Hôm nay,  

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 45)

06/03/200700:00:00(Xem: 2562)

Hồi ký: Tôi Tìm Tự Do (Kỳ 45)

Tôi là Nguyễn Hữu Chí, sinh ra và lớn lên ở Miền Bắc, từng có hơn một năm phải đội nón cối, đi dép râu, theo đội quân Việt Cộng xâm lăng Miền Nam. Trong những năm trước đây, khi cuộc đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Úc còn minh bạch, lằn ranh quốc cộng còn rõ ràng, tôi hoàn toàn tin tưởng và sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu, thế lực của cộng sản. Nhưng gần đây, có những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ, những thế lực chìm nổi của cộng sản tại Úc đang tìm cách xóa bỏ lằn ranh quốc cộng, đồng thời thực hiện âm mưu làm suy yếu sức mạnh đấu tranh của người Việt hải ngoại. Trong hoàn cảnh đấu tranh ngày càng khó khăn đó, tôi thấy mình chỉ có thể đi tiếp con đường mình đã chọn khi được quý độc giả hiểu và tin tưởng. Vì vậy, tôi viết hồi ký này, kể lại một cách trung thực cuộc đời đầy đau khổ, uất ức và ân hận của tôi khi sống trong chế độ cộng sản, cũng như những nguy hiểm, may mắn khi tôi tìm tự do.... Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trên nhiều phương diện, lại phải vừa duy trì tờ báo, vừa tham gia các sinh hoạt cộng đồng, vừa tìm cách "mưu sinh, thoát hiểm" giữa hàng chục "lằn tên đường đạn", nên hồi ký này có rất nhiều thiếu sót. Kính mong quý độc giả thông cảm bỏ qua, hoặc đóng góp nếu có thể.

*

(Tiếp theo...)

Khoảng cuối tháng 5 năm 1975, tôi từ biệt Mẹ lên đường trở lại Miền Nam, để tính chuyện vượt biển, vượt biên ra ngoại quốc. Đêm cuối cùng, cả hai Mẹ con tôi đã thức trắng trong đau thương và nước mắt. Tôi được nghe Mẹ tôi kể lại những kỷ niệm u buồn, xót xa của Mẹ trong quá khứ... Hai Mẹ con tôi đã ôm nhau mà khóc trên chiếc giường độc nhất, trong căn nhà chỉ có duy nhất một phòng vừa là phòng ăn, phòng ngủ, phòng tiếp khách. Qua những đau khổ chắp nối, không theo thứ tự thời gian, không gian của Mẹ, tôi thấm thía nổi khổ đau của của những người phụ nữ Việt Nam.... Sinh ra và lớn lên trên một đất nước nông nghiệp lạc hậu, liên tục có chiến tranh, đất nước đó lại có hủ tục "trọng nam khinh nữ", "chồng chúa vợ tôi"... suốt mấy ngàn năm, nên người phụ nữ Việt Nam phải gánh chịu không biết bao nhiêu nỗi khổ đau chồng chất. Còn hạnh phúc nếu có đến với họ, cũng chỉ mong manh và hiếm muộn như những tia nắng yếu ớt hiện ra trong chốc lát của mùa đông băng giá...
Không biết bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam, thuở ấu thơ đã từng xót xa khóc cho thân phận những người phụ nữ trong truyện Tắt Đèn của Ngô Tất Tố, Chân Trời Cũ của Hồ Dzếnh, Bỉ Vỏ của Vũ Trọng Phụng, Nửa Chừng Xuân của Khái Hưng, Đoạn Tuyệt của Nhất Linh,... để rồi khi lớn lên, nước mắt của họ lại tiếp tục lã chã rơi cho muôn ngàn nỗi khổ đau bi phẫn mà chồng con, và chính bản thân họ phải gánh chịu trên khắp mọi nẻo đường của đất nước. Nhưng thê thảm hơn, cay nghiệt hơn, vào giữa thế kỷ 20, cùng với sự xuất hiện của bóng ma cộng sản trên quê hương Việt Nam, số phận của người Việt Nam nói chung, người phụ nữ nói riêng, đã rơi xuống xuống mức tận cùng của khổ đau, đói khát và chết chóc. Chính mắt tôi đã chứng kiến những người vợ, những người mẹ ở quê tôi phải chịu trăm đắng nghìn cay với muôn vàn khổ đau do chế độ cộng sản gây nên. Đó là những người cô gái tuổi con rất trẻ nhưng vĩnh viễn không được đến trường học chỉ vì lý lịch gia đình; những bà mẹ có chồng con phải đi bộ đội, ở nhà quần quật một nắng hai sương, bán lưng cho trời bán mặt cho đất quanh năm suốt tháng, vẫn không đủ ngô khoai, rau cỏ để nuôi sống gia đình. Trong những năm đi trọ học xa, chính mắt tôi đã chứng kiến cảnh những bà mẹ, lưng còng tóc bạc, quần áo rách rưới, nét mặt hằn nỗi khổ đau, khóc lóc thảm thiết ở giữa chợ chỉ vì mang ra chợ bán mấy cây mía, ngọn rau, củ khoai,... được trồng ngay trên mảnh đất bé xíu của nhà mình, nhưng vẫn bị cán bộ lương thực nhà nước tịch thu, đập phá...
Tôi biết, tất cả những nỗi khổ đau tôi đã chứng kiến, chỉ là muối bỏ biển so với muôn triệu nỗi khổ đau mà những người phụ nữ Việt Nam phải gánh chịu trong chế độ cộng sản. Và tất cả những khổ đau đó vào thời điểm 1975 trở về trước, quả thực không thấm vào đâu so với những thảm cảnh người phụ nữ Việt Nam tiếp tục gánh chịu từ 1975 cho đến nay. Trong suốt mấy chục năm dài kể từ khi cộng sản chiếm được Miền Nam, đã bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam phải khóc khi đi thăm chồng, con trong các trại cải tạo" Bao nhiêu người vợ, người mẹ, phải khóc trong tử biệt sinh ly khi chồng con của họ bị cộng sản hành quyết, chôn sống, tống tù" Bao nhiêu phụ nữ Việt Nam phải chết trên đại dương, trong rừng sâu, trên đường vượt biển, vượt biên, tìm tự do" Bao nhiêu người mẹ đã phải khóc khi con gái của họ mới trên dưới mười tuổi đã bị xuất cảng sang nước ngoài làm điếm" Bao nhiêu cô gái Việt đã phải khóc khi mang thân làm vợ những ngoại nhân ở miền đất lạ cách quê nhà cả vạn cây số, trong khi ngôn ngữ thì bất đồng, phong tục lại không biết"... Chính những đau thương này khiến tôi nhận ra, nếu đất nước Việt Nam đau thương của tôi trong thời Pháp thuộc đã có những bi kịch như  chị Dậu trong Tắt Đèn của Ngô Tất Tố;  vợ Tràng trong Vợ Nhặt của Kim Lân,... thì ở cuối thể kỷ 20, dưới sự cai trị của những người cộng sản, những bi kịch của người phụ nữ Việt còn hiện ra muôn phần thê thảm trên khắp địa cầu. Những khổ đau đó thật muôn hình vạn trạng, không bút mực nào kể xiết, và dù cho cả thế giới này có tưởng tượng, cũng không thể nào tưởng tượng hết những khổ đau mà người con gái Việt phải gánh chịu khi phải lấy những người chồng què cụt nơi đất khách, hay phải làm điếm tại gia cho cả ba thế hệ của một gia đình "tam đại đồng đường"...
Khi trở lại Miền Nam, tôi không thể ngờ được, chuyến đi ra Bắc chớp nhoáng của tôi đã khiến chính gia đình bà chị nghi ngờ tôi là VC nằm vùng, hay nói đúng hơn, gia đình bà chị đã nghi tôi là hồi chánh giả. Dĩ nhiên, lúc đó, trong không khí của một thành phố bị cộng sản chiếm đóng, mọi chuyện nghi ngờ đều được gia đình bà chị giữ kín, không hề nói cho tôi biết. Cho đến gần một năm sau, khi tôi bị cộng sản bắt giam tại Trung tâm thẩm vấn hỗn hợp Việt Mỹ ở Tô Hiến Thành, chị tôi vô thăm tôi trong tù, mới vừa khóc vừa ân hận nói về những nỗi nghi ngờ của chị đối với tôi trong quá khứ. Nghe chị nói, tôi không buồn giận gì. Trái lại, tôi thầm cảm ơn chị, vì qua đó tôi thấm thía được một điều, trong cuộc sống, khi những người chung quanh thực sự có những nghi ngờ hay hiểu lầm về tôi, phần lớn là do chính tôi gây ra. Làm sao chị tôi không nghi ngờ tôi cho được, khi cộng sản mới chiếm Sàigòn không đầy một tuần lễ, tôi đã có đầy đủ giấy tờ để trở về Miền Bắc, rồi khoảng hơn một tháng sau, tôi lại ung dung trở lại Miền Nam, mà không hề gặp phải bất cứ sự khó khăn nào" Thì ra trong cuộc sống, nhiều lúc tôi chỉ biết hành xử theo tình cảm, sở thích của mình, mà quên mất rằng, qua những việc làm đó, những người thân chung quanh mình có thể đánh giá sai về mình.
Trước 30-4-1975, tôi được ở trong một căn phòng nhỏ thuộc Bộ Dân Vận Chiêu Hồi ở 272 Hiền Vương. Sau khi cộng sản chiếm Miền Nam, tôi bị cộng sản đuổi ra ngoài, nên phải trở về sống với gia đình bà chị. Trong cảnh đổi đời lúc đó, phần vì thiếu thốn trăm thứ, phần muốn che mắt thế gian, nên bà chị đã cho mướn tầng dưới làm quán nhậu. Và đây là đầu dây mối nhợ khiến tôi bị cộng sản bắt, vào khoảng giữa năm 1976.


Giống như hầu hết người Miền Nam lúc đó, ngay sau khi trở lại Miền Nam vào tháng 6 năm 1975, tôi đã nôn nóng tìm đường vượt biên, nhưng không thành công. Trong hoàn cảnh lúc đó, tôi không tiền bạc, lại chẳng quen biết ai, những người thân của tôi đều gặp cảnh khốn khó, nên tôi thấy không thể có tiền, vàng, để đi theo đường biển, mà chỉ có con đường vượt biên bằng đường bộ qua ngả Đông Hà, Quảng Trị, là nơi trước đây tôi ít nhiều quen thuộc. Quyết định như vậy, nhưng khi nguy hiểm chưa đến chân, tôi vẫn sống lay lắt chờ thời, chứ không dám lên đường vượt biên để phải đối diện với những nguy hiểm chết chóc.
Suốt thời gian gần một năm trời, tôi cố gắng né tránh mọi giao tiếp với công an, bộ đội trong khu vực, mỗi khi họ ghé vô quán ăn nhậu. Vào một buổi chiều nọ, đi đâu về không nhớ, tôi phải đi qua tầng dưới là quán nhậu trước khi leo cầu thang lên phòng của tôi. Bước vào quán, tôi thấy ngay trong quán lúc đó, người ăn nhậu không nhiều. Ở bàn trong cùng có ba người tuổi trung niên đang ngồi nhậu, nhưng rất lặng lẽ. Góc ngoài cùng có khoảng 5, 6 người vừa mặc đồ bộ đội, vừa mặc độ thường, đang ăn nhậu ầm ĩ, cãi lộn huyên náo. Trong chiếc bàn nhỏ ở phía trong quầy tính tiền, ông anh rể của tôi đang ngồi nhâm nhi với ông chủ quán. Chủ quán là một người đàn ông trạc tuổi trung niên, giàu nghệ sĩ tính, có gương mặt phúc hậu vui vẻ, thích giao du bằng hữu, nên rất hợp tính ông anh rể của tôi.
Trông thấy tôi, ông chủ quán liền kéo tôi ngồi xuống làm một ly. Uống xong ly rượu, chưa kịp cầm đũa, tôi bỗng nghe thấy trong bàn nhậu của mấy người bộ đội có người lớn tiếng chửi rủa thi sĩ Nguyễn Bính là "nhà thơ phản động" thời Văn Nhân Giai Phẩm.
Với tôi, nhà thơ Nguyễn Bính là một thần tượng trong số những thần tượng của tôi thời tiền chiến. Thời gian ở Miền Bắc, suốt hai mươi năm sống trong sự kìm kẹp của cộng sản, nhưng tôi cũng đã đọc lén nhiều sách cấm trong đó có những tập thơ của Nguyễn Bính. Tôi cũng còn được đọc những bài thơ của Nguyễn Bính được những người ái mộ chép tay, bí mật chuyền cho nhau coi. Trong những năm đầu thập niên 1960, tôi và một số bạn học đã chầu chực ở phòng văn hóa xã Nhân Hoàng, huyện Lý Nhân, để được thấy mặt Nguyễn Bính, vì nghe phong phanh ông có về đó họp, nhưng không gặp. Sau này, vô Miền Nam, tôi mới được đọc và học thuộc lòng thật nhiều thơ văn của ông, trong đó có bài trường thi Hoa Và Rượu. Tôi cũng biết, trong chương trình học của học sinh cấp 1, 2 và 3 tại Miền Bắc có những bài thơ rất "đỏ" đi theo đúng đường lối của đảng cộng sản, được Nguyễn Bính sáng tác từ năm 1954, sau khi ông "tập kết" ra Miền Bắc. Nhưng điều đó không hề làm suy giảm lòng ái mộ của tôi dành cho ông.
Vì vậy, khi nghe những người bộ đội phỉ báng ông, tôi đã giận mất khôn, bước sang bàn của họ, tranh luận, bảo vệ ông bằng tất cả vốn liếng hiểu biết và tấm lòng ái mộ của tôi dành cho ông. Tôi không thể ngờ được, những người bộ đội trong bàn nhậu bữa đó là thành phần an ninh thuộc lực lượng quân quản được điều động về phường Phú Nhuận. Trong khi tôi ba hoa phô trương tất cả sự hiểu biết của tôi về thi sĩ Nguyễn Bính, về đời sống đói khổ của Miền Bắc mà chính tôi mắt thấy tai nghe, cùng đời sống tự do của Miền Nam, ưu đãi văn nghệ sĩ, trong đó có cả những văn nghệ sĩ đi theo cộng sản Miền Bắc,... tôi đã gieo rắc những nghi ngờ trong đầu óc của những người bộ đội đó.
Ngay sau khi bàn nhậu tan, cả ông anh rể lẫn ông chủ quán đều lo lắng cho tôi. Khi vô trong nhà, anh tôi mắng tôi ngu dốt, không thức thời, hơi đâu mà tranh hơi tranh tiếng với tụi nó. Tôi lúc đó cũng lo lắng, nhận ra sự dại dột của mình. Nhưng tất cả đã muộn.
Ngay tối hôm sau, khoảng 12 giờ đêm, tôi vừa từ nhà người bạn ở cư xá Chu Mạnh Trinh về đến nhà, đã thấy đằng trước nhà một toán bộ đội súng ống đầy đủ. Tôi biết ngay, hậu quả của sự ba hoa dại dột của tôi đã hiện ra trước mắt. Thấy tôi, một người bộ đội bước lại chặn hỏi:
- Anh có phải là Nguyễn Hữu Chí"
Tôi đáp:
- Dạ, phải.
- Mời anh sang ủy ban phường có chút chuyện.
Lúc đó, những người bộ đội đã đứng vây chung quanh tôi. Tất cả đều thản nhiên, sẵn sàng đối phó nếu tôi có hành động phản kháng. Tôi tuyệt vọng tìm cách câu giờ:
- Bây giờ quá khuya, các anh có thể để đến sáng mai tôi sang được không"
- Chúng tôi có lệnh mời anh sang ngay bây giờ.
- Như vậy, các anh cho tôi vô nhà đi tiểu chút được không"
Người bộ đội khôn ngoan trấn an tôi:
- Anh yên tâm, đi sang đó một chút rồi về ngay...
Không còn cách nào khác, tôi lặng lẽ đi theo họ. Hai người bộ đội đi trước. Tôi đi theo sau. Những người bộ đội còn lại đi sau cùng. Con đường từ nhà bà chị đến uỷ ban phường Phú Nhuận chỉ có khoảng 5 phút đi bộ, nên tôi còn đang bối rối kinh hoàng, chưa kịp nghĩ kế thoát thân, thì đã thấy mình bước vô phòng làm việc của uỷ ban phường. Ngay khi bước vô, tôi đã thấy không khí vô cùng căng thẳng, vì ở đó, đã có mấy người bộ đội, súng ống đầy đủ đang đứng chờ sẵn.
Uỷ ban phường lúc đó, đèn điện sáng trưng. Trong căn phòng rộng thênh thang có kê một chiếc bàn dài ngay chính giữa. Trên mặt bàn là một đống còng số 8, mấy cuộn dây dù. Đằng sau bàn là mấy chiếc ghế trống. Ngồi ở mấy chiếc ghế giữa là hai người mặc đồ thường phục và một người mặc đồ bộ đội. Phía bên trái và bên phải có mấy chiếc ghế trống, để người tới làm việc ngồi chờ. Phía bên trong có một phòng nhỏ, có cửa sổ bằng kính, nên tôi thấy có hai người đang cặm cụi làm việc.
Tôi theo hai người bộ đội bước vào phòng làm việc của uỷ ban phường. Bốn, năm người bộ đội đi theo sau, đứng ở ngoài. Tất cả những người bộ đội ở trong phòng đều đứng sang hai bên. Trước mặt bàn làm việc có hai chiếc ghế, nhưng không một ai mời tôi ngồi. Không khí căng thẳng trong phòng, và thái độ không thân thiện của họ, khiến tôi hiểu số phận của tôi tối nay lành ít dữ nhiều.
Khi tôi bước vô phòng, hai người ngồi bên thản nhiên cắm cúi làm việc. Người ngồi ở giữa, mặc thường phục, ngẩng lên nhìn tôi, rồi đứng dậy, cầm một tờ giấy trên bàn, hỏi, giọng lạnh lùng:
- Anh là Nguyễn Hữu Chí"
Tôi đáp:
- Vâng.
- Từ xưa đến nay, anh có nhận tiền của CIA để tham gia hoạt động tuyên truyền đánh phá cách mạng phải không"
Tôi ngạc nhiên:
- Thưa xưa nay tôi chưa bao giờ nhận tiền của CIA.
- Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng là anh có nhận tiền để làm việc cho những đài phát thanh "phản động" là đài VOA và đài Gươm Thiêng.
Tôi điếng người. Thì ra trong thời gian nhận lời Trung uý Hiệu, cộng tác với đài VOA, mỗi lần nhận tiền thù lao, tôi có ký tên và ghi địa chỉ đầy đủ. Khi cộng sản chiếm được Sàigòn, chúng đã thu hồi được tất cả những hồ sơ lưu trữ ở Cư Xá Thành Tín, trong đó có đầy đủ tên tuổi và địa chỉ của tôi.
Thấy tôi im lặng, người cán bộ phường nói tiếp:
- Bây giờ yêu cầu anh đứng nghiêm chỉnh nghe tôi đọc lệnh tạm giam của Uỷ ban Quân quản.
Lệnh tạm giam ngắn gọn chỉ có mấy hàng. Vì lâu ngày tôi không còn nhớ rõ, nhưng đại khái có câu, "quyết định bắt giữ" tôi vô thời hạn, và lệnh cho ủy ban phường Phú Nhuận thực thi quyết định này.
Đọc xong lệnh bắt giữ, người cán bộ phường hỏi:
- Anh có hỏi gì không"
Tôi trả lời gọn lỏn, không giấy giếm sự mệt mỏi, chán nản:
- Không.
Người cán bộ phường nói tiếp:
- Yêu cầu ảnh bỏ lên mặt bàn tất cả những gì anh có trong người.
Tôi lặng lẽ lấy bóp, chùm chìa khóa, ít đồng bạc lẻ... để lên bàn. Sau đó, người cán bộ phường gật đầu ra hiệu cho hai người bộ đội bước đến khám xét người tôi một lần nữa. Khám xét xong, một tên lấy chiếc còng số 8 còng hai tay tôi lại, rồi lấy sợi dây dù trói chặt hai khuỷu tay tôi.
Cùng với nỗi đau của chiếc còng số 8 xiết chặt vào hai cổ tay, tôi tê dại cả người, và hối tiếc cho những ngày tháng sống vật vờ, lần lữa, không đủ can đảm để tìm đường vượt biên. Bây giờ thì mọi chuyện đã quá muộn màng. Tôi đã chui vô rọ, và không sớm thì muộn họ sẽ phanh phui ra hồ sơ hồi chánh của tôi. Khi đó, nếu tôi không bị tử hình, thì cũng sẽ mục xương trong lao tù cộng sản... (Còn tiếp...)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.