Hôm nay,  

Vườn Gia Bảo Ở Huế

17/08/200300:00:00(Xem: 4814)
Bạn,
Ở Huế bây giờ, lập một khu nhà vườn truyền thống cũng vẫn là giấc mơ tiền tỷ, quá xa vời với không ít người... Việc có thể làm chỉ là gìn giữ, tôn tạo những nhà vườn đã có. Báo Đầu Tư viết về những khu vườn gia bảo ở Huế như sau.
Ấn tượng đầu tiên khi bước vào một ngôi nhà theo lối xưa ở Huế là rặng chè tàu được xén tỉa công phu. Lối vào cửa trước của gian nhà chính bao giờ cũng là một bình phong chè tàu kín đáo và ý nhị, vừa để che chắn gió độc, cản ám khí, vừa để chủ cũng như khách, dù ra hay vào không bao giờ quay lưng lại với bàn thờ tiên tổ. Lại nữa, tấm bình phong xanh ấy phần nào kìm giữ bớt những bước chân quá vội vàng, hạ nhiệt những cái đầu... quá nóng, để sau khi vòng sang hai bên mà vào nhà, người ta nói với nhau nhỏ nhẹ, hiền hòa hơn. Nhà vườn ở Huế còn phổ biến, nói đúng hơn là nhà có vườn; chứ số nhà vườn được chăm sóc công phu, giữ được nét tao nhã, độc đáo của cố đô thì cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Sáu nhà vườn được chọn làm điểm dừng chân cho du khách đi tour du lịch Huế, mỗi nhà một vẻ, đều có thể xem là những viên ngọc xanh mang những cái tên thơ mộng: An Hiên Viên, Lạc Tịnh Viên, Tịnh Gia Viên, Vườn Phụng Cát (còn gọi là vườn Ngọc Sơn Công chúa), Nhạc Hoa Viên, vườn Ý Thảo. Nếu như An Hiên Viên và Lạc Tịnh Viên nổi tiếng vì sự hài hòa đến chuẩn mực giữa vườn cây và nhà rường cổ, được xây dựng bởi những chủ nhân đã một thời vang bóng trong triều đình nhà Nguyễn, thì Nhạc Hoa Viên (Tỳ Bà Viện) hấp dẫn bởi bộ sưu tập nhạc cụ truyền thống, còn vườn Ý Thảo lại có bộ sưu tập gốm men lam độc đáo...

Có lẽ cũng nên nói thêm rằng, dường như không đâu trên đất nước Việt Nam này lại tập hợp nhiều địa danh mơ màng như ở Huế. Bắc Bộ mộc mạc, dân dã với Láng, Tó, Chèm, Phùng, Trôi, Cầu Rào, Cầu Đất; Nam Bộ nghe âm âm dấu ấn một thời mở đất với Cái Mơn, Rạch Giá, Cầu Mưỡu... còn ở Huế có Thiên An, Ngự Bình, Kim Long, Hương Thủy, Vỹ Dạ, Thuận An.
Công chức về hưu, nhưng ông Nguyễn Hữu Vấn, chủ Tịnh Gia Viên, lại là một người nổi tiếng trong giới chơi vườn Huế. Nói chơi vườn mới chính xác, bởi để có được một khu vườn đẹp, người kiến tạo phải am hiểu về mọi yếu tố tự nhiên: đá, gió, cát, nước, các loài chim, cá, muông thú..., nghệ thuật sắp đặt, chăm sóc sinh vật cảnh và thậm chí cả thuật phong thủy nữa. Đáng tiếc nhất là ngôi nhà cổ của Tịnh Gia Viên đã bị chiến tranh làm hỏng hoàn toàn. Chỉ có khu vườn là giữ nguyên cách bài trí, chỉ bổ sung thêm nhiều loại cây cảnh, non bộ, ông Vấn nói. Được trợ giúp đắc lực của người vợ dòng hoàng tộc, bà Tôn Nữ Thị Hà (cũng là chuyên gia ẩm thực cung đình khá nổi tiếng), ông Vấn đã sưu tập được trong mảnh vườn nhỏ của gia đình yên tĩnh (Tịnh Gia) của mình khoảng hơn 400 cây thuộc 150 chủng loại, không kể hàng chục loại phong lan và xương rồng. Đặc sắc nhất ở Tịnh Gia Viên cũng như nhiều khu vườn khác ở Huế là mai Huế. Loại mai này quý bởi mùi hương, màu hoa vàng thắm và lâu tàn.
Bạn,
Báo này tiếp: Ở Huế có những cây mai cổ gia bảo đã hàng trăm tuổi, được truyền từ đời này sang đời khác, được tạo thế long giáng, long thăng... uy phong, đẹp mắt. (Không biết có phải vì đây là đất cố đô"). Còn nhớ, khi có dịp đến thăm vườn nhiệt đới ở Nhật, một chuyên gia làm vườn đã nói: Đá, nước và cây là 3 yếu tố không thể thiếu trong khu vườn, nó giống như xương thịt và dòng máu trong cơ thể của một người.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.