Hôm nay,  

Nguyên phi Ỷ Lan

27/08/201800:00:00(Xem: 2574)
Xuân Niệm

 
Ỷ Lan không chỉ là Hoàng Thái Hậu, mà cũng là một học giả uyên bác.

Hôm kia, ngày 24/8/2018 là tròn 901 năm bà Nguyên phi Ỷ Lan, Hoàng thái hậu triều Lý từ trần.

Tự điển Bách khoa Mở viết rằng bà Ỷ Lan (? – 24 tháng 8, 1117), hay còn gọi là Linh Nhân Hoàng thái hậu, là phi tần của hoàng đế Lý Thánh Tông, mẹ ruột của hoàng đế Lý Nhân Tông trong lịch sử Việt Nam.

Bà đã hai lần đăng đàn nhiếp chính, khiến đất nước dưới triều Lý được hưng thịnh, những đóng góp cho hoàng triều Lý nhất là về Phật giáo và tài năng trị nước của bà đều được sử gia khen ngợi và tán dương. Tuy vậy, để có thể có quyền hành nhiếp chính đất nước, bà đã mưu kế dựa vào Lý Thường Kiệt, phế truất và sát hại Thái hậu nhiếp chính tiền nhiệm là Thượng Dương Hoàng thái hậu. Việc làm này đã gây nên nhiều tranh cãi xung quanh bà.

Xuất thân của bà, các sách như Đại Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư đều không ghi chép rõ ràng. Chỉ biết bà họ Lê, người hương Thổ Lỗi, còn Ỷ Lan là tên do Lý Thánh Tông ban cho sau khi vào cung.

Theo truyện thơ nói về Ỷ Lan có tên là "Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca văn" của Trương Thị Trong thời Chúa Trịnh, thì bà có tên là Lê Khiết Nương. Tuy nhiên, cứ theo việc mẹ bà được gọi là Tĩnh Nương, ở một thời kỳ xưa từng rất phổ biến dùng từ đệm nương sau tên thật của người phụ nữ, thì có lẽ tên thực của bà (theo truyện thơ) là Khiết. Cũng có nguồn cho rằng, bà có tên là Lê Yến. Một học giả người Tống là Thẩm Hoạt trong sách "Mộng khê bút đàm" (quyển thứ 2) ghi tên bà là Lê Thị Yến Loan, nhưng học giả Hoàng Xuân Hãn cho biết đó chỉ là cách phiên âm từ tên Ỷ Lan mà thôi.

Theo truyền thuyết về bà, Ỷ Lan sinh ngày 7 tháng 3 năm Giáp Thân (7 tháng 4 năm 1044) tại hương Thổ Lỗi. Đời Nguyễn thuộc phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nay là làng Phú Thị thuộc xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Tuy nhiên trong truyện thơ trên, không nói rõ bà sinh năm nào, chỉ cho biết cha bà họ Lê, có nguồn ghi tên là Lê Công Thiết, làm chức quan nhỏ ở kinh thành Thăng Long. Và mẹ bà, theo truyện thơ chỉ ghi hiệu là Tĩnh Nương, có nguồn ghi tên là Vũ Thị Tĩnh, là một người làm ruộng tại hương Thổ Lỗi.

Đến năm Ỷ Lan 12 tuổi, thì mẹ ốm mất, cha lấy mẹ kế họ Đồng, nhưng ít lâu sau ông cũng qua đời. Kể từ đó, bà sống với người mẹ kế, hai người rất hòa thuận.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Bản kỷ toàn thư, quyển 3) chép:

..."Tục truyền rằng vua (Lý Thánh Tông) cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, mới đi chơi khắp chùa quán. Xa giá đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy có một người con gái hái dâu cứ đứng tựa trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu phong làm Ỷ Lan phu nhân"...

Theo truyện thơ trên, thì đó là năm Giáp Thìn (1064), khi vua Lý Thánh Tông đến chùa Thổ Lỗi cầu tự và mở hội tuyển cung nữ. Song có nguồn cho rằng đó là vào mùa xuân năm 1063, khi vua đi cầu tự ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), qua hương Thổ lỗi, ngài vén rèm nhìn ra, thấy từ xa có người con gái tựa vào cây lan và cất tiếng hát trong trẻo. Sau đó thì đưa người con gái ấy vào cung.

Lê thị vào cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân, nơi ở là Du Thiền các. Tên hiệu Ỷ Lan nghĩa là tựa vào gốc lan, Thánh Tông ban phong hiệu này để lấy làm kỷ niệm của việc gặp gỡ giữa hai người. Thánh Tông sang tuổi 40 mà chưa có con trai nối dõi, sai chi hội hậu nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa. Nhà sư dạy cho Bông thuật đầu thai thác hóa, Bông nghe theo. Việc phát giác, đem chém Bông ở trước cửa chùa. Người sau gọi chỗ ấy là Đồng Bông. Chùa ở xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm. Đồng Bông ở phía tây trước cửa chùa, nay hãy còn.

Mùa xuân, tháng Giêng, năm 1066, Ỷ Lan phu nhân sinh ra Hoàng tử Lý Càn Đức. Ngày hôm sau, lập làm Hoàng thái tử, đổi niên hiệu, đại xá, và phong mẹ là Ỷ Lan phu nhân làm Thần phi.

Năm Mậu Thân, năm 1068, bà lại sinh ra Minh Nhân vương, có thuyết sau đó là Sùng Hiền hầu. Thánh Tông cho đổi hương Thổ Lỗi làm hương Siêu Loại, và phong Thần phi làm Nguyên phi, đứng đầu các phi tần trong cung.

Tháng 2 năm Kỷ Dậu (1069), Lý Thánh Tông thân chinh đi đánh Chiêm Thành. Tin cậy, trước khi đi nhà vua trao quyền điều khiển chính sự ở triều đình cho Nguyên phi, giúp sức có Lý Đạo Thành, là Thái sư đầu triều đương thời.

Ra trận, Thánh Tông đánh mãi không được, bèn lui binh. Khi đem quân về đến châu Cư Liên (Tiên Lữ, Hưng Yên), thì nghe tin Nguyên phi làm rất tốt việc nội trị, lòng dân cảm hóa hòa hợp, trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm.

Thánh Tông nói: ..."Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao!". Bèn quay lại đánh nữa, bắt được vua nước ấy là Chế Củ và 5 vạn người.

Năm sau (1070), Chế Củ xin đem đất ba châu: Địa Lý, Ma Linh, Bố Chính (tức vùng Quảng Bình và Quảng Trị) để chuộc tội. Giang sơn Đại Việt bước đầu mở rộng xuống phía Nam.

Tháng Giêng, năm 1072, Thánh Tông hoàng đế lâm bệnh nặng rồi băng hà, thọ 50 tuổi, trị vì được 18 năm. Hoàng thái tử Lý Càn Đức kế nghiệp, sử gọi là Lý Nhân Tông. Nhân Tông kế nghiệp khi mới 7 tuổi, nên tôn đích mẫu là Dương hoàng hậu làm Thượng Dương hoàng thái hậu, và để cho Thái hậu cùng dự việc triều chính, có Thái sư Lý Đạo Thành giúp đỡ công việc.

Ỷ Lan Nguyên phi được tôn làm Hoàng thái phi, không có quyền xen vào việc triều chính. Nhưng rồi, dưới lợi thế là mẹ đẻ của Hoàng đế, cùng sự liên kết với Thái úy Lý Thường Kiệt, bà đã khiến Nhân Tông ra chiếu chỉ phế truất Thượng Dương thái hậu. Sau đó, Ỷ Lan đã ra lệnh giam Dương Thái hậu cùng 72 cung nhân khác vào lãnh cung. Đến khi phát tang chôn cất Thánh Tông hoàng đế, Thái hậu cùng các cung nhân bị buộc phải chôn theo...

Bên cạnh công lao ổn định và phát triển đất nước, bà Ỷ Lan còn có hai việc nổi bật đã được sử cũ biên chép, đó là việc "chuộc người" (năm 1103) và việc "đề xuất lệnh cấm trộm trâu và giết trâu bừa bãi" (năm 1117) như đã kể trên. Việc thứ nhất, được sử thần Ngô Sĩ Liên khen là: "Thái hậu đổi đời cho họ, cũng là việc làm chân chính vậy". Còn việc thứ hai khiến nhiều người dân càng kính trọng và biết ơn bà, bởi "con trâu là đầu cơ nghiệp".

Tuy nhiên, trong trang sử đời bà không khỏi có một vết đen, đó là việc giết chết Thái hậu Thượng Dương và 76 người thị nữ. Tục truyền rằng bà rất hối về việc này nên đã làm nhiều chùa Phật để sám hối, rửa oan.

Xét khía cạnh khác, qua bài kệ của bà còn lưu lại trong cuốn Thiền uyển tập anh, đã chứng tỏ bà không chỉ là người "hiểu sâu tôn chỉ" đạo Phật, mà còn là người giỏi chữ nghĩa. Và theo GS. Nguyễn Khắc Thuần, "chính những lời đối đáp giữa bà với các bậc cao tăng đã đặt nền tảng đầu tiên cho việc ra đời của sách Thiền uyển tập anh rất có giá trị sau này".

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.