Hôm nay,  

Tin Úc Châu

06/09/200400:00:00(Xem: 6020)
CUỘC BẦU Cử LIÊN BANG SẼ DIỄN RA VÀO NGÀY 9 THÁNG MƯỜI!
ÚC ĐẠI LỢI: Chỉ còn khoảng sáu tuần lễ nữa cuộc bầu cử toàn quốc sẽ diễn ra vào ngày 9 tháng Mười, cả hai ông John Howard và ông Mark Latham đều hứa hẹn về một chính phủ đáng tin cậy. Công bố cuộc vận động tranh cử dài nhất trong 20 năm qua, ông Howard nói rằng đây là cuộc bỏ phiếu cho người mà các cử tri có thể tin cậy điều hành tốt nền kinh tế và mức lãi suất. Và đây là cuộc bỏ phiếu cho người mà cử tri tin cậy để giữ cho nền kinh tế phát triển tốt và bảo vệ mức sống của gia đình.
Trong khi đó ông Latham nói rằng vấn đề là “quá nhiều sự thiếu lương thiện” bởi ông Howard. Ông Latham tuyên bố: “Nếu người dân không tin cậy chính phủ này nữa, thì chắc hẳn phải có lý do chính đáng. Tôi có thể đồng ý với vị Thủ tướng khi nói rằng cuộc bầu cử lần này là về sự tin cậy. Chính phủ của ông ta đã không trung thực trong thời gian quá lâu.” Và trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình 60 Minutes, vị lãnh tụ Lao động đã đưa ra lời hứa trịnh trọng rằng: “Tôi sẽ không bao giờ nói dối với người dân Úc.”
Đảng Lao động cần phải duy trì các chiếc ghế hiện nay và thắng thêm 12 ghế khác nữa mới đánh bại được liên minh Tự do-Quốc gia. Trong lý thuyết một sự thay đổi khoảng 2,2 phần trăm sự ủng hộ của cử tri có thể làm ông Mark Latham trở thành vị Thủ tướng, thế nhưng điều này tùy thuộc vào kết quả bầu cử ở các khu vực bấp bênh.
Buổi sáng Chủ nhật vừa qua, ông Howard đã hội kiến với Tổng toàn quyền Michael Jeffery để yêu cầu chấp thuận cuộc vận động bầu cử kéo dài 6 tuần lễ. Đây là cuộc vận động trong thời gian dài nhất kể từ cuộc bầu cử 1984. Tuy nhiên, trong một sự sắp xếp chưa từng xảy ra, cuộc vận động này sẽ không chính thức bắt đầu cho mãi tới chiều thứ Ba khi Quốc hội được giải thể, và trong lúc đó Thượng viện sẽ tiếp tục họp ở Canberra trong một ngày rưỡi.
Chính phủ đã sử dụng số đông của nó để ngăn chặn một cuộc họp của Hạ viện, nhưng không thể làm điều này ở Thượng viện, nơi mà Lao động và các đảng nhỏ chiếm đa số. Ông Howard nói rằng chẳng có ý nghĩa gì trong việc triệu tập các nghị sĩ quốc hội và ông đã cho phép Thượng viện tiến hành cuộc họp bởi vì “không muốn bất cứ ai nói rằng tôi đã cố ngăn chặn Thượng viện làm bất cứ công việc chính trị vô nghĩa nào”. Ông Howard ngụ ý muốn nói đến toan tính của Lao động và đảng Xanh nhằm làm sống lại một cuộc điều tra của Thượng viện về vụ các trẻ em bị ném xuống biển, theo sau các lời xác nhận bởi ông Mike Scrafton rằng ông Howard đã biết vụ này không xảy ra.
Ông Latham hứa hẹn một cuộc vận động có tính cách tích cực nhưng đã mau lẹ vạch cho thấy sự chênh lệch 22 tuổi giữa ông và ông Howard, 65 tuổi, và kêu gọi một sự thay đổi thế hệ. Và ông Howard đã phản ứng lại bằng lời nói rằng: “Các cử tri sẽ không ‘quan trọng hóa’ vấn đề lặt vặt này. Tôi không nghĩ người dân quan tâm nhiều đến tuổi tác. Điều chính là thành tích và sức khỏe của bạn.”
Và câu hỏi đầu tiên mà ông Latham đã đặt ra với đối thủ John Howard trong cuộc vận động bầu cử là: “Nếu đắc cử, ông có sẽ phục vụ trọn nhiệm kỳ không"” Lãnh tụ đối lập nói rằng ông Howard nên nói rõ với cử tri liệu ông ta có sẽ ở lại chức vụ thủ tướng nếu được tái đắc cử, hoặc sẽ giao quyền hành cho Bộ trưởng Ngân sách Peter Costello. Ông Howard đáp lại rằng nếu được tái đắc cử ông có thể ở lại đủ lâu để đương đầu với cuộc bầu cử lần thứ năm: “Tôi sẽ vẫn là Thủ tướng cho tới khi đảng Tự do cần tôi. Tôi đã bỏ hết công sức vào công việc hơn 8 năm qua, và thậm chí những người chỉ trích tôi dữ dội nhất cũng biết rõ sự tận tụy và quyết tâm của tôi như thế nào.”

ĐÃ ĐẾN LÚC DÂN BIỂU TRIPODI PHảI LÊN TIẾNG VỀ VỤ ORANGE GROVE!
NSW: Dân biểu đang bị công kích tứ bề Joe Tripodi sẽ xuất hiện ở Quốc hội tiểu bang ngày thứ Ba để trả lời các cáo buộc có hành động sai trái trong vụ xì-căng-đan Orange Grove. Những người bạn thân của vị dân biểu Fairfield xác nhận rằng ông Tripodi sẽ tham dự ngày đầu tiên của phiên họp quốc hội trong mùa xuân này. Đây là lần xuất hiện trước công chúng đầu tiên của ông Tripodi kể từ khi có các lời tố cáo ông ta đã hành động không thích đáng bởi đã cố gắng vận động Phụ tá Bộ trưởng Quy hoạch Thành phố Diane Beamer cho phép trung tâm thương mại Orange Grover tiếp tục mở cửa hoạt động.
Được biết khi chính phủ tiểu bang từ chối đơn xin tái quy hoạch vùng đất của trung tâm thương mại này trong tháng qua, ông Tripodi đang hưởng cuộc trăng mật ở Ý Đại Lợi. Một cuộc điều tra của quốc hội về vụ tai tiếng này được biết rằng ông Tripodi muốn bà Beamer chấp thuận một sự sửa đổi trong luật lệ về môi trường của hội đồng thành phố Liverpool để cho phép trung tâm thương mại này tiếp tục hoạt động. Ông Tripodi đã từ chối nói chuyện một cách công khai về các lời cáo buộc này. Ông ta đã hai lần được chính thức gửi giấy mời xuất hiện tại cuộc điều tra về vụ Orange Grove, nhưng cho tới nay vẫn không trả lời.
Hôm thứ Bẩy, một nguồn tin thân cận với vị dân biểu này cho biết ông Tripodi đã xác định sẽ xuất hiện ở quốc hội trong ngày thứ Ba tuần này. Khi được hỏi liệu ông ta có sẽ bào chữa cho chính mình, nhân vật này trả lời: “Ông ấy sẽ trả lời các câu hỏi.” Những người bạn của ông Tripodi, những người mà tờ The Sunday Telegraph liên lạc, đã bầy tỏ sự ủng hộ của họ với vị dân biểu này. Một người trong nhóm nói rằng: “Ông ấy đã chẳng làm điều gì sai trái. Tôi tin chắc quý vị sẽ rất lo lắng nếu vị dân biểu địa phương đã chẳng đứng ra để bảo vệ các công việc làm ở địa phương.”
Vụ rắc rối Orange Grove được trông đợi sẽ là đề tài tranh cãi sôi nổi ở quốc hội khi lãnh tụ đối lập John Brogden đưa ra một dự luật riêng nhằm tái quy hoạch vùng đất này. Trung tâm thương mại ở vùng tây-nam Sydney này đã bị buộc phải đóng cửa theo sau quyết định thứ ba của tòa án tuyên bố nó bất hợp pháp. Phe đối lập tiểu bang cũng sẽ bắt đầu chất vấn các nhân chứng khi cuộc điều tra của quốc hội về vấn đề này bắt đầu trở lại vào hôm thứ Hai. Ông Michael Meagher, chánh văn phòng của bà Beamer, sẽ là người xuất hiện đầu tiên.
Trong khi đó Dân biểu Tự do John Ryan nói rằng: “Ông Tripodi được hoan nghênh xuất hiện trong cuộc điều tra. Sự im lặng của ông ta đã làm điếc tai nhiều người. Nếu ông ấy vẫn đang bị mệt mỏi bởi chuyến bay xa (jet-lagged), thì nó chắc hẳn là một trong những sự ảnh hưởng dài nhất trong lịch sử.”

KHOA HỌC CÓ THỂ NHẬN BIẾT ĐƯỢC CÁC SIÊU LỰC SĨ TƯƠNG LAI!
ÚC ĐẠI LỢI: Các khoa học gia đang sử dụng các mẫu DNA từ các lực sĩ nổi tiếng của Úc nhằm phát triển một kỹ thuật di truyền học có tích cách mạng. Kỹ thuật này có thể nhận diện các đứa trẻ mà trong tương lai trở thành các nhà thể thao Olympic. Trong khi chúng ta vui mừng đón nhận tin chiến thắng từ nhóm lực sĩ Úc tốt nhất từ trước đến nay, kỹ thuật này sẽ cho phép các cha mẹ biết môn thể thao nào mà các đứa con của họ có thể chơi xuất sắc nhất, và liệu chúng có những gen mà rất có thể tạo ra các siêu lực sĩ.
Các nhà nghiên cứu từ Viện thể thao Úc Đại Lợi và Trung tâm nghiên cứu sinh học phân tử, Royal Prince Alfred Department of Molecular, vừa khám phá hai gen mà rất có thể cung cấp sức mạnh và khả năng chịu đựng của cơ thể. Các gen bắp thịt và tim này sẽ được dùng để nhận diện các siêu sao thể thao của tương lai. The Law Reform Commission, ủy ban nghiên cứu các vấn đề luật pháp và đạo đức, đã hoan nghênh kỹ thuật mới này. Giáo sư David Weisbrot, chủ tịch ủy ban, nói rằng: “Các sự tiến bộ trong lãnh vực di truyền học và kỹ thuật đang góp phần tạo ra thế hệ siêu lực sĩ mới.”
Ông giải thích rằng: “Chúng ta đang sử dụng kỹ thuật để tạo ra những chiếc tầu buồm di chuyển mau lẹ hơn và những cây vợt tốt hơn, do đó kỹ thuật này là phương cách để phát triển các lực sĩ. Sự cấu tạo di truyền học của một số người có thể khiến họ thích chơi một số môn thể thao nhiều hơn những môn khác. Chẳng hạn, một số người được sinh ra cho tốc độ, do đó họ có thể được khuyến khích môn chạy đua, chèo thuyền hoặc đua xe đạp. Trong khi một số người khác sự phối hợp giữa mắt và tay thật tốt, do đó họ có thể được khuyến khích chơi môn bắn cung hoặc bắn súng.”
Ông Peter Fricker, Phó giám đốc Viện Thể thao Úc Đại Lợi, mới đây tuyên bố rằng nước Úc sẽ thua kém về lãnh vực thể thao nếu không bắt đầu sử dụng kỹ thuật di truyền học này. Tuy nhiên nhiều người lo ngại rằng khoa học có thể được sử dụng để nhận diện các sai sót trong sự cấu tạo di truyền của một người, và điều này khiến họ có khuynh hướng dễ bị yếu kém hoặc tổn thương về mặt tâm thần.

CHẤT BỘT TRẮNG GÂY RA BÁO ĐỘNG ở PHI TRƯỜNG SYDNEY!
SYDNEY: Chất bột mầu trắng được tìm thấy trong phòng vệ sinh của một chiếc phi cơ hàng không Virgin Blue 737 trong tuần qua đã tạo ra một sự phản ứng khẩn cấp ở phi trường Sydney, toàn bộ phi hành đoàn và hành khách được di tản. Chiếc phi cơ này đã bị cách ly trên sân bay sau khi đến từ Melbourne khoảng 6 giờ chiều, trong khi các chuyên viên kỹ thuật leo lên phi cơ để thử nghiệm chất bột bí ẩn này.
Phi hành đoàn gồm sáu người và 151 hành khách đã được giữ riêng trong hơn hai tiếng đồng hồ, phòng trường hợp họ cần đến sự chữa trị. Một vài tiếng sau chất bột trắng này được thử nghiệm là chất không độc hại. Nó được nghĩ là chất bột làm cho da mịn (talc powder), và đã không được để vào đó một cách có chủ ý.
Đây là vụ báo động lần thứ hai xảy ra trong thời gian gần đây ở Sydney, trong tháng Bẩy một chiếc phi cơ United Airlines đã bị buộc phải khẩn cấp bay trở về phi trường Mascot sau khi một chiếc bao dùng để ói mửa đã bị ai đó viết chữ BOB - được nghĩ là các mẫu tự viết tắt của “Bomb On Board” đã được tìm thấy trong một phòng vệ sinh. Ông Scott Connolly, phát ngôn nhân của Công đoàn Vận tải, nói rằng sự báo động an ninh là một triệu chứng của tình trạng an ninh lỏng lẻo ở các phi trường.

NHỜ NÓI DỐI CẬU BÉ 11 TUỔI ĐÃ TỰ CỨU ĐƯỢC MẠNG SỐNG!
SYDNEY: Sau khi bị bắt cóc bởi một người đàn ông, một em bé đã nhanh trí nói dối cha của em là một cảnh sát viên - và sau đó đã thuyết phục kẻ bắt cóc để em được tự do. Vụ việc này đã xảy ra ở bên ngoài một trường học ở Plumpton, gần Mt. Druitt, khoảng 4:30 pm ngày thứ Tư. Nạn nhân trẻ tuổi này đã bị một người đàn ông đội chiếc nón len bảo bước vào một chiếc xe đang đậu. Khi em từ chối hắn đã chụp lấy em và quẳng vào ghế sau của chiếc xe Nissan, loại hatchback.
Cậu bé 11 tuổi này đã bị chở qua nhiều con đường của Plumpton và Rooty Hill trong vài phút. Nhưng đứa bé nhanh trí này đã được thả sau khi nói với tên bắt cóc em là con trai của một nhân viên cảnh sát. Các thám tử đã thẩm vấn đứa bé trước sự hiện diện của cha mẹ tại trạm Cảnh sát Mt. Druitt trong hơn hai tiếng đồng hồ.
Người ta tin rằng đứa bé đã không bị thương tích trong vụ bắt cóc chỉ xảy ra trong vòng vài phút. Cậu bé đã trở về nhà với cha mẹ sau khi cung cấp các chi tiết cho cảnh sát. Một phát ngôn nhân cảnh sát cho biết đứa bé này đang ngồi trên ghế trong sân trường học thì người đàn ông lạ mặt này bước đến và bảo em đi tới chiếc xe, khi từ chối kẻ bắt cóc đã nhấc bổng và quẳng bé trai này vào ghế sau của chiếc Nissan mầu xanh lợt và rồi nổ máy chạy đi mất. Các thám tử từ chối nói đứa bé này có là con trai của một cảnh sát viên hay không. Họ cũng tỏ ra rất miễn cưỡng để bình luận về vụ trốn thoát của đứa bé, hoặc đứa bé đã nói những gì với kẻ bắt cóc.
Trong thời gian gần đây, một loạt các vụ bắt cóc trẻ em đã xảy ra ở khắp đất nước Úc. Cách đây hai tuần, một phụ nữ 21 tuổi đã bị buộc tội bắt cóc hai bé trai ở Brisbane và đe dọa chặt chúng ra làm nhiều khúc. Một thiếu nữ 15 tuổi khai rằng cô đã bị bắt cóc bởi bốn người đàn ông ở Rydalmere hồi đầu tháng này. Tuy nhiên cảnh sát đã buộc tội cô gái này đã tạo ra lời khai gian dối.

SẮC THUẾ ĐÁNH VÀO MÁY POKER MACHINE CÓ HIỆU LỰC TỪ TUẦN NÀY
NSW: Các số liệu mới nhất cho thấy rằng các quán rượu (pubs và hotels) đã thu thêm số tiền $210 triệu đô-la bằng cách điều khiển các chiếc máy đánh bạc (poker machines) trả các số tiền thắng thấp hơn các câu lạc bộ. Một cuộc điều tra của nhật báo The Daily Telegraph tiết lộ rằng các quán rượu ở khắp toàn quốc trả ra khoảng 89,7 xu cho mỗi đồng đô-la bỏ vào máy đánh bạc. Trong khi, các câu lạc bộ chi lại cho những người chơi trung bình 91,1 xu cho mỗi đô-la.
Và các số liệu này cũng cho thấy ở những điểm nóng “poker machine” của NSW, tỷ lệ chia ngay cả lớn hơn nữa. Chẳng hạn ở khu vực Fairfield-Liverpool, các quán rượu chi lại 89,6 xu cho mỗi đô-la trong khi các câu lạc bộ chi lại cho người chơi máy 93,3 xu. Các tỷ lệ trả tiền trúng được tiết lộ ngay trong thời gian sắc thuế đánh trên các máy đánh bạc gây nhiều tranh cãi của tiểu bang NSW sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ thứ Tư tuần này. Sắc thuế mới này sẽ đánh vào các câu lạc bộ lớn nặng nhất, với sự ước tính của Bộ trưởng ngân khố Michael Egan tiểu bang sẽ thu thêm được $1,4 tỷ trong bẩy năm tới.
Theo luật lệ, số tiền chi lại cho người chơi là 85 phần trăm. Cả các quán rượu lẫn các câu lạc bộ đều vượt quá mức này. Các quán rượu ở vùng Richmond Tweed có tỷ lệ chi lại cho người chơi thấp nhất ở NSW, 88,7 phần trăm. Trong khi các quán rượu rộng rãi nhất có thể được tìm thấy ở khu vực Canterburry Banktown, nơi có tỷ lệ 90,3 phần trăm và cũng là nơi duy nhất ở NSW tỷ lệ chi lại cho người chơi máy đánh bạc quá mức 90 phần trăm. Các số liệu mới nhất cũng cho thấy 1830 quán rượu (hotels) ở tiểu bang NSW đang hoạt động 24,255 máy poker machine, so với 1381 câu lạc bộ có 75,214 máy.

NẠN KỲ THỊ CHủNG TỘC TRONG TRƯỜNG ĐẠI HỌC NEWCASTLE!
NSW: Khi đến Úc để học trong năm 1998, Agade Busaka đã rất lạc quan hoạch định tốt nghiệp từ trường Đại học Newcastle và bắt đầu sự nghiệp ở đây trước khi trở về quê hương Kenya. Giờ đây thanh niên 25 tuổi này đã không thể chờ ngày về nước lâu hơn nữa, và đã báo động cho những người bạn về tình trạng kỳ thị chủng tộc mà anh ta đã trải qua ở Úc. Agade và những người bạn đã tỏ ra rất lo lắng, một số đã kêu gọi các lời khuyến cáo về nạn kỳ thị chủng tộc nên được in trong các tập quảng cáo những khóa học.
Trong thời gian gần đây các tấm bích chương đã xuất hiện ngụ ý rằng những ai làm tình với “người da đen” sẽ mắc bệnh AIDS. Người ta không biết ai chịu trách nhiệm cho việc phân phát các bích chương này, nhưng nhóm Patriotic Youth League, có văn phòng ở Newcastle, đã in tên của nó ở phía dưới tấm nhãn dính (stickers) có hàng chữ viết rằng “Chấm dứt việc tăng điểm cho các học sinh ngoại quốc.” Stuart McBeth, chủ tịch của nhóm này, nói rằng họ đã chẳng liên hệ gì đến chiến dịch kỳ thị này.
Đã có ít nhất hai sinh viên Phi Châu được đưa vào bịnh viện điều trị, và nhiều sinh viên khác đã bị sỉ nhục bằng lời nói trong trường đại học. Và các sinh viên Á Châu đã bị mắc kẹt trong một căn nhà suốt hai tiếng đồng hồ trong khi gạch đá ném vào như mưa. Một sinh viên Phi Châu, không muốn tiết lộ tên, cho biết anh đã bị đánh đập trong khi đi dạo ở Newscastle. Người thanh niên Kenyan này lúc đó đang đi với một người bạn gái Na Uy thì bị một nhóm người chặn lại và hỏi “tại sao cô gái này đi chơi với một người đàn ông da đen”. Sau đó anh sinh viên này bị đánh đập và được xe cứu thương đưa vào bệnh viện chữa trị.
Agade Busaka nói rằng không khí đã thay đổi kể từ khi anh đến Úc: “Khi tôi đến đây, nơi đây có khoảng 10 sinh viên Phi Châu. Giờ đây con số đã lên tới hơn 200 người. Chúng tôi thường là nhóm người rất hiếm hoi, nhưng tính độc nhất này giờ đây không còn nữa.” Các số liệu của Bộ Giáo dục, Khoa Học và Huấn nghệ cho thấy rằng số sinh viên Phi Châu thuộc khu vực Sub-Sahara chiếm khoảng 3,3% trong tổng số sinh viên quốc tế ghi danh tại các trường đại học Úc trong năm 2003, trong khi các sinh viên từ Bắc Phi và Trung Đông có khoảng 1,6%. Anh Agade Busaka than phiền rằng Chính phủ đã tạo ra một tình trạng sợ hãi bởi cách hành xử đối với khủng hoảng Tampa và các người tầm trú, và trường đại học đã không có những hành động thích đáng để ngăn chặn nạn kỳ thị chủng tộc.
Bà Veronica Meneses, nhân viên giáo dục trong trường, nói rằng tình trạng kỳ thị đã gia tăng trong tháng qua, nhưng nó đã âm ỉ suốt hai năm qua. Phần lớn các sự sỉ nhục bằng lời nói đã không được báo cáo. Trong khi đó Phó hiệu trưởng Roger Holmes nói rằng ông và các nhân viên trong trường hỗ trợ các sinh viên ngoại quốc, chiếm khoảng 10 phần trăm sĩ số sinh viên, nhưng các trường hợp kỳ thị nên được thông báo cho nhà trường. Ông cho biết các tấm bích chương kỳ thị chủng tộc dán trong trường học đều đã bị nhân viên an ninh tháo gỡ, và bất cứ ai bị bắt đang dán các tấm bích chương có nội dung kỳ thị đều bị báo cảnh sát.

NHIỀU BỆNH NHÂN SẴN LÒNG NHẬN BỘ PHẬN CủA LOÀI VẬT!
ÚC ĐẠI LỢI: Một cuộc khảo sát mới cho thấy rằng trong một trường hợp nghiêm trọng hầu hết người dân Úc chấp nhận một bộ phận của loài vật. Trong khi nước Úc đang bị thiếu hụt trầm trọng các bộ phận cơ thể của loài người và hơn 2000 bệnh nhân đang chờ đợi để được giải phẫu, cứ 10 người thì có bẩy người đang sẵn lòng để nhận một bộ phận của loài vật.
Cuộc khảo sát này được công bố trong khi các nhà nghiên cứu đang trông đợi sẽ được phép nghiên cứu cuộc giải phẫu ghép các bộ phận của loài vật cho con người, thuật từ chuyên môn gọi là xenotrans- plantation. Tháng tới đây, Hội đồng Nghiên cứu Y học và Sức khỏe Quốc gia (NHMRC) sẽ đưa ra quyết định có cho phép cuộc nghiên cứu gây tranh cãi này hay không. Bác sĩ Antony Harding, Chủ tịch khoa giải phẫu ghép bộ phận cơ thể ở NSW, cho biết số bộ phận cơ thể hiến tặng hiện ở mức rất thấp, trong năm ngoái chỉ có 179. Bác sĩ Harding nói rằng: “Nhu cầu sử dụng các bộ phận của loài vật rất lớn. Tôi nghĩ đây sẽ là biện pháp tạm thời cho tới khi có một người hiến tặng.”
Tuy nhiên bác sĩ Elizabeth Ahlston, chủ tịch của Australian Association for Humane Research, lại nói rằng cuộc giải phẫu ghép bộ phận loài vật cho con người rất “ghê sợ” và các khoa học gia nên xem xét các phương cách khác để giải quyết sự thiếu hụt các bộ phận cơ thể. Bà Ahlston giải thích rằng: “Một vấn đề rất lớn cho chúng ta là các vi khuẩn của loài vật có thể nhảy sang loài người. Dù là họ thành công trong việc ghép một bộ phận hoặc các mô của loài vật, người đó có thể là một chiếc lồng ấp một loại vi khuẩn trong 10 hoặc 20 năm.”
Công cuộc nghiên cứu về “xenotransplatation” đã diễn ra gần một thế kỷ với rất ít sự thành công, nhưng các cuộc thử nghiệm ở Úc sẽ sử dụng các sự tiến bộ kỹ thuật để biết phương cách này có an toàn cho loài người hay không. Cuộc thử nghiệm rất có thể được thực hiện với các con heo bởi vì chúng sinh đẻ rất mau lẹ, các bộ phận của chúng tương tự kích thước của loài người và chúng có thể được sửa đổi di truyền để giảm bớt mối nguy cơ bị cơ thể từ khước.
Trong việc giải phẫu ghép bộ phận loài vật cho con người, các khoa học gia phải có thể ngăn ngừa bộ phận của loài vật bị từ khước bởi cơ thể của bệnh nhân, và bảo đảm bộ phận này hoạt động thật tốt. Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ và các cơ quan đối tác ở Âu Châu đã cho phép các cuộc thử nghiệm sử dụng tế bào gan của loài vật để chữa trị bệnh gan trong loài người.
Kết quả từ các cuộc thử nghiệm cho thấy phương cách này có thể kéo dài thời gian cho những bệnh nhân đang chờ đợi một lá gan của loài người. Khoảng 20 phần trăm bệnh nhân đang chờ đợi ghép tim, phổi hoặc gan sẽ chết trước khi được giải phẫu. Bà Rochelle Seagrott, một người mẹ ở Sydney, đang chờ đợi một quả thận suốt 11 năm qua và bà sẵn lòng để nhận một quả thận của loài vật nếu cuộc giải phẫu này an toàn và có hiệu quả.

131 VIỆC LÀM MỚI CHO ORANGE GROVE NHƯNG KHÔNG AI THÈM NHẬN!
SYDNEY: Lời hứa của chính phủ Bob Carr tìm kiếm việc làm cho các công nhân tại trung tâm thương mại Orange Grove bị đóng cửa đang trong tình trạng lộn tùng phèo - bởi vì không một nhân viên nào đã nhận một công việc mới. Mặc dù thủ hiến Bob Carr đã dùng thanh danh của chính mình để tìm kiếm công việc cho hàng trăm nhân viên bị mất việc, chính phủ tiểu bang đã chỉ tìm được tổng cộng 131 công việc, gồm 85 không thường xuyên, 20 toàn thời và 26 bán thời. Tuy nhiên không một trong những công việc này đã có người nhận. Nhiều công nhân của Orange Grove từ chối tham dự các cuộc phỏng vấn, họ muốn có lại việc làm tại trung tâm thương mại bị đóng cửa này.
Phụ tá Bộ trưởng quy hoạch thành phố Diane Beamer nói rằng ông John Dermody, viên chức điều hợp nhân dụng của chính phủ, đã phỏng vấn khoảng “một chục” công nhân nhưng không thể bảo đảm mọi người sẽ tìm được việc làm. Tệ hơn nữa, người chịu trách nhiệm tìm việc làm mới cho những công nhân này hiện đang du lịch ngoại quốc. Trong khi các cựu công nhân của Orange Grove đang lo lắng vì bị mất việc, ông John Irwin, chuyên viên nhân dụng của Drake Australia, đang nghỉ dưỡng sức một tháng tại nơi nào đó ở Âu Châu.


Đến ngày thứ Sáu nhiều cửa tiệm tại trung tâm Orange Grove vẫn mở cửa buôn bán, thách thức lệnh đóng cửa của tòa án. I Love Rima Shoes là một trong 13 tiệm vẫn tiếp tục mở cửa buôn bán, với chủ nhân Michael Haynes khẳng định ông sẽ mở cửa cho tới khi không còn khách hàng thì mới ngưng. Ông Haynes cho biết ông đã không có bất cứ giấy tờ gì viết tay. Trong khi đó ông Nabil Gazal, chủ nhân của trung tâm thương mại Orange Grove, đã bào chữa về các lời tố cáo ông ta đã không thông báo cho những người thuê biết về việc kiện tụng của trung tâm này khi họ ký các hợp đồng thuê mướn lâu dài.
Một số người bán lẻ đã nói với tờ The Daily Telegraph rằng họ đã không hề biết đơn kiện của Westfield, công ty bán lẻ khổng lồ này muốn trung tâm Orange Grove bị đóng cửa. Ông Sam Chung, giám đốc cửa tiệm MetroGirls than phiền rằng: “Tôi đã chẳng bao giờ được cho biết có một vấn đề luật pháp mãi tới khi ký một hợp đồng thuê 5 năm. Tôi đã chi hơn $100,000 để trang trí cửa tiệm....tôi đã chẳng bao giờ biết những gì xảy ra.” Và ông Rowan Gow, giám đốc bán lẻ của Fletcher Jone, cho biết cửa tiệm của ông đã không hề biết về một vụ kiện bởi Westfield khi ký một hợp đồng thuê 5 năm.

ĐIỀU TRA CÁC CÁI CHẾT BẤT THƯỜNG TẠI BỆNH VIỆN CAMPBELLTOWN!
NSW: Năm trong số 19 cái chết được báo cáo tại hai bệnh viện Camden và Campbelltown sẽ bị điều tra bởi cảnh sát để xem các vụ kiện hình sự có chính đáng hay không. Ông Carl Milovanovich, viên chức điều tra các cái chết bất thường (Coroner), ngày hôm qua đã bác bỏ rằng vụ điều tra về 14 cái chết được gửi đến văn phòng ông là kết quả của những lời than phiền bởi các y tá lên tiếng tố cáo.
Năm trường hợp còn lại - cùng với 13 trường hợp từ khu vực y tế Tây-Nam Sydney- sẽ là đối tượng của các cuộc điều tra bởi cảnh sát. Khi đưa ra quyết định về 14 trường hợp đầu tiên, ông Milovanovich nói rằng điều này không có nghĩa là không có các vấn đề trong lãnh vực chăm sóc bệnh nhân. Rất nhiều trường hợp điều trị và các vấn đề chăm sóc bệnh nhân đã được nhận ra bởi gia đình và nhân viên bệnh viện nhưng ông bị giới hạn bởi đạo luật Coroners Act, không thể điều tra chúng thêm nữa. Và ủy ban Health Care Complaints Commission là cơ quan có thẩm quyền để điều tra. Ông Milovanovich cũng đã kêu gọi các sự thay đổi trong luật lệ để bảo đảm gia đình được thông báo nếu các vấn đề về việc chăm sóc cho bệnh nhân được nêu lên với ủy ban này.
Lời đề nghị này được đưa ra theo sau các sự tiết lộ hồi đầu năm nay rằng nhiều gia đình đã không được thông báo cho biết việc điều trị cho các thân nhân họ đang bị điều tra. Ông Barry O’Farrell, phát ngôn nhân y tế đối lập, nói rằng các tài liệu phát hiện của viên chức điều tra các cái chết bất thường là đáng thất vọng. Ông kêu gọi phải có một ủy ban điều tra hoàng gia như đã được hứa bởi Bộ trưởng Y tế Morris Iemma. Trong khi đó một phát ngôn viên của bà Iemma đã từ chối bình luận về điều này.

VỊNH BOTANY BỊ Ô NHIỄM HÓA CHẤT!
SYDNEY: Công ty chịu trách nhiệm cho một trong những vụ đổ hóa chất tệ hại nhất của tiểu bang NSW đang nài nỉ chính phủ Carr phải có hành động khẩn cấp để ngăn chặn chất độc làm ô nhiễm Botany Bay. Công ty sản xuất hóa chất Orica đã viết thư gửi tới chính phủ tiểu bang thỉnh cầu thông qua một đạo luật đặc biệt để giảm bớt tệ hành chánh quan liêu hiện đang cản trở công ty này ngăn chặn chất ethylene dichloride chảy ra từ nhà máy.
Một làn nước ngầm ô nhiễm hóa chất dài khoảng 2 cây số đã hình thành ở bên dưới Banksmeadow sau khi Orica công ty trước đây có tên là ICI- đã cho phép hóa chất thoát ra từ các bồn chứa tại nhà máy của nó từ thập niên 1940 cho tới mãi cuối thập niên 1980. Có tên gọi là EDC, hóa chất gây ra ung thư này cũng có thể tạo ra các bệnh phổi, thận, gan và hệ thần kinh.
Một lá thơ được viết bởi ông Roy Rose, giám đốc kỹ thuật và môi sinh của Orica, cho thấy sự tắc trách của chính phủ đã làm thiệt hại các nỗ lực nhằm ngăn chặn sự ô nhiễm hóa chất này. Mặc dù Chính phủ tiểu bang đã biết về vấn đề này kể từ năm 1990, một số kế hoạch đã thất bại và Orica đã phải đề nghị “hành động khẩn cấp”.
Ông Rose viết ngày 13 tháng Bẩy, nói rằng một đạo luật đặc biệt có thể được cần đến để ngăn chặn nước ngầm thấm vào vịnh Botany, gần một vùng bờ biển có rất đông người đến vui chơi. Lá thư này nói rõ rằng: “Orica cần sự can thiệp khẩn cấp của chính phủ để kịp thời ngăn chặn làn nước ngầm ô nhiễm này lan tới vịnh Botany.”

MÙA ĐÔNG ẤM NHẤT KỂ TỪ NĂM 1859!
NSW: Nông dân ở một số khu vực của tiểu bang NSW sẽ bắt đầu một vụ mùa mới với các cơn mưa nhẹ mùa xuân, tiếp theo sau các trận mưa lớn cuối tuần. Mặc dù các trận mưa này đã không có thể chấm dứt cơn hạn hán hiện nay, tuy nhiên chúng cung cấp đủ nước cho công việc trồng trọt, và làm ẩm ướt lớp đất khô cằn.
Các trận mưa nặng hạt đã xảy ra ở các khu vực phía tây và tây-nam của tiểu bang, trong khi vùng Central West cũng có được một cuối tuần ướt át. Các số liệu mới được đưa ra bởi Nha Khí Tượng ngày hôm qua xác định rằng mùa đông này là mùa đông ấm áp nhất đã được ghi nhận. ở Sydney, nó là mùa đông ấm áp thứ nhì kể từ khi việc ghi nhận được bắt đầu trong năm 1859, với nhiệt độ tối đa trung bình là 19,2 độ C, hơn mức bình thường 2 độ.
Mùa đông này cũng tương đương với kỷ lục đạt được trong năm 2002 là mùa đông có ánh nắng mặt trời nhiều nhất, với trung bình 7,6 tiếng một ngày. Phân lượng nước mưa là 558,4mm trong 61 ngày, so với 932mm trong cùng thời gian của năm ngoái. Mặc dù Sydney cũng nhận được các trận mưa cuối tuần, nhưng một lần nữa các trận mưa này lại rơi sai chỗ, đập nước Warra gamba chỉ nhận được vỏn vẹn 5 mm. Do đó mực nước của đập nước vẫn không gia tăng, hiện ở mức 41,1 phần trăm.


5000 NGƯỜI VIỆT BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI HĐTP PARRAMATTA - Hữu Nguyên

Hưởng ứng lời kêu gọi của Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW, sáng Thứ Bảy, 28/8/04, trên 5000 người Việt, với tinh thần cương quyết bảo vệ chính nghĩa và lý tưởng của người Việt tỵ nạn CS, đã tích cực tham dự cuộc biểu tình phản đối Hội Đồng Thành Phố Parramatta phí phạm tiền thuế của dân trong việc khoản đãi một cách vô lý cán bộ CSVN nhân cái gọi là "ngày quốc khánh CSVN".
Ngay từ sáng sớm, người Việt đã từ khắp các ngả đổ về toà thị sảnh Parramatta bằng đủ các loại phương tiện như xe lửa, xe bus, xe nhà... Trong số đó có nhiều người Úc gốc Việt sống ngay vùng Parramatta, nhiều người đến từ những vùng lân cận như Auburn, Cabramatta, Banks- town, Marrickville... và thậm chí cả những người Úc gốc Việt từ những vùng xa xôi như Newcastle, Wollong- gong... cũng có mặt. Ngoài ra, cũng có cả một số người Úc hiện diện hậu thuẫn cuộc biểu tình.
Đặc biệt, trong số trên 5000 người hiện diện tại cuộc biểu tình, có hàng ngàn thanh thiếu niên, sinh viên học sinh. Tất cả đều dương cao cờ vàng ba sọc đỏ, hoặc các khẩu hiệu tố cáo tội ác cộng sản, lên án việc làm sai trái của HĐTP Parramatta. Sự hiện diện của hàng ngàn thanh thiếu niên Việt Nam trong cuộc biểu tình là một bằng chứng hiển nhiên, chứng tỏ thị trưởng Julia Finn đã hoàn toàn sai lầm khi cho rằng "chỉ có người Việt già nua mới chống cờ CSVN".
Đúng 9 giờ 30 sáng, cuộc biểu tình chính thức bắt đầu bằng nghi lễ chào quốc kỳ và hát quốc ca Úc, Việt. Sau đó là phút mặt niệm tưởng nhớ những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ tự do cho Miền Nam, trong đó có 520 chiến binh Úc.
Tiếp theo chương trình, ông Đặng Quốc Sủng, trưởng ban tổ chức cuộc biểu tình đã trình bầy một cách ngắn gọn mục đích và ý nghĩa của cuộc biểu tình. Sau đó, là phần phát biểu của ông Phan Đông Bích, Chủ tịch CĐNVTD/NSW. Ông nhấn mạnh, nhờ nguyện vọng chính đáng và sự phản đối kịp thời của cộng đồng người Việt, nên HĐTP Parramatta đã nhượng bộ qua quyết định huỷ bỏ việc treo cờ CSVN. Tuy nhiên, HĐTP Parramatta, đứng đầu là thị trưởng Julia Finn, vẫn tiếp tục mở tiệc khoản đãi cán bộ CSVN bằng tiền thuế của dân Parramatta, trong đó có đông đảo người Úc gốc Việt. Đây là một quyết định vừa sai lầm về ngoại giao, vừa thiếu hiểu biết về lập trường chính trị và nguyện vọng chính đáng của cộng đồng người Việt tại Parramatta nói riêng, và tại Úc nói chung. Đó là lý do khiến Ban Chấp Hành CĐNVTD/NSW quyết định tổ chức biểu tình phản đối thị trưởng Julia Finn cũng như HĐTP Parramatta. Ông cũng vui mừng và tự hào cho biết, hậu thuẫn cuộc biểu tình của CĐNVTD/NSW có CĐNVTD/QLD cũng như quý đồng hương từ khắp nơi trên nước Úc. Đặc biệt, ông cũng cho biết, có sự tham dự của quý vị đại diện CĐNV TD Wollongong trong đó có nữ Chủ tịch Trần Hương Thuỷ.
Trong phần phát biểu tiếp đó của Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tiến, Chủ tịch CĐNVTD/UC, Bác sĩ khẳng định 2 mục tiêu chính yếu của cuộc biểu tình. Mục tiêu thứ nhất, cộng đồng người Việt có mặt trước toà thị sảnh Parramatta là để ăn mừng chiến thắng: HĐTP Parramatta đã quyết định huỷ bỏ việc treo cờ CSVN. Đây là một chiến thắng ngoạn mục chứng tỏ sức mạnh chính nghĩa và sự đoàn kết trên dưới một lòng của cộng đồng người Việt tự do. Chiến thắng ngoạn mục này cũng thể hiện phần nào sự thông cảm và biết điều của HĐTP Parramatta. Mục tiêu thứ hai của cuộc biểu tình là để phản đối quyết định sai lầm của HĐTP Parramatta khi họ vẫn tiếp tục khoản đãi phái đoàn CSVN nhân ngày quốc khánh của CS. Bác sĩ Tiến cũng kêu gọi mọi người tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp luôn luôn biểu tình trong ôn hoà, bất bạo động, cùng khí thế của 2 cuộc biểu tình chống SBS-TV vào cuối năm 2003, để dương cao chính nghĩa của người Việt tỵ nạn CS tại Úc.
Sau đó, là phần phát biểu của Linh Mục Paul Văn Chi, một trong những vị lãnh đạo tinh thần khả kính, luôn luôn sát cánh cùng cộng đồng trong các cuộc đấu tranh chống cộng sản, vinh danh chính nghĩa người Việt tỵ nạn. Mở đầu, LM Paul Văn Chi tâm sự về sự xúc động của LM đối với quê hương, đất nước, ngay khi LM trông thấy cả một rừng cờ VNCH trước toà thị chánh Parramatta. LM cũng khẳng định, cộng đồng Công Giáo Việt Nam trước sau như một luôn luôn sát cánh cùng với đồng hương trong cuộc đấu tranh chống lại mọi mưu toan thâm độc của CS tại Úc, đồng thời tích cực góp phần đấu tranh giành nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Nhân dịp này, LM cũng phân tích những âm mưu thâm độc của CS qua cái gọi là Nghị Quyết 36.
Cũng trong tinh thần luôn luôn dấn thân trong cuộc đấu tranh giành tự do cho tôn giáo và dân tộc, ông Nguyễn Văn Paul, đại diện Phật Giáo Hoà Hảo, cũng đã phát biểu về niềm tin và trách nhiệm của đạo giáo trong cuộc đấu tranh với CS hiện nay tại hải ngoại. Sau khi phê phán việc làm sai trái của HĐTP Parramatta, ông tin tưởng cho biết, trước sau gì, mọi mưu toan của CS cũng sẽ bị đập tan, và chính nghĩa của người Việt tỵ nạn CS sẽ tất thắng.
Đặc biệt, cô Trần Hương Thuỷ, Chủ tịch CĐNVTD Wollongong, cũng tha thiết nhắc nhở mọi người nhớ đến những tang thương mà đất nước, dân tộc, trong đó có thân nhân, bằng hữu của mỗi người đã trải qua, kể từ khi CSVN xâm lăng Miền Nam. Cô cũng khẳng định, đồng hương và BCH CĐNVTD tại Wollongong trước sau như một, sẽ luôn luôn chung vai sát cánh với cộng đồng người Việt tự do Úc châu trong công cuộc đấu tranh chống CSVN.
Tưởng cũng nên nói thêm, ngày 23.8.04 HĐTP Parramatta đã chính thức ra Thông Cáo Báo chí công bố, bà thị trưởng Julia Finn đã quyết định huỷ bỏ việc treo cờ CSVN. Thông báo này đã được phổ biến rộng rãi trên báo chí Việt ngữ, cũng như Anh ngữ trong vùng Parramatta và phụ cận. Thực tế, đúng như bản Thông Cáo Báo Chí đã công bố, ngày 28/8/2004, HĐTP Parramatta đã không hề thực hiện bất cứ nghi lễ nào để treo cờ CSVN. Ngày hôm đó, 28/8/2004, tại toà thị chính Parramatta chỉ có một rừng cờ vàng ba sọc đỏ và cờ Úc của những người Việt biểu tình phản đối HĐTP Parramatta đã tiếp tay cho CSVN. Vậy mà ngày 29/8/04, Đảng CSVN, Thông Tấn Xã CSVN, và nhiều báo chí xuất bản tại VN, vẫn trắng trợn bịa đặt khi loan tin, HĐTP Parramatta đã làm lễ treo cờ CS tại Parramatta.

Địa chỉ website loan tin vịt của Đảng CSVN:

http://dangcongsan.vn/details.asp"topic=12&subtopic=105&id=BT3150451964

Của thông tấn xã CSVN:

http://www.vnagency.com.vn/NewsA.asp"LANGUAGE_ID=2&CATEGORY_ID=29&NEWS_ID=115681

Và của báo Người Viễn Xứ:

http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/trenduongphattrien/2004/08/231846/


VÀI SUY NGHĨ VỀ CUỘC BIỂU TÌNH

Cuộc biểu tình ngày 28/8 tuy không đông bằng cuộc biểu tình chống VTV-4, nhưng có một ý nghĩa đặc biệt, chứng tỏ cộng đồng người Việt tự do tại Úc trước sau như một không chấp nhận CS qua bất cứ hình thức nào. Sống trong một quốc gia tự do dân chủ, cộng đồng chúng ta tôn trọng các quyết định dân chủ của các cơ quan công quyền cũng như tư nhân của Úc. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẵn sàng hành xử những quyền tự do được luật pháp Úc bảo vệ, để thể hiện lập trường chính trị minh bạch và nguyện vọng chính đáng của chúng ta, một CĐ tỵ nạn CS.
Cũng trong tinh thần đó, ta thấy cuộc biểu tình ngày 28/8 có 2 sự kiện cần được đề cập. Thứ nhất là có 2 người cán bộ cộng sản bị đánh, một người bị vỡ kiếng, một người bị chảy máu. Cho đến nay, chúng ta cũng không hề biết một cách chính xác ai là thủ phạm. Tuy nhiên, có mấy giả thuyết được đặt ra ở đây. Một, có thể chính 2 người cộng sản này vì lý do nào đó, đã đánh lộn nhau, dẫn đến những lộn xộn sau đó, và cảnh sát đã phải vội vã can thiệp. Hai, có thể cộng sản cho người trà trộn trong đám biểu tình, để chúng ra tay hành hung 2 tên cán bộ CS, rồi vừa ăn cướp vừa la làng, vừa cào mặt vừa ăn vạ, chúng sẽ đổ tội hành hung lên đầu ban tổ chức biểu tình. Làm như vậy, chúng sẽ khiến cộng đồng chúng ta bị mất uy tín, một số người trong ban tổ chức biểu tình sẽ hoang mang, đi đến ngần ngại tổ chức những cuộc biểu tình chống cộng trong tương lai. Ba, có thể hai tên cán bộ CS đã cố tình có những hành động gây hấn, khiêu khích, khiến một hai người tham dự biểu tình tức giận, dậy cho chúng một bài học.
Trong ba giả thuyết trên, giả thuyết 1 và 2 hợp lý hơn cả. Có mấy lý do. Thứ nhất, cộng đồng người Việt chúng ta biểu tình chống CS từ xưa đến nay cả 100 lần nhưng luôn luôn có truyền thống ôn hoà, bất bạo động. Ngay cả những cuộc biểu tình chống SBS-TV đông tới 13,000 người, vẫn không hề có một sự cố đáng tiếc nào. Không những vậy, ngay cả chính trị gia, cảnh sát, dân chúng, và ban giám đốc SBS-TV cũng đều ca ngợi ban tổ chức và người tham dự biểu tình là ôn hoà trật tự. Thứ hai, CSVN xưa nay luôn luôn là những kẻ thích bạo lực, thích đập lộn. Bằng chứng rõ ràng, chính CSVN đã ngang nhiên xé bỏ các hiệp ước, hành xử theo luật rừng, khi chúng xua quân xâm lăng Miền Nam, Căm Bốt. Bằng chứng, khi Liên Hiệp Quốc mời Việt Nam tham gia vào công việc bảo vệ trị an và hoà bình tại Iraq, chính Phan Thuý Thanh, phát ngôn viên bộ ngoại giao CS, đã từ chối với lời tuyên bố khẳng định CSVN chỉ quen đập lộn: "Chính phủ chúng tôi xưa nay không quen trong việc bảo vệ trị an và hoà bình". Rồi bằng chứng nữa là cách đây không lâu, một nhân viên ngoại giao đoàn tại toà đại sứ CS ở Anh quốc, đã ngang nhiên múa may khẩu súng lục, và có những ngôn ngữ hạ cấp và lời lẽ đe doạ đoàn biểu tình ngay giữa ban ngày. Thứ ba, trước khí thế và truyền thống tích cực biểu tình chống CS của người Việt tự do tại Úc, CSVN đã và đang tìm mọi cách đánh phá, trong đó có cách dùng chính tay chân nằm vùng của chúng gây xung đột với đoàn biểu tình để chụp mũ cộng đồng chúng ta. Bằng cớ hiển nhiên nhất, trong cuộc biểu tình chống văn công CS tại Cabramatta, anh Lê Minh Phó đã bị cáo buộc tội hành hung cô Ngọc Lan, điều mà tất cả chúng ta đều biết rõ, anh Phó không hề làm.
Để có thể ngăn ngừa được những hành động côn đồ của CS, đồng thời duy trì được sức mạnh chính nghĩa của cộng đồng qua các cuộc biểu tình trong tương lai, chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ mấy điểm sau. Một, tích cực tham dự cuộc biểu tình với sự cảnh giác và thái độ ôn hoà, bất bạo động. Hai, bất cứ cá nhân nào trong cuộc biểu tình nếu có những hành động sai trái, người đó sẽ bị truy tố, và chịu sự phán xét công bằng của pháp luật. Tuy nhiên, hành động sai trái của cá nhân đó không hề ảnh hưởng đến quyền tự do biểu tình chống CS của cộng đồng chúng ta. Cá nhân làm sai, cá nhân chịu trách nhiệm. Bất cứ ai, bất cứ thế lực nào, dùng cái sai của một vài cá nhân để ngăn chận quyền tự do biểu tình chống CS của cộng đồng chúng ta, hoặc làm nhụt nhuệ khí đấu tranh bảo vệ chính nghĩa của người Việt tỵ nạn, là cá nhân đó, thế lực đó, đã vô tình, hoặc cố ý, chà đạp quyền tự do dân chủ của xã hội Úc, và tiếp tay cho CS.
Biểu tình trong ôn hoà bất bạo động là quyền của mọi người, và quyền đó đã được luật pháp Úc bảo vệ. Một khi cộng đồng chúng ta, thông qua các cuộc thảo luận và biểu quyết dân chủ, đi đến quyết định biểu tình, thì không một cá nhân nào, hay thế lực nào, bất kể Úc hay Việt, có quyền ngăn chặn quyết định đó.
Sự kiện thứ hai cần được đề cập là vai trò và trách nhiệm của SBS Radio. Như chúng ta đã biết, trong cuộc biểu tình vừa qua, SBS Radio chỉ đến khi cuộc biểu tình đã tan. Điều này đã làm buồn lòng và thất vọng nhiều người. Thứ nhất, SBS Radio là một cơ quan ngôn luận được sự tài trợ bằng thuế của dân, trong đó có chúng ta. Thứ hai, SBS có trách nhiệm phục vụ cộng đồng người Việt tại Úc, trong đó tuyệt đại đa số là người Việt tỵ nạn cộng sản. Thứ ba, quan trọng hơn nữa, đại đa số quý vị làm việc, cũng như điều hành trong SBS Radio đều là người Việt tỵ nạn CS. Vì vậy, SBS Radio có tránh nhiệm lớn hơn nhiều so với các cơ quan ngôn luận tư nhân khác trong việc phản ảnh nguyện vọng của người Việt qua cuộc biểu tình. Vậy mà nghịch lý đã xảy ra ở đây là trong khi tất cả các cơ quan ngôn luận tư nhân của người Việt đều tích cực bỏ công sức, bỏ tiền của, đóng góp vào cuộc biểu tình, như thuê xe bus, may cờ, mua bong bóng, hoặc ít nhất cũng tích cực tham dự cuộc biểu tình thật sớm để tường thuật đầy đủ về cuộc biểu tình; thì trái lại, SBS Radio lại công khai thờ ơ đối với cuộc biểu tình, nơi nguyện vọng của tuyệt đại đa số người Việt tỵ nạn CS được công khai thể hiện qua ánh mắt vô cùng tha thiết, qua lời hô từ tận đáy lòng...
Đau lòng hơn nữa, trong khi BCH Cộng đồng NVTD liên bang, trong đó có BS Chủ tịch Nguyễn Mạnh Tiến, đều bôn ba ngược xuôi để tìm mọi cách vận động chính giới cho SBS Radio được tăng thêm ngân sách; trong khi chính BS Chủ tịch Nguyễn Mạnh Tiến tích cực đến tham dự cuộc biểu tình ngay từ sáng sớm, với tất cả tâm huyết và ý chí; thì trái lại, quý vị trong đài SBS Radio lại thờ ơ, nếu không nói là nguội lạnh đối với cuộc biểu tình.
Đâu là câu trả lời thoả đáng cho những nghịch lý trên" Nguyên nhân nào, lý do nào khi quý vị lãnh đạo trong CĐ liên bang vẫn tiếp tục theo đuổi con đường một chiều, tích cực giúp đỡ SBS Radio, trong khi SBS Radio vẫn thờ ơ trước các cuộc biểu tình, nơi tâm huyết, nguyện vọng, hoài bão, lý tưởng và cả lẽ sống của quý vị, và của cả cộng đồng đều được ấp ủ"""
Điều ngạc nhiên hơn nữa, khi chúng ta được biết, SBS Radio xưa nay từ chối phổ biến các thông báo về biểu tình, với lý do đó là chính sách của SBS Radio. Đồng ý đó là chính sách. Nhưng chính sách do con người làm ra, thì khi chính sách đó đi ngược lại nguyện vọng của tuyệt đại đa số người Việt, đối tượng mà SBS Radio phục vụ, thì chính sách đó phải được sửa đổi. Nếu biểu tình trong ôn hoà bất bạo động là một quyền chính đáng được luật pháp bảo vệ, và cộng đồng chúng ta xử dụng quyền đó để thể hiện nguyện vọng chính đáng của đại đa số mọi người, thử hỏi, tại sao SBS Radio từ chối không phổ biến các thông báo về biểu tình"
Uy tín, tên tuổi, giá trị, và ngay cả sự hiện hữu của SBS Radio cũng như của các nhân viên làm việc cho SBS Radio hoàn toàn tuỳ thuộc vào vai trò và trách nhiệm của SBS Radio đối với thính giả. Trong quá khứ, SBS Radio đã tạo dựng được uy tín và giá trị nhất định trong cộng đồng. Nhưng kể từ khi VTV-4 cho đến nay, uy tín và giá trị của SBS Radio đang bị sứt mẻ. Và thái độ SBS Radio thờ ơ, không phản ảnh đúng nguyện vọng của người Việt yêu tự do tại Úc trong cuộc biểu tình Thứ Bảy, 28/8 vừa qua, một lần nữa chứng tỏ, SBS Radio đang đứng trước nguy cơ bị sa lầy.
Hy vọng, qua những đóng góp thẳng thắn trên đây, quý vị trong BCH CĐNVTD liên bang, quý vị lãnh đạo và nhân viên SBS Radio, sớm nhận ra những nguyện vọng chính đáng của người Việt yêu tự do tại Úc, cùng trách nhiệm của quý vị đối với dân tộc, đất nước và lịch sử. Có như vậy, tất cả mọi người trong cộng đồng chúng ta mới không bận tâm và mất thì giờ để suy nghĩ và bối rối trước những điều khó hiểu, để rồi có những ngộ nhận, có những đối phó, thực sự không cần thiết, làm cản trợ cuộc đấu tranh của chúng ta.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.