Hôm nay,  

Thề Không Ở Chung Cư

25/08/200100:00:00(Xem: 4934)
Bạn,
Theo báo Người Lao Động, Sài Gòn hiện có trên 600 chung cư các loại, con số này sẽ tăng lên khi dân từ các vùng quê tìm cách về thành phố để mưu sinh. Có nghĩa là những người sống ở chung cư cứ tiếp tục đông thêm, và những chuyện xích mích hay thuận thảo giữa những người cùng chung cư cũng bắt đầu từ đó. Có những gia đình ở sát bên nhau nhưng “chiến tranh lạnh” vẫn diễn ra hàng ngày, nguyên nhân có khi chỉ khởi phát từ một phía, và cuối cùng có gia đình phải dọn đi với lời nguyền không bao giờ ở chung cư nữa. Báo NLĐ dẫn ra một trường hợp điển hình như sau.

Phải giật gấu vá vai, mượn chác khắp nơi, cuối năm 1995 anh Trần Đình Khương mới mua được 1 căn hộ ở chung cư trên địa phận khu Bàu Cát, Tân Bình. Dù ở chót vót trên tầng cuối cùng, nhưng với vợ chồng trẻ mới ra trường chưa lâu như Khương, đây quả là căn nhà lý tưởng. Bốn mét ngang, mười một mét dài, có ban công nhìn xuống đường, hành lang bên trong rộng rãi, nhà mới toanh, chìa khóa trao tay. Thế nhưng anh gặp một rủi ro không ngờ, đó là một bà láng giềng cực kỳ khó chịu. Bà này có cái tên khá mỹ miều, nhưng do sự gây gỗ vô lý của bà với tất cả những người xung quanh, nên mọi người gọi chết danh của bà là “độc cô cầu bại”, vì chưa thấy bà chịu nhường ai trong bất cứ cuộc cãi vã nào, dù bà vô lý đến đâu. Mà dĩ nhiên bà là người châm ngòi khởi sự. Là người nhút nhát, sợ to tiếng, ban đầu Khương tìm mọi cách nín nhịn, né tránh, dù những lời chửi xiên, chửi xéo của bà rõ ràng nhắm vào nhà anh. Vợ chồng anh đi làm suốt ngày, tối về mới mở máy giặt đồ, tiếng nước xả, tiếng máy chạy bà cũng chửi. Vợ chồng Khương quyết định chỉ giặt đồ vào ngày chủ nhật. Là dân miền Tây, Khương khoái món mắm kho, mùi mắm bay qua nhà bà, bà chửi nhà nó quân ăn uống hôi tanh. Trẻ con trong chung cư trửng giỡn gõ cửa nhà bà, bà hăm sẽ gài điện giật chết để chúng làm ma gác cửa cho bà. Đôi lần tổ dân phố đem bà ra kiểm điểm, bà chửi luôn ông tổ trưởng tại cuộc họp, không để ai nói xen vào một lời nào. Người ta gọi chồng bà đến thì ông chồng không dám đến. Ông tổ trưởng bực quá, tuyên bố nghỉ làm tổ trưởng. Người của phường xuống họp dân để bầu tổ trưởng, không ai muốn dự họp, vì chung cư hầu hết là dân đi làm, mệt mỏi tối ngày với công việc, đến nỗi người ta phải thông báo, nếu không ai dự họp, sẽ bầu bà đó làm tổ trưởng.

Bạn,
Báo NLĐ viết tiếp: né tránh mãi cũng không xong, cuối cùng Khương cũng phải hai lần chạm mặt với bà “độc cô”. Một buổi sáng Khương chạy thể dục về, bắt gặp bà ta đem túi rác đặt trước cửa nhà anh. Bất ngờ quá, Khương chỉ thản nhiên đi về nhà mình đóng ầm cửa lại. Tức tối, Khương mang túi rác để qua cửa nhà bà, chốc sau mở cửa lại thấy túi rác trở qua. Đẩy qua, đẩy lại một lúc thành ra Khương là một người bỏ rác qua hàng xóm, đành đóng cửa dù chưa tới giờ đi làm. Nhưng đến lần thứ hai thì Khương không nhịn được. Một sáng chủ nhật, vợ chồng anh đút cơm cho con ăn ở ngoài hành lang. Con bé chưa đầy một tuổi kén ăn nên vợ anh phải vỗ tay cổ vũ nó. Bà độc cô đi ngang, nói phong long một câu: Con nít kén ăn dễ chết. Khương chặn bà ta lại rồi hét: Bà mà rủa con của tôi, có ngày tôi bóp cổ bà. Sau đó việc gì xảy ra không cần mô tả. Từ đó, Khương quyết định dời nhà. Phải mất gần hai năm chạy vạy, vay mượn khắp nơi, Khương mời dời đi được với lời nguyền không bao giờ trở lại chung cư này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.