Hôm nay,  

Tin Nước Úc

31/01/201000:00:00(Xem: 2813)

Tin nước Úc

GIÁO SƯ PATRICK MCGORRY LÀ CÔNG DÂN ÚC XUẤT SẮC NĂM 2010

CANBERRA: Chuyên gia về tâm thần của thanh thiếu niên, giáo sư Patrick McGorry, đã được công nhận là Công Dân Úc Ưu Tú Năm 2010 (Australian of the Year). Thủ tướng Rudd vừa công bố tin này trong một buổi lễ ăn mừng hôm chiều Thứ Hai 25/1/10 vừa qua tại Quốc Hội ở Canberra.
Giáo sư McGorry, cư dân của Victoria, đã năng nổ làm việc để giúp đỡ thanh thiếu niên bị bệnh tâm thần trong suốt 30 năm qua. Ông cho biết ông vô cùng xúc động khi được trao giải thưởng này. Ông nói: “Đây là một niềm vinh hạnh tột độ và tôi cũng nhận thức được rằng đấy cũng là một trách nhiệm vô cùng to lớn. Mỗi người chúng ta đều phải có cơ hội làm những điều tốt đẹp, để ai cũng có thể cố gắng tạo nên một sự thay đổi tốt đẹp hơn”.
Giáo sư McGorry là tổng giám đốc của tổ chức Orygen Youth Health (OYH) đồng thời là giám đốc của Quỹ Y Tế Tâm Thần Thanh Niên Toàn Quốc (National Youth Mental Health Foundation), một quỹ từ thiện còn được biết đến với tên Headspace. GS McGorry chia sẻ với ký giả của chương trình 7.30 Report trên đài truyền hình quốc gia ABC rằng giải thưởng mà ông nhận được là “sự trưởng thành của lãnh vực y tế tâm thần”.
TT Rudd ngợi khen những đóng góp của GS McGorry trong lãnh vực này và cám ơn ông đã nâng cao sự quan tâm về bệnh tâm thần trong giới trẻ ở Úc. TT Rudd nói: “Tầm ảnh hưởng lớn lao của công việc mà ông đã làm, con số những người trẻ tuổi ở Úc và gia đình của họ có cuộc sống được cải thiện, và giá trị của sự đóng góp của ông cho đất nước chúng ta không bao giờ có thể được đo lường nổi. Với giải thưởng này, chúng ta công nhận rằng, GS McGorry là một nhà lãnh đạo mà quyết tâm, lòng nhân ái và sự cống hiến cho việc am tường và điều trị bệnh tâm thần của giới trẻ chẳng những đã tạo ảnh hưởng tốt đến nhiều cuộc sống mà còn ảnh hưởng đến cả đường lối của quốc gia trong việc can thiệp, ngăn ngừa và chữa trị bệnh tâm thần. Ông quả là một người xứng đáng nhận lãnh giải thưởng và tôi xin chúc mừng ông đã được trao danh vị Công Dân Úc Xuất Sắc Nhất Trong Năm 2010”.
Ngay sau khi được trao giải thưởng thì GS McGorry đã mạnh dạn lên tiếng kêu gọi chính phủ cho phép người tầm tỵ được sống tự do trong xã hội thay vì bị giam giữ ở những trại tạm giam như đảo Giáng Sinh (Christmas Island). Ông tuyên bố với ký giả sau khi nhận lãnh giải thưởng rằng: “Các trại tạm giam đó là nơi mà người ta có thể miêu tả chúng như là những nhà máy sản xuất bệnh tâm thần và sự rối loạn tâm trí”. GS McGorry thẳng thắn lên tiếng chỉ trích chính sách bắt buộc giam giữ người tầm tỵ trên đảo Giáng Sinh. Ông nhấn mạnh rằng những người tầm tỵ thường gặp nhiều khó khăn lớn lao về sức khỏe tâm thần và sự giam giữ họ lại càng khiến tình hình trở nên tệ hại hơn. Ông tuyên bố rằng chính sách ấy “là cả một đại nạn mà chúng ta phải không bao giờ lập lại một lần nữa vì nó thực sự đẩy lùi thế giới trong đó có quốc gia chúng ta”.

TRONG 6 THÁNG DÂN VIC THUA $1,36 TỶ

MELBOURNE: Người dân Victoria đã thua hơn $1,36 tỷ Úc Kim cho những máy kéo (pokies) trong 6 tháng vừa qua. Những con số từ Ủy Ban Kiểm Soát Bài Bạc Victoria (Victorian Commission for Gambling Regulation- VCGR) cho thấy số tiền mà người dân chi ra cho 26.772 cái máy kéo pokie tại các quán nhậu của tiểu bang này cao ở gần mức kỷ lục. Tuy nhiên con số thua thiệt thất thoát vì máy kéo này ở Victoria có hơi ít hơn con số $1,398 tỷ Úc Kim cùa thời gian tương đương trong năm trước đó.
Thế nhưng, con số này chưa kể đến 2.500 cái máy kéo của song bạc Crown Casino.
Ông Tim Costello, một người chuyên hoạt động chống bài bạc cho biết con số $1,36 tỷ này quả là một con số không tưởng tượng nổi. Ông nói: “Người dân Victoria quá chán ngấy sự nghiện ngập bài bạc cũng như những tội ác và những vụ gia đình đổ vỡ vì máy kéo pokies rồi. Họ muốn có được một giải pháp cho những vấn đề này”. Ông cũng cho biết thêm rằng chính phủ tiểu bang có thể có hành động rõ rệt để giảm thiểu những tổn thất cho các gia đình. Ông nói: “Một bản tường trình của Ủy Ban Năng Suất được phổ biến trước Giáng Sinh đã khuyên nên giảm thiểu độ quay nhanh của máy, nơi mà người ta có thể thua đến $1.200 một giờ”.
Ông cho rằng Victoria có những cái máy kéo pokies “đói nhất và nhanh nhất” thế giới và đã đến lúc chuyện này phải thay đổi. Ông nói: “Điều duy nhất cản ngăn chính phủ tiểu bang để làm chuyện này là họ đã nghiện số tiền thu nhập dễ dàng ấy rồi”. Những con số của VCGR cho thấy chỉ trong tháng 12/09 thì cả tiểu bang đã thua mất $221 triệu, cao hơn tháng 11/09 là $10 triệu.
Thành phố Brimbank thua thiệt nhiều nhất với gần $71 triệu bị mất tại những vùng Sunshine, St Albans và Deer Park.
Phát ngôn nhân đối lập tiểu bang về bài bạc, ông Michael O’Brien nói rằng chính cuộc nghiên cứu của Chính phủ tiểu bang cho thấy số tiền thua cho máy kéo gia tăng trong lúc số người kéo máy sụt giảm. Ông nói: “Đã đến lúc mà chính phủ Brumby phải ngưng ngay việc đặt thu nhập lên trên trách nhiệm và bắt đầu tấn công vấn nạn nghiện ngập bài bạc với sự hăng hái năng nổ tương tự như sự hăng hái năng nổ thu thập tiền bạc từ những người nghiện bài bạc”.
Phát ngôn nhân của bộ trưởng bài bạc Tony Robinson từ chối không phát biểu gì cả.

THỦ TƯỚNG KEVIN RUDD NHẤT ĐỊNH CẢI TỔ Y TẾ

CANBERRA: Theo nhật báo The Australian ngày 26/1/10 vừa qua, thủ tướng Kevin Rudd đã hứa sẵn sàng phá vỡ mọi sự chống đối từ những kẻ có quyền lợi ích kỷ cá nhân trong lãnh vực y tế để cải tổ hệ thống y tế đang vất vả chật vật  hiện nay. Tuy nhiên lãnh tụ đối lập liên bang Tony Abbott đã chế nhạo lời hứa hẹn của ông Rudd và tiên đoán rằng ông Rudd sẽ ngã quỵ trước sự đề kháng của những nhóm có quyền lợi riêng không chấp nhận thay đổi, chẳng hạn như các công đoàn y tế. Sự đụng độ của hai vị lãnh tụ xảy ra sau khi hội Đồng Thương Nghiệp Úc (Business Council of Australia- BCA) yểm trợ nhu cầu cải tổ lãnh vực y tế nhưng đồng thời cũng làm áp lực với ông Rudd để chấm dứt những cuộc tham khảo và điều tra để tiến thẳng với việc đưa ra quyết định về những thay đổi này.
Hôm Chúa Nhật 24/1/10, ông Rudd công bố rằng năm 2010 sẽ là năm của sự cải tổ y tế và đồng thời lên tiếng cảnh cáo sự leo thang chi phí về y tế khó thể nào tiếp tục chịu đựng được và sẽ ngày càng trở nên tệ hại hơn bởi vì sự lão hóa của dân số. Những lời tuyên bố này được đưa ra sau 2 năm điều tra và tham khảo về những sự cải tổ y tế khả dĩ được đề ra và sau lời hứa hẹn của ông Rudd năm 2007 là sẽ giật quyền kiểm soát điều hành các bệnh viện công từ các chính phủ tiểu bang nếu họ không cải thiện cách hoạt động của họ. Cuối năm ngoái, nhiều nhóm vận động y tế lên tiếng yêu cầu ông Rudd hãy đừng nói nữa mà hãy thực hiện sự cải tổ.
Khi được nhật báo The Australian hỏi xem ông có sẵn sàng để chống lại sự ngăn cản chắc chắn có từ giới bác sĩ, y tá và những giới khác trong hệ thống y tế hay không, thì qua một phát ngôn nhân, ông Rudd cho biết: “Chính phủ biết rất rõ rằng sẽ có một vài người chống đối lại sự cải tổ nền y tế. Và đấy là một chuyện lúc nào cũng xảy ra với những sự cải tổ đáng kể và luôn luôn xảy ra với những sự cải tổ quan trọng về y tế”.
Ông Tony Abbott tuyên bố rằng ông Rudd “chỉ giỏi nói chứ không giỏi làm”, và sẽ không đủ can đảm để chống lại những công đoàn quyền thế trong lãnh vực y tế.  Ông nói: “Chuyện duy nhất mà chúng ta có thể biết chắc được là chuyện sẽ không có một sự cải tổ thực thụ nào về y tế dưới sự lãnh đạo của ông Rudd cả. Sẽ có thật nhiều cuộc nói chuyện, sẽ có những cuộc tái duyệt bất tận, nhưng không có sự thay đổi thực thụ nào cả, ngoại trừ việc thay đổi tệ hại hơn”.

HỌC SINH LƯU MANH NGAY TỪ NĂM LỚP 8

NSW SOUTH COAST: Giới thẩm quyền kiểm soát các công ty đã bắt đầu một cuộc điều tra sau khi một nam sinh lớp 8 đã gài mánh rửa tiền trị giá hơn $200.000 Úc Kim qua trương mục của nhiều ngân hàng hàng đầu của Úc. Cậu thiếu niên cư dân mà danh tính không được luật pháp cho phép tiết lộ là cư dân vùng South Coast ở NSW này. Hiện nay 17 tuổi, cậu đã từng mở vài chục chương mục ở nhiều ngân hàng khác nhau và đồng thời có một lô thẻ chiết khấu (debit card) trong suốt 3 năm qua để lường gạt người khác lấy tiền. Khi mẹ cậu nài nỉ các ngân hàng hãy cấm không cho cậu mở trương mục hoặc thẻ debit nữa thì họ làm ngơ hoặc từ chối không thảo luận với bà.  Bà mẹ khốn khổ này nói: "Họ cho phép một đứa trẻ vị thành niên rửa một món tiền mặt khổng lồ qua những chương mục mà không thèm chăm chú kiểm tra gì cả. Cho đến ngày hôm nay nó vẫn được đối xử như một khách hàng sộp đáng quý".
Năm 2007 bà tìm được cuốn nhật ký của cậu con trai, lúc bấy giờ mới 14 tuổi, ghi chép những vụ lường gạt trị giá nhiều ngàn Úc Kim liên quan đến việc rao bán đấu giá qua mạng eBay những cái máy điện toán di động laptop, máy điên thoại lưu động  và đồng hồ mà không có hàng để giao. Những người thắng các vụ đấu giá này gửi tiền vào chương mục của cậu để chờ cậu gởi những món hàng không hề có này cho họ.
Nhiều ngày cậu kiếm được $6.000 Úc Kim. Và thế là cậu bắt đầu sống nếp sống của một tay playboy giầu có kiểu Hồ Ly Vọng. Cậu bỏ ra $4.300 để thuê một đêm căn phòng penthouse sang trọng ven Sydney Harbor để ngủ chơi cho thỏa chí. Cậu thuê xe limousine chở cậu từ nhà ra bãi biển.
Bà mẹ đau khổ chia xẻ: “Năm 2007 thằng con tôi ung dung bước vào ngân hàng Commonwealth với cái giấy khai sanh của nó và dẫn theo một đứa bạn 18 tuổi. Khi thằng bạn ấy tự xưng là người giám hộ của nó thì ngân hàng cho nó mở chương mục. Đấy là sự khởi đầu của tất cả mọi chuyện”.
Từ dạo đó thì các ngân hàng Westpac, Bank of Queensland, ANZ, Credit Union Australia, NAB và tổ hợp Hume Building Society đều có mở chương mục ngân phiếu và thẻ visa chiết khấu (visa debit) cho cậu. Bà mẹ cho biết tiếp: “Thằng con tôi còn một cái mánh khóe gạt gẫm khác nữa. Nó bỏ một ít tiền vào thẻ chiết khấu rồi sau đó rút thật nhiều tiền ra khỏi chương mục, lên đến $1.500 Úc Kim mỗi thẻ. Kẽ hở ở đây là ngân hàng để cho người có thẻ chiết khấu được rút quá $1.500 trước khi khóa chương mục. Một khi chuyện này xảy ra thì nó lại mở một chương mục khác”.
Năm 2008 cậu thiếu niên lưu manh này bị truy tố với 8 tội lường gạt. Trong lúc được tại ngoại hầu tra thì cậu lại tái phạm 10 lần. Ấy vậy mà cho đến ngày hôm nay cậu chỉ bị tạm giam có một tuần lễ mà thôi. Mẹ cậu cho rằng cách duy nhất để ngăn ngừa cậu tái phạm là phải liên lạc hết tất cả mọi ngân hàng. Bà nói: “Tôi bảo họ rằng thằng con tôi dính líu đến một vụ lường gạt thẻ tín dụng nghiêm trọng và bày tỏ sự quan ngại về việc nó có thể dễ dàng liên tục mở chương mục mà không cần thảo luận với tôi. Ngân hàng Commonwealth là ngân hàng duy nhất trả lời tôi”.
Trong một lá thơ đề ngày 12/2/2009, ngân hàng khẳng định rằng họ không hề làm gì sai quấy cả, và viết thêm: “Thật đáng tiếc là ngân hàng không thể nào phổ biến thêm chi tiết nào khác nữa vì những giới hạn về riêng tư các nhân (privacy constraints)”,
Cậu thiếu niên này vẫn tiếp tục sống một cuộc sống sang cả. Bà mẹ cay đắng nói: “Đôi khi nó đi tẩm quất làm đẹp ban ngày (day spa), những lúc khác thì là những vụ đi mua sắm đồ xa xỉ sang trọng. Nó trở về nhà sau mỗi bận với giỏ Louis Vuitton, quần áo Versace, đồng hồ Prada. Chuyện mà con tôi cần vào lúc này là một bác sĩ tâm thần và ngân hàng thú nhận trách nhiệm liên đới của họ”.
Khi bà mới dọn về NSW South Coast với hai đứa con trai vào tháng 1/2007 thì bà có gặp nhiều khó khăn về tài chánh. Bà chua xót kể lại: “Có một thời điểm thì thằng con nhỏ của tôi và tôi phải ăn súc sích và khoai tán sáu ngày liên tiếp. Nó về nhà sau khi bỏ ra $400 đi ăn nhà hàng Thái với bè bạn, rồi vất hộp đồ ăn về phía chúng tôi và nói: “Nè, cho mấy người đồ ăn thừa của tụi này đó”.”.

TONY ABBOTT BỊ TẤN CÔNG LÀ CỐ TÌNH CHƠI LÁ BÀI CHỦNG TỘC

CANBERRA:  Một bài diễn văn của lãnh tụ đối lập liên bang Tony Abbott bị chỉ trích là đã tạo tổn thương và đã được viết ra với mục đích là chơi lá bài kỳ thị chủng tộc trước Ngày Quốc Khánh Úc. Tuy nhiên, ông Abbott đã bào chữa cho bài diễn văn của ông và cho rằng trong khi những kẻ quá khích chống di dân thì những người yểm trợ tranh đấu cho người tỵ nạn lại quá hấp tấp để chụp mũ những người lên tiếng chỉ trích chương trình di dân và tỵ nạn là bọn lỗ mãng thô bỉ (redneck). Ông cho biết ông yểm trợ việc thâu nhận nhiều di dân và miêu tả bài diễn văn của ông như “một sự bảo vệ tân thời về một chính sách rất truyền thống”.
Ông nói: “Tôi không nghĩ rằng người ta có thể chạy trốn và chối bỏ những vấn đề mà một số người có thể có về chương trình thâu nhận di dân định cư. Tôi chỉ nhắc nhở người ta về những lý do về lợi ích quốc gia của chương trình thâu nhận di dân nhưng tôi cũng nhắc nhở người di dân rằng việc di trú của họ cũng phải vì lợi ích của quốc gia nữa.”
Tuy nhiên, ông Abbott lại lập lại lời tuyên bố của ông trong bài diễn văn là một vài nhóm di dân đã không tôn trọng những giá trị dân chủ và dùng những người yểm trợ cựu giáo sĩ chủ tế (mufti) của Hồi Giáo ở Úc là Sheikh Taj al-Din al-Hilaly làm thí dụ điển hình. Ông nói: “Tôi không nói rằng có những nhóm nào đó có vấn đề đó. Sheik Hilali nói chuyện với một đám đông khi ông ta phát biểu. Có lẽ có một vài người trong số đó có cùng quan điểm với ông ta”.
Tuy nhiên, những người tranh đấu cho nhân quyền cùng nhiều chính trị gia khác nhau đều lên tiếng mạnh mẽ chỉ trích bài diễn văn của ông Abbott hôm thứ Sáu 21/1/10 tại Australia Day Council ở Melbourne. Trong bài diễn văn này ông cho rằng người dân Úc có sự băn khoăn lo lắng “rằng cái phần thưởng lớn lao là quyền công dân Úc không được đáng giá đủ đúng đắn và được trao tặng một cách quá dễ dàng, hời hợt”. Bà Marion Lê, một người không xa lạ với cộng đồng tỵ nạn cộng sản Việt Nam cũng như các cộng đồng tỵ nạn khác, một người chuyên tranh đấu cho nhân quyền và đồng thời là cựu chủ tịch của Hội Đồng Độc Lập Yểm Trợ Và Tranh Đấu Cho Người Tỵ Nạn (Independent Council for Refugee Advocacy) cho biết bà đã xem đi xem lại bài diễn văn ấy nhiều lần và thấy “thất vọng” với nhiều phần được nhấn mạnh trong bài diễn văn ấy.  Bà nói: “Cái ý tưởng của ông Tony Abbott rằng người ta không xem trọng quyền công dân Úc của họ là một sự sai lầm hoàn toàn”.
Bà Marion cũng cho biết thêm rằng ngôn ngữ của ông Abbott sẽ khiến cho nhiều người bị xúc phạm và ngôn ngữ của ông mang đầy tính chia rẽ. Bà tin rằng bài diễn văn của ông Abbott cho thấy “một sự suy nghĩ rối rắm”. Bà nói: “Ông ta thực sự chưa suy nghĩ rốt ráo rạch ròi về quan điểm của chính ông ta về vấn đề di trú, về người tỵ nạn và về những vấn đề liên quan đến định cư”.
Bà nhấn mạnh rằng một mặt thì ông tuyên bố yểm trợ mức thâu nhận di dân cao thế nhưng, mặt khác thì ông lại biện luận rằng nếu làm như thế (thâu nhận nhiều di dân) sẽ dẫn đến sự gia tăng của các băng đảng sắc tộc. Bà nói: “Ông ta có khả năng nhận thức sâu sắc hơn thế nhiều”.
Chủ tịch của Hội đồng Tỵ Nạn Úc (Refugee Council of Australia) ông John Gibson cho rằng ông Abbott cố thổi lại sinh khí cho cuộc tranh luận về vấn đề bảo vệ biên cương mà không thèm đánh giá đúng đắn tất cả những nguyên tố liên hệ. Ông nói: “Những lời bình luận của ông ta hoàn toàn gác sang một bên trách nhiệm của chúng ta đối với Công Ước Quốc Tế về Người Tỵ Nạn là đối xử và xét xử thật nhân đạo với những người đến bến bờ của chúng ta”.

NỬA TRIỆU NGƯỜI GIẢ BỆNH ĐỂ NGHỈ “LONG-WEEKEND”

CANBERRA: Một cuộc khảo cứu cho thấy có khoảng 500.000 người đã giả vờ bị bệnh hôm thứ Hai 25/1 để lấy được một “cuối tuần dài ngoằng” (long-weekend) bởi vì ngày nghỉ Quốc Khánh lại lọt vào Thứ Ba 26/1.  Tuy nhiên, những người lao động giả vờ bệnh để lấy ngày nghỉ đã bị miệt thị là “không Úc tí nào” (un-Australian). Tổng giám đồc của Hiệp Hội Bán Lẻ (Retailers Association) ông Scott Driscoll nói: “Những kẻ ích kỷ quay lưng lại bạn bè nơi làm việc và để họ phải gánh vác công vịêc nặng nhọc còn mình thì thảnh thơi ngoài bãi biển hay nhâm nhi ly bia trong quán quả là những thằng lười nhác không có phong thái Úc chút nào cả (un-Australian bums). Đáng tiếc là ngày hôm nay sẽ có quá nhiều những kẻ này”.
Theo một cuộc khảo cứu của công ty Direct Health Solutions chuyên đối phó với nạn nghỉ bừa (absence-management firm) thì sự gia tăng trong con số những người lấy ngày nghỉ bệnh hôm Thứ Hai 25/1 sẽ khiến cho kinh tế Úc bị thiệt hại $257 triệu Úc Kim.
Ông Nick Behrens, tổng giám đốc về chính sách tại Hiệp Hội Thương Mại và Kỹ Nghệ Queensland (Chamber of Commerce and Industry in Queensland) cho rằng những người lao động nào giả bệnh để nghỉ đều là những người ích kỷ. Ông nói: “Nếu con số phỏng đoán này trở thành sự thật thì chắc chắn sẽ có một ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến nền kinh tế, và vì thế, chúng tôi kêu gọi tất cả mọi nhân viên hãy có trách nhiệm với bạn đồng nghiệp và với chủ nhân và đi làm”.

BỆNH NHÂN NGUY KỊCH BỊ BỆNH VIỆN TỪ CHỐI ĐIỀU TRỊ

SYDNEY:Một người đàn ông có nguy cơ thiệt mạng vì ông bị bệnh sưng ruột dư cấp tính (acute appendicitis) nhưng đã bị đuổi về nhà và bảo trở lại bệnh viện sau hai ngày vì lúc ấy là cuối tuần, không ai làm việc. Ông Matthew Hollands được một bác sĩ ở bệnh viện Blacktown chẩn đoán vào ngày thứ Bảy là ông có lẽ bị viêm ruột dư, nhưng bệnh viện không thể dùng máy siêu âm để xác định cho đến thứ Hai tuần sau đó bởi vì không có nhân viên sử dụng máy siêu âm tại bệnh viện vào cuối tuần.
Chuyện nói trên xảy ra mặc dầu ông Hollands đã được một vị bác sĩ toàn khoa khám bệnh vào buổi sáng, rồi viết thư giới thiệu và đồng thời liên lạc với bệnh viện trước khi gởi ông đến đấy. Thế nhưng, khi đến bệnh viện và được thử nghiệm thì ông lại bị đuổi về nhà khoảng 8 tiếng đồng hồ sau đó với thuốc giảm đau Panadeine và được bảo là trở lại vào đầu tuần, khi bệnh viện có nhân viên có thể dùng máy siêu âm khám nghiệm.
Đến thứ Hai thì ông Hollands cho biết ông bị đau đến độ suy nhược không đi đứng nổi và quay trở lại bệnh viện với giấy giới thiệu khẩn của một bác sĩ toàn khoa khác. Một mẫu nước tiểu của ông cho thấy có máu lẫn trong nước tiểu nhưng ông phải đợi thêm 5 tiếng đồng hồ nữa mới được đưa lên bàn mổ. Ruột dư của ông bị thủng và đã ung thối (gangrenous).
Ông Hollands thuật lại: “Vị bác sĩ giải phẫu cho biết tôi là một trong những trường hợp tệ lậu, nguy kịch nhất mà ông ta từng thấy, và ông ta cũng cho biết rằng nếu được chẩn định sớm hơn thì chỉ cần cắt lỗ nhỏ (keyhole) để giải phẫu mà thôi”. Thay vì thế, cuối cùng thì ông phải bị mổ và chịu 23 mũi kim may cùng một cái sẹo thật dài.
Ông  cay đắng nói: “Viên bác sĩ giải phẫu bảo tôi rằng lẽ ra tôi phải đến bệnh viện sớm hơn. Tôi có đến sớm chứ, tôi đâu có làm ngơ trước cái đau của mình đâu. Thật là đau lòng và kinh hồn khi được bác sĩ của mình cho biết là mình chỉ còn vài giờ nữa là chết mất tiêu rồi. Họ tin rằng cái ruột dư của tôi bị vỡ khoảng 48 giờ trước khi tôi được giải phẫu”.
Ông Hollands đã viết thư than phiền gởi cho dân biểu địa phương của ông là Paul Gibson. Ông Gibson cho rằng cách nhà thương đối xử với ông trong tháng 10/09 là một chuyện “không thể chấp nhận được” và đã chuyển giao vấn đề này đến văn phòng bộ trưởng y tế NSW là bà Carmel Tebbutt. Văn phòng của bà Tebbutt liên lạc với ông Hollands vào ngày 5/1/10 và cho biết họ đang yêu cầu tổng giám đốc của bệnh viện Blacktown họp với họ.
Phát ngôn nhân đối lập tiểu bang về y tế, bà Jillian Skinner tuyên bố: “Không một lời bào chữa nào từ bà Carmel Tebbut có thể giải thích được vì sao một vụ viêm ruột dư có nguy cơ tạo nguy hiểm đến tánh mạng của bệnh nhân lại phải cần đến hai ngày mới được chẩn đoán đàng hoàng. Sự thất bại mang tính hệ thống của khoa cấp cứu trong việc chẩn bệnh cho bệnh nhân này có thể khiến ông ta bị tổn thương trầm trọng hoặc có thể chết nếu không được chữa trị kịp thời”.

BÓNG RỔ TỴ NẠN DA ĐEN BỊ CẤM CHƠI

BRISBANE: Một đội bóng rổ của người tỵ nạn Phi Châu đã bị ngăn cản không cho dự thí trong giải bóng thanh niên ở Brisbane sau khi lên tiếng tố cáo các viên chức bóng rổ kỳ thị. Đội “The Hoop Dreamz” đã đệ đơn lên Ủy Ban Chống Kỳ Thị Queensland (Anti-Discrimination Commission Queensland) tố cáo rằng họ đã bị liên hội bóng rổ Brisbane Basketball và tổng hội Basketball Queensland trù dập, đối xử tàn nhẫn. Mặc dù sự hòa giải đang tiến hành nhưng Basketball Queensland vẫn khư khư tuyên bố rằng các cầu thủ của đội chỉ được phép dự thí trong mùa bóng rổ của năm nay- vốn bắt đầu từ tháng tới – nếu họ lìa đội và gia nhập vào những đội khác mà thôi.
Basketball Queensland cho biết điều kiện nói trên là một sự cần thiết bởi vì các trọng tài cảm thấy bị đe dọa bởi các cầu thủ của Hoop Dreamz cũng như của khán giả, và với tư cách là tổng hội thì Basketball Queensland có trách nhiệm chăm sóc các trọng tài này. Thế nhưng huấn luyện viên của đội, anh David Yohan cho rằng họ đã bị “kỳ thị một cách có lớp lang, tổ chức” (institutionalised racism) và hành động nói trên của Basketball Queensland là một cú đánh thật mạnh vốn khiến cho những cầu thủ trẻ tuổi này bị tuyệt vọng khôn cùng. Anh nói: “Các em không tin nổi chuyện đã xảy ra. Các em từng nghĩ rằng Úc là một đất nước của nhiều cơ hội. Nếu các em có thể làm được một điều gì đó cho cuộc đời của các em thì Úc là nơi để làm chuyện ấy”.
Tưởng cũng nên nhắc lại, anh Yohan, một người gốc Ethiopia, thành lập đội banh Hoop Dreamz với mục tích tiên khởi là giúp cho những người tỵ nạn trẻ tuổi hơn anh có một sự giải trí lành mạnh, chơi banh ở công viên để không lang thang đầu đường xó chợ rồi vướng mắc vào phiền toái.
Sự thành công của người thanh niên mới 24 tuổi này đã mang lại nhiều sự tưởng thưởng và khen ngợi. Trong tháng 11/09 vừa qua anh đã được công ty truyền thông News Ltd trao tặng huân chương dành cho giới lãnh đạo trẻ tuổi trong giải thưởng “Niềm Hãnh Diện Của Úc” (Pride of Australia). Tuần qua thì thị trưởng Brisbane, Lord Mayor Campbell Newman, trao tặng cho anh giải thưởng Công Dân Trẻ Tuổi Xuất Sắc Trong Năm.
Trong mùa bóng rổ năm 2009 vừa qua thì hội Hoop Dreamz ghi danh cho hai đội tham dự tranh giải vô địch của liên hội Brisbane Basketball, và như một giấc mơ tuyệt vời, cả hai đội đều được vào chung kết vào tháng 9/09 và đội thiếu niên dưới 18 tuổi (Under 18) vinh dự giật giải vô địch.
Thế nhưng, họ chưa vui được bao lâu thì niềm vui đã biến thành cơn ác mộng đắng cay. Những lời than phiền về cách hành xử trên sân trong trận chung kết của đội thanh niên dưới 20 tuổi đã đưa đến việc 3 cầu thủ của Hoop Dreamz bị treo giò. Sau đó, Basketball Queensland còn thuê mướn luật sư Simon Harrison làm một cuộc điều tra độc lập về những lời cáo buộc của các viên chức của Basketball Queensland về hành vi của một vài người ủng hộ đội banh. Ông Harrison cho biết là trong những khoảnh khắc cuối cùng của trận chung kết, khi đội banh của Hoop Dreamz có vẻ chắc chắn thua thì một thiểu số những người yểm trợ đội “trở nên khích động và sự khích động này đi quá đà trở thành cách hành xử vốn phải được xem là không thích hợp và trong nhiều hoàn cảnh, hung hăng gây hấn”.
Bản báo cáo cho biết là tổng giám đốc của Brisbane Basketball, bà Tracey Wroe, vốn ngồi trên bàn trọng tài chủ tọa, đã e ngại cho sự an nguy của bà sau khi bị một nhóm 30 đến 40 người ủng hộ viên của đội bao vây vì bà đã lên tiếng quở mắng họ lúc họ bóp vỡ bong bong. Bản báo cáo cũng cho biết sau đó bà bị hai thiếu nữ hành hung bằng cách quẳng tiền cắc vào mặt bà.
Một số không ít những người yểm trợ của đội banh cũng như nhiều nhân chứng độc lập khác đã làm lời khai hữu thệ bác bỏ lời cáo buộc rằng một số yểm trợ viên có hành vi đe dọa và ngược lại,  mạnh dạn cáo buộc những viên chức này đã có nhiều lời nói đầy tính kỳ thị. Tuy nhiên, ông Harrison lại nói rằng ông không hề tìm thấy một bằng chứng nào về “hành vi hoặc thái độ kỳ thị” cả.
Lúc ấy, các viên chức đã gọi điện thoại cho cảnh sát, hô hoán là có một vụ ẩu đả loạn xạ dính líu đến hơn 50 người phía ngoài vận động trường sau khi trận banh chấm dứt, thế nhưng, bản báo cáo của cảnh sát về vụ việc này lại ghi rõ rằng cả nhóm đã rời khỏi nơi ấy một cách rất trật tự và không hề có tí ti gì lộn xộn cả, sau khi cảnh sát yêu cầu họ giải tán.

NGƯỜI DÂN ÚC MUỐN GIỚI HẠN DI DÂN

CANBERRA: Theo một cuộc thăm dò dân ý của do Galaxy Research thực hiện cho công ty truyền thông News Ltd thì người dân Úc hiện đang rất lo ngại về mức độ di dân cao và đồng thời tin rằng nước Úc ngày càng trở nên kỳ thị hơn.
Tuần báo The Sunday Times, phát hành ở Tây Úc ngày 24/1/10, cho biết rằng 66% những người được phỏng vấn cho rằng chính phủ liên bang nên đặt một giới hạn về tỷ lệ thu nhận di dân đến Úc. Trong số này thì 72% công dân Úc ủng hộ việc đặt giới hạn và 55% những người không nghĩ rằng họ là người Úc cũng  có ý kiến tương tự.
Ông Bob Birrell, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu về Dân Số và Thành Thị (Centre for Population and Urban Research) thuộc đại học Monash, một trong những chuyên gia hàng đầu về vấn đề di trú, cho biết: “Đây là một sự khám phá đáng kể bởi vì nó cho thấy những cuộc bàn thảo công cộng về việc đường phố bị tắc nghẽn cũng như về giá cả nhà cửa bắt đầu có ảnh hưởng”. Trong khoảng 4-5 năm trở lại đây thì các cuộc thăm dò dân ý đều cho thấy người dân Úc cảm thấy thoải mái với mức độ thâu nhận di dân, vốn cao khoảng gấp đôi mức độ thâu nhận của thập niên 1990.
Ông cũng nói thêm rằng sự chấn động về kinh tế từ vụ khủng hoảng tài chánh toàn cầu, giá nhà cửa tăng vọt và những tai tiếng liên tục xảy ra về di dân lậu đều đã góp phần đưa đến sự thay đổi ý kiến nói trên.
Ông Birrell cũng cho biết rằng những người sanh trưởng ở Úc thường có quan điểm tiêu cực hơn về di dân bởi vì họ không thích thấy nền văn hóa của họ bị đe dọa bởi những sự thay đổi.
Hơn phân nửa những người được phỏng vấn trong cuộc thăm dò cho rằng trong vòng 20 năm qua nước Úc đã  trở nên tệ hại hơn xưa. Tuy nhiên, cuộc thăm dò cũng cho thấy người dân Úc cảm thấy thoải mái với lá quốc kỳ, với bản quốc ca và với tiêu chuẩn sống ở Úc.  Cuộc phỏng vấn hơn 1000 người dân Úc trên toàn quốc vào hai ngày Thứ Năm 21/1/10 và Thứ Sáu 22/1/10 của công ty Galaxy Research cũng cho thấy rằng món ăn quốc hồn quốc túy được ưa chuộng nhất là bánh thịt meat pie. Và đại đa số người dân Úc đều cho rằng môn Lịch sử Úc cần phải là môn học cưỡng bách, chứ không phải nhiệm ý, ở cấp trung học.
Kết quả cuộc thăm dò cũng cho thấy hiện nay vẫn còn nhiều sự mơ hồ rối loạn về việc nước Úc có nên có chính thể cộng hòa hay vẫn nên giữ chính thể hiện hữu là quân chủ lập hiến với 44% người được phỏng vấn muốn chính thể cộng hòa, 27% muốn giữ thể chế hiện hành và 29% vẫn  chưa thực sự có quyết định gì cả. Và có  lẽ vì ảnh hưởng của những vụ tranh cãi ồn ào gần đây về việc sinh viên gốc Ấn bị hành hung ở Melbourne, 52% người tham dự cuộc thăm dò dân ý cho rằng Úc là một quốc gia kỳ thị, 45% cho rằng Úc không kỳ thị và 3% không có ý kiến gì cả. Và đáng lo ngại nhất là việc trong lúc 63% cho rằng tiêu chuẩn sống là điều tốt nhất ở Úc hiện nay, chỉ có 5% cho rằng chính sách đa văn hóa là điều tốt nhất của nước Úc.
 
CÁC TRƯỜNG HỌC Ở ÚC SẼ ĐƯỢC ĐÁNH GIÁ TRÊN NHIỀU TIÊU CHUẨN

CANBERRA: Theo một bản tin từ thông tấn xã AAP hôm Chúa Nhật 24/1/10 vừa qua thì nhiều trường học ở Úc sẽ được đánh giá là “bị thiệt thòi” (disadvantaged) chiếu theo một kế hoạch vốn gây nhiều tranh cãi của chính phủ liên bang trong việc công bố những dữ liệu thật đầy đủ về các trường học. Trang mạng My School sẽ được khởi sự hoạt động vào thứ Năm 28/1/10, ngày mà vài trăm ngàn học sinh ở NSW, Queensland và ACT cùng trở lại nhà trường trong niên khoá mới.
Sự đánh giá, sắp hạng sẽ dựa trên 16 phân loại, kể cả lợi tức của phụ huynh, số học sinh ở lại học đến lớp 12 và con số học sinh gốc thổ dân. Tổng trưởng giáo dục Julia Gillard cho biết rằng sự đánh giá “disadvantaged” là một tin liệu quan trọng cho phụ huynh và đồng thời giúp cho chính phủ dồn ngân khoản tài trợ dựa theo nhu cầu. Bà nói: “Chúng ta chưa bao giờ có một biểu thị trung thực, linh động vốn có thể cho chúng ta khả năng duyệt xét mức độ thiệt thòi cũng như lợi thế xuyên suốt các trường học. Khi tôi bắt đầu chức vụ tổng trưởng giáo dục thì bộ Giáo Dục trình với tôi rằng  họ không thể nào cho tôi biết được những ngôi trường nào là những ngôi trường bị thiệt thòi nhất”.
Bà Gillard phủ nhận rằng những tin liệu này sẽ được sử dụng để bêu xấu và đóng dấu tệ hại lên bất cứ một ngôi trường nào cả. Bà nói: “Tin tức xấu xa tệ hại về các trường học đã từng xảy ra trong quá khứ và sẽ xảy ra trong tương lai”. Tưởng cũng nên nhắc lại vào năm 1997, nhật báo Daily Telegraph cho đăng một bản tin vốn ngấm ngầm chụp cho cả lớp 12 của trường trung học Mt Druitt năm ấy là những kẻ thất bại hoàn toàn. Vụ việc này đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ, dẫn đến việc chính phủ NSW ngăn cấm việc xuất bản, phát hành những bảng sắp hạng đánh giá các trường học từ cao nhất xuống thấp nhất.
Bà Julia khẳng định: “Thay vì để cho một ký giả quyết định rằng một trường nào đó có phải là trường tốt hay không thì chính người dân sẽ có thể đích thân kiểm soát dữ liệu này”. Tuy nhiên, giới giáo chức e ngại rằng những dữ liệu này sẽ được sử dụng để kiến tạo một loại bảng sắp hạng, và những bảng sắp hạng như thế chẳng những sẽ tạo thiệt hại cho uy tín của nhà trường, mà còn ảnh hưởng cả đến học sinh và cộng đồng địa phương nữa. Họ tin rằng chuyện chính phủ cho là người dân sẽ tự động đích thân kiểm soát dữ liệu mà không hề chỉ dựa vào giới truyền thông là một điều không tưởng.
Nghiệp đoàn giáo chức (Australian Education Union) đặc biệt e ngại về việc phổ biến kết quả của các cuộc thi ngôn ngữ, văn học và toán quốc gia NAPLAN (National Assessment Program- Literacy and Numeracy). Họ biện luận rằng những cuộc thi này được đề ra với mục đích giúp cho phụ huynh và giáo viên biết rõ về sự tiến bộ của từng học sinh chứ không phải để đánh giá hiệu năng chung của một trường học.
Chủ tịch nghiệp đoàn, ông Angelo Gavrielatos cho biết: “Bảng sắp hạng cao thấp sẽ đưa ra một hình ảnh thiếu chính xác và không trung thực về hiệu năng của nhà trường”.  Nghiệp đoàn muốn chính phủ liên bang phải có những biện pháp hầu ngăn cản người ta sử dụng trang mạng My School (www.myschool.edu.au/) để tạo nên những bảng sắp hạng cao thấp. Những biện pháp này có thể bao gồm việc đặt tác quyền lên những dữ liệu, đưa ra những sự nghiêm cấm không cho phát hành, in ấn dữ liệu nói trên hoặc đưa điều kiện rằng phải có sự đồng ý của các trường học trước khi những dữ kiện liên quan đến trường được sử dụng trong những phương cách khác hơn. Nghiệp đoàn cũng cho biết nếu chính phủ liên bang không đồng ý với những biện pháp bảo vệ ấy thì giới giáo chức  sẽ không tham dự vào những cuộc thi ngôn ngữ và toán học năm nay.
Các giáo viên sẽ nhóm họp vào tháng 4/10 để quyết định xem những biện pháp của chính phủ liên bang, nếu có, có đầy đủ hay không. Trong khi đó thì bà Gillard cũng cho biết bà cũng giữ trước quyền đưa ra biện pháp kỷ luật đối với những giáo viên nào tẩy chay các cuộc thi ấy. Bà nói: “Tôi cương quyết sẽ làm chuyện này [phổ biến kết quả thi] và đấy là việc chính đáng, đúng đắn cần được làm”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.