Hôm nay,  

Trẻ Sơ Sinh Trại Mồ Côi

03/05/199900:00:00(Xem: 15327)
Bạn,
Theo báo trong nước, hơn 2/3 số trại nuôi trẻ mồ côi tại Việt Nam là do các tổ chức từ thiện điều hành, tuy nhiên nguồn tiền để điều hành trại phần lớn nhờ vào sự tự lực của ban điều hành trại, các khoản trợ giúp từ các hội đoàn, tổ chức quốc tế cũng rất “khiêm nhượng”. Hoạt động trong điều kiện tài chánh vô cùng chật vật, trong sự thiếu thốn về phương tiện, trang bị, nhưng những “bà mẹ nuôi” đã vượt qua được mọi khó khăn để chăm sóc trẻ cô nhi bất hạnh như câu chuyện sau đây tại Vinh Sơn 1 ở miền Cao nguyên Nam Trung phần theo ghi nhận của báo trong nước:
Trại Vinh Sơn 1 hiện đang nuôi dưỡng 35 trẻ sơ sinh nhưng chỉ có 20 chiếc nôi, số trẻ còn lại đành phải ngủ dưới sàn nhà được trải bằng mấy manh chiếu xơ xác và những miếng trải không còn lành lặn. Các trẻ lớn hơn thì đều ngủ trên sàn nhà. Đa số các trẻ đều ăn mặc tồi tàn. Tã lót của các trẻ nhỏ là những miếng vải rách được quấn sơ sài, trẻ lớn hơn thì mặc những bộ đồ quá cũ, nhàu nát và dơ bẩn. ở cô nhi viện hầu như không tìm thấy được một món đồ chơi nào nên trò chơi chính của trẻ ở đây là nghịch đất cát, đồ vật và đánh đu, có lẽ chiếc đu quay nhỏ là đồ chơi duy nhất ở Vinh Sơn 1. Một Dì nói với chúng tôi: “Ăn còn không đủ huống chi là quần áo, đồ chơi”.
Nguồn quần áo của các em chỉ trông chờ vào các tổ chức từ thiện thỉnh thoảng có ghé qua”. Phòng của các trẻ gái lớn, khoảng từ 5-11, 12 tuổi, là một căn gác sát gần mái nhà nên nóng bức và vô cùng chật chội, ngột ngạt... Nhân viên ở đây quá ít, tám người; phải chịu trách nhiệm 170 cháu nên chỉ có thể tập trung chăm sóc các trẻ sơ sinh và chập chững biết đi, số trẻ còn lại chủ yếu tập cho chúng tự quản, các trẻ lớn trông nom các trẻ nhỏ hơn.

Giữa trưa, những đứa trẻ lớn đi làm rẫy cùng các dì mới lũ lượt kéo về. Khoảng mười mấy em trai, gái độ 13-14 tuổi gương mặt mệt mỏi, quần áo lấm bùn sình, chân đất, vai vác cuốc, thuổng đi ngang qua chúng tôi. Đó là những em học buổi chiều nên tham gia lao động buổi sáng, còn các em học buổi sáng sẽ làm ca lao động chiều. Một số em đang ngồi chơi trong sân ùa ra đón các “nông phu” về. Vì không có gia đình nên các em đều thân nhau và xem nhau như anh em ruột thịt.
Bạn,
Theo ghi nhận của các phóng viên đến thăm trại này, các trẻ bất hạnh đã yêu thương các Dì bằng một thứ tình yêu khó diễn tả nổi. Phóng viên kể lại khi một Dì dẫn họ ngang qua sân, các trẻ đang chơi quanh đó lập tức bỏ hết mọi trò chơi bu lại quanh Dì, nhiều bé nhào lại ôm cứng lấy chân Dì. Thế là dọc đường lên cầu thang, theo họ và bà Dì là cả một bầy trẻ rồng rắn, bé thì vịn tay cầm đi lắc lư, bé bò lên từng bậc một. Cứ thế các Dì vất vả lu bu với đám trẻ suốt ngày, cứ luẩn quẩn tắm rửa, thay đồ, cho ăn, ru ngủ, trông chừng, nấu ăn, giặt quần áo, làm nương rẫy... Mải miết làm lụng chăm chỉ như những chú ong thợ không cần biết đến giờ giấc, các Dì tự tổ chức nhiều bộ phận khác nhau, phân công nhau làm việc nhịp nhàng. Điều kiện sống kham khổ làm các Dì hầu như người nào cũng có bệnh nhưng họ đều vui tính và hồn nhiên một cách kỳ lạ. Quần áo lúc nào cũng lắm lem bùn đất, bạc phếch. Những bàn tay to, nứt nẻ vì phải lao động nặng vẫn chăm chút cho từng trẻ bằng một sự dịu dàng đáng ngạc nhiên. Họ là những người chưa hề được làm mẹ nhưng tấm lòng họ sáng ngời tình thương của bà mẹ đích thực dành cho những đứa trẻ khốn cùng!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.