Hôm nay,  

Hồi Ký: Tôi Tìm Tự Do (kỳ 96)

25/03/200800:00:00(Xem: 2522)

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Sáng hôm sau thức dậy, nghĩ lại những chuyện xảy ra tối hôm trước, tôi vẫn còn bàng hoàng, hoảng hốt. Tôi thực không ngờ mấy câu nói liều lĩnh của tôi vào giây phút cuối cùng lại có thể cứu sống cuộc đời tôi. Nếu tôi không nói những câu đó, không biết bây giờ, tính mạng tôi đã ra sao" Tôi cũng mong người công an Trung Cộng sẽ phiên dịch đầy đủ câu nói của tôi khi báo cáo lên thượng cấp. Như vậy, tôi hy vọng, số phận của tôi sẽ không đến nỗi bi đát. Nghĩ đến đó tôi lại băn khoăn tự hỏi, nếu người phiên dịch không tường thuật hết ý nghĩ câu nói cuả tôi thì sao" Và dù cho người công an làm nhiệm vụ thông ngôn có tường thuật hết ý nghĩa câu nói của tôi đi nữa, đã chắc gì thượng cấp Trung Cộng hiểu thấu quyết tâm "sẵn sàng chết, nhất định không chịu trở về VN" của tôi, khi họ không hề có mặt lúc câu chuyện xảy ra"
Sau một lúc suy nghĩ, tôi thấy tôi cần phải chủ động làm một cái gì cho rõ ràng, quyết liệt, để cho thượng cấp của công an Trung Cộng hiểu rõ lòng quyết tâm của tôi chứ tôi không thể âm thầm thụ động, trông chờ ở sự đồng cảm của họ. Nghĩ vậy, tôi liền quyết định viết một lá đơn xin tỵ nạn chính trị, gửi cho chính phủ Trung Cộng. Tôi hiểu, trong hoàn cảnh ngôn ngữ bất đồng như vậy, lời nói của tôi chắc chắn không giá trị bằng những gì viết trên giấy trắng mực đen. Một khi tôi trình bầy quyết tâm của tôi trong thư, dù là bằng tiếng Việt, chắc chắn sẽ được giới chức cao hơn quan tâm. Và nếu quả thiệt, lời nói của tôi tối qua có thể lay động trái tim của những người người công an Trung Cộng, thì chắc chắn những gì tôi viết trên giấy cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đối với giới chức hữu trách Trung Cộng.
Nghĩ vậy tôi liền gõ cửa, xin với người lính gác một tờ giấy và cây viết. Vì người lính gác không biết nói tiếng Việt nên tôi phải ra dấu một hồi. Khi hiểu, người lính gác chạy đi, nhưng không phải là đi lấy giấy mà là gọi Trung, người công an thông ngôn đến.
Trung mở cửa hỏi tôi, giọng thân mật:
- Phàn cố (anh Phạm) cần bút giấy để làm gì"
Tôi lễ phép:
- Thưa cán bộ, tôi cần viết một cái đơn gửi cho Vòa Coóc Phóng sếnh sáng (Hoa Quốc Phong tiên sinh).
Trong mấy ngày bị giam giữ, tôi đã lõm bõm học được một ít tiếng Quảng, nên sử dụng ngay.
Trung ngạc nhiên không hiểu:
- Vòa Coóc Phóng là ai"
Tôi biết vì quá bất ngờ nên Trung không hiểu ý của tôi. Tôi nói rõ hơn:
- Hoa Quốc Phong Chủ tịch nước Trung Hoa đó, cán bộ.
Trung càng ngạc nhiên hơn:
- Phàn cố cũng biết Chủ tịch nước Hoa Quốc Phong của chúng tôi nữa sao"
Tôi nói rõ hơn:
- Thưa anh, tôi còn biết Hoa Quốc Phong là Chủ tịch Quốc Vụ Viện (chức vụ tương đương thủ tướng), và Chủ tịch Hội Đồng Quân Uỷ Trung Ương (chức đảng cao nhất trong quân đội Trung Cộng) nước Trung Hoa nữa đó.
Trung ngạc nhiên và thích thú:
- Ồ, Phàn cố giỏi quá nhỉ! Để tôi đi lấy giấy bút....
Khoảng mười phút sau, Trung bước vô nói giọng vui vẻ:
- Giấy bút đã có đầy đủ rồi. Mời Phàn cố ra bàn ngoài này ngồi viết cho thoải mái.
Tôi bước ra ngoài thấy trên chiếc bàn hỏi cung, ngoài giấy bút, còn có một ly nước, một bình trà và một đĩa kẹo sữa, loại vẫn thường thấy bán ở Hà Nội, Hải Phòng...
Trung rót trà mời tôi và nói:
- Phàn cố yên tâm, chúng tôi sẽ báo cáo nội vụ đêm qua lên thượng cấp, và bảo đảm Phàn cố sẽ không bị trả về Việt Nam đâu.
Tôi cảm ơn Trung, giọng xúc động thật sự:
- Nói thực với cán bộ, tôi thực sự là một nạn nhân của cộng sản Việt Nam. Nếu còn sống ở Việt Nam, sớm muộn gì tôi cũng sẽ bị cộng sản Việt bắt và giết. Vì vậy bây giờ may mắn tôi đã đến được đất nước Trung Hoa, tôi nhất định không khi nào trở lại Việt Nam. Dù chết tôi cũng không về. Nhờ anh nói dùm với thượng cấp của anh để họ hiểu lòng quyết tâm của tôi là như thế.
Trung gập đầu hứa sẽ tận tình giúp đỡ tôi. Sau đó Trung mời tôi hút thuốc, uống trà, ăn kẹo..., rồi để tôi một mình ngồi viết thư "gửi Chủ tịch Hoa Quốc Phong".
Chuyện này xảy ra cách đây ngót 30 năm, nhưng tôi vẫn nhớ như in trong óc, vì ngay chiều hôm đó, tôi được chuyển về ở khách sạn Hồng Kỳ (tiếng Tàu gọi là Chiêu Đãi Trạm), được cấp giấy bút, nên tôi có viết nhật ký, ghi lại những sự kiện quan trọng này. Những cuốn nhật ký đó hiện tôi vẫn còn giữ, trong đó có cả những bài học tiếng Hoa đầu tiên của tôi.
Hôm đó, trong lá thư viết đề ngày 5, hay 6 tháng 10 năm 1979, tôi có ghi rõ trên đầu lá thư: "Kính gửi Ngài Hoa Quốc Phong". Hàng chữ này tôi viết chữ in, thiệt lớn, gần hết bề ngang trang giấy. Ba dòng kế tiếp, tôi viết chữ hoa, nhỏ hơn, mỗi dòng là một chức vụ của Hoa Quốc Phong: Chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Chủ tịch Quốc Vụ Viện nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Chủ tịch Hội Đồng Quân Ủy Quân Đội Nhân Dân Trung Hoa". Dưới ba dòng này là dòng chữ hoa, viết lớn: "Đơn Xin Tỵ Nạn Chính Trị của Phạm Thái Lai".
Phần kế tiếp, tôi ghi rõ tên họ (Phạm Thái Lai), ngày sanh, nơi sanh, nghề nghiệp, cùng hoàn cảnh tôi bị cộng sản Việt Nam bắt bỏ tù, phải vượt ngục, vượt biên sang Trung Quốc để xin tỵ nạn chính trị như thế nào. Ngoài ra, tôi cũng ghi rõ họ tên, địa chỉ của những người thân hiện ở ngoại quốc.
Sau đó, tôi viết: "Tôi tin tưởng, Trung Quốc là một quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc, nên Trung Quốc có trách nhiệm thi hành Hiến Chương của LHQ về vấn đề tỵ nạn. Vì vậy, tôi long trọng yêu cầu ngài Chủ tịch chấp thuận đơn xin tỵ nạn chính trị của tôi, cho phép tôi được tạm thời định cư ở Trung Quốc trong thời gian tôi chờ đợi được tái định cư với thân nhân ở ngoại quốc. Tôi long trọng bảo đảm, tất cả những gì tôi trình bầy trong thư này là hoàn toàn đúng sự thật. Nếu quý quốc điều tra, phát hiện bất cứ điều gì giả trá, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm, và nếu cần tôi chấp nhận bị tử hình vì những giả trá đó."


Cuối cùng, tôi viết lại câu tôi đã nói trên cầu sông Ka Long: "Tôi cũng xin khẳng định, trước sau như một, tôi cương quyết không trở lại Việt Nam. Tôi đến với quý quốc để xin tỵ nạn vì tôi đinh ninh quý quốc là bạn. Nếu quý quốc có ý định trả tôi lại VN, thì xin cứ việc đem tôi bắn bỏ. Vì tôi biết, nếu cộng sản Việt Nam bắt được tôi, chúng cũng sẽ bắn tôi chết. Do đó tôi nghĩ, thà tôi bị bắn chết trong tay những người tôi coi là bạn còn hơn bị bắn chết trong tay những kẻ tôi coi là thù."
Cuối thư tôi đề Đông Hưng, ngày... tháng... năm, Phạm Thái Lai rồi ký tên. Xong tôi trao lá thư cho người công an Trung Cộng đang ngồi trong phòng trực. Trở về phòng, ngồi chưa được 5 phút thì một người công an mở cửa dắt tôi đi ăn trưa. Khác hẳn những lần trước hai tay bị còng, lần này, tôi không bị còng, và người công an dắt tôi đi cũng không đeo súng AK mà chỉ mang súng ngắn...
Bước vào nhà hàng tôi cũng thấy không khí khác hẳn. Nhiều người Hoa thập thò nhìn tôi, nhưng thay vì những ánh mắt nghi kỵ, ác cảm của mấy hôm trước, bây giờ là những ánh mắt thân ái, những nụ cười thiện cảm. Một hạnh phúc bất ngờ đến với tôi là người bưng món ăn ra cho tôi hôm nay là bà Thìn. Bà nhìn tôi cười vui vẻ:
- Sao A Lồi hôm nay có khỏe không"
Tôi lúng túng chưa kịp đáp thì bà đã nói tiếp:
- Cậu gan cóc tía lắm!
Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Sao bà nói vậy"
- Đừng gọi tôi là bà, gọi tôi là thím đi cho thân mật...
Tôi cảm động hỏi bà:
- Sao thím bảo cháu gan cóc tiá"
- Thì nghe mấy ông công an nói, cậu nói câu gì hay lắm đó... Thà bị chết trong tay pằng dẩu (bạn hữu) Trung Quốc còn hơn chết trong tay kẻ thù cộng sản Việt Nam. Có phải vậy không"
Tôi ngẩn người. Thiệt không ngờ câu nói của tôi tối hôm trước đã lan nhanh và gây ấn tượng mạnh mẽ đến nhiều người như vậy. Sau này, có nhiều người gặp tôi cũng đã nhắc lại câu nói đó. Mọi người đều coi câu nói của tôi như là một bằng cớ, chứng minh, trong cuộc xung độc giữa cộng sản Việt Nam và cộng sản Trung Cộng lúc đó, cộng sản Việt Nam là kẻ phi nghĩa, bị ngay chính người Việt Nam như tôi ruồng bỏ, chống đối.
Bữa cơm hôm đó cũng thịnh soạn hơn trước vì có thêm món đậu hũ nhồi thịt và cá chiên nấu ám. Sau đó còn có trái cây tráng miệng. Thời gian ăn trưa cũng rộng rãi hơn, phải tới hơn một tiếng đồng hồ.
Thấy cung cách đối xử của mọi người, tôi rất mừng và đinh ninh cuộc đời của tôi sẽ càng ngày càng sáng sủa. Biết vậy, nhưng tôi không thể ngờ, ngay chiều hôm đó, tôi đã được hưởng ngay những đãi ngộ đặc biệt của chính phủ Trung Cộng....
Trưa hôm đó, ăn cơm xong, tôi lại trở về phòng giam nằm ngủ trưa. Đầu tôi vẫn gối trên hòn gạch, nằm vẫn trên sàn nhà lạnh lẽo. Chỉ có điều cách cửa của phòng giam chỉ đóng lại mà không khoá. Đó là dấu hiệu tốt lành cho tôi rồi. Tôi nghĩ vậy và đi vào giấc ngủ...
Đang thiu thiu ngủ, bỗng nhiên có người đánh thức, tôi ngồi dậy, trong nỗi bàng hoàng, nhưng cũng nhìn thấy trước mặt mình có 5, 6 người Trung Cộng cao to, mặc áo đại cán 4 túi, may bằng loại vải nỉ "cao cấp", đang đứng nói chuyện xì xồ với Trung thông ngôn. Nhìn bộ điệu khúm núm của Trung, tôi hiểu, mấy người Trung Cộng mới tới là cán bộ có cấp bậc cao hơn Trung nhiều.
Sau khi nghe một hồi, gật đầu vâng dạ lia lịa một hồi, Trung  quay sang tôi nói:
- Sau khi nhận được đơn xin tỵ nạn của "đồng chí", các đồng chí "đặc uỷ" thấy vì nhu cầu an ninh nên có lệnh yêu cầu "đồng chí" phải chuyển chỗ ở ngay bây giờ.
Tôi giật mình vì hai tiếng "đồng chí" Trung gọi tôi. Tôi chẳng ưa gì hai tiếng này, cho dù nó chỉ có nghĩa chỉ những người cùng chung chí hướng. Trước 1930, từ "đồng chí" được dùng rộng rãi để chỉ những Việt yêu nước đấu tranh chống thực dân Pháp, nhưng từ 1930 trở về sau, vì người cộng sản Việt Nam đã sử dụng nó quá nhiều, khiến hai chữ "đồng chí" bị cộng sản hóa, làm cho nhiều người thấy dị ứng với nó. Nhưng trong hoàn cảnh của tôi lúc đó, khi nghe Trung gọi tôi là "đồng chí" tôi rất mừng, vì điều ấy chứng tỏ, giới chức hữu trách của Trung Cộng đã không còn coi tôi là gián điệp của cộng sản Việt Nam, ít nhất là bề ngoài. Tôi cũng biết rằng, bản thân Trung thông ngôn không phải là người có thẩm quyền được dùng hai chữ "đồng chí" khi gọi tôi, mà phải có sự chấp thuận của những cán bộ Trung Cộng cao cấp hiện diện. Khi nghe gọi "đồng chí", tôi nhớ ngay buổi tối đầu tiên bước vô đồn công an, cán bộ Ngô cũng đã gọi tôi là "đồng chí" khi gọi cho tôi tô hủ tiếu...
Vì tôi chẳng có đồ đạc, quần áo gì, nên ngay sau khi nghe Trung nói vậy, tôi đứng dậy theo mấy người công an đi ra ngoài. Ra đến sân đồn công an, tôi thấy có hai chiếc comangca đậu sẵn. Một người công an chỉ cho tôi lên ngồi ở băng sau của chiếc xe đậu phía sau. Lần này, tôi không bị còng tay, cũng không bị bịt mắt. Mọi người trong xe nói chuyện ầm ĩ, thái độ vui vẻ. Trong số 5 người cán bộ, chỉ có một người lên chung xe với tôi, ngồi ở ghế trước, bên tay phải của tài xế. Còn lại, lên chiếc xe phía trước.
Xe chạy vòng vèo trong thị trấn Đông Hưng mà ấn tượng duy nhất trong đầu óc tôi là đường rất xóc vì đường phố Đông Hưng không trải nhựa mà lót bằng những phiến đá tảng to, đủ hình dạng khác nhau. Nhà cửa trong thị trấn Đông Hưng phần lớn đều làm bằng gỗ, hai tầng, liền san sát. Người Trung Quốc, đúng là "muôn người như một", đàn bà, đàn ông đều ăn mặc giống nhau, áo quần cùng mầu xanh nước biển đậm, cũ kỹ, bạc mầu và ngắn cũn cỡn. Đàn ông, ai cũng cắt tóc cao; đàn bà con gái ai cũng kết tóc đuôi sam thành hai sợ vắt vẻo hai bên vai. Cả đàn ông, đàn bà đều mặc quần cộc trên mắt cá cả gang tay và đi rất vội vã, như chạy.
Xe chạy khoảng 10 phút thì dừng lại. Tôi bước xuống xe và nhìn thấy ngay trước mắt là một tòa nhà bê tông nhiều tầng, bề thế, trông giống như một chung cư. Ngay phía ngoài có một tấm biển bằng gỗ thật lớn màu vàng, trên có mấy chữ Tàu màu đỏ, thiệt to. Sau này tôi mới biết đó là chữ Hồng Kỳ Chiêu Đãi Trạm.
Bước qua hai chiếc cửa gỗ to lớn và nặng nề, tôi thấy ngay căn phòng đầu tiên ở bên tay trái có một chiếc bàn dài, trải khăn bàn màu trắng, chung quanh có hơn chục chiếc ghế, trong đó có nhiều chiếc đã có người ngồi. Tất cả đều có dáng vóc bệ vệ, mặt mũi đều hồng hào, quần áo đắt tiền. Cuối bàn là một người cũng mặc áo công an đại cán (4 túi), nhưng gương mặt quen quen, nhìn tôi mỉm cười. Trong nhất thời, tôi chưa nhận ra ông. Một người công an kéo chiếc ghế ở đầu bàn bên này, ra dấu cho tôi ngồi xuống... Tôi ngồi xuống trong sự rụt rè, bỡ ngỡ, nhưng trong lòng rất vui vì tất cả có những dấu hiệu cho tôi thấy tôi đang gặp may mắn. Nhưng may mắn đến mức nào và may mắn như thế nào thì tôi chưa đoán ra được... (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.