh em trong trại đã chạy đến. Lê Sơn chen đẩy mấy người, tiến lại, để tay lên vai tôi:

- Thôi, anh Bình!

Tôi biết rằng, tôi chỉ cần gồng mạnh lên một chút là cánh tay nó sẽ bị giật gẫy. Mồm nó vẫn kêu như bò rống. Tôi hiểu nếu bỏ tay nó ra bây giờ, đang hung máu, nó sẽ làm phiền tôi nữa. Tôi còn đang lưỡng lự thì tên Cẩn trực trại và mấy tên CA vũ trang từ cổng trại chạy vào. Tên Cẩn xông đến quát:

- Anh Bình, buông tay ra ngay!

Tên Tân mặt xám lại, nhăn như khỉ ngửi phải mùi mắm tôm. <"xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />Taytrái y đỡ cánh tay phải, người y khòng xuống, vặn vẹo. Tên Cẩn mặt tím bầm, chỉ tay vào tôi:

- Anh dám đánh trật tự phải không" Anh muốn làm loạn à"

Rồi y quắc mắt, nói như ra lệnh:

- Về ôm chăn chiếu đi kỷ luật, rồi sẽ giải quyết!

Khi tôi quay về buồng để lấy chăn chiếu, còn nghe mấy người đứng ở đó nhao nhao lên, có cả tiếng của Lê Sơn:

- Báo cáo ông Cẩn, anh Tân đã đánh anh Bình trước, anh Bình phải tự vệ.

Dù như vậy, tôi vẫn phải vào nhà kỷ luật.

Hai Mươi Bẩy Tuyệt tác của Hòang Thanh

Tôi đã nhìn thấy cái cùm, tác phẩm của Hoàng Thanh. Sau khi mở cửa nhà kỷ luật, tên Thái y tá mở cùm theo lệnh của tên Cẩn. Đứng ở cửa, tên Cẩn quát, bắt tôi bỏ cả 2 chân vào. Cùm xong, trước khi y đóng cửa, tên Cẩn còn quay lại gằn giọng:

- Anh không coi chúng tôi ra cái gì cả!

Tôi chỉ nói:

- Thưa ông, đây là chuyện riêng của tôi và thằng...

Tôi chưa nói hết câu, y đã đóng cửa, đi rồi. Trong ánh sáng lờ mờ, tôi loay hoay, cọ cựa đôi chân, tìm một cái thế dễ chịu một chút. Quả cái cùm này thật đáng nể. Chả trách Lê Sơn đã nói: "Hitler có sống lại, còn phải quỳ xuống tôn tụi này là tổ sư". Chiếc cùm là môt súc gỗ lim với những đai thép kiên cố, chắc chắn. Một bề 35cm, một bề 60cm, có hai khuy sắt, bằng loại sắt tròn, đường kính 2 cm nằm gần phía hai đầu. Vì thế phải có 2 then sắt cài, thọc vào hay mở ra từ phía ngoài vách. Trông cái cùm giống như một cái hộp, nên anh em trong trại còn gọi là cái cùm hộp. Nhìn nó thật thô sơ, nhưng quả thật là nguy hiểm, vì nó chiếm từ cổ chân lên đến gần đầu gối. Hai đầu bàn chân lại đút vào hai cái lỗ đục sẵn nằm ở nửa súc gỗ phía trên. Do thế, khi bị cùm thì cái chân chỉ di chuyển cựa quậy được trong khoảng 90 độ.

Tôi đã từng tập luyện, kinh qua nhiều năm tháng với cái cùm ở Hoả Lò do thực dân Pháp chế tạo, nhưng với cái cùm này tôi cũng phải kinh hồn. Khi bị cùm, chẳng khác gì như đi giầy ống. Còn một điều đáng sợ nữa, có rất nhiều rệp, nhưng không thể cho mấy ngón tay vào gãi và cũng không thể bắt rệp được. Đành chịu ngứa ngáy cũng như để cho rệp hút máu. Trước đây nghe Lê Sơn nói, và nhất là kỳ Tết vừa qua, nhìn thấy một người bị kỷ luật được tha, thấy họ phải bò ra, không đi đứng được. Tôi chẳng nói ra, nhưng trong lòng nghĩ: "Họ yếu thật, mình còn bị mấy năm với chiếc cùm ghê gớm ở Hoả Lò.... ". Nghĩa là, chưa thấy quan tài nên chưa đổ lệ. Ngồi ở dưới đáy giếng rồi tưởng trời chỉ nhỏ như cái vung đậy nồi cơm của nhà mình vậy.

Bây giờ đã quá trưa rồi, thấy cái bụng cứ kêu ọ ọ, ẹ ẹ như tiếng của những thân cây tre làng cọ xiết vào nhau trong những tháng Hè, tôi mới chợt nhớ ra là, trưa nay tôi chưa được ăn. Từ ý nghĩ này, tôi chợt nảy nghĩ đến tên Tân. Chết rồi! Hàng ngày nó vẫn thường đưa cơm cho kỷ luật ăn. Chuyến này, hẳn tôi sẽ có nhiều khó khăn với nó đây. Chân lại bị cùm, tôi phải nâng cao cảnh giác nghe ngóng mọi hiện tượng, đề phòng mọi vấn đề. Với một tên tiểu nhân như vậy, tôi phải coi chừng từ cơm ăn, nước uống và mọi thái độ ra vào của nó. Tuy thế, nghĩ lại chuyện vừa qua, tôi vẫn bằng lòng, không hề ân hận một chút nào, vì đấy là chuyện cuộc đời mà, chả tránh được. Thấy việc phải làm thì cứ làm rồi kệ nó.

Chợt thoáng có tiếng lịch kịch, rồi tiếng nước giải chảy tong tong vào ống nứa gần phía đầu nhà kỷ luật làm tôi lạ lùng hết sức. Theo tôi biết kỳ Tết, ban giám thị đã tha hết mọi người trong nhà kỷ luật rồi cơ mà, còn mỗi bác Lê Tài Chương thì đã chết, vậy ma hay là người"

- Anh bạn nào bị cùm ở trong ấy đấy"

Một giọng ấm và cứng cất lên vồn vã:

- Có tôi đây, anh vì sao phải vào thế"

- Đánh nhau với tên Tân.

Tôi cũng háo hức đáp lại anh. Lòng thấy vui hẳn lên, có bạn để nói chuyện, đỡ sầu. Tôi hỏi lại anh:

- Thế anh bị kỷ luật vì chuyện gì"

Im lặng một lúc rồi anh thủng thẳng:

- Tôi cũng chẳng biết nữa, gọi đi là phải đi!

Tôi vẫn chưa quên cái đói nên hỏi lại anh:

- Anh ăn cơm chưa"

- 2 giờ mới có cơm chứ!

Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng tôi chợt hiểu. Kỷ luật chỉ được ăn một bữa mà thôi. Thế mà bao nhiêu ngày ở ngoài đã nói chuyện về kỷ luật ở đây với nhiều người, vậy mà tôi cứ tưởng kỷ luật ở các trại trung ương vẫn ăn 2 bữa dù ít thôi. 9ký gạo cho 1 tháng. Thế mới biết trong cuộc đời, nhiều cái phải bắt tay mình làm mới hiểu được hết chi tiết. Chỉ nhìn và nghe chưa đủ!

Qua một lúc trò chuyện, tôi biết tên anh là Vũ Đình Bách. Anh ở phố 57 phố Hàng Đậu, Hà Nội. Anh bị án tập trung với tội phản tuyên truyền, phản cách mạng, bị bắt từ đầu 1963. Hiện nay anh ở toán 4 nông nghiệp, rất thân với anh bác sĩ Hiệp cùng toán. Chính vì thế, khi tôi mới lên trại, anh đã biết ngay tôi là Bình. Chỉ vì anh đã biết, tôi đã đấu cờ với anh Hiệp và bác Lẫm để tranh giải cờ tướng trong dịp Tết vừa qua, cho nên anh nói chuyện với tôi rất cởi mở.

Khoảng 2 giờ chiều, có tiếng mở khoá cửa nhà kỷ luật. Tôi ngồi bật dậy, quan sát, nghe ngóng. Mắt tôi đã liếc nhìn cái ống nữa để đi giải, đang dựng phía đầu sàn. Từ sớm, tôi đã có chủ định, với cái ống nứa duy nhất này để tự vệ, tôi chả sợ tên Tân, dù y có dao, có gậy. Không ngờ người đưa cơm kỷ luật hôm nay lại là tên Thái y tá. Một điều làm tôi ngạc nhiên hơn nữa là tên Thái lại tỏ ra niềm nở, thiện cảm với tôi. Y cho biết tên Tân, tay còn đang bị bó thuốc. Rồi y tỏ ra như tán đồng việc làm của tôi, nào là tên Tân quá lắm, hách dịch hay bắt nạt tù, nhất là những bác già và những người dân tộc.

Chỉ qua vài câu chuyện tôi đã thấy ngay tên Tân và Thái, cũng chẳng ưa gì nhau. Cái không ưa nhau của những con chó tranh nhau để làm vừa lòng chủ, để cho chủ thương, chủ hài lòng. Chuyện đó là của họ, chả nhằm nhò gì đến tôi, tôi chỉ thấy một điều may. Chẳng hiểu có phải do sự nghiên cứu của ban giáo dục, sợ tên Tân vào nhà kỷ luật làm liều để trả thù tôi, hay vì sao đó mà không để cho tên Tân đưa cơm. Dù sao tôi cũng xin cảm ơn, điều này làm nhẹ hẳn nỗi lo lắng từ sáng vẫn đè nặng trong lòng tôi về tên Tân.

Cái cùm của Hoàng Thanh, quả thật là ghê giớm. Mới chỉ sau 6 tiếng đồng hồ cùm, hai chân tôi đã cắn buốt như có nhiều mũi kim châm vào. Nó nhức buốt từ ở trong xương, trong tủy, tôi có cảm tưởng từ đầu gối trở xuống đến bàn chân, ngón chân máu bị đông đặc lại, máu ở bên ngoài không thể chạy xuống dưới đấy được. Chỉ nằm xuống một tí là hai chân nóng lên rần rật, buốt ngứa như có hàng chục con ong vàng đang đốt. Hai bàn chân tê, cắn như vậy, mà cái cùm quái ác này, không làm sao với tay tới để xoa nắn được bàn chân của mình. Chỉ vì đôi chân không thể nghiêng bên này hay bên kia nên cũng không thể co hẳn lại được.

Cái nạn đi đái, đi ỉa mới thật đáng sợ, mặc dù sàn nằm đã được khoét một cái lỗ đường kính khoảng 8 phân ngang chỗ hậu môn của người bị cùm. Mỗi khi muốn đi đái hoặc đi ỉa, trước hết phải chịu đau, nhoài người với tay tới mé vách cầm cái ống nứa, gò người cúi xuống đút ống nứa vào gầm sàn, kê đầu vào một miếng gỗ đã đóng sẵn, sao cho đúng lỗ chỗ mình ỉa hoặc  đái.

Cũng may, trong cái heo hút. lủi thủi một mình lại có anh Bách để nói chuyện trò. Mặc nhiên, tôi có cái cảm nghĩ hiện đang có một người nữa cũng đang chịu những nỗi niềm cay đắng, nhức buốt như mình là tự thấy lòng nhẹ đi được một nửa rồi. Tuy rằng anh Bách chỉ bị cùm một chân, nhưng cũng gọi là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu mà lị! Vả lại, anh Bách lại là một người kể chuyện rất hay. Anh đã kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện xẩy ra ở Hànội và của miền Bắc sau năm 1954 nên cũng quên được phần nào cái nhức nhối của đôi chân và cái vặn vò, rên rỉ của cái dạ dày đòi ăn.

Tôi bị tên Cẩn cùm cả 2 chân, có thể tên Cẩn đã ghét tôi từ trước. Phần khác, y muốn trị cái tội dám đánh trật tự, người đại diện uy quyền của y ở trong trại.

 

Hai mươi tám Thày Pháp và Âm Binh

 

Trong những câu chuyện anh Bách kể cho tôi nghe, có một chuyện làm cho lòng tôi cũng thấy hơi thích thú nên không thể quên được. Nhưng để ý nghĩa của câu chuyện đó thêm sáng tỏ, tôi phải trình bày một vài sự việc có liên quan:

Ai cũng biết miền Bắc VN, hầu như đến 7-8 phần mười đất đai là núi và rừng, lưu cửu từ hàng bao nhiêu ngàn năm, nơi hợp lưu chất chứa, tích tụ và xuất phát của giòng, giống Bách Việt. Ngày nay còn lại những nhánh, chi, riêng biệt bao gồm 50 dân tộc thiểu số như Mường, Mán, Mèo, Xạ Phang, Thái, Nùng... mà mỗi tộc lại tin tưởng thờ cúng một số thần thánh, một số ma quỷ trong nơi rừng sâu hoang dã, hẻo lánh, đầy huyền bí man dại, cách biệt hẳn với thế giới văn minh của loài người; những âm binh, thiên tướng, ma trành, ma xó, thày mo, thày pháp, thư, ếm.... Còn nữa, nào là long mạch, quy mạch, mồ mả, thầy tướng, thầy số, thầy đồng, các cô, các cậu, tạo nên hàng ngàn, hàng chục ngàn câu chuyện ma quái, thần thánh ở các địa phương cứ như thật, tưởng như ai cũng trông thấy hết, mà ai cũng hơn một lần nghe người khác kể lại.

Những sự việc đó, cứ thông truyền từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ kia. Nó lan tràn chui sâu, luồn lách vào từng đường gân, thớ thịt trong tim, óc của mọi người. Thậm chí cho tới bây giờ, những thứ ma quỷ đó vẫn còn ngự trị ở trong lòng nhiều người, chưa biết đến đời nào mới hết" Lòng tin tưởng ấy đã gắn liền vào xương vào thịt của họ. Đến nỗi tôi nghĩ rằng, đối với nhiều người, thà họ bị giết chết, chứ không thể diệt được lòng tin của họ vào những điều dị đoan, mê tín. Điển hình, tôi xin tường thuật lại 2 câu chuyện thực tế đã xẩy ra trong một khoảng đời thơ ấu của tôi tại quê tôi.

Câu chuyện thứ nhất: Nhà tôi ở ngay cạnh con đường chính của huyện. Ban ngày có nhiều người đi chợ qua lại. Vì không có điện nên cũng như nhiều những vùng quê khác, ban đêm thì tối đen như mực, dành cho thế giới huyền bí, ma quái, ghê gớm, không ai biết được. Cách nhà tôi khoảng hơn nửa cây số, có một cây đa thật to, gốc rễ chằng chịt chiếm hẳn một khoảng đất rộng. Nó to đến nỗi người ta đã làm ở trong gốc của nó một cái miếu lớn mà người ta có thể ra vào được. Trong miếu này và chung quanh gốc đa, người ta chất, người ta treo la liệt những ông bình vôi đủ kiểu, đủ loại. Cây đa có rất nhiều cành, nhiều ngọn um tùm, che rợp bóng hàng mẫu đất. Người ta nói cây đa này đã có từ hàng ngàn năm, và ngọn của nó soi bóng sang mãi bên Tầu, vì Tầu nó để của và ếm thần, bùa ngải để giữ của, giữ vàng. Cây đa này gọi là cây đa Hòa Lạc, vì nó nằm trên quãng đường huyện của làng Hòa Lạc.

Tôi đã được nghe hàng trăm câu truyện rùng rợn, kinh hoàng, dựng tóc gáy về cây đa này. Để rồi suốt thời gian ấu thơ của tôi, cây đa Hòa Lạc và cái đền hoang của bà chúa Đông Ngàn cũng gần đấy, đã làm tôi nhiều đêm không dám di đái; trùm chăn kín đầu không dám cả thở mạnh, da gà nổi lên khắp tứ chi.

Một lần, một sự việc đã ghi hằn vào bộ óc non dại của tôi. Hôm ấy, huyện tôi có một đám rước lớn lắm. Đường làng, đường phố chỗ nào cũng đầy ắp những người. Trẻ con, người lớn, ai cũng mặc những bộ quần áo đẹp nhất. Cờ quạt, trống, kèn ầm vang cả xóm, ngõ. Hình như đó là ngày vào đám của các ông thần, bà chúa ở trong huyện, mỗi năm chỉ có một lần.

Tuy tôi ở thôn công giáo, nhưng trẻ con chúng tôi rủ nhau đi theo xem đám rước suốt ngày; hơn nữa, tôi cũng có nhiều thằng bạn ở những thôn bên lương. Đám rước thật dài, cứ một đoạn lại có một chiếc kiệu. Những chiếc kiệu sơn son, thiếp vàng nhiều kiểu, nhiều loại thật lộng lẫy uy nghi. Mỗi chiếc kiệu thường có 8 người thanh niên khỏe mạnh, mặc đồng phục khiêng, vác trên vai.

Lũ trẻ con chúng tôi thích và chú ý nhất một người mặc quần áo đỏ chóe, đội mũ cánh chuồn. Ông ta chừng bốn chục tuổi, dáng cao lêu nghêu. Ông ta bước từng bước dõng dạc, từ tốn giữa đám rước. Giữa má ông ta có một cái lình rất to, xuyên suốt từ má này sang má bên kia. Chiếc lình bằng đồng, trông như cái đại đao của quan Vân Trường thu nhỏ, dài chừng 1 mét. Phía chuôi nhọn hoắt, to bằng ngón tay, chọc xuyên thủng qua hai má. Một người mặc quần áo xanh, hai tay có hai chiếc khăn đỏ, đỡ ngang một đầu lình. Một người nữa, hai tay kính cẩn giương cao một chiếc lọng xanh to tướng, che trên đầu ông áo đỏ xuyên lình. Phía sau, có nhiều các bà mặc áo xanh, áo đỏ, tay lần hạt, miệng liệm kinh. Người ta nói rằng, ông áo đỏ đang thăng đồng, thánh đã nhập.

Chúng tôi mở to mắt, lạ lùng nhìn chằm chặp vào hai miếng bìa màu vàng, hình tròn to bằng quả ổi, gián vào hai má, chỗ chiếc lình xuyên qua. Rõ ràng, không hề có máu chảy. Như vậy, hai cái lỗ ở má của ông xuyên lình phải to để cái lình xuyên qua chứ!

Quá trưa một tí, tự nhiên đám rước chùn ứ lại, rần rật, xôn xao cả lên. Chiếc kiệu của bà chúa Đông Ngàn và chiếc kiệu của ông thần Thành Hoàng của làng Tuần Lễ xoay ngang ra, chồm lên phía trước, rồi giật lại phía sau, cuối cùng xông bừa xuống ruộng, chạy vung cả nước lên. Hai chiếc kiệu cứ như say rượu, điên đảo ở giữa cánh đồng, lúa đã gặt rồi. Trên đường, hầu hết đám rước, già, trẻ, lớn, bé, đều quỳ mọp xuống đất, mặt đều hướng ra hai chiếc kiệu, lạy như tế sao, miệng khấn vái, cầu kêu inh ỏi. Chúng tôi lúc đó cũng xanh cả mắt, sợ quá cũng phải quỳ xuống theo mọi người. Người ta bảo, ông thần, bà chúa đang tức giận dân làng.

Câu chuyện thứ hai: Tôi nhớ rõ, lúc ấy khoảng năm 1947, tôi đã lên 9. Quê tôi vẫn còn nằm trong vùng kiểm soát của Việt Minh. Vào một buổi đó, tôi cùng mấy đứa bạn trốn học theo người ta sang một xã bên cạnh, xem một trận thư hùng của hai con gà chọi nổi tiếng trong khu vực. Thật không may cho tôi, trong khi tôi đang hớn hở vỗ tay hoan hô một "pha" gay cấn của hai con gà thì bố tôi đi với bác tôi, chợt ghé vào nhìn thấy. Điếng hồn, tôi bỏ đám gà chọi, lủi lẹ; cho đến chiều hôm ấy tôi cũng không dám về nhà. Tôi hiểu rằng, chắc chắn tôi sẽ bị một trận đòn nên thân. Đợi mãi lúc trời đã cập quạng, tôi mới dám mò về phía hồi sau của nhà tôi.

Không ngờ hôm đó nhà tôi lại có giỗ (tôi chưa biết giỗ ai). Trong nhà, họ hàng, chú bác đến đọc kinh râm ran đầy nhà. Phía sau nhà tôi có một bụi hóp rất rậm dọc theo chiều dài của ngôi nhà. Bụi hóp này là ranh giới giữa nhà tôi và nhà bên cạnh. Một mình tôi cứ lủi thủi, tuy bụng vừa đói vừa sợ bị đòn nhưng vẫn tò mò theo dõi một đàn kiến nghệ đang chuyền đất lên làm tổ ở một cành hóp. Bất chợt, tôi nhìn thấy xác một con rắn to nằm dài, ghếch lên những cành hóp ở giữa bụi. Cái xác rắn dài đến 1mét rưỡi, hãy còn ướt nguyên. Chứng tỏ con rắn vừa mới lột xong. Khoái quá, nhẹ tay, khéo léo lần mò lấy được cái xác rắn, không hề rách một tí nào. Lòng hí hửng, tay mân mê cái xác rắn. Tôi chợt nghĩ đến bố tôi, có lần, nói chuyện với khách, ông ta đã ca ngợi xác rắn làm thuốc chữa được rất nhiều thứ bệnh. Vừa có ý nghĩ để cho bố ngạc nhiên, vừa nghĩ có thể thấy xác rắn to và mới lột như vậy bố sẽ vui; may ra sẽ giảm hay tha cho trận đòn không chừng.

Nghĩ xong, tôi mò đến gian buồng của bố tôi. Qua cửa sổ hé mở, nhìn vào, giường bố tôi nằm ngay sát cửa sổ, đã bỏ màn. Trong màn trống trơn, chắc bố tôi cùng họ hàng đang đọc kinh ở gian nhà khách. Tôi thò tay vào khẽ kéo màn, đã dập dưới chiếu, cuốn tròn cái xác rắn, luồn đưa vào trong màn, rồi lại dập lại như cũ.

Khi đọc kinh xong, mùi xôi chè nồng lên, xông ra càng làm cho bụng tôi cồn cào. Chắc hẳn trong nhà đang chuẩn bị ăn. Không chịu được, tôi thập thò về phía nhà bếp, gặp ngay bà ngoại. Biết tôi đói, bà dúi cho tôi một nắm xôi và bảo: "Hôm nay là ngày giỗ ông nội mày, cứ về bố mày không đánh đâu. Có gì tao xin cho!" Tin bà, nên tôi đã theo bà tôi vào trong nhà, ăn uống với đám trẻ con.

Bố tôi không thích ăn đồ ngọt và nếp, nên kiếu khách vào buồng nằm nghỉ. Bỗng từ trong buồng, bố tôi chạy ra hớt hải kêu tướng: "Rắn, rắn"! Vừa kêu, bố tôi vừa vội vàng lấy cái đèn to ở giữa nhà cùng với một số đàn ông, xô vào trong buồng. Trong khi, bên ngoài trẻ con và đàn bà nhớn nhác, quýnh, dúm người lại. Dưới ánh đèn sáng trưng, trước mắt mọi người, bố tôi lôi từ trong màn ra một cái xác rắn to và dài thuỗn, hãy còn ướt. Để giữ muỗi, chân màn bố tôi đều dập chặt dưới chăn và chiếu, cửa màn đóng kín; mới một giờ trước đấy bố tôi ở trong màn ra gian nhà khách để đọc kinh. Vậy con rắn chui vào lối nào để lột" Và khi lột rồi thì con rắn ra lối nào" (Còn tiếp...)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.