Hôm nay,  

Chuyện Khiêu Vũ

19/06/199900:00:00(Xem: 7740)
Bạn,
Trong thời gian qua, do ế khách, một số rạp chiếu bóng ở Sài Gòn đã “cải tạo” để chuyển thành câu lạc bộ khiêu vũ. Tuy nhiên, nếu đi vào bên trong, khách sẽ cảm thấy ngột ngạt vì cái không khí “tạp lục” của loại câu lạc bộ này, từ thành phần khách cho đến các tiết mục phụ diễn và cảnh trí quanh sàn nhảy, tất cả đều “tạp pín lù”: Một khoảng hẹp mờ tối dẫn vào sàn nhảy, trên tường trang trí rất quái dị, có nơi vằn vện những dây thừng, bao tải, xung quanh khói thuốc lá mù mịt, còn khách thì cũng thuộc nhiều thành phần, tuy nhiên giới trẻ chiếm đa số. Tại một câu lạc bộ khiêu vũ được biến cải từ rạp chiếu bóng, một phóng viên báo Sài Gòn đã ghi nhận như sau:
Đứng hai bên sân khấu là hai cô gái trẻ trong trang phục hở hang đang nhảy nhót với những động tác quơ chân, múa tay một cách khêu gợi. Dưới sàn nhảy, nhiều bạn trẻ cũng ăn mặc khá “nghèo nàn”. Một nhân viên phục vụ ghé vào tai tôi: “ở đây mỗi đêm có một tiết mục, như biểu diễn đua xe mô-tô, múa di-gan, xổ số trúng thưởng cho những người uống rượu...” Cạnh bàn chúng tôi là một nhóm học sinh lớp 12. Uống chừng nửa chai rượu Remy Martin thì cả nhóm kéo nhau ra sàn nhảy. Một nhóm khác là sinh viên, sau khi uống vội những viên thuốc nhỏ xíu, họ cũng khật khưỡng ôm nhau xoay tít. Còn sau những góc tối trên cầu thang tầng một, tầng hai, từng đôi nam nữ thoải mái ôm lấy nhau. Một cô gái có tia nhìn man dại, cầm cả chai rượu ngửa cổ nốc từng hơi dài. Rồi cô đứng tại chỗ giật liên hồi bằng những động tác hết sức kỳ quái. Thấy tôi thắc mắc, anh bạn thổ địa cho biết: “Luật chơi ở đây cũng như ở những vũ trường khác, bằng nhau tất: Không nghe, không thấy, không bàn luận, ai làm gì mặc ai”.

Tôi thử tách nhóm ngồi một mình, chưa đầy 5 phút thì một gã đàn ông sà đến: “Chi mà cô đơn dữ dzậy, lên tầng ba tâm sự đi anh”. Hơi ớn, song tôi cũng liều một phen xem gã giở trò gì. Rất tự nhiên, gã xoắn lấy tôi, sờ soạng rồi níu tôi vào nhà vệ sinh. Đến đây thì tôi đâm hoảng thực sự vì gã giữ chặt chốt cửa và giục tôi... “cởi ra đi”. Vừa khi có người khác vào, tôi lẻn thoát thân, còn kịp nghe gã chửi theo: “Đồ nhà quê”. Chưa kịp định thần thì một cô gái chừng 15, 16 tuổi đến gần nháy mắt rủ tôi lên lầu hát karaoke. Tôi bước theo chân cô gái. Nằm bên hông vũ trường, cả dãy karaoke im lìm, không tiếng hát nhưng cực kỳ sống động. Có cả tiếng hổn hển trong những căn phòng mờ ảo. Cô bé nói: “Mấy hôm nay công an làm rát quá nên bọn em phải lẩn trong sàn nhảy hoặc ngồi ở quầy bar. Bình thường thì bọn em cứ ngồi dài trước phòng karaoke cho khách chọn. Ở đây, khách Đài Loan lúc nào cũng tấp nập”. Cô gái dừng lại trước một phòng và nói thẳng: “Cứ một lần là 150.000 đồng. Anh yên tâm, em có đầy đủ dụng cụ bảo vệ”. Tôi nhìn nhanh vào túi xách cô bé, không chỉ một mà rất nhiều cái gọi là “dụng cụ bảo vệ”. Dúi vào tay cô bé tờ 50.000 đồng, tôi xin lỗi và chuồn lẹ. Chúng tôi rời Long Vân lúc gần 2 giờ sáng, bên trong vẫn còn đông kín khách. Bên ngoài, khách vẫn lục tục kéo vào, những chiếc taxi đậu kín cả lối đi.
Bạn,
Tác giả đoạn phóng sự trên cho biết là đã nhiều đêm đến với câu lạc bộ khiêu vũ để “xâm nhập thực tế”, anh nhận ra rằng dòng chảy về đây khác hẳn dòng chảy lam lũ của người nghèo, của những công nhân, của học sinh gia đình lao động sau một ngày mưu sinh, học tập cực nhọc. Cái dòng chảy đó đã quấn họ với bất hạnh, với sự khốn cùng đeo đẳng quanh năm!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.