Hôm nay,  

Nạn Nhân Mỹ Phẩm Giả

26/06/199900:00:00(Xem: 6726)
Bạn,
Theo báo trong nước, chưa bao giờ mỹ phẩm lại tràn ngập trên thị trường đến vậy, và cũng chưa bao giờ lại có nhiều bệnh nhân bị dị ứng mỹ phẩm như vậy trong hai năm gần đây. Các hãng mỹ phẩm nổi tiếng do các công ty quốc tế sản xuất đã bị “xâm phạm bản quyền” bởi những sản phẩm nhái theo mẫu mã, bị làm giả... Nạn nhân trực tiếp của hàng mỹ phẩm giả là các phụ nữ muốn “tân trang nhan sắc”, nhiều người mặt mày không đẹp thêm mà còn bị sưng húp vì các biến chứng xúc tác từ hàng giả. Mỹ phẩm giả lưu hành tràn lan, nhưng ngành thanh tra dược phẩm của bộ Y tế CSVN, cũng như các đội kiểm tra thị trường vẫn đang lúng túng trong “xử lý”. Theo báo cáo của cục Quản lý thị trường CSVN thì Hà Nội là thị trường nội địa tiêu thụ mỹ phẩm giả nhiều nhất và cũng là thành phố có nhiều nạn nhân của loại hàng này như ghi nhận sau đây của báo trong nước:
Một phụ nữ với bộ mặt sưng húp lên tìm đến một phòng khám tư ở Hà Nội. Chỉ vì muốn giữ chồng, chị đã nghe lời bạn bè quyết tâm tân trang lại sắc đẹp. Bỏ ra một chút tiền, chị tìm đến một shop mỹ phẩm sang trọng. Một cây son, một hộp phấn, một lọ kem dưỡng da... của Hãng mỹ phẩm nổi tiếng Nhật Bản Shiseido đã được chị lựa chọn. Oái ăm thay, chỉ sau vài giờ bôi những thứ mỹ phẩm đó, chị đã trở thành một bệnh nhân với căn bệnh dị ứng nặng.

Vì lý do gì mà sản phẩm của một hãng mỹ phẩm nổi tiếng như Shiseido lại mang lại hậu quả xấu đến như vậy cho người dùng" Quả là quá oan cho Shiseido. Hãng mỹ phẩm Shiseido bắt đầu có mặt tại Hà Nội vào tháng 8.1998 và chỉ có hai đại lý phân phối độc quyền tại 63 Lý Thái Tổ và 49 Hai Bà Trưng. Ngay lập tức ở khắp các chợ bán buôn mỹ phẩm đến các shop thời trang đều xuất hiện Shiseido với giá rất bình dân. Một chủ hàng tại chợ Gia Ngư cho hay, Shiseido của Trung Quốc, của Thái Lan hay của Sài Gòn đều có cả để phục vụ cho mấy cô mấy bà đang tập trang điểm. Người mua nghe nói mỹ phẩm của hãng này xịn, hãng kia model, thế là cứ hào phóng mua mà không hề biết rằng chất lượng ra sao. Kết cục của việc làm đẹp của những người phụ nữ là đến cơ sở y tế chữa bệnh. Nhân dịp tổng kết hoạt động năm 1998, Cục Quản lý dược VN đã đưa ra một nhận xét đầy lạc quan: Công tác quản lý, đăng ký mỹ phẩm tuy mới mẻ nhưng đã có hiệu quả tốt, số người bị tai biến do dùng mỹ phẩm gây ra giảm nhiều so với khi chưa đăng ký.... Thế nhưng, theo Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Năng An - chuyên gia đầu ngành về dị ứng - cho biết, nếu năm 1996 có 30 bệnh nhân phải đến khoa Dị ứng - Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu vì dị ứng mỹ phẩm thì năm 1997 số bệnh nhân này đã tăng lên trên 60 bệnh nhân và năm 1998 với gần 100 bệnh nhân.
Bạn,
Theo tài liệu của Cục quản lý Dược thuộc bộ Y tế CSVN, trong năm 1998 có thêm 477 mỹ phẩm được cấp số “đăng ký”, cộng với 86 tên mỹ phẩm được cấp phép thì hiện nay số mỹ phẩm đang có ở Việt Nam vào khoảng 600 loại. Khi được hỏi số mỹ phẩm đã được cấp phép này chiếm bao nhiêu phần trăm số mỹ phẩm đang có trên thị trường thì các quan chức của cơ quan này đã lúng túng, vì không kiểm tra được số hàng mỹ phẩm lưu hành trên thị trường. Tiếp xúc với báo chí, một đại diện của Hãng mỹ phẩm Shiseido đã bày tỏ sự lo ngại về tình trạng mỹ phẩm giả tràn lan trên thị trường. Vị đại diện này cho biết mặc dù chấp hành mọi quy định về mặt pháp lý, nhưng hãng này không được bảo vệ quyền sở hữu của mình!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.