Hôm nay,  

Văn Chương Trên Giàn Hỏa Thiêu

25/02/202200:34:00(Xem: 2943)

Hình bài chính trang nhất_tay phải

 

Tháng Hai, năm 2022, tờ The Atlantic công bố một bản tin mà người quan tâm đến chữ nghĩa sách vở không thể không nhíu mày suy nghĩ. Theo bản tin, Dân biểu tiểu bang Texas, ông Matt Krause, mới đây đã liệt kê một danh mục hơn 800 nhan đề sách bị liệt vào loại cấm lưu hành trong trường học, trong đó có rất nhiều sách với nội dung liên quan đến vấn đề chủng tộc và đồng tính (gọi chung là LGBTQ). Liền sau đó một nghị sĩ tiểu bang Oklahoma cũng đưa ra một dự luật cấm, không cho các thư viện trường học lưu trữ các sách có chủ đề và nội dung bị xem là “đồi trụy”. Đồng thời, Hội đồng Giáo dục quận hạt McMinn, bang Tennessee đưa ra sắc lệnh cấm học sinh không được phép đọc cuốn Maus của tác giả Art Spiegelman. (Maus là một tác phẩm hình họa, được trao giải Pulitzer, một cuốn tự truyện về người Do Thái bị Đức Quốc xã đối xử tàn bạo như con thú trong các trại tập trung, lò sát sinh thời Đệ Nhị Thế chiến).
 
Vẫn theo bài báo trên, Hội đồng Giáo dục Quận hạt đưa ra lập luận biện minh cho việc cấm chỉ của họ, rằng: Họ không phản đối sách vở nói về vụ thảm sát người Do Thái, nhưng họ không đồng ý với hình thức trình bày câu chuyện với những hình ảnh bạo hành, con người lõa lồ, hành vi tục tĩu và thô bạo như con thú, v.v. Họ kết luận sách vở kiểu này không tương thích với thanh thiếu niên đang theo học tại nhà trường.
 
Thực chất, đây là một vụ kiểm duyệt, không hơn không kém. Kiểm duyệt sách văn học (các nhan đề sách bị cấm đa phần là sách văn học) có nguyên ủy từ sự không hiểu hay không chịu hiểu từ phía nhà cầm quyền. Cấm xuất bản, trù giập, cô lập, gây khó dễ, bỏ tù nhà văn… là những biện pháp thường thấy nhà cầm quyền đem ra áp dụng để giập tắt tiếng nói phản biện, không theo đúng chính sách, có hại cho sự tồn tại của chế độ. Điều này, ở Việt Nam, đứa trẻ nít cũng biết, thiết tưởng tôi chẳng cần nói gì thêm.
 
Kiểm duyệt sách là sản phẩm của các chế độ phong kiến. Dưới đời Thuận Trị nhà Thanh bên Tàu, tại các nhà học của phủ huyện có dựng bia đá ghi rõ: sinh viên không được “công khai phát ngôn;” không được “lập hội kiết xã;” không được “san khắc văn tự.” Nghĩa là không được tự do ngôn luận; không được tự do lập hội; không được tự do xuất bản. Kim Thánh Thán, nhà phê bình lớn nhất trong văn học sử Trung quốc, sinh sống vào thời này, bị tội chết vì đã vi phạm cấm lệnh. Thế nhưng chẳng gì mỉa mai và chua xót hơn, những cấm lệnh dưới triều đại phong kiến ấy ngày hôm nay vẫn tồn tại một cách nghiệt ngã trong xã hội Việt Nam cộng sản.
 
Kiểm duyệt là hành động sai khiến bởi bản năng nhiều hơn là lý trí, xuất phát từ nỗi lo sợ của kẻ nắm quyền lực những ý tưởng trong sách vở sẽ làm tổn hại đến chế độ, sức mạnh, quyền cai trị của nhà cầm quyền, và họ nhân danh ý thức hệ (của họ) để thẳng tay đàn áp. Ai cũng biết vụ kiểm duyệt sách lớn nhất, kinh khiếp nhất trong lịch sử loài người là vụ đốt sách, giết Nho sinh do Tần Thủy Hoàng Đế nghe lời ông thừa tướng Lý Tư thực hiện. Tất cả sách vở của Nho gia từ nhiều trăm năm trước đó do Khổng Tử và các môn đệ của ngài san định bị đem ra đốt “để làm trăm họ ngu tối khiến cho thiên hạ không được lấy điều xưa mà chê ngày nay” như Tư Mã Thiên viết trong bộ Sử Ký vĩ đại của ông.
 
Bên trời Tây, đốt sách với mục đích triệt tiêu mọi di sản văn hóa của một dân tộc hay một sắc dân, phần nhiều chỉ xảy ra vào thời Cổ/Trung đại như vụ đốt thư viện Alexandria xứ Ai Cập thời đế quốc La Mã; vụ đốt thư viện thành Baghdad năm 1258; vụ đốt dược thư của các sắc dân bản xứ Mỹ châu Aztec, Maya sau khi thực dân Tây Ban Nha chinh phục Tân Thế giới.
 
Kỳ thực, phần thư là hành động man rợ, có thể sánh với hành động ăn gan nuốt mật kẻ đồng loại. Con người sớm biết điều đó nên sau Tần Thủy Hoàng mãi đến đời Càn Long nhà Thanh mới xảy ra vụ thứ hai, nhưng vụ này nhỏ hơn nhiều và bị đem ra đốt phần nhiều là sách vở bài xích người Mãn Châu do người Hán tộc viết nhằm mục đích khơi dậy lòng ái quốc của người Hán hầu đánh đuổi người Mãn dị tộc ra khỏi đất nước họ.
 
Đông hay Tây, những vụ đốt sách như thế trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại xảy ra không nhiều, bởi ngay cả ở thời Cổ đại người ta cũng đã mơ hồ cảm thấy đốt sách là hành vi tồi tệ đáng khinh bỉ, nó chỉ để lại vết nhơ khôn  tẩy xóa  cho hậu thế và bị xem là bề trái đen tối ngạo mạn của cái-gọi-là văn minh. Mặc dù rất nhiều lần trong lịch sử nhân loại, người ta chém giết nhau không gớm tay, nhưng đốt sách thì không xảy ra bao nhiêu.
 
Hơn nữa, làm sao dùng ngọn lửa “thiêu hủy” được cái vô hình tướng? Làm sao “thiêu hủy” được tư tưởng trong đầu óc con người? Sau khi Tần Thủy Hoàng Đế đốt Nho kinh, giết Nho sinh, tư tưởng Nho giáo ngay sau đó, vào thời nhà Hán, phát triển như thế nào trên đất Tàu thì ta cũng đã biết. Và ngày nay tư tưởng khao khát tự do của người dân Hong Kong vẫn mãnh liệt hơn bao giờ cho dù nhà nước cộng sản Bắc Kinh không ngớt tìm đủ mọi biện pháp bịt miệng họ, kể cả bắt bớ bỏ tù văn nghệ sĩ.
 
Thi thư dù lửa bạo Tần có thiêu.
 
Câu thơ của Vũ Hoàng Chương nói lên cái khí khái của những con người vẫn còn tin tưởng vào sức mạnh của chữ trước ngọn lửa của bạo lực.
 
Nhưng cũng chính bởi thế tôi đã rất kinh ngạc khi biết có một vụ đốt sách xảy ra tại Nam Việt Nam ngay sau 1975. Học giả Nguyễn Hiến Lê thuật lại sự việc này trong bộ Hồi Ký của ông xuất bản năm 1988 tại Mỹ, như sau:
 
“Một trong những công việc đầu tiên của chính quyền [Cộng sản] là hủy tất cả các ấn phẩm (sách, báo) của bộ Văn Hóa ngụy, kể cả các bản dịch tác phẩm của Lê Qúy Đôn, thơ Cao Bá Quát, Nguyễn Du; từ điển Pháp, Hoa, Anh cũng bị đốt. Năm 1976 một ông thứ trưởng văn hóa ở bắc vào thấy vậy, tỏ ý tiếc. Nhưng ông thứ trưởng đó có biết rõ đường lối của chính quyền không, vì năm 1978, chính quyền Bắc chẳng những tán thành công việc hủy sách đó mà còn cho là nó chưa được triệt để, ra lệnh hủy hết các sách ở trong Nam, trừ những sách về khoa học tự nhiên, về kỹ thuật, các từ điển thôi. Như vậy, chẳng những tiểu thuyết, sử, địa lý, luật, kinh tế, mà cả những thơ văn của cha ông mình viết bằng chữ Hán, sau dịch ra tiếng Việt, cả những bộ Kiều, Chinh Phụ Ngâm… in ở trong Nam đều phải hủy hết ráo…”
 
Thế kỷ XX chứng kiến hai vụ đốt sách: một, Quốc xã Đức thập niên 30; hai, Cộng sản Việt Nam thập niên 70. Vụ thứ nhất, cả thế giới rùm beng phản đối, kết án, để rồi sau đó xúm lại đập tan tành Hitler và bè lũ. Vụ thứ hai, chẳng ai thèm mở miệng, một phản ứng tiêu cực chiếu lệ cũng không, và những kẻ đốt sách cho đến ngày nay vẫn sống nhởn nhơ, trâng tráo. Lịch sử trong men say chiến thắng lên cơn đồng thiếp giở trò cưỡng bức vô-văn-hóa cực kỳ man rợ.
 
Lịch sử ấy được nhà văn Ngô Thế Vinh thuật lại nhiều lần trong các tác phẩm của ông, viết với nhiều đau xót và phẫn nộ. Là nhà văn lại phải chứng kiến cái trò phản-văn-hóa man rợ đó, Ngô Thế Vinh đau xót là phải. Trong cuốn Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa, ông miêu tả cảnh đốt sách và biểu lộ nỗi phẫn nộ của mình như sau:
 
“[…] Những ngày sau 30/4/1975, hai đứa con Vũ Hạnh trong bộ bà ba đen, tay cuốn băng đỏ, tới tòa báo Bách Khoa cũng là nơi cư ngụ của anh chị Lê Ngộ Châu. Trước khách lạ, đứa con gái nói giọng hãnh tiến: “Tụi con mới từ Hóc Môn về, cả đêm qua đi kích tới sáng.” Người dân lành nào vô phước đi lạc trên đường ruộng đêm đó có thể bị tụi nó coi là Ngụy. Những tên nằm vùng cùng với đám “cách mạng 30” này chỉ như phó bản đám Hồng Vệ Binh của Mao nhưng lại sau cả thập niên. Cũng chính những đám này là thành phần khích động chủ lực trong chiến dịch lùng và diệt tàn dư văn hóa Mỹ-Ngụy, chúng giẫm đạp những cuốn sách, nổi lửa đốt từng chồng sách rồi tới cả những kho sách. Những cuốn sách mà đa phần chúng chưa hề đọc, trong đó có cả một tủ sách Học Làm Người. Sách của những “tên biệt kích văn nghệ” còn được trưng bày trong tòa nhà triển lãm Tội Ác Mỹ Ngụy cùng với vũ khí chiến tranh và chuồng cọp, dĩ nhiên có sách của Dương Nghiễm Mậu, có cả cuốn Vòng Đai Xanh của người viết. […]”
 
Khác với Nguyễn Hiến Lê – tuy khá bất bình nhưng chỉ miêu thuật sự việc với đôi mắt bàng quan – nhà văn Ngô Thế Vinh đã không che giấu được sự phẫn nộ trong lòng khi viết những dòng chữ trên.
 
Phẫn nộ là phải.
 
Đồng ý, có kẻ say men chiến thắng không kềm chế được bản năng thú tính.
 
Đồng ý, có kẻ ăn theo, tâng công dua nịnh hầu kiếm chút bổng lộc, hư danh.
 
Đồng ý, trí thức miền Bắc lúc bấy giờ dửng dưng, xem như không phải chuyện của mình.
 
Đồng ý, trí thức miền Nam thuộc chế độ cũ thì bó tay bất lực vì đang nằm trong lao tù khắp ba miền đất nước.
 
Nhưng còn trí thức miền Nam thiên tả (trong cũng như ngoài nước), những người còn chút tiếng nói trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam như nữ bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, những người có học vị bên Tây, bên Mỹ, thì sao không thấy ai lên tiếng?
 
Đó cũng là vết ô nhục muôn đời khôn tẩy xóa!
 
*
 
Cái khôi hài là sự kiểm duyệt đôi khi đến từ một tập thể con người trong xã hội văn minh nhưng với khối óc u mê, cực đoan, bảo thủ và đầy thành kiến. Bạn nghĩ nước Mỹ tự do bình đẳng từ ngày lập quốc năm 1776 đến giờ không có kiểm duyệt ư? Bạn sai. Cuốn tiểu thuyết kinh điển The Invisible Man của nhà văn Ralph Ellison bị cấm, không được đem ra giảng dạy tại nhiều trường đại học Mỹ chỉ vì có chữ “nigger” trong sách! Một ta-bu thời đại. Những tác phẩm kinh điển của nhà văn Henry Miller, như cuốn Tropic of Cancer, lúc đầu cũng bị cấm xuất bản ở Mỹ vì bị xem là vô luân, và tác giả đã phải tìm nhà xuất bản bên Pháp để đưa sách mình đến tay độc giả Mỹ.
 
Và thật kinh ngạc những tác phẩm tiểu thuyết sau cũng có thời bị cấm đem vào nhà trường: The Catcher in the Rye, The Scarlet Letter, Huckleberry Finn, Harry Potter, The Diary of Anne Frank, Animal Farm, To Kill a Mockingbird, The Da Vinci Code, The Grapes of Wrath. Các ông bà mặt mày xấu xí khó đăm đăm trong các Hội đồng Giáo dục đưa ra viện cớ là những cuốn sách đó không tốt đẹp cho tâm hồn thanh thiếu niên! Luận điệu đó có khác gì với ông đạo Khomeini khi ông hạ chiếu chỉ fatwa truy sát, tầm xử nhà văn Rushdie? Khác biệt duy nhất là tác giả các cuốn sách nêu trên, nếu còn tại thế thì sinh mạng họ chẳng bị ai đe dọa thôi.
 
“Tôi không thích những điều anh/chị viết vì nó không phù hợp cảm quan nghệ thuật, căn bản luân lý, tín ngưỡng, quan điểm chính trị… của tôi, và tôi nhất quyết bịt miệng anh/chị. Tôi có quyền làm thế, bởi tôi nhân danh đấng sáng tạo ra tôi và việc làm của tôi được chứng thực bởi những người đứng sau lưng tôi.”
Hành vi, cung cách thô bạo đó của không ít người trong xã hội, bạn đừng tưởng chỉ xảy ra thời Trung cổ. Nó vẫn hung hãn hiện ra như con dao nhọn lúc nào cũng gờm sẵn bên sườn chúng ta ngày hôm nay.
 
Và chính vì thế tôi chẳng ngạc nhiên chút nào khi đọc bài báo nói trên trên tờ The Atlantic về những vụ cấm sách mới đây, đầu năm 2022 này, ngay giữa mùa đại dịch Covid-19, tại các tiểu bang bảo thủ, có nhiều thành kiến về chủng tộc và chính trị, ở miền Nam Hoa Kỳ như Texas, Oklahoma, Tennessee… Tờ báo cũng đưa ra hơn chục nhan đề sách tiêu biểu bị cấm hay sắp bị cấm, phần lớn là sách văn học, có cuốn từng được xem là kinh điển của văn học Mỹ. Danh sách dài lắm, dưới đây chỉ là những cuốn điển hình:
 
To Kill a Mockingbird, tác giả Harper Lee
The Handmaid’s Tale, tác giả Margaret Atwood
The Bluest Eye, tác giả Toni Morrison
Fallen Angels, tác giả Walter Dean Myers
Heather Has Two Mommies, tác giả Lesléa Newman
Maus, tác giả Art Spiegelman
Speak, tác giả Laurie Halse Anderson
His Dark Materials, tác giả Philip Pullman
Looking for Alaska, tác giả John Green
Between the World and Me, tác giả Ta-Nehisi Coates
The Hate U Give, tác giả Angie Thomas
Gender Queer, tác giả Maia Kobabe
In the Dream House, tác giả Carmen Maria Machado
All Boys Aren’t Blue, tác giả George M. Johnson
 
Ở Mỹ, chuyện sách bị cấm từng xảy ra cả trăm năm nay. Cuốn Maus và các sách khác không là những cuốn sách đầu tiên hay sau cùng bị cấm đọc, chúng là nạn nhân của một ý thức hệ cứng nhắc đầy thiên kiến, thù ghét. Những tác phẩm văn học trên đây đôi lúc phải sử dụng đến những ảnh tượng khốc liệt, tàn bạo để minh tường dụng ý của tác giả, nhưng đó là văn học, và hiểu sai văn học là điều khá thường tình xảy ra trong cuộc sống.
 
– Trịnh Y Thư
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tờ Việt Báo Kinh Tế số 28 ngày 13 tháng 2 năm 1993 có đăng bài thơ “Lửa, Thấy Từ Stockholm” của nhà thơ Trần Dạ Từ, nhân tuần lễ nhà văn Thảo Trường thoát khỏi nhà tù lớn đến định cư ở Hoa Kỳ. Đây là bài thơ Trần Dạ Từ viết từ 1989 rời Việt Nam, khi được các bạn Văn Bút Thụy Điển mời ăn cơm chiều, Ông nhớ đến bạn còn ở trong tù khổ sai dưới chân núi Mây Tào, Hàm Tân. 33 năm đã trôi qua kể từ ngày chúng ta chào đón nhà văn Thảo Trường đến Hoa Kỳ, 15 năm kể từ ngày Thảo Trường từ bỏ thế gian, Chiều Chủ Nhật tuần này, 22 tháng Sáu, nhân dịp tái xuất bản bốn cuốn sách của Thảo Trường (Hà Nội, Nơi Giam Giữ Cuối Cùng; Người Khách Lạ Trên Quê Hương; Ngọn Đèn; Lá Xanh), bạn bè văn hữu và gia đình cùng tề tựu tưởng nhớ Nhà Văn. Việt Báo trân trọng mời độc giả cùng đọc, cùng nhớ nhà văn lớn của chúng ta, một thời, một đời.
Thăm nuôi năm thứ mười: trại Z30D Hàm Tân, dưới chân núi Mây Tào, Bình Tuy. Cuối năm 1985, mấy trăm người tù chính trị, trong đó có cánh nhà văn nhà báo, được chuyển từ trại Gia Trung về đây. Hồi mới chuyển về, lần thăm nuôi đầu, còn ở bên K1, đường sá dễ đi hơn. Cảnh trí quanh trại tù nặng phần trình diễn, thiết trí kiểu cung đình, có nhà lục giác, bát giác, hồ sen, giả sơn... Để có được cảnh trí này, hàng ngàn người tù đã phải ngâm mình dưới nước, chôn cây, đẽo đá suốt ngày đêm không nghỉ. Đổi vào K2, tấm màn hoa hòe được lật sang mặt trái: những dãy nhà tranh dột nát, xiêu vẹo. Chuyến xe chở người đi thăm nuôi rẽ vào một con đường ngoằn nghoèo, lầy lội, dừng lại ở một trạm kiểm soát phía ngoài, làm thủ tục giấy tờ. Xong, còn phải tự mang xách đồ đạc, theo đường mòn vào sâu giữa rừng, khoảng trên hai cây số.
Theo một ý nghĩa nào đó, Farrington đóng vai trò là một kiểu người có thể thay thế hoặc tồn tại ở bất cứ đâu, có thể là một nhân vật đặc trưng nào đó nhưng cũng có thể là một người bình thường. Bằng cách chọn chủ thể như thế, Joyce đưa Farrington vào bối cảnh đường phố Dublin và gợi ý rằng sự tàn bạo của gã không có gì là bất thường. (Lời người dịch).
Thông thường người ta thỏa thuận những tác phẩm và những tác giả đó thuộc về văn học bản xứ với phụ đề “gốc Việt.” Thỏa thuận đó đặt cơ bản trên ngôn ngữ, có tên gọi “ngôn ngữ chính thống”, còn tiếng Việt là “ngôn ngữ thiểu số.” Tất cả những ý nghĩa này được nhìn thấy và định nghĩa từ những người bản xứ của ngoại ngữ. Còn người Việt, chúng ta nhìn thấy và nghĩ như thế nào? Hai tập thơ tiếng Hán của Nguyễn Du, thuộc về văn học Trung Quốc hay Việt Nam? Những bài viết, sách in tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Latin của các học giả và các linh mục dòng tên, thuộc về văn học nào?
Đứa trẻ đi học bị bạn bè bắt nạt ở trường về nhà mét mẹ, một đứa trẻ bị trẻ con hàng xóm nghỉ chơi, về nhà mét với mẹ, cô con gái bị người yêu bỏ về tâm sự với mẹ, v.v., nói chung những đứa trẻ cần bờ vai của mẹ, bờ vai mẹ là nơi các con nương tựa. Con cái thường tâm sự với mẹ về những phiền não hàng ngày hơn tâm sự với cha. Ngày của mẹ là ngày tưng bừng, náo nhiệt nhất. Cha thường nghiêm nghị nên trẻ con ít tâm sự với cha. Nói như thế, không có nghĩa là trẻ con không thương cha? Không có cha làm sao có mình, cho nên tình thương cha mẹ cũng giống nhau, nhưng trẻ con gần mẹ hơn gần với cha. Khi đi học về, gọi mẹ ơi ới: mẹ ơi, con đói quá, mẹ ơi, con khát quá, mẹ ơi, con nhức đầu, mẹ ơi,... Tối ngày cứ mẹ ơi, mẹ ơi. Nhất là những đứa trẻ còn nhỏ, chuyện gì cũng kêu mẹ.
Giải thưởng cho thể loại Tiểu Thuyết (Fiction) về tay nhà văn Percival Everett với tác phẩm James. Tiểu thuyết James là sự tái hiện nhân vật Huckleberry Finn trong tiểu thuyết Adventures of Huckleberry Finn của văn hào Mark Twain. Nhà văn Percival Everett kể lại góc nhìn của Jim, người bạn đồng hành của Huck bị bắt làm nô lệ trong chuyến du lịch mùa Hè. Trong James, Percival Everett đã trao cho nhân vật của Jim một tiếng nói mới, minh họa cho sự phi lý của chế độ chủng tộc thượng đẳng, mang đến một góc nhìn mới về hành trình tìm kiếm gia đình và tự do.
Văn học miền Nam tồn tại mặc dù đã bị bức tử qua chiến dịch đốt sách và cả bắt bớ cầm tù đầy đọa những người cầm bút tự do sau ngày Cộng sản Bắc Việt chiếm lĩnh miền Nam. Chẳng những tồn tại mà nền văn học ấy đã hồi sinh và hiện đang trở thành niềm cảm hứng cho các thế hệ Việt kế tiếp không chỉ ở hải ngoại mà còn cả trong nước. Có lẽ chưa có một nền văn học nào trên thế giới đã có thể thực hiện được những thành quả trong một thời gian ngắn ngủi chưa đầy một thế hệ như vậy. Bài viết này sẽ tổng kết các lý do dẫn đến thành quả của văn học miền Nam trong 20 năm, từ 1954 tới 1975, một trong hai thời kỳ văn học phát triển có thể nói là rực rỡ và phong phú nhất của Việt Nam (sau nền văn học tiền chiến vào đầu thế kỷ 20). Tiếp theo là việc khai tử văn học miền Nam qua chiến dịch đốt và tịch thu các văn nghệ phẩm, cầm tù văn nghệ sĩ của Việt cộng. Và kế là những nỗ lực cá nhân và tự nguyện để phục hồi văn học miền Nam tại hải ngoại và hiện trở thành nguồn cảm hứng cho các thế hệ Việt..
Văn học luôn được xây dựng trên tác giả, tác phẩm và độc giả, với những cơ chế tất yếu là báo, tạp chí văn học, nhà xuất bản, mạng lưới văn chương, và phê bình. Gần đây thêm vào các phương tiện thông tin xã hội. Trên hết là quyền lực xã hội nơi dòng văn học đang chảy, bao gồm chính trị, tôn giáo. Giá trị của một giai đoạn văn học được đánh giá bằng những thành phần nêu trên về sáng tạo và thẩm mỹ qua những cơ chế như tâm lý, ký hiệu, cấu trúc, xã hội, lịch sử… Việc này đòi hỏi những nghiên cứu mở rộng, đào sâu theo thời gian tương xứng.
Có lần tôi đứng trước một căn phòng đầy học sinh trung học và kể một câu chuyện về thời điểm chiến tranh Việt Nam chấm dứt, về việc tôi đã bỏ chạy sang Mỹ khi còn nhỏ, và trải nghiệm đó vẫn ám ảnh và truyền cảm hứng cho tôi như thế nào, thì một cô gái trẻ giơ tay hỏi tôi: “Ông có thể cho tôi biết tại sao cha tôi không bao giờ kể cho tôi nghe về cuộc chiến đó không? Cha tôi uống rượu rất nhiều, nhưng lại ít nói.” Giọng nói cô run rẩy. Cô gái bảo cha cô là một người lính miền Nam Việt Nam, ông đã chứng kiến nhiều cảnh đổ máu nhưng nỗi buồn của ông phần nhiều là trong nội tâm, hoặc nếu đôi khi thể hiện ra ngoài thì bằng những cơn thịnh nộ.
Chiến tranh là một nỗi đau dằn vặt của nhân loại vì không ai muốn nó xảy ra, nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy đến như một điều kiện cần thiết biện minh cho sự tồn tại của thế giới con người. Ngày Ba mươi tháng 4 năm 1975 là một cột mốc đánh dấu một biến cố chính trị trong lịch sử chính trị thế giới, ngày cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975) chấm dứt.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.