Hôm nay,  

Tưởng Niệm Tản Đà

13/06/199900:00:00(Xem: 6034)
Trong tuần vừa qua là vừa đúng 60 năm ngày mất của Tản Đà (7/6/1939-7/6/1999). Tản Đà là một nhà thơ lớn đầu thế kỷ 20 của VN. Bài viết của nhà phê bình Vương Trí Nhàn trên báo quốc nội đã trân trọng tưởng niệm thi hào Tản Đà như sau.
Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu sinh ngày 25-5-1889 tại Khê Thượng, Bất Bạt, Sơn Tây. Nhiều năm ông làm báo ở Hà Nội và cũng mất tại Hà Nội (ngày 7-6-1939). Các tác phẩm chính của ông: Khối tình con (1916), Giấc mộng con (1917), Giấc mộng lớn (1929), Thề non nước (1932), bản dịch Liêu trai chí dị (1937).
Giai đoạn lịch sử 1900-1930 thường được gọi là buổi giao thời của xã hội Việt Nam. Trong một thời gian ngắn, mô hình Trung đại phương Đông tan rã, một mô hình mới mà người ta thường gọi là mô hình hiện đại (song thực tế, là mô hình theo kiểu phương Tây) được hình thành.
Xã hội nào có người nghệ sĩ của xã hội ấy
Nói cách khác, trong cuộc đời những người cầm bút của một thời đại, người ta thường có thể đọc ra những khía cạnh mà chỉ riêng ở cái thời buổi ấy mới có, và trong khi ở những người bình thường những đường nét này thấp thoáng lờ mờ, thì ở những nhân vật xuất sắc, những đường nét ấy hằn lên rõ rệt. Với thời gian của mình, Tản Đà chính là một trường hợp như thế.
Xuất thân và học vấn
Không thể hình dung một người cầm bút như Tản Đà lại xuất thân từ một môi trường nào khác ngoài cửa Khổng sân Trình. Tuy sau này, ông cũng viết văn, viết báo bằng chữ quốc ngữ, nhưng cách suy nghĩ của ông vẫn là của người có qua Hán học. Với việc dịch Đại học, Kinh thi hoặc Thơ Đường, hoặc tranh cãi về đạo nho với Phan Khôi, ông tự trình bày cho thấy một vốn học mà lớp người theo sát ông như Khái Hưng, Thế Lữ... dù có biết chữ Hán, cũng không thể so sánh nổi. Theo nhận xét của Phan Khôi, Tản Đà “không chịu học” nhưng câu này phải hiểu với nghĩa là Tản Đà không chịu hoàn toàn chuyển sang phê phán Nho giáo như Phan Khôi, còn thực ra, cái vốn ngày trước đã giúp ông đủ vững vàng. Chữ Hán không cho phép người ta chỉ dựa vào năng khiếu để viết, như các nhà văn thời chữ quốc ngữ thuần tuý về sau.
Lý do để đi vào nghề cầm bút
Nếu thi đỗ trong mấy kỳ thi năm 1912 (thi vào trường Hậu bổ, thi Hương) thì có lẽ Nguyễn Khắc Hiếu đã học để ra làm quan như nhiều người đương thời. Sau khi thi trượt ông chỉ còn một cách duy nhất để tự khẳng định là đi hẳn vào sáng tác. Kèm theo thi trượt, những thất thiệt trong mối tình đầu, là một cơ may để ông hiểu ra sự đời mà cũng là mở đường cho cái ngông, cái bất cần, về sau trở thành cái tự trọng bao quát trong cách cư xử của người nghệ sĩ khi cầm bút. Rồi có lúc, Tản Đà sẽ tâm sự với một bạn trẻ: “Nếu tôi không thi trượt trường Nam thi tất nhiên đã bị hút vào cái khuôn khổ của một người tầm thường, có lẽ cũng có thể làm nên được một ông quan mà cái tài chỉ rút lại ở chỗ nay “bẩm” mai “sức”, cái sự nghiệp một đời chỉ ở chỗ no ấm cho vợ con”.
Sự thích ứng với hoàn cảnh
Xét về một phương diện nào đó, Tản Đà thuộc loại không may, học hành một đằng, lúc vào đời, thời thế lại kéo quặt ông sang một nẻo khác. Nhưng đây là một chỗ mạnh ở ông: ông không đầu hàng mà vật lộn đến cùng, để giành quyền sống, quyền góp mặt với đời. Từ một nhà nho ông nhảy ngay sang viết văn, viết báo. Ở đây, không chỉ đơn thuần cầm bút, ông còn đứng ra lập nhà xuất bản (Tản Đà thư cục) để in sách của riêng mình. Trong sự sáng tác cùng với thơ, ông sớm nhận lấy công việc viết văn xuôi theo kiểu hiện đại, bao gồm các loại văn ký sự có pha tự truyện (Giấc mộng lớn) hoặc đá khoa học viễn tưởng (Giấc mộng con). Ngoài ra còn soạn ca kịch. Xuân Diệu từng viết đại ý: “Tài năng của Tản Đà là ở trong thơ nhưng bản lĩnh của ông là ở trong văn xuôi - bản lĩnh ở đây hiểu là ý chí quyết tâm mà cũng là sự thích ứng”.
Vinh quang nghề nghiệp

Cùng với những Đông Hồ Lâm Tấn Phác, Á Nam Trần Tuấn Khải, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh... Tản Đà thuộc loại những nhân vật nổi tiếng nhất trong Văn học Việt Nam trước 1932. Do chỗ ngòi bút của ông khá tự nhiên và dễ dàng, nên số trang viết đứng tên ông thuộc loại đương thời khó ai theo kịp. Vượt lên trên những đầu sách cụ thể, ở đây còn có thể nói tới một cái gì như huyền thoại sống mà ông dựng tạo được chung quanh tên tuổi mình, nó từng in dấu vào tâm trí người đương thời. Khi ông làm báo, người ta gửi thư cho ông, đưa thơ nhờ ông sửa, có người còn cầu kỳ gửi cả những món ăn mà ông ưa dùng (như rau sắng chùa Hương). Ông vừa kêu túng, có người dúi ngay cho món tiền lớn để tiêu. Lại có những Mạnh Thường Quân đi đâu cũng muốn rủ ông cùng đi, nhờ những người này, ông có dịp ngao du sơn thuỷ, đi khắp từ Nam ra Bắc, và nhờ vậy, Tản Đà sớm trở thành một nhà thơ của cả nước, chứ không chỉ riêng vùng quê của mình.
Mãi mãi là người của thời xưa
Nếu có dịp nhìn lại những bức ảnh chụp các nhà văn từ 1932 về trước, người ta sẽ thấy nhiều người trong họ còn áo dài, khăn xếp, chứ không chịu mặc Âu phục. Trong những người không chịu thay lốt này có Tản Đà, và chính là bộ quốc phục kia có thể giúp chúng ta hiểu thêm một phần về con người của ông.
Trong nghề làm báo, Tản Đà không chỉ nổi tiếng với những bài thơ mượt mà, bài phiếm luận độc đáo, mà còn nổi tiếng vì quản lý luộm thuộm, đã mấy lần tờ An Nam tạp chí chết đi rồi sống lại trong tay ông. Sự say sưa rượu chè cũng như thói coi rẻ đồng tiền - mỗi khi có tiền trong tay, tiêu không biết xót - những cá tính ấy đứng ngoài mà nhìn, kể cũng hay hay, nhưng với cuộc đời riêng của người nghệ sĩ là những yếu tố phá hoại. Suy cho cùng, những thói quen ấy chỉ chứng tỏ Tản Đà chưa thoát khỏi quỹ đạo những nho sĩ tài tử thời phong kiến và không nhập được vào sinh hoạt văn hoá tư sản đang hình thành.
Một quá trình tương tự cũng đã xảy ra với sáng tác của ông. Mặc dù rất yêu thơ Tản Đà, nhưng đến lúc nào đó, lớp công chúng thành thị - là lớp người chủ yếu mau sách, mua báo nuôi sống ông - dễ cảm thấy thứ thơ ấy là không đủ cho cuộc sống của họ. Sự từ giã đến dần dần, trong sự lưu luyến của cả đôi bên, nhà thơ và công chúng. Và có lúc, sự chia tay ấy còn mang cả màu sắc hài hước, như người ta đọc được trên tờ báo Phong Hoá trong các năm 1932-1933: Những người như Nhất Linh, Khái Hưng, Tú Mỡ thường mang ông ra làm trò đùa, dù khi ông nằm xuống họ sẽ hết lòng thương cảm.
Kết cục buồn
Có thể là với chính Tản Đà cái nghèo không có mảy may nghĩa lý. Một là, xưa nay loại nghệ sĩ vốn sống nghèo như ông đã quá nhiều, và hai là, ông vốn coi đời như một sân khấu trước sau chỉ lấy việc nhập vào những vai mới mẻ làm chỗ hơn đời, vậy thì phải đứng ra xoay xoả mọi bề, đâu có làm ông khó chịu. Nhưng, đứng trên bình diện xã hội mà xét, việc một nhà thơ nổi tiếng khắp ba kỳ, một huyền thoại như ông có lúc phải mở cửa hàng xem số Hà Lạc để kiếm sống, cứ hiện ra như một cái gì thật chua sót. Và sự thực là Tản Đà đã chết trong cảnh túng bấn, nó làm tấn bi kịch nhiều người đời đương thời đã dự đoán, song không biết làm gì để cứu vãn.
Vai trò tiếp nối
Không phải chỉ có Tản Đà mà hàng loạt nhà Nho đã đến với văn chương, lập nghiệp bằng cái vốn “chữ nghĩa Tây Tàu chót dở dang” như ông. Nhưng sự dở dang ấy lại là bản mệnh của một thế hệ. Trong bài Cung chiêu anh hồn Tản Đà, mở đầu, Hoài Thanh đã nhân danh nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đương thời để ghi nhận “Có tiên sinh, người ta sẽ thấy rõ chúng tôi không phải là những quái thai của thời đại, những đứa thất cước không có liên lạc gì với quá khứ của giống nòi”. Cái cảm tưởng ấy cũng là điều còn đến trong tâm tưởng của nhiều nhà văn Việt Nam hôm nay. Càng xa ông, người ta càng cảm thấy không thể thiếu ông trên con đường trở về với các bậc tiền bối, như Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Tú Xương.. cũng tức là trở về với văn mạch của dân tộc. Trên ý nghĩa ấy mà xét, có thể bảo Tản Đà làm chứng cho sự liên tục của văn chương Việt Nam, cho sự thích ứng trước mọi hoàn cảnh của nhiều thế hệ những người cầm bút.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.